TIN TỨC

Nhà văn Vũ Thiên Kiều: Khi tình dâng đầy thì sẽ có tác phẩm

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
996 lượt xem

Tuy đến với bạn đọc cả nước muộn hơn so với một số cây bút nữ cùng thế hệ khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long như Lê Thanh My, Nguyễn Ngọc Tư, Huỳnh Thúy Kiều, Nguyễn Thị Diệp Mai… nhưng Vũ Thiên Kiều đã đi những bước chậm mà chắc, chọn một thái độ bình tĩnh với văn chương, lắng nghe cuộc sống và lắng nghe trái tim mình. Thái độ sống và sự nghiêm cẩn với trang viết đã đem đến cho chị những mùa quả ngọt. Nhân dịp trại sáng tác VNQĐ đang diễn ra tại Cần Thơ, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Vũ Thiên Kiều xung quanh câu chuyện văn chương và cuộc đời.

Nhà thơ Vũ Thiên Kiều

- Trước đây văn giới thường biết đến chị với tư cách người làm thơ, nhưng rồi chị đã xuất hiện chững chạc bằng văn xuôi, từng in truyện ngắn trên Văn nghệ Quân đội, chị nói gì về lối rẽ này?

+ Thật ra tôi không chỉ làm thơ. Tôi viết nhiều thể loại mà, từ phóng sự, xã luận, tản văn đến… truyện ngắn. Tôi cũng đã từng nói rằng việc canh tác trên cánh đồng văn chương, đặng mùa nào thì... gặt mùa nấy thôi. Dù viết văn, làm thơ hay lí luận phê bình... tất cả tùy thuộc vào năng khiếu, đam mê, cảm xúc và trường thế giới quan của người viết. Với câu hỏi này, anh làm tôi nhớ đến truyện ngắn "Chuyện nhà của S... " là truyện ngắn đầu tiên của tôi đã in trên báo Kiên Giang năm 1993, khi ấy tôi mới 19 tuổi. Thế nên, từ người làm thơ rồi đến lối rẽ văn xuôi trên tạp chí Văn nghệ Quân đội bằng truyện ngắn Con nước Rạch Cùng (năm 2015) là một lối rẽ... không hề lạ lẫm. Tuy nhiên việc xuất hiện bằng văn xuôi của tôi có thật sự chững chạc hay không thì cần phải đợi. Thời gian và tác phẩm sau này mới là câu trả lời chính xác nhất.

- Mấy năm rồi chị liên tiếp giành các giải thưởng truyện ngắn ở các cuộc thi uy tín, có lẽ chị cũng phải có một quá trình tích lũy và trải nghiệm để đến mùa thu trái ngọt?

+ Việc giành giải thưởng truyện ngắn ở các cuộc thi ngoài yếu tố may mắn thì đúng như anh nói. Đó quả là một quá trình tích lũy và trải nghiệm. Bởi viết khó lắm. Mỗi chi tiết trong đời sống này đã được hàng ngàn nhà văn khai thác và sử dụng. Là những người viết sau, mọi thứ đều phải mang một motif mới. Đảm bảo 3 phải: Phải hay - Phải lạ - Phải độc. Một tác phẩm dự thi không chỉ phải đối mặt với... Ban giám khảo. Mà nó còn phải đối mặt với rộng rãi bạn đọc và dư luận khi nó may mắn đoạt được giải thưởng. Lúc này nếu đứa con tinh thần của mình không thật sự đẹp và khỏe mạnh thì sẽ mềm oặt tả tơi trong gió bão dư luận. Bạn đọc tinh lắm. Từng câu chữ sẽ đối diện với ống kính hiển vi hiện đại bậc nhất. Mặt khác, trái cây chỉ ngọt thơm khi thật sự chín. Do đó, mỗi khi viết truyện tôi đều cấu tạo cho truyện đó một khung sườn thật chắc chắn rồi mới trang điểm đến làn da mái tóc ánh mắt của câu chuyện. Và phải cực kì chú ý đến thể lệ cuộc thi để không... lạc đề hoặc phạm quy. Rồi vận dụng nội công (kĩ năng viết) của các bậc tiền bối. Riêng tôi lại đặc biệt kết con số 9. Cuộc thi truyện ngắn mini của Trung tâm Casara giới hạn số chữ là 500 thì tôi gởi 4 truyện đều chốt hạ mỗi truyện 499 chữ. Cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ 2015-2017, tôi gởi 9 truyện được đăng 7 truyện và truyện nào cũng phải đúng 4999 chữ. Vui vậy thôi, chứ một tác phẩm hay đoạt giải thưởng phải bao hàm nhiều tiêu chuẩn lắm lắm.

Vũ Thiên Kiều nhận tặng thưởng của Tạp chí Nhà văn năm 2012. Ảnh: NVCC

- Mỗi người viết thường có những vùng miền sáng tạo của riêng mình, với chị vùng miền đó có phải là những gì gắn với vùng đất chị sinh sống? Chị có lo đến một ngày nào đó sẽ “cạn vốn”?

+ Đúng vậy! Viết về vùng đất mình đã và đang sống chính là một sự tri ân của nhà văn. Những vùng đất như ngôi nhà của bạn. Chìa khóa ngôi nhà cũng trong tay bạn. Chỉ có bạn mới sáng tạo một cách đặc sắc nhất về ngôi nhà thân thương này. Bởi với vùng đất đã dung dưỡng mình lớn khôn, không chỉ công, mà đó là tình. Khi tình dâng đầy thì sẽ có tác phẩm. Nếu không có tình với quê hương xứ sở thì tác phẩm bạn viết hẳn nhiên sẽ rất phô. Về chuyện này tôi đã được nghe nhiều bạn bè hỏi sao tôi không di cư về Thành phố hoặc Thủ đô để sống vì điều kiện “đi” của tôi khá tốt và an toàn. Nhưng tôi thấy trong nhịp sống mới, những người dân ở Hòn Đất - Kiên Giang (quê hương thứ hai của tôi) họ rất giỏi và siêng năng. Họ là những họa sĩ thực thụ trên mảnh đất nghèo khó anh hùng này, với bàn tay và khối óc của họ rất nhiều bức tranh ruộng vườn, ao cá vuông tôm, nhà máy, công ty... thật sinh động hiện ra. Và tôi, người đã và đang là nông dân, công nhân trên mảnh đất này có chút ít nghề viết thì ắt hẳn sẽ ghi lại lời những bức tranh cuộc sống ấy một cách sát thực và mĩ miều hơn. Nên tôi tự nhận về mình trách nhiệm lưu vào văn những bức tranh về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ấy. Thế nên, nếu để hoàn thành trách nhiệm thì anh nghĩ xem, liệu tôi có “cạn vốn”!

- Vâng! Nếu biết lắng nghe thì mỗi người viết sẽ không đi hết cuộc sống dài rộng ngoài kia. Truyện ngắn “Người đàn bà tô son” đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Web Trẻ thơ của chị viết về một phụ nữ góa chồng làm nghề ngủ thuê trong quan tài để hàng dễ bán, được kể qua ngôi người mẹ chồng. Đó là một nghề có thật ở nơi chị sống hay một nghề sáng tạo? Chị quan niệm thế nào về mối liên hệ qua lại giữa đời sống và trang viết?

+ Tôi sống ở một vùng quê, có những hiện thực mà những người ở thành phố không thể tưởng tượng được đâu. Kề cận với nỗi khổ, nỗi bất hạnh của mọi người, một người cầm bút như tôi không thể cầm lòng. Đã từng có một người mẹ ở Cà Mau tự tử vì muốn dành tiền phúng điếu đám tang mình cho con đóng tiền học phí. Tự tử, đó là một khắc yếu lòng rồi “chết” thật, nhưng ngủ trong quan tài là một đêm trường đối diện với “cái chết” giả như thật, hỏi điều đó khủng khiếp đến mức nào. Mỗi một tác phẩm truyện ngắn của tôi đều có nguyên mẫu nhân vật, có những chuyện tôi vừa viết vừa khóc, thương lắm những nhân vật của tôi. Bởi tôi nghĩ họ khổ, họ bất hạnh đến thế là cùng. Với tôi, đời sống luôn có mối quan hệ biện chứng với trang viết. Giải thích kiểu triết học xíu: Từ hiện thực đời sống qua lăng kính của nhà văn sẽ chảy trên trang viết. Rồi từ trang viết sẽ tác động đến đời sống, minh chứng là có nhiều tác phẩm đã lay động lòng người, làm cho người ta không còn vô cảm, sửa chữa nết xấu, sống với nhau tử tế, chân thành hơn…

Vũ Thiên Kiều nhận Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn do Web Trẻ thơ tổ chức năm 2018. Ảnh: TL

- Hội nghị viết văn trẻ vừa rồi có một chủ đề trao đổi dành cho những người trẻ khá thú vị “Vì sao chúng ta viết?”. Đồng hành cùng chữ nghĩa đã lâu, và tuy không còn trẻ nhưng chắc hẳn chị cũng từng có những tự vấn về điều này ở những năm tháng chạm ngõ văn chương?

+ Dự Hội nghị viết văn trẻ cũng là điều vinh hạnh cho những cây viết trẻ. Tiếc là khi trở lại với văn chương tuổi tôi đã hút “trẻ” rồi. Cũng may, mạng xã hội rộn rã nên tôi cùng nhiều nhà văn khác đã được “dự” Hội nghị đủ đầy. Tôi rất thú vị với phát biểu của các bạn trẻ về “Vì sao chúng ta viết?”. Tôi nhớ lại những bài văn làm thời phổ thông bao giờ cũng có những câu như kiểu: “Lớn lên em sẽ trở thành công dân có ích, sẽ cống hiến công sức nhỏ bé của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam tươi đẹp”. Lúc trưởng thành tôi lại thấy mỗi người chỉ cần sống tốt, làm thật tốt lĩnh vực mình phụ trách cũng đã là đóng góp tích cực cho cuộc sống này rồi. Khi trở thành nhà văn thì sự ám ảnh với tôi là “viết gì” và viết như thế nào.

- Có người viết coi văn chương là lẽ sống nhưng cũng có người coi văn chương như một cuộc chơi, còn chị, văn chương đối với chị có ý nghĩa thế nào?

+ Ồ! Viết văn là một công việc nghiêm túc chứ. Có thể anh thấy tôi ở bề nổi là một người phụ nữ, cũng tròn trịa chuyện mưu sinh, nhà cửa, cơm nước, con cái… nhưng bề chìm là một đam mê viết đến vô cùng, và tôi chỉ mong sao có đủ thời gian để dành cho niềm đam mê ấy.

- Có vẻ như chị rất có duyên với các giải thưởng, với Văn nghệ Quân đội, chị từng đoạt Giải Nhì, không có Giải Nhất cuộc thi thơ lục bát. Giải thưởng ấy có ý nghĩa thế nào với chị?

+ Sau hơn 10 năm trở lại với văn chương, bằng sự đam mê và nỗ lực viết, tôi đã được nhận một số giải thưởng, nhưng riêng giải cuộc thi thơ lục bát của VNQĐ với tôi là một giải thưởng trang trọng, uy tín, lại là giải thưởng đầu đời của một nhà thơ “trẻ” nên tôi rất xúc động. Tham dự cuộc thi thơ năm 2010-2011, rồi được mời đi dự trại sáng tác, tôi thấy VNQĐ rất nâng niu các cây viết trẻ. Mỗi trại đều có các nhà văn, nhà thơ thành danh và cả các tác giả trẻ. Việc gặp gỡ giao lưu giữa các thế hệ nhà văn ở trại sáng tác, rồi đi thực tế ở các vùng miền sẽ giúp cho các cây viết trẻ nhận thức nhiều điều mới mẻ và học được nhiều kinh nghiệm viết.

- Hiện tại, cuộc thi thơ VNQĐ cũng đang diễn ra. Chị có đọc thơ dự thi của các tác giả không? Chị ấn tượng với tác giả dự thi nào lần này?

+ Tháng 6 năm 2022, trại sáng tác Văn nghệ Quân đội "đóng quân" tại Quân khu 9, Cần Thơ. Tôi cũng vinh dự được tham dự trại với tư cách khách mời. Tại trại sáng tác, tôi đã gặp các nhà thơ đang có thơ dự thi như: Trang Thanh, Lê Thanh My, Nguyễn Thanh Hải, Võ Văn Luyến, Huỳnh Thúy Kiều, Vũ Ngọc Thư, Phùng Thị Hương Ly, Lê Thúy Bắc... Qua đọc các chùm thơ dự thi của các tác giả, tôi nghĩ Ban Giám khảo lần này sẽ phải trao nhiều giải nhất, giải nhì đấy (cười)

- Người ta nói nhiều về văn chương sinh thái, còn chị, ngoài viết văn chị còn gây dựng một vườn cò mang tên vợ chồng mình như một địa chỉ sinh thái với du khách khi về Kiên Giang, cũng là điểm dừng chân của nhiều văn nghệ sĩ khi về miền Tây. Chị có nghĩ đó sẽ là cảm hứng cho một tác phẩm dài hơi nào đó của mình?

+ Bắt nhịp với sự phát triển khoa học công nghệ, văn chương cũng… phát triển. Rồi hiện thực đời sống thay đổi đến chóng mặt, người ta bỗng giật mình và quay quắt mơ về miền sinh thái ngày xưa. Tôi không hoài niệm mơ mộng mà tôi lặng lẽ thực hiện. Lộ trình thực hiện của tôi đã hơn 20 năm rồi. Năm đầu mua và gầy dựng một héc ta đất, năm thứ hai, thứ ba thêm vài héc ta… Cứ thế, trải qua thời gian và dày công xây dựng, vun xới gìn giữ, Khu sinh thái vườn cò Thanh Kiều ở xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang hiện nay chính là tác phẩm “dài hơi” của vợ chồng tôi. Về các giải pháp để bảo vệ sinh thái, xây dựng vườn sinh thái tôi đã tận lực… tôi cũng tạm hài lòng với “tác phẩm xanh này”. Tuy nhiên, quá trình gầy dựng đã qua gặp muôn vàn chông gai và nhiêu khê, sau này tôi cứ bưng cái chông gai, nhiêu khê ấy vào văn của mình thì sẽ được tác phẩm mà bạn đọc không thể đọc “hơi ngắn” mà xong đâu. Điều tôi vui mừng là “tác phẩm xanh” rộng gần 30 ha với đầy đủ hệ sinh thái, nào cây lá chằng chịt rợp mát, tiếng chim, cò, rồi cá, rắn, lươn… ríu rít nhộn nhịp mỗi ngày đã đem đến cảm hứng cho rất nhiều các văn nghệ sĩ sáng tác. Thực tế, đã có nhiều đoàn nhà văn, họa sĩ, nhiếp ảnh… đến sáng tác tại Khu sinh thái Vườn cò Thanh Kiều.

 

- Hòn Đất, Kiên Giang nơi chị sinh sống từ thơ bé là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và cũng là mảnh đất đã đi vào văn chương với nhân vật chị Sứ từ nguyên mẫu nữ anh hùng Phan Thị Ràng. Chị có khát vọng kế tục các nhà văn đi trước khi viết về vùng đất này?

+ Huyện Hòn Đất quê tôi thời chiến tranh đã đi vào văn chương rồi nổi tiếng trong cả nước qua tác phẩm Hòn Đất với nhân vật chị Sứ của nhà văn Anh Đức. Tôi không có khát vọng viết để nổi tiếng như các bậc tiền bối, bởi tôi biết khả năng mình đến đâu mà. Nhưng tôi tự hứa sẽ cố gắng làm tròn trách nhiệm của một nhà văn đối với vùng đất đã dày công dung dưỡng mình bao năm. Và trách nhiệm ấy phải được thể hiện bằng tác phẩm để bạn đọc có thể biết tiếp về Hòn Đất, Kiên Giang với những thăng trầm trong thời kì xây dựng và phát triển.

- Cám ơn chị đã chia sẻ!

Vũ Thiên Kiều sinh năm 1974 tại Quỳnh Phụ, Thái Bình. Năm 8 tuổi chị vào Nam sinh sống, học tập, trưởng thành và định cư tại Kiên Giang. Hiện chị làm việc tại Ban Dân vận huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. 

Vũ Thiên Kiều đã xuất bản các tác phẩm: Khát (tập thơ, Nxb Công an nhân dân, năm 2010), Đất, nước và tình thơ (tập thơ, Nxb Công an nhân dân, năm 2011), Đốt miền tĩnh lặng (tập thơ, Nxb Công an nhân dân, năm 2011), Đói những ngọn môi (tập thơ, Nxb Hội nhà văn, năm 2014).

Chị từng giành Giải Nhì (không giải nhất) cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ Quân đội và tạp chí Sông Hương phối hợp tổ chức, năm 2010-2011; Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn "Cầu vồng sáu sắc" do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức, năm 2013; Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ, năm 2015-2017; Giải nhất Truyện ngắn hay do Web Trẻ thơ tổ chức, năm 2018. 

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm
Đặng Phúc Minh - Một tấm lòng phụng sự vì sự phát triển của cộng đồng
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, đã nghỉ hưu, nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh.
Xem thêm
Nhà thơ Hoàng Cầm – Mưa dần xanh lại lá diêu bông
Khi thực hiện bộ phim tài liệu chân dung Bên kia sông Đuống - cái nhìn về cuộc chiến tranh năm 2001 cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm tại căn nhà nhỏ của ông trên một con phố thủ đô Hà Nội. Tại sao lại chọn bài thơ Bên kia sông Đuống? Tôi cũng không rõ ai là người đầu tiên gợi ra tên phim từ một bài thơ của Hoàng Cầm, nhưng cái vế “cái nhìn về một cuộc chiến tranh” đã khiến anh em làm phim phải rất vất vả giải thích và bản thân tôi đã có được bài học sâu sắc cho riêng mình. Chẳng hiểu tại sao, đã bước sang thế kỷ mới, mà cái tên Hoàng Cầm và các tác phẩm của ông vẫn luôn phải chịu nhiều soi xét.
Xem thêm
Vị tướng của lòng dân
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP
Xem thêm
Nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai – Người tạo được “giang sơn” không cho riêng mình
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã định vị trong lòng công chúng với nhiều ca khúc nổi tiếng. Và trong số đó, không ít ca khúc được chị phổ nhạc cho thơ. Thơ của chị, thơ của nhiều nhà thơ. Đam mê nghệ thuật của chị không giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc mà được mở rộng sang lĩnh vực thi ca. Với 6 tập thơ đến với bạn đọc, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã âm thầm, góp thêm cho đời sống văn chương những sáng tạo của mình để công chúng tham khảo, khám phá và cũng có thể hòa điệu tâm hồn.
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm