TIN TỨC

Một vị độc giả đặc biệt

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-06-01 17:46:49
mail facebook google pos stwis
344 lượt xem

 Phùng Văn Khai

Tôi không nghĩ mẹ tôi khi bước sang tuổi tám mươi ba cụ vẫn rất chăm đọc sách. Cụ còn nhận xét rất tinh về các tác phẩm đã đọc. Sau khi cụ ông mất trong đêm noel năm 2023, dù rất tiếc thương, song cụ bà đã lập tức trở về cuộc sống đời thường của mình. Cụ ở một mình. Tuy nhiên, con cháu ngay sát cạnh ngày đêm các cháu, các chắt vẫn tới để cụ chăm. Gia đình tôi ở Long Biên - Hà Nội, tuy gần Như Quỳnh - Văn Lâm - Hưng Yên, song chỉ thứ bảy chủ nhật mới về với cụ. Tôi bận mải công việc, khá lơ đãng việc về quê. Mỗi khi thời tiết tốt, vợ tôi đón cụ ra Long Biên, lên kế hoạch dẫn cụ đi các đình, đền, chùa, danh thắng, siêu thị, hệ thống tàu cao tốc chụp ảnh đưa face rôm rả. Khi ấy tôi mới có dịp quan sát đấng sinh thành của mình và rất mê cách tổ chức cuộc sống của cụ.

Cụ Nguyễn Thị Tỏn - 83 tuổi đang đọc sách

Cụ thường dạy sớm và chuẩn giờ. Đúng 4h30, cụ nhẹ nhàng rời phòng riêng xuống tầng một chuẩn bị nước sôi ủ trà và tập thể dục khoảng 30 phút trong căn phòng rộng rãi mở hai đầu cửa liên thông với cây xanh chim hót. Cụ dùng trà sớm và đọc sách tới 6h30 sáng mới dùng bữa. Cụ uống đều ba bữa rượu chưa bao giờ bỏ. Thấy mẹ uống rượu, con dâu, con trai không cấm mà động viên, chuẩn bị các loại rượu hoa quả để cụ dùng. Tôi thường dậy sớm mở máy tính xử lý thư điện tử cần kíp các khu vực tới 6h00 tự lái xe sang cơ quan thực hiện công việc trong ngày.

Một hôm, có việc 10h sáng trở về thấy mẹ đang đọc sách (Tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương tập 2), tôi rất ngạc nhiên hỏi:

Cụ đọc được không? Sách này cụ đọc làm sao được? Con không ngờ cụ lại đọc sách của con trai say mê như vậy? Tại sao hả cụ?

Trong gia đình, chúng tôi thường xưng hô với mẹ như vậy. Mẹ tôi đã có tới chín chắt nội ngoại, có chắt đã vào đại học nên trong gia đình, dòng họ đã từ lâu thành tập quán xưng hô như thế.

Cụ đặt tập sách xuống, nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:

Ông hay nhỉ? Sao tôi lại không đọc được! Tôi đọc hết tập 1 ở quê từ lâu rồi, cứ nghĩ ông không viết được tập 2. Ai ngờ ông viết cũng được đấy. Ông cũng giỏi thật chứ không phải vừa đâu. Hôm trước, mấy cậu tiến sĩ tìm đến mượn sách của ông, tôi đã phải quảng cáo cho ông rồi. Hoan hô ông!

Bộ sách Trưng Nữ Vương

Nói tới đó, cụ vỗ tay hoan hô khiến tôi không nhịn được cười vừa thấy trong lòng có phần sợ hãi. Kể cũng lạ! Thường ngày tôi chỉ thấy cụ bà đọc thơ cùng các vị cao tuổi câu lạc bộ thôn xóm bình phẩm với nhau. Thơ của các cụ tôi đã biên tập và in biếu vài tập, thậm chí viết lời giới thiệu rất véo von mặc dù chất lượng xóm vườn bài nào cũng giống bài nào nhưng chỉ để vui tuổi già thanh thản không phương hại tới ai. Các cụ cũng biết tôi làm Trưởng ban Thơ một tờ báo lớn, có khi đánh hẳn giấy mời xuống đình sinh hoạt thơ với các cụ tôi đều phải đánh bài chuồn. Khác với cụ ông lúc sinh thời chỉ độc một món tivi khiến các cháu phải sắm tới hai màn hình lớn để cụ cùng lúc xem bóng đá Châu Âu và bóng chuyền nữ Việt Nam cho thuận mắt; thì cụ bà cứ thơ phú sách báo ngày đêm. Dẫu như thế, tôi không dám nói với các cụ mình là nhà văn, lại càng không dám đưa các tiểu thuyết lịch sử của mình ra khoe với cụ bởi đời nào người tám chín mươi đọc tiểu thuyết nghìn trang.

Vậy mà hôm nay, tại nhà riêng, mẹ đã dạy cho tôi một bài học.

Chao ôi! Tôi không thể nào ngờ mình lại có một vị độc giả đặc biệt tới như vậy! Cụ đọc các tiểu thuyết lịch sử của tôi từ lâu rồi, vậy mà chưa bao giờ nhận xét như hôm nay.

Tôi vừa thích thú vừa có phần ngượng ngùng bảo:

Ối trời ơi! Con lạy cụ! Cụ ngoài tám mươi vẫn đọc thoăn thoắt cả nghìn trang tiểu thuyết quả là phúc đức cho con cháu. Con cứ nghĩ cụ chỉ giỏi thơ phú câu lạc bộ, ngày ba bữa rượu hoa quả, thể dục thể thao, quy hoạch con cháu chắt chứ bình phẩm tiểu thuyết thì ối trời ơi!

Thấy tôi nói như vậy, cụ bà liền mắng cũng là khen con trai!

Ông thì biết cái gì? Tôi nuôi các ông các bà bao năm bằng đầu bằng cổ tôi lạ gì. Nhưng ông là giỏi đấy. Tiền bạc không bằng người ta nhưng được cái giỏi chữ nghĩa, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tất cả các chương trình có ông nói trên tivi tôi đều xem hết. Ông nói giỏi. Ông viết lịch sử khiến tôi bất ngờ đấy. Tôi cứ tưởng ông không viết nổi về Hai Bà Trưng đâu. Các cụ tài giỏi lắm ông ơi! Phụ nữ Việt Nam chúng tôi không kém gì các ông đâu! Tôi sẽ đọc kĩ thêm một lần nữa rồi sẽ trao đổi với mấy cậu tiến sĩ về tác phẩm của ông, nhất là các nữ tướng của Hai Bà Trưng chứ biết ông là tác giả tôi không cần nói chuyện với ông, kẻo ông lại bênh vực nhân vật của mình sẽ không khách quan. Tôi đọc độ tuần này là xong sẽ bắt tay vào đọc cuốn tiểu thuyết Nam Đế Vạn Xuân của ông. Nghe mọi người kháo nhau trên tivi, trên phát thanh VOV, tôi phải đích thân đọc mới được.

Sau phút vừa ngạc nhiên vừa nượng ngùng ấy, tôi bỗng rất xúc động chút nữa rơi nước mắt. Mẹ tôi, người nông dân thuần hậu hiền lành từng làm thư kí đội sản xuất thay chồng đang chiến đấu ở chiến trường một tay nuôi bốn anh chị em tôi trưởng thành, vượt qua vô vàn khó khăn, thiếu đói, thiếu mặc, thiếu sách vở của thời chiến tranh, tiếp đó là thời quan liêu bao cấp dài dằng dặc, khi có bát ăn bát để đã tóc bạc lưng còng cũng chẳng trách ai. Khi cụ ông chưa mất, con đàn cháu đống đấy nhưng đều là hai cụ chăm nhau. Sống với mẹ đã trên nửa thế kỉ mà đến hôm nay, tôi còn chưa hiểu hết người mẹ ruột của mình: kiên cường, nhân hậu, nhường nhịn chồng con nhưng cũng rất mạnh mẽ và gan góc. Còn như cái sự hiểu biết của cụ, chỉ tính riêng việc đọc và bình phẩm cả ngàn trang tiểu thuyết ở độ tuổi này đã khiến tôi vô cùng khâm phục.

Thấy tôi có vẻ rơi vào thế bí chưa biết nói năng gì, cụ bèn giảng giải:

Ông ạ! (Lạy trời lúc nào cụ cũng nói với các con như vậy). Tôi đã đọc kĩ bộ tiểu thuyết Trưng Nữ Vương của ông. Ông viết càng ngày càng thuần thục trơn chu. Chứ cuốn Phùng Vương ông viết cách đây chục năm, đài VOV đã đọc tôi nghe, tuy hấp dẫn đấy nhưng câu văn nhiều chỗ hãy còn vụng về luộm thuộm. Hóa ra lâu nay ông ít về quê là ông đi học thầy học bạn để bằng người. Thôi thế cũng được ông ạ. Cần cù bù thông minh chứ đua tranh với thiên hạ không phải đầu cũng phải tai ông nhỉ.

Gia đình cụ Tỏn chụp ảnh trong ngày xuân

Tôi càng quá đỗi khâm phục mẹ. Hóa ra từ lâu cụ đã lặng lẽ dõi theo, lắng nghe và tìm hiểu ngọn ngành các tác phẩm của con. Đừng tưởng các cụ không nói là không biết gì? Nhiều lần tôi đưa cụ tới Văn miếu Quốc Tử Giám dự Hội thảo về văn chương lịch sử và trao giải Phùng Khắc Khoan, thấy cụ toàn nói chuyện với các giáo sư, tiến sĩ, các vị tướng lĩnh tươi cười thân thiết như không, tôi cứ tưởng mọi người ưu ái, tò mò về bà lão nông dân, mãi hôm nay mới biết cụ đã từ lâu thông hiểu và ham mê sử sách. Thực là cha mẹ hiểu con chứ mấy khi con hiểu hết tấm lòng cha mẹ.

Bẵng đi hơn một tháng, một hôm về quê buổi giỗ, mẹ tôi đến bên nói rành rọt:

Cuốn Nam Đế Vạn Xuân ông viết được đấy! Ông cũng hiểu biết nhiều về chùa chiền nhỉ? Tôi đang định ra gặp ông để lấy cuốn tiếp theo chứ tôi đọc đến chương cuối vẫn thấy thiêu thiếu cái gì đó? Ông định bỏ bom bạn đọc à?

Trời đất ơi! Mẹ tôi đúng là một bạn đọc kì công. Cuốn Nam Đế Vạn Xuân là cuốn khởi đầu của bộ Vương triều Tiền Lý. Cuốn kế tiếp là cuốn Triệu Vương phục quốc viết về Triệu Việt Vương - Triệu Quang Phục vừa là món nợ phải trả vừa là tấm lòng thành của tôi với quê hương Hưng Yên cũng đã hoàn thành mà tôi quên béng mất không tặng mẹ, bởi biết đâu vị độc giả đặc biệt ham đọc lại là đấng sinh thành của mình.

Tôi sững người một lát rồi xúc động nói:

Vâng! Cụ nói đúng đấy. Còn mấy cuốn tiếp theo của bộ tiểu thuyết này con sẽ sớm mang về biếu để cụ đọc. Mà sao cụ đọc chăm thế nhỉ?

Mẹ tôi hồn hậu nói ngay:

Tại vì ông viết hay! Tôi bây giờ quen đọc văn của ông cũng thấy hay đâm ra nghiện ông ạ. Mấy hôm nay thiếu sách của ông, tôi bèn đọc tạm tập sách về cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng tạm được. Những tôi thích đọc tiểu thuyết lịch sử của ông hơn. Ông hãy tìm cách sớm đưa về nhé!

Tôi không dám nói gì thêm với mẹ, chỉ thấy lòng dạ bâng khuâng. Chao ôi! Tôi cứ mải miết đi tìm kiếm độc giả những đâu đâu chân trời góc biển, nhiều khi còn tốn kém để gửi sách cho các quan chức, đa đề, giáo sư, tiến sĩ nơi cao xa mà quên mất ngay cả mẹ mình, một độc giả vô cùng đặc biệt. Hẳn khi sinh con, các cụ cũng chỉ mong muốn con được lành lặn đủ chân đủ tay, miệng ăn chân chạy, rồi sau này lớn lên tự làm nấy mà ăn là được, chứ mong gì làm ông nọ bà kia, càng không thể nào trở thành nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử được? Nhưng con đã trở thành như vậy cũng chẳng sao. Người sẽ đọc xem thằng bé nghịch ngợm quần thủng đít ngày nào gan to mật lớn tới đâu dám viết khơi khơi về lịch sử. Hóa ra thằng bé viết cũng được nhỉ? Cái thằng thuở bé vụng ăn vụng nói chữ như gà bới mà nay dám dắt mẹ đi trong từng trang sách cũng là tổ tiên phù hộ độ trì cần phải dạy dỗ cu cậu thêm mới được. Được cái nó cũng biêt điều, biết kẻ trên người dưới, âu cũng là phúc đức tổ tiên.

Tôi xúc động nói với mẹ:

Cụ yên tâm! Chiều mai con sẽ xin nghỉ đem sách về biếu cụ. Biếu cụ thêm bình rượu hoa quả con dâu ủ từ tháng trước để cụ thêm sáng mắt vui vầy cháu chắt.

Trong đời viết văn của tôi, ở chặng đường sung sức và bận rộn nhất của mình, tôi đã rất hạnh phúc và biết ơn vị độc giả đặc biệt - người mẹ ruột bình dị và kính yêu của đại gia đình chúng tôi.

Cuối bài viết, xin được tặng mẹ bài thơ tôi viết đã hơn mười năm trước:  

 

Thơ về mẹ

 

Mẹ bảy mươi

tóc đen, răng khít

tối muộn nằm

tinh sương chốt cửa khẽ khàng

sương mùa đông chưa tan

 

Con lấp xấp bốn mươi

khù khờ, ngộ nhận

bị lừa tiền, tình, danh, phận…

toàn yêu mây, cỏ, trăng, hoa, bướm, đình, chùa…

toàn chơi với các nhà thơ

 

Hai mươi năm say toàn nói to

mẹ im cười sương đông mờ mịt

tóc đen, răng khít

im lặng con, im lặng chồng

lặng im cỏ ngải

 

Có phải mẹ Phật, Tiên

có phải con cóc nhái

thơ khượt văn rỗng oang oang

vấp sưng mặt rớm máu hòn sỏi đỏ

cỏ mềm bầu vú bảy mươi

buông rễ đa làng

 

Con toàn chộ quan

mẹ bênh vực ăn mày

ngày thịt cá đổ đi

đêm hẩm hiu hạt nhặt

văn rỗng thơ khượt khuya đứt tóc

muộn mằn chốt cửa sương đông

im lặng con, im lặng chồng

 

Lặng im

đêm đêm hạt móc

ngẩng cầu trời tóc mẹ ta xanh.

P.V.K

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Điển tích văn học”- Cuốn sách cần cho người làm văn học
Nguồn: Văn nghệ Online; Gặp gỡ những vùng văn học
Xem thêm
Nguyễn Linh Khiếu lại “xuất” hoa lạ
Vâng, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã từng xuất bản những tập thơ mang tên những loài hoa rất lạ: Hoa Linh (2000), Hoa Linh Thảo (2021) Hoa Hạnh (trong một bài thơ được Giải nhất cuộc thi thơ tạp chí VNQĐ năm 2010)... Chưa kể tập thơ đầu tay Chùm mơ Tiên cảm (1991) cũng gồm những chùm hoa rất lạ...
Xem thêm
Trần Hà Yên với tình yêu trẻ thơ từ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo
Bài viết về tập thơ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo (NXB Hội nhà văn 2024).
Xem thêm
Người lặn dưới những lớp sóng thời gian
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An.
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Bài viết của nhà thơ Đặng Bá Tiến
Xem thêm
Một người cầm súng quả cảm - một người cầm bút tài năng
Bài phát biểu của nhà báo Hồ Quang Lợi tại Thư viện quân đội trong buổi giới thiệu 2 tập sách của Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu, 15/10/2024.
Xem thêm
Trường ca “Mặt trận gần phía trước”
Bài viết của Nguyễn Vũ Quỳnh về tập trường ca của Trần Trí Thông
Xem thêm
Hoa hồng có gai, hay là vẫn tin vào nước mắt
Nguồn: Bùi Việt Thắng (Báo Văn nghệ)
Xem thêm
Bến sông xưa dậy sóng tóc phai màu!
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ “Tự tình với trăm năm” của Nguyễn Hồng Linh
Xem thêm
Bộ sách Đất Việt Trời Nam liệt truyện của Trần Bảo Định
“Đất Việt trời Nam liệt truyện” của nhà văn Trần Bảo Định là bản anh hùng ca đầy tự hào, chất chứa tinh thần yêu nước mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện “từ thuở mang gươm đi mở cõi” xuyên suốt theo dòng chảy lịch sử kể từ khi các chúa Nguyễn vào Nam khai mở xứ Đàng Trong cho tới khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp và đến đầu thế kỷ XX, với cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ trong nỗ lực chung cùng giải phóng đất nước.
Xem thêm
“Theo dấu chân Người” để đi tới ngày Quốc khánh 02/09/1945
Đọc tập truyện ký “Theo dấu chân Người” chúng ta càng trân trọng, kính phục sự cống hiến, xả thân của Người cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng con người thoát khỏi sự đàn áp...
Xem thêm
Trái tim tự do luôn rực cháy
Đọc tác phẩm PHIẾN HẠ (NXB Hội Nhà văn, 2024) của Trần Hạ Vi
Xem thêm
Mây Phương Nam của Thiên Hà sẽ còn lộng lẫy hơn, mới mẻ hơn
Nhà văn Trương Đạm Thủy viết về Mây Phương Nam của Thiên Hà
Xem thêm