- Chân dung & Phỏng vấn
- Nhà văn, nhà phê bình văn học Mai Quốc Liên: Người coi trọng văn phong với ngòi bút uyên bác
Nhà văn, nhà phê bình văn học Mai Quốc Liên: Người coi trọng văn phong với ngòi bút uyên bác
Lê Quang Trang
Trong con mắt nhiều người, Nhà văn – Giáo sư Mai Quốc Liên được xem là một trong số ít ngòi bút uyên bác của Hội Nhà văn, cả Hội Thành phố và Hội Trung ương. Chịu đọc, trí nhớ tốt, kết hợp được cổ kim đông tây, lại theo sát thời cuộc, nên sự liên tưởng liên kết các vấn đề trong tư duy của anh được nhiều người vị nể, khâm phục. Tôi minh nghiệm ra điều này sau gần 50 năm công tác và cộng tác với nhau từ ngày đầu miền Nam giải phóng thời cùng làm báo Văn nghệ Giải phóng đến bây giờ.
Nhà văn, nhà phê bình Mai Quốc Liên.
Mai Quốc Liên nổi tiếng khá sớm. Từ giữa những năm 1960, trên báo chí văn nghệ còn vắng vẻ ở miền Bắc, người ta đã thấy một cây bút trẻ ký bút danh Mai Liên, xuất hiện bằng một số bài phê bình, tiểu luận có chất lượng, với những nhận xét tinh tế, cách hành văn sôi nổi, lôi cuốn. Nhưng khi dư luận bắt đầu quan tâm thì, bỗng nhiên một dạo anh lại “lặn tăm”, không xuất hiện đều đặn như một vài cây bút cùng trang lứa. Người ta bảo rằng có lẽ nhiều khát vọng nên anh lặng lẽ đi vào tích lũy chuẩn bị đtfờng xa. Quả vậy, lúc ấy anh mới học xong đại học, ra trường được ít lâu, tuy có chút năng khiếu viết lách, nhưng vốn liếng chưa dày, anh “ẩn mình” dành thời gian đọc, rèn nghề, mài giũa công cụ (học ngoại ngữ và tu nghiệp cao học Hán Nôm).
Năm 1975 sau ngày miền Nam giải phóng, anh được điều động về công tác tại báo Văn nghệ Giải phóng ở Sài Gòn. Lúc này anh đã là cây bút lý luận phê bình khá chững chạc, nhạy bén, năng động, nhưng đất nước thống nhất, báo Văn nghệ Giải phóng sáp nhập với Văn nghệ trung ương, nên anh chuyển về công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Với sở học và kiến văn của mình, anh đi sâu nghiên cứu các tác gia, tác phẩm cổ điển của văn học Việt Nam và Trung Hoa. Chấp nhận điều này cũng là bước vào một thử thách rất lớn, vì đa số những tác gia, tác phẩm ấy đã được người trước nghiên cứu, luận bàn, trong số đó phần nhiều là những bậc túc nho, “đại gia, đại bút” học rộng tài cao, có thể họ có những nhầm lẫn hoặc hạn chế nào đó trong khảo luận, đánh giá, nhưng để vượt qua họ, có được một phát hiện mới, là không dễ dàng. Phải kiên trì học tập, tích lũy kiến thức, tìm tòi công cụ mới, phương pháp nghiên cứu khoa học mới, mang tính liên ngành, phải bám sát tình hình, theo sát tư liệu mới, cả trong và ngoài nước, nghĩa là phải nỗ lực “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mới có thể đưa ra được đôi chút kết quả tích cực được xã hội công nhận. Mai Quốc Liên ý thức rõ điều này, lại được những người thầy, người anh, cả trong gia đình và ngoài xã hội, quý mến chỉ bảo, giúp đỡ và hy vọng ở một học trò, một đàn em thông minh. Công trình chuyên sâu đầu tiên của anh là về Ngô Thì Nhậm (1746-1803), nhân vật lịch sử và nhà văn hóa kiệt xuất, đó cũng là công trình tổng hợp đầu tiên nghiên cứu và đánh giá toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, trước tác, qua khảo sát văn bản kỹ càng và đưa ra những ý kiến xác đáng về tài năng và cống hiến vĩ đại của Ngô Thì Nhậm, về giá trị trác tuyệt của văn thơ ông trong lịch sử văn chương văn hóa dân tộc. Đó là luận án tiến sĩ của anh, sau được bổ sung, sửa chữa, cho xuất bản và được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ. Trên bước đường trưởng thành, ở độ chín của nghề, anh được Nhà nước phong học hàm Giáo sư và được giao trách nhiệm điều hành Trung tâm nghiên cứu Quốc học. Bằng thực học và tâm huyết của mình, anh tập hợp, liên kết được nhiều nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành ở trong nước, các trí thức chuyên gia Việt kiều ở ngoài nước, để tạo sức mạnh chung. Anh đứng chủ biên hoặc là tác giả chính của nhiều công trình lớn về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Đỗ Phủ… và tham gia nghiên cứu viết bài về các tác gia cổ cận đại từ Trần Nhân Tông, Nguyễn Tông Khuê, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… đến các gương mặt tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Phan Văn Trị… Ngoài ra anh còn có những tham luận giá trị tại các cuộc hội thảo, kỷ niệm lớn ở trong nước và quốc tế. Có lẽ từ những thành tựu và sở trường ấy mà nhiều người thường gọi anh là “người kim chất cổ”.
Nhưng đó mới là một mặt, mặt khác, tôi thấy anh cũng là “người kim chất kim”, vì những hoạt động cho văn học nghệ thuật đương thời. Tập thơ Vị mặn biển đời, mà anh tự nhận là người làm thơ “nghiệp dư”, nhưng nếu ai đã từng đọc, sẽ thấy ở đây một tâm hồn nhạy cảm, nhiều bài cấu tứ chắc, giàu ý vị, từ ngữ chắt lọc, ý thơ sâu và bổ ích. Song hoạt động quan trọng của anh trong văn nghệ vẫn là lý luận phê bình. Với phương pháp làm việc khoa học, một cảm quan sắc sảo, vốn hiểu biết sâu rộng và trí nhớ tuyệt vời; với trách nhiệm Giám đốc Trung tâm Quốc học và Tổng biên tập Tạp chí Hồn Việt cùng nhiều việc khác, “công việc ngập đầu”, như anh thường than, nhưng anh vẫn theo sát và nắm bắt thường xuyên những nét cơ bản, nổi bật của tình hình văn nghệ, có ý kiến và bài viết kịp thời về các hiện tượng văn nghệ mới, biểu dương những tác phẩm tốt, phê phán những khuynh hướng lệch lạc, tiêu cực tác động vào sáng tác, nghiên cứu lý luận phê bình.
Không kể những bài viết, ý kiến bàn luận đăng rải rác nhiều nơi, chỉ tính về văn chương hiện đại, riêng các tác gia lớn, anh có những bài viết đặc sắc, cô đọng nhưng giàu lượng thông tin và những nhận xét chính xác về sự nghiệp thơ văn của Chế Lan Viên, Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu… thuộc lớp trước, hoặc các bạn đồng trang lứa như Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa…
Diện quan tâm của anh rộng, nhưng anh luôn luôn yêu mến và quan tâm tìm hiểu vùng đất và con người mà mình đứng chân trong hoạt động. Những trang viết về Nguyễn An Ninh, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng thực sự là những trang văn đầy tâm huyết, hào sảng, cũng là những bức khắc họa đúng phẩm chất, tính cách con người của các nhà cách mạng cũng là những nhà văn hóa lớn của vùng đất này, của quốc gia. Trong các chân dung nhà văn Vũ Hạnh, Hưởng Triều, Viễn Phương, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Lê Đình Kỵ, Cao Xuân Hạo… mà anh có nhiều quan hệ thân gần, anh đã kết hợp hài hòa giữa sự ấm áp nghĩa tình và đặc sắc về văn chương của người sáng tạo, khiến bài viết uyển chuyển, dễ đọc mà tính khoa học vẫn cao.
Anh dành nhiều suy nghĩ và công sức giới thiệu văn xuôi Nam Bộ thời kỳ phôi thai vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đứng Tổng chủ biên cùng đồng nghiệp thực hiện thành công công trình đồ sộ Một thế kỷ văn học yêu nước và cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh (1900- 2000), 23 tập, dày 20 ngàn trang sách khổ lớn.
Mai Quốc Liên nhiệt thành với lý tưởng chính trị và nghệ thuật mà anh chọn lựa, nhất là nền văn học cách mạng trong thời đại mới. Anh rưng rưng xúc động ngợi ca, luận bình những câu thơ hay, những trang văn đặc sắc ra đời thời đạn bom khói lửa và giận dữ trước những luận điểm manh tâm phủ định những thành tựu mà Đảng và dân tộc ta, đội ngũ văn nghệ sĩ của ta phải qua bao mồ hôi, máu xương mới kết tinh được. Anh luôn luôn khẳng định giá trị các cuộc chiến tranh yêu nước của dân tộc, của văn học cách mạng và kháng chiến, dù còn những điều chtfa hoàn thiện, nhưng đó là điểm tựa cho chỗ đứng và thái độ của người cách mạng cũng như tất thảy mọi người trong cuộc chọn lựa hiện nay. Anh khát khao điều đó “phải trở thành văn hóa đạo đức và lẽ sống của các thế hệ hôm nay và mai sau”. Tại các hội nghị, hội thảo anh hăng hái đăng đàn bày tỏ suy nghĩ. Hiểu biết rộng, ý tưởng phong phú, lặp luận lô gich, sôi nổi, nên ở đâu anh cũng được người nghe chú ý. Nói như Giáo sư, nhà văn Trần Thanh Đạm thì “văn anh rất có văn khí bởi anh có suy nghĩ, hiểu biết và cảm hứng thật sự”. Không biết có phải là người con vùng đất Quảng Nam “hay cãi”, ưa lý sự, nên anh sẵn sàng tranh luận những khi có chỗ nào đó không đồng tình. Trong sáng tác hay trong lý luận phê bình, anh phê phán những luận điểm bóp méo hiện thực, thông tin và bình luận cực đoan, sai lệch, thiếu công bằng làm người đọc hoang mang vì mục đích cá nhân ích kỷ. Anh tin “những lời nói dối sẽ bay đi” và những gì tốt đẹp chân thực sẽ còn mãi. Tính cách bộc trực, mạnh mẽ, chính kiến rõ ràng trong anh là điều đáng quý, nhưng phương pháp tranh luận đôi khi thiếu đi sự mềm dẻo cần thiết, cũng khiến đối phương khó tiếp nhận, hiệu quả có phần giảm đi, nhưng phần lớn đều bị thuyết phục vì lặp luận của anh hợp lý dựa trên lẽ phải và cơ sở khoa học vững vàng.
Anh có một khóa tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Thành phố và nhiều lần tham gia các Hội đồng chuyên môn như Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học nghệ thuật của Trung ương và của Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận, Phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong các tổ chức này, anh có nhiều đóng góp quý trong việc góp phần định hướng công tác, khơi gợi các vấn đề học thuật cụ thể, thẩm định và đánh giá xác đáng về các tác phẩm, tác giả, các hiện tượng văn học nghệ thuật khi còn ý kiến khác nhau.
Nỗ lực, nghị lực và tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học của anh thật đáng quý và đó chính là cơ sở để anh có những thành tựu được Đảng và Nhà ntfớc công nhận, tôn vinh: Giáo sư – Tiến sĩ; cũng là người hiếm hoi được hai Giải thưởng Nhà nước, một về Văn học nghệ thuật, một về Khoa học Công nghệ.
L.Q.T
Rút từ tập KÝ ỨC VÀ DẤU ẤN 40 NĂM HỘI NHÀ VĂN TP. HỒ CHÍ MINH
* Đôi nét về nhà văn, nhà phê bình Mai Quốc Liên:
Nhà văn, nhà phê bình Mai Quốc Liên sinh ngày 8/3/1941, quê xã Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam.
Ông tốt nghiệp cử nhân văn học khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1963. Cử nhân Đại học Hán học (1970) và Cao học Hán học (1972, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Tiến sỹ văn học, Giáo sư văn học.
Nhà văn Mai Quốc Liên làm cán bộ nghiên cứu tại Viện Văn học, Viện Hán Nôm, sau năm 1975, ông chuyển vào Nam làm báo rồi dạy Đại học và Sau Đại học tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông vào Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1981, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc học (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam); Ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận – Phê bình, Hội Nhà văn Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Lý luận – Phê bình VHNT Trung ương (từ 2003).
Phát huy sở trường đi sâu nghiên cứu, ông trở thành chuyên gia nghiên cứu về văn học Trung đại ở Việt Nam. Từ cuối những năm 60 thế kỷ XX, ông đã công bố những bài viết được chú ý bởi những phát hiện tinh tế về bản lĩnh văn hóa, tài năng kết tinh, xuất chúng của các danh nhân văn học – văn hóa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Đình Chiểu, Cao Bá Quát… cùng các nhà thơ nổi tiếng như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông…
Ông còn là một cây bút của văn học hiện đại, đương đại. Về lý luận, ông tập trung bàn các khía cạnh lý luận về bản sắc văn hóa – văn hóa dân tộc cần chủ động trong kế thừa và hội nhập.
Về phê bình, ông có những cảm nhận tinh tế, phân tích sắc sảo, tài hoa về các thi sỹ thuộc các thế hệ mà ông có dịp gần gũi từ Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nam Trân đến Vũ Cao, Trần Thị Thắng…
Với một kiến văn sâu rộng và tinh thần cởi mở, hội nhập, mỗi khi gặp điều kiện thuận lợi và cho phép, ông mở tầm đón nhận rộng ra một số tác gia, tác phẩm đến từ các chân trời văn học Châu Á, Châu Âu như: Đỗ Phủ, Thơ Đường, Hồng Lâu Mộng, Lỗ Tấn, G. Phơlôbe, A. Tônxtôi, E. Heminguê, Kawabata…
Mai Quốc Liên có những đóng góp đáng ghi nhận trong hoạt động giảng dạy và đào tạo ở bậc Đại học. Nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh được ông rèn cặp đã trưởng thành và lập nghiệp văn chương vững vàng. Ở tuổi 60, ông còn cho xuất bản tập thơ trữ tình đầu tiên, bộc lộ tiềm năng phong phú của cây bút Mai Quốc Liên lãng mạn và đa cảm.
Tác phẩm:
Tiểu luận, phê bình: Nhà thơ, cơn bão và những cánh hoa (1979); Dưới gốc me vườn Nguyễn Huệ (1986); Trước đèn (1992); Phê bình và tranh luận văn học (1998); Tạp luận (1999).
Chuyên luận: Ngô Thì Nhậm trong nền văn học Tây Sơn (1985).
Chủ biên, biên khảo, dịch thuật: Ngô Thì Nhậm tác phẩm (1980); Khảo luận “Văn chiêu hồn” (1991); Nguyễn Du toàn tập (1996); Nguyễn Trãi toàn tập (2002); Cao Bá Quát toàn tập (2003).
Thơ: Vị mặn của biển cả (2003).
Giải thưởng:
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật;
- Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ.