- Văn chương thế giới
- Chùm thơ Trương Chí
Chùm thơ Trương Chí
Nhà thơ Trương Chí (张智, tên tiếng Anh: Zhang Zhi), sinh năm 1965 tại thị trấn Phượng Hoàng, huyện Đan Ba thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ông là nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà xuất bản, dịch giả uy tín của văn học Trung Quốc đương đại. Trương Chí là tiến sĩ văn học. Hiện là chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Dịch thuật quốc tế. Tổng biên tập Tạp chí Xuất bản Thơ quốc tế hàng quý (đa ngôn ngữ) và ấn bản tiếng Anh của Niên giám Thơ thế giới, đồng thời là cố vấn cho Trung tâm Toàn cầu hóa Thơ Trung Quốc bằng các ngôn ngữ quốc tế. Từ năm 1986, ông bắt đầu công bố tác phẩm văn học và dịch thuật của mình. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng quốc tế. Trương Chí từng đoạt giải thưởng Văn học của Hy Lạp, Brazil, Mỹ, Israel, Pháp, Ấn Độ, Ý, Áo, Lebanon, Macedonia, Nga, Nhật Bản, Ai Cập, Bỉ, Armenia và Kyrgyzstan. Các tác phẩm chính của ông bao gồm các tuyển tập thơ: "Receita" (tạm dịch: "Mùa thu hoạch" - Tiếng Bồ Đào Nha-Anh-Trung), "Selected Poems of Diablo" (tạm dịch: "Những bài thơ chọn lọc của Diablo" - Tiếng Anh), "Poetry by Zhang Zhi" (tạm dịch: "Thơ Trương Chí" - Tiếng Đức-Anh-Bồ Đào Nha), Những bài thơ chọn lọc của Diablo (tiếng Trung-Anh), "A Jigsaw Picture of the World" (tạm dịch" Bức tranh ghép hình thế giới - Tiếng Albania), "Feu Follet On Paper" (tạm dịch: "Làm yêu tinh trên giấy" - Tiếng Ả Rập), "Poison" (tạm dịch: "Chất độc" - Tiếng Ả Rập) và "The Mirror Image of Ghost City" (tạm dịch: "Hình phản chiếu của thành phố ma" - Tiếng Serbia), Tuyển tập phê bình thơ có tựa đề "Loạt bài tiểu luận về các nhà thơ Trung Quốc tiên phong", và bản dịch thơ "A & 1 is the Founder" (tạm dịch: "A & 1 người sáng lập" - Tiếng Anh-Trung), Tuyển tập các bài thơ của Tareq Samin (tiếng Anh-Trung), "My Secret Lover, You" (tạm dịch: "Em, người tình bí mật của anh" - Tiếng Trung), và dịch tiểu thuyết "Назови имя бога" của Savitskaya Svetlana Vasilievna, LB Nga (tạm dịch: "Xưng danh Thiên Chúa" - Tiếng Nga-Trung), v.v. Ngoài ra, ông còn biên tập cuốn sách "Thơ chọn lọc của các nhà thơ quốc tế đương đại" (tiếng Anh-Trung), "Thơ Trung Quốc chọn lọc thế kỷ 20" (tiếng Trung-Anh), Từ điển các nhà thơ quốc tế đương đại (đa ngôn ngữ), "Sách giáo khoa Trung-Anh: 300 bài thơ Trung Quốc đổi mới" (1917 - 2012), và "Kinh điển thế kỷ: 300 bài thơ Trung Quốc đổi mới" (1917 - 2016), v.v.
Vũ Bá Giáp & Mai Văn Phấn dịch từ tiếng Anh
Nhà thơ Trương Chí
Ở nghĩa trang Nam Sơn
Chưa ai gọi mưa phùn
Thế mà mưa đột ngột
Mưa như nhắc nhở con
Lần nữa đã đến lúc
Sắp được gần cha rồi
Tên cha trên tấm bia
Đã mờ qua năm tháng
Thị lực con cũng kém
Theo vòng quay cuộc đời.
Con vuốt lên từng nơi
Tên tuổi cha lõm xuống
Như còn ấm hơi người...
Cha ơi!
Trong vuông đất hẹp này
Chỉ mét vuông chừng ấy
Mười ba năm nơi đây
Con nhớ thương biết mấy!
Cha quen ở đây chưa?
Song trùng một thế giới
Nhiều lần trong giấc mơ
Nơi đây con đã thấy
Tấm bia đặt ngày ấy
Chia cắt hai chúng ta
Nhưng thanh âm vang dậy
Từ cõi lòng xót xa
- Cha ơi!
Con gọi cha có giật thột
Chim xanh ở trên thiên đường
Vi vu gió trong nghĩa trang
Bóng ma ẩn trong lòng đất…
Kỷ nguyên bản thảo
Lão Đỗ Phủ*
Đạp ngọn Thái Sơn dưới chân
Tâm sự đôi lời
“Khi đang trên đỉnh núi này
Tôi quên những ngọn núi khác"
Lão Hoàng Tường**
Say rượu trên đỉnh núi cao
Nghẹn ngào cất tiếng khóc
“Tôi sẽ nâng chiều cao trái đất
Bằng bộ phận sinh dục của tôi”
Có hồn ma già hoang dã
Ngồi dưới chân núi một mình
Lặng thinh
Cũng không ai biết
Bởi một đất nước vô hình
Mắc kẹt ở trong cổ họng.
Thế giới lắc lư trong ống nhòm
1.
Thế giới bị ô nhiễm
bởi rác thải, tinh dịch, chất thải hạt nhân, heroin, máu và AIDS
không bao giờ có thể được làm sạch
2.
Nhìn kìa! Thế giới đã vào phòng Karaoke
Ai có biết con thú nào xinh đẹp
lại rên lên thống khoái dưới hông
Đêm nay, thế giới chết tiệt này chắc sẽ chơi ngông
– Ừ, thì thôi cũng được!
Nếu bạn hình dung ra khung cảnh này
là Thế chiến thứ ba
3.
Những dòng sông chảy về phía đông
Các cô gái bán dâm đi về phía tây
Thế giới giống như một chú cừu đi lạc
ngơ ngác đứng ở ngã tư
hỏi robot đi về nam và lên phía bắc
“Thưa ngài, tôi nên cúi lậy ai đây?”
4.
Thế giới ca ngợi các chính trị gia bằng đôi chân mình
Các chính trị gia tắm thế giới trong những vũng máu
5.
Thế giới không nhìn rõ khuôn mặt chúng ta
Có lẽ ngay từ đầu chúng ta đã không có mặt
“Không có mặt thì không biết xấu hổ.”
Tên nghệ sĩ khốn nào đã nói điều này?
6.
Thế giới đang tự vùng vẫy dương vật
Hú hét trên đỉnh tòa nhà Liên Hợp Quốc
"Nhìn này, tôi mới tuyệt làm sao."
Thực ra, trong đêm hôm nào
Hắn thì thầm với tôi trong giấc ngủ
"Ngài ơi, thứ đó của tôi vô dụng lâu rồi."
7.
Thế giới cần có thời gian
Thế giới không hề sợ hãi
Thế giới dưới bánh xe lịch sử
Nhưng không có máu chảy ra
Ai đã từng nhìn thấy vết máu?
8.
Dao đang mài, thế giới
đang khoét thịt của chính nó
ngày và đêm. Cái chết
đang hát bài ca bất diệt trong từng giọt máu
"Kem nở ngực, làm nở ngực, không to vòng eo"
Nhớ con gà bị thịt
Chuyện từ chiều hôm qua
Tôi ra chợ nông sản
Tìm mua một con gà
Nơi mặt đất ẩm thấp
Trong không khí gần xa
Mùi rau thối tràn ngập…
Người bán gà định bắt
Một con trong lồng dây
Máy vặt lông bên cạnh
Xung quanh lông vương đầy
Khi tôi đến gần chuồng
Gà len lét sợ hãi
Tôi chỉ vào một con
Để người bán đem cân
Và bà ấy phân vân
Tay còn dính sợi lông
Rồi thò tay vào lồng
Bắt chính con bị thịt
Chống cự cũng chẳng được
Sự thật đã rõ ràng
Câu thành ngữ quen thuộc
- Ngu si như con gà!
Sau khi đã vội cân
Người bán bỗng lên gân
Vung lưỡi dao sáng loáng
Nhằm đúng cổ con gà
Cứa một nhát thật mạnh
Một dòng máu đỏ quạch
Trào ra nơi tay người...
Như chẳng ai đáng trách
Gà bị ném vào nơi
Máy tẩy lông làm việc
Người bán không thương tiếc
Múc từng gáo nước sôi
Và đổ xuống liên hồi
Tiếng gà kêu quang quác
Lũ gà như loạn lạc...
Kinh hãi kêu trong lồng
Chú gà kia rên rỉ
Trút tiếng kêu cuối cùng
Mất hút trong gió lạnh
Người bán gà tiếp tục
Công việc quen của mình
Máy vặt lông vẫn chạy
Thời gian chẳng đáng mấy
Con gà đã sạch lông
Đặt ngay ngắn trước mặt
Rồi cắt ra từng miếng
Cũng dễ dàng như không
Những con gà trong lồng
Đã hoàn hồn trở lại
Bắt đầu mổ thức ăn
Của chủ nhân thương hại
Con nhởn nhơ đi lại
Con bình tĩnh rỉa lông
Số khác giành khẩu phần
Cảnh yên bình khoan khoái
Như số phận đồng loại
Chẳng liên quan chút nào
Chỉ là chuyện tầm phào
Tựa một cơn ác mộng
Lại diễn ra đời sống
Tất cả vẫn bình yên…
Bay xa hơn đôi cánh
Khi còn sống, anh lơ lửng trên bầu trời giá lạnh
Rửa đôi cánh của mình trong những đám mây
Mở đôi mắt sáng ngời đuổi theo thiên thạch
Và uống lấy từng tia sáng thanh tân
Khi còn sống, anh lắng nghe thế giới phàm trần
Xúc cảm ngàn bóng trăng quyến rũ
Khi còn sống, bằng tư duy sấm sét
Anh đã làm tan chảy bóng đêm…
Một ngày nào đó tôi sẽ biến thành
Làn khói nhỏ trên bầu trời rộng lớn
Chẳng còn sấm sét nữa. Nhưng tôi
Không ăn năn, không cầu sống lại
Khi còn sống, anh vẫn luôn bay
Đó là thói quen vĩnh cửu của đại bàng.
Bom nguyên tử
- Họa lại bài thơ “Những quả trứng” của Jin Ruping
Vụ ném bom nguyên tử thứ nhất
Tiếp sau đó là vụ thứ hai
Và khi tôi ném quả thứ ba
Tôi đã khóc
Làm sao tôi có thể ném
Nhiều bom nguyên tử thế sao?
Ngày tận thế
Rất nhiều năm
Bạn tự bán mình cho thế giới
Giống như một chính trị gia
Giống như cựu binh trong tình ái
Rất nhiều năm
Bạn và thế giới tâng bốc nhau
Tựa như một cặp diễn viên
Giống hơn cặp đôi đồng tính
Ôi đã bao nhiêu năm
Bạn ngủ cùng thế giới
Nhưng chưa biết về nó điều gì
Ôi đã bao nhiêu năm
Tiếng chuông gió như người say
Trong hầm thời gian tăm tối.
* Đỗ Phủ (712 – 770) - Đại thi hào Trung Quốc thời nhà Đường. ND
** Hoàng Tường, sinh năm 1941, nhà thơ, nhà thư pháp Trung Quốc, người vận động nhân quyền và đấu tranh cho dân chủ. ND