- Chân dung & Phỏng vấn
- Nén hương cho một người cô độc
Nén hương cho một người cô độc
NGUYỄN HỒNG LAM
Huyền thoại Daghestan, thi hào Rasul Gamzatovich Gamzatov có mấy câu mà tôi rất thích:
“Ai là người lắm lời hơn cả?
Cô gái già không có người yêu.
Ai là người nói nhiều hơn cả?
Nhà văn vô danh, luống tuổi, viết nhiều”…
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung (1956-2021)
Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung không vô danh. Ông, chính xác là tác phẩm của ông, rất nổi tiếng, mà ông thì không hẳn. Nhưng ông không hề biết mà cũng không cần biết. Bạn bè, độc giả thương quý ông, cả trong đời sống lẫn trong trang viết đều rất đông. Nhưng ông không quảng giao và luôn rất kiệm ngôn.
Tác phẩm của nhà văn suốt đời áo lính ấy, tôi đọc gần hết. Đến trước năm 2000, ông vẫn viết rất nhanh. Và viết nhiều. Toàn những cuốn tiểu thuyết, truyện, ký dày dặn: Thời chúng mình yêu nhau (1989), Biên giới (1982), Người đàn bà hồn nhiên (1996), Cú điện thoại lúc quá nửa đêm, Đứa con người lái đò (1992), Bên rừng thốt nốt (1984), Người đàn bà khóc mướn (1990), Tháng chạp của đời người, Đêm trừ tịch (1998)...
Năm 1974, mới 18 tuổi, ông đã rời quê vào quân ngũ, thuộc Sư đoàn 341 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam. Hòa bình chưa lâu, chiến tranh lại kéo ông sang đất bạn Campuchia, chiến đấu và cầm bút, sau đó về học khóa III Trường viết văn Nguyễn Du, rồi quay lại chiến trường K trong vai trò phóng viên báo Quân đoàn 4. Và cuối cùng, ông trụ lại rất lâu ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Phải thừa nhận, ông viết rất sâu về chiến tranh, nhất là với cuộc chiến biên giới Tây Nam. Khác với những nhà văn áo lính khác, chiến tranh trong tác phẩm của ông thường hiện ra trong những góc riêng, góc khuất dịu sâu đau đớn. Đó là tiếng thét câm lặng vọt ra từ lồng ngực hơn là đùng đoàng bom rơi đạn nổ. Ông viết về mảnh đất nào, viết về cái gì người ta cũng đọc ra tác giả là người xứ Nghệ. Ông viết về lửa khói chiến tranh dưới tán thốt nốt đất bạn Campuchia mà người đọc như tôi vẫn cứ hình dung ra chái bếp lợp lá cọ tỏa khói dưới những nhánh cọ bên vùng trung du Hương Sơn, Hà Tĩnh quê ông...
Tôi ấn tượng nhất với ông là cuốn "Người đàn bà khóc mướn" (1990), cuốn đầu tiên của ông mà tôi đọc. Đọc đi, đọc lại, ám ảnh. Nó riêng quá, độc đáo quá, dịu dàng, giằng xé và đau đớn đến nghẹt thở. Nó hình thành nên một cốt cách văn chương không giống ai. Phải là một con người đau đáu với quê hương, với ám thị tuổi thơ, với hắt hiu phận người vừa trung du, vừa chiêm trũng của thập niên 60 -70 thế kỷ trước mới có thể vắt tuổi mình mà viết ra được thế... Tôi đọc khi mới học năm thứ hai đại học. Và nhớ đến tận giờ. Cũng vì những trang viết đầy ám thị đó mà tôi phải tìm đọc cho bằng hết tác phẩm của ông.
Cùng một khoảng thời gian, Việt Nam có mấy tác phẩm văn chương tự hiện đầy tài hoa mà tôi không quên được. Đó là "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh), "Hồi ức làng Che" (Nguyễn Đức Thọ), "Bước qua lời nguyền" (Tạ Duy Anh) và "Người đàn bà khóc mướn" (Nguyễn Quốc Trung). Họ viết không hề giống bất kỳ cuốn nào, tác giả nào trước đó. Họ viết cho chính họ. Họ viết không mưu cầu, chỉ tuôn trào những đau đớn và ẩn ức từ trái tim vỡ vụn...
Đó là điều mà khi chập chững cầm bút tôi nhận ra, ám ảnh, dù không cắt nghĩa được.
Đi hết những năm chiến tranh, vác ba lô về nhà ngỡ bắt đầu đời sống của riêng mình, người lính ấy mới nhận ra không còn gì thuộc về riêng ông nữa. Không gia đình, không quê hương, không có gì chào đón hay níu giữ. Khói lửa chiến tranh cũng đã tàn, chẳng còn chiến trường khốc liệt nào cho ông quay trở lại, dù chỉ để đi hết cuộc đời trong một thói quen. Ông là người lính lơ lạc giữa thời bình. Ngày trở về cũng cũng là ngày cuộc chiến trong tâm thức của riêng ông mới bắt đầu, giữa hòa bình vĩnh viễn, kéo dài thêm suốt hơn 30 năm sau đó.
Xa lạ với chữ tranh đua, hiển nhiên ông không mưu cầu thành bại. Tâm hồn mẫn cảm của một người cầm bút chỉ chất đầy những đau buồn mất mát của kiếp người. Cả trong chất liệu sáng tạo lẫn đời sống, ông, chính ông đã tự hóa một thực tại folklore trôi lạc giữa dòng văn chương đương đại. Nhà văn chỉ viết cho chính mình. Viết chỉ để viết, để giải tỏa, chữ nghĩa bật ra, vỡ tung từ tận tâm can.
Trang viết giàu ma mị, ám thị, cứ thế tuôn trào. Bạn bè, người đọc nghĩ về ông, đau đớn cùng ông với bao nhiêu thương quý. Nhưng ngoài trang viết, cơ hồ ông cũng chẳng biết mình có ai là bạn. Đến và đi, sống và viết, ông lặng lẽ. Tự chính nhà văn đã thừa đủ thành nguyên mẫu và chất liệu cho một cuốn tiểu thuyết về thân phận con người hay một cuộc chiến dai dẳng giữa thời bình nhưng ông không hề biết. Lòng ông chất đầy phế tích. Hồi ức cũ luôn đau đớn dằn vặt nhưng dù có muốn, ông cũng không thể một lần quay trở lại.
Sau này, tôi tham gia làm tờ Văn hóa văn nghệ Công an từ khi nó chưa ra đời (từ tháng 11 - 1995). Nhà văn Nguyễn Quốc Trung là một trong những cộng tác viên đầu tiên. Ông hay ghé tòa soạn. Chỉ nói chuyện bài vở, trang viết, tuyệt không luận bàn thêm điều gì khác, chẳng chơi, chẳng chuyện trò cà kê dê ngỗng. Ông đến bất ngờ, lặng lẽ, rồi ra về cũng lặng lẽ, bất ngờ. Gặp ở nơi khác, ông vẫn thế. Ông chưa bao giờ cười đùa, không mấy khi để ai nghe tiếng. Ông như cái bóng đổ dài dưới ánh đèn nhà bao người khác.
Mãi sau này tôi mới hiểu. Từ 1989, nhà văn nặng lòng với quê hương Nguyễn Quốc Trung chỉ sống ở Sài Gòn, một mình, không gia đình. Đời ông vận vào số ly hương và cô độc. Tuy nhiên, ông vẫn chăm bẵm, lo lắng cho hai con gái mình đến nơi đến chốn, thành đạt. Tác phẩm của ông cũng là những hồi ức cô độc, gần như thoát ly hẳn với thời sự và để tài của những cái chung.
Điều duy nhất tôi biết về ông là sự cần mẫn, kỹ lưỡng đến kinh ngạc với trang viết. Thỉnh thoảng đang hồi thời sự nóng bỏng của vụ việc gì đó, tôi lại thấy ông đến tận nơi tìm. Có khi ông xin kết luận điều tra hay cáo trạng vụ án nào đó, lúc lại nhờ tìm giúp hình ảnh. Tôi lạ, anh có viết báo vụ việc đâu, cần những thứ đó làm gì? Ông bảo: "Ừ, anh không viết báo. Anh cần biết cho chắc chắn. Bây giờ chưa viết, mai mốt viết sợ không tìm được. Không sống thật với thực tại, mai sau chẳng có gì đáng để gọi là quá khứ…".
Quả đúng thế, ông chỉ cẩn trọng chứ chẳng chạy đua, chẳng đeo bám thời sự bao giờ. Ông sống bằng ký ức, viết bằng nỗi u hoài và tiếc nuối. Ông không mưu cầu điều gì, hình như mối quan tâm của ông không phải là tương lai. Ông chỉ chuẩn bị từ hiện tại để tương lại giàu thêm quá khứ. Tất nhiên, cũng chỉ để giàu thêm cho trang viết. Với đời riêng,nhà văn Nguyễn Quốc Trung chẳng trù liệu, vun quén chút gì. Và vì thế, trong mắt không ít người, ông có phần lập dị. Chỉ khi bàn vào ngưỡng văn chương, ông mới thật là ông. Vẫn nhẹ nhàng, ngắn gọn, không ồn ào, nhưng quyết liệt và không hề khoan nhượng.
Đời ông, như tôi biết, không hề đua chen, biệt bóng cả cơn giận lẫn nụ cười, già hơn tuổi. Sang thế kỷ XXI, ông viết ít hơn. Là ít với chính ông, nhưng vẫn sung sức chán so với bạn văn cùng thời cùng tuổi. Tác phẩm của ông vẫn đều đặn trình làng, với “Trong tiết thanh minh”, “Đêm trừ tịch”, “Người đến từ nước Mỹ”, “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”. Gần đây nhất, trước đại dịch, ông còn cho ra mắt tiểu thuyết “Dòng sông bên chùa” (2019).
Phong cách và hình dung về ông thì vẫn thế. Hai mươi năm trước, ông gầy gò, khắc khổ, không cau có nhưng mặt vẫn đăm chiêu. Hai mươi năm sau vẫn đăm chiêu khắc khổ y như cũ. Mà không già đi. Mà người như ông, văn chương đau đớn riêng như ông, già thêm vào đâu được nữa?
Cùng ở Sài Gòn, nhưng tôi chỉ biết ông vướng Covid, phải nhập viện qua chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều trên trang cá nhân vào ngày 31-8. Dịch dã, chẳng ai thăm ai được. Vài ngày trước, nhà báo Nguyễn Thiêm, con trai nhà văn Nguyễn Khắc Trường, một người yêu quý nhà văn Nguyễn Quốc Trung như em ruột có điện thoại hỏi thăm. Ông bảo: “Chú khỏe hơn rồi, sắp ra viện”. Thế rồi, bữa nay mùng 10-9, bỗng nghe ông về coi tiêu diêu. Nhà văn khắc khổ ra đi trong cô độc. Tro cốt ông, Đại tá Nhà văn Nguyễn Quốc Trung, rồi mai đây sẽ được chuyển về cho CQĐD của Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại TP Hồ Chí Minh. Ông về hưu đã 5 năm, nhưng nhà ông vẫn ở đó, gia đình duy nhất của ông cho đến bây giờ là ở đó...
Anh đi thanh thản, anh Trung nhé. Rồi mấy tài hoa cũng đã lặng lẽ đi xong một kiếp con người. Chỉ thương anh, ngày về cát bụi không gia đình mà cũng không nốt cả "Những người đàn bà khóc mướn". Chỉ một thôi cũng không. Kiếp lai sinh không khói hương và tiếng khóc, ắt hẳn cũng là một kiểu gọi tên khác của nỗi buồn...
TP Hồ Chí Minh, ngày 10-9-2021,
N.H.L.