TIN TỨC

Tấm “Giấy thông hành” văn chương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-09-13 20:12:26
mail facebook google pos stwis
4240 lượt xem

LẠI VĂN LONG

33 năm trước, khi đang tuyệt vọng nhất thì cơ duyên kỳ lạ đã đưa tôi đến với Báo Văn Nghệ (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) ở cách xa 1.400 cây số. Báo Văn Nghệ đã cho tôi “Giấy thông hành” để đi vào nghề văn, nghề báo làm thay đổi số phận của cả gia đình. Tôi kể lại câu chuyện này như một lời tri ân sâu sắc nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Báo Văn Nghệ ra số đầu tiên (1948 - 2023). Với tôi và nhiều đồng nghiệp, Báo Văn Nghệ đã đóng góp lớn cho văn học Việt Nam, cho sự nghiệp đổi mới vẻ vang của Đảng và cho tiến bộ xã hội suốt 2/3 thế kỷ đồng hành cùng đất nước, dân tộc!


CUỘC GẶP “ĐỊNH MỆNH”

Đến giờ tôi vẫn nhớ nguyên câu chuyện như mới xảy ra hôm qua. Lúc đó khoảng 10 giờ sáng một ngày đầu tháng 10/1990. Tôi dắt xe đạp lên gần hết dốc ga xe lửa Đà Lạt - đường Quang Trung thì người đàn ông đứng dưới gốc cây thông già ở đỉnh dốc chặn lại. Ông ta trạc tuổi 50, mặc sơmi carô bỏ trong quần Jeans, mang giày bóng và đeo kiếng mát, hỏi bằng giọng Bắc:

- Cậu có biết Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Đồng (Hội) ở đâu không?

Tôi chỉ về đường Hùng Vương. Ông thân mật bảo:

- Chở tớ đến đó nhé!

Tôi chở ông bằng xe đạp để ông đến đó tìm bạn là nhà thơ Bùi Minh Quốc - Chủ tịch Hội. Không gặp, nên tôi lại chở ông đến nhà một bạn khác của ông là Tiêu Dao Bảo Cự, cũng không có ở nhà. Ông nhìn tôi thở hổn hển, vì mệt, rồi cười:

- Thôi để tớ đón xe ôm đi, nhìn cậu gầy nhom (49kg) mà đạp xe chở tớ béo tốt tội nghiệp quá. Tớ là Trần Ninh Hồ - Trưởng ban Văn của Báo Văn Nghệ, viết được gì thì gửi tớ xem có đăng được không!

Ông cho tôi tấm danh thiếp rồi vội đi. Tôi cầm mảnh giấy nhỏ bé đó với biết bao cảm xúc!


Nhà văn Lại Văn Long (Phải) và nhà thơ Trần Ninh Hồ (2018 tại TPHCM)

Tốt nghiệp khoa Triết - Đại học Tổng Hợp TPHCM năm 1988, tôi về công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng được 2 năm. Tôi và các anh chị trong cơ quan hồi đó rất thích đọc Báo Văn Nghệ và tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Báo Văn Nghệ thời đầu đổi mới khi đăng các phóng sự, bút ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì?” của Phùng Gia Lộc (01/1988); “Câu chuyện về một ông “vua lốp”” của Nhật Linh tức Trần Huy Quang (1987); tiếp đó là các truyện ngắn: “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh, “Tướng về hưu”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết”, “Kiếm sắc” của Nguyễn Huy Thiệp hay “Năm ngày” của Phạm Thị Hoài v.v... (1988 - 1990) đã gây tiếng vang rất lớn, được hàng triệu độc giả cả nước, nhất là giới cán bộ, đảng viên, trí thức rất quan tâm. Các thủ trưởng và anh chị trong cơ quan tôi hồi đó chuyền tay nhau đọc đến cũ nhàu những số báo mới ra được vài ngày. Có người nôn nóng chạy sang các cơ quan bạn mượn báo đọc... Trong những lần uống trà, chờ họp hoặc giải lao, họ đều đem các vấn đề Báo Văn Nghệ đã đăng bàn luận sôi nổi. Vì vậy khi tôi được quen với anh Trần Ninh Hồ -  Trưởn ban Văn của Báo Văn Nghệ thì rất hãnh diện, đem vào cơ quan khoe và lên kế hoạch viết bài gửi anh.

Chiều 10/10/1990, tôi ngồi một mình ở Trung tâm giáo dục chính trị trực thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Một khu nhà và hội trường nằm trên đồi thông lộng gió góc Nguyễn Du - Quang Trung, Đà Lạt (nay là một khách sạn 5 sao) với những nỗi buồn dằng xé!

Gia đình tôi trước năm 1975 ở Đà Lạt là “vô sản”. Đến ngày giải phóng, ba tôi xung phong đi kinh tế mới đợt đầu tiên ở Khu kinh tế mới R’Chai (nay là xã nông thôn mới nâng cao Tân Hội - Đức Trọng - Lâm Đồng). Được Nhà nước cấp đất để làm vườn, được hỗ trợ cất nhà. Từ thân phận làm thuê, ở trọ, đến lúc được cày cấy, chăm lo cho chính thửa đất, ngôi nhà do mình làm chủ là sự vui mừng của những “vô sản”, “cố nông” mà khó có thể diễn tả bằng lời, bằng chữ. Đã vậy các anh em tôi đều được đi học miễn phí, ốm đau vào bệnh viện cũng được Nhà nước bao cấp hết. Trong khoa Triết - Đại học Tổng Hợp TPHCM, tôi còn được học về “sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản”; ‘đấu tranh giai cấp chống áp bức, bóc lột”... So sánh với trước năm 1975, cuộc sống của những người nghèo đã thay đổi nhiều quá, tốt quá. Đã vậy nghèo còn đồng nghĩa với lý lịch tốt... nên tôi càng say mê chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội và ước ao được nói hết cảm xúc này cho nhiều người biết. Đó là lý do tôi ra trường là về quê hương Đà Lạt xin làm Tuyên huấn.

Thế nhưng sau đổi mới, người ta bắt đầu nói về chế độ bao cấp như một gánh nặng làm trì trệ xã hội và bắt đầu phá bỏ nó bằng thu học phí, viện phí. Điều này gây cho tôi rất nhiều bức xúc. Một biệt thự cạnh cơ quan tôi cấp cho một cán bộ lão thành đang ở, đã bị thu hồi để trả lại cho chủ cũ. Bên cạnh đó là “siêu lạm phát” hơn 700%/năm làm kinh tế đất nước lao đao. Những gia đình nghèo vô cùng chới với thời đầu đổi mới. Hai đứa em trai tôi phải bỏ học vì không thể đóng học phí, nợ nần vây bủa, gia đình tính chuyện bán nhà, bán đất và quay lại thân phận “vô sản” như trước năm 1975...!

Đó là những ấm ức dồn nén trong tâm tư cậu trai 26 tuổi là tôi. Tôi lại rất say mê Triết học đấu tranh giai cấp của Karl Marx và thích thú với tư tưởng “người hùng” hay “siêu nhân” Nietzsche. Hai thứ này cộng với ấm ức dồn nén đã giúp tôi ngồi lì suốt 12 tiếng đồng hồ, từ 5 giờ chiều đến rạng sáng hôm sau để viết tràn 24 trang giấy một câu chuyện tôi đặt tên là “kẻ sát nhân lương thiện”...

Tôi chả biết nó hay, dở nên nhờ bạn là Uông Thái Biểu - phóng viên Báo Lâm Đồng (nay là Trưởng đại diện tại Miền Trung - Tây Nguyên của Báo Nhân Dân) đọc và bạn khen rất hay. Tôi chưa tin hẳn vì sợ bạn thấy mình buồn và vất vả suốt đêm nên động viên. Tôi mang bản thảo ra chợ Đà Lạt nhờ một thanh niên trạc tuổi mình đánh máy giúp giá 13.500 đồng. Tôi chỉ có 8.500 đồng nên anh đó cười bảo: “Lúc nào anh trả cũng được, không có thì thôi... tôi đánh máy xong coi như cũng hiểu anh một phần rồi”!

Vậy là có thêm một người động viên, tôi liền gửi một bản đánh máy cho anh Trần Ninh Hồ theo địa chỉ 43 Đồng Khởi, quận 1, TPHCM (cơ quan đại diện phía Nam của Báo Văn Nghệ) vì trước lúc chia tay, anh Trần Ninh Hồ có nói “còn ở trong Nam chừng một tháng”... Một bản nữa tôi gửi Văn Nghệ Quân Đội (sau này nhà văn Nguyễn Bản có viết thư cho tôi nói là Văn Nghệ Quân Đội chuẩn bị in “Kẻ sát nhân lương thiện” thì Báo Văn Nghệ đã đăng nên dừng lại. Anh dặn tôi, sau này đừng gửi một tác phẩm cho nhiều báo... Tôi xin lỗi vì mới lần đầu gửi truyện cho báo nên không biết. Trước đó tôi có truyện ngắn đầu tay “Màu mận chín” đăng ở báo tường ký túc xá Ngô Gia Tự ở quận 5, được Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật lấy đăng lại. Và “Kẻ sát nhân lương thiện” là truyện thứ hai của tôi).

Anh Trần Ninh Hồ đã gom bản thảo của tôi cùng các cộng tác viên khác đem về để ở nhà trọ của kỹ sư xây dựng Phạm Khắc Lưu - nay là nhà văn Phạm Lưu Vũ, trên đường Phan Xích Long - quận Phú Nhuận - TPHCM, rồi anh đi công tác Tây Nam Bộ 15 ngày. Anh Lưu đọc truyện của tôi xong, viết thư dặn tôi có về Sài Gòn ghé cơ quan anh trên đường Trần Nhật Duật, quận 1 chơi. Đang buồn chán, tuyệt vọng nên tôi về Sài Gòn tìm ảnh luôn. Mấy ngày sau anh Trần Ninh Hồ đi công tác miền Tây Nam Bộ về, xách theo chai Vodka Liên Xô còn 1/2. Vậy là 3 anh em được một bữa tưng bừng... Trong thời gian ở nhà anh Phạm Khắc Lưu, được anh Lưu, anh Hồ, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, anh Dung, anh Quang bạn anh Lưu động viên, tôi viết được thêm các truyện ngắn: “Chuyện kể từ thung lũng” (cũng vô được chung kết cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ 1991), “Thế gian biến cải”, “Mây xưa” (truyện thiếu nhi) đăng trên Báo Văn Nghệ, “Nỗi lòng cô Đức” đăng trên tạp chí Cửa Việt... và viết bài cộng tác cho một số báo ở TPHCM.

Ngày 12/4/1992, Báo Văn Nghệ gửi thông báo truyện “Kẻ sát nhân lương thiện” (KSNLT) của tôi được giải nhất và mời tôi ra Hà Nội nhận giải thưởng (tôi nghe nói là tivi màu 21inches trị giá 5.000.000 đồng). Tôi viết thư gửi Báo Văn Nghệ, nói hoàn cảnh khó khăn không có tiền ra Hà Nội. Nhờ Báo Văn Nghệ quy giúp tivi ra tiền gửi vào TPHCM theo địa chỉ của anh Phạm Khắc Lưu...

Nhưng Báo Văn Nghệ đã tận tâm tổ chức riêng một buổi trao giải nhất cho tôi ở 43 Đồng Khởi, quận 1, TPHCM vào một ngày đầu tháng 5/1992. Tôi đã cảm ơn Báo Văn Nghệ đăng cho tôi 4 truyện ngắn, giúp tôi tự tin hơn trong sáng tác và cảm ơn giải thưởng danh giá của Báo Văn Nghệ giúp tôi được nhiều người biết đến. Số tiền giải thưởng 5 triệu đồng (khoảng 1,5 lượng vàng thời điểm đó) lớn quá sức tưởng tượng của tôi. Tôi sẽ dùng số tiền đó trả nợ và giúp gia đình bớt khó khăn... (lúc đó nếu bán hết nhà và 8.800m2 đất của Nhà nước cấp cho gia đình tôi cũng chỉ được 6 chỉ vàng, chưa bằng 1/2 giải thưởng của Báo Văn Nghệ)

Nhà văn Anh Đức: “Long khó khăn vậy sao không nói để chú lấy kinh phí Báo Kiến Thức Ngày Nay hỗ trợ cặp vé máy bay ra Hà Nội nhận giải!” (nhà văn Anh Đức từng được giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ 1958 - 1959 với tác phẩm “Con cá song” nên rất thông cảm cho tôi).

Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học (nay là PGS.TS) Phùng Quý Nhâm liền đề nghị Báo Công an TPHCM nhận tôi về làm phóng viên. Nhà báo Huỳnh Bá Thành có mặt trong buổi lễ trao thưởng cùng phu nhân và nhà thơ Từ Kế Tường - Thư ký tòa soạn Báo Công an TPHCM. Anh Huỳnh Bá Thành lúc đó là Phó tổng biên tập, sau này là Tổng biên tập đã mời tôi về làm phóng viên Báo Công an TPHCM. Cuộc đời tôi từ đó sang trang mới vì Báo Công an TPHCM với số lượng phát hành cao nhất làng báo cả nước (700.000 tờ/kỳ) đã giúp tôi mua nhà, mua xe máy ở Sài Gòn, lo cho gia đình ở quê thoát nghèo, nuôi các em, các cháu học xong đại học, kiếm được việc làm.

Xin cảm ơn anh Trần Ninh Hồ - Trưởng ban Văn Báo Văn Nghệ; anh Huỳnh Bá Thành - cố Tổng biên tập Báo Công an TPHCM. Duyên lành đã cho tôi được gặp hai anh và được hai anh thương mến, giúp đỡ nên mới có cơ hội vượt qua khó khăn, làm tròn bổn phận với gia đình và thực hiện ước mơ văn chương từ tuổi 12, 13.

KẺ SÁT NHÂN LƯƠNG THIỆN” ĐƯỢC TRANH LUẬN SUỐT 30 NĂM TRONG, NGOÀI NƯỚC

Sau này khi đã về làm việc tại Báo Công an TPHCM nhiều năm, từng viết những bài “đụng chạm” và phải đau đầu, mệt mỏi vì phản ứng của những thế lực bảo thủ, phe cánh; tôi mới thấm thía với áp lực trong công việc làm báo. Từ đó càng khâm phục các thế hệ biên tập viên, lãnh đạo Báo Văn Nghệ đã dũng cảm đăng những bài phóng sự, truyện ngắn theo kiểu “đốt đuốc dò đường” của đầu thời đổi mới, trong đó có truyện KSNLT của tôi. Tôi đã viết truyện này bằng niềm tin tuyệt đối của người nghèo vào chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội và đau đớn nhìn các thành quả cách mạng đang bị coi thường, bóp méo khi tập tểnh bước vào kinh tế nhiều thành phần. Thế mà có người lại vu cho tôi là viết sai đường lối, chính sách, muốn phủ nhận thành quả cách mạng. Rất may, Báo Văn Nghệ đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo độc giả cả nước và rất nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học nên tiếp tục đăng những ý kiến về truyện KSNLT. Bên cạnh đó nhiều tờ báo lớn như: Lao Động, Quân Đội Nhân Dân, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Phụ Nữ Việt Nam, Sài Gòn Giải Phóng, Phụ Nữ TPHCM v.v... cũng đăng bài theo quan điểm Báo Văn Nghệ. Báo Thanh Niên còn gọi tôi là “tân Trạng Nguyên”. Nhiều tờ báo tiếng Việt của kiều bào ở hải ngoại như “Văn học” ở Mỹ, “Quê hương” ở Pháp, “Hợp lưu” ở Mỹ... cũng đăng rất nhiều bài (trong 2 năm 1992 - 1993) của các tác giả: Mai Kim Ngọc, Phan Tấn Hải, Nguyễn Tiến Văn, Kim Thi, Lê Thứ v.v... tranh luận sôi nổi, quyết liệt về truyện ngắn được trao giải nhất này. Cuối năm 1992, sinh viên năm ba khoa Văn - Đại học Sư Phạm TPHCM được thầy ra đề thi môn lý luận văn học: “Nhân vật “Hắn” trong tác phẩm vừa được giải nhất của Báo Văn Nghệ là “lương thiện hay bất lương?”. Khi họ mời tôi đến nói chuyện trong hội trường hơn trăm sinh viên, tôi cũng phải trả lời câu hỏi này. Tôi nói: “Với tôi lúc đắm chìm trong cảm xúc sáng tác mãnh liệt thì “hắn” là lương thiện. Nhưng với người khác, tôi luôn khuyên không nên học theo “hắn”! Tôi sợ hãi và cầu mong điều đó không xảy ra!””.

Một đồng chí lãnh đạo bộ T. sau này gặp tôi, kể: “Lúc tớ làm Tổng biên tập (một tờ báo tỉnh ở miền Trung), tớ cho đăng lại truyện KSNLT của cậu đã bị một số ông Ban thường vụ đòi kiểm điểm...”. Còn bác Hà Đăng - nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Văn hóa tư tưởng Trung ương kể với tôi: “Tớ với Hữu Thỉnh (Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi truyện ngắn 1990 - 1991) sang Mỹ, các phóng viên bên đó hỏi: “Các ngài hô hào đổi mới, xóa bỏ hận thù mà sao trao giải nhất cho tác phẩm bắn vào Việt kiều?”. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã trả lời: “Chúng tôi trao giải nhất cho tác phẩm bắn vào áp bức bất công chứ không phải bắn vào Việt kiều. Cả thế giới này đều ghét áp bức bất công chứ không riêng Việt Nam...”!


Lại Văn Long thời viết kẻ sát nhân lương thiện và hiện nay.

Ngày 23/3/2003, đoàn nhà văn Nhật Bản do nhà văn, giáo sư Kato Sakae dẫn đầu sang TPHCM, có mời tôi và nhà văn Trầm Hương ăn trưa. Một số nhà văn trong đoàn đã đọc truyện KSNLT bản dịch tiếng Nhật của giáo sư Kato Sakae đăng trên tạp chí “Văn học dân chủ Nhật Bản”, hỏi tôi: “Vì sao anh chọn kết thúc bằng những phát súng bắn vào đồng bào mình?”. Tôi đã mượn câu trả lời rất hay của nhà thơ Hữu Thỉnh mà bác Hà Đăng đã kể để trả lời họ. Mấy tháng sau, giáo sư Kato Sakae đã gửi tặng tôi một cuốn tạp chí văn học dân chủ Nhật Bản số 6/2003 có đăng bài và hình về cuộc gặp tôi với nhà văn Trầm Hương. Tôi nhờ cô giáo khoa tiếng Nhật - Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM (KHXHNV) dịch thì biết họ khen truyện KSNLT và câu trả lời của tôi. Xin cảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh, vừa dũng cảm cho đăng và trao giải nhất cho KSNLT, vừa dạy tôi câu trả lời quá thông minh, xuất sắc!


Nhà văn Lại Văn Long, nhà văn Trầm Hương gặp các nhà văn Nhật Bản 23/3/2003

Năm 2021, con gái tôi du học bên Anh có mua về cuốn “Other Moons” (tập truyện ngắn về thời hậu chiến của Việt Nam do GS.TS Hà Mạnh Quân và thạc sĩ Joseph Babcock - Đại học Montana - Hoa Kỳ, dịch và biên soạn), trong đó có đăng truyện KSNLT (họ dịch là Amoral Murderer) với lời giới thiệu là “một tác phẩm đã dũng cảm nói lên sự thật”...

Cuối tháng 7/2023 vừa qua, tiến sĩ Tạ Thị Thanh Huyền có gửi tặng tôi khóa luận tốt nghiệp do cô hướng dẫn cho sinh viên Trương Thị Thanh Hải - khoa Văn của trường Đại học KHXHNV - Đại học Quốc gia Hà Nội, với đề tài: “Phẫn nộ chính nghĩa” (Righteous Indignation) và “Công lý tự phát” (Vigilantism) trong một số tác phẩm thơ, văn Việt Nam. Trong đó có khảo sát các truyện “Chí Phèo” của Nam Cao và KSNLT của Lại Văn Long... (Tôi cũng từng đọc trên các báo VN.Express, Quân Đội Nhân Dân và Tiền Phong (ra ngày 7/01/2010) có nói việc giáo sư Chúc Ngưỡng Tu (Đại học Bắc Kinh) dịch “Chí Phèo” của Nam Cao và “KSNLT” của Lại Văn Long ra tiếng Trung vì theo tôi nghĩ, hai tác phẩm này cùng có nhân vật phản kháng xã hội hiện thực ở hai thời kỳ lịch sử khác nhau). Năm 2012, sau khi xảy ra vụ Đoàn Văn Vương ở Tiên lãng - Hải Phòng chống đối việc cưỡng chế thu hồi đất làm 4 công an và 2 cán bộ quân đội bị thương, báo chí cả nước đồng loạt đưa tin về vụ việc này thì giáo sư Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường) đã phát biểu trên trang tiếng Việt của đài RFA (Châu Á tự do) ngày 27/01/2012: “Từ lâu rồi, giới văn nghệ đã cảnh báo về những thảm họa tranh chấp đất đai trong truyện ngắn “KSNLT”. Người xây dựng pháp luật về đất đai nông nghiệp phải trải mình trong thực tế nông thôn mới biết rõ những gì mà cuộc sống thực tế đang cần đến pháp luật”...

Đồng quan điểm của giáo sư Đặng Hùng Võ là bài: “Class, Nation, anh Text: The Representation of Peasants in Vietnamese Literature (tạm dịch: giai cấp, dân tộc và văn bản: Sự hà hiếp nông dân trong văn học Việt Nam)” của tác giả Montira Rato, được biên tập bởi Philip Taylor đăng trên trang web Đại học Cambridge (một trong những đại học nổi tiếng nhất Vương quốc Anh và thế giới) vào ngày 21/10/2015... Xin được trích một đoạn dịch trong bài viết này: “... Ở Việt Nam, trong thời chiến, vai trò của nông dân là đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia. Thế nhưng trong công cuộc khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa thời kỳ đổi mới, lại dựa dẫm vào tầng lớp trung lưu và trí thức. Sự thất vọng của nông dân sau chiến tranh đã được phản ánh trong truyện ngắn KSNLT (hay Kẻ sát nhân có đạo đức). Truyện được giải thưởng của Báo Văn Nghệ vào năm 1991...”. Khi viết KSNLT, tôi tập trung vào “đấu tranh giai cấp” trong “ngôi nhà tư tưởng” (pensée trong tiếng Pháp là “tư tưởng”) qua nhiều thế hệ con cháu địa chủ với con cháu các cố nông. Tiến sĩ Montira Rato (giảng viên môn Việt ngữ Đại học Chulalongkorn, người dịch nhật ký Đặng Thùy Trâm ra tiếng Thái Lan) đã nghiên cứu theo hướng mổ xẻ gốc gác của hai gia đình, dòng họ nông dân và địa chủ trong truyện. Nội dung chính của truyện tác giả trích dẫn chính xác và câu kết rất hay: “Khi bị cảnh sát điều tra, anh ta (nhân vật “hắn”) không hối hận vì tin rằng điều mình đã làm là khôi phục phẩm giá cho những người nông dân bị tước đoạt ruộng đất. Và anh ấy đã nói, chỉ người có đạo đức mới dám làm như anh ta”... (câu văn gốc trong tiếng Việt là: “Chỉ có người lương thiện thật sự mới dám nổ súng vào sự đè nén truyền kiếp...”). Toàn bộ bài viết dài của tác giả Montira Rito đã bênh vực cho “KSNLT” và cảnh báo những hậu quả khi nông dân không còn ruộng đất. Rất khác biệt, nếu không muốn nói là đối lập với quan điểm của nhà văn Mai Kim Ngọc đăng trên tờ văn học số 83/1992 - xuất bản tại Hoa Kỳ: “... Vấn đề chính và quan trọng hơn là mối nguy cơ của một nhân sinh quan phi đạo lý trong văn học có thể tạo ra bởi kỳ thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ 1991...” (quan điểm này đã bị các cây bút chủ lực trên tạp chí “Hợp lưu” (xuất bản ở Mỹ) như: Phan Tấn Hải, Nguyễn Tiến Văn, Lê Thứ, Kim Thi... phản ứng quyết liệt với 4 bài viết cùng đăng trên “Hợp lưu” số 9/1992). Nhóm “Hợp lưu” bênh vực quan điểm của Báo Văn Nghệ qua việc trao giải nhất cho “KSNLT”. Đến mức nhà văn Nguyễn Mộng Giác phải lên tiếng trong bài “Ngày xuân đọc báo” đăng trên nhiều diễn đàn ở hải ngoại: “... Kẻ sát nhân ra tòa được công tố buộc tội, luật sư biện hộ... cũng tốt thôi. Điều làm tôi kinh ngạc là cái giọng phẫn nộ, căm thù của những người viết trên “Hợp lưu” dành cho nhà văn Mai Kim Ngọc, cứ như tín đồ phẫn nộ trước lời lẽ báng bổ phạm Thánh của kẻ ngoại đạo...”.

ĐƯỢC HƯỞNG “LỘC” TỪ “THƯƠNG HIỆU” BÁO VĂN NGHỆ

Ngoài vấn đề tranh luận kéo dài hơn 30 năm cả trong, ngoài nước; “KSNLT” còn được đoàn kịch trẻ Hà Nội, đoàn kịch Thanh Hóa, Trung tâm văn hóa quận 3 - TPHCM... dựng kịch, diễn hàng trăm đêm từ Bắc vào Nam. Được làm phim 32 tập (phim Biệt thự Pensée - giải nhì phim truyền hình toàn quốc 2015. Nay trên YouTube có cả phim “KSNLT” copy từ “biệt thự Pensée”). KSNLT còn được tái bản ước cả trăm lần trên sách, báo trong, ngoài nước. Một số vụ án sau này có nguyên nhân từ tranh chấp đất, nhà hay nạn nhân bị dồn ép, xô đẩy buộc phải phản kháng trở thành hung thủ thì được gọi là “KSNLT”, như vụ xung đột đòi đất xảy ra tại huyện xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông năm 2016, làm 3 người chết và 16 người bị thương. Tác giả Trần Quang Lộc đăng trên trang web saigon.net nguyên văn trích từ truyện KSNLT: “Chỉ có người lương thiện thật sự mới dám nổ súng vào sự đè nén, truyền kiếp...” để bênh vực cho hung thủ Đặng Văn Hiếu... Hay nhà báo Đỗ Doãn Hoàn trong bài “Đắng lòng với một KSNLT” đăng trên trang web Nhân quyền và tự do ngày 18/12/2012: “Suốt quá trình điều tra vụ án này... tôi nhớ đến tác phẩm “khét tiếng” của Lại Văn Long được trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn 1990 - 1991 Báo Văn Nghệ. Không ai ủng hộ giết người vì bất cứ lý do gì. Nhưng cũng không ai muốn bản án quá nặng đè lên số phận đang phơi phới của một người lương thiện bị kẻ hung hãn truy sát đến cùng, buộc họ phải tự vệ...”.

Trong các năm từ 2007 - 2011, tôi được mời thỉnh giảng các môn phóng sự - điều tra, nghiệp vụ phóng viên ở các lớp đại học báo chí văn bằng 2 tại TPHCM và một số tỉnh, tôi thường lấy những loạt phóng sự nổi tiếng trên Báo Văn Nghệ đầu thời đổi mới, như: “Cái đêm hôm ấy đêm gì” (của Phùng Gia Lộc); Câu chuyện về một ông “vua lốp” (của Trần Huy Quang) v.v... như những minh chứng về sức mạnh của thể loại phóng sự - điều tra, và ảnh hưởng của những người viết báo, làm báo, lãnh đạo báo dũng cảm, có tầm, có tâm đối với tiến bộ xã hội. Đây là công lao vẻ vang của Báo Văn Nghệ ngoài nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng những tài năng văn học!

Giải nhất văn chương mà tôi được trao là “Giấy thông hành” rất giá trị bởi uy tín lớn lao của thương hiệu “Báo Văn Nghệ” với nhiều thế hệ độc giả. Đó cũng được xem như “thương hiệu quốc gia” về văn chương với bạn bè quốc tế mà các cuộc tranh luận, bình luận về “sản phẩm” KSNLT của Báo Văn Nghệ kéo dài suốt mấy chục năm trên những diễn đàn ở nhiều nước, nhiều đại học có uy tín là minh chứng.

Giải thưởng của Báo Văn Nghệ như “Giấy thông hành” rất “xịn” để tôi bước vào làng báo, làng văn; đến nay tôi đã có thêm... 30 giải thưởng báo chí, văn học (trong đó nhiều lần được giải nhất, giải nhì - giải báo chí quốc gia, giải báo chí TPHCM và một số bộ, ngành, có cả giải Búa Liềm Vàng của Bộ Công an 2022). Ba bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của tôi là: “Biệt thực Pensée”, “Thủy cơ”, “Mật danh Đ9”... đều nhận được các giải thưởng danh giá là phim xuất sắc nhất, phim được yêu thích nhất... trong các năm 2015, 2016, 2017... Năm tiểu thuyết khác của tôi là: “Gia tộc tướng cướp”, “Lật án tử hình”, “Vỏ bọc thần thánh”, “Hồng nhan sương khói”, “Oán thù trớ trêu’... đều đã được các tổ chức, cá nhân mua bản quyền làm phim, nhưng do đại dịch Covid-19 nên một số dự án phải dừng lại.

Ngày 20/11/2022, trong buổi ra mắt sách và đón nhận kỷ lục Việt Nam cho bộ tiểu thuyết hình sự “Hồ sơ lửa” của tôi (do Hội Nhà văn TPHCM, NXB Công an nhân dân và S.books tổ chức); tiến sĩ, luật sư Nguyễn Văn Viễn - Viện trưởng Viện Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội kỷ lục gia Việt Nam (Vietkings) đã phát biểu trước khách mời và báo giới rằng: “Hơn 30 năm trước tôi công tác ở Hà Nội... trong các bữa ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều... anh chị em trong cơ quan đều trao đổi sôi nổi về truyện ngắn KSNLT đăng trên Báo Văn Nghệ...”. Trong văn bản xác nhận kỷ lục Việt Nam cho “Hồ sơ lửa”, Vietkings ra thông báo: “Qua quá trình thẩm định mang tính độc lập, khách quan... xét thấy bộ tác phẩm “Hồ sơ lửa” không chỉ thể hiện tài năng và niềm đam mê của tác giả trong sự nghiệp văn chương mà còn là bộ tác phẩm có nội dung đặc sắc đem lại nhiều giá trị cho nền văn học Việt Nam đương đại”... Đã có hàng trăm bài báo viết về phim và tiểu thuyết “Hồ sơ lửa” suốt từ năm 2016 đến nay. Phần 1 của phim “Hồ sơ lửa” là “Mật danh Đ9” đã chiếu trên 40 kênh truyền hình sau khi nhận giải thưởng phim truyền hình được yêu thích nhất - giải “Ngôi sao xanh 2017”. Ngày 08/9/2023, tiểu thuyết “Hồ sơ lửa” được Ủy ban nhân dân TPHCM trao giải thưởng Sáng tạo - một vinh dự rất lớn cho tác giả.

Xin cảm ơn Báo Văn Nghệ đã giúp tôi thay đổi số phận, thực hiện được ước mơ viết văn từ tuổi thiếu niên và giúp gia đình thoát đói, nghèo. Xin kính chúc tờ Báo Văn Nghệ - ân nhân của tôi và của nhiều gia đình, nhiều tác giả khác sẽ tiếp tục sự nghiệp 75 năm vẻ vang của mình, tiếp tục có những đóng góp cho văn học nước nhà, cho sự nghiệp đổi mới của dân tộc, đất nước. Kính chúc Ban biên tập và cán bộ công nhân viên của báo sức khỏe, hạnh phúc.

L.V.L

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2023

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trương Tuyết Mai - Nàng thơ mắt ghe bầu & Ra mắt sách Hòa âm đêm
Videoclip hình ảnh tổng hợp về buổi Gặp gỡ, giao lưu với nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo – Không chỉ là Cõi Nhớ
Phóng sự hình ảnh Lễ khánh thành Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và chương trình nghệ thuật thơ nhạc “Nguyễn Trọng Tạo – Cõi nhớ”.
Xem thêm
Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài và một số bản dịch chưa được biết đến ở Việt Nam
Cho đến nay có thể nói Truyện Kiều của Nguyễn Du và Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh là hai trong số những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất. Thế nhưng, cho đến nay số ngôn ngữ đã dịch và số bản dịch được xuất bản của hai tác phẩm này vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ và thống nhất.
Xem thêm
Chuyển hoá thế trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng/BQP
Xem thêm
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh đại đoàn kết
Bài trả lời phỏng vấn của Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng
Xem thêm
Câu đối trong đền thờ liệt sĩ Điện Biên Phủ
Nhớ lại hơn hai chục năm trước, từ miền nam, lần đầu tiên tôi được đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên. Vùng đất bảo tàng với chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đánh dấu sự chấm hết của thực dân Pháp trên đất nước ta; giải phóng một nửa đất nước đã thắm biết bao xương máu của đồng chí, đồng bào; trong đó có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174.
Xem thêm
Theo chân VietNamNet về thăm lại chốn xưa: Bến Tre, Tiền Giang
Báo VietNamNet vừa tổ chức hành trình xuôi dòng Mekong bên lề cuộc thi “Chuyện của những dòng sông”.
Xem thêm
Những hình ảnh đẹp, ấn tượng và ý nghĩa về Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, trong bảng tổng kết sau đó, trong thời gian 36 ngày đêm trên đồi E1, khẩu pháo 75 ly của Phùng Văn Khầu đã phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu giành thắng lợi…
Xem thêm
Ngày thơ Việt Nam xuân Giáp Thìn tại TPHCM – Những điều đọng lại
Văn chương TPHCM trân trọng giới thiệu bản tổng kết của Ban tổ chức Ngày thơ cùng các clip hình ảnh tiêu biểu về lễ hội đầu xuân này.
Xem thêm
Đi tìm đồng bạc con cò trong câu hát xưa
Cách gọi đồng bạc hoa xòe cũng chính là dựa vào hình hoa văn dập nổi trên một mặt của đồng xu mà mặt kia là hình con cò.
Xem thêm
Phùng Khắc Khoan - Thái độ của kẻ sĩ trước thời cuộc
Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” do học giả Ngô Đức Thọ chủ biên, mục 1503 trang 481 có ghi: “Phùng Khắc Khoan (1528-1613) người xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, nay là thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.
Xem thêm
Báo Quân giải phóng miền Nam - Một công trình khoa học trân quý
Ra đời trong bão táp và xu thế phát triển tất yếu của cách mạng Miền Nam nói chung, các LLVT GP MNVN nói riêng, cách đây tròn 60 năm, báo Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam- cơ quan ngôn luận của Quân ủy và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam ra đời.
Xem thêm
Một số videoclip tư liệu về cuộc tọa đàm “Nhà thơ Đỗ Nam Cao - Ký ức còn mãi”
Sáng ngày 12-10, Hội Nhà văn TPHCM, Tạp chí Văn hiến Việt Nam và gia đình đã phối hợp tổ chức rất thành công cuộc tọa đàm “Nhà thơ Đỗ Nam Cao - Ký ức còn mãi”.
Xem thêm
Người đi tìm hương sắc văn chương
Nguyễn Thanh có tư chất nhà trí thức lớn của Nam Bộ ở phương diện tư duy phản biện, cụ thể: viết về danh nhân đúng, minh bạch và ông không viết một chiều, mà đưa ra một số góc nhìn cho độc giả, ta gọi là tư duy phản biện.
Xem thêm
Tìm đường đi cho những hạt phù sa
Nguồn: “Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam” số 6 ra ngày 25/9/2023
Xem thêm