- Lý luận - Phê bình
- Những bóng hồng trong thơ Hoài Vũ
Những bóng hồng trong thơ Hoài Vũ
NGÔ XUÂN HỘI
“Vàm Cỏ Đông”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Đi trong hương tràm”, “Chia tay hoàng hôn”… những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Hoài Vũ về miền hạ, về đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là về con sông Vàm Cỏ và tỉnh Long An viết trong những thời gian và hoàn cảnh khác nhau, bài nào cũng thấp thoáng những bóng hồng. Ông “thân cư thiên di”, thơ ông đào hoa hơn bậc sinh thành, “cư giới quần thoa”.
Đầu tiên là Vàm Cỏ Đông. Dầu trước đó, những năm 1954 - 1955 khi tham gia gánh đất đắp nền đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn anh thanh niên Nguyễn Đình Vọng có làm thơ, nhưng những bài thơ ồn ào câu chữ ấy không cần cho ai, không in ở đâu và anh lập tức quên chúng. Chỉ đến khi vào chiến trường, trực tiếp tham gia chiến trận, chứng kiến những tấm gương dũng cảm hy sinh của quân dân Nam bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ một mất một còn, thơ mới như cỏ bật dậy sau mưa trong tâm hồn anh và Vàm Cỏ Đông giống như một tác phẩm đầu tay vậy.
Khoảng giữa năm 1963 - Hoài Vũ bồi hồi nhớ lại - Sau một thời gian tập luyện ở Hòa Bình, đoàn phóng viên chiến trường gồm các nhà thơ Hoài Vũ, nhà viết kịch Ngô Y Linh, nhà báo Trần Đình Vân, nghệ sĩ điện ảnh Kim Chi, đạo diễn Hồng Sến, nghệ sĩ múa Thái Ly… được lệnh lên đường đi B, tăng cường cho chiến trường miền Nam. Bốn tháng trời đêm nghỉ ngày đi, đến cuối năm 1963 các anh đặt chân tới căn cứ Trung ương cục miền Nam. Đầu năm 1964 ta đánh bốt Hiệp Hòa, Hoài Vũ và Giang Nam được Trung ương cục phái xuống chiến trường Long An công tác. Trong đêm tối, đoạn sông Vàm nơi các anh băng qua tàu tuần tiễu của Mỹ bắn xối xả. Mặc, cô gái giao liên vẫn bình tĩnh bơi xuồng. Hình ảnh cô giao liên trẻ thoăn thoắt bơi chèo trong tiếng gầm của bom súng địch, khiến các nhà thơ cảm phục. Giang Nam mở bồng lấy giấy bút viết bài thơ Qua sông Vàm Cỏ, Hoài Vũ viết Vàm Cỏ Đông.
Bài thơ theo lối thủ vĩ ngâm, 44 câu thất ngôn chia làm 11 khổ. Mở đầu và kết thúc là câu hỏi:“Ở tận sông Hồng, em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông...” Hỏi mà không cần nghe trả lời; là để giãi bày. Viết một mạch xong bài thơ, đề phòng thất lạc ông chép làm hai bản. Một bản nhét xuống đáy bồng, một bản nhờ giao liên chuyển lên Đài phát thanh Giải Phóng. Khi ông dừng bút cũng là lúc giao liên đến đón. “Mình trao ngay một bản chép tay cho giao liên, không ngờ sau đó không lâu đài phát bài thơ này. Rồi bài thơ ngược đường Trường Sơn ra tới miền Bắc và đăng trên báo Văn nghệ”. Năm 1966 Vàm Cỏ Đông được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ thành bài hát cùng tên, được Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu trên làn sóng vô tuyến điện qua giọng hát của các ca sĩ Trần Thụ, Tuyết Nhung và tốp ca nữ với phần đệm của dàn nhạc dân tộc Đài Tiếng nói Việt Nam, lập tức trở nên nổi tiếng, đến mức suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cô giáo Hoàng Kim Vinh dạy văn ở trường cấp 3 Thạch Thành, Thanh Hóa say mê thi phẩm, say mê luôn người làm thơ dù chưa một lần gặp mặt. Năm 1975 đất nước thống nhất, từ Thanh Hóa cô đã lặn lội vào Sài Gòn, đến cơ quan báo Văn nghệ Giải phóng đóng ở đường Công Lý tìm gặp tác giả. Không may cho cô, những ngày ấy Hoài Vũ bận dự cuộc họp của cơ quan Trung ương cục bên kia cầu Bình Triệu. Trong thư gửi ông trước khi về Bắc, cô cho biết mình còn son rỗi, rất mong được gặp ông, hình dung ông là một người trai anh tuấn, có nước da trắng, với mái tóc bồng nghệ sĩ. Chao ôi là tình yêu, là sự lãng mạn. Nó có thể nâng con người lên chót đỉnh hạnh phúc, nhưng cũng có thể biến con người thành những kẻ lỡ tàu trên sân ga số phận. Nhà thơ Nguyễn Duy, đồng hương Thanh Hóa của cô giáo Kim Vinh và anh chị em ở tòa soạn hôm ấy, đã chăm lo chu đáo chỗ ăn nghỉ cho cô. Một sự an ủi đầy nhân tính.
Bóng hồng tiếp theo hiện ra rõ nét hơn trong bài thơ Đi trong hương tràm tác giả viết năm 1968. Năm ấy chiến dịch Mậu Thân đợt 1, Hoài Vũ theo chân bộ đội vào Sài Gòn, trên đường đi bị sốt phải nằm lại trạm, được cô giao liên tên Lan chăm sóc tận tụy, bắt cá nấu cháo cho ăn, móc võng nằm cạnh giữa rừng tràm để động viên anh mau bình phục. Ít lâu sau khi tham gia chiến dịch Mậu Thân đợt 2 trở ra, trên đường về đi qua nơi ở cũ nhìn thấy cảnh rừng tràm tan hoang, Hoài Vũ gặp và nhận ra ngay hai cô gái của trạm, anh hỏi hai cô tin tức của Lan. Hai cô sụt sùi nói trong nước mắt: “Sau khi đưa anh qua sông trở về. Lan bị máy bay địch bắn chết dưới gốc cây tràm”. Hoài Vũ chết điếng cả người, xúc động viết bài thơ Đi trong hương tràm:“Em gửi gì trong gió trong mây/ Ðể sáng nay lên Vàm Cỏ Tây/ Hoa tràm e ấp trong vòm lá/ Mà khắp nơi mây hương toả bay!...”.
Cũng năm 1968, nhà thơ xuống địa bàn tổ chức trại viết văn cho Long An. Trại có 25 người, sau này hy sinh hết. Cô gái tên Bảy Nhàn, quê Tân Trụ giúp anh chuyển bài và trả lại bài đã chấm cho học viên. Bảy Nhàn đẹp lắm, gặp, Hoài Vũ mê ngay. Cô trồng rau muống, sáng nào cũng đi ngang qua nơi anh ở để ra ruộng tưới rau. Đợi cô tưới xong, Hoài Vũ ra vườn nhìn dấu chân. Hôm nào cô tưới thoảng, dấu chân còn; hôm nào cô tưới đẫm, dấu chân mất nhìn không được Hoài Vũ buồn. Từ đó anh làm bài thơ Dấu chân em đâu?: “Chiều nay ra vườn rau / Muống lên xanh một màu/ Đất ấm tình người xới / Mà dấu chân em đâu?/ Đất vui nhiều lắm đất / Nhớ chia ta một phần / Để tim này như đất / Được in lên bàn chân….”. Xong, anh chép để kèm trong đống bài của học viên rồi đưa cho cô. Ngày sau không thấy cô ra ruộng, anh hỏi thăm nhà thơ Lê Giang ở cùng. Lê Giang kêu trời: “Đêm qua đọc bài thơ mày tặng, con nhỏ trùm mền khóc miết. Mày làm thơ gì mà ác ôn dữ.”
Lớp học kết thúc, Hoài Vũ và Bảy Nhàn chia tay, cô về miền hạ, nhà thơ về miền thượng. Nhớ cô, Hoài Vũ viết bài thơ Em ở đầu sông anh cuối sông gửi gắm tình cảm sâu nặng của mình: “Anh ở đầu sông em cuối sông / Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông / Thương nhau đã chín ba mùa lúa/ Chưa ngày gặp lại nhớ mênh mông...”. Ý thơ trùng với một ý trong bài thơ Trường tương tư của Lương Ý Nương, theo truyền thuyết sống vào cuối nhà Đường, thời Hậu Chu (907-955) bên Trung Quốc: “Quân tại Tương giang đầu/ Ngã tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương giang thuỷ”. Nhưng đây không phải là một bài thơ tình thuần túy, tác giả đặt câu chuyện rung động của đôi nam nữ trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ những tâm tình sâu kín đến công việc thường ngày và nhờ đó nâng tầm nó lên:“…Ngày em đi cấy, đêm du kích/ Một nắng hai sương, má rám hồng/ Chẳng được cùng em vào chiến dịch/ Nghĩ dạo này thêm nhớ mênh mông…” Ít lâu sau, Bảy Nhàn bị địch bắt trong một trận phục kích, bị đày ra Côn Đảo. Từ đó hai người bặt tin nhau. Năm 1978 “Anh ở đầu sông em cuối sông” được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc. Khi lên sóng đài phát thanh, đã gây chấn động dữ dội trong những người yêu thơ nhạc đất nước, trở thành một bài ca đi cùng năm tháng.
Đi và đi, mỗi đợt xuống cơ sở của Hoài Vũ thường kéo dài vài ba tháng. Trở về, hành trang nhà thơ mang nặng thêm bởi khoảng chục bài thơ và một tập truyện, ký. Trong điều kiện chiến đấu thắt ngặt, sức làm việc ấy thật đáng nể.
Một lần Hoài Vũ vượt lộ 10 (đoạn giáp ranh giữa Hóc Môn và Long An) về căn cứ. Đang mùa gặt, rơm rạ chất đống trên đường. Trong đêm không ai trong đoàn phát hiện ra những chiếc xe thiết giáp của địch ngụy trang dưới những đống rơm, vì thế khi băng qua lộ các anh bị địch bắn xối xả. Mạnh ai nấy chạy. Hoài Vũ chạy qua lau lách, qua bãi mía và các bụi rậm, cả thân hình trầy xước, bầm dập tướp máu, cuối cùng anh dừng chân trước một ngôi nhà nằm trong ấp chiến lược. Nhà có hai cô gái, hai chị em. Cô chị tên Hạnh, cô em tên Duyên. Anh gõ cửa xin vào tá túc. Một cô lên tiếng: “Ông là ai mà gõ cửa giờ này, không nghe tiếng súng ngoài kia sao?…”. Hoài Vũ trả lời trong tuyệt vọng: “Thưa cô, tôi chính là người trong cuộc đang bị tiếng súng truy sát”. Do dự một hồi, cô gái mở cửa. Nhìn bộ dạng của anh, cô buột thốt: “Thôi đúng là mấy anh rồi!” . May cho Hoài Vũ, anh đã gõ trúng cửa nhà một cơ sở cách mạng. Hai chị em bắt tay ngay vào việc chăm sóc các vết thương cho anh, vừa làm vừa khóc. Biết không thể ở lâu, dù còn đau đớn Hoài Vũ vẫn phải từ biệt hai cô để tìm về căn cứ. Buổi chiều muộn, trong vai một cặp vợ chồng Hoài Vũ khoác bộ quần áo trắng mới được hai cô trang bị vác cuốc đi trước, cô Hạnh trong vai người vợ xách giỏ đi sau, theo lối mòn ra khỏi ấp chiến lược. Dù rất hồi hộp nhà thơ vẫn kịp nhìn thấy lối đi dưới chân mình rụng đầy hoa khế tím. Bài thơ Chia tay hoàng hôn ra đời như thế: “Anh phải về thôi xa em thôi / Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi / Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc / Mà lời từ biệt chẳng lên môi…” Sau đại thắng mùa Xuân 1975 nhạc sĩ Thuận Yến đã phổ nhạc bài thơ. Và Chia tay hoàng hôn, đoạt Giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992-1993 của Đài Tiếng nói Việt Nam...
Trải qua cuộc kháng chiến cô Duyên hy sinh, cô Hạnh - hạt gạo trên sàng còn lại đến hôm nay.
*
Là nhà thơ, phóng viên chiến trường, Hoài Vũ thường đi giảng bài trong các trại sáng tác văn học do thành đoàn Sài Gòn tổ chức. Để bảo đảm bí mật, học viên ngồi nghe giảng phải bịt mặt, khi có công việc, trao đổi với nhau bằng bút đàm. Một hôm ông Năm Xuân (Mai Chí Thọ), Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định bảo ông:
“Này Hoài Vũ, có con bé này hay lắm. Mày ưng, tao làm mai cho.”
Hoài Vũ gật đầu, vì năm ấy (1972) ông đã 37 tuổi, không còn trai trẻ nữa. Điều kiện Năm Xuân đặt ra là Hoài Vũ phải ưng thì ông mới bảo cô gái mở mạng cho xem mặt. Điều kiện oái oăm, nhưng Hoài Vũ vẫn chấp nhận. Vì “Con bé ấy” ông chưa thấy mặt, mà dáng hình thì đã thấy. Người có dáng hình như thế, không thể mang gương mặt xấu. Kết quả chứng minh dự cảm của ông đúng. Khi tấm mạng che mặt được mở ra, cha mẹ ơi, đứng trước Hoài Vũ là cả một núi sông diễm lệ! Ít lâu sau, đám cưới của hai người diễn ra, ông mai Năm Xuân đứng vai chủ hôn. Sự kiện quan trọng này của cuộc đời được Hoài Vũ kể trong bài thơ Qua cầu tre nghiêng nghiêng: “Người tôi yêu, một cô giáo Sài Gòn/ Ngày nàng đến chiến khu đồng còn trắng nước/ Tôi, người giao liên, dìu nàng qua cầu tre nghiêng nghiêng/ Có ngờ đâu, cây cầu tre, bỗng thành cầu Ô Thước…” Thành cầu Ô Thước, vì khi vợ ông có bầu, tổ chức bố trí cho cô về lại Sài Gòn hoạt động hợp pháp. Từ đó hai vợ chồng xa nhau.
Ba năm sau, ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hoài Vũ về Sài Gòn làm việc trong cơ quan Văn nghệ Giải phóng đóng ở đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay). Một hôm ông Thanh Nho, Giám đốc Đài phát thanh Giải phóng bảo ông:
“Này Hoài Vũ, tao vừa gặp vợ mày ở chỗ cầu Thị Nghè. Cô ấy hỏi thăm mày. Sao mày không về thăm cổ?”.
“Em có biết chỗ nào đâu mà về thăm, anh Hai?”.
“Dễ ợt! – Thanh Nho bảo ông - Từ đây mày đi xuôi Sở thú, qua cầu Thị Nghè hỏi thăm về ấp Nhất Trí là ra liền à.”
Theo lời chỉ dẫn của Thanh Nho, Hoài Vũ tức tốc lên đường. Qua khỏi cầu Thị Nghè gặp trạm gác của bộ phận Quân quản giải phóng, ông chưa kịp ghé vào hỏi thăm thì mấy thanh niên trong trạm đã xông ra chặn đường, hỏi ông đi đâu? Ông nói lý do.
“Vậy ông tìm nhà ai ở ấp Nhất Trí?”
“Nhà bà Thơm”
“Bà Thơm có con không?”
“Có, cô Thơ”
“Cô Thơ có chồng chưa?”
“Có rồi. Tôi là chồng của cô ấy nè!”
“A, thằng Trung úy ngụy trốn cải tạo. Bắt lại!”
Một quân quản mừng rỡ kêu to. Lập tức ông bị bắt vào giam trong một ngôi nhà sau bốt từ đó cho đến hết đêm, không có cách gì để bày tỏ. Sáng hôm sau có người đến mở khóa phòng đưa cho ông một cái khăn, bảo ra ngoài rửa mặt. Nhìn sang bên kia đường ông chợt thấy Hữu Đạo, lãnh đạo quân quản quận Bình Thạnh đi ngang qua. Hữu Đạo quê Đồng Tháp, từng nhiều lần nghe ông giảng bài ở chiến khu. Mừng quá, ông la to:
“Đồng Tháp! Đồng Tháp! Vào đây, vào đây mau!”
Hữu Đạo đi vào, ngạc nhiên hỏi ông:
“Sao thầy lại ở đây?”
Ông kể vắn tắt sự tình. Hữu Đạo kêu trời:
“Nhầm rồi, nhầm rồi. Thả thủ trưởng tôi ra ngay!”
Thế là ông được thả. Khi ông về tới nhà, con gái ông, đứa con duy nhất của vợ chồng ông đến nay đã được hơn hai tuổi, ngơ ngác nhìn cha.
Hóa ra là thế này, năm 1972 lúc cô Thơ vác cái bụng bầu về lại Sài Gòn. Không sao giải thích được với bà con lối xóm về việc con gái mình không dưng có chửa, má cô mới bày một đám cưới giả, sau đó ra chợ mua mấy món đồ về giả làm quà cưới tặng bà con trong vùng, rồi bịa ra chuyện chồng con gái bà là Trung úy quân biệt động, đang “uýnh” nhau với Việt cộng ngoài Quảng Trị. Cả phía địch và ta ghi nhận điều này, vì thế khi nhà thơ tự giới thiệu mình là chồng cô Thơ, ông bị bắt là chuyện tất nhiên.
Ngẫm kỹ việc bé cái nhầm của các quân quản giải phóng buổi thành phố hỗn quân hỗn quan, càng thấy Hoài Vũ là người có chữ “Thọ” to tày đình. Bởi lúc ấy nếu có một quân quản nào đó nổi hứng cách mạng “cách cái mạng ông” thì cũng bằng huề.
Còn từ việc ông lấy vợ, lại thấy cần nhắc lại một chân lý có từ thời ông Ađam và bà Eva ăn trái cấm: “Ngọt ngào không có gì bằng tình yêu, nhưng cay đắng cũng không có gì bằng tình yêu”. Ấy là đoạn kết câu chuyện tình giữa ông và Bảy Nhàn. Ngày Côn Đảo giải phóng, Bảy Nhàn ra tù. Khi cô về lại đất liền, biết tin Hoài Vũ đến thăm. Đón ông, cô bảo: “Anh chờ em một lát”, rồi đi vào phòng trong. Lát sau cô trở ra, trên tay cầm một tờ giấy nứa đã úa vàng, ấy là bài thơ “Dấu chân em đâu?” ông viết tặng ngày nào. Bài thơ đã theo cô ra ở tù Côn Đảo. Nâng bài thơ trên tay, Bảy Nhàn nói giọng run run: “Của anh. Giờ em xin trả lại cho anh!”
Nhận lại bài thơ kỷ vật nhà thơ ngồi lặng im, thấy cay cay nơi khóe mắt.
TP Hồ Chí Minh, ngày 5-12-2018
(Nguồn: Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 4+5+6 (2019) Tết Kỷ Hợi)