TIN TỨC

Mối quan hệ giữa phê bình văn học và người sáng tác

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2021-10-31 09:15:58
mail facebook google pos stwis
3239 lượt xem

(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) - Đặt vấn đề: Nhà thơ Gớt (người Đức) đã nói “Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đồi mãi mãi xanh tươi”. Vì vậy, mọi lý thuyết về Lý luận Phê bình văn học (PBVH) cũng chỉ là điều tham khảo, học hỏi thêm đối với người sáng tác.

 

Nhà phê bình Lê Xuân 

 

Công việc của người phê bình văn học (PBVH):

Nghiên cứu lý luận PBVH là một vấn đề khó, đòi hỏi người viết phải có một trình độ lý luận và một kiến thức tổng hợp trên nhiều phương diện. Và đặc biệt, cần phải có một nhãn quan chính trị tinh nhạy, một quan điểm đúng đắn. Ở thời nào cũng vậy, văn học không thể thoát ly cuộc sống. Muốn hay không văn học từ cái “Tôi” cá thể, thông qua hình tượng nghệ thuật tác động tới con người và cuộc sống, góp phần mở rộng tầm mắt, nâng cao tâm hồn con người.

Trong thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập, giao lưu quốc tế trên nhiều lĩnh vực, thời đại bùng nổ thông tin trên mạng internet, thì lý luận PBVH cũng có những điều chỉnh hướng bạn đọc có thể “đồng sáng tạo” với tác giả văn học, và trước hết là cho đội ngũ sáng tác.

Công việc PBVH đòi hỏi người viết phải thấu hiểu tác phẩm, tác giả, khen chê phải khách quan vô tư, không để những tình cảm thân quen hay vụ lợi lấn át, nhằm động viên tác giả phát huy mặt mạnh và thấy được những mặt còn yếu kém để khắc phục. Có người đã nói PBVH như một “ngọn roi”. Nếu ngọn roi ấy quất lung tung sẽ có những tác hại khôn lường.

Người viết PBVH cần phải có tư duy khoa học kết hợp với tư duy nghệ thuật một cách hài hòa, chặt chẽ, và rất cần một sự nhạy cảm trong thẩm định văn chương và phải đọc và hiểu biết thêm nhiều tư liệu ngoài tác phẩm như: âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, nhiếp ảnh, địa lý, lịch sử, triết học, xã hội học, ngoại ngữ, internet…

Ngoài ra, người viết PBVH trước hết rất cần một trái tim nhân ái, một tấm lòng vị tha, một cái nhìn khoa học thấu tình đạt lý để hiểu tác phẩm, tác giả. Từ đó hướng dẫn thị hiếu thẩm mỹ cho đông đảo công chúng. Đồng thời còn phải am hiểu tình hình thời sự văn học trong và ngoài nước, nắm được các trào lưu tư tưởng, xu hướng văn học, đặc điểm của các thời kỳ, giai đoạn lịch sử văn học dân tộc.

Mối quan hệ giữa PBVH và người sáng tác ở thành phố Cần Thơ:

Riêng mảng PBVH không những ở Cần Thơ mà cả khu vực ĐBSCL còn thiếu và yếu. Người viết có thể đếm trên đầu ngón tay, còn quá mỏng, chưa tương xứng với sự phát triển của văn học địa phương, ít dẫn đường cho người cầm bút đi đúng quỹ đạo sáng tác. Một số tác giả thỉnh thoảng có viết vài bài PBVH dưới dạng giới thiệu tác phẩm hoặc biên khảo, như: Trần Phỏng Diều, Nguyễn Thanh (Ngũ Lang), Lương Minh Hinh, Trúc Linh Lan, Nắng Xuân. Bài viết phần lớn mới dừng lại ở mức “bàn thêm” về truyện, thơ, bình thơ, hoặc giới thiệu tác giả, tác phẩm… Người viết PBVH ngại đụng chạm những vấn đề “nhạy cảm” của xã hội, của dân tộc. Một số người có ý định trở thành nhà PBVH cũng gác bút, quay sang sáng tác thơ, truyện để đăng báo, tạp chí. Nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Hữu Thỉnh có lần đã nói: “Hiện nay chúng ta đang ‘đốt đuốc’ đi tìm nhà PBVH”. Có lẽ đó cũng là tình trạng chung của cả nước.

Hiện nay có tình trạng là người viết PBVH rất ngại bị “đụng chạm”, sợ bị người khác quy chụp. Trên các Báo và Tạp chí ta thường thấy xuất hiện ba loại nhà PBVH. Một là loại phê bình cánh hẩu, tâng bốc nhau. Hai là loại phê bình bới lông tìm vết, quy chụp. Ba là loại phê bình “dĩ hòa vi quý”, khen chê chung chung. Cả ba loại nhà PBVH trên đều không nên có ở một nền văn học chân chính.

Về phía người sáng tác: Mỗi nhà văn, nhà thơ đều có một năng khiếu “bẩm sinh” mà ta gọi là “thiên phú” (trời cho), không thể lấy cần cù bù lấp được. Nhưng nếu cộng thêm sự cần cù học hỏi, trang bị thêm các kiến thức khác thì rất hữu ích cho việc sáng tác: Ví như: hiểu về ngôn ngữ học, tu từ học, lý luận PBVH… thì tác phẩm của họ sẽ có chiều sâu, có sức nặng hơn. Sáng tác là một công việc cực nhọc như “khổ sai” nhưng nếu có đam mê sẽ đem lại một niềm vui lớn. Nhà thơ Lê Đạt gọi các nhà thơ là “phu chữ”. Khi viết xong một tác phẩm ta như trút được gánh nặng.

Đọc tác phẩm của các nhà văn Cần Thơ đã trãi qua đời lính như: Nguyễn Khai Phong, Phạm Văn Thúy, Nguyễn Đình Thắng, Nguyễn Hồng Chuyên, Trần Thanh Chương, Hkiên Giang, Ngọc Hương… ta sẽ hiểu sâu hơn, đúng hơn về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong kháng chiến chống Mỹ, chống bọn bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía Bắc và bọn Pôn pốt phía Tây Nam.

Đọc các tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký của các tác giả: Nguyễn Thị Thanh Huệ, Nhật Hồng, Ngọc Tuyết, Vũ Thống Nhất, Ngọc Bích, Lương Minh Hinh, Trần Anh Dũng, Huyền Văn, Cao Thanh Mai… ta hiểu sâu hơn mảnh đất và con người Nam Bộ qua các thời kỳ…

Đọc thơ của các tác giả Lê Chí, Huỳnh Kim, Phù Sa Lộc, Trúc Linh Lan, Đặng Hoàng Thám, Huệ Thi, Nguyệt Ảnh, Nắng Xuân, Phan Huy, Phan Duy… ta cảm nhận được rất nhiều vẻ đẹp về con người và cảnh sắc Nam Bộ qua cái tôi trữ tình đầy cảm xúc…

Nếu các tác giả trên không có vốn sống thực tế, không chịu khó tìm tòi sáng tạo thì làm sao có thể viết được những trang văn, dòng thơ đầy ám ảnh, thuyết phục trái tim người nghe, người đọc.

Song, nếu tác giả được trang bị thêm kiến thức về Lý luận PBVH như: Các trào lưu văn học trong nước và thế giới, các phương pháp sáng tác, các loại thể văn học, đặc trưng văn học, các chủ nghĩa hiện thực, hiện đại, hậu hiện đại, lý thuyết về thi pháp học và các lý thuyết tiếp nhận khác… thì tác phẩm càng mang tính khái quát, phổ biến và có sức nặng. Ví dụ: Đọc tập truyện ký “Đêm vượt sông” của nhà thơ Trần Thanh Chương người đọc không những hiểu biết được nhiều sự kiện, sự việc, con người trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước mà còn biết thêm nhiều điều kỳ diệu ở một số nước mà tác giả đặt chân tới, như: Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi Lip Pin, Căm Pu Chia… Tác giả đã nắm khá chắc các sự kiện, lịch sử, địa lý liên quan đến bài viết. Anh có 3 bài ký viết về nước ngoài: “Xem bóng đá Anh”, “Uống cà phê Anh” và “Kỳ vĩ Angko Wat”.

Ở “Kỳ vĩ Angkor Wat”, anh luận bàn về nghệ thuật điêu khắc đá: “Về nghệ thuật xếp đá và điêu khắc trên đá, chắc chắn tổ tiên của người Việt và người Trung Hoa đều phải chắp tay bái phục người Khmer cổ đại. Nó xa hơn, tất cả các nghệ nhân chế tác đá trên thế giới – theo tôi, chỉ đáng là học trò của người Khmer. Không hiểu người Khmer cổ đại đã dùng dụng cụ gì để chạm trổ trên đá cứng, tạo ra những bức phù điêu, những hoa văn tuyệt mỹ giống như ngày nay ta chạm trổ trên gỗ. Các nhà khoa học cũng không lý giải nổi bằng cách nào chỉ với phương pháp thủ công, không có chất kết dính mà họ xếp chồng khoảng 10 triệu tảng đá (có tảng nặng 1,5 tấn) thành một công trình cao chót vót vừa vĩ đại, vừa nghệ thuật, gần ngàn năm qua vẫn sừng sững thách thức với thời gian (…) Ngày xưa, người Khmer đã xây dựng được những công trình vĩ đại đạt đến mức hoàn hảo như vậy, thì chắc chắn trình độ khoa học và nền kinh tế của họ phải phát triển đến mức độ rất cao. Không hiểu sao, một nền văn minh huy hoàng bậc nhất Đông Nam Á lại suy tàn nhanh đến thế… Đó là những ý kiến bình luận khá sâu sắc.

Các bài viết về nhân vật lịch sử, như Trạng nguyên Khương Công Phụ hay bài Nhàn đàm về Chúa Trịnh anh đều có những ý kiến bàn thêm về cái đúng, cái sai do lịch sử, do người viết trước để lại.

Ở mảng “Bình thơ”, tác giả thể hiện sự cảm nhận tinh tế và có những so sánh liên tưởng khá thú vị, như bình bài ca dao Thằng Bờm, bài Tình khúc tuổi 50 của Kao Sơn, bài Lơ ngơ một mình của Phạm Phương Lan. Lúc bình thơ ngòi bút của anh tràn đầy cảm hứng thơ, phát hiện được vẻ đẹp tiềm ẩn trong tứ thơ, trong hình ảnh, nhip điệu… làm toát ra giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của bài thơ mà tác giả muốn gửi một thông điệp nào đó tới bạn đọc.

Người thứ hai mà tôi muốn nhắc đến là nhà thơ Nắng Xuân (Nguyễn Thanh Toàn): Anh là giảng viên khoa Thủy sản ĐHCT, yêu thích văn chương. Ngoài giảng dạy anh còn là Chủ nhiệm CLB Thơ ca Ninh Kiều, phụ trách nhóm “Gia đình Áo trắng” (phụ san báo Tuổi trẻ) của Cần Thơ, tham gia CLB thơ Đường Cần Thơ… Ở cả hai thể loại Thơ và PBVH anh đều có những gặt hái thành công.

Vậy thì, các kiến thức về PBVH có cần cho nhà văn khi sáng tác văn học hay không? Các bạn hãy tìm lời giải. Xin gợi ý vài điều:

– Các tác giả nên đọc nhiều, đọc cả những tác phẩm có ý trái chiều mà mình không yêu thích để nắm bắt những ý phản biện. Rất cần đọc tác phẩm của các nhà văn lớn trong và ngoài nước. Nếu có điều kiện hãy đọc các giáo trình Đại học về Lý luận văn học hiện nay.

– Khi chưa hiểu một từ hãy tra từ điển ngay (từ điển Tiếng Việt, từ điển Hán Việt…). Riêng các từ địa phương (phương ngữ) không có trong từ điển thì hỏi thêm những người khác…

– Cần tìm hiểu các phương pháp sáng tác, các trào lưu văn học, mối quan hệ giữa “cuộc sống – nhà văn – tác phẩm” để xem tác phẩm của mình có tác dụng gì với bản thân và gửi thông điệp gì tới cuộc sống.

– Luôn trả lời các câu hỏi trước khi viết: Viết cái gì (nội dung), viết để làm gì? (mục đích), viết cho ai? (đối tượng đọc), viết như thế nào? (phương pháp viết).

Tình hình văn học ở Cần Thơ hiện nay:

Văn học ở khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng có bề dày lịch sử và rất giàu tiềm năng, là vùng đất trẻ nhưng có truyền thống văn học đáng tự hào với những danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Chiểu. Các nhà văn lớp trước và các nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã làm giàu thêm truyền thống văn học của địa phương.

Nhìn lại những tác phẩm văn học của Cần Thơ thời gian qua trong nền kinh tế tri thức hội nhập, đã có những mặt mạnh và hạn chế đáng lưu ý. Cái mạnh là tác giả luôn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là những yếu tố mang sắc thái Nam Bộ trong mỗi trang viết. Đọc tác phẩm của nhiều nhà văn Cần Thơ ta thấy mỗi tác giả đều có sự tìm tòi, sáng tạo theo xu hướng mới. Các giá trị “phi vật thể” đó không những là tiếng nói tâm hồn của con người một vùng, một miền mà rộng hơn nó còn là tiếng nói của một cộng đồng với Tổ quốc.

Đội ngũ sáng tác văn học ở Cần Thơ có bước kế thừa và phát triển. Văn xuôi mạnh hơn thơ, nhất là về truyện ngắn và ký. Nhiều tác giả đã xuất hiện trên tạp chí, trên các báo trung ương và địa phương:

Về văn xuôi có: Nguyễn Kim Châu, Trần Minh Thuận, Nguyễn Ngọc Tuyết, Đặng Hoàng Thám, Nhật Hồng, cố nhà văn Nguyễn Khai Phong, Lương Minh Hinh, Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Lâm Thị Thanh Hà, Nguyễn Thị Thanh Huệ, Hồ Kiên Giang, Phạm Văn Thuý, Huyền Văn, Ngọc Hương, Cao Thanh Mai, Nguyễn Hồng Chuyên, Hoàng Khánh Duy, Phát Dương, Phong Dương.

Về thơ có: Lê Chí, Trúc Linh Lan, Trần Thanh Chương, Nguyễn Trung Nguyên, Phù Sa Lộc, Huỳnh Kim, Nguyễn An Bình, Phan Duy, Phan Huy, Huệ Thi, Phan Nguyệt Ảnh, Minh Nguyệt, Nắng Xuân, Hoàng Viện … Một số tác giả viết cả thơ và văn xuôi và đã có những thành công đáng khích lệ.

Đời sống văn chương có sôi nổi hơn trước, nhưng ít tranh luận về học thuật, về phương pháp sáng tác. Các cây bút trẻ còn ít, số hội viên lớn tuổi có phần chững lại. Tuy hội viên khá đông nhưng hội viên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam còn quá ít (hiện nay chỉ có 8 hội viên, thua An Giang, Bến Tre…). Qua các cuộc thi thơ, truyện, ký ở cấp khu vực và cấp tỉnh, các tác giả của Cần Thơ thường đạt giải nhưng giải cao còn ít.

Mặt hạn chế của một số tác giả là vốn tri thức, lý luận và thâm nhập thực tiễn chưa nhiều nên tác phẩm ít có sức khái quát chiều rộng lẫn chiều sâu. Phần lớn các tác phẩm thơ cũng như truyện còn nặng về tường thuật, miêu tả, kể lể, giãi bày tâm sự đơn thuần, khai thác mảng đời tư… Sự tìm tòi, khám phá để có sự cách tân về ngôn ngữ, thể loại còn ít. Số tác giả viết tiểu thuyết càng rất ít.

Kết luận:

Lý luận PBVH có thể xem là một chìa khóa để ta có thể mở cửa tiếp nhận và vận dụng nhiều điều cần và đủ góp phần làm cho tác phẩm có sức nặng hơn.

Cần Thơ là vùng đất còn trẻ, giàu tiềm lực, tôi tin rằng tương lai sẽ có những tác phẩm văn học hiện đại, giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu được những tinh hoa văn hoá nhân loại, góp phần làm đẹp, làm giàu kho tàng văn học Cần Thơ nói riêng và văn học nước nhà nói chung.

L.X

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm