TIN TỨC

Giá của đam mê

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-08-16 07:14:06
mail facebook google pos stwis
1124 lượt xem

NGÔ XUÂN HỘI

Những năm học Trường Viết văn Nguyễn Du ở 103 Đê La Thành, Hà Nội, chúng tôi hay ra quán nước chè chén của anh chị Duẩn, Diệp trước cổng trường Đại học Văn hóa uống nước. Lâu ngày thành thân, Trúc Phương được anh chị quý nhất; mỗi lần cần về nhà lấy đồ hay đi đâu vắng, lại nấn ná chờ hắn ra để nhờ trông giúp quán. Và Trúc Phương đặt cuốn sách sang một bên, ngồi ghế ông bà chủ rót nước, lấy thuốc lá cho khách như thật

Nhà văn Trúc Phương

Một lần, quán của anh chị bị đám thanh niên địa phương quậy phá. Nghe anh chị trần tình, Phương nổi máu Lục Vân Tiên, lận lưng khẩu colt 45(*) rồi rủ tôi cùng hai anh bạn nữa đến từng nhà các đối tượng ở phố Giảng Võ cạnh trường truy vấn. Biết là nguy hiểm, tôi vẫn đi theo để xem thằng bạn từng một thời là “Đội trưởng đội Trinh sát vũ trang an ninh thị xã Vĩnh Long” làm ăn thế nào. Thấy hắn khi đến trước mỗi địa chỉ, đàng hoàng gõ cửa nhà, sau đó gọi tên chỉ mặt từng thanh niên (hoặc bố mẹ, nếu thanh niên đó đi vắng) ra nói điều phải trái. Tưởng thế nào cũng có phản ứng, nhưng lạ là nghe Phương nói xong, mấy thanh niên đứa nào cũng len lét như rắn mồng năm, còn bố mẹ chúng thì “Cảm ơn chú!”. Hỏi: “Vì sao mày nói có người nghe, đe có kẻ sợ vậy?” Hắn cười, lát sau buông câu lửng lơ: “Chừng đó thì đã nhằm nhò gì!”. Câu nói nhẹ hều ấy không giúp tôi sáng ra điều gì, nhưng sau này khi biết những chuyện động trời hắn đã từng làm trong chiến tranh, thì thấy quả là danh bất hư truyền.

Dạo ấy, cuối năm 1971, Ban An ninh thị xã Vĩnh Long với quân số hơn một trăm năm mươi người cho các bộ phận, trải qua chiến trận còn lại bốn người (trong đó có hắn) lành lặn, được bố trí tạm vào Đội phòng thủ Thị xã ủy để trú thân. Nơi đóng quân của Đội phòng thủ Thị xã ủy bị địch càn. Phó Bí thư Thị đoàn, một cô gái trẻ bị địch bắn chết trên sông. Vớt được xác cô lên thì đêm đã khuya, hắn được phân công ở lại trông xác. Thương người đồng chí trẻ tuổi hy sinh, Phương lấy chiếc màn duy nhất của mình ra căng trùm lên xác cô gái để ngăn muỗi, còn hắn nằm ngoài. Được một lúc, muỗi kéo đến nhiều như trấu đốt hắn. Không chịu được, hắn liền chui vào màn nằm ké cạnh xác cô gái đánh một giấc ngon lành cho tới tận khi mọi người mang quan tài về… Chuyện sau đó trong một cuộc họp Chị bộ bất thường do anh Phó Chủ nhiệm Văn phòng, người có thâm thù với hắn tổ chức, kiểm điểm hắn về tội “vô kỷ luật, đánh giặc để mượn bàn tay giặc phá hoại căn cứ”. Hắn lập tức lôi từ túi quần ra trái lựu đạn da láng xanh cáu, dằn mạnh lên bàn như đặt cái nhạo rượu chuẩn bị mời mọi người nhậu, mặt đanh lại, mắt sáng quắc, nghiến răng, nghiêm mặt nói: “Tôi cho mấy anh biết, tôi vào Đảng bằng máu của mình chứ không có vay mượn máu của thằng nào. Hãy nhớ cho đấy! Khai trừ hả? Tôi thách mấy anh đó. Giỏi thì các anh cứ việc khai trừ Đảng tôi đi. Khai trừ đi!...”

Đám đông nhốn nháo hốt hoảng tháo chạy khỏi phòng họp, người nào chưa thoát kịp thì ngồi thụp xuống bàn. Riêng anh Phó Chủ nhiệm Văn phòng, kẻ chủ trương tranh thủ lúc đồng chí Bí thư Thị xã ủy đi công tác vắng, họp chi bộ để làm thịt hắn, thoắt cái mất dạng, bỏ cả tập bút và cái túi zết kiểu cách lại trên ghế. Khi đồng chí Bí thư Thị xã ủy trở về, chi bộ tổ chức họp lại. Hắn nghiêm túc nhận thiếu sót và được phân công nhiệm vụ mới là bám vô vùng kềm sát nách thị xã – nơi hắn từng bám trụ - để xây dựng cơ sở quần chúng, lực lượng Biệt động trong lòng nội ô. Từ đó một năm hắn chỉ họp chi bộ ghép với cánh Thị đoàn, Tuyên huấn vài lần, làm việc với cán bộ trên xuống vài lượt, còn thì tự lãnh đạo một chi bộ tại chỗ với mấy tổ quần chúng, nòng cốt cách mạng dưới hệ thống tổ chức, chỉ huy trực tiếp của chính mình. Và hắn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập những chiến công chói lọi, được biểu dương trong toàn tỉnh ngày tổng kết chiến tranh…

“Lấy liều mạng làm căn bản!”, nhận xét vui của chúng tôi về Trúc Phương. Nhưng sống trong đời không thể có một người luôn liều mạng, không sợ ai, không ngán một cái gì. Trúc Phương dù “Đánh quen trăm trận, sức dư… dăm người” vẫn có gót chân Asin, đó là nỗi sợ… bị địch bắt sống. Hỏi vì sao? Vì lo không giữ được khí tiết! Nên chi trong các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc, hắn dành sự kính trọng đặc biệt cho những người sa vào tay giặc mà vẫn vững chí, bền gan. Còn với riêng mình, luôn luôn Phương giữ lại hai viên đạn cuối cùng, để khi lâm trận, nếu tình thế bị địch bắt xuất hiện thì… tự sát cho chắc ăn. Ấy thế mà rồi hai viên đạn cuối cùng ấy cũng có lần hắn không giữ được, phải đem ra xài. Đấy là chuyện ngày 20/4/1969, Phương cùng bốn đồng đội hợp pháp trong nội ô Vĩnh Long thực hiện khống chế tên Trưởng chi cảnh sát thị xã, một ác ôn khét tiếng, bằng trận phục kích táo bạo kẻ địch trên đường về nhà lúc hắn vừa bước xuống xe. Phương tuyên bố:

“Ông sẽ được thả về khi trả lời hết những câu hỏi, thực hiện hết những yêu cầu của bọn tôi”.

Nói lời và giữ lời. Xong việc, các cơ sở nội thành chia tay, trở về vị trí hợp pháp của mình. Một mình Trúc Phương đưa tên Trưởng chi vào vùng lõm Giải phóng còn lại, sau khi giặc đã bình định, chiếm đóng. Đi được một quãng thì bọn địch truy đuổi phía sau. Khi giặc nồ tới, Phương buộc phải nổ súng và lôi tên Trưởng chi chạy trên ruộng (nói thêm, Phương bắn súng rất giỏi. Chuột chạy trên dây, hắn vẫy phát, rơi liền). Bắn hết 14 viên đạn colt 12 ly. Không còn đạn, Phương bắt tên Trưởng chi quỳ xuống thề thực hiện những điều cách mạng yêu cầu, sau đó tha mạng. Tên Trưởng chi không dám tin vào sự thật, cứ lấm lét nhìn lại phía sau, được mươi bước thì vụt chạy về phía bọn lính vừa la í ới ban nãy. Trúc Phương sau đó cũng lặng lẽ bước đi trong mịt mù bóng đêm trở về căn cứ.

“Nếu tên Trưởng chi thực hiện lời hứa của hắn, đồng chí được điểm 10. Nếu hắn không thực hiện thì đồng chí sẽ phạm tội thả cọp về rừng và sẽ có tội với Nhân dân” - Bí thư Thị xã ủy nói sau khi nghe hắn báo cáo công việc.

“Tôi xin bảo lãnh bằng tính mạng của mình” - Phương trả lời người chỉ huy không chút đắn đo.

Cũng may (mà cũng chẳng phải may), mọi yêu cầu của cách mạng về sau đều được tên Trưởng chi cảnh sát thực hiện. Nói chẳng phải may, bởi để tên Trưởng chi giữ chữ tín, những ngày tiếp theo Đội Trinh sát vũ trang an ninh thị xã Vĩnh Long dưới sự chỉ huy của Phương còn phải thực hiện thêm vài nghiệp vụ nữa.

Mùa Xuân 1975, Phương theo một cánh quân về giải phóng Vĩnh Long. Hay tin, bà con xã Long Thanh truyền tai nhau rồi sáng 29/4 ùn ùn kéo đến nhà ông bà Hai để chúc mừng. Bất ngờ một anh chàng ngụy binh người làng rã ngũ trở về, rút trong cạp quần ra một trái lựu đạn ném vô giữa đám đông. Nhanh như cắt, hắn chụp lấy ôm trước ngực, nằm đè lên. Ai nấy đứng tim, tắc thở. Nhưng không có tiếng nổ nào. Thì ra trong lúc vội vàng, anh chàng ngụy binh hàng xóm quên (hay cố tình quên?) rút chốt. May mắn ấy của hắn thuộc loại có một không hai. Và sự may mắn vẫn đi theo để phù hộ hắn, khi sau đó một ngày, ngày 1-5 hắn về tiếp quản thị xã Vĩnh Long. Có một sĩ quan Ngụy ngoan cố không ra trình diện. Ông này có một cây súng nhỏ như cây viết Paker chuyên dùng để ám sát, rất lợi hại. Phương xung phong đi vận động ông sĩ quan. Nhiều người ái ngại, nghĩ hòa bình rồi, đi, chết uổng. Vậy mà nghe Phương nói chuyện một hồi, ông sĩ quan Ngụy đã lấy súng trao Phương rồi vui vẻ ra trình diện. Và Phương sống, trở về.

…“Nói có người nghe”, nhờ vậy những năm tháng hoạt động bí mật ở Vĩnh Long, hắn được nhiều bà con cô bác tin yêu, bảo vệ. Nhưng tin yêu hắn vô điều kiện lại là cô gái lạ đến từ thành phố cảng Hải Phòng tên Nguyễn Thị Minh Nhất, sinh viên Khoa Nga trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội khóa 1976 - 1980. Chả là sau 1975, Phương được cấp trên cho đi học Trường Tuyên huấn Trung ương ở Hà Nội để đào tạo cán bộ nguồn. Trường Tuyên huấn Trung ương và trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ cùng đóng trên địa bàn huyện Từ Liêm, cách nhau một cánh đồng. Ngày nghỉ Phương hay vào đó chơi, tìm đồng hương. Một lần như thế, Phương gặp Nhất. Tình yêu “thiên lôi đánh” giữa hai người nảy sinh. Minh Nhất là một cô gái đẹp. Mà người đẹp như thơ hay, không in báo này, in báo khác, chẳng sợ bị cho vào lai cảo (**). Nhưng cô chọn Trúc Phương, cái anh chàng đi dép râu, đội mũ tai bèo, bận bộ quần áo Tô Châu màu cỏ úa trong lần đầu gặp cô. Nhìn hắn lúc đó, không hiểu sao cô bỗng nhớ đến hình ảnh anh bộ đội trong thơ Chính Hữu: “…Rách tả tơi rồi đôi hài vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa…” Tính hắn lại phóng khoáng, sẵn sàng tiêu đến đồng tiền cuối cùng trong túi. Khi không còn biết đào đâu ra tiền thì bán nhẫn, bán quần áo, bán tất tật những gì có thể bán được. Bấy lâu Nhất sống trong môi trường mà trong đó mọi người luôn tích cốc phòng cơ, cách sống không cần biết ngày mai của Trúc Phương hút cô như nam châm hút sắt. Về phía Trúc Phương, Minh Nhất xinh đẹp, học thức, là sự bổ sung trọn vẹn cho những gì hắn khao khát. Từ đó không gì có thể ngăn hai người đến với nhau. Họ cưới nhau năm 1980 khi Minh Nhất ra trường và Trúc Phương đang học năm thứ nhất trường Viết văn Nguyễn Du. Lễ thành hôn được tổ chức trong căn phòng tranh tre nứa lá của Trường Viết văn Nguyễn Du, tưởng không gì có thể đạm bạc hơn.

Sau đám cưới, cô dâu cầm quyết định phân công công tác đi thẳng vào Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ dạy tiếng Nga, chú rể ở lại Hà Nội tiếp tục việc dùi mài kinh sử. Khát kiến thức như khát nước, những tháng năm ở Hà Nội, hắn không bỏ phí chút thời gian nào cho việc học. Đọc hết sách mình thích ở Thư viện trường, Thư viện Quốc gia, vào cả Thư viện Khoa học Xã hội Hà Nội tìm sách đọc thêm. Ngoài những buổi lên lớp, sinh hoạt ngoại trú, xem phim theo chế độ, thời gian còn lại hắn dành cả cho việc đọc trong thư viện, đi thăm, làm quen với các văn nghệ sĩ danh tiếng của đất Thăng Long. Nhiều người bảo hắn điên chữ…

Khóa I trường Viết văn Nguyễn Du kết thúc, Trúc Phương như người đang bay trên mây bỗng đột ngột rơi xuống mặt đất khi trở về “máng cỏ”, nơi đã ra đi. Đây là lúc nỗi đời cay cực giơ nanh vuốt. Trên lý thuyết, hai vợ chồng công chức, có lương, có sổ gạo, tem phiếu theo tiêu chuẩn thì không thể khổ được. Nhưng đất nước thời bao cấp, “Cái cứt gì cũng phân, mà phân thì như cứt” khiến không chỉ vợ chồng Trúc Phương – Minh Nhất khổ, mà tất cả đều khổ. Nhưng Nhất – Phương xem ra khổ hơn. Phương thời chiến mê đánh giặc, thời bình mê chữ nghĩa văn chương, tính trọng nghĩa khinh tài, sinh ra là để làm anh hùng. Nay phải lo những việc tỉ mỉ của cuộc sống gia đình, như chó bị nhốt trong cũi, quay phía nào cũng đụng vách ngăn. Với nhiều người, chạy chọt đó đây để được thêm cân đường, lạng thịt cho con trong bữa cơm hàng ngày là một việc bình thường; với hắn, khó ngang đánh giặc và hèn thì như địt thúi. Vì thế, dù đã rất cố gắng vợ chồng hắn vẫn không sao bằng được người. Và thế là cô nữ sinh Minh Nhất xinh đẹp ngày nào, phải hai lần đằng vân giá vũ sang Nga với đủ thứ lỉnh kỉnh mang theo để tha về những áo bay, bàn là, nồi áp suất, quạt tai voi, dây may so… mà đời sống vẫn không thấy khá lên.

Thời gian trôi, cuộc cờ người thay đổi. Những bạn bè thời trận mạc và bạn đồng môn của hắn ở trường Nguyễn Ái Quốc ngày nào, mấy mươi năm sau một số người trở thành yếu nhân đất nước, như Hai Nghĩa (Trương Vĩnh Trọng) - Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Mai Ái Trực – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường. Yếu nhân cấp tỉnh có Trần Đình Thành – Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, Bé Sáu (Trương Văn Sáu) – Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long... Còn hắn vẫn vậy. Biết làm sao được khi để thỏa mãn đam mê viết văn, hắn đã thẳng thừng từ chối mọi chức vụ. Một cái chức con con là Chủ tịch Hội Văn Nghệ Vĩnh Long cũng không chịu nhận, bỏ chạy lên Sài Gòn làm anh Trưởng phòng cấp sở, yên tâm lấy sở đoản nuôi sở trường. Mà chuẩn bị cho ngày giải phóng, chức Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long, Phó Ban Tuyên huấn thị xã Vĩnh Long, chuyên “Nói cho đồng bào tôi nghe” của hắn oách chẳng thua ai trong đám bạn bè từ chinh chiến đi ra. Bù lại hắn có gần hai mươi đầu sách, gồm 9 tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn, 2 trường ca. Đó là những: Cây sầu đâu sinh đôi (tiểu thuyết),1985; Bóng biển (tiểu thuyết), 1985, Bên dòng sông thơ mộng (tiểu thuyết), 1986; Bình minh trong đêm (tiểu thuyết),1986; Cây bời lời bông trắng (tiểu thuyết), 1987; Chân dung của đất (tiểu thuyết), 1988; Swai Chanti và nước mắt (tiểu thuyết), 1989… Đặc biệt, “Mẹ - Đất nước – Lưu dân”, tập trường ca dài hơn hai vạn tám ngàn câu thơ viết về phương Nam với một cảm xúc tràn trề xuất bản năm 2016, mà theo hắn, là “Tác phẩm cuối đời trong niềm hạnh phúc vô bờ giữa những tháng ngày tưởng chừng không thể…” khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư lưỡi.

Chao ôi, cái giá của đam mê!

------

* Sau 1975, cán bộ miền Nam ra Bắc học tập, công tác; nhiều người - không hiểu sao – vẫn được mang theo súng.

** Chế Lan Viên: “Thơ hay như người đẹp, đi đâu về đâu cũng lấy được chồng”.

4-2018

(Bài đăng Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 29 (3548) ra ngày 21-7-2018)

Mời truy cập kỷ yếu nhà văn TRÚC PHƯƠNG.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm