TIN TỨC
  • Góc nhìn văn học
  • Hành trình đơn độc - Hay là Giá trị thơ thời công chúng có quyền lực trên Facebook

Hành trình đơn độc - Hay là Giá trị thơ thời công chúng có quyền lực trên Facebook

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-02-09 12:36:16
mail facebook google pos stwis
1227 lượt xem

LÊ THIẾU NHƠN

Khi Facebook phổ cập đời sống, thì công chúng bỗng dưng xác lập được một giá trị khác của thơ. Nói cụ thể hơn, bất cứ một giải thưởng thơ hoặc một tác phẩm thơ nào, thì những ánh mắt khắt khe nhất để đánh giá, không phải là ban giám khảo trực tiếp mà là quyền lực trên không gian mạng. Đó là điều đáng lo hay đáng mừng?

Trước hết, xin khẳng định lại một điều cơ bản, tác phẩm văn chương đích thực không sợ sự khen chê, mà chỉ sợ sự lãng quên. Những tranh luận có thể thừa một chút nộ khí và thiếu một chút bình tĩnh, cũng cho thấy công chúng vẫn quan tâm đến thi ca. Bây giờ, nhờ tiện ích công nghệ, những người sáng tác nhận ra năng lực cảm thụ của công chúng đã đa dạng hơn và thái độ bày tỏ của công chúng cũng đã phong phú hơn. Bằng Facebook cá nhân, mỗi người đều có thể đưa ra nhận định riêng về thơ hoặc giải thưởng thơ. Cho nên, quyền đánh giá chia đều cho tất cả mọi người. Ý kiến trên mạng xã hội cũng là một “ban giám khảo” khác, nhộn nhịp hơn và vui vẻ hơn.

Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác trực tiếp với thực trạng xã hội, chứ độc giả đã chán ngấy những vần điệu than mây khóc gió. Tôi cho rằng, có không ít thơ hay vẫn đang nằm trong sổ tay của các nhà thơ, và bị sự bận bịu cơm áo giam kín lại. Giữa thời cuộc đang âu lo về sự sạt lở nhân tính, nhà thơ rất cần có thêm sự can đảm mới mong có được những bài thơ rung động công chúng.

Mối quan hệ giữa thơ với giải thưởng thơ và công chúng thơ, thực sự mơ hồ và mông lung. Thơ có cần đi qua giải thưởng thơ để đến với công chúng thơ chăng? Có chứ, nếu những người tổ chức giải thưởng thơ không ung dung chủ quan ngồi chờ sung rụng, kiểu được hoa mừng hoa được nụ mừng nụ. Tiền thưởng tuy quan trọng, nhưng không quan trọng bằng thiện chí của nơi đăng cai. Giải thưởng thơ phải cao hơn một chốn tranh tài, mà phải là một chốn hội tụ những giọng điệu khác nhau, những thể nghiệm khác nhau, những thao thức khác nhau của người làm thơ. Nếu đạt tiêu chí ấy, thì giải thưởng thơ mới làm được chiếc cầu nối đáng tin cậy giữa thơ và công chúng thơ.

Tuy nhiên, không có giải thưởng thơ thì thơ vẫn xuất hiện. Lầm lũi viết những câu thơ, để làm gì nhỉ? Nhọc nhằn viết những câu thơ, để làm gì nhỉ? Đau đớn viết những câu thơ, để làm gì nhỉ? Không hề dễ dàng trả lời khi cuộc sống hối thúc mỗi người phải nhìn vào túi tiền đầy vơi, phải nhìn vào danh vọng cao thấp, phải nhìn vào hạnh phúc ngắn dài... Chẳng ai chọn thơ để mưu sinh, nhưng thơ vẫn tồn tại, bất chấp không gian nhộn nhịp hay nhân tình lạnh lẽo. Vì thơ luôn cho con người cơ hội thấu hiểu bản thân. Chỉ cần xuất hiện đúng lúc, thơ trợ lực con người chiến thắng sự yếu hèn và đánh bại sự sợ hãi. Đoạn cuối Hán Sở tranh hùng, Hạng Vũ (232-202 trước Công nguyên) bị Hàn Tín vây khốn ở Cai Hạ. Cái chết của bá vương lừng lẫy bên bờ Ô Giang chắc chắn sẽ oan nghiệt hơn và bẽ bàng hơn trong mắt hậu thế, nếu Hạng Vũ không để lại bài thơ Cai Hạ ca ngậm ngùi cùng nàng Ngu Cơ: “Lực bạt sơn hề, khí cái thế.  Thời bất lợi hề, Truy bất thệ. Truy bất thệ hề, khả nại hề. Ngu hề, Ngu hề, nại nhược hà”. Khoảnh khắc sinh tử, thơ bật ra xoa dịu cho lòng cay đắng, thơ bật ra vuốt mắt cho kẻ sa lầy, để rồi ngàn năm sau thơ phục dựng trái tim bậc kiêu hùng ngã ngựa vẫn múa kiếm hát vang! Xã hội càng tiến bộ, thơ càng được in ồ ạt. Tín hiệu ấy đáng mừng chứ không phải đáng lo, bởi ai cũng được bày tỏ niềm riêng, ai cũng được dự phần sáng tạo. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức cho độc giả, đòi hỏi phải chọn lọc hơn, phải tinh tế hơn. Trước bao nhiêu vần điệu du dương đầy thỏa mãn, người đọc lương thiện sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều sự thật ê chề và nhiều trắc ẩn chênh vênh bị xua đuổi khỏi những trang thơ tán tụng đong đưa. Quá trình đô thị hóa hối hả, nhiệm vụ nặng nề của thi ca là níu giữ giùm cộng đồng chút giá trị ít ỏi của những vẻ đẹp thoáng qua như những nỗi mơ mộng hắt hiu.

Thế kỷ 21, dù áp dụng ẩn dụ mạnh mẽ và dù theo đuổi trường phái tân kỳ, thì vai trò của nhà thơ cũng sẽ lu mờ dần trong tài sản tinh thần hiện đại, nếu chúng ta không học cách bênh vực sự chân thành lặng lẽ đang chới với giữa sự toan tính khéo léo và sự hào nhoáng tráo trở. Đức tin dành cho thi ca vẫn còn nguyên, nếu từ run rẩy chữ nghĩa mong manh nhói lên giọng thơ buồn u uẩn góp phần hóa giải tổn thương thời đại!

Những câu thơ viết trên tờ giấy úa nhàu hoặc những câu thơ viết trên màn hình di động, đều không thể che đậy được tâm trạng cô đơn của nhà thơ. Trong hữu hạn kiếp người, một cá nhân vô cùng nhỏ bé khi so sánh với một đám đông, nhưng một cá nhân vẫn đại diện cho một đám đông lúc bài thơ bắt đầu bằng thái độ phân vân giữa việc nâng niu cái phổ quát và việc tôn trọng cái khác biệt. Thơ nối gần gũi với mông lung! Thơ nối bận bịu với xa vắng! Người Việt muốn hội nhập văn hóa thế giới, điều trước tiên phải làm là tự soi rọi tâm hồn mình, để suy nghiệm tâm hồn Việt nắng mưa nhẫn nại, tâm hồn Việt gió mây chịu đựng, tâm hồn Việt dằn vặt yêu thương, tâm hồn Việt bãi bờ tha thứ, tâm hồn Việt đại ngàn khoan dung. Thi ca có thể gánh vác sứ mệnh ấy, nếu công chúng chia sẻ được những thao thức của nhà thơ chưa bao giờ khô cạn trên từng dòng bản thảo xanh xao. Công chúng chưa bao giờ quay mặt với thơ. Thế nhưng, nhà thơ lại đang loay hoay trong những ứng xử ít chất thơ.

Trước khi trách công chúng hờ hững, thì phải trách nhà thơ chưa sòng phẳng với thơ. Cụ thể hơn, chúng ta đang khan hiếm những tiếng nói chân thành và thẳng thắn dành cho thơ. Chúng ta đang thừa chiêu trò mà đang thiếu khát vọng, đang thừa hư vinh mà đang thiếu phong cách, đang thừa giải thưởng mà đang thiếu tác phẩm, đang thừa chen lấn mà đang thiếu cá tính, đang thừa quan chức mà đang thiếu danh sư… Nghịch lý ấy, được thúc đẩy từ thái độ khôn ngoan và toan tính khôn vặt theo kiểu kinh tế thị trường. Không ít người đang xem sản phẩm sáng tạo như một phương tiện để mưu cầu lợi ích, hơn là cống hiến cho cộng đồng. Mà khi đã có ý niệm mua bán và trao đổi, thì ai cũng tuân thủ nguyên tắc “dĩ hòa vi quý”, ai cũng chấp nhận phương pháp “hòa khí sinh tài” và ai cũng vun vén luật chơi chợ xổm “được hàng tôi, trôi hàng bà” giữa thời siêu thị đã tràn ngập khắp nơi. Từ đó nảy sinh những màn nhảy múa ồn ả của “cá mè một lứa”, và đẩy những nhân tố có thực lực ít chịu thỏa hiệp bầy đàn vào cảnh “áo gấm đi đêm”.

Hành trình sáng tạo nào cũng đơn độc. Nhà thơ nhẫn nại và nhẫn nhục trước bản thảo, thì thi ca mới có cơ hội bay bổng vào lòng công chúng. Nhà thơ chết vì thơ thì thơ sống, mà nhà thơ sống bằng thơ hoặc bằng giải thưởng thơ thì thơ chết. Bài toán oái oăm kia, chưa bao giờ nguôi ám ảnh từng thế hệ bạn đọc.

Công chúng luôn công tâm, thời gian luôn công tâm. Trong những giấc mơ nặng trĩu kiếp người, thơ vỗ về và an ủi đắng cay, thơ chở che và nâng đỡ bất hạnh. Nhà thơ không cần sốt ruột với những lời tán tụng rộn ràng và tràng vỗ tay phù phiếm, vì công chúng vẫn đợi nhà thơ ở cuối con đường khấp khểnh âu lo và lận đận. Và từng câu thơ mang ánh sáng số phận của nhà thơ được san sẻ cho số phận của bạn đọc vô danh một cách nhân ái và bao dung.

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2022

Bài viết liên quan

Xem thêm
Phi hư cấu
Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 27 tháng 8/2024
Xem thêm
Chuyện Làng Văn và... người văn
Nguồn: Mục Góc nhìn của Tạp chí Sông Lam.
Xem thêm
Nét văn hóa độc đáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi đầu sự nghiệp chính trị từ việc làm báo. Sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp ngành ngữ văn, ông về làm báo tại tạp chí Cộng sản (trước đây là tạp chí Học tập) - cơ quan lý luận của BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam. Được đào tạo cơ bản, đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng và nhà nước, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của TBT Nguyễn Phú Trọng đậm dấu ấn văn hoá từ quan điểm chính trị đến mối quan hệ giữa con người với con người.
Xem thêm
Kỷ niệm sâu sắc với Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP gửi cho Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Công và tội của việc khen sách
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 29, ngày 20/7/2024.
Xem thêm
Thích Minh Tuệ: Thức tỉnh mê trầm - Góc nhìn văn học
Những ngày gần đây, có vẻ như Phật giáo đang rơi vào cơn bão của sự khủng hoảng truyền thông, con người lạc vào mê trận niềm tin tín ngưỡng ồn ã đa chiều, mặc dù trước đây, Phật giáo cũng đã từng gây ra tranh cãi trong cộng đồng phật tử từ câu chuyện một vài sư thầy giảng đạo đi ngược lại tinh thần nhà Phật, gieo rắc những bài thuyết giảng tà kiến hù dọa con người, đã không ít lần dư luận lên án và bức xúc, nhưng nó giống như một con sóng dồn dập rồi tan vào cát, tiếp nối, kéo dài làm người ta trở nên chán ngán đến dửng dưng, nhưng thường khi điều gì vụt lên quá cao hoặc rơi xuống đáy sâu thì sẽ có một sự việc, hiện tượng làm cho nó đảo chiều ngược lại.
Xem thêm
Chúng ta học gì từ sư Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Đang cảm hứng thì trải nghiệm, nhưng các bạn tin tôi đi, chỉ một thời gian nữa, vẫn chỉ một mình sư, với đôi chân bền bỉ của mình tự rong ruổi muôn nơi...
Xem thêm
Làm mới Truyện Kiều
Truyện ngắn “Mây bồng” tác giả Nguyễn Trường in Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 18+19, ra ngày 30/4/2022 đặt ra vấn đề bảo tồn Truyện Kiều trong xã hội phát triển.
Xem thêm
Có duyên gặp Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta thấy đời sống Phật giáo xuất hiện nhiều “nan đề” như lúc này. Xuất hiện những ngôi chùa vận hành kiểu doanh nghiệp với “doanh thu” không bao giờ được công bố. Sự kiện pháp hội được tổ chức rình rang bị nghi là lừa đảo. Sư phạm giới chỉ cần hoàn tục đem theo hàng trăm tỷ đồng thu được trong quá trình tu về tiêu riêng là xong…
Xem thêm
Hệ lụy khi nhà văn ít đọc sách
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Nhà văn Phương Huyền: Khuyến đọc cũng là một phần trách nhiệm của nhà văn
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, Sở TT-TT TPHCM đã công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025, trong đó có nhà văn Phương Huyền - người có nhiều hoạt động khuyến đọc trong thời gian qua. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
Xem thêm
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm