TIN TỨC
  • Truyện
  • Kí ức của mèo đen – Truyện ngắn của Nguyễn Đăng Khương

Kí ức của mèo đen – Truyện ngắn của Nguyễn Đăng Khương

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-10-07 22:11:14
mail facebook google pos stwis
582 lượt xem

Nơi tôi sống là nhà kho hẹp sau dãy nhà lớn chứa nhiều sách báo cũ của thế kỷ trước mà chủ nhân của tôi vì bận việc công chức nên ít có thời gian để mắt tới. Tôi thường vuốt râu cười khì “chủ nhà ta là nhà thơ ba xu”.

Tác giả Nguyễn Đăng Khương

Hiện tại tôi đang nằm trên thùng thơ còn mới được xếp ngay ngắn bên trong, tôi không nghĩ nhiều, tôi chìm dần vào giấc ngủ mơ màng. Đời là giấc mơ kì khu, gió là chuỗi dài mộng du, khát vọng là một lần đánh đu vuột tay, thôi ta cứ say. Tôi biết giới khoa học đã nghiên cứu quá kỹ về giống loài của tôi, nói vào tai tôi hàng ngày rằng tôi chỉ nhớ được kí ức trong vòng mười phút và tôi cứ an tâm như thế, đời ngắn nhớ chi dài cho mệt xác. Cứ sống cho thực tại và thực tại của tôi luôn bị quấy rối bởi lũ cỏ lìm kìm sinh sôi dồn dập để mấy con rắn lục mè, lục đuôi đỏ hay hổ lửa đi kiếm ăn trườn lên đám dây leo này qua cửa sổ chui vào nhà kho bò ngang lên mình tôi làm tôi hay giật mình thức giấc. Tôi uể oải không muốn gây sự bọn này.

Không gian sống của tôi nói chung khá rộng, phía trước là con đường quốc lộ, từ phía sau dãy nhà kho là vườn tượt tiếp nối mênh mông của những người dân trong xóm. Tôi thấy họ hàng ngày hàng đêm nhưng ít khi nào họ thấy tôi. Những gì tôi nhìn thấy đại loại như : Tôi thấy thằng Vũ con lão Thoàn lâu lâu từ Sài Gòn về chui vào mùng con út Diễm khi chồng nó là thằng Cù đi ngược lên Sài Gòn thăm con, tầm mờ sáng thì Vũ lũi thủi ra về dưới màn sương, tình cũ không rủ cũng tới. Tôi thấy con Tâm bán dâm hàng đêm như cơm bữa trong ngôi nhà của nó, không làm thế thì sao có tiền để ăn diện. Tôi thấy bà Phượng ngoài năm mươi với thằng chồng hờ phi công ì ạch suốt khuya rồi rời đi nhưng không bao giờ cưới. Trong mắt tôi còn đọng ôi hình ảnh thằng Lê Đình Ba thường ra sau nhà con Như vợ thằng Tấn, gã kéo Như vào nhà tắm cả hai tuột hết quần áo hẩy hẩy. Tôi thấy thằng Cần ba Sói cùng lũ bạn tiêm chích ma túy trong chòi giữ vườn hay gọi tôi hỏi tôi có chơi không. Tôi thấy con Bí con thằng Tý hói thức khuya học bài có thằng bạn trai hay người yêu gì đó rình mò bên ngoài cửa hàng đêm… đại loại như thế chuyện phía sau của những người ở xóm hiệp lực này tôi biết cả. Ngày họ nói họ sống bằng lặng an phận thủ thường không có biến cố gì lớn nhưng cuộc đời họ luôn dậy sóng khi màn đêm buông xuống. Họ gian lận nhau. Họ nguyền rủa nhau. Họ ganh tị nhau. Ngấm ngầm họ hãm hại phá phách nhau, hận thù sau lưng nhau. Họ bêu xấu nhau trong các cỗ tiệc. Họ chửi bới nhau. Họ đánh nhau. Họ đâm chém nhau. Họ xẻ thịt lẫn nhau…chuyện gì cũng có xảy ra ở cái xóm hiệp lực này. Rồi tất cả phơi trước mắt nhau trên mạng xã hội hàng ngày.

   Khi mặt trời lên đoạn quốc lộ qua xóm hiệp lực này bừng thức nó tung ra ném lên tất cả sự huyên náo nhiệt cuồng như bản chất vốn có của đời sống. Đó là đoạn đường mà tôi đi lại đêm đêm ngỡ như suốt đời suốt kiếp. Có một đám người điên không biết ở đâu kéo về nơi này nói rằng nếu bắt được tôi họ sẽ xé xác tôi ăn sống. Một đôi vợ chồng già ăn mày đèo nhau trên chiếc xe năm mươi cà tàng lần nào cũng xém cán lên người tôi. Mấy thằng giả bại xụi hai con mắt ráo hoảnh bò lê lết trên đường giơ cọc vé số vẫy vẫy. Một bà lão lâu lâu lại ném xương cá cho tôi bà hay cột cổ mấy con bìm bịp sớm sớm đi ra chợ lộ. Hôm nào ít nhất là hai con. Hối hả giờ giấc nên chẳng mấy người bận tâm, bà ở đâu, bằng cánh nào bắt sống được bìm bịp, sao già rồi còn cực thân như vậy. Ngày có bình minh tươi sáng còn đỡ, ngày mưa bão ngoi ngóp là chuyện thường. Dòng thời gian theo bước chân người lảo đảo mãi trên con đường hun hút. Những buổi chợ tan xóa nhòa bóng nắng, bà lão đi đâu về đâu chẳng ai biết, dòng người tụ tán bán mua. Mấy con bìm bịp biến mất.Thành quả của một ngày ra chợ. Người mua bìm bịp đã phóng sinh hay giết thịt. Dòng sông quê dường quên nước lớn ròng. Bìm bịp có sự nhạy cảm của nghệ sĩ . Môi trường có thay đổi chúng sẽ bay vào những huyền thuyết xa xăm mặc cho con người bàn tán mải mê về chúng. Nào là chúng có tài bắt rắn độc canh giữ dưới các lùm cây có tổ cho con sắp nở rồi học bay. Chẳng ai dại mà ham hố tổ bìm bịp, hiểm nguy đấy, bài học bản năng cho sự tồn tại. Nào là chúng biết các loài cây thuốc làm lành xương cốt nên con người hay nghĩ đến việc uống rượu ngâm nguyên lông lá của bìm bịp để giảm đau gân cốt. Chứng minh cho điều này có ai đó thử bẻ giò bìm bịp con, chỉ vài ngày là chân nó lành lặn vì có sự thuốc thang của chim bố mẹ. Theo nhịp gánh của bà mấy con bìm bịp hoang mang quay quắt, chúng đối diện với chính nỗi sợ hãi của mình. Trong các khu vườn còn rậm rạp mọi người vẫn nghe tiếng kêu từng hồi bịp, bịp, bịp. Sông quê giờ này không biết nước lớn hay ròng. Hình như bà lão này đã chết nên lâu rồi tôi không thấy đi lại. Một lũ xe ba gác như quân liều mạng mà mỗi khi chúng rầm rộ tôi sợ phải trốn biệt trên ngọn cây. Một bầy học sinh lớn nhỏ đưa mắt nhí nhảnh nhìn tôi, chúng được cha mẹ đưa tới lớp ngày ngày. Mấy trại chăn nuôi heo luôn bốc mùi hôi thối…cứ thế nó tiếp nhau chạy tới vô tận. Ông thầy địa lí sống giữa xứ này xăm xoi rằng: “Xứ này xứ sở cá trê có gì rót xuống là chúng tranh nhau ăn hết, những con không có mắt là những con đớp đầu tiên vì chúng được xem là cá bà cậu, chúng huy động mọi giác quan của mình ra da, coi như chúng có quyền năng ăn trên ngồi tróc”. Ông vẽ vời tiếp: “Các người thấy không chỉ một thằng có quyền có thế mà nó kéo về đây lấy đất người ta xây trường học để hưởng lợi ích nhóm rồi trục lợi cá nhân, được rót vào gia sản một cục, rồi về hưu, có thế thôi. Nơi này nhỏ thó như vầy chả cần trường học làm gì, cách vài ba bước đã có hai ba trường sẵn rồi, vậy mà lại dựng lại xây, lại luân chuyển, lại điều động, lại quầng tụ thành cơ quan. Quan trọng lắm, quy mô lắm. Quản quàng quan, sở sờ sơ, trưởng trường trương ngấm ngầm bể ra ở tù cả đám cả lũ. Quản lí, dạy dỗ, học hành gì cái bọn ấy.”

   Ký ức của tôi cách đây một phút cũng có nghĩa là gần nhất.

   Lão Chân ra sau bụi tre gai phát hiện con chim lạ khá to lớn, lão vầng nó vào bụi tre, nó lần quần ngơ ngác, lão vớ được đoạn cây quật ngang cổ, thế là nó quẹo đầu. Người ta nói chim sa cá lụy, quả đúng thật, lão Chân làm thịt con chim lạ quay chảo đánh chén một trận với sáu Tửu – thằng cháu ở bên Cam về làm nghề leo dừa – mấy hôm sau lão thấy chân tay bị phù. Đám con lão vụt lão đi y dược về, lão nói một câu ngắn gọn rằng bác sĩ bảo lão bị sơ gan cổ trướn rồi. Thế là lão cữ rượu và sống được ngần ấy năm đủ thời gian để xây xong ngôi nhà cho thằng út và vợ lão. Những năm tháng cuối đời lão quả là quá khổ cực với thân xác phù nề như cái trống, bụng lão cứ căng ra trương lên mãi như muốn chực vỡ ra. Lão nói với bà Ly vợ lão cứ đà này vài hôm nữa là đi bà ơi.

  Gần như ở miền này thế kỷ trước ai cũng có máu nghệ sĩ, con trai lớn lên phải biết đàn, con gái phải biết líu lo ca hát ba nam sáu bắc hay tứ oán, nó như là cái chuẩn để tìm bạn trăm năm. Vụt sáng lên từ cái ấp hiệp lực là chàng thanh niên Chân đàn hay hát giỏi lại có tài diễn xuất. Tuồng xưa tích cũ anh ta chứa đầy một bụng, mỗi khi ánh đuốc lá dừa phụt sáng trong đêm văn nghệ là tiếng hát anh Chân cất lên bỗng trầm mùi mẫn. Đám con gái mới lớn mụ mị mê tít, tàn đêm văn nghệ làm sao tìm được anh Chân cầm tay hít hôn mến mộ. Nhưng đám con gái làng này luôn thất vọng vì anh Chân đâu có thời gian mà nấn ná, bọn đàn anh đàn chị đã kéo đi đâu mất.

  Trong đám con gái mụ mị mếm mộ anh Chân có Sen – con gái lớn lão Dùn ho lao. Người ta đồ rằng lão có một đám con gái cùng bà vợ nhỏ thó làm nghề kéo lưới giăng câu ở đầu bãi sông hàm dát bạc. Nhà lão một chiều thốt nhiên bị hút xuống lòng sông mất biệt tăm tích. May mắn cho lão một hôm kéo lưới được con tôm vàng, lão mới về mua miếng đất ở xóm hiệp lực này. Lão rất ghét cái lũ xướng ca vô loại, lão mắng con xoi xói.“Tau cấm tiệt tui bay lân la cái đám hát xướng ấy, nhất là thằng Chân con Năm Bông, nghe chưa”. Nhưng bất chấp sự cấm kỵ của lão, Sen vẫn mê muội Chân, nó hơn cả tình yêu, lúc ấy người ta không coi thân xác mình ra gì, nghĩa là hắn ta muốn làm gì thì làm, có xé xác mình ra cũng mặc. Cả xóm giật mình thấy lão cầm dao phai rượt thằng Chân chạy thụt mạng vì nghe đâu anh ta đã chui ra từ mùng con gái lão. Hồi ấy Chân mười tám tuổi.

   Một hôm Sen nói với Chân: “Cha em bảo bỏ cái thai, anh tính sau?” Chân bảo: “Để từ từ anh tính.”Nhưng tính được gì với thằng trai chừng ấy tuổi.

  Ông Năm Bông nói với bà vợ: “ Chỗ anh Lũy là tình thân, tôi định cưới con Ly cho thằng Chân bà tính sao?”. Bà Mai nói : “ Cưới với định gì, nó ở với con Sen có thai rồi kia kìa, ông liệu mà giải quyết”. Nói là làm, ông Bông đạp bằng tất cả quyết cưới Ly cho Chân.

  Chuyện buồn đau vụt trôi cái bụng của Sen lớn từng ngày mà phía nhà Chân hưởng niềm hạnh phúc mới. Tiệc tùng lễ lộc ở ủy ban hàng huyện điều có lời ca tiếng hát của Chân. Dòng giang hàm phơi bờ bãi ngút ngàn trước bình minh con sóng nhỏ nhấp nhô vạn sắc màu bất tận. Sen nghĩ mình vì mến mộ lời ca tiếng hát của Chân mà làm khổ mẹ khổ cha và cả bản thân mình. Sao Chân lại cứ bỏ mặc đời mình như thế. Sen muốn xuống đò đi qua bến bên kia ấy, cũng chẳng để làm gì. Ông Thắng chèo đò bảo: “ Sao không lên bờ cứ qua lại hoài tiền đâu trả xiết”. Sen khóc bật thành tiếng. Khi người qua đã lên bờ hết ông Thắng nói: “ Tôi biết hết, em đừng giấu tôi làm gì. Nó mê nghiệp ca hát, nó mê con Ly nhà giàu bỏ em, em về sống với tôi, tôi lo hết cho em khi nào tôi chết thì thôi”.

   Mấy hôm sau ông Thắng nhờ người sang nhà lão Dùn hỏi cưới Sen. Lão Dùn đồng ý. Đám cười diễn ra gọn nhẹ đơn giản. Mấy tháng sau Sen đẻ con trai. Lão Thắng bỏ hết ngoài tai lời chửi rủa của người làng, ngoài sáu mươi vợ con đời trước ly tán giờ còn chấp nhặt gì miệng đời, quạ nuôi tu hú hay hoa lài cắm bãi cứt trâu…

     Ký ức của tôi cách đây năm phút cũng có nghĩa là xa nhất.

    Lão Thoàn dắt đàn dê ngang qua chòi thằng Cần ba Sói, rợn người, mùi xác thối xộc vào lão, đưa con mắt qua khe hở cánh cửa chòi nhìn vào, lão thấy cái võng đứng yên. Trên võng là một cái xác chết nhỏ thó lõa lồ trương phồng. Lão bủn rủn, chả lẽ thằng quỷ quái hút sách này đã chết. Đàn dê thung dung khắp nơi.

   Trong lão lóe lên vài lần trà dư tửu hậu với hắn trên tỉnh. Thằng này người nhỏ thó, mặt thỏ, mỏ dơi, mắt lươn ti hí, tiếng nói dính vào nhau eo éo nghe như không chuẩn âm sắc. Tướng số bàn về kiểu giọng nói này là yểu mệnh. Hắn nói khi phê thuốc rằng cái xứ sở này không ai đáng chơi ngoài lão, còn lại là một lũ hút máu, bà con dòng họ gì. Nó kể chuyện ăn cắp vặt của thằng Lê Đình Ba : “Ông làm gì vậy?”- “ Sắp chín mà không đốn có phí của giời không!”. Lê Đình Ba vừa xách buồng chuối vừa nói. Có buồn cười không. Nó đay nghiến thằng Lê Đình Ba là cao bồi da trăn, hai con mắt trắng dã chút gì lai lai. Cần ba Sói thấy nó vài lần còn chui ra từ nhà con Tâm. Con này chết chồng, tuổi ngựa, dáng phốp pháp, hai lần bể bóng đèn, nghe người trong xóm hiệp lực đồ khả năng giường chiếu mạnh ghê gớm lắm. Chồng chết ba ngày thằng Tý đã chui vào mùng, hai đứa liền kết với nhau mở tiệm buôn bán chưa đầy tháng, trưa đó về đã thấy nó đang ịch đụi với thằng Tấn trên giường trong. Thế là vỡ đám. Thằng Tý bán tất rồi đi đâu đến giờ không ai rõ tung tích. Ai đó nói hồi đi gặt lúa mướn trong đồng trên, chồng nó còn trẻ khỏe, lại bắt gặp nó với thằng Cù chồng út Diễm giữa đồng không mông quạnh. Thằng chồng nó trước khi chết vì tai nạn giao thông còn hằn hộc hành hạ nói khi nhớ lại cảnh này. Sau khi trải qua nhiều năm trong nghề bán dâm, giờ nó cặp với ông thầy địa lý, ăn gần hết mười bảy công đất. Xó này có mấy đám đàn bà chấp nhận làm món ngon của mấy cha đại gia cây giống, một dạng vợ hờ, cần thì lao về nhau trong nhà trọ nào đó xa xa, miễn vợ nhà không phát hiện. Mắt thiên hạ như mắt bụi, làm sao mà thoát được miệng đời.

   Lão Thoàn đã trải qua cảm giác này lúc sáu Tửu chết trên vũng nước trước cửa chòi, ông đã đi báo công an và bị quá nhiều chuyện phiền phức. Sáu Tửu đi lính Cam về nói toàn chuyện bên Cam. Có người nói ổng uống nhằm nước có bùa chà nên vậy. Bùa chà là có thật, hồi nhỏ đi chợ nổi lão Thoàn từng chứng kiến một ông trung niên cứ bơi đi bơi lại mãi mà không bơi về nhà được, mãi một lúc ông Chà xuống xuồng lấy cây dằm lại mới ghê chứ, thì ra ông trung niên kia lấy cắp cây dằm trên xuồng ông Chà. Ăn cắp thì sao mà thoát được. Có mấy lần uống rượu với sáu Tửu ở nhà ông Chân nhạc sĩ. Sáu Tửu lúc đầu nghiêm nghị, chỉnh chu, sau vài ba ly đế đã lên giọng: “Không có ông đây thì tụi Cam không còn một bóng, có con đường nào lên thiên đường nhanh như bọn diệt chủng đã làm, nó bức con người vượt qua cái cõi sống bước vào cõi chết chỉ bằng một nhác chém hay một cú đập đầu. Tụi nó giỏi tài hoa hơn mình nhiều, nhất là con gái tính tình không chê vào đâu được, sức chịu đựng cuộc sống khắc nghiệt, lam lũ hơn cả cái bọn con gái xứ này luôn hiện hình trên mây”. Tửu, mày uống đi, ông Chân nhạc sĩ giục.

   Sáu Tửu lại tiếp: “Không có tau thì toán tụi nó chết không còn một đứa. Thằng nào thấy cái gì sáng sáng, đẹp đẹp như đầu thắt lưng, đồng hồ đeo tay đều nhật bỏ vào ba lô cả. Hôm đó thằng bảy Thảo ra suối lấy nước mang về cái hồ lô, tau bảo vứt ngay không thì chết cả đám. Giành giựt qua lại, chẳng ai ném, tất cả tháo chạy, vài phút sau nó nổ vang dội. Bọn nó tụ lại còn xanh mặt. Con gái bên đó thời ấy nó trốn đâu biệt tích, thi thoảng ngang qua thị trấn nhỏ mới gặp một vài cô gái răng trắng mắt đen tròn lay láy làm nhớ vợ thấy bà cố. Lúc sắp rút quân bảy Thảo đạp phải lựu đạn cụt hết một giò đi chân giả đến giờ. Có vài lần đi củi tao ghé thăm nó, làm vườn sống đắp đổi. Nó nuôi gà, trồng bốn mươi ba cây cần sa công an chạy ca nô ập vào nhổ sạch mang đi còn phạt đâu cả chục triệu, cái thằng làm bậy quá. Má bảy Thảo lúc còn sống làm nghề đồng bóng. Tau có nhờ bà coi giùm một quẻ bà nói : “Mày mắc chứng bệnh của thế kỷ trước mà người ta nói hoài là bệnh rối loạn lưỡng cực. Để tau bắt bệnh mày coi đúng không. Mày sắm cho vợ mày bộ đồ mới mày bảo nó mặc thừ vào, nghiêng ngó qua lại trước mày, chú mày có thấy buồn không, có thấy sờ sợ gì không? Nếu có là mày bị bệnh rồi đấy. Hay cho tiền nó trang hoàng gì đó sau lại thấy lòng bực tức đúng không, nghĩa là con chỉ muốn mọi thứ như cũ, không chịu một sự đổi thay nào cả, con đã mắc bệnh chín chục phần trăm”. Bả mất lâu rồi, bảy Thảo nói cuộc đời bà là mấy thiên tiểu thuyết. Tau sống một mình cho tự do đừng thằng nào lo.

  Bây giờ thì làm sao, báo công an nó gọi mình làm chứng hỏi tới hỏi lui bỏ công việc làm ăn sao được, lão Thoàn ba chân bốn cẳng lùa đàn dê tắt vườn hoang vê nhà.

  Lão mất đã lâu, gần nửa thế kỷ trôi qua, cái chết của thằng Cần ba Sói vẫn còn là một bí ẩn.

  Ký ức của tôi cách đây ba phút cũng có nghĩa là gần nhất.

   Trong mơ nhà thơ ba xu thường thấy mình trở lại với bầy đom đóm dập dờn nơi ấy. Lần cuối cách đây nhiều năm cây thủy liễu còn thấp, nhà thơ ba xu quằn nhánh xuống hái trái, chấm muối ba thắt, anh ta nhai ngấu nghiến ngon lành.
Cây thủy liễu chung của xóm hiệp lực nên giờ không ai tranh giành, ai muốn làm gỏi thì hái bông, nấu chua thì bẻ trái, bọn trẻ nít thì đợi chín, quanh đi quẫn lại là thế, mà cũng ngộ cây ra bông kết trái quanh năm suốt tháng bất kể mùa nào. Có lẽ vì thế mà mọi người quen gọi là bần. Bần nhưng rất giàu. Chắc vì thế mà cành lá nó rủ đàn bướm dập dìu bay lượn, thế rồi hồ hỡi đẻ trứng, sâu bầy đàn lớn nhanh, ăn trơ trụi lá cành.
Sự sống của đời cây luôn dằm mình trong bùn nước. Liễu thủy hay thủy liễu gì cũng thế. Nó gợi cho nhà thơ ba xu cơ man kỷ niệm với người con gái có tên Thủy Liễu trong đám con lão Dùn.
Ngày nhà thơ ba xu đi làm xa thì ở nhà cô ấy cũng nghỉ học, chèo ghe giúp lão Dùng bủa lưới trên sông hàm. Mẹ Liễu mất khi cô còn rất nhỏ, mọi người nói lại rằng hai vợ chồng ông Dùn đi bủa lưới bị trận giông nam sóng đánh lật thuyền, lão Dùn không cứu được vợ, mấy ngày sau người làng vớt được mẹ nàng trôi tận bún Đáy Hàn. Chuyện buồn ấy Liễu hay kể với nhà thơ ba xu dọc theo những năm tháng tuổi thơ.
Lúc còn nhỏ thì con người không biết chuyện bà con dòng họ gì nên có lần nhà thơ ba xu đã nói với mẹ anh ta rằng lớn lên sẽ cưới Liễu làm vợ, nên nhà thơ ba xu bị mẹ mắng cho một trận, bà nói bà con gần lắm không lấy được. Trẻ trai ít chữ nghĩa người ta hay nói thật lòng mình, thương ai ghét ai nói thẳng không giống như người lớn hay vòng vo tam quốc. Ảo ảnh đó trôi vào quên lãng, lâu lâu trong giấc mơ nhà thơ ba xu thấy mình với Liễu tắm sông, hai đứa bơi mải miết qua tuổi thơ rồi bơi vào lòng sông quê vô tận.
Cây liễu thủy ngoài bãi xóm hiệp lực bị sâu lông ăn trụi lá, rồi tươi xanh, rồi trơ trụi, lại xanh. Ai cũng bái phục sức sống mãnh liệt của nó.
Thế rồi có người mai mối Liễu qua một trung tâm môi giới hôn nhân, Liễu lấy chồng người Hàn. Mẹ của nhà thơ ba xu bảo: “Con Liễu giờ khỏe lắm, nó gởi tiền cho lão Dùn hàng tháng. Ông ấy vậy mà ngon!”. Có lần nhà thơ ba xu đã gặp ông ấy ở bưu điện trên huyện, ông nói lãnh tiền Liễu gởi. Vậy là suôn sẻ, không như báo đăng nỗi thống khổ của các cô dâu Việt ở Hàn. Mỗi người có phần số khác nhau không ai giống ai.
Bây giờ hình ảnh xuất hiện bất tận trên màn hình nhưng nhà thơ ba xu luôn nuôi ảo ảnh chòng chành về cây thủy liễu ở bãi xóm hiệp lực. Cây này mấy tháng trước nó bị sâu lông ăn trụi không còn một lá, vậy mà bây giờ nó sum suê, bông trái quằn quại. Thế mà giờ đây người trong xóm hiệp lực lo các chuyện linh tinh khác ít ai làm các món ăn có liên quan đến thuỷ liễu. Hôm rồi thấy có phóng sự truyền hình về cây thủy liễu…
Tôi mong sao cây thủy liễu mãi xanh, miên man bất tận, nó không là ảo ảnh, nó là sự thật trong lòng nhà thơ ba xu- chủ nhân của đời tôi.

N.Đ.K

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm