TIN TỨC

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng soi vào từng con mắt lánh đen

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-03-30 19:03:10
mail facebook google pos stwis
513 lượt xem

LÊ THIẾU NHƠN

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng (1959-2021) để lại không nhiều tác phẩm. Khi nhà thơ Đoàn Vị Thượng giằng co những ngày cuối cùng với cơn bạo bệnh, thì người thân đã gom góp in “Thơ Đoàn Vị Thượng” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2020. Và bây giờ, kỷ niệm 1 năm nhà thơ Đoàn Vị Thượng rời khỏi dương gian, “Thơ tình và những bài áo trắng” tiếp tục được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, để công chúng có dịp thương nhớ nhà thơ Đoàn Vị Thượng.


Nhà thơ Đoàn Vị Thượng qua nét vẽ Lê Sa Long.

Cộng gộp hai tập “Thơ Đoàn Vị Thượng” với “Thơ tình và những bài áo trắng”, được hơn 150 bài thơ, liệu đã quy tụ đầy đủ những gì nhà thơ Đoàn Vị Thượng sáng tác suốt 62 năm trên cõi người chưa? Có lẽ đã tương đối. Bởi lẽ, nhà thơ Đoàn Vị Thượng viết khá ít, và cũng không có mưu cầu giục giã bản thân phải chạy đua số lượng tác phẩm. Đối với nhà thơ Đoàn Vị Thượng, thi ca không có ý nghĩa vang danh lập dạng, mà giống như một phương tiện đồng hành: “Tôi còn trong túi bài thơ/ Đem ra nhầm với giấy tờ tùy thân”.


Tập “Thơ tình và những bài áo trắng” của Đoàn Vị Thượng.

Năm 1976, nhà thơ Đoàn Vị Thượng ở tuổi 17 viết bài “Lời trăng xanh” có hai câu ấn tượng “Em giấu thân trong áo/ Tôi nghe buồn gương soi”. Đó là chỉ dấu của một tài thơ. Nếu anh tiếp tục đau đáu chìm đắm với mạch nguồn trắc ẩn ấy, chắc chắn sẽ thành một sự nghiệp tầm cỡ. Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhà thơ Đoàn Vị Thượng chọn nghề sư phạm rồi đi làm báo. Thơ cư ngụ trong lòng anh như một sự nương tựa, thỉnh thoảng mới xuất hiện thành văn bản. Có lẽ chính nhà thơ Đoàn Vị Thượng cũng cảm thấy tiếc nuối những ngày tháng ít nhẫn nại và ít quyết liệt với thơ, nên anh viết bài “Lá” vào năm 2010 đầy tâm trạng: “Tôi năm mươi tuổi cũng đành/ Ngồi ôm chiếc lá mơ xanh lại mình”.

Thời thanh xuân, nhà thơ Đoàn Vị Thượng từng hồ hởi: “Với những hy vọng của tôi, tôi không giữ trong lòng/ Tôi ao ước được chia đều tất cả/ Và cũng muốn được nhận nhiều hơn thế/ Tôi tắm mình trong bầu bạn anh em”. Và anh đã có khoảng một thập niên dạt dào vần điệu. Với thái độ gượng nhẹ những xung khắc và những bất hòa xung quanh, nên thơ Đoàn Vị Thượng không mạnh về ngổn ngang thế sự, về triết lý nhân sinh, về sạt lở đạo đức. Thơ Đoàn Vị Thượng chọn cách “đi theo áo trắng” để đứng gần những tình cảm trong trẻo: “Anh đi dò lại mười năm trước/ Dù vắng quanh đây bóng bạn bè/ Khi bị những oán thù vây rượt/ Anh nhờ áo trắng dịu dàng che”.

Cốt cách nhà giáo, giúp anh có được những câu thơ mượt mà về khung trời mơ mộng “Cho anh theo với/ Sáng nay tựu trường/ Ai còn đi học/ Đời còn dễ thương”. Đoàn Vị Thượng thong dong trở thành một nhà thơ trìu mến của lứa tuổi học sinh – sinh viên, khi “Còn một chút hương bay” bãng lãng “Chân đi từng bước khẽ khàng/ Nắng sao rộn rã ngập vàng lối em/ Guốc đừng khua rộn cả lên/ Sợ ai ngồi sẵn bên thềm đợi nghe”, khi “Gởi người thích nhặt lá” bâng khuâng “Giá như chiếc lá là bài thơ/ Mỗi buổi ra chơi rụng một tờ/ Em cứ nhặt lên và giữ lấy/ Hiểu cả một mùa tôi ngẩn ngơ” và khi “Áo trắng em về” xao xác: “Áo trắng em về hoài không/ Sao bỗng chiều nay thiếu vắng/ Giữa bao màu sắc đám đông/ Tôi nghe bước mình nằng nặng”.

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng có một kiểu dẫn dắt chữ nghĩa mềm mại để làm lưu luyến những tâm hồn bay bổng. Một lần “Trước cổng trường con gái”, anh u hoài “Phong thư cũ niêm mối tình thơ dại/ Tay tôi cầm muốn gỡ ngại tơ vương”, nhưng anh vẫn nhận ra “Đám mây điệu đàng” đáng rộn ràng “Đám mây áo trắng điệu đàng/ Đánh rơi nhan sắc đã tan về trời”.

Viết những câu trầm tư thì nhà thơ Đoàn Vị Thượng bị ảnh hưởng ít nhiều ca từ Trịnh Công Sơn. Còn viết những câu tưng tửng thì nhà thơ Đoàn Vị Thượng lại có nguy cơ lạc vào chất giọng bụi bặm của nhà thơ Bùi Chí Vinh. Mừng thay, trong vệt thơ tưng tửng “Em còn áo trắng hay không/ Cuối năm nhiều đám cưới, lòng anh lo”, nhà thơ Đoàn Vị Thượng có bài “Trước dự định lấy chồng của Nguyên” mang phong cách riêng mình, từ nỗi hốt hoảng “Hơn ba trăm bài thơ phục vụ/ Báo chí ơi! Hãy giúp đỡ lại tôi/ Trước dự định của Nguyên đáng sợ/ Mau tuyên truyền chống lại đi thôi” đến niềm hân hoan “Cả loài người đến xếp hàng ngay/ Diễu hành trước nhà Nguyên bất tận/ Nguyên sẽ ra sân nhìn cảm động/ Giống như nàng công chúa ngày xưa/ Để bất ngờ khi ấy trời mưa/ Bởi tất thảy loài người đều khóc/ Lịch sử sẽ ghi lần thứ nhất/ Cuộc Biểu Tình Nước Mắt phải không/ Khi Nguyên thôi dự định lấy chồng/ Cũng là lúc anh dự trù lấy vợ”.

Ở mảng thơ tình, nhà thơ Đoàn Vị Thượng có thói quen dùng diễn ngôn để bày tỏ những giăng mắc. Giữa những dòng rối rít phân bua và kể lể, nhà thơ Đoàn Vị Thượng cũng kịp lưu lại dăm khoảnh khắc “Gương trong mắt” bồi hồi “Tôi đếm lại đời mình thử cả chục gương/ Vẫn không tránh có một ngày tan vỡ/ Những ánh mắt gắn lông nheo tạm bợ/ Đã vội rơi sau cái chớp tỏ tình”. Anh biết trân trọng lặng lẽ “Hẹn em, tôi đợi lâu rồi/ Kim đồng hồ nhích cả đời tôi theo/ Tôi đâu tiếc một lần yêu/ Tiếc điều hò hẹn là điều vu vơ/ Lòng này khi bớt ngây thơ/ Làm sao chuộc lại những giờ đã qua”, anh biết trách móc vu vơ “Em cười nói như là chim hót/ Thiên nhiên là một chiếc lồng trời/ Sao tôi dại dột đi giăng bẫy/ Rượt bắt em hoài đến hụt hơi” và anh biết an ủi âm thầm “Bỗng nhớ lại mọi điều sao giản dị/ Tôi như em vụng dại đến đau lòng/ Chỉ cần một trong hai người biết nghĩ/ Lúc bấy giờ ta dễ mất nhau không?”.

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng thường xuyên sử dụng thể loại lục bát, phù hợp với cá tính ân cần và khoan dung của anh, kể cả lúc “Tìm em” sốt ruột “Tôi tìm em khắp người ta/ Tìm em lẫn lộn quỷ ma thánh thần/ Tìm em từ độ thanh tân/ Tìm em mê mải vong thân chính mình” hoặc lúc ngơ ngác “Ngã ba, hai người” chơi vơi: “Tưởng đi cuối đất cùng trời/ Đến đây bỗng mở ra lời chia tay/ Ngã ba khắc nghiệt phơi bày/ Còn đâu bóng mát hàng cây ban đầu”. Tuy nhiên, khi anh dùng thể loại thơ ngắn thì giá trị thẩm mỹ rõ nét hơn “Thương con chim mới/ Hót mãi bên hè/ Gã tình nhân mới/ Biết gì mà nghe” (bài “Chim kêu bên nhà người cũ”).

Phần lớn, thơ tình đều vận hành trong hoang mang của trái tim đau khổ. Riêng nhà thơ Đoàn Vị Thượng lại có được những bài thơ tình ấm áp, mà xuôi chuỗi lại thì có thể hình dung một cuộc tình viên mãn. Từ lúc hạnh ngộ “Đôi mắt ai mơ mộng/ Bên cửa một ngôi nhà/ Đâu ngờ như bể rộng/ Tôi đi hoài không qua” đến lúc phải lòng “Cây cao lên chút cho trời xuống/ Hồi hộp, kìa em hát thầm thì/ Điệu hát tháng Giêng hai người hiểu”. Từ lúc “Cầm tay” hẹn hò “Phải đâu tay nắm bình thường/ Khi nào hờn dỗi thì buông dễ dàng/ Khó là ta dắt nhau sang/ Phía bên kia mỗi gian nan đời mình”, đến “Một hôm nằm cạnh bên người” hồi hộp “Làm ơn ôm lấy anh lâu/ Để anh đừng thấy bể dâu bên ngoài/ Làm ơn ôm giữ anh hoài/ Để anh che tiếng thở dài bên trong” và lúc “Mời rượu trăm năm” thề nguyện duyên kiếp ba sinh “Mời em uống cạn chén tình/ Có cay ngọt có nhục vinh dài dài/ Có ngày lạnh nhạt chia hai/ Có đêm nhập một mệt nhoài bên nhau/ Mời em uống trước dè sau/ Hai ta liệu sức qua cầu ngày mai”.

Cuộc sống đời thường không thích chen lấn, không ưa tranh cãi của nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã chi phối cống hiến đời thơ của anh lắm hao hụt, lắm thiệt thòi và lắm nuối tiếc. Tuy nhiên, với những gì để lại, dẫu khiêm tốn thì nhà thơ Đoàn Vị Thượng cũng có một vị trí trong lòng bạn đọc thật an lành: “Tôi soi vào từng con mắt lánh đen/ Từng con mắt, từng tấm gương thần thoại/ Tôi thấy tôi đời hơn, tôi thấy tôi trẻ lại/ Tôi thấy tôi biến hóa trăm lần/ Tham dự vào vô số cuộc hôn nhân/ Của đời sống, của tình yêu nhân loại” (bài “Mắt hồng nhan”).

Bài viết liên quan

Xem thêm
Những trang văn phảng phất mùi thuốc súng
Bài tham luận của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm
Xem thêm
Di cảo thơ Chế Lan Viên: Khi thơ là thuốc, là lời kinh kệ
Chế Lan Viên là người mà sự nghĩ ngợi vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, thơ chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người, và “Có vào nỗi đau mới có ích cho người”.
Xem thêm
Cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến
 Là một nhà báo, nhà thơ mấy chục năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đã sáng tác thành công về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với nhiều tác phẩm: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017), Linh hồn tiếng hú (Thơ, 2020). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tây Nguyên đương đại, một nhà thơ “thứ thiệt”[1] có bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong sáng tác của anh là những tác phẩm viết về rừng, về sinh thái văn hoá và nhân văn.      
Xem thêm
Sức bền của ngòi bút
Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 116, ngày 21/3/2024
Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm
Nguyễn Quang Thiều với ‘Nhật ký người xem đồng hồ’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời
Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.
Xem thêm
Dòng kinh yêu thương
Tháng 8 năm 1969, chương trình Thi văn Về Nguồn góp tiếng trên Đài phát thanh Cần Thơ vừa tròn một tuổi. Nhân dịp nầy, cơ sở xuất bản về Nguồn ấn hành đặc san kỷ niệm. Đặc san tập họp sáng tác của bằng hữu khắp nơi, với các thể loại như thơ, truyện, kịch… và phần ghi nhận sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Tây trong một năm qua. Trong đặc san này, chúng tôi in một sáng tác của nhà thơ Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) viết ngày 24/8/1969, gởi về từ Vị Thanh (Chương Thiện), có tựa đề “Đưa em xuôi thuyền trên kinh Xà No” Hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao nhiêu biến động, ngay cả tác giả bài thơ chắc cũng không còn nhớ. Xin được chép lại trọn bài thơ của anh đã đăng trong Đặc san kỷ niệm Đệ nhất chu niên Chương trình Thi văn Về Nguồn, phát hành vào tháng 8 năm 1969.
Xem thêm
Minh Anh, người đánh thức thế giới
từng chữ từng chữ/ rơi vào từng dòng từng dòng/ chúng chụp lấy những khoảnh khắc/ đẹp não nùng/ không thể rời khỏi con tim/ cách duy nhất để tự nó đừng nở rộ quá mức/ vượt khỏi ký ức của ta/ là hãy viết xuống (Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết).
Xem thêm
Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ Vọng thiên hà của Hoa Mai.
Xem thêm
Con người Chí Phèo
Cái chết của Chí phèo như bản cáo trạng về xã hội thực dân nửa phong kiến thối rữa, nhàu nát, là tiếng kêu oan khốc thấu tận trời xanh của những kiếp người “siêu khổ”.
Xem thêm