- Góc nhìn văn học
- Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Truyện Khai khẩu đăng trên Văn nghệ số 3058 của nhà văn Nguyễn Trường sáng tạo được một tình tiết đặc biệt: sau cả chục năm tịnh khẩu (không nói) phục vụ tu hành, Ông Đạo Dừa (Nguyễn Thành Nam) đã kịp ngăn không cho câu hỏi ngạc nhiên bật ra khỏi miệng khi biết tin con trai mình chết. Tình tiết này không chỉ nói lên công phu khổ luyện cũng như ý chí sắt đá của những người tu hành mà còn là chi tiết thú vị, đáng để các nhà khoa học tâm thần kinh lưu ý khi nghiên cứu phản xạ tự nhiên từ ý nghĩ chuyển thành lời nói sau hàng triệu năm được thiết lập và trở thành bản năng của loài người.
Điều đáng nói, tác giả đã đưa ra ánh sáng sự thật chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng rất nhiều quan chức, tướng lĩnh cao cấp và thân tín là người theo Đạo Phật, mặc dù ông và gia đình theo Đạo Thiên Chúa Giáo. Đó là sự dũng cảm nhìn nhận lại một phần sự thật trong phong trào đấu tranh Phật giáo đưa đến sự sụp đổ của gia đình họ Ngô. Nhà văn nào nhìn nhận lại các sự kiện lịch sử với một góc độ mới, nhân văn hơn thì sớm muộn gì cũng được đánh giá công lao và tầm vóc văn hóa.
Nhưng có một điều quan trọng hơn là cho thấy nhãn quan triết học cao của nhà văn, như một sự khẳng định: Thời Thập tự chinh đã qua đi và sẽ không bao giờ quay lại ngay cả khi có mảnh đất màu mở là chế độ gia đình trị hậu thuẫn; cũng như lực lượng Taliban, IS, sẽ rất nhanh bị loại bỏ khỏi cuộc sống nhân loại.
Lần đầu tiên có một truyện ngắn với rất nhiều nhân vật, tất cả các nhân vật chính đều ở một tuyến, có nguyên mẫu thật trong đời và là nhân vật phản diện, họ đều thất bại: từ Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm đến ông Đạo Dừa, cô Diệu Thúy, Trung tá Tỉnh trưởng Kiến Hòa Nguyễn Mạnh Hùng. Không có nhân vật hay phe phái đối lập thắng cuộc. Nhưng truyện đã nêu được triết lý thời hiện đại: Khi không chấp nhận được ý kiến phản biện hoặc không dám phản biện đến cùng, tất thảy các bên sẽ gặp thất bại.
Để thấy điều này, chúng ta xem lại mạch chính của truyện: Ngô Đình Diệm bỏ qua tiếng nói phản biện của ông Đạo Dừa (Nguyễn Thành Nam) sau 14 năm tịnh khẩu. Khi ông Đạo Dừa tiếp tục phản biện để cứu chế độ gia đình trị khỏi sụp đổ, đến lượt bộ máy của ông lập tức bắt thầy trò ông Đạo Dừa bỏ vào ngục… Lúc ông Đạo Dừa ra khỏi trại giam, bỏ về luôn, không tìm mọi cách tiếp tục phản biện để việc khai khẩu của mình sau 14 năm tịnh khẩu trở nên vô ích. Tiếp đến là Ngô Đình Diệm không nghe được tiếng nói phản biện của Phong trào Phật tử, để cho bộ máy thuộc cấp vu khống: “Họ bị cộng sản lợi dụng”, mặc dù ông thừa kiến thức để biết các nhà sư, từ xưa đến nay có chính kiến rõ ràng, chẳng để cho ai hoặc bất cứ thế lực nào lợi dụng họ …v…v… Diệu Thúy và Trung tá Tỉnh trưởng Kiến Hòa là những người thông minh, sáng suốt, nhưng không làm tròn trách nhiệm phản biệt cho cấp trên, người lãnh đạo chỉ huy mình… dẫn đến tất cả đều có chung số phận: Thất bại không còn con đường cứu vãn.
Đây là một truyện ngắn rất lạ ở chỗ có 2 nhân vật: Diệu Thúy và Trung tá Tỉnh trưởng Kiến Hòa. Khi bị hút theo cốt truyện, tôi bực mình vì cho rằng họ bị nhà văn ép duyên, cứ muốn nhà sư hoàn tục để yêu người hùng đã liều lĩnh giúp mình, đẩy 2 nhân vật vốn là cái cớ và chất kết dính cho những nguyên mẫu có thật trong lịch sử dính lại với nhau trong truyện một cách logic. Nhưng đọc đến đoạn kết mới hiểu cách viết mới lạ của nhà văn. Ở đây, Nguyễn Trường cũng là một nhân vật đồng hành với tất cả các nhân vật bằng cách đưa ra cách nhìn chủ quan của người trong cuộc với mong muốn người có công phải được đền bù xứng đáng như ước nguyện. Tung thì phải hứng. Cho đến khi buộc phải giải quyết số phận của họ theo đúng nguyên tắc của truyện ngắn, tác giả đưa ra hàng chục giả thuyết theo cách nhìn chủ quan của người trong cuộc và để cho độc giả tự quyết theo cảm nhận của họ. Bởi vì, suy cho cùng, khoa học lịch sử hay nhà văn, họ cũng đều đứng ở góc độ nhìn lại sự kiện, nhìn xã hội theo lăng kính cá nhân của mình, nó khác với máy quay phim, ghi lại sự thật lịch sử trần trụi và không lột tả được hết những góc khuất của tâm hồn.
Chúng ta biết, bất cứ sự thực nào đi vào đầu óc của con người sẽ bị thay đổi do góc nhìn của cá nhân, ít nhiều sẽ có phần của chủ quan.
Tư duy khoa học, sử học, triết học, xã hội học hòa quyện nhau trong Truyện ngắn Khai khẩu của nhà văn Nguyễn Trường dưới bút pháp hiện thực chủ quan của tác giả.
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam số 39 ra ngày 29/9/2018
Mời độc giả đọc truyện ngắn Khai khẩu của Nguyễn Trường theo đường link: https://vanhocnghethuatquoctevietnam.vn/khai-khau-40.html