- Góc nhìn văn học
- Nhân vật lịch sử và những biên độ sáng tạo sau Đổi mới
Nhân vật lịch sử và những biên độ sáng tạo sau Đổi mới
NGUYỄN VĂN HÙNG
Khi trò chuyện về nghệ thuật tiểu thuyết, Milan Kundera đã “hé lộ” bốn nguyên lí tiếp cận, xử lí lịch sử được ông sử dụng trong sáng tác của mình. Không phải ngẫu nhiên, ông đã dành hai trong số bốn nguyên lí ấy để bàn về nhân vật, đó là nguyên lí thứ hai: tạo tình huống hiện sinh tiêu biểu, mới mẻ cho nhân vật tiểu thuyết và nguyên lí thứ tư: lịch sử của con người chứ không phải là lịch sử của xã hội. Từ những trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu, ông đã lí giải cơ sở hình thành những nguyên lí ấy từ việc người cầm bút “nhìn nhận ở một tình thế lịch sử một khả năng chưa từng có và tiêu biểu của thế giới con người” (1). Như vậy, theo quan niệm của M.Kundera, lịch sử và con người trong quá khứ là các thực thể khả biến, “chưa từng xảy ra hoặc có khả năng xảy ra”, luôn vận động và “mở” cho những diễn giải đa dạng về nó.
Từ góc nhìn của chủ thể sáng tạo, giờ đây văn học không chỉ là tiếng nói chung của dân tộc và thời đại, mà trước hết là phát ngôn của mỗi cá nhân nghệ sĩ, là phương tiện tự biểu hiện bao gồm cả việc phát biểu tư tưởng, quan niệm, chính kiến của nhà văn về các vấn đề hôm qua và hôm nay. Nhà văn có quyền bày tỏ công khai sự thức nhận bằng kinh nghiệm, hiểu biết của mình trước những chân lí tưởng như bất di bất dịch, nghi ngờ những tín điều, giải thiêng các thần tượng, đề xuất những chuẩn mực, nguyên tắc mới trong việc tiếp cận, giải mã hiện thực và con người… Trong đó, cảm quan và ý hướng về nhân vật giữ một vai trò quan trọng trong ý thức nghệ thuật và mô thức tự sự lịch sử của người cầm bút. Bởi suy cho cùng, nhân vật là nơi thử thách và cũng là nơi khẳng định rõ nhất bản lĩnh, tài năng, phong cách, cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn. Và đó cũng là một trong những bình diện thể hiện sinh động nhất giới hạn trong biên độ sáng tạo, hư cấu, tưởng tượng của người nghệ sĩ.
1. Nhân vật lịch sử - câu chuyện không mới nhưng luôn “nóng” trên văn đàn Việt
Nhân vật và những biên độ, giới hạn sáng tạo, hư cấu vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà văn viết về đề tài lịch sử, là tâm điểm trong các cuộc trao đổi, tranh luận của cộng đồng. Tính từ thời điểm Nguyễn Huy Thiệp “đại náo làng văn” với bộ ba truyện ngắn lấy chất liệu thời Quang Trung, Gia Long (Kiếm sắc, Phẩm tiết, Vàng lửa) đến nay đã gần ba mươi năm (1988 - 2016), nhưng những vấn đề ông đặt ra từ tác phẩm của mình vẫn chưa có hồi kết. Trong những vấn đề ấy, việc xây dựng hình tượng nhân vật Quang Trung (Phẩm tiết) được nhắc đến nhiều nhất trong các cuộc tranh luận, trao đổi của giới nghiên cứu, phê bình và đông đảo công chúng. Gần như cùng với thời điểm này, sự xuất hiện của Yveline Feray và bộ đôi Vạn Xuân, Lãn Ông lại càng hâm nóng văn đàn vốn đang dậy sóng sau “cơn địa chấn” Nguyễn Huy Thiệp. Một lần nữa, câu chuyện nhân vật lại được nhắc tới khi bàn về văn xuôi hư cấu lịch sử. Trong tiểu thuyết Vạn Xuân, nữ văn sĩ người Pháp với tư tưởng tự do, cái nhìn dân chủ, bình đẳng của phương Tây đã đưa hai vĩ nhân Lê Lợi và Nguyễn Trãi trở lại chiều kích con người bằng việc khai thác đời sống tính dục của Nguyễn Trãi và lối sống có phần bản năng, thô tục của Lê Lợi.
Mặc dù có những điều cần phải trao đổi, tranh luận với Nguyễn Huy Thiệp và Yveline Feray về cách thức tiếp cận và xây dựng nhân vật, song công bằng mà nói, tác phẩm của họ phần nào đã ảnh hưởng đến quan niệm, cảm thức và lối viết về lịch sử của các nhà văn Việt Nam, cũng như cách nhìn và tâm thế thụ hưởng lịch sử của cộng đồng độc giả lúc bấy giờ.
Sau sự xuất hiện đầy bão táp của Nguyễn Huy Thiệp và Yveline Feray, văn đàn Việt Nam (chính thống và phi chính thống) tiếp tục chứng kiến những tác phẩm gây bão: Mùa mưa gai sắc, Gia phả (Trần Vũ), Trở về Lệ Chi viên (Nguyễn Thúy Ái), Hội thề (Nguyễn Quang Thân)… Trung tâm cơn bão vẫn là những tranh cãi về biên độ hư cấu nhân vật lịch sử. Sự nỗ lực làm mới, làm khác trong việc tiếp cận, xử lí chất liệu là điều cần khuyến khích trong các sáng tạo về lịch sử, song đôi khi sự “tùy tiện”, “phóng tay”, “phá phách” quá đà đã khiến nhiều nhân vật lịch sử (Quang Trung, Trần Thủ Độ, Nguyễn Trãi, Thị Lộ) trong truyện ngắn của Trần Vũ và Trần Thúy Ái bị méo mó, văn chương về lịch sử mất đi giá trị nhân bản và tính chân thực của nó. Còn với Hội thề, bên cạnh ý hướng “giải minh lịch sử” đáng ghi nhận, Nguyễn Quang Thân vẫn chưa thật sự thuyết phục người đọc bởi cái nhìn cùng cách thức xây dựng nhân vật Nguyễn Trãi và các tướng lĩnh Lam Sơn có phần chưa tương xứng với tư thế, tầm vóc nhân vật, với bản chất, tinh thần thời đại.
2. Nhân vật lịch sử và những biên độ sáng tạo
Viết về quá khứ đã qua, công việc của tiểu thuyết gia là làm sống lại lịch sử bằng việc khám phá, phân tích những bí ẩn, khuất lấp của lịch sử, lí giải lịch sử từ số phận cá nhân và tìm ra sợi dây nối kết các vấn đề từ quá khứ tới đời sống hiện tại. Khi ý thức người nghệ sĩ được khai phóng, nảy sinh nhu cầu hình dung và thụ hưởng lịch sử theo cách thế riêng của mình, dẫn đến vị thế và kinh nghiệm của mỗi cá nhân được đặt ngang bằng với kinh nghiệm và kí ức cộng đồng. Nhà văn có nhu cầu nhận thức lại lịch sử, giải mã những góc khuất, lấp đầy những khoảng trống, khoảng trắng, hoài nghi chân lí bằng điểm nhìn văn hóa, triết học lịch sử và tinh thần nhân văn hiện đại.
Một số tiểu thuyết lịch sử của các nhà văn Việt Nam
|
Thay vì khẳng định, tuyệt đối hóa lịch sử, người ta có thể đặt ra những giả thuyết, những khả năng có thể xảy ra, những con đường mà lịch sử có thể diễn tiến. Lịch sử không thể lặp lại nhưng con người hoàn toàn có thể “bắt” lịch sử tái diễn trên nhiều con đường khác nhau, từ đó tìm cho mình và cộng đồng những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Và từ đó, với tư cách là thành tố quan trọng trong ý thức, tư duy nghệ thuật của nhà văn, nhân vật được mở rộng về biên độ hư cấu.
Các sáng tác về đề tài lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Quang Thân, Trần Thu Hằng, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Thái Bá Lợi, Uông Triều, Phùng Văn Khai, Lưu Sơn Minh… đều thể hiện tinh thần nhận thức lại lịch sử với mong muốn nhận chân các giá trị quá khứ một cách sâu sắc và toàn vẹn, nối kết với thực tại hôm nay để suy tưởng về tương lai. Cái nhìn về lịch sử của nhà văn giai đoạn này mang màu sắc và kinh nghiệm cá nhân rõ nét. Các tiểu thuyết gia thiên về luận giải, phân tích, đối thoại hơn là mô tả, minh họa lịch sử. Sự diễn giải ấy bao chứa quan niệm mới về diễn ngôn lịch sử. Không có một thứ chân lí lịch sử duy nhất, không có một diễn ngôn thống trị, trung tâm, mà chỉ có lịch sử trong cảm nhận, hình dung chủ quan của cá nhân nhà văn, và sự tồn tại đa dạng, bình đẳng của các diễn ngôn về lịch sử. Từ đây mở ra chân trời mới cho những tưởng tượng và diễn giải lịch sử, làm xuất hiện nhiều loại hình nhân vật, cùng với đó là nhiều khuynh hướng, lối viết độc đáo, mới lạ.
Ngoài những suy tư, trăn trở về số phận con người trong các cuộc biến thiên lịch sử, các nhà văn còn “giải lịch sử”, soi rọi nhân vật dưới các góc độ như khát vọng tự do và tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình, giải phóng bản năng, bi kịch tâm hồn, thân phận con người... Những chủ đề mang tính nhân bản có tầm phổ quát này đã kiến tạo nên loại hình nhân vật đời tư - thế sự - nhân văn, đem lại sức ám ảnh khôn nguôi cho nhiều tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn này: Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Nguyễn Du (Nguyễn Thế Quang), Đất trời, Gió lửa (Nam Dao), Sương mù tháng giêng (Uông Triều), Trần Khánh Dư (Lưu Sơn Minh), Thị Lộ chính danh (Võ Khắc Nghiêm)…
Lịch sử lúc này trở nên thật gần gũi, đời thường khi mang gương mặt của khát vọng tự do và tình yêu đôi lứa. Cả Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Nguyễn Thế Quang đều dùng tự do làm “nốt nhấn” trong cấu trúc nhân cách của các vĩ nhân. Với những con người “khổng lồ” như Hồ Quý Ly (Hồ Quý Ly), Lê Lợi, Nguyễn Trãi (Đất trời), Quang Trung (Sông Côn mùa lũ), Nguyễn Du (Nguyễn Du), khát vọng đó đã thành bão tố rung chuyển cả thời đại. Dẫu biết cái giá phải trả không hề nhỏ của cuộc canh tân đất nước, Hồ Quý Ly dám chấp nhận trả giá, vượt lên căn bệnh “ngu trung” của thời đại để cứu Đại Việt khỏi bờ vực của sự khủng hoảng. Quang Trung không tự trói mình trong đám thư thi lễ nghĩa của tầng lớp hủ nho hết thời, chấp nhận hành động “tàn nhẫn”, “có tội” với gia đình và dòng tộc để làm những điều mà với ông là cần thiết cho vận mệnh dân tộc. Còn Nguyễn Du sẵn sàng đối diện với quyền uy, chủ động đón nhận bi kịch “tha nhân” để truy tìm giá trị đích thực của tự do, sáng tạo. Và Nguyễn Trãi dám đặt cọc bằng máu và sinh mệnh của dòng tộc để bảo vệ cho tư tưởng nhân nghĩa, thân dân của mình. Dẫu thất bại, mang tiếng xấu muôn đời như Hồ Quý Ly hay gặt hái vinh quang, để lại tiếng thơm muôn thuở như Quang Trung, hoặc chịu bi kịch tru di tam tộc như Nguyễn Trãi, song họ đều là những nhân cách lớn, lớn trước hết ở khả năng dám là mình, dám dấn thân và chịu trách nhiệm về những gì mình làm.
Chủ đề tình yêu có một sức hút kì diệu. Từ sâu thẳm tính người, nhân loại khi đi tìm ý nghĩa đích thực của đời sống đều gặp nhau ở điểm hẹn tình yêu. Trong Sương mù tháng giêng (Uông Triều), bên cạnh mạch chảy cuồn cuộn của những chuyển vần lịch sử, là dòng chảy âm thầm, ám ảnh và bất diệt của tiếng gọi tình yêu, khát vọng bản năng, dục vọng quyền lực, hữu hạn của kiếp nhân sinh. Vị tướng tài Trần Khánh Dư, với những chiến công oanh liệt góp phần xoay chuyển tình thế cuộc chiến suốt một đời ám ảnh về mối tình oan nghiệt của mình với công chúa Thiên Thụy. Phạm Nhan gian xảo, mất hết tính người, trong sâu thẳm nhân tính của mình lại day dứt về mối tình đầu ngây dại với Nhiên, thảng thốt, yếu mềm trước tiếng gọi vô hình của cội nguồn kí ức. Trong Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), người anh hùng đánh Nam dẹp Bắc, bách chiến bách thắng Nguyễn Huệ luôn ân hận về mối tình đầu ngây dại với An. Tình yêu trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly lại là phép thử để Nguyễn Xuân Khánh phát hiện ra phần tự nhiên, thành thật, thầm kín nhất trong mỗi con người, kể cả với Hồ Quý Ly, một khối ý chí khổng lồ, một bản lĩnh phi thường. Với Trần Khánh Dư trong tiểu thuyết cùng tên của Lưu Sơn Minh, mối tình định mệnh, trớ trêu với Thiên Thụy như một vết hằn trong cuộc đời sóng gió của ông ngay cả khi đức cao vọng trọng đến lúc sa cơ lỡ vận, để lại những cơn bão lòng không nguôi cho đến tận cuối đời.
Nếu như nhân vật của tiểu thuyết lịch sử những giai đoạn trước còn khá đơn giản trong tính cách, nhất phiến trong tư tưởng, chân dung chủ yếu được khắc họa bằng hành động và lời nói thì nhân vật giai đoạn này được nhìn nhận ở tính đa trị, lưỡng diện, nhiều chiều. Nhà văn đã đặt các nhân vật trong vô vàn mối quan hệ đời thường, để nhân vật đối thoại với chính mình, xoáy sâu vào phần khuất lấp và bi kịch nội tâm, nơi có sự giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối, phi thường và đời thường, khát vọng và dục vọng, hữu thức và vô thức, nhằm tìm ra “tiếng nói tối hậu về con người”. Những vùng mờ trong cuộc đời, những gai góc trong tính cách, những khuất lấp trong nhân tính, những bí ẩn trong tâm hồn, những đa đoan trong số phận và bi kịch của Nguyễn Huệ (Sông Côn mùa lũ, Gió lửa), Lê Lợi (Đất trời, Hội thề), Nguyễn Trãi (Oan khuất, Hội thề), Hồ Quý Ly (Hồ Quý Ly), Trần Khánh Dư (Sương mù tháng giêng, Trần Khánh Dư)… được các nhà văn luận giải sâu sắc, chân thực. Suy cho cùng, dẫu là các nhân vật lịch sử, các vĩ nhân, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, huyền thoại tôn giáo, có công hay có tội, thì trước tiên họ cũng là con người, mà đã là con người, tất cả luôn bị tác động bởi muôn vàn mối quan hệ phức tạp, bị bủa vây bởi những giới hạn thường tình của kiếp nhân sinh. Lịch sử lúc này được soi rọi từ chiều sâu thế giới nội tâm nhân vật, được khám phá ở từng trạng huống hiện sinh, và kết tinh trong mỗi số phận, bi kịch cá nhân trong dòng xoáy của lịch sử: bi kịch của dục vọng và ý chí quyền lực, bi kịch cô đơn, bi kịch bị lựa chọn, bi kịch đánh mất bản thể…
3. Nhân vật lịch sử: một mẫu hình nhiều “phiên bản”
Sự mở rộng biên độ hư cấu lịch sử cho phép các nhà văn lựa chọn tái hiện cùng một giai đoạn, một thời điểm lịch sử, lấy cảm hứng từ một nguyên mẫu chung, lại có thể có những cách tiếp cận, cái nhìn, sự luận giải và lối viết khác biệt. Những nhân vật lịch sử như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Thị Lộ, Quang Trung, Trần Thủ Độ, Trần Nhân Tông, Trần Khánh Dư, Hồ Quý Ly… tưởng chừng đã “đóng đinh” trong kinh nghiệm, hiểu biết của cộng đồng, nay một lần nữa được sống trong nhiều cuộc đời với những dáng vẻ, tính cách, số phận, bi kịch khác nhau.
Chọn Nguyễn Trãi là nhân vật trung tâm trong sáng tác của mình, Nam Dao, Nguyễn Quang Thân, Bùi Anh Tấn, Hoàng Công Khanh… đã có những khám phá mới mẻ và tinh tế về vĩ nhân này. Nếu như trong Hội thề, Nguyễn Quang Thân khía sâu vào bi kịch cô đơn, lạc loài của Nguyễn Trãi trong thân phận “nửa quan nửa tù”, giữa đám quần thần tướng lĩnh của một triều đại đang bắt đầu sửa soạn ngôi thứ thì trong Đất trời, Nam Dao lại khai thác ở vị Thái Sơn Bắc Đẩu của làng Nho Việt này những phương diện nhân bản nhất của một con người: con người đời tư và con người tính dục. Ở một diễn giải khác, Bùi Anh Tấn trong Oan khuất lại khắc họa nên bức chân dung tinh thần của Nguyễn Trãi từ khi sinh ra với số kiếp trời định, với những biến cố, bước ngoặt lớn lao trong sự nghiệp và cuối cùng là nỗi oan ức, bi thương của số phận. Còn Hoàng Công Khanh trong Vằng vặc sao Khuê, bằng cảm thức ngợi ca, khẳng định, đã tái hiện Nguyễn Trãi với vẻ đẹp bi tráng trong những khoảng khắc lịch sử vinh quang của dân tộc.
Bên cạnh Nguyễn Trãi, Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng là một trong những nhân vật lịch sử được nhiều tiểu thuyết gia lựa chọn phục dựng. Để lí giải xung đột trong đời sống chính trị và tâm thức người Việt, tìm ra mẫu hình văn hóa chung, Nam Dao trong Gió lửa khám phá Nguyễn Huệ trong mối xung đột cá nhân và xã hội, dưới áp chế của quyền lực, và gắn với hành trình truy tìm những giá trị vĩnh hằng của tự do, dân chủ. Còn với Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác đặt Nguyễn Huệ trong những mối quan hệ phức tạp và khám phá người anh hùng này ở khía cạnh đời thường nhất, để thấy ông là người nặng ân tình và cũng bị những giới hạn thường tình bủa vây. Với cảm thức chiêm bái, ngưỡng vọng, Nguyễn Thu Hiền trong Hoàng đế Quang Trung, Lê Đình Danh trong Tây Sơn bi hùng truyện đã phác họa sự nghiệp vinh hiển cùng những chiến công oanh liệt của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ trong sự nghiệp thống nhất và bảo vệ đất nước.
Là một tướng lĩnh có tài, một người nhạy cảm, có khả năng tiên liệu được các khả năng của địch, Trần Khánh Dư đã góp công không nhỏ trong chiến thắng thần thánh của dân tộc trước quân xâm lược đến từ phương Bắc. Tài năng, công lao là thế nhưng nhân vật này lại chịu không ít điều tiếng trong sử sách. Chọn Trần Khánh Dư là nhân vật trung tâm, xuyên suốt trong tác phẩm của mình, Uông Triều trong Sương mù tháng giêng và Lưu Sơn Minh trong Trần Khánh Dư đã có lí khi nhận thấy sự gai góc, chất chứa nhiều mâu thuẫn trong tính cách của nhân vật này.
Uông Triều đã khám phá những góc khuất trong tâm hồn, những khát khao thầm kín, thành thực, rất đời, rất người của một trong những nhân vật phức tạp bậc nhất trong lịch sử. Trở thành kẻ tội đồ vì gian dâm với công chúa Thiên Thụy (vợ của Quốc Nghiễm, con dâu cả của Trần Quốc Tuấn), ông phải trả cái giá quá đắt: trận đòn nhục nhã thừa sống thiếu chết, cách hết quan tước, tịch thu tài sản, tiếng nhơ muôn đời khó gột rửa. Chấp nhận tất cả để được sống với chính cảm xúc của mình, Khánh Dư hiện lên như một con người của dục vọng, sẵn sàng quên trời quên đất, quên phép tắc, định kiến khắc nghiệt, sống hiện sinh, hết mình hưởng lạc với phút giây hiện tại. Mối tình oan nghiệt với Thiên Thụy không đơn thuần chỉ là tiếng gọi của thể xác, dục vọng nguyên sơ mà nó còn trở thành sự nuối tiếc, nỗi day dứt, niềm khát vọng suốt một đời không thỏa của ông.
Lưu Sơn Minh trong tiểu thuyết Trần Khánh Dư đã dũng cảm vượt qua những định kiến, những tín điều bất di bất dịch về Trần Khánh Dư được “đóng đinh” trong sử sách bằng những kiến giải mới. Nhà văn đã khám phá, luận giải chân thực, sâu sắc tính cách đa chiều, phức tạp của nhân vật: vị tướng tài ba, dũng cảm, mưu lược góp công lớn trong cuộc chiến chống quân Nguyên xâm lược; “ông trùm” cai quản thương cảng Vân Đồn đầy vụ lợi và nhiều thói tật; vị vương gia kiêu hãnh, ngang tàng, ngỗ ngược trong dòng họ Đông A trứ danh; người đàn ông đa tình, liều lĩnh trong tình yêu với Thiên Thụy. Đặt nhân vật trong vô vàn mối quan hệ là cách Lưu Sơn Minh khai thác tấn bi kịch “sinh lạc nhà, sống lạc thời, và yêu lạc người” của Trần Khánh Dư. Nhân vật hiện lên như một khối cô đơn khổng lồ, một nỗi cô đơn bản thể thăm thẳm.
Uông Triều và Lưu Sơn Minh trong ý hướng nghệ thuật của mình đã lựa chọn Trần Khánh Dư, một nhân vật lịch sử gai góc, “có vấn đề”, với những tranh luận trái chiều về vị trí, vai trò trong lịch sử dân tộc, để thể hiện những luận giải của mình về lịch sử và con người. Mỗi cách nhìn, mỗi cách kiến giải đã mang lại những cảm nhận, hình dung thú vị về nhân vật. Chọn lịch sử như một đối tượng giả định, phân tích với cảm thức luận giải, đối thoại, hai nhà văn đã chạm tới những góc khuất trong tâm hồn nhân vật, phơi trải những trạng huống cảm xúc, xoáy sâu vào đời sống tâm lí - tâm linh cùng những trăn trở, suy tư, ám ảnh, giấc mơ; và hơn hết là khám phá số phận, tấn bi kịch tâm hồn của một con người.
Nhân vật thành công là nhân vật vừa nằm trong tầm hiểu biết, kinh nghiệm của cộng đồng vừa mở ra những góc nhìn khác bằng các kiến giải mới mẻ, độc đáo. Nó vừa là những con người có thật trong lịch sử, vừa là những nhân vật được nhà văn hư cấu, là nơi gửi gắm tình cảm sâu kín và cả những tư tưởng nhân sinh, triết học nhân bản của người nghệ sĩ. Viết trong “khí hậu” dân chủ, bối cảnh hậu hiện đại, các tiểu thuyết gia đã thể hiện khát vọng khám phá, giải mã, đối thoại lịch sử. Nhà văn trở thành “nhà thám hiểm cuộc sống”, khơi dậy những khuất lấp, nhìn vào “bề sâu, bề sau, bề xa” của quá khứ để nối kết thực tại, gửi gắm niềm tin và sức mạnh vào tương lai
1. Milan Kundera (2001), Nghệ thuật tiểu thuyết và những di chúc bị phản bội, Nguyên Ngọc dịch, Nxb. Văn hóa Thông tin, H., tr.44-51.