- Lý luận - Phê bình
- Minh Anh, người đánh thức thế giới
Minh Anh, người đánh thức thế giới
Mai Văn Phấn
(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) - "từng chữ từng chữ/ rơi vào từng dòng từng dòng/ chúng chụp lấy những khoảnh khắc/ đẹp não nùng/ không thể rời khỏi con tim/ cách duy nhất để tự nó đừng nở rộ quá mức/ vượt khỏi ký ức của ta/ là hãy viết xuống" (Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết).
Người viết những câu thơ giàu nội lực ấy còn rất trẻ. Khi tập thơ "Một ngày từ bên trong" (Nxb. Hội Nhà văn, 2023) được ấn hành, tác giả Minh Anh mới bước vào tuổi 16, đang là học sinh phổ thông trung học. Nếu chỉ đọc những câu thơ trên mà không biết tác giả là ai, chắc tôi không thể đoán độ tuổi người viết; chỉ thấy, một khung cảnh lớn được mở ra dưới góc nhìn của người dường như đã giàu trải nghiệm, và lạ thay, từng câu chữ lại vang động hồn nhiên, trong trẻo khác thường. Nhãn quan và giọng nói ấy xuyên suốt tập thơ này, làm thức dậy sức sống tươi trẻ trong những ngổn ngang, đổ vỡ, già nua của thế giới đương thời.
Khác với một số tác giả nhỏ tuổi, Minh Anh ít biểu lộ sự ngộ nghĩnh, bồng bột của trẻ thơ, mà thay vì thế, cô sớm có cái nhìn bao quát và minh triết, nhưng vẫn giữ được vẻ thơ ngây, hồn nhiên. Trái tim nhạy cảm của thi sĩ Minh Anh như cỏ tơ, như mầm hạt đã rung lên mãnh liệt khi chạm vào thế giới này. Khổ thơ dưới đây cho thấy tác giả có cảm nhận tinh tế, cái nhìn thấu thị về một thế giới tuyệt đẹp và mong manh luôn cần được giữ gìn, bảo vệ.
"thế giới này
chúng ta đều như quả trứng
đủ mạnh để bảo vệ bên trong
nhưng dễ bị vỡ nát"
(Một quả trứng).
Thế giới thơ Minh Anh giống một cái cây, mà mỗi con người tựa như chiếc lá xanh tốt trên thân cây ấy. Cây cối luôn tươi tốt nhờ nguồn nước, khoáng chất, không khí và ánh sáng, con người cũng chẳng khác gì. Con người vốn được sinh ra từ một cội nguồn: theo Kinh Thánh, Adam và Eva là thủy tổ của loài người. Nhà di truyền học Adam Rutherford[1] từng nói: “Chúng ta bị ràng buộc về mặt văn hóa và được rèn luyện về mặt tâm lý để không nghĩ về tổ tiên theo nghĩa rất bao la.[2]” (Tạm dịch)
"mùa đông đến
lá rơi xuống bỏ lại cành trơ trọi
nhắc chúng ta rằng
phía bên kia của một nửa thế giới
dẫu không còn cạnh nhau
mình luôn là sự kết nối
chung một dòng nước
chung một thân cây
chung một gốc rễ"
(Cái cây của tình bằng hữu).
Thơ Minh Anh như cố ý giấu đi sự bay bổng, ít thơ mộng hóa các đối tượng được phản ánh, mà chọn cách nói tự nhiên, chân thực nhất để biểu đạt. Do vậy, bạn đọc cùng trang lứa có lẽ sẽ cảm nhận Minh Anh như người bạn tâm tình, thường sẻ chia với họ những điều thú vị và mới lạ. Người đọc lớn tuổi thì thấy cô gần gũi như người thân, hay gợi nhắc những điều cần lưu ý trong cuộc đời đầy rẫy những lo âu, rủi ro này.
"ta chỉ là những đứa trẻ
là những con kiến trong giống loài mình
...
biết đâu những con kiến này
cũng đã có thể bị chặn giết
bởi những con kiến khác"
(Những con kiến).
Thơ Minh Anh có góc liên tưởng rộng mở, cho ta cảm nhận như không có đường biên trong đó. Từ phía "không đường biên" ấy, tác giả như quyến dụ người đọc quay về điểm nhìn ban đầu để chiêm ngẫm, tiếp tục suy tưởng. Những "điểm ban đầu" trong thơ Minh Anh vẫn là những hiện tượng, sự vật bình dị và quen thuộc trong đời sống chúng ta, từ con chim, chú chó vàng, chiếc cầu thang, viên sỏi nhỏ, mái chèo, trang sách, đám mây, ngôi đền, bức tượng, cái cây và gốc rễ của nó... đến "vết thương lớn lên trong lòng", "lỗ sâu hun hút và khốn khổ trong tim" v.v... Cũng từ "điểm ban đầu", nơi phóng chiếu ánh sáng tới nơi "không đường biên", Minh Anh đã tạo ra một cõi thơ riêng, nơi cái dị biệt lại là cái tương đồng.
"đại dương và tôi
cả hai đều bị cái “to lớn” làm choáng ngợp
và lại bị cái “nhỏ bé” làm choáng ngợp hơn
vì chúng tôi
cô độc cùng nhau
trong sự khác biệt của xung khắc và hợp nhất
chúng tôi đứng đó
là một hay là hai
tất cả hoặc chẳng có gì"
(Khác biệt).
Cái "nhỏ bé" và cái "to lớn" trong bài thơ trên đều chung một nỗi cô độc, cùng soi sáng, cùng giúp nhau thăng bằng và trọn vẹn ý nghĩa của tồn tại. Tính dị biệt và tương đồng trong thơ Minh Anh đã cho ta thấy bản chất và vẻ đẹp của sự cô đơn. Điều ấy khiến tôi ngạc nhiên khi tác giả đã sớm có được trạng thái này. Bất chợt tôi thấy chân dung của thi sĩ Minh Anh trong câu thơ sau: "cô gái chăm chăm nhìn ngọn cỏ/ nghĩ mình cảm nhận sâu/ những gì cần được cảm thấu" (Gửi cô gái chăm chăm nhìn ngọn cỏ). Trong Đạo Phật cũng như trong cuộc sống, cô đơn chính là trạng thái giúp con người mở rộng suy tưởng về những điều cần buông bỏ để cuộc sống được an nhiên, nhẹ nhàng hơn.
"người duy nhất tôi tin
vào lúc cô đơn nhất
chính là những ngôi sao
lung linh lấp lánh đêm trời cao
khi chúng ta càng xa khỏi ngôi nhà tâm hồn
hoặc khi đời là một mớ hỗn độn
những ngôi sao sẽ càng tìm đến
như là người bạn đồng hành
để yêu thương"
(Những ngôi sao);
"cảm giác trống rỗng
như cái xác vỏ sò
...
chỉ muốn mình được ném xuống
đại dương lần cuối cùng
chìm đến tận đáy sâu
nằm mãi đó thật lâu
cho hàng triệu năm sau
vẫn thoải mái rỗng không
bình yên rồi cũng đến
đến tận cùng thời gian"
(Yên tĩnh ở nơi đó).
Nỗi cô đơn trong thơ Minh Anh không mang hàm nghĩa đơn độc, lẻ loi, mà là sự độc sáng, là vẻ đẹp của đơn nhất. Nỗi cô đơn ấy như hòn đảo an nhiên, tự tại giữa đại dương, như bông hoa hé nở trong đêm tối. Tâm trạng cô đơn tuyệt đẹp ấy đã mở ra một thế giới kỳ diệu trong thơ Minh Anh: "một cái cây cầu thang/ lẫn trong đám đông/ bắc lên thiên đàng" (Thị mục của một chú chim). Với tôi, đây là hình ảnh đẹp nhất trong tập thơ này.
Vẻ đẹp của cô đơn trong "Một ngày từ bên trong" khá phong phú và đa dạng. Trong bài thơ "Thì thầm với đại dương", người đọc được chứng kiến một cái tôi vần xoay, biến ảo trong cuộc người, biển sóng nhân gian. Đây là cái tôi bất an trong những nghịch lý:
"Khi tôi ở một nơi vắng vẻ, tôi khao khát được thấy nhiều người. Và khi tôi ở nơi có nhiều người, tôi còn khao khát đến những nơi xa vắng. Tôi bị xoay trong vòng nghịch lý như điểm đầu và điểm cuối của bánh xe quay.".
(Thì thầm với đại dương);
Hay một cái tôi khác luôn muốn cật vấn, kiếm tìm câu trả lời đích thực cho những bất an với đời sống đang trôi đi bên cạnh nó.
"tôi chạy quáng quàng
khỏi giọng ai đó vang trong đầu
tiếng vọng mỗi lúc một to
đuổi nhau vô vọng
chạy mãi đến được nơi kết thúc
dẫm qua đường chân trời mờ nhạt mông lung
thoát ra chính mình
vẫn chưa thấy bình yên
tôi là gì vậy.".
(Bông hoa dại)
Cái tôi trong bài "Sô diễn của ông Truman" lại mang hàm nghĩa ẩn khuất, hư thực, nó gợi mở những giả thiết về sự hiện tồn và chuyển dịch của con người cùng vạn vật.
"thế giới này có thật không
cuộc sống này có thật không
điều gì sẽ xảy ra
nếu tôi thực sự cô đơn"
(Sô diễn của ông Truman).
Và đây là một cái tôi khác, nó ẩn giấu trong lớp vỏ hiện hữu, mang tính bị động. Đoạn thơ dưới đây cho ta hình dung, một người ném thia lia bằng viên sỏi, nhìn theo nó trượt trên mặt nước rồi chìm, rồi tư duy về sự chìm đó, và cảm thấy mình trống rỗng. Bao quát hơn, vũ trụ là những sự rượt đuổi, tiếp nối, nắm giữ, và lịch sử xuyên qua tất cả, để thấy nó trống rỗng.
"viên sỏi không bao giờ biết
lịch sử đã xuyên qua tất cả
tiếp tục đuổi theo
sự trống rỗng tận cùng"
(Xuyên qua tất cả).
Cõi thơ của Minh Anh là tầm nhìn rộng mở, quan sát cá nhân trong cộng đồng và thế giới, hé lộ "cái toàn thể và trật tự ẩn[3]" như tiêu đề một cuốn sách của David Bohm[4].
"có một chiều nhặt vỏ sò lên
tưởng rằng nó trống rỗng
tình cờ lại có một con cua
một con cua ẩn sĩ ở trong đó!
phản chiếu của xã hội loài người
luôn rọi vào cái gian phòng không bao giờ thay đổi của họ".
(Những con cua nhỏ trên biển).
Chính sự cô đơn ấy đã khiến năng lượng và cảm xúc sáng tạo tràn trề trong tâm hồn nhà thơ trẻ. Niềm khao khát được đánh thức thế giới đã sinh ra nội lực, hối thúc người viết khám phá, kiếm tìm những chiều kích không gian nghệ thuật khác lạ.
"tôi ước mình có một chiều không gian nữa
nơi chúng ta có thể tái tạo một đoạn thời gian
làm nó sống mãi
cho đến khi nó hóa bình thường
...
tôi suốt đời mang ơn
nghệ thuật của viết xuống".
(Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết);
Thế giới trong thơ Minh Anh đã thức dậy. "Một ngày từ bên trong" mang đến cho chúng ta sự thức tỉnh từ bên trong cùng sự tươi mát, tinh khôi của một ngày mới tràn đầy tình yêu thương và đắm say. "Trong một buổi sớm tinh mơ, chúng ta trở về trái đất, trở về trái tim đầy chất chứa của mình, đôi chân hòa vào những hạt cát mặn, và ngọn gió tự do dẫn chúng ta đến những con sóng." (Dòng suy nghĩ trong đầu như chiếc xe đạp chạy loanh quanh).
Những chuyển động trong thơ Minh Anh thường diễn ra chậm rãi trong không gian hiện đại với nhiều tầng bậc, lúc chồng lấn, tiếp nối, lúc đan cài. Sự đồng hiện các phương chiều không-thời-gian đã làm cho một số bài thơ của cô trở nên đa nghĩa, tựa như một khu vườn thênh rộng có nhiều lối vào, ví dụ các bài thơ "Xuyên qua tất cả", "Thị mục của một chú chim", "Lầm tưởng của hồi ức xa xôi", "Chui vào quả đất, bạn lớn lên", "Thuật toán của hồi ức", "Cô đơn đến nỗi ngay cả cô đơn cũng không thể tự đo đếm được", "Những chiếc lá"... Chúng ta cùng đọc bài thơ "Những chiếc lá" của Minh Anh dưới đây.
Những chiếc lá
mỗi chiếc lá
mỗi linh hồn của cây
người dẫn dắt chúng ta vào cuộc sống mới
ngôi nhà trú ẩn cho côn trùng và chiếc kén
tạo nên sắc màu của những khu rừng rậm sum suê
những chiếc lá
cảm xúc sơ khai của các mùa
những câu chuyện lá kể đầu môi
những đường gân của lá
khắc trong lòng bàn tay chúng ta
nhận diện hình hài
đơn giản là chấp nhận mình
những chiếc lá
sự ràng buộc chân thành chăm sóc cho nhau
tinh tế, bền chặt
những chiếc lá
ngôi nhà mở cho những ai
biết lắng nghe nhịp đập con tim của mình
"Những chiếc lá" ở đây gợi ra hình hài của thế giới con người mà thân cây nuôi những chiếc lá ấy chính là "cây đời", là sự sống nuôi dưỡng con người cùng vạn vật. "Mỗi chiếc lá" là "mỗi linh hồn", tựa như mỗi con người là một đơn vị, một sinh linh kết nối với sự sống trên trái đất. Những "linh hồn của cây/ dẫn dắt chúng ta vào cuộc sống mới". Cây cối và con người trong bài thơ là quan hệ tương hỗ, con người biết bảo vệ cây xanh, môi trường, và, cây xanh luôn di dưỡng, che chở cho cuộc sống con người. Cái vòm xanh ở cuối bài thơ trở thành ngôi nhà là hình ảnh khá quen thuộc, nhưng câu thơ "ngôi nhà mở cho những ai/ biết lắng nghe nhịp đập con tim của mình" đã tạo ra sự bất ngờ, thú vị. Hình ảnh này gợi nhiều liên tưởng đẹp và lạ lẫm, nó thắp sáng và làm phồn sinh cả vòm cây, đồng thời hoán chuyển bóng dáng của cây với hình dáng con người.
Thơ Minh Anh có kết cấu hiện đại, khá gần với phong cách tân cổ điển. Theo cố GS. Hoàng Ngọc Hiến[5], chủ nghĩa cổ điển mới là “nỗi mong muốn quay trở về với lý tưởng của cái đẹp”.
Ngôn ngữ thơ của Minh Anh giản dị, ít sử dụng tính từ và thán từ. Cô chủ ý dùng nhiều động từ để biểu đạt sự mạnh mẽ, minh bạch, dứt khoát của hành động.
Minh Anh bắt đầu sáng tác bằng tiếng Anh từ năm 8 tuổi. Năm 2021, nhà xuất bản Kim Đồng đã ấn hành tập truyện bằng tiếng Việt “Bức tranh huyền bí”, do Hoàng Ngọc Diệu dịch từ nguyên tác tiếng Anh “The Painting” của cô. Sau “The Painting”, Minh Anh tiếp tục làm thơ bằng tiếng Anh, sau đó được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Cô viết bằng tiếng Anh bởi từ nhỏ đã học trường quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, tiếng Anh giúp cô làm chủ tốt nhất ngôn ngữ thơ.
"Một ngày từ bên trong" là một khởi đầu tuyệt đẹp báo hiệu thành công cho con đường sáng tạo của nữ thi sĩ Minh Anh. Tập thơ không bị bó hẹp trong phạm vi đề tài, hay văn hóa vùng miền, mà hướng tới những mối quan tâm lớn của con người ở mọi quốc gia. Sự mới mẻ, tươi trẻ trong thơ Minh Anh đã cho chúng ta thấy một thế giới vừa được đánh thức. Thế giới ấy sẽ đi về đâu? Câu trả lời dành cho những ai "biết lắng nghe nhịp đập con tim của mình".
Hải Phòng, 15/01/2024
M.V.P
____________________
[1] Adam David Rutherford (1975 ~) - Nhà di truyền học và truyền bá khoa học người Anh. (Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Adam_Rutherford)
[2] Nguyên văn: “We’re culturally bound and psychologically conditioned to not think about ancestry in very broad terms”.
(Nguồn: https://www.scientificamerican.com/article/humans-are-all-more-closely-related-than-we-commonly-think/)
[3] "Cái toàn thể và trật tự ẩn" (nguyên tác: “Wholeness and The Implicate Order”), David Bohm, Nxb. Tri thức, 2011.
[4] David Joseph Bohm (1917 - 1992): nhà khoa học quốc tịch Mĩ - Brazin - Anh. Ông là một trong những nhà vật lý lý thuyết quan trọng nhất của thế kỷ 20.
(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/David_Bohm)
[5] Tham khảo bài của GS. Hoàng Ngọc Hiến: “Chủ nghĩa cổ điển mới, một trào lưu văn nghệ tiến bộ đương phát triển ở Mỹ”. Tạp chí Sông Hương số 198 ngày 24/3/2009.