- Lý luận - Phê bình
- Một bông hoa lặng lẽ thiền trên cát bỏng
Một bông hoa lặng lẽ thiền trên cát bỏng
KHUẤT BÌNH NGUYÊN
Năm 1995. Khi đã bước vào tuổi 43, Mai Quỳnh Nam cho in tập thơ đầu tay Bước trượt. Sao ở cái tuổi ấy còn bước trượt được nhỉ? Và lại là bước đầu tiên của thơ ca? Thế là thấm thoắt một đời thơ. Đến năm 2024. Ngót nghét 30 năm rồi. 7 tập thơ ra đời.
Sau Bước trượt là Các sự việc rời rạc. 2002. Phép thử thuật tư biện 2007. Biến thể khác. 2012. Không thiên vị.2014. Không tì vết. 2020. Một phía.2024. Giữa thời buổi người ta không mặn mà gì với thơ nữa, các mỹ nhân đa tình nhất phần nhiều liếc mắt vào cửa ngân hàng và trong khi người thi nhân ấy có thể làm nhiều công việc khác phục vụ cho sự tiêu dùng lại không làm mà nhất quyết đi làm thơ. Bởi thế, tôi trân trọng những gì mà cả một đời người đã gắn bó và lặn lội với Thơ, tưởng như chẳng bao giờ dứt được. Chao ôi! Cái nghiệp chướng văn chương là vậy đấy.
Vào thời điểm Mai Quỳnh Nam bước lên diễn đàn văn chương, đã xuất hiện những người ra đi từ Ngôi nhà tuổi 17 để ngẫm nghĩ về Sự mất ngủ của lửa, những người Củi lửa cho Thời đại thanh xuân. Và những viên tướng sống chết trên bãi chiến trường suốt thế kỷ 20, người ta đã cho viên tướng ấy về hưu để ngẫm nghĩ sự đời trong trang sách mà buộc lòng lại lên ngựa chiến để ngã xuống sa trường như một lời tuyên thệ không thể sống chung với sự suy đồi của đạo đức xã hội…Tuy vậy, đến cuối thế kỷ 20, một trong những dòng chủ đạo được tạo nên, nhất là ở lĩnh vực thi ca vẫn là những cây bút nhiều xung lực từ những năm tháng chống Mỹ cứu nước và âm hưởng chủ đạo của nền thơ vẫn do lực lượng ấy cầm trịch. Bởi thế, cho nên ba tập thơ đầu của Mai Quỳnh Nam Bước trượt - Các sự việc rời rạc- Phép thử thuật tư biện mang dấu ấn cả về mặt đề tài, phương thức thể hiện của phong trào thơ chống Mỹ cứu nước. Tôi thường nghĩ rằng: những cảm xúc thơ chân thành và nguyên sơ ban đầu thường làm nên một đời thi sĩ. Và Mai Quỳnh Nam đã lên đường với thi ca là bắt nguồn từ dòng chảy dào dạt ấy chăng?
Bước trượt là dấu cộng của ký ức về chiến tranh. Làm những bài thơ về chiến tranh sau 20 năm im tiếng súng, những ám ảnh không nguôi suốt đời Mai Quỳnh Nam: Cỏ, Bệnh binh, Màu trắng, Tiếng chim bắt cô trói cột…
Đó là cỏ trên bãi chiến trường,
Cỏ ngút ngát cỏ mừng tôi rối rít
tôi tơ non, cỏ biếc đang mầm
Bên công sự chỏng trơ mũ sắt
cỏ sậm đen theo vệt người nằm
Cỏ sống chết với người lính trẻ, cưu mang họ những lúc hiểm nghèo, “Đêm trinh sát máu loang áo cỏ”, Mai Quỳnh Nam “…cõng bạn rẽ làn đạn nổ” nhờ “ cỏ lên xanh che bạn, che tôi”, để từ đấy, người lính thấy “ trời cao thẳm bỗng rào rào tiếng gió”, “ chim kết đàn tha cỏ vụt lên”
Đó là cái chết của người bệnh binh nằm cạnh Mai Quỳnh Nam giữa núi rừng phương Nam mênh mông mà khốc liệt, một cảnh như triệu cảnh người lính trận đã ra đi, những năm bom đạn giản đơn như thế đấy:
Người bệnh binh trút hơi thở cuối cùng
vào giữa lúc cơn giông ập xuống
Anh đi vội võng chưa kịp cuộn
võng anh nằm song song võng tôi
Đó là màu trắng chết chóc của chất độc hoá học hiện lên hình hài của một con người bé nhỏ chưa bao giờ nghe tiếng đạn nổ, bom rơi
Người đàn bà vật vã trên bàn đẻ
sau cơn đau kinh hoàng của người vượt bể,
chị nâng đỡ trên tay đứa bé
dị dạng hình người
không tiếng khóc
Cả thế kỷ 20, người Việt Nam phải trải qua bốn cuộc chiến tranh, thơ ca nào nói hết được những nỗi đau của sự hi sinh mất mát, và nói như thế nào cho đủ được đây? Ký ức về chiến tranh trải dài suốt các tập thơ của Mai Quỳnh Nam: Lính trinh sát, Ngoài bưng có gì? Nó là thế này đây, Cấp số nhân…dai dẳng bám vào thế giới tinh thần Mai Quỳnh Nam sau 30 năm anh rời quân ngũ.
Những câu hỏi viết về người lính trẻ: “ Những đồng hương Nghệ An, vừa gàn vừa gan”, “ Tiếng oang oang đầy đò sông Lam”. “ Và họ ai trúng bom ở binh trạm 15”, “Ai ngã gục dưới pháo bầy, pháo chụp” “ máu lênh loang trên Vàm cỏ đông”. Và ở binh trạm số 1 “Người đi trước vẫn chưa về trước”, “ người đi sau chẳng thấy về sau” .Và người đồng đội chỉ sống trong ký ức “ gương mặt anh thật hiền”, “ trên nấm mồ ở nghĩa địa Bình Xuyên”.
Thơ về chiến tranh của Mai Quỳnh Nam không chỉ là dấu ấn bảy năm đời lính của anh từ 1970 đến 1977, mà còn là một quãng dài của thời gian suy ngẫm về cuộc chiến, khi anh may mắn trở về. Nhờ đó, thơ Mai Quỳnh Nam góp một tiếng nói có trách nhiệm và đầy cảm khái về những ngày cả đất nước ta ra trận.
Sau chiến tranh là đến hoà bình. Cũng là lúc cảm xúc thơ đầu tiên của Mai Quỳnh Nam về một miền miên man tuyết phủ nước Nga, khi mà “ sông Matxcova ngập tràn tuyết trắng”. Ở đó, anh đã có một cái nhìn khác khi ví mình như là hạt tuyết trinh trắng, “ còn bao nhiêu buốt lạnh” “ ném trả về hư vinh” và sớm nhận ra “ chấp nhận mình như một số phận”, “ một lối nghĩ” “ một cách viết” cho văn chương. Vì thế, vì tự nhận một số phận gửi mình cho thi ca như thế, màu vàng và sự tĩnh lặng của mùa thu đã đưa người lính Mai Quỳnh Nam đến với tình yêu cuộc sống bằng một gam màu tưởng như phổ quát mà riêng có của xứ bạch dương trong sự cô đơn “trời mùa thu đắm đuối không yên”
Mùa thu vàng hàng cây bạch dương
sông long lanh cỏ ướt mờ sương
nắng mỏng mảnh tan vào tĩnh lặng
chiều rực thắm những gam màu ấm sáng
Từ tập Biến thể khác, đúng như đầu đề của nó, Mai Quỳnh Nam bắt đầu rục rịch làm một điều gì đó không giống với những gì anh đã có khi tiếp thu truyền thống của phong trào thơ ca chống Mỹ cứu nước. Anh tâm sự: “Tôi đang mang những con chữ vào miền quên lãng”. Tâm trạng thơ đã mở đến những biên độ mới, những biên độ không có gì xa lạ, đã ẩn chứa từ trước đó, trong thơ anh. Đó là cảm thức về những nỗi đau của thân phận làm người. Chen lẫn những khúc tình ca “biển đục quá anh trong sao được”, là một nỗi buồn muôn thưở như ở trong cổ thi.
Em thêm một nỗi ưu phiền
tôi thêm một nỗi truân chuyên trong đời
tàn ngày một cánh hoa rơi
một đôi chim nhạn cuối trời biệt tăm
Sự rục rịch ấy thể hiện bắt đầu đi tìm một phương thức phản ánh hiện thực trước những biến động không lường của thời cuộc. Anh tự dằn vặt lương tâm mình ở “Xã hội học lúc 0 giờ” khi chú bé đánh giày đã ngủ, cô gái bán mình đã dứt cuộc tình, những ông chủ vừa tan tiệc rượu, giá vàng vừa tỉnh vừa say, người đàn bà không thấy vẻ khát thèm của người chủ chứa. Và “Các tác phẩm được giải” “tươi như món dưa muối xổi”, “những cây bút vàng sẵn sàng lên đài đăng quang”. Người nhặt rác nhặt những giải Oscar…, để tất cả bước vào cuộc cuối ngày.
Nắng trôi qua đã trọn một ngày
nắng đắng chát tóc người bạc trắng
Mai Quỳnh Nam mong muốn tìm một con đường khác cho thơ, khác với những gì anh đã viết ở ba tập thơ đầu. Mai Quỳnh Nam chuyển mạnh sang khuynh hướng lấy lý trí làm trọng điểm, coi trọng thơ nhấn vào ý tưởng xã hội sâu sắc và được thể hiện trong một thi pháp kiệm lời. Anh như một bông hoa đang thiền trên cát bỏng, dùng tư biện duy lý để thi ca phát hiện chân lý đời sống và những vùng sáng thẩm mỹ mà có người gọi là điểm ngời sáng trong thơ. Con đường đó chưa ai nói rằng nó dễ dàng và dễ đi, đôi khi chỉ mong được sự cảm thông của một người mà thôi… “Có một người”, “ít nhất, có một đời”, “những lúc buồn vui”, “nhẩm đọc” “vài câu thơ của tôi”. Mai Quỳnh Nam đi tận cùng đến thơ ngắn. Ngắn đến nỗi bài thơ chỉ một, hai, thậm chí ba câu là cùng. Như một sự phát hiện không cần diễn giải. Những khi ấy, anh đang thiền trăng với một bài thơ chỉ có một đôi dòng về tình yêu và triết lý nhân sinh.
Em là bóng trong nắng chiều trắng xoá
***
Em về để sợi tóc rơi
trăm năm một kiếp một thời tóc mây
***
Hoa hoài nghi
mang về hương quả đắng
***
Phiên chợ lặng im
tôi bán hai nghìn một tiếng chim
***
Cơn gió thoảng qua, rồi đi thôi
lạnh và mong manh như kiếp người
***
Từ tận cùng đau đớn
tôi dâng hiến
Một số tác phẩm đã xuất bản của Mai Quỳnh Nam.
Những năm cuối thế kỷ 20 và 24 năm đầu thế kỷ 21, khi mà thơ Haiku cực ngắn về số từ và dòng thơ nhập vào qua các bến cảng văn chương, nhiều người làm thơ thời chống Pháp như các ông Lê Đạt, Trần Dần…thời chống Mỹ như Hữu Thỉnh trong tập Ghi chú sau mây, cùng nhiều nhà thơ trẻ khác muốn đi đến những bài thơ cực ngắn như là một hướng tìm tòi. Thách thức lớn nhất của loại thơ này phải dựa trên một ý tưởng sâu sắc, một triết lý xung động làm điểm bừng sáng cho thơ. Mai Quỳnh Nam đi vào thơ cực ngắn theo hướng lấy Bertol Brecht làm phương châm. Ở đó, thơ là sự khắc khoải đến cùng cực của trí tuệ. Anh muốn tiếp nối sự giải thích tứ thơ Sợi dây thừng bị đứt của Bertol Brecht bằng một ý nghĩa khác, không chỉ là không nối lại nguyên lành được nữa, khi sợi dây bị đứt văng thành hai khúc.
Nửa kia tít tắp đâu rồi
chắc đã có người
nhặt về
và nối lại
Nhờ căn nền văn hoá rộng rãi, kết hợp với tư duy triết lý sâu sắc, thơ cực ngắn của Mai Quỳnh Nam để lại nhiều ý tưởng khó quên.
Có một cặp phạm trù tình yêu và cái chết mà dường như cái chết được nói đến nhiều hơn, ám ảnh trong thơ Mai Quỳnh Nam chừng 10 năm gần đây. Anh không ngại nói về nó theo hai chiều hư vô như định mệnh và giản đơn lẽ thường như đời một con người. Hư vô như: “không ai còn nhớ chúng ta”, “tất cả trắng xoá”, “một ngày nào đó”. Và ở chiều kia là sự giản đơn như đời sống con người vốn cô đơn để đi về chốn hương khói cô đơn.
Ngoài nghĩa trang hương khói quyện vào nhau
hương khói nối dài
người với người
không biết dựa vào ai
Dường như để thực hiện sự cân bằng vốn có của giới tự nhiên và đối diện với sự chết là ánh nắng của tình yêu cuộc sống, lan toả trong các tập thơ Mai Quỳnh Nam. Thế giới nắng Mai Quỳnh Nam:
Em đi biền biệt chiều không tưởng
nắng xoãi tình hoang loang đất đai
***
Gió thổi siết chân trời sạt lở
nắng úa vàng tao tác bờ mây
***
Quăng tấm lưới ra
thâu tóm cả một vùng
kéo lên
chỉ thấy nắng trắng ngời mắt lưới
***
Rồi đến lúc nắng vẫn là nắng ấy mà xưa cũ như người.
Nắng vẫn nắng chẳng còn là nắng nữa
lòng đã buồn như mưa cổ xưa
Rồi nắng như đời sống của chúng ta, như thi ca ở cuộc đời này, cũng sẽ chỉ là nguôi ngoai hoài niệm của nhịp thời gian cứ đi mà không dừng lại.
Nắng đã nguôi ngoai trăng nhớ cuộc rằm
chiều cạn dần, thơ đến cõi xa xăm
Nhưng như để nhắc nhở người đời, Mai Quỳnh Nam đã trao cho nắng một sứ mệnh bất tử. Từ tiếng reo vui của người con gái trong nắng đẹp đầu ngày: “Một ngày nắng, bình thường như nắng”, “em reo lên trong nắng đầu ngày”, đến nỗi bàng hoàng ngây dại của nắng, của tình yêu cuộc sống:
Bao nhiêu nắng bàng hoàng ngây dại
bao nhiêu đêm khắc khoải mảnh trăng thề
Như thế thì chết làm sao được Mai Quỳnh Nam ơi?
Tôi đọc tập thơ Một phía mới in từ tháng 8 năm 2024, thấy có một nỗ lực của Mai Quỳnh Nam trong việc làm mới thơ mình. Bên cạnh tiếp tục dòng thơ cực ngắn, hai, ba câu không có tiêu đề, anh hướng tới chuyển hoá bút pháp thơ bốn câu, vốn là thế mạnh của anh từ những tập thơ trước.
Tôi đi trên con đường
mải miết về phía ấy
trong mờ mịt gió sương tôi bỗng thấy
mùa thu vỡ tan trong tiếng ngỗng trời
Mai Quỳnh Nam có nhiều bài thơ bốn câu không còn nguyên nghĩa của thể thơ tứ tuyệt nữa. Thơ tứ tuyệt truyền thống thường chỉn chu câu chữ, đôi khi bằng chằn chặn ở ý, ở từ. Mai Quỳnh Nam tạo được sự tự do, bứt phá trong cảm hứng thi ca và phóng túng trong thi pháp thể hiện, giống như mùa thu êm ả bỗng “vỡ tan trong tiếng ngỗng trời”. Cũng giống như bài tứ tuyệt ngậm ngùi khi: “Hoa tím bên đường tím chẳng thuộc về anh”, hay khi là: “trời vắng lặng màu mây năm ngoái”, xa xôi mà như nán lại chút sắc màu phôi pha không rõ của thời gian.
Chưa ai làm thơ lặng lẽ như Mai Quỳnh Nam. Lòng trắc ẩn đã đẩy tôi nhìn ngắm một bông hoa lặng lẽ thiền trên cát bỏng. Cát bỏng của sự đời và thách thức thi ca. Tôi đọc thơ anh cũng là cách tôi thiền giữa bao nhiêu dâu bể của hôm qua và hôm nay.
Tháng 10 năm 2024,
K.B.N