- Thơ
- Chùm thơ Trần Quang Khánh - Dấu chân lính trên những đám mây mùa thu
Chùm thơ Trần Quang Khánh - Dấu chân lính trên những đám mây mùa thu
Tập thơ Những đám mây mùa thu (2024) là tác phẩm thứ 3 của Trần Quang Khánh, sau Ký ức xanh (2021) và Nốt nhạc mùa (2022). Có thể nói đây là một hành trình đầy hoài niệm, một sự kết tinh của ký ức và chiêm nghiệm. Với giọng thơ trầm lắng, sâu sắc và mang đậm dấu ấn của một người lính từng đi qua chiến tranh, tác phẩm không chỉ là tiếng lòng của tác giả mà còn là chứng nhân của thời đại, của những thăng trầm lịch sử và những xúc cảm rất con người.
Mỗi bài thơ trong Những đám mây mùa thu như một nốt nhạc trong bản giao hưởng ký ức. Đó là tiếng thơ viết từ trận mạc, từ những ngày tháng hào hùng nhưng cũng đầy mất mát, từ những buổi chiều nhìn mây trời mà suy tư về thời gian, về kiếp người. Chùm bài được rút tỉa từ tập thơ và giới thiệu sau đây thể hiện khá rõ nét phong cách của Trần Quang Khánh: vừa hào sảng - mạnh mẽ, vừa tinh tế - sâu sắc. Mời bạn đọc cùng cảm nhận những vần thơ như những nốt trầm của một tâm hồn từng trải, đã đi qua chiến tranh và đang lặng lẽ chiêm nghiệm về đời.
Nguyên Hùng chọn và giới thiệu.
Tổ quốc giữa tim mình
Ta lặng đứng giữa biên cương Tổ quốc
Trắng mây trời, trắng cả rừng cây
Trắng mái tóc đoàn quân đi trong gió
Đôi mắt đen rọi sáng cả đêm ngày.
Những chiến sĩ băng mình qua bụi đỏ
Những hồng cầu giữ nhịp con tim
Lọc trong suốt trăm triệu lần sắc tố
Dòng sông sâu, câu hát mãi không chìm
Những nấm mộ vẫn nằm nghe gió hát
Nơi thung sâu, nơi chót vót mây trời
Bên vách đá, trong dòng sâu cửa biển
Đảo khơi xa đáy nước vẫn đầy vơi.
Tổ quốc ở trong tim người chiến sĩ
Người ra đi, cùng người sống ôm ghì
Dẫu có hóa thành muôn vàn sương khói
Vẫn quyện vào sông núi chẳng chia ly!
Khoảng cách
Qua sáu mươi thấy ngàn năm ngắn ngủi
Thuở Hùng Vương chỉ cách một tầm tay
Một trăm năm đã cọ vào ngực áo
Chỉ núi là vượt bước tầm mây.
Và em cũng băng hà trong đáy mắt
Không hồi quang phá ngưỡng say mê
Có chăng chỉ xạc xào gió thoảng
Ở bên tai nhưng chẳng phải lời thề!
Thôi cứ để thời gian về quá khứ
Những thành quách bó chặt phút đê mê
Những cơn sóng trào dâng trong vỉa đá
Cũng rêu phong kín cả lối đi về!
Đà Lạt chiều nay
Đà Lạt mà sao thật mặn mòi
Ngọt ngào say đắm cả giấc mơ
Thông vươn đồi vắng hồn muôn thuở
Hoa thắm vườn xưa giục ý thơ.
Thấp thoáng trong sương màu sắc đỏ
Thác tung trắng xóa bọt lưng trời
Em như ngọn lửa vùng thức dậy
Than Thở hồ xưa rộn tiếng cười.
Anh là dải núi ngàn năm cũ
Ngợp ánh bình minh lộng gió ngàn
Có phải mùa xuân đang thắm lại
Để màu sắc mới mãi không tan.
Ngọn lửa
Tôi đã đọc thơ Đường khi biết chữ
Đọc truyện, lịch sử Trung Hoa cũng từ khi biết chữ
Nhưng đọc nhiều nhất là những sách cổ xưa
Đọc Sở từ, đọc binh thư, đọc Sử ký,
đọc cả thuyết âm dương...,
nho, đạo...
Hiểu đến đâu? Chẳng biết đến đâu!
Đọc trên lưng trâu gió Lào quạt lửa
Đọc dưới căn hầm bom Mỹ giật vách rung
Đất và máu rơi kín chữ thánh hiền
Nhem nhuốc mặt anh hùng qua ải.
Và tôi mơ đất nước được hòa bình.
Những người thân tôi đã ngã xuống
Bạn chia tay rời cõi tuổi 12
Trên cánh đồng đạn bom nhiều hơn hạt lúa
Những quả bom bi chen lẫn trái cam tròn.
Đất nước ca vang bài ca thống nhất
Vừa thấy bình minh chưa kịp ngắm vầng trăng
Súng đã nổ hai đầu đất nước
Gấp vội trang sách hối hả lên đường.
Vẫn bộ mặt rất quen
Trang phục rất quen
Ngôi sao từa tựa
Nhưng mũi súng lại chĩa vào người dân tôi,
đất Việt Nam tôi
Cái câu ca “núi liền núi, sông liền sông...”
chưa khép miệng!
Họ đã trở lại theo dấu chân xưa
Cái dấu chân và con đường hóa thạch
Ở Ải Chi Lăng, dưới bùn đen sóng Bạch Đằng...
Những đoàn cương thi đi tìm máu uống.
17 tháng 2 tất cả mưu ma chước quỷ
Những Quỷ Cốc, những Mạnh Đức tân thư,
Những Gia Cát hô mưa gọi gió, những Bạch Khởi,
bá vương Hạng Vũ, Trương Lương...
Tất cả mưu lược được trộn vào trong chữ:
Giết người, cướp đất.
Chúng biến bản làng thành mây khói
Đá nát tan, sông suối tanh hôi
Trong chớp lửa là vòng xoáy âm dương
Là chữ thánh hiền: nhân, lễ, nghĩa...
Thấy Trang tử đang hát cười chạy quanh
ngàn nấm mộ!
Gia Cát Lượng ném hình nhân an ủi hàng vạn người
ông vừa giết dưới gươm đao!
17 tháng 2 núi lửa phun trào
Không thể dấu trong từng rãnh xoắn.
Cái bộ mặt trăm năm, ngàn năm hiển hiện
Miệng lưỡi Tô Tần, miệng lưỡi Trương Nghi!
17 tháng 2 hoa đào nhuộm máu
Đã rực lên ngọn lửa ở biên thùy
Ngọn lửa soi vào lịch sử!
Ngọn lửa chỉ đường đưa ta đến với ngày mai!
Những đám mây mùa thu
Có ngờ đâu chúng ta lại gặp nhau
Nửa thế kỷ lang thang như mây mùa hạ
Cùng uống nước dòng Lam, cùng ngôi trường mái lá
Bom nổ cháy trưa hè vẫn vang khúc ca.
Đất Hưng Nguyên năm tháng dãi dầu
Ta chung câu gừng cay muối mặn
Bao thế hệ dưới mái trường Lê Hồng Phong thuở ấy
Theo lời thề non nước rủ nhau đi.
Chúng ta đi trong nắng, trong mưa,
trong bom đạn ngút trời
Ta đi dọc Trường Sơn, đi về biển cả
Ta xuôi Nam, ngược Bắc giữ màu xanh cây lá
Giữ cội nguồn sắc thắm của quê hương.
Cũng có người phiêu bạt tha hương
Đám mây nổi trôi dạt vào xứ lạ
Tuyết trắng trời đóng băng nỗi nhớ
Ai biết chăng lửa yêu thương vẫn ủ trong lòng.
Có ngờ đâu mùa thu hôm nay
Chúng ta gặp nhau giữa thành phố mang tên Bác
Khi mái tóc đã nhuốm màu mây bạc
Lấp lánh Trường Sơn sóng gió biển Đông.
Hỏi thăm nhau rồi nhắc tên nhau
Những khuôn mặt đã sờn theo năm tháng
Ngồi bên nhau mà vẫn hỏi thăm người bạn
thời thơ ấu
Trách thời gian, ai nỡ trách ai đâu.
Nhận ra rồi cái giọng nói thân quen
Qua kỉ niệm những ngày khoai sắn
Qua những khúc sông, những đoạn đường mưa nắng
Tên núi, tên làng, tên bố mẹ yêu thương!
Mải miết chúng ta đi cho đến một ngày
Tuổi xanh rụng rơi và thấy mùa xuân đến
Dẫu bờ tre, hàng dừa vẫn còn xơ mái tóc
Trên trời cao chưa hẳn đã xanh hơn.
Chúng ta vui vì một dải giang sơn
Trở lại vẹn tròn nỗi nhớ
Và sáng thu nay trong vòng tay bè bạn
Vẫn trọn tình khúc hát sông quê!