- Góc nhìn văn học
- Khi cái ác được dung dưỡng
Khi cái ác được dung dưỡng
Êrốtxrát và Klêmentin đôi lứa xứng đôi bởi tham vọng và dục vọng. Chúng không chỉ là nhân vật hư cấu của kịch tác gia Grigogi Gorin mà còn là những nhân vật bước ra khỏi ánh đèn sân khấu. Chúng hiện thân cho cái ác và oái ăm thay, cái ác đó lại được dung dưỡng bởi lòng tham. Tham danh, tham lợi, tham hưởng thụ. Và tham cả sự bất tử. Chúng hiện diện không chỉ ở thời điểm hơn 2000 năm trước, không chỉ trong phạm vi một thành bang. Chúng đi xuyên qua thời gian. Chúng có mặt khắp nơi. Chúng muôn hình vạn trạng. Chúng ẩn nấp. Chúng lộ diện. Và đau đớn thay, nói như người nhà hát nói: “Hắn đã tồn tại, đang tồn tại và rất tiếc là sẽ còn tái sinh nữa”
1.
Những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi được xem đôi lần vở kịch Êrốtxrát (Vụ án người đốt đền) qua sân khấu truyền hình và ấn tượng lúc đó cũng như cho mãi tới bây giờ vẫn là sự nhập vai xuất thần của những nghệ sĩ tài danh: Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Nguyệt Ánh…Kẻ đốt đền, phu nhân nguyên soái thành Êphetx là hai nhân vật vẫn ám ảnh cho tới giờ, ngay cả khi ngồi xem nghệ sĩ Văn Hải, NSND Lệ Ngọc thủ vai hai nhân vật trứ danh của lịch sử sân khấu thế giới.
Tôi cố gắng gạt khỏi trí nhớ hình ảnh Êrốtxrát và Klêmentin đã xuất hiện hơn 30 năm trước dù mình chỉ được xem trên màn ảnh truyền hình, để thưởng thức trọn vẹn sự diễn xuất tươi mới đang diễn ra trên sân khấu. Nhưng ký ức là thứ đeo bám lỳ lợm. Mà đâu chỉ là ký ức. Nó giống như cuộc gặp gỡ định mệnh tình đầu. Xua đuổi nó, lãng quên nó thật không dễ dàng…
Êrốtxrát và Klêmentin đôi lứa xứng đôi bởi tham vọng và dục vọng. Chúng không chỉ là nhân vật hư cấu của kịch tác gia Grigogi Gorin mà còn là những nhân vật bước ra khỏi ánh đèn sân khấu. Chúng hiện thân cho cái ác và oái ăm thay, cái ác đó lại được dung dưỡng bởi lòng tham. Tham danh, tham lợi, tham hưởng thụ. Và tham cả sự bất tử. Chúng hiện diện không chỉ ở thời điểm hơn 2000 năm trước, không chỉ trong phạm vi một thành bang. Chúng đi xuyên qua thời gian. Chúng có mặt khắp nơi. Chúng muôn hình vạn trạng. Chúng ẩn nấp. Chúng lộ diện. Và đau đớn thay, nói như người nhà hát nói: “Hắn đã tồn tại, đang tồn tại và rất tiếc là sẽ còn tái sinh nữa”
2.
Nguyên soái Êphétx, quan toà Klêông, hai nhân vật của vở Êrốtxrát mà hơn 30 năm trước đây đã không ghim vào ký ức tôi, lại là hai nhân vật khiến tôi bị cuốn hút.
Êphétx, người đứng đầu một thành bang, kẻ chăn dắt con dân lại là kẻ một dửng dưng, thờ ơ với số phận của người dân, của đất nước. Nguyên soái thành bang thiếu tất cả phẩm chất của người chịu trách nhiệm trước muôn dân, chỉ dư thừa sự ti tiện, hèn hạ, lòng tham vô độ cùng sự hưởng thụ bất chấp tất cả, đạo lý, pháp luật, nỗi thống khổ của người dân. Diễn xuất chừng như tưng tửng nhẹ hều của NSND Tiến Dũng đã lột tả được cái sức nặng của tội ác, phơi bày được bản chất tham tàn của một kẻ sống phởn phơn trên nỗi ai oán của muôn dân.
Klêông, nhiếp chính, người phán xử là một hình mẫu lý tưởng mà người dân không chỉ của thành bang Êphétx hơn 2000 năm trước khao khát có được. Anh ta làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ sự nghiêm minh của luật pháp, bảo vê sự tôn nghiêm của một thể chế. Quyết liệt, trung thực và trong sáng đến mức…ngờ nghệch trước dã tâm của thế lực bị thao túng và biến chất bởi ma lực của quyền và tiền. Trước kẻ mang lửa đốt đền thiêng, tên tội phạm bị nhốt vào nhà giam vẫn quyến rũ và làm tình với phu nhân nguyên soái trong ngục thất, mua chuộc không chỉ tên cai ngục, mua bán “bản quyền” với nguyên soái, kể cả những ghi chép nhơ nhuốc về cuộc hoang dâm của hắn với với vợ ông ta…và, dù đã làm mọi cách để tuân thủ pháp luật nhưng cuối cùng, Klêông buộc phải ra tay bóp cổ tên tội phạm đang gây thêm biết bao tội ác. Sự bất lực của quan toà, sự thua cuộc nhục nhã của pháp luật, của công lý được nghệ sĩ trẻ Quang Tú thể hiện khá thuyết phục và cũng cho thấy rõ hơn sự thật: “Sự sảo trá của con người còn mạnh hơn thần linh”
3.
Và sự ám ảnh dai dẳng của vở “Vụ án người đốt đền” trên sân khấu Lệ Ngọc, với tôi lại là thần thái sững sỡ và cuộc đấu lý giữa kẻ đốt đền với người của nhà hát, giữa quá khứ với hiện tại.
Người nhà hát ít xuất hiện, ít tham dự vào diễn biến câu chuyện, cũng như ít trích dẫn những câu nói khôn ngoan của triết gia khi nguyên soái thành bang cần, cũng không quyết liệt can gián Klêông khi anh ta rút dao định kết liễu bản thân vì thấy pháp luật chỉ còn là trò hề và quan toà chỉ là con rối, như trong kịch bản gốc. Tuy nhiên, thái độ sững sờ đến…chết lặng và phải kêu lên, bật lên thứ âm thanh bất lực của con người hôm nay trước sự tấn công của bóng ma quá khứ, của kẻ đốt đền thờ thần linh, kẻ phạm tội, kẻ hiện thân cái ác. Tấn công bằng ngôn từ, bằng lập luận, bằng thách thức, bằng rượt đuổi và dồn người phát ngôn, người của thời hiện đại vào chân tường…
Âm thanh kinh hãi và lạ lùng đó như vón lại thành mũi tên và mũi tên có khả năng gây nên vết thương tinh thần, thứ vết thương khiến con người choáng váng, sực tỉnh và có thể mở ra con đường thức tỉnh.
Thanh âm, thần thái đó đã khiến người nghe người xem dường như nhận diện rõ hơn diện mạo, hành vi, sức mạnh và sự huỷ diệt của cái ác. Chất giọng, âm giọng “phù thuỷ” của NSUT Lê Chức đã góp phần làm mới một vở kịch đã từng chinh phục được khán giả Việt từ thập niên những năm tám mươi của thế kỷ trước.
Và vượt lên tất cả là thông điệp gởi gắm của vở diễn. Khi tội ác không được trừng trị, khi quyền lực đứng cao hơn luật pháp, khi lợi danh xỏ mũi kẻ nắm quyền, khi tiếng nói người chính trực không được nghe thấy, khi số phận công dân bị rẻ rúng…cũng là lúc, cái ác được dung dưỡng và sinh sôi.
Tối, 23/3/2022
(Bài đăng trên Viết và Đọc, Chuyên đề Mùa Hạ 2022)
Cảnh vở diễn của Sân khấu Lệ Ngọc: