TIN TỨC

Mừng tuổi lúa | Ngô Xuân Hội

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-01-05 13:44:56
mail facebook google pos stwis
408 lượt xem

NGÔ XUÂN HỘI
 

Bạn bè ở Huế đông vui lắm

túi đầy thơ tặng túi đầy trăng

thấy nhau là nhớ mùi rượu Hiếu

mưa nắng sá gì dốc Phú Cam

 

sẵn tiền vài lít chưa là bốc

trắng tay mươi xị dễ đâu gàn

vui chơi cũng lạ đông hơn họp

vàng nát không chừng cốc đã tan

 

đất trời lướt khướt dìu nhau bước

đắc đạo rượi ngon đắc đạo tình

bạn bè ở Huế thương nhau thiệt

một đứa vợ la… chục đứa kinh.
 

1987

NGUYỄN TRỌNG TẠO

 

Những năm cuối tám mươi của thế kỷ trước tôi công tác ở Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh, mỗi dịp cuối năm hay vào Huế bán cuốn thư, câu đối cùng một số văn hóa phẩm khác. Kinh phí cơ quan cấp eo hẹp, đến Huế tôi thường tá túc nhà bạn bè, trong đó có nhà Nguyễn Trọng Tạo. Chị Thanh vợ anh dạy Đại học Nông lâm. Anh chị có hai con: Cháu Nguyễn Vũ Trọng Thi và Nguyễn Vũ Bảo Chi. Bốn vợ chồng con cái anh sống cùng ông bà ngoại của hai cháu trong một nửa ngôi biệt thự cũ nằm đầu đường Nguyễn Huệ, cách ga Huế quãng 400m, lên xuống tàu cũng tiện.

Căn phòng nhỏ phía tiền sảnh vừa là phòng khách vừa là phòng làm việc của chủ nhân, kê cái giường một. Tôi ngủ ở đó. Nguyễn Trọng Tạo dậy sớm. Nhiều hôm tôi đang ngủ đã thấy anh bật đèn bàn lên làm việc, sau đó thì xuống bếp chuẩn bị bữa sáng, thường là cơm rang ăn với món sở trường gan lợn áp chảo, hoặc cà muối, cá kho. Sau khi đầm bê tông dạ dày bằng vài chén cơm, anh kéo tôi đi tìm chỗ nhậu, địa điểm đầu tiên chúng tôi nhắm tới là trụ sở Hội Văn Nghệ tỉnh ở 26 Lê Lợi. Tới nơi, gặp gỡ chuyện trò với một vài anh em bạn nắm tình hình, nếu thấy khả năng sẽ có một cuộc nhậu nào đó được tổ chức, chúng tôi ở lại chờ chung vui, mà không thì lại đi đến một nơi nào đó kỳ cho ra vấn đề mới thôi. Ngày ấy anh em ai cũng trẻ, ai cũng nghèo, nhậu đơn giản, thức uống: một chai rượu gạo, mồi là vài quả vả chấm ruốc, một ít rau xanh, sang nữa thì thêm xâu nem, tré thế nhưng kiếm được tiền để nhậu đòi hỏi cả một sự lao tâm khổ trí.

Đồng hành không mệt mỏi cùng Nguyễn Trọng Tạo trong các cuộc nhậu có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Lập, Ngô Minh. Hễ người này ới một tiếng những người kia lập tức có mặt. Tôi là khách, lần đầu diện kiến Huế, những cuộc nhậu giúp tôi gặp gỡ làm quen với các tao nhân mặc khách đất thần kinh. Nhưng Nguyễn Trọng Tạo sống ở Huế đã lâu, thuộc Cố đô từng đường ngang lối tắt mà xem ra nhu cầu đi và gặp của anh còn bức thiết hơn tôi. Lúc nào anh cũng cảm tưởng như có ai đang gọi mình ngoài đường. Tới nơi, giáp mặt bạn bè, nói dăm câu ba điều nếu thấy không ai có khả năng chịu trận, anh liền lục túi mình và giục mọi người lục túi tìm tiền đóng sở hụi, nhậu tại chỗ hoặc kéo nhau ra ngồi quán cóc vỉa hè. Nhưng thường là thế này, mấy ông ngồi với một chai rượu giữa bàn chuyền tới chuyền lui câu độ. Một, hai người tới nhập cuộc, đám càng đi càng dài. Trong những vị nhập cuộc sau thế nào rồi cũng có một vị như con cá mất cảnh giác, ngờ nghệch đớp mồi. Một trong những con cá ấy là anh Nguyễn Huy Tưởng, Giám đốc xí nghiệp mây tre xuất khẩu. Chín giờ sáng anh Tưởng chạy xe trên đường, nghe Nguyễn Trọng Tạo ới một tiếng liền ghé vào. Thấy các sĩ phu nhậu đạm bạc quá, anh nổi máu Mạnh Thường bỏ tiền bao cả đám uống bia Heineken đến quắc cần câu. Bia Heineken thời ấy cũng ví như nước cam lồ của Bồ tát, được một lon đã quý nói chi đến xài xả láng, ai nấy nói cười hỉ hả. Ông Giám đốc mây tre được anh em kê cho ngôi cao đến tận đỉnh. Tưởng thế là xong, bốn giờ chiều đang ngồi trong phòng làm việc, nhìn ra anh lại thấy đoàn quân nhậu ban sáng rùng rùng kéo đến. Sợ quá, anh mở cửa sau một đi không trở lại. 

Bia rượu vào, chuyện nở như ngô rang, toàn những vấn đề thuộc hàng quốc kế dân sinh, nếu những nhà cầm trịch quốc gia nghe được rồi đem áp dụng vào việc hoạch định chính sách cho đất nước, chắc nền kinh tế nước ta đã khởi sắc từ lâu. Rồi đọc thơ, bàn chuyện, từ Tư bản luận, Mỹ học Heghel, Lão Tử, Khổng Tử đến… sinh đẻ có kế hoạch, đủ cả. Vào cuộc rượu, Nguyễn Trọng Tạo lịch sự như người Pháp, cầm ly nâng ngang mày cung kính nhấp một ngụm, sau đó ngừng một tý cho vị rượu thấm môi để kiểm tra xem chai rượu mình đang uống thuộc loại nào, rồi anh đặt ly xuống phán một câu được hoặc không. Nhưng rượu luôn mua ở quán quen nên câu phán thường là được. Lại cầm đũa gắp một miếng mồi nếm thử, không “rượu ngon nhắm với nói cười”(**) như Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhưng Nguyễn Trọng Tạo cũng không thuộc loại phá mồi. Với anh mồi là để tăng thêm hương vị rượu, rượu là để câu chuyện được thăng hoa, uống ăn đúng mực nói năng phải lời, không to tiếng bao giờ. Nhưng khi đã ngấm hơi men rồi thì trời cũng nhỏ, lúc ấy nếu nghe ai nói một câu nghịch nhĩ, anh sẵn sàng ném ly, ném bát đĩa, “vàng nát không chừng cốc đã tan” là vậy, rồi lăn ra… ngủ. Bởi những sự cố như thế, Nguyễn Quang Lập đã hơn một lần tuyên bố với tôi:

“Từ nay tôi không nhậu với ông Tạo nữa!”

Tôi cười:

“Đất này, ông không nhậu với ông Tạo thì nhậu với ai!”

Và đúng vậy, Lập tuyên bố hôm trước, hôm sau tôi đã thấy hai ông “…lướt khướt dìu nhau bước” trên đường.

Thấy Nguyễn Trọng Tạo nhậu say hay quậy, anh em bạn nhậu mới bày âm mưu dời các cuộc nhậu về nhà anh ở số 2 Nguyễn Huệ. Nguyễn Trọng Tạo ok, gì chứ rượu thì anh luôn rộng lòng.

Thời ấy cả nước đang có phong trào nuôi cá trê phi, cứ theo lời đồn thì cá trê phi ít ăn mà chóng lớn, nuôi vài tháng mỗi con cho cả ba bốn ki lô là thường. Nghĩ vợ dạy ở trường Nông lâm, việc nuôi cá đúng nghề của nàng, Nguyễn Trọng Tạo mới cho xây một cái bể đồ sộ ở sau nhà. Ngày khánh thành anh bơm nước, thả cá vào đó, yên tâm năm sáu mươi ngày sau cá lớn cả làng Huế tới nhậu không hết. Nhưng nuôi mãi không thấy trê phi lớn, mà nhà Nông học Vũ Kim Thanh thì cứ bàng quang coi như chuyện của ai, cho ăn bữa đực bữa cái. Cũng may cá không như heo, bị bỏ đói dài ngày chúng vẫn “im như nước”, chỉ có điều ngừng tăng trưởng. Cá không chịu lớn mà bạn nhậu thì cứ tới rần rần, mỗi lần bạn tới Nguyễn Trọng Tạo lại cầm vợt đi ra bể bắt cá, bé còn hơn không. Những con cá trê phi nuôi giáp năm mà chỉ to bằng cán liềm, được anh vớt lên làm mồi. Đều đều như thế, khi tôi trở lại Huế thì cái bể đã cạn trơ đáy.

Dù có tổ chức cuộc nhậu ở nhà Nguyễn Trọng Tạo, anh em cũng thua. Nguyễn Trọng Tạo có thói quen xong chỗ này đi chỗ khác, không nhậu một chỗ bao giờ. Ở nhà anh, khi khách nhậu thấy đã đủ đô, chào chủ ra về. Trăm lần như một, chủ dọn vội dọn vàng bàn nhậu để còn kịp tiễn khách về đến… tận nhà khách luôn! Và tại nhà khách hai bên đổi ngôi, một cuộc nhậu mới lại bắt đầu. Vả lại so với anh, các bạn nhậu đều kẻ nửa cân người tám lạng. Lần tôi, anh, Mai Văn Hoan nhậu ở nhà Ngô Minh, câu chuyện loanh quanh chẳng biết thế nào lại dẫn về thơ Tố Hữu. Mai Văn Hoan là nhà giáo, giảng dạy thơ Tố Hữu có thâm niên, trong cơn say tưởng mình đang đứng lớp và các bạn nhậu là những cậu tú, mới trổ tài hùng biện nói về cái hay cái đẹp trong thơ Tố Hữu. Ngô Minh nổi khùng chửi. Sau một hồi thiệt chiến, thấy đối phương “một tấc không đi, một li không dời”, Ngô Minh điên tiết giở ngón kungfu sở trường chồm lên túm tóc Mai Văn Hoan gì xuống. Mai Văn Hoan đau khổ vì thần tượng một đời của mình bị Ngô Minh hạ bệ, mới vận hết mười thành công lực túm lấy áo Ngô Minh vật. Cả hai lăn tròn trên chiếu rượu. Không đành như tôi “tọa sơn quan hổ đấu”, Nguyễn Trọng Tạo lao vào can. Anh lôi được người này ra thì người kia lại lăn xả vào đối phương cấu xé, cuối cùng cả ba trông như bầy cá chép mùa lụt lên đồng vật đẻ, quấn lấy nhau nhoèo lại một cục, sóng âm thanh từng đợt dâng trào. Bấy giờ nàng Tâm, vợ Ngô Minh váy xắn quai cồng từ dưới bếp chạy lên hét toáng, ba ông mới chịu rời nhau ra. Câu thơ “bạn bè ở Huế thương nhau thiệt/ một đứa vợ la chục đứa kinh” của Nguyễn Trọng Tạo sau đó, đáng lẽ phải chia bản quyền cho nàng Tâm mới đúng.

Trên đường về Nguyễn Trọng Tạo bảo tôi:

“Thằng Ngô Minh bé con con thế mà khi hung lên khỏe gớm, tao can không được”.

Tưởng Nguyễn Trọng Tạo nói thế là xong, tôi chia tay anh ra về (lần ấy tôi nghỉ ở nhà anh Nguyễn Quang Hà). Sáng hôm sau tôi đến số 2 Nguyễn Huệ sớm. Vừa thấy tôi xuất hiện ở cổng, bà Soạn mẹ vợ anh vội chạy ra kéo vào một góc sân, hỏi:

“Đêm qua nhậu ở mô về mà thằng Tạo làm dữ rứa, đòi cắt cổ con Thanh.”

Tôi ớ người, chưa kịp nói gì thì đã thấy Nguyễn Trọng Tạo từ trong nhà đi ra lôi tuột tôi vào phòng khách. Qua cánh cửa để ngỏ nhìn vào phòng ngủ của hai vợ chồng anh, tôi thấy căn phòng như một bãi chiến trường: gường gãy nát, cassette vỡ vụn, tivi úp mặt nằm trên đất, sách vở quần áo vứt ngổn ngang. Hóa ra tối qua Nguyễn Trọng Tạo không về nhà ngay, mà tiếp tục đi tìm chỗ khác nhậu. Tôi lắc đầu ngao ngán:

“Sao thế này bác?”

Anh cười:

“Đêm qua nhậu về vợ cứ cằn nhằn, tức mình tao mới cho một trận.”

“Bác định cắt cổ vợ à?”

“Ừ.”

“Ngô Minh khỏe thế, vợ quát cho một tiếng là im re. Bác vật không nổi Ngô Minh mà bày đặt; tết nhất tới nơi rồi, đập bể tivi, cassette lấy gì cho vợ con nó giải trí đây. Bác vui buồn đã có bia rượu, chứ vợ con có gì?”

“Khỏi cần, tết này cho mấy mẹ con nó về nội!”

“Thế ngày mấy bác về?”

“27, 28 gì đó.”

“Về bác ghé em nha.”

“Tất nhiên.”

Hai bảy tết Canh Ngọ 1990, ông anh cả tôi ở Nam Đàn xuống chơi. Mười giờ đêm, hai anh em đang soạn giường chiếu chuẩn bị nằm ngủ thì Nguyễn Trọng Tạo tới, anh vừa đi ô tô từ Huế ra, ghé tôi ngay. Ngồi trên tầng năm, nghe tiếng anh gọi tôi vội xuống đón lên. Thấy anh đi một mình, tôi hỏi:

“Sao, Thanh với hai đứa nhỏ không về à?”

“Mua lại được tivi, cassette rồi thì để chúng nó ở nhà chứ về làm gì cho vất vả.”

Sẵn bình rượu chuẩn bị uống tết, tôi lôi ra. Trà tam rượu tứ, nhưng cận tết anh em ai cũng bận, vả lại đêm đã khuya nên tôi không gọi bạn văn nào, cùng ông bác ngồi tiếp anh. Nguyễn Trọng Tạo gắp một con cá rô tôi kho ăn thử, lại gắp một quả cà, một gắp dưa cải đưa lên miệng:

“Ngon! – Anh buột miệng khen - Cái gì mày cũng biết làm thế này, chắc rồi khổ.”

Thấy anh ăn ngon miệng tôi mừng, còn những suy đoán của anh về sự sướng khổ không làm tôi băn khoăn. Ba anh em chúng tôi vừa uống rượu vừa chuyện trò, chủ yếu Nguyễn Trọng Tạo nói, còn tôi và ông bác chỉ hỏi khơi chuyện. Chúng tôi ngồi như ba ông đầu rau trong đêm khuya, phố phường chung quanh yên ngủ, ngoài đại lộ Quang Trung thỉnh thoảng một chiếc ô-tô chạy vù qua vọng tiếng lên rung cả cửa kính phòng. Anh trai tôi là một cây rượu có hạng, nhưng trước lối uống lai rai của Nguyễn Trọng Tạo thì anh chịu thua, xin phép lên giường nằm, chiếu rượu còn hai tôi ngồi đối ẩm. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện. Nguyễn Trọng Tạo là con trai trưởng, dưới anh còn mấy cô em gái, vì thế tết nhất giỗ chạp anh luôn có nhà. Bố anh mất đã hai chục năm, hai chục lần giỗ chưa giỗ nào anh vắng mặt. Ngay cả những năm chiến tranh đóng quân ở Lào, đến kỳ giỗ bố anh vẫn tìm cách về bằng được, thực đáng nể.

Tôi nhìn lên đồng hồ treo tường, kim ngắn chỉ số 2, kim dài chỉ số 12. Trong lúc đó Nguyễn Trọng Tạo càng uống càng hào hứng, không có ý gì chuẩn bị đi ngủ. Tôi nghĩ bụng thôi rồi, điệu này bạn hiền sẽ cho mình thức trắng đêm đây. Ngồi một lúc nữa, mệt quá tôi mới lay ông bác dậy vào ca thay tôi tiếp nhà thơ. Lưng chưa chạm chiếu mắt tôi đã nhắm tít lại. Ngủ được một lúc tôi lại bị ông bác lay dậy giao ca, vì ông cũng mệt quá. Cứ thế hai anh em tôi thay phiên nhau ngồi uống rượu với anh suốt đêm. Sáu giờ sáng, bình rượu hai lít của tôi cạn trơ đáy. Nguyễn Trọng Tạo đứng dậy múc một ca nước lạnh vỗ vào mặt, bảo tôi:

“Đi!”

“Đi đâu?”

“Sang bác “Thọ cải lương” chơi.”

Qua một đêm mất ngủ, tôi chỉ muốn nghỉ ngơi. Nhưng Nguyễn Trọng Tạo sau khi trải hành trình Huế - Vinh gần bốn trăm cây số, ngồi thức uống rượu suốt đêm, sáng ra vẫn hào hứng đi thì tôi thấy mình đúng là đồ cá ươn nếu cứ nằm ở nhà, thế là đành cúc cung theo anh.

Nhà bác “Thọ cải lương” ở gần Mộ Cháy. Bác đặc biệt hâm mộ Nguyễn Trọng Tạo, luôn coi anh là thượng khách. Tới nơi, chúng tôi thấy bác và bạn thơ Phan Hồng Khánh đang ngồi chờ bên một bàn nhậu đã chuẩn bị sẵn. Hai bên tay bắt mặt mừng. Tôi rỉ tai chủ nhà và Phan Hồng Khánh chuyện ông bạn vàng của các anh suốt đêm qua một mình ngồi cưa đổ hai lít rượu nhà tôi. Cả hai mỉm cười. Nhìn cách cười, tôi biết các ông này đã hơn một lần chịu trận Nguyễn Trọng Tạo nên cũng yên tâm, nghĩ quá lắm mười giờ sáng mình sẽ được giải phóng. Nhưng kỳ lạ là vào cuộc rượu, Nguyễn Trọng Tạo vẫn uống như chưa bao giờ được uống. Chín giờ trôi qua, mười giờ trôi qua… không thấy anh có vẻ gì như sắp sửa lên xe về Diễn Châu cả. Đồng hồ điểm mười một giờ, Phan Hồng Khánh nhìn đồng hồ. Anh là chủ gia đình, 28 tết rồi, còn nhiều việc phải lo.

“Ngồi yên – Nguyễn Trọng Tạo cầm ly rượu của Phan Hồng Khánh đánh cái cộc xuống bàn – Uống đi! Tôi là con trai trưởng, còn phải đi bốn mươi cây số nữa về quê lo tảo mộ mà chưa vội thì ông vội gì.”

Phan Hồng Khánh ngồi im, nụ cười nở sau vành râu quai nón vẻ biết lỗi. Thêm một giờ đồng hồ nữa trôi qua. Đến lúc này không chỉ Phan Hồng Khánh mà cả bác “Thọ cải lương” cũng lấm lét nhìn đồng hồ. Không đếm xỉa gì đến vẻ sốt ruột của chúng tôi, Nguyễn Trọng Tạo cứ uống và cứ nói, lúc này có vẻ như anh đã ngấm rượu, giọng bắt đầu nhừa nhựa. Đồng hồ chỉ mười ba giờ ba mươi, bác Thọ đứng dậy nói nhẹ nhàng:

“Thôi, Tạo ơi ta kết thúc ở đây nhé. Ông còn phải về Diễn Châu nữa.”

“Ừ, cũng phải về chứ nhỉ – Nguyễn Trọng Tạo như sực tỉnh, rót đầy bốn ly rượu. Cầm một ly nâng cao, anh nói – Chúc mừng năm mới!”

Phan Hồng Khánh nghĩ thời cơ giải phóng đã đến, mừng quá vội luýnh quýnh uống cạn ly của mình. Nguyễn Trọng Tạo không trăm phần trăm, anh nhấp một ngụm rồi lại ngồi xuống ghế. Khánh chưng hửng. Cuối cùng thì Nguyễn Trọng Tạo cũng uống hết ly rượu, sau đó đứng dậy ngật ngưỡng chào chủ nhà để hồi hương. Ba chúng tôi dắt xe đạp rồng rắn theo sau tiễn anh ra bến xe. Nguyễn Trọng Tạo ngồi sau xe đạp của tôi, cả bọn nhằm phía Bắc thẳng tiến, ngang qua cánh đồng lúa, bất chợt anh nhảy xuống. Tưởng anh muốn làm nhẹ mình, tôi phanh xe lại chờ thì đã thấy Tạo vai khoác túi, chân mang giày, chân nam đá chân chiêu đi xuống ruộng. Sau vài mươi bước chân, thấy xung quanh mình là những bụi lúa xuân mơn mởn, anh dừng lại thọc tay vào túi quần, lôi ra một nắm tiền với đủ loại mệnh giá, miệng hét to niềm cảm xúc dâng trào:

 “Chào các em lúa xinh đẹp, sao các em xanh tốt thế? Anh yêu các em! Anh ơn các em! Anh mộng mị các em! Anh mừng tuổi các em!...”

Rồi như nhà nông gieo mạ, Tạo quải tay vung nắm tiền khắp sau lưng, trước mặt. Trong ánh vàng rực của buổi chiều cuối năm, những tờ tiền như những cánh chim trước gió lững lờ bay, gặp không khí thoáng đãng của mùa xuân chúng lưỡng lự một lúc rồi lần lượt đậu xuống những bụi lúa, những vạt nước chân ruộng. Một cơn gió nhẹ thổi, những tờ tiền nằm trên lúa lật úp lật ngửa tiếp tục bay, chỉ chịu nằm yên khi rơi hẳn xuống nước.

Chúng tôi há mồm ngạc nhiên. Sau đó cả bọn tụt giày đi xuống ruộng lúa, Phan Hồng Khánh dìu Nguyễn Trọng Tạo lên bờ. Báo hại tôi và bác Thọ cứ phải lội khắp ruộng lúa nhặt từng tờ tiền một. Tờ khô gấp lại, tờ ướt lau khô nhét trả vào túi anh không thì năm ấy Nguyễn Trọng Tạo mất tết.

Chúng tôi nhặt kỹ lắm, nhưng không chắc đã hết, bởi mùa gặt năm ấy ruộng lúa được Nguyễn Trọng Tạo mừng tuổi bội thu hơn hẳn những thửa ruộng khác.

Xuân Quý Tỵ, 2013
(Nghệ thuật mới. Phụ trương của báo Người Hà Nội, Hội liên hiệp VHNT Hà Nội số 11 tháng 12-2012 & Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 52 (2811) ra ngày 28-12-2013)

*  Lò rượu chị Hiếu trên dốc Phú Cam, nổi tiếng ngon.

** Những chữ in nghiêng trong bài là thơ Nguyễn Trong Tạo.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (25/8/1947 – 7/1/2019). Quê quán: Diễn Châu, Nghệ An. Dân tộc: Kinh. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1983.

QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Nhập ngũ 1969, trưởng đoàn văn công xung kích E2 và F341 Quân khu 4. Trưởng ban biên tập văn nghệ Nhà văn hóa Quân khu 4, Trưởng ban biên tập xuất bản Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Trưởng ban biên tập báo Thơ, Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI (2000 – 2005). Thư ký tòa soạn tạp chí Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Đã xuất bản quãng 20 tập thơ và trường ca, gần 10 tập văn xuôi và phê bình. Nhạc Làng quan họ quê tôi, Tình khúc bốn mùa, Khúc hát sông quê. Mẫu măng sét tạp chí Sông Hương, Hồng Lĩnh, Sông Lam, báo Thơ, mẫu cờ Thơ. Thiết kế 500 bìa sách.

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng thơ Hội Văn nghệ Nghệ An (1969); Giải thưởng thơ Hội Văn nghệ Hà Tĩnh (1971); giải thưởng thơ báo Văn nghệ, Nhân dân, Văn nghệ Quân đội (1978); Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế, 2 giải thưởng VHNT Cố đô (1989-1999); giải thưởng Hồ Xuân Hương; 2 giải thưởng bìa sách và 8 giải thưởng âm nhạc. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012.


 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm