TIN TỨC
  • Truyện
  • Một đời thương nhớ | Thùy Như

Một đời thương nhớ | Thùy Như

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
399 lượt xem

 CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

THÙY NHƯ

Cứ chiều chiều ba lại đi ra cái ao sau nhà, mùa này mặt ao nở đầy bông súng tím. Nhớ bữa nào đó ông gọi “Bà nó ơi, bà dỡ mắm kho, để tôi nhổ mớ bông súng với bẻ bông lục bình chấm ăn nhen bà”. Vừa dứt câu, ông thẫn người ra, còn phía nhà, tự dưng im thin thít tiếng người, cả ngọn gió cuối ngày đương lao xao mái lá cũng dừng trêu nhau, nghe lẫn trong sự yên ắng có cả tiếng sụt sùi cố giấu. Chị Hai lấy tay quẹt đôi mắt rưng rức đỏ, gỡ que tre đè lên hũ mắm cá sặc tát đìa mùa rồi, nhóm lá dừa dưới mấy thanh củi gác qua gác lại trong cái lò đất, nồi mắm liu riu thoang thoảng tỏa hương quyện với mùi khói trầm ấm bịn rịn bay lên thổn thức. Anh Hai bật dậy từ võng, mắt trân trân vào vách, như thể anh nhìn xuyên qua nó và thấy được hàng bạch đàn bao quanh chỗ ba mình đang đứng.


Tranh: Internet

Cái ao vẫn yên vị từ thuở nào, vơi rồi đầy theo mùa mưa mùa khô của quê xứ. Có hôm ngó ra ao xanh gờn gợn, có hôm thì tím miên man. Má thường ngồi nơi cầu ao sau buổi làm đồng rửa tay rửa chân, vò vội cái áo cái quần qua nước ao cho đỡ sình. Hôm rảnh, má nấu cơm nguội với cám thả vào ao cho cá ăn, má cứ như chị Tấm từ câu chuyện cổ tích xa xôi. Mỗi lần bơi xuồng giăng lưới thấy bầy lòng ròng, ba đều vớt thả vào ao, nhờ cám má nuôi lớn, để hôm giỗ quảy bên nội bên ngoại có cái đem sang thêm món cúng. Con má, từng đứa một bì bõm với cái bẹ chuối trong ao trước khi được ba cho ra kênh vùng vẫy, cũng ngồi đây để rửa sạch bùn đất mà trưởng thành, còn má ngồi đây in bóng lưng mình dần còng xuống. Đám bạch đàn cao lêu khêu, trưa trưa ríu ran tiếng chim chóc, ba mắc võng ngoài đó, ba má ngủ trưa, nghe radio phát bài ca cổ. Hồi tóc trắng như mây, sàn là nơi má gỡ búi tóc cuộn tròn mượn từ tóc đứa con gái út, mắt ngó thằng cháu nội rượt bầy vịt xiêm lạch bạch xuống ao. Bọn trẻ đi đâu xa nhà, về tới là chạy ù ra ao, lăn qua lộn lại trên cái võng, ngó tổ chim má kể, nhìn ngôi nhà thân yêu từ phía sau, và hơn cả là thấy má ngồi nhổ tóc sâu cho ba, rồi bị má vỗ vào vai mắng “Cha bây, về mà không cho má biết!”.

Má mang bầu 6 lần, nhưng chỉ 5 đứa được bao bọc trong vòng tay má. Anh Hai 3 tuổi thì má sinh anh kế, duyên phận má con với anh chỉ ngắn ngủi vỏn vẹn 9 tháng trời. Má không sinh tại nhà như lúc sinh anh Hai mà được chuyển ra trạm xá vì sinh khó, rồi má được chở ra huyện. Lần đó tưởng như anh Hai phải mồ côi má, bởi má đứng ở lằn ranh sinh tử, tính không qua khỏi. Cả bệnh viện không quen biết vậy mà vẫn tiếp từng chút máu để cứu lấy một bà mẹ vừa chịu mất con. Ba nói ba mang ơn những người đã giữ má lại cho ba, nên ông dành cuộc đời mình để đền đáp, dẫu chẳng giàu có hơn ai, chỉ cần nghe có người cần giúp đỡ, ông sẵn sàng sẻ chia không tính phần hơn thiệt. Má trở về từ bệnh viện, sau cuộc giành giật với tử thần, nỗi đau của người mẹ đi sinh về không có con ai thấu, đứa con đó không xuất hiện trong thứ bậc gia đình, không ai nhớ mặt gọi tên, nhưng vĩnh viễn là con má, là đứa con như những đứa má đã ôm vào lòng. Má ray rứt mãi vì 2 má con chỉ giữ được 1, dù bác sĩ nói anh đã chết trước khi ra đời, má vẫn nghĩ là lỗi do mình, để cứu mình mà bác sĩ phải lựa chọn như thế. Hàng bạch đàn mọc nơi bờ ao vốn dĩ ba trồng lấy gỗ, song sau ngày má cột dây vải trắng lên thân cây gần sàn nước nhất, cây theo thời gian vươn nhánh, không một dao búa nào chạm vào, ba không giữ một cây, ba giữ tất cả để kiên vững cho người. Hồi cây còn nhỏ, gặp đợt bão to, ba cắm cọc kiềng cố sợ cây ngã, cũng như thể sợ vết thương của bà vợ nứt toạc. Bởi ba cùng má trải qua ngày tháng bi ai nhất, một tay ba chăm má, chăm anh Hai, ba đau mà vờ như không, tại nỗi đau của má lớn hơn.

Cứ ngỡ giữ cây để buổi chiều buông má thắp nhang bàn thờ ông Thiên rồi vòng ra sau nhà cắm nơi gốc bạch đàn một nén nhang, ký ức buồn nhất theo đó ngủ yên nơi tim người, không quên cũng không còn nhói. Nghiệt ngã thay, 16 năm sau, chị Tư 10 tuổi, chị vuột khỏi vòng tay má. Má chạy mà đôi chân như không chạm đất băng qua cánh đồng, nơi mà đứa nào vừa thở dốc vừa báo chị Tư bị rắn cắn nằm ngoài ấy. Ba vứt chiếc xe đạp ngay bờ rào, hộp hớt tóc dạo miễn phí đổ tung, gấp rãi hướng hai má con, không kịp nữa, chị Tư trên tay má tím bầm. Ba dìu má bước thấp bước cao về nhà, rối rắm làm cái đám cho con, mắt lâu lâu trông chừng người vợ đang vô hồn bên quan tài con. Nhớ lại, tôi và con Út cũng khóc nheo nhóc sau lưng má. Sau này có con rồi tôi mới thấm thía một phần bi kịch má trải qua, làm sao má có thể tròn trách nhiệm với anh em tôi khi má ôm vết thương quá lớn, nó đủ làm suy sụp một con người, đủ đẩy người ta vào cùng quẫn. Chúng tôi may mắn có ba có má trên chặng đường trưởng thành dẫu má từng trải qua khoảng thời gian bất định về tinh thần. Má là ưu tiên lớn nhất của ba, sự bao dung của ba vô bờ bến, từng chút một bên má an ủi, xoa dịu con sóng dữ dội cào xé tâm tư má. Ba dạy chúng tôi yêu má, yêu cả vết thương mà má đang mang. Nhờ đó, má bình tâm trở lại, cùng ba đi thêm chặng đường dài, lấy niềm vui bên con cháu khỏa lấp nỗi buồn.

Cạnh gốc bạch đàn cầu ao là mộ chị Tư, theo năm tháng cây lớn rợp bóng mát che chỗ chị nằm, sớm thoảng hương hoa, trưa chim cất giọng, chiều gió hát vỗ về. Cái ao được đào lại không biết bao nhiêu lần vì lòng ao cứ đầy lên, cái sàn cũng làm lại mỗi lúc cái cũ lung lay, chỉ để cho má ngồi gỡ tóc nghe cá quẫy. Một ngày mưa như trút, má theo mưa về đất, nước ao ngập tràn qua bờ, con cá rô lóc vào tận vách nhà xèn xẹt. Ông trời chắc cũng xót xa cho một kiếp người dẫu sống vui với chồng con vẫn âm ỉ đau mà không còn sức thốt thành lời nên ổng mưa hoài không tạnh. Người thân trùm áo mưa đưa má đi chuyến cuối cùng. Má yên giấc bên cạnh chị Tư, dưới tán bạch đàn má thương như con che chở, khép lại bao nhiêu trăn trở nhọc nhằn. Những nỗi đau đã cùng người vào hư vô, xoa dịu bằng cuộc hội ngộ mà không ai biết được. Mấy ngày nước rút, ba đi quanh bờ, nhặt mớ bông súng nằm rạp trên đất đem trả về ao để nó tiếp tục nở bông hoa tím biếc.

Chị Hai nhắc lúc chị mới về làm dâu, lần đầu tiên chuẩn bị giỗ chị Tư, chị chở má đi chợ, thấy má mua hai bộ đồ nam nữ, chị thắc mắc thì má bảo má mua cho anh kế (tôi gọi như thế vì anh không có thứ). Từ đó nhà tôi gìn giữ lời má dặn như một thói quen. Má yếu dần đi, chị Hai thay má quán xuyến chuyện nhà, chưa bao giờ chị quên mình có một người em chồng không có tên, chị vẫn dạy sắp nhỏ thắp thêm cây nhang cho chú. Chị nói chị sẽ nhớ dùm má để nhắc nhở con cháu, người khuất chỉ sống trong tâm trí người còn sống, huống chi người nằm đó có máu mũ với mình. Trời ơi, không nói chắc người ta tính chị là con ruột của má, sao mà giống má quá chừng. Càng ở với má lâu, tôi càng thấy dáng dấp má nơi chị, y chang hồi má còn trẻ, hồi còn ngồi cầu ao chà đôi chân lội ruộng, còn bắt chí cho tôi. Phải thôi, chị làm dâu má 20 năm còn gì. Chị chỉ khác má chổ không mặc áo bà ba, cũng không ra sàn chùi rửa gì nữa, giờ nước bơm từ giếng lên tiện hơn nhiều. Chị nhỏ nhẹ với anh Hai, không cầm roi đánh con đầu làng cuối xóm, chị thương nhà chồng như nhà ruột, em chồng sinh thì đi nuôi, cháu chồng về nghỉ hè chị chăm từng bữa ăn giấc ngủ. Chị chân thành với mọi người như cách má đã sống.

Nhà không còn má, tự dưng chỗ nào cũng vắng, vắng nơi bộ bàn trà sớm cùng ba, vắng trên con đường đi tập thể dục buổi tinh mơ. Vắng chỗ chái bếp má đặt 2 cái lò 3 ông Táo để nấu nồi cơm có nước cơm ăn kho quẹt, chị Hai quen rồi nên vẫn bỏ bê nồi cơm điện trong góc tủ. Mà buồn nhất có lẽ là bờ ao kia, đâu còn má ngủ trưa, đâu còn má vấn mái tóc lơ thơ, hơn cả không ai gọi đến má như dạo ba nhìn bông súng mà nhắc má kho mắm, con cháu không ới vọng về phía ao tìm má tìm bà nữa. Không má, tụi nhỏ ít ra đó, tụi nó đâu có rửa chân, đâu có biết mặt cô Tư dì Tư, đâu biết nhìn cây nhớ người, chỉ gắn kết vì có bà mà thôi. Cái sàn đã sập, anh Hai không bắt lại, còn ai ngồi đâu mà bắt, mặc kệ mớ cây mục rã vào ao, nhổ lên buồn lắm, mà cắm lại buồn ác thêm, nên thôi. Như má giữ nỗi nhớ anh kế, chúng tôi không giữ nơi má ngồi trong mắt, chúng tôi dành một phần tim mình để khắc lại. Chỗ má và chị Tư nằm, bình yên dưới một mái nhỏ đủ che nắng che mưa, con cháu tụ tập nơi đó lau dọn, trồng hoa, thủ thỉ chuyện vui buồn với má. Mùa nóng ba vẫn ra võng đong đưa, mở bài vọng cổ người xưa cho má nghe cùng. Hai cái võng mắc chỗ cũ như má chưa từng rời đi.

Ba đi trong bóng chiều, lọn khói thuốc quẩn quanh làm nỗi cô đơn dài đăng đẳng. Tôi về trước ngày giỗ má ít hôm phụ anh chị Hai chuẩn bị, mỗi lần nhìn ba là một lần thảng thốt, ông già đi nhanh quá, nhanh đến độ gieo thành nỗi sợ cho chúng tôi. Dường như hết thảy mọi thứ ông cố gánh gồng thay má, cố kìm nén để cho má nương tựa vì sự ra đi của má mà thành giọt nước tràn ly, chúng làm ông bị quật ngã. Mới hồi nào còn dìu má, dắt má qua cầu, giờ những bước chân ông liu xiu, cơn đau khớp hoành hành. Vậy chứ chỉ những ngày mưa mới ngăn ông ra thăm má. Tôi cũng đi qua nửa đời người, tự hỏi liệu mai này mình già nua, ông chồng có còn thương như ba thương má? Rồi nghĩ lại mình đâu được giống má, bỏ hết vinh hoa của tiểu thư nhà giàu theo ba sống đời cơ cực, hết mực dịu dàng với chồng con; mình mắng con, giận chồng như cơm bữa, thôi thì nửa đời còn lại gáng học má, để còn thương nhau đến bạc đầu.

Chị Hai đưa tôi xem qua cái danh mục đồ đạc, toàn món má thích lúc sinh thời, còn cả hai bộ nữ một bộ nam quần áo giấy. Chị hỏi tôi coi có thiếu gì thì thêm giúp chị. Chị chu đáo vậy đó, đã thay má làm chủ gia đình nhiều năm, còn tôi là đứa đã gả đi, chị vẫn tôn trọng từng đứa em, lắng nghe từng ý kiến. Nên dẫu sống dưới mái nhà khác từ lâu, chúng tôi không thấy xa lạ khi đặt chân về nhà; mấy món má hay làm cho tụi con cháu chị nhớ hết, chính tay chị nấu cho chúng tôi, bằng cách đó chị làm cho sợi dây kết nối tình thâm không đứt quãng khi má mất rồi. Hôm qua tôi mở tủ thấy mấy hộp bánh bông lan, bánh kẹp cuốn, chị làm cho tôi và con Út đem theo sau ngày giỗ má. Chị nói chị học má cách yêu thương những người cùng mình góp nên hai tiếng gia đình.

 Tiếng ba ho khụ khụ phía sau nhà cắt ngang cuộc trò chuyện của hai chị em, trời đã nhuộm tối và bắt đầu trở lạnh. Người già như ngọn đèn treo trước gió, đã vậy còn là người âm thầm gánh nhiều nỗi niềm, con cháu chỉ dám mong mùa gió nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi ngó ra hàng bạch đàn đang reo, bóng lưng ba còng xuống buồn thiu. Anh Hai khoác áo ấm lên vai ba, khẽ dìu ba đứng dậy. Tôi chợt nhận ra anh Hai cũng gần chạm mốc 50, tóc đã ngả màu. Anh ở cạnh ba má lâu hơn, hiểu sâu sắc chuyện buồn của gia đình hơn tụi em, nên anh cũng mạnh mẽ hơn để cho bọn trẻ chỗ dựa. Thời gian khắc nghiệt làm sao, chớp mắt chúng tôi đều đã không còn là những đứa trẻ ngụp lặn trong ao, người ngồi trông chúng tôi tắm cũng không còn ở đó. Nước mắt tôi chảy thành dòng, lòng đầy ắp nỗi sợ, còn bao lần được nhìn thấy những người trước mắt mình.

Tôi đỡ tay ba, gân guốc dưới làn da nhăn nheo, đôi tay một đời nắm lấy tay má, chống đỡ bầu trời cho má. Ba ở với anh chị Hai, ba còn chúng tôi, nhưng tôi cảm như ba đơn độc lắm. Ba một mình nằm võng, ba một mình nhổ cỏ, ba một mình uống trà, một mình ra vô. Con cái dẫu gì cũng có việc của nó, không thể suốt ngày cạnh ba như má. Thương ba nhiều nhưng không biết làm sao chia sẻ tâm tư cho ba bớt nặng. Nên những chiều như chiều nay, con cái chỉ lặng dõi theo bước chân ba chầm chậm ra bờ ao, lặng lẽ chờ ba tạm dừng cuộc trò chuyện âm thầm với má rồi chờ ba vào nhà. Ba lặp lại chuỗi ngày như má trên đoạn đường quen thuộc, đoạn đường đó in vào lòng con cháu. Giống cách ba và chúng tôi giữ má bên mình, chúng tôi giữ ba những năm tháng ít ỏi còn lại, nhưng chúng tôi biết, dẫu ba ở đây với chúng tôi, nhưng tâm tư ba đã đi cùng với má lâu rồi.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bụi cộm mắt người || Truyện ngắn Ngọc Miên
Truyện đăng Tc Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 76, ngày 01/6/2023.
Xem thêm
Hoàng hôn du dương || Truyện ngắn Lệ Hồng
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TPHCM, số 70, ngày 20/4/ 2023.
Xem thêm
Buôn Rung xa xăm || Truyện ngắn Lại Văn Long
Truyện ngắn dự thi báo Văn nghệ
Xem thêm
Hương của hoa || Truyện ngắn Trần Hương Giang
Ngày ba tôi ra nước ngoài bỏ lại mẹ và ba chị em tôi trong căn nhà nhỏ, mẹ tôi đã khóc lóc suốt mấy hôm đến lả người. Ngày trước ba tôi đi làm nuôi cả nhà.
Xem thêm
Xe đêm || Truyện ngắn của Đặng Chương Ngạn
Nguồn: Truyện dự thi đăng Báo Văn nghệ số 39 (24/9/2022)
Xem thêm
Nghe đọc truyện đêm khuya: Không hết chuyện kể
Tác phẩm đăng báo Nghệ An Cuối Tuần
Xem thêm
Ba một một ba | Truyện ngắn dự thi của Bùi Khánh Nguyên
Chị đã khác. Vì chị đã chọn làm công dân hạng ba của một nước thứ nhất, như lời chị nói.
Xem thêm
Hoàng hôn qua, bình minh tới | Truyện ngắn dự thi của Du An
Tôi không đáp, vì tôi biết, bác hiểu. “Rằng từ hôm nay, con đã học được cách kiên trì với giấc mơ mình”.Hoàng hôn qua, bình minh tới.
Xem thêm
Giá có một con ma! – Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn
Người bà trong ảnh nhìn tôi đôi mắt hấp háy cười… chính là bà cụ nhặt hoa sứ trên núi ngày nào: khuôn mặt ấy, từng nếp nhăn, tôi luôn nhớ rõ, đôi mắt ấy, vầng trán ấy, hai cái tai to với dái tai tròn, chỉ khác: cái miệng hai hàm răng trắng đều chưa có răng cửa nào bị rụng…
Xem thêm
Ngôi nhà rường bản Trăng | Truyện ngắn dự thi của Cao Chiến
Một thời, tôi và vợ chồng Sâm - Cầm học với nhau ở Nga. Sâm học đạo diễn còn Cầm học sư phạm. Sâm cao lớn, mặt mũi sáng trưng, tóc bồng bềnh lãng tử lắm
Xem thêm
Lời khấn | Truyện ngắn dự thi của Lâm Hiền
Ông Bảy vẫn đứng đó, dáng cô độc mà uy nghi. Ánh nắng đậu trên mái tóc bạc, chảy trên người, bao bọc quanh ông như thể ông được nắng dát vàng.
Xem thêm
Đáy sông lấp lánh - Truyện ngắn của Hoàng Anh Linh 
Tôi cục cựa, mở hé mắt len lén nhìn ông già đang xì xụp húp miếng cháo đựng trong cái gáo dừa màu đen xỉn. Yên ắng. Chỉ có tiếng rì rầm của nước sông đang chảy, tiếng vạc sành xào xạc ăn đêm. Bình tĩnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên chiếc ghe mục nát của ông già. Đầu xây xẩm, cả người như tê liệt, tôi không nhớ vì sao mình lại nằm ở đây. Đêm, trăng tròn sáng, khi tôi đang chơi trốn tìm thì có gì đó đập vào gáy mình. Rồi tối om, không nhớ gì nữa. Tôi khẽ cựa mình, đau nhức âm ỉ kéo dài từ gáy tới toàn thân. Ông già đã húp xong gáo cháo, đang cúi đầu xuống nước vục uống. Một chiếc thuyền chở khóm bành bành chạy qua, chiếc ghe khẽ tròng trành.
Xem thêm
Một lần trốn chạy | Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ
“Lần này mày phải giữ cho được cái thai, phải sinh ra và nuôi con cho thật tốt, đừng có như tao nghe chưa Hoa?”
Xem thêm
Che mưa | Truyện ngắn dự thi của Cao Dung
Thì ra, che mưa còn là một sự hi sinh của người làm cha cho một đứa trẻ dù có lớn cũng chỉ là đứa con bé nhỏ của đấng sinh thành.
Xem thêm
Gió những mùa sau | Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Vĩnh Long
Cô bé ơi, xin hãy đi trọn kiếp người với một tấm lòng trong sáng cưu mang, như những cơn gió mùa thơm ngát của hôm qua…
Xem thêm
Ngày ý nghĩ phôi phai | Truyện ngắn dự thi của Hiền Nguyễn
- Em muốn li dị!Đó là câu nói đập vào tai nhà văn Gắng sau 3 ngày vợ đi công tác trở về không báo trước và bất ngờ lao vào phòng chồng. Một cái thắt nút quá đường đột mà có lẽ nhà văn chưa bao giờ nghĩ đến cả trong sự hư cấu lẫn trí tưởng tượng của cuộc đời mình.
Xem thêm
“Bách niên thịnh thế” | Truyện ngắn cự thi của Lý Chiêu Văn
Cũng chính trong hành trình hoằng dương Phật pháp ấy, ngài đã có dịp tìm hiểu, trăn trở, rồi cùng với các trí thức, nghệ nhân sưu tầm và phục hưng lại nghề đúc đồng - một tinh hoa của người Việt cổ.
Xem thêm
Giang sầu | Truyện ngắn dự thi của Trịnh Thị Hiên
Ở thế giới bên kia, Hiếu vẫn luôn mỉm cười. Phương sẽ không cô đơn khi bước tiếp những ngày không còn có Hiếu.
Xem thêm