- Truyện
- Mùa đông Philly/ Nguyễn Thái Sơn
Mùa đông Philly/ Nguyễn Thái Sơn
NGUYỄN THÁI SƠN
Tôi đến Black Buck Coffee lúc 13 giờ, sớm hơn những lần trước 1 giờ. Và bây giờ đã là 15 giờ 10 phút. Mới hơn 3 giờ chiều nhưng ngoài trời hầu như nắng đã tắt, bầu trời thấp trũng xuống, âm u, nặng nề. Đang là mùa đông. Mùa đông ở Philly rất lạnh, ban đêm nhiệt độ thường xuống dưới 0, ban ngày có lúc đến 9, 10 giờ sáng mới thấy mặt trời. Buổi sáng sớm và tầm chiều trời mờ mịt hơi nước. Khung cảnh ảm đạm.
Đây là lần thứ 3 tôi đến Black Buck Coffee. Cũng là lần cuối, vì hai ngày tới tôi sẽ trở về Việt Nam. Vi-sa của tôi đã hết hạn, vé máy bay cũng đã đặt. Nên tôi cố ý ngồi nán lại. Black Buck là một quán cà phê nhỏ, bình thường, không có gì đặc biệt. Tôi đến đây với hy vọng gặp lại Lan Aden, một người mà tôi quen khi sang Mỹ lần đầu, 3 năm trước. Chỉ là chút hy vọng mong manh thôi, vì tôi không có hẹn hò gì với Lan.
*
… Trên đường từ nhà con gái tôi đến Philadelphia có một khu phố nhỏ mà lần nào đi qua tôi cũng vẫn thường để ý. Khu phố gây ấn tượng mạnh với tôi. Trước tiên, mặt phố chỉ toàn những căn nhà nhỏ, thấp, liền kề, mặt tiền nhà sơn nhiều màu: đỏ, xanh, vàng… trông giống phố xá Sài Gòn. Chỉ khác là ở đây vỉa hè thông thoáng, không hề có hàng quán bày bán đồ ăn thức uống, hàng hóa, hay xe cộ các loại. Đặc biệt, phố chỉ có người da đen sinh sống!
Tôi hỏi con rể, tại sao ở đây toàn người da đen vậy? Con rể ngập ngừng. Vì… Có thể… Họ nghèo! Tôi hơi phân vân, không hỏi thêm nhưng dọc đường cứ suy nghĩ mãi về điều con rể nói.
Con rể tôi người Mỹ. Nhà nó toàn người da trắng, chỉ duy nhất con gái tôi da màu. Từ khi tôi sang, tôi là người thứ hai. Tuy thế, tôi không nhìn thấy ánh mắt kỳ thị nào từ hàng xóm. Trái lại, họ khá thân thiện với gia đình chúng tôi. Cũng có thể, họ là những người tế nhị, lịch sự. Khu con tôi sống nhà cửa thưa thớt, tương đối giống nhau về kiến trúc. Đó là những căn biệt thự hai tầng, mái nhọn, nửa cổ, nửa kim, chủ yếu sơn hai màu trắng và xám, rất rộng và thoáng. Nhà này xa nhà kia, ngăn cách nhau bởi một hàng rào bằng gỗ, thưa, cũng có thể là những cây hoa, chỉ để tượng trưng, làm cảnh. Mỗi căn nhà đều có một khoảnh đất rộng bao quanh, có khi là cả một ngọn đồi lúp xúp, xanh ngắt cỏ. Rất nhiều nhà có cả hồ bơi… Xung quanh nhà là rừng. Bạt ngàn cây cối. Có cả những căn nhà ở sâu trong rừng, biệt lập, cô đơn. Con gái tôi bảo, những ngôi nhà như thế giá rất đắt. Lý do là đất đai rộng rãi, gần với thiên nhiên, tự do… Thì ra đó là lý do để người nghèo phải ở phố!
Tôi thích đến phố L. Khu phố chật hẹp có nhiều người da đen. Đơn giản vì tôi thích sự nhộn nhịp, có lẽ là đã ăn sâu vào máu thịt, tâm hồn tôi, hơn là khu nhà tĩnh lặng đến ảm đạm của con. Từ nhà con gái tôi đến phố L chừng 2 km. Tuần vài ba lần, trừ thứ bảy và chủ nhật, khi con cháu đã đi làm, đi học, tầm 9 giờ là tôi ra khỏi nhà, đi bộ đến phố L. Chiều, tầm 2 giờ, tôi lại trở về nhà. Tôi thích những cuộc đi như thế. Vừa được du lịch, nhìn ngó, khám phá, cải thiện khả năng tiếng Anh của mình, lại vừa thể dục…
Tôi thường ăn trưa ở nhà hàng Co Ba Saigon sau khi đã nướng hết thời gian buổi sáng vào mấy cái cửa hàng 1 đô-la, hoặc cửa hàng bán tạp hóa linh tinh khác trên phố L. Co Ba Saigon là một nhà hàng của người Việt, chủ yếu bán các món ăn Việt như cơm, phở, bánh mì… Ở đây có món cơm sườn nướng rất ngon, giống như ở Việt Nam mà tôi rất thích. Khách khứa đa dạng, có người da vàng, da đen, da trắng. Không biết lý do gì mà họ thích món ăn Việt?
Làm công chủ yếu là người Việt, ngoại trừ một người da đen. Đó là một người đàn bà khá đặc biệt. Chị tầm ngoài 40, nhưng trông có vẻ già hơn tuổi. Hoạt bát, khỏe mạnh. Lần đầu tiên vào nhà hàng cùng con gái, con rể và cháu ngoại, tôi đã để ý đến người phụ nữ này. Không phải vì chị là người da đen làm công duy nhất trong quán, mà bởi bộ mông to một cách quái đản. Cặp mông gây cho tôi cảm giác tò mò dữ dội. Ở Mỹ một thời gian, tôi được con gái, con rể đưa đi tham quan nhiều danh lam thắng cảnh. Toàn những nơi kỳ vỹ, lạ lẫm, choáng ngợp: Tượng thần Tự do, điện Capitol, Nhà Trắng, Bảo tàng Thiên nhiên… mới hiểu tại sao có câu nói “Nơi mà tất cả mọi người trên thế giới đều muốn đến”. Tôi đặc biệt thích các bảo tàng, vốn có rất nhiều trên đất nước Mỹ. Tất cả đều lộng lẫy, uy nghi, đầy ắp những hiện vật vô cùng quý, hiếm. Tham quan nhiều, tôi nhận ra một điều là ở Mỹ, những ngôi nhà to nhất, đẹp nhất ở bất cứ thành phố nào, chính là bảo tàng, thư viện! Điều đó chứng tỏ chính phủ Mỹ coi trọng vấn đề văn hóa đến mức nào. Tôi thích thú với phát hiện đó của mình. Một phát hiện khác cũng làm tôi ngạc nhiên đến hốt hoảng. Đó là cặp mông của phụ nữ. Những bộ mông rất to, nhất là phụ nữ da đen, to đến mức quái đản, ngỡ ngàng! Tất nhiên tôi không thể đo mông họ. Chỉ nhìn. Mà toàn nhìn lén những bộ mông đó ở trên phố, bến cảng, hoặc trong nhà hàng… Chẳng phải vì đầu óc tôi có ý nghĩ đồi bại, dâm tục. Đơn giản là những bộ mông ấy quá to, dễ tới thước mấy, cứ chành bành, lắc lư trước mắt tôi, rất buồn cười. Tôi nhìn những bộ mông đó và thầm nghĩ, không hiểu họ sẽ xoay xở như thế nào khi làm việc, di chuyển…? Nhưng có vẻ tất cả bọn họ đều rất ổn. Chỉ có tôi là không ổn chút nào. Ở Việt Nam tôi chưa từng nhìn thấy cặp mông nào vĩ đại đến thế!
Một lần, tôi đang ngồi ăn trưa, nhấm nháp món sườn nướng thơm phức, lơ đãng nhìn ngó xung quanh. Chị da đen xuất hiện và chăm chú quét dọn ở chiếc bàn vắng khách phía đối diện chỗ tôi ngồi. Bộ mông như chiếc lồng bàn của chị lắc lư, lắc lư. Nó làm tôi không thể không để ý, lén nhìn. Đầu chiếc chổi lau nhà của chị bị vướng vào chân cái ghế nơi góc nhà, khi chị dùng nó để kéo một chiếc muỗng rơi xuống gầm bàn. Chị da đen loay hoay kéo nó ra, mãi không được. Phần vải bện bằng những sợi dài quấn vào chân bàn kẹt cứng. Nếu kéo mạnh cái bàn có thể đổ, hoặc phần vải sẽ bị đứt lìa khỏi cán, mà với bộ mông vĩ đại của mình thì chị không thể nào chui vô gầm bàn để gỡ. Tôi nhận ra tình cảnh của chị, bèn bước tới. “Xin lỗi. Tôi có thể giúp chị được chứ?” - Tôi nói bằng tiếng Anh. Rồi không đợi chị trả lời, tôi lách người vào góc nhà, cúi xuống nhặt cái muỗng và gỡ cái chổi ra. “Xin cám ơn nhiều ạ”. Chị nói khi tôi bước ngang qua, trở về chỗ ngồi. Tôi giật mình. Chị nói tiếng Việt, một thứ tiếng Việt rất rõ ràng. Thậm chí, tôi còn nhận ra giọng miền Nam nữa!
Tôi mua thêm một ly cà phê. Tôi muốn ngồi lâu hơn ở nhà hàng để suy nghĩ về điều vừa xảy ra. Chị da đen quay lại với công việc của mình mà hầu như quên bẵng tôi. Cũng dễ hiểu. Chị không có thời gian trò chuyện với tôi, mặc dù tôi nhìn thấy sự thân thiện trong ánh mắt của chị. Ở Mỹ, người ta làm việc như vắt sức. Tất cả nhân viên nhà hàng khi bưng bê thức ăn, đồ uống cho khách đều đi như chạy.
Mặc cho tôi cố suy đoán, lý giải, nhưng vẫn không thể nào biết được chị là người Mỹ hay người Việt…
Ba hôm sau tôi lại đến ăn trưa ở nhà hàng Co Ba. Vẫn cơm sườn và cà phê. Lần này tôi cố ý ngồi lâu hơn, hy vọng chị da đen có thời gian rảnh để tôi có thể gặp và nói chuyện. Nhưng không, chị vẫn chăm chú với công việc của mình, hầu như không hề ngẩng mặt lên, không để ý đến tôi. Ba giờ chiều, tôi rời nhà hàng. Đi bộ trên phố một lúc, tôi nghe tiếng gọi, một giọng Việt rất rõ:
- Anh gì ơi?...
Tôi quay lại, ngạc nhiên thấy chị da đen lạch bạch chạy theo mình.
- Chào chị - Chờ chị lại gần, tôi nói, cũng bằng tiếng Việt.
Chị nhìn tôi cười rất tươi. Chị bảo, biết tôi giờ đó sẽ về, nên chị xin nghỉ để gặp tôi. Chị muốn nói chuyện với tôi nhưng trong giờ làm thì không thể. Rồi chị mời tôi vào một quán cà phê. Là quán Black Buck Coffee.
Chị giới thiệu, tên Lan. Lan Aden. Nếu chị không nói tiếng Việt, chắc chắn tôi không thể tin chị là con lai. Lan da đen sậm, cặp mắt rất to, màu nâu hơi vàng, lồi hẳn ra ngoài, cùng với cặp môi dày… rất đặc trưng của người Phi. Không có một nét Việt nào trên gương mặt chị.
Chị bảo, biết tôi người Việt, và đoán tôi mới từ Việt Nam sang. Mặc dù từ lúc bước chân vô nhà hàng tôi chưa hề nói một câu tiếng Việt nào. Khách người Việt vô nhà hàng nhiều, nên chị coi tôi bình thường. Nếu như không có sự giúp đỡ của tôi hôm rồi chắc hẳn không có cuộc gặp gỡ bây giờ. Với nữa, chị nói thêm, trông tôi có vẻ kỳ kỳ, rồi cười hiền. Tôi hỏi, kỳ là sao. Bảo, ngó dáng dấp nghệ sĩ, dễ mến và thân thiện. Nhìn tôi có vẻ khác với những người khác, nên chị tò mò, muốn bắt chuyện. Cứ thế, chuyện này qua chuyện nọ…
Lan kể, nhà chị ở Ngã ba Vũng Tàu, cạnh căn cứ Long Bình, thành phố Biên Hòa. Một căn nhà nhỏ, thấp tè, lợp tôn, lụp xụp trong khi chợ Chiều, là cái chợ nhỏ nằm cạnh đường đi Vũng Tàu. Nhà chỉ có hai má con. Má chị bán cá khô trong chợ. Hồi nhỏ Lan hay theo má ra chợ, làm mướn cho mấy bà bán hàng, ai sai gì làm nấy. Lớn lên một tí, Lan lấy bánh bao của lò ra lộ bán cho khách đi xe đò. Cuộc sống hai mẹ con tuy cực nhọc nhưng cũng có cái ăn. Lan không hề biết mặt cha. Má chưa từng nói với chị về điều đó. Hồi nhỏ Lan hay bị lũ trẻ cùng lứa chọc ghẹo, bắt nạt, thậm chí là đánh đập chỉ vì chị đen như than, không giống tụi nó. Ý thức về màu da, về thân phận của mình nên Lan sống khép kín, lúc nào cũng nem nép, càng ngày càng xa lánh mọi người, không đi học, cũng không biết chữ. Đến năm Lan 16 tuổi, bỗng dưng có rất nhiều người lạ đến nhà gặp mẹ con chị. Kẻ thì muốn hỏi làm vợ, người thì muốn mua chị làm con nuôi. Về sau qua miệng mấy bà ngoài chợ Lan mới biết, người ta muốn mua chị để lợi dụng con lai đưa gia đình họ qua Mỹ. Má nói với Lan, má muốn bán con cho người ta để Lan được qua Mỹ thoát cuộc sống cực nhục ở đây, mà má cũng có được chút đỉnh tiền sửa sang lại cái nhà sắp đổ. Qua Mỹ chắc chắn sẽ được sống sung sướng vì Mỹ rất giàu. Lan thấy thương má quá. Lan đồng ý để má bán mình cho người ta lấy 3 cây vàng. Thâm tâm chị nghĩ, qua Mỹ rồi một ngày nào đó sẽ quay về đón má qua luôn, như lời người ta nói với Lan. Với nữa, dù không nói ra, nhưng từ trong sâu thẳm tâm can, chị vẫn mong mỏi, vẫn hy vọng, biết đâu trời đất run rủi, qua bên đó rồi chị sẽ tìm được người cha chưa từng biết mặt của mình?
Vậy rồi Lan đi. Qua Mỹ được chừng hơn năm, chưa kịp làm quen với nước Mỹ, chưa biết nói tiếng Mỹ, Lan đã bị ba má giả tống ra khỏi nhà với lý do cô đã 18 tuổi. Lại bắt đầu với cuộc sống làm thuê, làm mướn. Lan lang thang từ nơi này qua nơi khác, làm đủ thứ việc, chủ yếu trong các nhà hàng của người Việt. Với người Mỹ, nước Mỹ, Lan chỉ có duy nhất một thứ mà hầu như không ai biết đến, không ai quan tâm, đó là gốc gác Mỹ đen. Cái họ Aden, mà cô vẫn gọi rặc tiếng Việt là “A-đen”, được gắn vào tên Lan của cô. Lan cũng không biết cái A-đen đó từ đâu mà ra. Rất có thể là ba má giả đã đặt cho cô để làm thủ tục nhận con nuôi và xuất cảnh!
Lan làm việc như điên, ngày hai job, hy vọng kiếm đủ tiền để khi nào có thẻ xanh thì về Việt Nam đón má. Nhưng mơ ước đã không thực hiện được nữa vì 3 năm sau khi Lan sang Mỹ thì được tin má cô đã qua đời vì bạo bệnh. Chỉ còn lại mình Lan bơ vơ trên cõi đời…
Khi câu chuyện trở nên cởi mở, thân mật, tôi ý tứ hỏi Lan: Sao chị không lập gia đình để cuộc sống bớt cô đơn? Chị cười buồn. Muốn lắm chứ. Nhưng không ai muốn cưới em làm vợ. Đàn ông Việt không thích lấy vợ Mỹ đen. Còn… Mỹ da đen thì em không muốn. Em không biết tiếng Mỹ chỉ là cái cớ. Cái chính là em không muốn có những đứa con lai đen giống em. Lan nói, giọng trầm đục, bùi ngùi. Chị cúi mặt. Hình như có giọt nước mắt lăn trên má chị… Có dịp Lan sẽ về Việt Nam một lần, dù không còn ai thân thích ở đó. Chị lén lau nước mắt, nói lảng sang chuyện khác…
*
Sắp nghỉ hưu, tôi quyết định sang Mỹ thăm gia đình con gái lần nữa. Trước đó, trong một lần đi công tác xuống cơ sở, tôi có dịp trở lại Ngã 3 Vũng Tàu, nơi tôi từng làm việc gần 3 năm, trước khi chuyển lên Sài Gòn. Do tò mò và rảnh, tôi đã đi tìm hiểu về Lan. Ở Ngã 3 Vũng Tàu tôi có quen bác sĩ Thọ, là người từng sống ở đây trước năm 1975. Ông là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, làm việc trong bệnh xá tổng kho Long Bình. Tôi đã được ông chữa khỏi dứt điểm bệnh sốt rét, căn bệnh “thương hiệu nghề địa chất” của tôi, sau nhiều lần tái đi tái lại. Qua Thọ, tôi được biết, người phụ nữ mà Lan kêu bằng má thực ra chỉ là má nuôi. Bà nuôi Lan từ thuở mới lọt lòng. Bà thương Lan như con đẻ, nên cô chưa từng nghi ngờ, không hay biết. Má ruột của Lan, thực ra là một cô gái bao. Cô cặp bồ với tay lính Mỹ da đen ở căn cứ Long Bình, sinh ra Lan. Tay Mỹ đen chết trong một đêm bộ đội đặc công tấn công vô tổng kho Long Bình. Lúc đó, Lan chỉ chừng 1 tháng tuổi. Má cô đem cô bỏ chợ Chiều rồi đi biệt tích luôn, không hề quay lại…
Tất nhiên, tôi mong gặp lại Lan không phải để nói cho chị biết thân phận của mình. Đơn giản tôi chỉ muốn gặp lại chị, muốn biết chị sinh sống thế nào thôi. Dầu sao thì chúng tôi cũng đã từng quen biết!
Tôi tới phố L với tâm trạng hồ hởi, đinh ninh sẽ gặp Lan. Nhưng thật bất ngờ, nhà hàng Co Ba Saigon không còn ở đó. Nơi tôi thường đến ăn trưa giờ là một siêu thị mi-ni, lạ hoắc. Tôi chưng hửng, đứng bần thần trước cửa siêu thị một lúc, rồi tần ngần bước đi. Tôi cảm thấy thật chơi vơi, trống trải…
Sáng nay tôi đến phố L từ rất sớm. Không phải để đi dạo, ngắm nghía mọi thứ như những lần trước. Tôi cố ý đi tìm Lan, hy vọng sẽ nhìn thấy chị ở đâu đó.
Bước chân đưa tôi đến Black Buck Coffee. Biết là vô lý, nhưng tôi vẫn hy vọng tình cờ Lan sẽ xuất hiện. Biết đâu Lan cũng mong gặp lại tôi? Và tôi nấn ná ngồi lại, với những ly cà phê tan đá.
… Tôi nhìn đồng hồ. 15 giờ 15 phút. Đáo mắt nhìn quanh. Quán vắng tanh. Tôi đứng dậy, mở cửa bước ra ngoài. Phố vắng. Một làn gió táp vào mặt tôi lạnh buốt. Hôm nay tiết trời lạnh hơn. Chầm chậm bước, tôi thầm nghĩ, không biết giờ này Lan đang ở đâu trong cái thế giới mênh mông, lạnh lẽo này?