- Chân dung & Phỏng vấn
- Nhà văn Trầm Hương – một phiên bản ‘Người đẹp Tây Đô’
Nhà văn Trầm Hương – một phiên bản ‘Người đẹp Tây Đô’
Nhà văn Trầm Hương, tác giả tiểu thuyết kiêm tác giả kịch bản “Người đẹp Tây Đô” được gán cho cái tên này từ sau khi bộ phim phủ sóng toàn quốc và gây tiếng vang lớn vào những năm 1990.
Nhà văn Trầm Hương.
Phượng hoàng tái sinh
Nhờ sự kết nối của nhà văn Ngô Thảo, tôi có dịp ngồi với vợ chồng nhà văn Trầm Hương – đạo diễn Nguyễn Hoàng khi họ vừa từ Hà Tĩnh ra, kết thúc hành trình làm phim “Loan – phượng hoàng tái sinh” (Nguyễn Hoàng đạo diễn, Trầm Hương biên kịch và viết lời bình) kéo dài suốt từ Hà Tĩnh, Vinh, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng (Việt Nam) cho đến Tours (Pháp). Hơn cả một bộ phim, “Loan” lần đầu giúp cho người con xa quê về với đất mẹ sau gần một thế kỷ chia ly.
Phải nói luôn rằng, cuốn hồi ký “Loan – từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng” của tác giả Isabelle Muller là một cuốn sách đã được bảo chứng. Nó đoạt giải một trong năm quyển sách hay ở Đức năm 2015 và là best seller 2 năm liền trên trang Amazon thể loại tự truyện. Isabelle Muller là con út của nhân vật Loan, viết không phải vì muốn trở thành nhà văn, mà chỉ vì muốn kể về cuộc đời người mẹ Việt Nam của mình.
Loan tên thật là Đậu Thị Cúc, sinh ra ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh, thuở nhỏ không được đi học, từng bị những người đàn ông trong gia đình lạm dụng tình dục và bị đem bán lúc 12 tuổi để lấy một mảnh ruộng với hai con lợn. Không cam chịu, cô trốn nhà tìm đến người cô ở Nam Định nhờ che chở. Từ đây, Cúc đi làm phụ bếp, hái chè thuê, bị trả công rẻ mạt, bị người cô tìm cách lấy sạch tiền. Về sau, khi lên Hà Nội, bà ta bán Cúc vào nhà thổ sau khi thua bài ba quân. Cúc tiếp tục chạy trốn, và gặp được ông Hương người Hoa. Ông đã mở cửa cưu mang, còn dạy võ Vịnh Xuân Quyền để cô tự tin bảo vệ mình.
Nhờ đôi hoa tai ông Hương cho làm vốn, Cúc mở quán ăn, kinh doanh phát đạt. Sau đó Cúc có con đặt tên là Loan, khi phát hiện ra tình cảm bị lừa dối, cô chọn nuôi con một mình. Chưa đầy 2 tuổi, con mất, Cúc bỏ tên cũ, lấy tên con gái để gọi mình, ngụ ý Loan là loài chim phượng hoàng tái sinh từ tro tàn đổ nát. Sau này, Loan gặp một lính Pháp nghèo, yêu rồi theo ông sang xứ người làm dâu. Lạ nước lạ cái, Loan bị mẹ chồng phản đối dữ dội. Bà không muốn con trai mình kết hôn với một phụ nữ da vàng, hơn tuổi, lại có con riêng. Loan bị tống xuống một làng hoang. Ở đây bà tự sinh con, trồng trọt, làm nhà.
Khi được nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa gửi gắm “đọc để phát biểu vài lời về cuốn sách”, nhà văn Trầm Hương đã bị câu chuyện này thuyết phục. Chị kể: “Đọc “Loan” nhiều lần, tôi cứ bị ám ảnh. Cuộc đời bên cạnh những cái xấu, cái ác, hóa ra chưa bao giờ thiếu vắng tình yêu thương con người. Tôi với anh Nguyễn Hoàng quyết định dựng nó thành phim, để chia sẻ đến với nhiều người hơn”.
Sau hơn nửa năm, bộ phim hoàn thành, dự định chỉ có 30 phút, sau tăng hẳn thời lượng lên 60 phút, chia làm 3 tập.
Bộ phim không có thù lao. Gần như từ khi bắt đầu, nhà văn Trầm Hương và đạo diễn Nguyễn Hoàng đã phải tự xoay xở mọi thứ. Anh Hoàng kể: “Đây là bộ phim tôi làm cực nhất từ trước đến nay”!
“Người đẹp Tây Ðô”
“Loan” giống như rất nhiều dự án khác, nhà văn Trầm Hương làm không phải vì nhuận bút, vì được đặt hàng… mà vì thôi thúc từ bên trong, phải kể lại câu chuyện về những phụ nữ như thế. Những người bình thường vô danh, họ đều đã sống, chiến đấu, hy sinh trong lặng lẽ. 17 tiểu thuyết, truyện, ký, 3 kịch bản phim truyện nhựa, 16 tập phim truyện truyền hình và hàng trăm phim tài liệu… của chị hầu hết đều có nhân vật chính là phụ nữ, thanh niên xung phong, mẹ Việt Nam anh hùng. Người làng văn gọi chị là “tác giả của những số phận phụ nữ éo le”, một số khác ngắn gọn đặt nick cho Trầm Hương là “Người đẹp Tây Đô”.
Tiểu thuyết này được Trầm Hương viết khi chị mới tốt nghiệp đại học, mới chạm ngõ văn đàn với một truyện ngắn được giải trên Văn nghệ quân đội. Trước đó, Trầm Hương học cùng con gái bà Lâm Thị Phấn ở Đại học Cần Thơ, được nghe kể nhiều chuyện về người nữ tình báo truân chuyên này, chị đã bảo: “nếu tôi là nhà văn tôi sẽ viết về mẹ của bạn”.
Truyện lần đầu được đăng feuilleton trên báo Tuổi Trẻ. Chị nhận được khoản nhuận bút 20 triệu đồng. Sau đó, Hãng phim truyền hình TP HCM đặt chuyển thể kịch bản, nhà văn nhận thêm 70 triệu đồng nhuận bút.
Số tiền khổng lồ (thời đó) này giúp Trầm Hương lần đầu tiên mua được ngôi nhà của riêng mình ở Sài Gòn, chấm dứt quãng đời thuê trọ trên căn gác xép “nóng như lò bát quái”.
Nhờ phát hiện “nhà văn có thể sống bằng nhuận bút”, Trầm Hương từng bước trở thành nhà văn “cày sâu cuốc bẫm” vào loại nhất nhì trong giới viết ở Sài Gòn. Có thời điểm một mình nuôi hai con nhỏ, chị từng gõ máy chữ đến bật máu ngón tay. Sau này, nuôi hai con du học ở Mỹ, cũng nhờ vào nhuận bút viết văn, viết báo của chị. Trong số những nhà văn có thể sống được bằng nghề, Trầm Hương có lẽ chỉ xếp sau Nguyễn Nhật Ánh.
Từng làm nhiều phim tài liệu về những mẹ Việt Nam anh hùng, nhà văn Trầm Hương có nhiều duyên nợ với thân nhân của những gia đình này. Đầu năm nay, con của chị Phan Thị Miết (con gái mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Chạy) gọi điện cho chị khóc: “Chị ơi, má em bị gãy xương đùi, bệnh viện bảo cần 40 triệu mới mổ, em không biết làm thế nào”.
Nhà văn Trầm Hương thời trẻ.
“Lúc đó trong tay tôi không có một xu, vừa mới gom tiền gửi cho con ở Mỹ, nhưng tôi vẫn bảo, để chị nghĩ cách. Đúng dịp ra mắt tập thơ “Em kiêu hãnh được làm đàn bà”, tôi đứng ra kêu gọi bạn đọc ủng hộ chị Miết. Kinh ngạc lắm, nội trong buổi sáng, tiền gom được là 150 triệu, ngoài để mổ chân, chị Miết còn có thể mở một cửa hàng xén để có sinh kế qua ngày”. Nhà văn kể.
Trầm Hương không gọi công việc của chị là thiện nguyện, chị bảo, đó là sự kết nối được dẫn dắt từ những trái tim. Hơn 100 gia đình nghèo đã có nhà nhờ ngòi bút của chị. Mỗi trường hợp kể lại, đều có thể nói là ly kỳ…
“Trầm Hương hồi trẻ đẹp rực rỡ luôn. Đến mức khi casting vai Bạch Cúc cho “Người đẹp Tây Đô” tôi còn đùa Lê Cung Bắc, mời Hương đóng luôn cho tiện. Sau đó, giới văn chương cũng lấy luôn tên truyện làm tên Hương” – một nhà sản xuất đàn anh kể.
Trầm Hương từng bước trở thành nhà văn “cày sâu cuốc bẫm” vào loại nhất nhì trong giới viết ở Sài Gòn. Có thời điểm một mình nuôi hai con nhỏ, chị từng gõ máy chữ đến bật máu ngón tay. Sau này, nuôi hai con du học ở Mỹ, cũng nhờ vào nhuận bút viết văn, viết báo của chị. Trong số những nhà văn có thể sống được bằng nghề, Trầm Hương có lẽ chỉ xếp sau Nguyễn Nhật Ánh.
Hạnh Đỗ/TPO