TIN TỨC

Nhà văn, nhà viết kịch Minh Khoa với những “hào kiệt phương nam”

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-08-02 17:04:03
mail facebook google pos stwis
319 lượt xem

BÍCH NGÂN

Nhà văn Minh Khoa, tên thật là Đặng Quang Hổ, sinh ra tại Sài Gòn, năm 1928. Ông từng học trường Khương An Ninh, Sài Gòn. Rồi làm thầy dạy học tại Hóc Môn, Bà Điểm, tham gia tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám tại Gò Vấp, Hóc Môn.

Sau cách mạng tháng Tám, ông Đặng Quang Hổ làm trợ lý cơ quan tham mưu Bộ tư lệnh quân khu 7, rồi Quân khu 9 - Nam bộ. Năm 1955 ông tập kết ra Bắc, ở đơn vị bộ đội chủ lực. Năm 1961 ông được lệnh về Nam công tác ở Cục chính trị Quân giải phóng miền Nam, có thời gian phụ trách phụ trách tờ Tạp chí Văn nghệ giải phóng. Ông còn là thành viên Hội đồng tuyển chọn anh hùng, dũng sĩ các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam. Trong suốt giai đoạn này, ông vừa cầm súng vừa cầm bút. Có điều kiện tiếp xúc nhiều anh hùng, dũng sĩ nên đề tài xuyên suốt của nhà văn Minh Khoa là viết cuộc sống và chiến đấu của họ.

Sau ngày giải phóng miền Nam, nhà văn - đại tá Minh Khoa làm Trưởng phòng tuyên huấn Quân khu 7. Năm 1989, nhà văn Minh Khoa chuyển ngành làm Phó tổng thư ký Hội Sân khấu TP.HCM, kiêm Tổng biên tập Báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà văn đại tá Minh Khoa trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật của mình, ông chỉ chuyên tâm và chuyên trị thể loại “truyện ký” những nhân vật anh hùng, hào kiệt của Nam Bộ thành đồng. Ngay cả kịch bản sân khấu, loại hình văn học nghệ thuật mà ông đoạt Giải thưởng Nhà nước, cũng được viết từ những nhân vật anh hùng, hào kiệt, những người con kiên trung của Tổ Quốc.

  Lúc viết báo và sau này làm công tác xuất bản, tôi có nhiều lần được gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn Minh Khoa. Lần nào khi nhắc lại chuyện xưa, chuyện chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, chuyện về những con người sống và chết vì Tổ quốc, nhà văn Minh Khoa như quên tuổi già, quên bệnh tật, trông ông khỏe hẳn ra. Nhà văn lão thành hào hứng kể về những ký ức đẹp của những người hào kiệt mà ông được trực tiếp gặp hoặc họ “sống” lại từ ký ức của đồng bào, đồng chí, đồng đội…và những con người từ cuộc đời trở thành nhân vật, bước vào trang văn, bước lên sân khấu, đã trở thành biểu tượng cao cả của lòng yêu nước. Ông nói: “Hình ảnh đẹp của những con người hy sinh vì Tổ quốc lưu giữ mãi trong tâm trí tôi, tình cảm tôi và bước vào những trang sách của tôi. Nhân vật hàng đầu của tôi là những nhà hoạt động cách mạng kiệt xuất, là anh bộ độ Cụ Hồ và những người nuôi dưỡng họ”

Nhà văn Minh Khoa, kể. Ông được gặp hai chiến sĩ Nguyễn Văn Quang (người Đồng Nai) và Lý Ngọc Báu (người Cà Mau) tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2 (tháng 7- 1967). Lúc ấy, ông vừa ngỡ ngàng vừa xúc động khi được hai được hai chiến sĩ quân giải phóng vừa được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang cho cây bút trẻ Minh Khoa biết, là chính hai anh  đã học cách chiến đấu, cách rèn luyện để trở thành tay thiện xạ từ truyện ký “Một viên đạn một kẻ thù mà tác giả Minh Khoa viết về tấm gương chiến đấu kiên cường của anh hùng Huỳnh Văn Đảnh. Từ cuộc gặp gỡ đó, nhà văn Minh Khoa, càng thấy thêm trách nhiệm của người chiến sĩ cầm bút. Ông nói: “Có những quyển sách nhỏ như bàn tay nhưng lại có sức mạnh của cả một binh đoàn”

 Nhà văn Minh Khoa viết hơn 60 truyện ký, đều là truyện kể về cuộc sống chiến đấu của những người hào kiệt trong cuộc chiến đấu sống còn trước quân thù. Nhưng theo ông “có viết gấp mười lần, trăm lần, thậm chí ngàn lần, vạn lần đi nữa thì cũng không thấm vào đâu so với sự hy sinh lớn lao không chỉ của người lính trên các chiến trường mà còn của vô số người dân yêu nước”.

 Nghĩ như thế nên cùng với viết văn, ông bắt tay viết kịch bản sân khấu. Theo ông, với nghệ thuật sân khấu thì người dân không đọc được chữ cũng có thể xem được, chia sẻ những trang sử hào hùng của dân tộc. Đó là loại hình nghệ thuật cô đọng, có sức truyền cảm sâu sắc. Những vở đầu ông viết như Người con gái thành phố Bác Hồ, Chỉ một con đường chủ yếu diễn trên làn sóng phát thanh. Đến vở Người ven đô  ông mới thấm thía nỗi gian nan và niềm hạnh phúc của một người đã đưa được người thật việc thật lên thành nhân vật sân khấu, thành hình tượng nghệ thuật.

Hơn bốn mươi năm kể từ khi đặt bút viết kịch bản Người ven đô, nhà văn Minh Khoa vẫn còn giữ nỗi xúc động tinh khôi khi nhắc lại kỷ niệm. Cuộc gặp gỡ của ông với Tám Khỏe ngoài đời, (sau này là nhân vật chính, ông Tám Khỏẻ của Người ven đô), rồi chị Sáu Hô, là “Việt cộng nằm vùng” ở Gò Vấp - Hốc Môn, nghe chị kể về ông Bảy Đờn, người dùng tiếng đàn kìm che giấu cán bộ, thà chịu địch móc mắt chớ không để cán bộ cách mạng rơi vào tay giặc…những người đã trở thành nhân vật trong tuyện ký “Tiếng đờn kìm” rồi thành nhân vật sân khấu làm lay động lòng người về tinh thần bất khuất trước kẻ thù, dường như chỉ mới ngày hôm qua.

Người ven đô có lẽ còn khắc mãi trong tâm trí khán giả, với hình tượng cao đẹp về tinh thần yêu nước sáng ngời của người dân sống trong vùng tạm chiếm, qua nhân vật ông Tám Khỏe với sự diễn xuất xuất thần của các nghệ sĩ lừng danh: Can Trường, Ba Vân, Ngọc Thạch, Út Trà Ôn… Lúc sinh thời nghệ sĩ Ba Vân từng nói: “Tám Khỏe trước tiên là của soạn giả Minh Khoa. Hiểu người dân Nam bộ được như vậy thật tài. Tôi sắm được vai đó nhờ công của Minh Khoa. Tuy nhiên sắm vai còn là nghề nghiệp. Trong nghề nghiệp bao giờ cũng có tâm sự. Bầu tâm sự càng lớn, sắm vai càng đã, càng đạt”.

Để viết vở kịch Người không cô đơn, Nhà văn Minh Khoa đã cất công đi tìm nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh (làng Mỹ Hạnh, Long An) suốt 13 năm trời. Ông còn nhớ rất rõ: “Tin Nguyễn Thị Hạnh hy sinh đến với tôi quá đột ngột… căn bệnh vàng da quái ác đã làm Bảy Hạnh thân tàn ma dại. Hơn ba năm ròng rã, Hạnh không dám uống thuốc chữa bệnh hòng che mắt địch, len lỏi hoạt động cách mạng trong khu ấp chiến lược. Nguyễn Thị Hạnh đã hy sinh cuộc đời và hạnh phúc riêng mình cho dân làng Mỹ Hạnh. Có một điều Hạnh chưa kịp làm. Đó là lời hứa với mẹ, với bà con: “Khi nào đất nước thanh bình, con sẽ uống thuốc cho khỏi bệnh”. Với vở Người không cô đơn, nhà văn Minh Khoa không chỉ nói về chiến công của Nguyễn Thị Hạnh, mà thông qua đó, chủ yếu là làm cho người người hiểu chúng ta từng có những đảng viên cộng sản như Nguyễn Thị Hạnh.

Khác hơn Người ven đôNgười không cô đơn, khi viết Theo bước chân Võ Văn Tần nhà văn Minh Khoa không đi sâu miêu tả cuộc đấu tranh trực diện quyết liệt của nhân vật lịch sử với kẻ thù. Ông không chỉ chủ tâm xây dựng một chân dung của Võ Văn Tần. Người xem còn được gặp nhiều nhân vật khác. Đó là những con người hết lòng đi theo Đảng. Theo bước chân Võ Văn Tần, ý tưởng của tác giả được thể hiện rất rõ: với cách mạng, với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, người dân yêu nước nào cũng có thể là Võ Văn Tần, cũng có thể sống, chiến đấu như ông và chết cũng bất khuất như ông.


Các vai diễn trong vở cải lương Người ven đô đã trở thành chuẩn mực cho nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ học hỏi. Trong ảnh: Nghệ sĩ Thanh Toàn đã đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang với vai Tám Khỏe, trích đoạn Người ven đô (theo báo Phụ nữ TP.HCM)

Nỗi  khát khao thường trực nơi nhà văn Minh Khoa là muốn đưa những trang viết về những con người hào kiệt đã sống và chiến đấu vì đôc lập tự do cho Tổ quốc đến với thế hệ đang tiếp bước con đường vì dân vì nước của cha ông. Tuổi cao sức yếu lại mang trong người căn bệnh K, ông vẫn không chịu ngơi nghỉ. Bằng tất cả nỗ lực, ông góp phần phục dựng, hồi sinh hình ảnh, cuộc đời của những con người hào kiệt, qua đó xây dựng hình tượng sinh động của những con người tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng.

Chân dung những con người hào kiệt của nhà văn nhà viết kịch Minh Khoa, một phần được đưa lên sân khấu và được in rải rác ở nhiều quyển sách in chung với nhiều tác giả khác, và một vài quyển sách mỏng in riêng. Phần lớn chân dung của những người hào kiệt vẫn còn nằm trên những chồng bản thảo. Tuy nhiên, loại sách về truyền thống đấu tranh Cách mạng thường khó phát hành nên tác giả không gởi bản thảo đến nhà xuất bản, để tránh: một là phải chờ đợi một thời gian dài, hoặc tệ hơn là bị từ chối. Sự chờ đợi hoặc là sự khước từ bản thảo chân dung những hào kiệt không chỉ là của đất phương Nam mà đó còn là những người kiệt xuất, những người con ưu tú của Tổ quốc, theo nhà văn Minh Khoa, không chỉ làm tác giả đau lòng, mà còn có điều gì đó như có lỗi với vong linh những hào kiệt. Với tâm niệm đó, nhà văn Minh Khoa bàn với vợ con và quyết định là lấy số tiền mà gia đình dành dụm tiết kiệm được trong nhiều năm để in sách viết về những người hào kiệt. Giữa năm 2005, NHỮNG NGƯỜI HÀO KIỆT dày 819 trang in (NXB Văn nghệ TP.HCM) ra mắt bạn đọc. NHỮNG NGƯỜI HÀO KIỆT là quyển sách tập hơp những truyện ký sâu sắc, sinh động về cuộc sống và chiến đấu của hơn 60 anh hùng, dũng sĩ và những tấm gương kiên trung bất khuất trước kẻ thù xâm lược của người dân Sài Gòn - Chợ Lớn, người dân miền Nam trong khói lửa chiến tranh. Rồi sau đó, khi nhận được tiền thưởng của Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, ông dành trọn số tiền được thưởng in tập kịch HÀO KIÊT ĐÊM THẾ KỶ (NXB Văn nghệ TP.HCM), dày gần 800 trang (khổ lớn), là tập hợp sáu kịch bản văn học mà nhân vật chính, đó là: Hồ Huân Nghiệp, một tấm lòng vì đại nghĩa (ông thuộc thế hệ tham gia chiến đấu chống Pháp đầu tiên trên đất Gia Định xưa), Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Võ Văn Tần, nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh…


Nhà văn Bích Ngân, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu bên nhà văn Minh Khoa trong một lần đến thăm ông tại nhà riêng. Ảnh NH.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông già tóc bạc, chân yếu, mắt mờ ngồi lọ mọ dò từng cái tên từng dòng địa chỉ được ghi kín cả một quyển sổ tay, rồi lại lọ mọ ghi ra từng tờ giấy ngần ấy cái tên và địa chỉ để dán vào từng bì thư đựng hai quyển sách NHỮNG NGƯỜI HÀO KIỆT và HÀO KIỆT ĐÊM THẾ KỶ. Rồi ông đi xe ôm ra bưu điện gởi sách đi. Ông rất vui khi cho tôi biết, bằng nhiều cách, thông tin từ Quân khu 7, quân khu 9, những nơi ông từng công tác và qua đồng đội, qua người quen, ông tìm được địa chỉ của nhiều người con và những đứa cháu nội, cháu ngoại, cháu gọi cô gọi dì của những nhận vật trong hai quyển sách “Những người hào kiệt” và “Hào kiệt đêm thế kỷ”. Ông tin là khi đọc sách ông gởi, họ sẽ hiểu hơn về thế hệ dấn thân vì Tổ quốc của ông mình, cha mình, mẹ mình dì mình, cô mình, chú mình... 

Rồi nhà văn nhà viết kịch Minh Khoa không thể thực hiện những chuyến đi tìm kiếm tư liệu sáng tác được nữa. Bệnh ông trở nặng. Tôi cùng chị Huỳnh Thị Xuân Hạnh, Giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ đến thăm ông ở bệnh viện Thống Nhất. Ông yếu đi rất nhiều nhưng trí não còn minh mẫn. Do quen biết, làm việc với ông từ nhiều năm và cũng là người được ông khuyến khích thử sức với kịch bản sân khấu nên ông nhìn tôi, gọi tôi bằng cháu và xưng “bác Tám”. Ông nói: “Bác Tám sẽ viết di chúc để lại một trăm triệu đồng và nhờ cháu trực tiếp lo việc tái bản quyển sách “NHỮNG NGƯỜI HÀO KIỆT”. Mong muốn lớn nhất của bác Tám là đưa NHỮNG NGƯỜI HÀO KIỆT đến được đông đảo người đọc”. 

Xúc động trước lời trăn trối của một người hào kiệt - tác giả NHỮNG NGƯỜI HÀO KIỆT, sau đó, NXB Văn hóa - Văn nghệ đã đưa quyển sách NHỮNG NGƯỜI HÀO KIỆT của nhà văn Minh Khoa vào danh mục sách được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng.  NHỮNG NGƯỜI HÀO KIỆT được tái bản (có bổ sung), 908 trang  khổ lớn, với số lượng 2000 cuốn.

Lần lượt, nhiều tác phẩm của NHỮNG NGƯỜI HÀO KIỆT cầm bút của đất phương Nam,  những người (tuy quê quán từ nhiều miền đất nước) đã từng sống, chiến đấu, hy sinh hay qua đời tại vùng đất Sài Gòn Gia Định trước kia, Thành phố Hồ chí Minh hôm nay - những nhà văn, nhà thơ, soạn giả, nhạc sĩ, họa sĩ, đạo diễn…những người chiến sĩ bất khuất trên mặt trận văn hóa, mà tác phẩm và cuộc đời của họ, đã góp phần to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nươc, đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, và những giải thưởng văn học khác (giải thưởng văn học Giải phóng, Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu…) được NXB Văn hóa - Văn nghệ và một số nhà xuất bản khác in thành sách. Đó là những quyển sách quý về tác giả - tác phẩm của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ Hoàng Việt, soạn giả Trần Hữu Trang, nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ nguyễn Bính, nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Lê Vĩnh Hòa, nhà thơ Trần Quang Long, nhà viết kịch Ngô Y Linh, nhà viết kịch Nguyễn Thanh Châu, Nhà viết kịch Phạm Ngọc Truyền, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhà thơ Bảo Định Giang, nhà thơ Viễn Phương, nhà thơ Nguyễn Hiểu Trường (Trần Bạch Đằng), nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, nhà văn Anh Đức, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn - nhà viết kịch Ngọc Linh, nhà viết kịch Phi Hùng, nhà thơ Chim Trắng, nhà văn Võ Trần Nhã, nhà văn Thanh Giang, nhà văn Trần Thanh Giao…và, nhiều tác phẩm viết về những hào kiệt phương Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch thành danh thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thế hệ nhà văn trưởng thành sau ngày ngày miền Nam giải phóng, vẫn và đang là những cây bút chủ lực trên văn đàn Việt Nam.

Cũng như nhà văn nhà viết kịch Minh Khoa, có lẽ điều mong muốn lớn nhất của “những hào kiệt cầm bút” là đứa con tinh thần của mình được đến với người đọc, người nghe, người xem - Đó là những tác phẩm văn học nghệ thuật được viết bằng cả cuộc đời hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc. Những tác phẩm phản ánh cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc mà những hào kiệt phương Nam đã đóng góp tinh thần, trí tuệ, tài năng và không ít hào kiệt đã bất khuất hy sinh. 

Hào kiệt phương Nam - những nhà lãnh đạo Cách mạng, những cán bộ cách mạng hoạt động dưới nhiều hình thức (công khai và bí mật), những người dân kiên trung bảo vệ Cách mạng, những chiến sĩ cầm súng trên các chiến trường miền Nam (phần lớn ở mảnh đất Sài Gòn – Gia Định), những chiến sĩ cầm bút trên mặt trận văn hóa, những văn nghệ sĩ vừa cầm bút vừa cầm súng… đã sống và chiến đấu không chỉ làm rạng danh cho một “Nam Bộ thành đồng” mà còn cho một đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập, tự do tiến tới “dân giàu nước mạnh”.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người thầy xanh thẳm nỗi đời chất chứa yêu thương
Tôi đọc một mạch cuốn sách Người thầy (Nxb Quân đội nhân dân, 2023) của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh xong mà cứ bâng khuâng mãi. Người thầy xanh thẳm nỗi đời chất chứa yêu thương
Xem thêm
Nguyễn Quốc Trung đã về miền mây trắng
Bài viết của nhà thơ Lê Thành Nghị
Xem thêm
Ký ức một thời trận mạc của chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
Đó là Đại tá Hoàng Long Xuyên, sinh năm 1918, nguyên Đội trưởng đội du kích Hòa An - Cao Bằng, nguyên Giám đốc Công an Khu tự trị Việt Bắc kiêm Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng - BĐBP) Khu tự trị Việt Bắc.
Xem thêm
Nhà văn Lương Sỹ Cầm: Như dòng sông lặng lẽ trôi
Nhà văn Lương Sỹ Cầm sinh ngày 15.01.1929 tại Hà Tĩnh, hiện là hội viên cao tuổi nhất của Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua đời vào lúc 13h ngày 28.8.2023 tại Hà Nội hưởng thọ 96 tuổi. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Ông đã sống, đã sáng tạo gần một thế kỷ trên cõi đời này như không hề biết mệt mỏi. Mới cách đây 5 năm, khi ở tuổi 90, ông vẫn cho ra mắt tiểu thuyết Đèn kéo quân và được trao Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng”. Tưởng nhớ nhà văn lão thành Lương Sỹ Cầm, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà văn Nguyễn Thế Hùng về ông.
Xem thêm
Từ Kế Tường đánh thức thời hoa mộng
Từ Kế Tường, tên khai sinh là Võ Tấn Tước, quê gốc ở Bình Đại – Bến Tre, nhưng lên Sài Gòn học khá sớm. 19 tuổi tác giả đã là thư ký tòa soạn tờ Tuổi Ngọc, tờ báo dành cho thiếu nhi. Năm 1969, Huyền xưa, tiểu thuyết đầu tay của ông, được in nhiều kỳ trên báo, sau đó mới in sách, lần đầu khoảng 150.000 bản.
Xem thêm
Xuân Oanh - cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng! (Phần cuối)
Là một trong những hội viên thế hệ đầu tiên của Hội Nhạc sỹ Việt Nam,
Xem thêm
Phạm Vân Anh - Gót sen nở thắm biên thùy
Từng là sinh viên ngành “hot” (ngôn ngữ Anh) của trường “top” (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), ấy thế nhưng khi tốt nghiệp đại học, Phạm Vân Anh lại quay về quê hương Hải Phòng để làm việc tại Quỹ Bảo trợ Trẻ em thành phố và nhận dạy tình nguyện cho trẻ em lang thang cơ nhỡ tại các lớp học tình thương.
Xem thêm
Nhạc sĩ Xuân Oanh - nhà ngoại giao nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ
Xuân Oanh (1923-2010) là tác giả của bài ca “Mười chín tháng Tám”
Xem thêm
Nhà thơ Vân Long và những người văn Thăng Long
Nhà thơ Vân Long làm việc ở báo Độc Lập, sau này anh về NXB Hội Nhà văn, phụ trách phần thơ.
Xem thêm
Xuân Oanh - cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng! (Phần 3)
Bạn bè, đồng nghiệp các thế hệ luôn dành cho Xuân Oanh danh xưng Nhà Ngoại giao Nhân dân
Xem thêm
Lê Minh Quốc - Trương Nam Hương, đôi bạn thơ và vùng hoài niệm
Bài viết của Ngô Đức Hành về đôi bạn Lê Minh Quốc - Trương Nam Hương
Xem thêm
Mối tình vì hòa bình
Nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010) tên đầy đủ là Đỗ Xuân Oanh. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ông từng làm việc cho báo Cứu quốc.
Xem thêm
Văn Cao: Từ “Buồn tàn thu” tới mùa thu Cách mạng
 Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023), một chương trình nghệ thuật đặc biệt Đàn chim Việt sẽ được tổ chức để tôn vinh tài năng của người nghệ sĩ lớn. Chương trình diễn ra lúc 20 giờ ngày 20.8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Xin giới thiệu bài viết của nhạc sĩ Trần Lệ Chiến – Phó Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc – Hội nhạc sĩ Việt Nam về nhạc sĩ Văn Cao.
Xem thêm
Đỗ Xuân Oanh - một cuộc đời, một nhân cách
Phim tư liệu giới thiệu nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Đa tầng hiện thực và cách tân tiểu thuyết
Lần gần nhất tôi gặp nhà văn Nguyễn Bình Phương – Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi anh tham gia cùng đoàn công tác của Trung ương tham dự hội nghị toàn quốc về công tác tuyên giáo tổ chức tại Quảng Nam ngày 4.7.
Xem thêm
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Muốn có thơ hay, phải sống thật với chính mình
Trong vòng tháng 7.2023, vợ chồng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lần lượt rời cõi tạm về chốn vĩnh hằng sum họp với nhau. Từ chiều 30 đến tối 31.7, lễ tưởng niệm và chương trình thơ sẽ diễn ra ở Huế để tôn vinh hai bậc lão thành tài hoa đáng trọng của văn học Việt Nam đương đại. Vanvn.vn xin trân trọng giới thiệu lại bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ với những quan niệm về thơ đáng để chúng ta suy ngẫm.
Xem thêm