TIN TỨC

“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-06 17:52:28
mail facebook google pos stwis
358 lượt xem

MINH PHONG

Ở tuổi 95, nữ đạo diễn - nhà văn Xuân Phượng vừa cho ra mắt cuốn sách thứ ba của mình có tên “Khắc đi… Khắc đến” (NXB Tổng hợp TP.HCM). Trước đó vào năm 2020, cuốn “Gánh gánh… Gồng gồng” của bà đã được nồng nhiệt đón nhận và đoạt Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM. Bên cạnh những cuốn sách là gần 10 tác phẩm điện ảnh do bà làm đạo diễn đoạt các giải thưởng danh giá.

Cuốn hồi ký dày hơn 200 trang “Khắc đi… Khắc đến” kể về những ngày đầu ra đời phòng tranh nổi tiếng Lotus Gallery ở TP.HCM của bà vào năm 1991; cùng những chuyến mang tranh ra nước ngoài - từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ để tổ chức triển lãm, bán tranh. Rất nhiều vinh quang, thành công vang dội từ những chuyến đi đó; nhưng cũng không ít những nhọc nhằn, cay đắng, dở khóc dở cười…

Tất cả đều được tác giả Xuân Phượng - người chủ phòng tranh, người tổ chức các chuyến đi kể lại một cách sinh động, hấp dẫn bằng một văn phong nhẹ nhàng, sâu sắc, ấm áp và không kém phần hài hước. Đặc biệt, cuốn sách còn có rất nhiều hình ảnh minh họa sinh động cho những chuyến đi.

Sẽ có rất nhều cảm nhận, cảm xúc khi đọc “Khắc đi… Khắc đến”. Riêng tôi ấn tượng đọng lại mạnh nhất vẫn là hình ảnh của tác giả Xuân Phượng - người phụ nữ có một nghị lực phi thường và một “con mắt tinh đời” khi nhìn ra những giá trị còn “tiềm ẩn” qua tranh của một số họa sĩ trẻ chưa thành danh. Để rồi từ đó bà đã khuyến khích, hỗ trợ họ “bước ra ánh sáng” chân trời nghệ thuật, thành công và thành đạt.

 

Nghị lực phi thường

Năm 1991, bà Xuân Phượng mở phòng tranh Loturs và hàng chục năm sau đó, ở tuổi U70-U80-U90, bà đã duy trì, phát triển phòng tranh nổi tiếng này; đồng thời tổ chức hàng chục chuyến mang tranh ra nước ngoài triển lãm, tạo cơ hội bán tranh cho các họa sĩ. Mục đích các chuyến đi còn là dịp để bà giới thiệu một nét văn hóa của Việt Nam với bè bạn năm châu, giúp họ hiểu và yêu Việt Nam hơn sau một thời gian dài nhiều cách trở.

Khỏi phải nói là vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, việc mang hàng trăm bức tranh cùng các họa sĩ, nhân viên nhập cảnh nước ngoài để tổ chức triển lãm gian nan thế nào. Từ việc phải có lời mời, xin visa, lo vận chuyển, thuê mướn nơi triển lãm, quảng bá và bày biện phòng tranh, đến chuyện lo khách sạn, nơi ăn chốn ở cho cả đoàn. Không chỉ đơn thuần là phải bỏ ra một núi chi phí mà còn phải tốn biết bao công sức, lo toan... Sơ sểnh một chút là có thể trục trặc, hỏng việc, thậm chí “ăn quả lừa”, thâm hụt ngân sách, trắng tay như chơi.

Ít nhất có 3 lần bà bị “đối tác” lừa với những chiêu thức không thể ngờ. Thậm chí trong một chuyến đi sang Ý, bà còn bị “nhốt” ở sân bay chung với những kẻ “ngoài lề xã hội” và bị đối xử như một kẻ phạm tội, khi chẳng may bị rơi hộ chiếu trên máy bay và quá tin vào sự tử tế của các nhân viên hàng không sở tại.

Tất nhiên sự thành công là nhờ bà có mối quan hệ rộng, thân thiện, tốt đẹp với nhiều nhân vật có uy tín ở nhiều nước, để có được sự trợ giúp trong những chuyến đi như thế. Nhưng nếu chỉ có vậy thì chưa đủ. Trên tất cả là một nghị lực phi thường, tài tổ chức khéo léo, hiểu thấu đáo về con người và văn hóa sở tại, cộng với khát khao được giới thiệu một phần hội họa Việt Nam ra thế giới, đồng thời giúp các họa sĩ bán được nhiều tranh.

Để duy trì phòng tranh Lotus trong mấy chục năm, đã 7 lần bà xất bất xang bang khi phải chuyển địa điểm thuê mướn vì những lý do bất khả kháng, như chủ nhà đòi tăng giá trên trời. Hai lần phòng trưng bày và xưởng sản xuất, kho tranh của bà bị thiêu rụi, khiến bà gần trắng tay. Quyết không nản chí, bỏ cuộc, bà từng bán hết nữ trang, đi vay mượn bạn bè để gầy dựng lại từ đống tro tàn. Bà kể về lần cháy xưởng: “Trong 2 năm ròng, vừa vay mượn vừa tự xoay xở, phòng tranh đã có thể vượt qua khổ nạn. Kể lại chỉ có vài dòng nhưng thật kinh hoàng khi nhớ lại những lúc không có tiền mua gạo, trả tiền điện nước, trả lương cho anh em…”.

Tất cả toát lên một nghị lực hiếm có của bà.


100 bánh Macaron in hình Xuân Phượng ở triển lãm Saint Etienne, Pháp.

Trong “Khắc đi… Khắc đến”, câu chuyện bà được tặng một chiếc giày bằng sôcôla ở Pháp khiến tôi vô cùng xúc động. Đó là vào mùa hè năm 2018, bà tổ chức triển lãm tranh Việt Nam ở thành phố Saint Etienne (Pháp). Không chỉ được ông Thị trưởng thành phố tới dự khai mạc và chúc mừng: “Lần đầu tiên, chúng ta vinh dự và vui mừng đón tranh Việt Nam”, đoàn của bà còn được cựu hoa hậu Pháp Christianne Lillio mời về nhà riêng để đãi tiệc sau khi mua tranh.

Biết bà Xuân Phượng từng là một tiểu thư khuê các tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây khi mới tròn 16 tuổi, trong cuộc trò chuyện thân mật đến tận khuya, cựu hoa hậu Pháp hỏi: “Khi bà bắt đầu dấn thân vào cuộc kháng chiến, điếu gì làm cho bà đâu đớn nhất, làm bà không thể quên được?”.


Khai mạc triển lãm tranh Việt Nam tại Saint Etienne (Pháp) năm 2018.


Đoàn Lotus tại triển lãm tranh Việt Nam tại Saint Etienne (Pháp) năm 2018.

Bà Xuân Phượng trả lời: “Khi cùng anh chị em trong đoàn vào chiến khu, tôi cố gắng đi chân đất để giống những người xung quanh. Các bạn tưởng tượng nỗi đau của đôi chân quen đi giày dép từ bé đấn lớn, nay đạp lên đất trơn đá nhọn, chân tóe máu vẫn nghiến răng bước theo đồng đội mỗi ngày trên dưới 20 cây số. Đến chỗ nghỉ, đôi chân trần nhầy nhụa máu. Sợ người chung quanh chê yếu đuối, tôi lấy vải bọc chân lại. Sáng hôm sau, khủng khiếp nhất là lúc gỡ những mảnh vải, da non kéo theo đau tận óc. Lại những chuyến hành quân ngày đêm trong rừng. Những cơn đau rợn người tiếp tục hành hạ, nhưng phải cố nén rên la. Tôi không muốn đồng đội thấy mình quá kém chịu đựng. Chỉ chừng vài tuần lễ sau, những vết trầy trụa bắt đầu thành sẹo. Sau 2 tháng đã có thể chân trần leo núi đá lởm chởm, nhọn sắc. Chín năm sống trong rừng rậm chiến khu, lớp da mỏng ở gan bàn chân đã thành chai. Tuy vậy, nhắc lại tôi vẫn rùng mình”.

Đọc đoạn văn trên, người đọc cũng không khỏi rùng mình, cảm phục và thương mến bà.

Thế rồi trước hôm bế mạc triển lãm kể trên, ông chủ một hiệu bánh nổi tiếng của thành phố đã cùng các nhân viên mang đến một chiếc hộp lớn gặp bà và nói: “Thưa bà, để bù lại sự đau đớn khủng khiếp mà bà đã chịu đựng 77 năm trước, hôm nay tôi xin tặng bà và các bạn nữ trong đoàn - những người đàn bà Việt Nam dịu dàng, kiên cường, mỗi người một chiếc giày cao gót bằng sôcôla. Những người thợ nổi tiếng nhất của hiệu chúng tôi đã mất 3 ngày ròng để làm 5 chiếc giày trên. Mong rằng vị ngọt ngào, êm dịu của chúng sẽ sẽ làm bà và các bạn quên được sự đắng cay, đau đớn của những bước chân trần đạp trên đá nhọn ở tuổi 16”.

Quả thật, khó có sự ngọt ngào nào hơn những chiếc bánh sôcôla độc đáo được làm bằng những tấm lòng yêu thương, cảm phục như thế!

 

“Con mắt tinh đời” của một tấm lòng

Một ngày nọ, bà Xuân Phượng ghé phòng triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội), tình cờ biết ở đây đang có cuộc triển lãm tranh của họa sĩ gần như “vô danh” trong giới hội họa, tên là Trương Đình Hào, quê ở Bắc Giang. Phòng tranh lặng ngắt như tờ, trơ trọi một người đàn ông thiêm thiếp ngủ, đầu gục trên chiếc bàn nhỏ, khuôn mặt gầy gò đầy những nếp nhăn.

Tưởng là anh bảo vệ, bà đánh thức hỏi thăm mới biết đây chính là họa sĩ chủ nhân phòng tranh. Rồi một phụ nữ từ căn phòng bên bước ra búi vội mái tóc, tự giới thiệu là vợ của họa sĩ và nói như mếu: “Từ ba ngày nay, thỉnh thoảng có vài người khách đến nhìn lướt qua rồi đi thẳng, đã bán được bức nào đâu!”.

Khỏi nói cũng biết sẽ là thảm họa với vợ chồng người họa sĩ này, khi sau vài ngày nữa phải đóng phòng triển lãm, ôm đống tranh về quê, sau khi đã thanh toán một số tiền không nhỏ chi phí thuê mặt bằng, vận chuyển tranh cùng hàng mớ khoản chi tiêu khác cho “một lần tới thủ đô”. Nhưng thật may họ đã gặp được vị cứu tinh.

Bà Xuân Phượng kể lại ấn tượng khi nhìn những bức tranh ở đây: “Thật sự sửng sốt trước một phong cách khác lạ, những nét cọ mạnh mẽ, dứt khoát, màu sắc đối chọi chan chát hay uyển chuyển hòa vào nhau trên nền giấy dó, giấy điệp và đặc biệt là trên những tờ báo cũ nhàu nát. Những bàn tay gân guốc xoắn vào nhau, những đôi chân trần trụi in mạnh dấu trên mặt đường, một bóng người thất thểu trong đêm, những ngôi nhà chìm sâu trong ngõ vắng vv… tạo cảm giác bàng hoàng trước số phận con người. Trên nền giấy đen sẫm, trừng trừng một đôi mắt vừa ngơ ngác vừa giận dữ: Vì sao? Vì sao?”.

Và rồi gần như ngay lập tức, không trả giá, bà đã mua ngay 32 bức tranh trong số 72 bước đang treo, chỉ vì không đủ tiền cầm theo để mua hết. Sau đó bà đã theo hai vợ chồng người họa sĩ về quê Bắc Giang để mua thêm nhiều tranh của họ.

Khi mang số tranh này về TP.HCM với ý định mở cuộc triển lãm cá nhân, bà đã mời một số bạn bè họa sĩ đến xem trước. Phản hồi là chê nhều, khen ít. Nhiều người còn can “Tranh ông này rất kén khách mua. Tranh khó hiểu và chắc chắn là sẽ rất khó bán!”.

Nhưng rồi với linh cảm nghệ thuật và quyết tâm của mình, tháng 8/1992, bà vẫn tổ chức cuộc triển lãm và mời vợ chồng Trương Đình Hào vào dự khai mạc. Kết quả là 34 tranh đã được bán trong đêm khai mạc. Từ “bệ phóng” này cùng những cuộc triển lãm tranh ở nước ngoài do bà Xuân Phượng tổ chức, Trương Đình Hào bắt đầu trở thành một họa sĩ tiếng tăm, bán được rất nhiều tranh.

Bà Francoise Dalex, chuyên viên Bảo tàng Quai Branly - một trong những bảo tàng lớn nhất Paris, đã ngỏ lời với bà Xuân Phượng: “Tôi rất chú ý đến phong cách độc đáo trong tranh Trương Đình Hào. Nhân dịp Viện Pháp (Institut Francais IF) tổ chức kỷ niêm 50 năm quan hệ Việt - Pháp, tôi ao ước có được một cuộc triển lãm cá nhân họa sĩ Trương Đình Hào. Rất mong sự hợp tác của phòng tranh Lotus”. Chỉ một chi tiết đó, cũng thấy được phần nào uy tín của người họa sĩ tài danh này.

Một câu chuyện khác. Năm 1995, bà Xuân Phượng đến Hội An, một người mách cho bà một một địa chỉ có bán tranh. Bà tìm đến và bắt gặp một căn phòng nhỏ chừng 10m2, nóng hầm hập, chỉ có một ngọn đèn mờ tỏ không đủ chiếu sáng mấy bức tranh treo quanh tường, cùng la liệt tranh xếp đống dưới nền nhà. Không gian vắng lặng như chùa bà đanh, không hề có một người khách nào đến xem tranh, mua tranh.

Bà Xuân Phượng kể: “Tôi đến gần ngắm những bức tranh treo sát cửa ra vào. Kinh ngạc về sự hài hòa màu sắc, về bố cục lạ, về những nhát cọ dứt khoát sống động…”. Phải chờ một lúc lâu sau chủ phòng tranh mới xuất hiện, từ ngoài bước vào tay cầm một chai nước, chào hỏi người khách hy hữu. Đó là lần đầu bà gặp Lê Lộc và lập tức mua nhiều tranh của người họa sĩ mới ra trường này.

Từ buổi gặp gỡ đó của bà và sau nhiều nỗ lực cộng với tài năng, tranh của Lê Lộc ngày càng được nhiều người chú ý, khách mua tranh ngày càng đông. Gặp lại bà Xuân Phượng khi đã rất thành đạt, người họa sĩ tính tính trầm lặng, kiệm lời này thốt lên: “Con không bao giờ quên những ngày đầu khó khăn, vất vả, con đã gặp được cô!”.

Hơn 20 năm trước, bà Xuân Phượng từ sân bay Tân Sơn Nhất trở về phòng tranh của mình ở 47 Đồng Khởi, sau môt chuyến đi dài. Vừa xuống xe, bà bắt gặp một người gầy gò, vai vác một ống tranh to tướng mới từ phòng tranh bước ra. Anh ta da tái xám, nét mặt cau có, vùng vằng bước đi với bước chân xiêu vẹo của một người vô cùng mệt mỏi. Chú bảo vệ phòng tranh nhìn theo đầy ác cảm. Thấy lạ, bà bảo anh tài xế chạy theo gọi anh ta lại. Từ xa bà thấy anh chàng nọ lắc đầu quầy quậy, tay chỉ trỏ vào phòng tranh.

Bà Xuân Phượng kể: “Tôi mở cửa xe đến gần. Giọng Quảng Bình: “Cứ tưởng phòng tranh Lotus mến khách, nào ngờ. Tôi không vào đâu”. “Có việc gì thế con? Bà mới là chủ phòng tranh. Mời con vào gặp bà”. Trao qua đổi lại vài câu, chú thanh niên đồng ý vào nhà. Dù còn rất mệt sau chuyến đi nhưng bà vẫn ân cần pha sữa, lấy bánh mời chàng khách lạ. Hóa ra anh ta mang tranh đến chào bán nhưng bị… chú bảo vệ chê tranh xấu, nên vô cùng tự ái. “Thế bây giờ bà có thể xem được không?”.

Trước câu hỏi dịu dàng của bà, lập tức một bức tranh lớn được mở ra. “Tôi bàng hoàng trước nét cọ mạnh mẽ, bức tranh vẽ một mặt người nằm ngập giữa những làn sóng biển, màu sắc khi thì đối chọi, khi thì hòa lẫn vào nhau tạo những sắc độ đậm nhạt vô cùng ấn tượng. Nhìn tranh mà thấy hồi hộp như đang ngụp lặn giữa biển khơi… Không hề mặc cả, tôi mua cả 5 tranh”.

Họa sĩ Lê Võ Tuân bắt đầu hợp tác với phòng tranh Lotus từ đấy và liên tiếp gặt hái những thành công vang dội. Mấy chục năm đồng hành cùng Lotus, tranh của anh được giới thiệu tại nhiều thành phố ở Pháp, Bỉ, Singapore, Phần Lan, Đức, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ… Tạp chí mỹ thuật của NordArt (Đức) nhận xét: “Lê Võ Tuân là một trong những gương mặt họa sĩ nhiều triển vọng của thế kỷ XXI”.

Trong “Khắc đi… Khắc đến” còn nhiều những câu chuyện tương tư như thế. Những câu chuyện khiến người đọc kính nể về một khả năng thẩm định nghệ thuật hội họa vô cùng nhạy bén, tinh tế, sâu sắc cùng tấm lòng rộng mở, trân quý của bà Xuân Phượng đối với những tài năng hội họa dù còn ở dạng sơ khai, tiềm ẩn. Thật khó hình dung nếu không có con mắt tinh đời cùng tấm lòng ấy của bà, những họa sĩ chưa thành danh đang đứng trước vô vàn khó khăn trắc trở buổi đầu ấy sẽ bước tiếp ra sao trên con đường nghệ thuật vốn chưa bao giờ bằng phẳng, dễ dàng đối với bất cứ ai?

Năm 2013, trong chuyến triển lãm tranh tại Úc, Phó tổng biên tập một tạp chí lớn của nước sở tại xin gặp và phỏng vấn bà Xuân Phượng với câu hỏi: “Mong bà cho biết vì sao đến gần tuổi 90, bà vẫn tổ chức triển lãm ở một đất nước xa xôi như nước Úc?”.

Có lẽ, câu trả lời sau đây đã phần nào toát lên cốt cách, tinh thần và nghị lực của một người phụ nữ vô cùng đáng yêu, đáng kính có cái tên liên đến mùa Xuân và hoa Phượng: “Tôi chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp từ khi còn trẻ. Thần tượng của tôi là nhà viết kịch Molière. Ông ấy vừa là tác giả, vừa là diễn viên. Một đêm sau khi dàn dựng vở “Người bệnh tưởng”, ông ngã gục trên sân khấu và qua đời ít lâu sau. Tôi cảm phục cái chết ấy nên dù tuổi trê đã rời xa tôi hơn nửa thế kỷ, nếu phải từ giã cõi đời trong lúc đang làm triển lãm thì cũng thật là may mắn. Phải ra đi giữa lúc mình đang say mê công việc sẽ hơn rất nhiều cái chết vật vã, dài ngày trên một giường bệnh viện”.

Cống hiến cả tuổi thanh xuân cho kháng chiến, với tấm lòng nhân ái và nghị lực phi thường dành cho nghệ thuật, tác giả Xuân Phượng xứng đáng nhận được sự yêu mến, cảm phục và trân trọng của tất cả chúng ta!

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm