- Văn chương thế giới
- Nhật ký trong tù bằng tiếng Ba Lan
Nhật ký trong tù bằng tiếng Ba Lan
Trong số các ngôn ngữ có bản dịch Nhật ký trong tù, tiếng Ba Lan thuộc nhóm ngôn ngữ có bản dịch khá sớm, cùng với bản dịch tiếng Anh và bản dịch tiếng Mông Cổ. Bản dịch của ba hai ngôn ngữ này đều được xuất bản năm 1962, chỉ sau các bản dịch chữ Quốc Ngữ, tiếng Nga, tiếng Pháp (cùng xuất bản năm 1960). Tuy nhiên, cho đến nay ở Việt Nam cũng chỉ biết Nhật ký trong tù đã được dịch sang tiếng Ba Lan năm 1962 chứ chưa có bài viết nào giới thiệu về bản dịch này cũng như dịch giả của bản dịch là ai. Bài viết này xin cung cấp cho bạn đọc những thông tin đó.
Nhật ký trong tù bằng tiếng Ba Lan được dịch từ bản nguồn nào?
Nhật ký trong tù bằng tiếng Ba Lan có tựa đề Dziennik Więzienny do hai vợ chồng dịch giả, nhà thơ Ba Lan Maria Kurecka (1920 - 1989) và Witold Wirpsza (1918 -1985) dịch, được Nhà xuất bản Quốc gia Ba Lan Państwowy Instytut Wydawniczy (PIW) xuất bản năm 1962 ở Warsaw[1]. Bản dịch gồm 99 bài thơ (kể cả bài “Đề từ”, hay “Mở đầu nhật ký”) được in thành sách khổ 18x11cm với 79 trang, trong đó có 71 trang nội dung, 1 trang giới thiệu ở đầu sách (trang 5), 3 trang chú thích (trang 71-73) và 4 trang mục lục ở cuối sách (trang 75-78).
Bìa sách Nhật Ký Trong Tù tiếng Ba Lan
Khác với một số bản dịch mà chúng tôi được tiếp cận và khảo cứu (như bản dịch tiếng Phần Lan, tiếng Thụy Điển, tiếng Na Uy và tiếng Đan Mạch), trong Dziennik Więzienny các dịch giả không cho biết bản dịch được thực hiện dựa trên bản nguồn nào. Trang cuối cùng của bản in ghi sách được in xong tháng XI năm 1962. Như vậy, dựa vào năm xuất bản (1962), người đọc có thể phỏng đoán Dziennik Więzienny được dịch từ một trong các nguồn sau: nguyên bản tiếng Hán, bản dịch tiếng Việt (1960), hay bản dịch tiếng Nga (Тюремный дневник, 1960) hoặc bản dịch tiếng Pháp “Journal de Prison” (1960) là những bản được in trước nó.
Tìm hiểu danh mục các ấn phẩm xuất bản của hai dịch giả Maria Kurecka và Witold Wirpsza, chúng tôi không tìm thấy tác phẩm nào được dịch từ tiếng Hán, tiếng Việt hay tiếng Nga mà chỉ có từ các tiếng Ba Lan, Anh, Pháp, Đức. Nhưng khi tìm hiểu tiểu sử của hai tác giả, chúng tôi được biết qua lời của con trai họ, rằng: “Cả hai đều nói tiếng Anh và tiếng Nga (cha (tức Witold Wirpsza – VXQ) từ nhỏ - mẹ ông, người Hy Lạp từ Odessa, không bao giờ học được tiếng Ba Lan, vì vậy tiếng Nga là ngôn ngữ phổ biến ở nhà)”[2]. Bởi vậy, không loại trừ khả năng có thể bản dịch Dziennik Więzienny được họ thực hiện từ bản dịch tiếng Nga.
Tuy nhiên, đối chiếu Dziennik Więzienny với bản dịch tiếng Nga vừa dẫn ở trên chúng tôi thấy khả năng này khó thuyết phục. Bởi lẽ trong bản dịch tiếng Nga có bài “Я был арестован в Цзужуне” (Bị bắt ở Túc Vinh), còn trong Dziennik Więzienny không có. Mặt khác, trong bản dịch tiếng Nga địa danh “Quế Lâm” được giữ nguyên trong bài “В Гуйлине” (Đến Quế Lâm) còn trong Dziennik Więzienny địa danh này được dịch nghĩa thành “Rừng Quế” trong bài “Przybycie do Lasu Cynamonowego” (Đến Rừng Quế) chứ không giữ nguyên tên phiên âm như bản dịch tiếng Nga.
Như vậy, chỉ còn một khả năng có thể nghĩ là Dziennik Więzienny đã được dịch từ tiếng Pháp qua bản dịch Journal de Prison được xuất bản năm 1960 của Đặng Thế Bính[3]. Giả thiết này khả tín khi đối chiếu số lượng bài thơ được dịch trong Dziennik Więzienny với các bài trong Journal de Prison cũng như với bản dịch khác cũng được dịch từ bản tiếng Pháp này là bản dịch tiếng Đan Mạch (1970). Cả ba bản dịch này đều có tất cả 99 bài và đều không có bài “Bị bắt ở phố Túc Vinh” như trong bản dịch chữ Quốc Ngữ và bản dịch tiếng Nga xuất bản trước đó (1960), hay bản dịch tiếng Anh được xuất bản cùng năm (1962).
Giả thiết đó càng có cơ sở với bằng cứ rõ nhất là cả ba bản dịch này đều lấy nghĩa của địa danh “Kueilin” (Quế Lâm) là “Rừng quế” làm tiêu đề của bài “Đến Quế Lâm” (到桂林) còn âm của địa danh được chú thích trong phần chú thích ở cuối sách. Điều đó cũng được thấy lại trong Nhật ký trong tù bằng tiếng Thụy Điển (Dagbok från fängelset) là bản dịch được thực hiện từ tiếng Ba Lan[4]. Bảy năm sau, trong bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Anh Prison Diary, xuất bản lần đầu năm 1967, dịch giả Đặng Thế Bính đã thay “Rừng Quế” bằng “Guilin” (Quế Lâm) trong tiêu đề của bài thơ “Arrival at Guilin” (trang 113), và chú thích ở trang 134 của bản dịch: “Guilin (Kweilin) means Cinnamon Forest”.
Trong lời giới thiệu rất ngắn gọn, súc tích ở trang 5, dịch giả Maria Kurecka đã dành cho tác giả Nhật ký trong tù những lời đánh giá rất trân trọng và đầy ngưỡng mộ: “Hồ Chí Minh không chỉ là một chính khách, một nhà hoạt động chính trị xã hội mà còn là một trong những nhà văn tiêu biểu của Việt Nam. Kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc hàng thế kỷ, ông viết cả thơ và văn xuôi. Là một nhà thơ, ông vô cùng nhạy cảm, đồng thời rất khắt khe trong việc lựa chọn ngôn từ. Những bài thơ súc tích của ông thường là những kiệt tác nhỏ, mặc dù phần lớn trong số đó được ra đời trong những điều kiện dường như kém thuận lợi nhất cho công việc sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhật ký trong tù là một minh chứng hùng hồn cho những thành công đó. Hồ Chí Minh, bị cảnh sát của Tưởng Giới Thạch bắt vào năm 1942, đã trải qua nhiều tháng trong nhiều nhà tù khác nhau của Trung Quốc. Trong nhà tù, như chính ông đã viết “ông dành thời gian để làm thơ và dành thời gian tự do để ca hát”. Với những bài thơ ngắn, thường chỉ có bốn câu, ông đã vẽ nên những bức tranh xác thực về sự đau khổ của chính mình và những người cùng bị giam cầm một cách đầy hài hước và thâm thúy.”
Trong phần nội dung, ngoài việc không có bài “Bị bắt ở Túc Vinh” giống như bản nguồn tiếng Pháp Journal de Prison, trong Dziennik Więzienny cũng không có bút tích chữ Hán của Hồ Chí Minh ở trang 24 của cuốn Ngục trung nhật ký. Đồng thời, bản dịch tiếng Ba Lan cũng không in nguyên văn chữ Hán bài “chiết tự” như trong bản nguồn Journal de Prison, mà chỉ viết các chữ Hán cần giải nghĩa của bài thơ.
Hai nhà thơ, dịch giả yêu quý Hồ Chí Minh và Việt Nam
- Maria Kurecka (Kurecka-Wirpszowa) sinh ngày 20 tháng 7 năm 1920 tại Płock, thuộc tỉnh Masovia ở miền trung Ba Lan. Bà tốt nghiệp trường trung học dành cho các nữ tu ở Szymanów năm 1939. Sau khi chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ tất cả tài sản của gia đình bà bị tịch thu và năm 1940 cha bà bị bắt và qua đời ngay sau đó. Tháng 9 năm 1940 sau khi ở Berlin vài tháng, Kurecka trở về Warsaw và tham gia Cuộc kháng chiến với tư cách là một y tá.
Maria Kurecka (1970) và Witold Wirpsza (1965). Nguồn; Internet
Năm 1945, Kurecka kết hôn với Witold Wirpsza, một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng Ba Lan. Năm 1950 Kurecka tham gia Hội Nhà văn Ba Lan (ZLP), và từ năm 1951 bà là thành viên Câu lạc bộ PEN Ba Lan. Trong thời gian 1954-1955, bà làm quản lý bộ phận văn học của Đài phát thanh Ba Lan ở Szczecinek, thành phố phía tây bắc Ba Lan.
Kurecka xuất hiện lần đầu tiên trên văn đàn Ba Lan vào năm 1948 với tư cách là người dịch cuốn Dżuma (Bệnh dịch hạch) của Albert Camus. Năm 1960 bà đã cùng Witold Wirpsza dịch và xuất bản tiểu thuyết Bác sĩ Faustus của Thomas Mann.
Giai đoạn từ năm 1955–1970, Kurecka và Witold Wirpsza sống ở Warsaw. Trong thời kỳ này, những bản dịch quan trọng nhất của bà đã được thực hiện (thường cùng với Witold Wirpsza): The Glass Bead Game và Demian của Hermann Hesse (nhà thơ, tiểu thuyết gia Đức), Truyện của Thomas Mann, Cái chết của Virgil của Hermann Broch (nhà văn Áo), Cái cối của Levin của Johannes Bobrowski (nhà văn Đức).
Năm 1962, bên cạnh việc dịch Nhật Ký Trong Tù của Hồ Chí Minh, Kurecka còn cùng với Witold Wirpsza dịch thơ của một số nhà thơ Việt Nam và xuất bản Z poezji Vietnamu (Thơ từ Việt Nam) với sự cộng tác của Lê Thanh.
Năm 1965, với việc biên soạn chuyên khảo về J. Ch. Andersen, Kurecka đã nhận được học bổng của Bộ Văn hóa Đan Mạch và đã đến Đan Mạch và Thụy Điển. Sau khi Hội nhà văn Ba Lan bị giải tán (19 68), không khí bài Do Thái phủ bóng Ba Lan khiến năm 1970 Maria Kurecka và Witold Wirpsza phải sang Áo, Thụy Sĩ và cuối cùng ở lại Tây Berlin. Tại Berlin Kurecka học đại học và lấy bằng thạc sĩ năm 1982. Trong thời gian này bà cộng tác với Đài Châu Âu Tự do Ba Lan và với từ báo "Kultura" ở Paris và "Archipelago" ở Berlin.
Bên cạnh tên thật, Maria Kurecka còn dùng các bút danh: m.k.; M.K.; Marian Kosowski; Mikołaj Majewski; mk; Spectator dưới các bài viết của mình.
Theo tư liệu từ một trang văn học Ba Lan, Maria Kurecka là tác giả của 41 tác phẩm, trong đó có 10 tác phẩm dịch chung với Witold Wirpsza. Maria Kurecka mất ngày 10 tháng 1 năm 1989 tại Berlin và cũng được an táng bên cạnh Wirpsza ở Berlin.
- Witold Wirpsza sinh ngày 4 tháng 12 năm 1918 tại Odessa. Mẹ ông là người Hy Lạp, cha ông là người Ba Lan xuất thân từ một gia đình quý tộc. Wirpsza đã trải qua thời thơ ấu của mình ở Gdańsk và Gdynia trước khi chuyển đến Warsaw. Ngay từ khi còn nhỏ, Wirpsza đã yêu thích âm nhạc và thậm chí còn tổ chức các buổi hòa nhạc piano. Lớn lên Wirpsza vừa học Luật tại Đại học Warsaw vừa học piano tại Trường Cao đẳng Âm nhạc ở Warsaw.
Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, ông gia nhập quân đội Ba Lan và bị quân Đức bắt vào ngày 19 tháng 9 năm 1939. Sau khi Hồng quân giải phóng trại tù binh chiến tranh, Witold Wirpsza theo Hồng quân Liên Xô đến Berlin và tham gia các trận chiến giành thành phố. Năm 1945, chiến tranh chấm dứt, Wirpsza trở về Ba Lan và kết hôn với Maria Kurecka.
Sau chiến tranh, Wirpsza công khai ủng hộ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và nổi lên như một tác giả của những bài thánh ca tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và sức mạnh của nhân dân. Từ năm 1947 đến năm 1956, Wirpsza sống cùng với Kurecka ở Szczecinek. Wirpsza làm việc trong đài phát thanh và tờ báo địa phương của Szczecinek), trở thành nhân vật chính trong nền văn hóa và nghệ thuật trẻ của Ba Lan.
Trong thời gian này, ông đã viết các tập thơ “Sonata” (Bản sonata) và “Stocznia” (Nhà máy đóng tàu), cả hai đều từ năm 1949, “Polemiki i pieśni” (Tranh luận và bài hát, 1951), “Dziennik Kożedo” (Nhật ký Geojedo, 1952) và “Z mojego kraju” (Từ đất nước tôi, 1956).
Năm 1956, Witold Wirpsza rời Szczecinek đến Warsaw và làm việc trong bộ phận tiếng Đức của nhà xuất bản nhà nước Państwowy Instytut Wydawniczy (PIW). Năm 1967, Wirpsza được trao học bổng từ Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức (DAAD) và đã đến Tây Berlin. Năm 1970, Wirpsza và gia đình di cư sang Áo, Thụy Sĩ và cuối cùng đến Tây Berlin.
Năm 1971, bài tiểu luận lịch sử-xã hội “Polaku, kim jesteś” (Người Ba Lan, bạn là ai?) của ông được xuất bản, kêu gọi tinh thần dân tộc chủ nghĩa của người Ba Lan đã khiến ông nổi tiếng nhưng nó cũng gây ra cho ông rất nhiều hệ lụy, nhất là các tác phẩm của ông bị cấm xuất bản ở Ba Lan. Kết quả là gia đình ông quyết định ở lại Đức.
Việc định cư ở Đức đã đưa Witold Wirpsza và Maria Kurecka trở thành những sứ giả đem Ba Lan đến với người Đức. Sự hiểu biết đặc biệt về Ba Lan ở Liên bang Đức vào những năm 1970 chủ yếu là nhờ cặp đôi Wirpsza và Kurecka. Tuy nhiên, việc sống xa tổ quốc và lệnh cấm xuất bản đã có những tác động tiêu cực đến hai người. Một số tác phẩm của họ mãi tới hai thập kỷ sau khi Wirpsza qua đời mới được xuất bản ở Ba Lan.
Theo lời con trai của Kurecka và Wirpsza là nhà thơ Aleksander (được gọi là Leszek Szaruga): “Cả hai người (tức Kurecka và Wirpsza – VBLL) đều thích dịch thuật… Họ dịch những tác phẩm quan trọng đối với mình.” Còn tác giả Monika Stefanek nhận xét: “Các bản dịch văn học Đức sang tiếng Ba Lan mà ông (Witold Wirpsza – VBLL) đã thực hiện cùng với vợ là Maria Kurecka, đóng một vai trò quan trọng trong công việc sáng tạo của Witold Wirpsza. Và từ đó nảy sinh một nhóm gồm hai dịch giả đặc biệt.”[5]
Cả hai đã cùng dịch chung nhiều tác phẩm văn học sang tiếng Ba Lan, trong đó có một số tác phẩm nổi tiếng “Bác sĩ Faustus” của Thomas Mann, “Cái chết của Vergil” của Hermann Broch và “Mary Stuart” của Friedrich Schiller, "Jan Sebastian Bach" của Albert Schweitzer, “Wolfgang Amadé” của Valerian Tornius. Với những tác phẩm dịch này, năm 1967, Wirpsza và Kurecka được trao giải thưởng dịch thuật Johann-Heinrich-Voß-Preis für Übersetzung của Viện Ngôn ngữ và Thơ ca Đức ở Darmstadt.
Witold Wirpsza qua đời vào ngày 16 tháng 9 năm 1985 tại Berlin. Thi hài ông và Kurecka lúc đầu đều được an táng tại Berlin, nhưng sau này hài cốt cả hai đã được đưa về Warsaw. Wirpsza đã để lại 46 tác phẩm, trong đó có 24 tập thơ, 14 tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận cùng với 10 tác phẩm dịch (phần lớn dịch chung với Maria Kurecka, trong đó có 2 tác phẩm của văn học Việt Nam).
Kể từ năm 2005, Viện Mikołowski ở Mikołów đã dần dần xuất bản và tái bản các tác phẩm của Witold Wirpsza và Maria Kurecka, khơi dậy sự quan tâm về cá nhân và các tác phẩm của vợ chồng nhà thơ đã phần nào bị lãng quên trước đó. Đến năm 2018, 18 tác phẩm của Wirpsza đã được xuất bản, trong đó có một số được xuất bản lần đầu. Các nhà phê bình văn học cũng đang dần khám phá lại tác giả Witold Wirpsza, nhiều người xếp Wirpsza vào số những tài năng vĩ đại nhất của văn học Ba Lan thế kỷ 20, cùng với Tadeusz Różewicz, Miron Białoszewski và Zbigniew Herbert, vì phong cách của ông.
Việc Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh được Maria Kurecka và Witold Wirpsza chọn dịch sang tiếng Ba Lan từ rất sớm trong số các công trình dịch thuật của họ đã nói nói lên giá trị lan tỏa của tác phẩm này cũng như tình yêu của họ dành cho tác giả.
Võ Xuân Quế
----
Cảm ơn Nguyễn Thi Sĩ từ Warsaw đã giúp người viết sưu tầm được một bản in của Dziennik Więzienny và kiểm tra giúp những thông tin bằng tiếng Ba Lan.
[1] Không phải năm 1963 như trong một bài báo trích lời dịch giả Lê Bá Thự (https://www.sggp.org.vn/dich-gia-le-ba-thu-nhip-cau-noi-van-hoc-ba-lan-viet-nam-post183090.html)
[2] https://www.porta-polonica.de/en/atlas-miejsc-pami%C4%99ci/witold-wirpsza?page=2#body-top
[3] Bài viết trên trang (https://polkopedia.org/wiki/Maria_Kurecka) cho rằng Dziennik Więzienny được dịch sang tiếng Ba Lan thông qua tiếng Đức là thiếu chính xác, vì bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Đức được xuất bản lần đầu tiên là năm 1967, tức sau Dziennik Więzienny 5 năm.
[4] Arrivée à For ét-de-Cannelle (Tiếng Pháp trong: Journal de Prison: Poems, 1960), Ankomst til Kanelskoven (tiếng Ba Lan trong: Dziennik Więzienny, 1962), Ankomst til Kanelskoven (Tiếng Đan Mạch, trong: Dagbog fra fængslet, 1970) và Att komma till Kanelskogen (tiếng Thụy Điển, trong Dagbok från fängelset, 1970, 1975). Tuy nhiên, bảy năm sau trong bản dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Anh Prison Diary xuất bản lần đầu năm 1967, dịch giả Đặng Thế Bính đã lấy tiêu đề bài thơ là “Arrival at Guilin” (trang 113), và chú thích ở trang 134: “Guilin (Kweilin) means Cinnamon Forest”.
[5] https://www.porta-polonica.de/en/atlas-miejsc-pami%C4%99ci/witold-wirpsza?page=2#body-top