TIN TỨC
  • Thế giới sách
  • Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Tôi không muốn thành công quá dễ dàng

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Tôi không muốn thành công quá dễ dàng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-09-15 06:56:40
mail facebook google pos stwis
2725 lượt xem

NGUYỄN LỆ CHI


Sinh năm 1976 tại Hà Nội.

Cử nhân tiếng Trung - Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội.

Cử nhân ngoại giao - Học viện Quan hệ quốc tế Hà Nội.

Thạc sĩ điện ảnh - Học viện điện ảnh Bắc Kinh.

 

Nguyễn Lệ Chi từng là Phó giám đốc xuất bản công ty Văn hóa Phương Nam, hiện là phóng viên báo Thanh Niên. Lệ Chi là người sáng lập nhãn hiệu sách Chibooks và các website www.nguyenlechi.vn, www.chibooks.com.vn. Chị cũng là dịch giả Việt Nam đầu tiên được ngôi sao điện ảnh và truyền hình Trung Quốc Lục Tiểu Linh Đồng mời sang Trung Quốc tham dự Hội thảo văn hóa quốc tế Tây Du Ký lần thứ 1 tại TP.Hoài An (tháng 10.2010).


Các tác phẩm đã dịch: Co giật, Anh có biết nói yêu không, Tối nay có việc không về nhà, Thiền của tôi, Baby Thượng Hải, Tuyển tập Vệ Tuệ, Biển quái vật, Cẩm nang thần thánh… (sách văn học); Nghiên cứu tâm lí diễn xuất điện ảnh, Đối thoại với Trương Nghệ Mưu, Đối thoại với Củng Lợi… (sách điện ảnh); Hoắc Nguyên Giáp, Xích Bích, Đường về nhà… (phim truyện); Lã Bất Vi, Ân oán tình thù, Những người bạn thân, Cạm bẫy ảo, Cánh hạc thời gian, Phù Dung lên tỉnh… (phim truyền hình)…

Chị là một người phụ nữ năng động, làm nhiều việc và thành đạt, dịch thuật có vai trò thế nào trong cuộc sống của chị?


+ Dịch thuật là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của tôi, không chỉ trong công việc xuất bản, mà cả trong quá trình làm báo. Hiện tại tôi đang làm phóng viên ban quốc tế báo Thanh Niên, sau 4 năm làm biên tập viên ở ban thư ký. Công việc mới đòi hỏi phải đọc và dịch tin tức thời sự liên tục hàng ngày. Vì vậy, với tôi, dịch thuật không chỉ bó hẹp trong dịch sách, mà còn được sử dụng ở nhiều phương diện khác: làm báo (vì công việc), dịch truyện, dịch phim (vì giải trí), dịch tài liệu, sách vở chuyên ngành điện ảnh (vì bạn bè nhờ, và muốn giúp các sinh viên điện ảnh có thêm tư liệu học)…. Với tôi, dịch thuật như hơi thở trong cuộc sống hàng ngày, như việc phải ăn, phải ngủ vậy.


- Sống trong một gia đình trí thức và nghệ thuật (bố là nhà nghiên cứu phê bình, mẹ là diễn viên múa), điều đó đã ảnh hưởng thế nào tới dịch giả Nguyễn Lệ Chi?


+ Có lẽ tôi bị ảnh hưởng bởi ba tôi nhiều hơn, vì cho tới giờ tôi vẫn không biết múa tí gì, và người rất cứng (cười). Từ nhỏ, nhờ sự yêu thích văn học của ba tôi, tôi được thưởng thức “ké” nhiều tác phẩm văn học nước ngoài rất có giá trị. Với bốn bức tường toàn là sách truyện làm bầu bạn, tôi dần có được sở thích đọc sách và yêu thích văn học, đặc biệt là văn học nước ngoài.


Mỗi lần được ba mẹ thưởng vì kết quả học tập tốt, tôi lại đề nghị xin mua truyện hoặc tạp chí khăn quàng đỏ, gấu misha… làm phần thưởng. Tất cả những điều này dần hình thành nên niềm đam mê sách của tôi sau này. Do ba tôi cũng từng làm nhiều nghề như giáo viên dạy văn ở đại học, nhà nghiên cứu lý luận phê bình, nhà báo, trợ lý giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, thẩm duyệt kịch bản phim, dịch giả tiếng Nga, biên tập viên NXB Thế giới… nên có lẽ tôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
 

Tôi cũng thích viết báo, dịch sách, làm sách, và yêu thích điện ảnh. Trước đây tôi và mẹ tôi thường hay đùa rằng ba tôi là người ôm đồm và thích làm quá nhiều thứ trong cuộc đời. Bản thân ông cũng từng chuyển việc khá nhiều và kết thúc cuối đời tại NXB Thế giới. Nhưng sau này khi tôi bước vào đời, tôi cũng thấy mình không yên phận, không rõ có phải do gien di truyền hay không. Tôi khởi nghiệp bằng nghề viết báo, rồi chuyển sang đi dạy ngoại ngữ, học điện ảnh, dịch sách, làm tổ chức sản xuất phim, làm sách, dịch phim và rồi quay lại làm báo; cũng có lúc tôi làm song song vài việc một lúc.


Tôi thường nói đùa với mọi người rằng tôi là mẫu người cả thèm chóng chán, một khi đã thích việc gì thì làm đến cùng, nhưng khi đã làm xong rồi, thì lại khát khao chinh phục và thử sức việc khác, lập tức bỏ ngay công việc đang làm dù nó rất tốt và được nhiều người thèm muốn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, cuộc đời rất ngắn ngủi, nếu mình thích làm việc gì và có điều kiện để thử sức với công việc đó thì cứ làm thôi. Có vậy mới biết mình có khả năng làm hay không. Nhiều khi những thay đổi sẽ giúp chúng ta có thêm động lực và cảm thấy môi trường mới mẻ, cuốn hút làm việc hơn.

 - Ngoài dịch thuật, chị còn có thương hiệu Chibooks với các ấn phẩm chủ yếu là sách Âu Mỹ, liệu văn học Việt Nam không phải đối tượng của Chibooks hay sao mà rất ít tác phẩm của tác giả Việt Nam được chọn xuất bản.


+ Khi bắt tay làm Chibooks, tôi đã xác định chỉ làm sách văn học nước ngoài. Đó là lý do tại sao gần 100 đầu sách của Chibooks phần lớn đều là tiểu thuyết của Anh, Mỹ. Ngay cả dòng văn học Trung Quốc là sở trường của tôi, tôi cũng không lạm dụng làm vì tôi không muốn thành công quá dễ dàng và không muốn lặp lại con đường cũ. Một vài cuốn sách Việt Nam do Chibooks ấn hành chủ yếu đều được làm với tính chất kỷ niệm, do các tác giả đó đều từng là bạn bè quen biết của Chibooks.

- Và dòng sách của Chibooks hầu hết là sách văn học lãng mạn dành cho phụ nữ, liệu như thế có hơi phiến diện, hay chị muốn tạo một dòng sách chuyên biệt?


+ Tiêu chí sách của Chibooks là 2 dòng: sách phụ nữ và sách trẻ em. Trong 3 năm qua, Chibooks đã tạo dựng được thành công dòng sách văn học lãng mạn dành cho phụ nữ như dòng sách chicklit, romantic, linglei… Tuy nhiên bước sang năm 2012 này, ngoài dòng văn học lãng mạn dành cho phụ nữ, Chibooks sẽ phát triển thêm dòng sách văn học kỳ ảo dành cho thiếu nhi. Kế hoạch của chúng tôi là cứ 3 năm sẽ tạo thêm một dòng sách mới, bên cạnh việc vẫn duy trì dòng sách cũ đã được khẳng định và được bạn đọc chấp nhận.

- Hiện nay, có khá nhiều dịch giả trẻ tham gia công việc dịch thuật, chị suy nghĩ thế nào về những đồng nghiệp của mình.


+ Trước hết đó là điều đáng mừng bởi việc dịch thuật đã được nhiều người quan tâm hơn và lựa chọn làm nghề. Tuy nhiên cũng có rất nhiều dịch giả trẻ chưa ý thức được việc tự rèn luyện và xây dựng đạo đức nghề nghiệp. Nhiều bạn nhận dịch sách không bao giờ đúng hạn, kéo dài thêm nửa năm hoặc một năm, hoặc vô thời hạn tới mức đơn vị xuất bản cảm thấy phát chán hoặc thất vọng đành buông xuôi, nhờ người khác dịch thế. Nhiều dịch giả trẻ tuy mới bước vào nghề nhưng rất ngộ nhận về trình độ của mình, cao ngạo và chỉ biết đòi hỏi những lợi ích cho mình, trong khi không thèm đếm xỉa tới quyền lợi của đối tác là đơn vị xuất bản. Bằng chứng là họ dịch cắt xén, ăn bớt để cho nhanh thời gian, dịch ẩu, chia cho bạn bè dịch cùng và một người đứng tên; hoặc chây ì, nhận tiền ứng xong thì tự cho mình thích kéo dài thời gian dịch bao nhiêu tùy ý, dẫu đã ký cam kết về thời gian trong hợp đồng dịch. Cũng có dịch giả do hoàn cảnh cá nhân không thực hiện được đúng hợp đồng nhưng cũng không thèm quan tâm tới việc đơn vị xuất bản đang trông ngóng vì thời hạn cam kết xuất bản trên hợp đồng bản quyền nước ngoài là có hạn. Có dịch giả bỏ ngang không dịch hoặc vứt xó tác phẩm, dịch lay lắt, mà không hề thông báo cho đơn vị xuất bản. Điều này gây rất nhiều tổn thất cả về kinh tế, uy tín, lẫn cơ hội truyền thông của đơn vị xuất bản. Hy vọng rằng những dịch giả trẻ như vậy sẽ biết xấu hổ mà tự dừng lại những công việc tắc trách của mình.

- Chị là người Hà Nội, đã vào trong thành phố Hồ Chí Minh khá lâu, chị có thấy sự khác biệt về cuộc sống và không khí văn chương, chữ nghĩa ở hai vùng?


+ Tất nhiên là rất khác biệt giữa cuộc sống Hà Nội và TP.HCM, một bên là chốn tưởng chừng rất êm ả nhưng cũng rất dữ dội với nhiều mạch chảy ngầm, một bên luôn ồn ã từ sáng tới tối với đủ loại cám dỗ công khai và những cơ hội nghề nghiệp đòi hỏi bản lĩnh, tài năng và sự tự tin. Và tôi cho tới giờ vẫn chưa hề ân hận về quyết định thay đổi nơi sống và làm việc của mình. Tôi tới TP.HCM với hai bàn tay trắng, tự lập nghiệp, làm được việc mình thích, đạt được một số ghi nhận trong xã hội và tôi hài lòng về công việc của mình. Nhiều bạn trẻ HN cũng nhận thấy sự khác biệt trong cuộc sống giữa hai vùng miền và họ đã mạnh dạn Nam tiến để tìm cơ hội phát triển. Về không khí văn chương, có lẽ văn chương phía Nam đa dạng hơn bởi tập trung nhiều các nhà văn, nhà thơ đến từ nhiều vùng miền tới đây sinh sống và làm việc.
 

- Trong các tác phẩm đã dịch, chị có ấn tượng mạnh nhất với cuốn sách nào và vì sao?


+ Hoa bên bờ và Đảo tường vy của nhà văn nữ Trung Quốc An Ni Bảo Bối là 2 tác phẩm dịch mà tôi thấy mình mất công sức và cảm xúc nhất. Cái khó của 2 tác phẩm dịch này là hầu như không có cốt truyện, chỉ tản mát bằng những sợi dây tình cảm mong manh của các nhân vật. Truyện không có nhiều kịch tính, rất nội tâm, vì vậy trong quá trình dịch, tôi luôn có tâm trạng trĩu nặng như nhân vật chính, có nhiều lúc vừa dịch vừa khóc vì xúc động, cảm thấy có những đoạn như thể mình ở đó. Chạm vào sợi dây rung cảm của người đọc hoặc người dịch, có lẽ đó là điểm tạo nên thành công của An Ni Bảo Bối và khiến cô được rất nhiều bạn đọc trên thế giới yêu thích.

- Chị đã dịch nhiều thể loại, sách văn học, sách điện ảnh, giáo trình học, phim truyện, phim truyền hình, tiêu chí khi chị chọn tác phẩm dịch là gì?


+ Tôi chỉ dịch những gì tôi thực sự thích, tùy theo tâm trạng trong khoảng thời gian đó. Tôi thường nói đùa rằng, tôi làm tùy hứng, và luôn phụ thuộc vào tâm trạng, mà tâm trạng lại phụ thuộc vào thời tiết. Và dĩ nhiên thời tiết thì luôn thay đổi. Sở thích dịch của tôi cũng vậy, luôn thay đổi để tránh nhàm chán và tránh mình đi vào lối mòn. Có lúc tôi thực sự đam mê dịch tiểu thuyết Trung Quốc, và ngày nào cũng dịch liên tục không ngưng nghỉ. Nhưng có giai đoạn như hiện nay, tôi lại chỉ thích dịch tiểu thuyết Mỹ chẳng hạn. Những lúc nghỉ ngơi, thư giãn, tôi chọn dịch phim… Tuy nhiên dù bắt tay dịch bất kỳ thể loại gì, tôi đều làm với lòng say mê và ý thức trách nhiệm cao nhất.

- Dự định sắp tới của dịch giả Nguyễn Lệ Chi và Chibooks?


+ Về cá nhân tôi, tôi vẫn tiếp tục dịch sách văn học Mỹ. Tôi không muốn mình chỉ giới hạn trong lĩnh vực dịch sách văn học Trung Quốc. Tôi muốn mình song song dịch được cả 2 ngoại ngữ Trung-Anh thành thạo. Tới nay, tôi đã dịch được 2 cuốn sách văn học Mỹ (Biển quái vật và Cẩm nang thần thánh, tác giả: Rick Riordan) và đang dịch tiếp cuốn thứ 3 là cuốn mở đầu cho 1 series văn học kỳ ảo Mỹ: The Beast Quest. Về phía Chibooks, 2012 và 3 năm tiếp tới sẽ là một thời kỳ xây dựng và khẳng định thương hiệu về dòng sách văn học kỳ ảo nước ngoài, sau thành công của bộ sách Percy Jackson và các anh hùng trên đỉnh Olympus năm ngoái.


- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện và chúc Chibooks ngày càng thành công hơn nữa.


Uông Triều

(Nguồn: Văn Nghệ )

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Linh Khiếu lại “xuất” hoa lạ
Vâng, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã từng xuất bản những tập thơ mang tên những loài hoa rất lạ: Hoa Linh (2000), Hoa Linh Thảo (2021) Hoa Hạnh (trong một bài thơ được Giải nhất cuộc thi thơ tạp chí VNQĐ năm 2010)... Chưa kể tập thơ đầu tay Chùm mơ Tiên cảm (1991) cũng gồm những chùm hoa rất lạ...
Xem thêm
Trần Hà Yên với tình yêu trẻ thơ từ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo
Bài viết về tập thơ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo (NXB Hội nhà văn 2024).
Xem thêm
Người lặn dưới những lớp sóng thời gian
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An.
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Bài viết của nhà thơ Đặng Bá Tiến
Xem thêm
Một người cầm súng quả cảm - một người cầm bút tài năng
Bài phát biểu của nhà báo Hồ Quang Lợi tại Thư viện quân đội trong buổi giới thiệu 2 tập sách của Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu, 15/10/2024.
Xem thêm
Trường ca “Mặt trận gần phía trước”
Bài viết của Nguyễn Vũ Quỳnh về tập trường ca của Trần Trí Thông
Xem thêm
Hoa hồng có gai, hay là vẫn tin vào nước mắt
Nguồn: Bùi Việt Thắng (Báo Văn nghệ)
Xem thêm
Bến sông xưa dậy sóng tóc phai màu!
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ “Tự tình với trăm năm” của Nguyễn Hồng Linh
Xem thêm
Bộ sách Đất Việt Trời Nam liệt truyện của Trần Bảo Định
“Đất Việt trời Nam liệt truyện” của nhà văn Trần Bảo Định là bản anh hùng ca đầy tự hào, chất chứa tinh thần yêu nước mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện “từ thuở mang gươm đi mở cõi” xuyên suốt theo dòng chảy lịch sử kể từ khi các chúa Nguyễn vào Nam khai mở xứ Đàng Trong cho tới khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp và đến đầu thế kỷ XX, với cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ trong nỗ lực chung cùng giải phóng đất nước.
Xem thêm
“Theo dấu chân Người” để đi tới ngày Quốc khánh 02/09/1945
Đọc tập truyện ký “Theo dấu chân Người” chúng ta càng trân trọng, kính phục sự cống hiến, xả thân của Người cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng con người thoát khỏi sự đàn áp...
Xem thêm
Trái tim tự do luôn rực cháy
Đọc tác phẩm PHIẾN HẠ (NXB Hội Nhà văn, 2024) của Trần Hạ Vi
Xem thêm
Mây Phương Nam của Thiên Hà sẽ còn lộng lẫy hơn, mới mẻ hơn
Nhà văn Trương Đạm Thủy viết về Mây Phương Nam của Thiên Hà
Xem thêm
Lê Thiếu Nhơn: Ân tình giữa duyên nợ Thơ và Nhạc
Bài đăng Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam
Xem thêm