TIN TỨC

Nội lực văn chương từ tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-01-19 16:40:23
mail facebook google pos stwis
2513 lượt xem

Nhà văn TRẦM HƯƠNG
(Bài được trình bày tại Lễ tổng kết, trao giải thưởng văn học và kết nạp hội viên mới năm 2021)

Năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch với những cuộc "di biến động dân cư" lịch sử, những ngày "tập trung Fo vào trại cách ly. Tập trung rồi chẳng biết làm gì", những ngày các lò thiêu mở hết công suất mà vẫn còn có chiếc xe lén chở xác người về tỉnh hoả thiêu... là những trang buồn của lịch sử thành phố. Quay cuồng, lo lắng, bất an trong tâm dịch; Ban Chấp hành Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh có lúc không khỏi hoang mang với câu hỏi: "Được sống qua mùa dịch đã khó. Các sự kiện hoạt động văn học đều dừng lại theo lệnh giãn cách xã hội. Năm nay, liệu có nhiều tác phẩm để xét giải?". Thật bất ngờ, trong đau thương, văn chương thành phố bừng lên sức sống diệu kỳ. Hàng trăm sáng tác của nhiều tác giả đã gởi đến Hội. Thành phố từng là tâm dịch trải qua bao tang thương lại là mùa bội thu tác phẩm; là chỉ dấu của tín hiệu lạc quan, rằng Sài Gòn - thành phố trọng điểm phía Nam đầy sức sống, sẽ hồi sinh sau đại dịch. Cũng vì sự ký thác đó mà các hội đồng chuyên môn từ sơ khảo đến chung khảo đã làm việc rất cầu thị, công tâm. Thật là một công việc khó khăn, nhiều áp lực, nhiều tranh biện để đi đến một kết quả khá đồng thuận:

1. Nghiệp chướng -  Tác giả Lưu Vĩ Lân - Tiểu thuyết - Nhà xuất bản Hội Nhà văn tháng 1 năm 2020 - Giải thưởng văn học.

2. Bộ ba tác phẩm: Mùa tiểu học cuối cùng (NXB Kim Đồng); Sài Gòn  những mảnh ghép rời ký ức (NXB Trẻ) và Văn Học Sài Gòn 1954-1975 - Những Chuyện Bên Lề (NXB Tổng hợp TP.HCM) - Cố tác giả Lê Văn Nghĩa - Tạp bút - Nhà xuất bản trẻ tháng 7 năm 2021 - Giải thưởng cống hiến.

3. Đoàn Vị Thượng thơ -  Cố tác giả Đoàn Vị Thượng -Thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn tháng 12 năm 2020 - Giải thưởng cống hiến.

4. Ở đậu trong nhau - Tác giả Khét (Trần Đức Tín) - Thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn tháng 5 năm 2021 - Giải thưởng văn học trẻ.

5. Cà nóng chu du Trường Sa - Tác giả Bùi Tiểu Quyên - Truyện dài - Nhà xuất bản Kim Đồng tháng 5 năm 2021 - Giải thưởng văn học thiếu nhi.

6. Hai phía đời sông - Nguyễn Vĩnh Bảo - Thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn tháng 5 năm 2021 - Tặng thưởng văn học.

7. Chiều bình yên - Tác giả Nguyễn Ngọc Mộc - Tiểu thuyết - Nhà xuất bản Quân đội tháng 6 năm 2021- Tặng thưởng văn học.

8. Sự đành hanh của số phận - Tác giả Hoàng Phương Nhâm - Tập truyện ngắn - Nhà xuất bản Hội Nhà văn tháng 12 năm 2020 - Tặng thưởng văn học.

9. Sóng đồng và cây núi - Tác giả Lê Quang Trang - Tiểu luận, phê bình, chân dung - Nhà Xuất bản Hội Nhà văn tháng 12 năm 2020 - Tặng thưởng văn học.

Năm 2021, Giải hưởng thành tựu của Hội Nhà văn TP.HCM mang tên mới "Giải thưởng cống hiến" vinh dự được trao cho cố Lê Văn Nghĩa - một nhà văn "Sống nghĩa tình - viết nghĩa nhân" lời tựa của nhà văn Bích Ngân trong một bài viết về anh. Anh - một nhà văn đậm chất Sài Gòn đã góp phần tạo nên dấu ấn văn học Thành phố Hố Chí Minh 40 năm, bằng nỗ lực mang lại nụ cười cho hàng triệu độc giả trên báo Tuổi trẻ cười, dù nhiều lần phải khóc, với nỗi đau nhân sinh. Nỗi đau ấy cũng là tài sản vô giá để anh dồn sức vào trang viết. Nhà văn Bích Ngân viết: "Tiếng cười mới có thể thấy rõ hơn những ngóc ngách tối tăm, để từ đó có thể nhận diện, mổ xẻ và tìm cách rọi vào đó thứ ánh sáng, trước nhất, ánh sáng nơi tâm hồn người viết". Ánh sáng nơi tâm hồn Lê Văn Nghĩa đã khắc họa vẻ đẹp nghĩa nhân của một vùng đất. Chưa từng thấy một nhà văn nào yêu Sài Gòn nồng nàn, sâu thẳm, máu thịt như anh, cho dù đó chỉ là "cây cà lem", "tĩn nước mắm", từng con hẻm, góc phố... Tình yêu ấy như chính hơi thở, cuộc sống của anh. Cũng chưa một người vợ nào yêu chồng đến vậy. Trên bàn thờ là bức di ảnh đôn hậu của nhà văn, luôn thơm ngát hương hoa Lys và những tác phẩm của anh -phần lớn là những tác phẩm anh viết trong hơn mười năm, chạy đua cùng cơn bệnh hiểm nghèo. Vâng, đó là "Mùa hè Petrus Ký" (in đến lần thứ 8), "Mùa tiểu học cuối cùng", "Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít cóm nhỏ Sài Gòn", "Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ", "Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ", "Sài Gòn dòng sông tuổi thơ", "Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian", "Văn học sài Gòn 1954 -1975", "Nếu Adam không có xương sườn", "Điệp viên không không thấy"... Không kỳ vọng những điều lớn lao, thậm chí theo anh là những điều "bé nhỏ", "vụn vặt", chỉ là những mảng ký ức từ đáy vực thời gian được nâng niu, khâu lại mà làm nên một bức phù điêu đầy sức sống, nhân nghĩa của Sài Gòn. Anh đi về một thế giới khác nhưng đã kịp để lại một "di sản Sài Gòn" trong ký ức, qua tâm hồn, con chữ. Như dự cảm một cuộc đi xa, anh đã dốc hết tinh lực trên giừng bệnh, kịp trao lại cho những người bạn tuổi thơ ký ức “Mùa tiểu học cuối cùng”…

"Giải thưởng cống hiến" của Hội nhà văn TP.HCM năm 2021 cũng vinh dự được trao cho cố nhà văn Đoàn Vị Thượng. Nếu nhà văn Lê Văn Nghĩa tạo nên dấu ấn văn học Sài Gòn bằng tạp bút, truyện dài, truyện ngắn, truyện trào phúng, sách biên khảo thì cố Đoàn Vị Thượng đã tạo nên một trời thương nhớ trong lòng độc giả bằng thơ, dù anh cũng viết nhiều truyện dài. Cuộc đời dạy học, làm báo của anh gắn với Sài Gòn, dù không có nhiều tác phẩm, nhưng chỉ với "Ngôi trường, hoa phượng và tôi", "Chuyện tình chim hót", "Môi thơm", "Tóc em còn thả mùa đi học", "Đoàn Vị Thượng thơ", khi rời xa thành phố thân yêu này, anh vẫn còn được sống trong nhiều ký ức thế hệ độc giả. Không in nhiều tập thơ nhưng đủ thấy thơ anh tài hoa, tinh tế, dung dị. Thơ chấp cánh cho nhạc nhưng nhạc không thể chuyển nổi ý tưởng của thơ. Anh đã dự báo về một ngành giáo dục với bao bất cập, trăn trở; thật tàn nhẫn, là tội ác để vùi dập những giấc mơ, vấy bẩn những tâm hồn trong sáng:

"Viên phấn tự mài mình chết đi để đâm chồi sự thật

Nhẹ nhàng ơi cái chết vô tư

Chúng tôi gìn giữ trái tim chân thực hàng giờ

Các em hồn nhiên mà ánh mắt long lanh soi rọi thế

Cái bục giảng không cao nhưng đã có bao người vấp té

Viên phấn của lòng mình không giữ nổi trên tay

Buông thả đấy rồi, những ngón loay hoay

Sẽ mỏi mòn đi và rơi rụng

Như người lính không tự cầm lấy súng

Vách chiến hào đây dễ ấm lưng"...

Giờ đây, anh đã là hạt bụi, "tan mình trong gió" nhưng anh đã sống và được chết như mình ao ước: "Nơi trăm miền sẽ có dấu tay tôi".

Phát hiện những nhân tố mới không chỉ là nỗ lực tìm kiếm mà còn làm nên sự thành công của công tác xét giải thưởng. Các tác phẩm dự giải thưởng không chỉ từ các tác giả trực tiếp gởi về văn phòng Hội mà còn được giới thiệu từ các hội đồng, các ban công tác và thành viên Ban chấp hành. Thật cảm động, từ tháng 4 năm 2021, trước khi bàn giao trọng trách Chủ tịch Hội đồng văn xuôi do bệnh tình trở nặng, cố nhà văn Lê Văn Nghĩa bằng sự trân trọng, nâng niu đã tiến cử tác phẩm "Nghiệp chướng" của nhà văn Lưu Vĩ Lân. Đây là một tên tuổi rất mới trong làng văn chương thành phố. Hội đồng đã tiếp cận tác phẩm của anh bằng sự cẩn trọng, thoáng chút e dè nhưng khi khép lại trang cuối, "Nghiệp chướng" khiến người đọc sững sờ. Khi ấy, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã đi vào thế giới bên kia, không kịp nghe được lời cảm ơn sự thẩm định của anh về "Nghiệp chướng".  Vâng, "Nghiệp chướng" mang lại một sinh khí mới mẻ, một ma lực hấp dẫn về một chủ đề thoạt nghe rất khô, rất cũ về kinh tế chính trị. Tác giả dũng cảm khai phá một chủ đề độc và khó: công cuộc làm ăn của các nhà tư sản dân tộc trước biến thiên của lịch sử - cuộc chuyển mình của thành phố trong khoảng 10 năm đầu sau ngày giải phóng Sài gòn. Nghiệp chướng góp một tiếng nói thuyết phục vào tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc; giải ảo những giá trị mà nhiều người còn mơ hồ; giải mã những bí ẩn lịch sử Sài Gòn những năm đầu giải phóng, với bước chuyển mình đầy đớn đau của những tầng lớp tư sản, trí thức, cả thành phần được xem là tệ nạn xã hội trong nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc, khẳng định giá trị con người. Tác giả bộc bạch: Viết là để hòa giải. Tôi không có cách nghĩ nào khác điều đó khi cầm bút. Viết để tiếp tục gây đau lòng nhau, gây lở lói thêm những vết thương vừa khép miệng thì thật đáng tiếc. Dĩ nhiên để hòa giải cần phải nêu đúng các sự kiện từng diễn ra trong lịch sử nhưng với một cái nhìn bình tâm hơn. Ta đã có một độ lùi dài đến 40 năm rồi, ta cứ để cho cảm xúc tiếp tục ngậm ngùi nhưng phải hòa trộn trong đó là sự cảm thông và niềm hi vọng...”. Phân tích "giải mã", "giải ảo" trong "Nghiệp chướng" là một câu chuyện dài, phải đọc, nghiền ngẫm tác phẩm bộ ba gồm "Mật đạo", "Ngẫu tượng", "Nghiệp chướng" của anh mới có được cái nhìn xuyên suốt và thấu đáo. Anh sống già rồi mới viết nên chín, những trang viết đầy trải nghiệm. Điều đáng khâm phục là thái độ sống, sự chừng mực, dũng cảm của anh trong trang viết. Anh không ngần ngại đối mặt với những lời chất vấn, dám đi giữa "hai làn sóng" thời cuộc, điềm đạm trước sự khích bác rằng anh quá khôn ngoan, luôn tạo cho mình một vành đai an toàn khi chạm đến một đề tài khó... Thoạt đầu cũng có chút hoài nghi nhưng khi hiểu chàng trai 17 tuổi năm ấy chọn con đường ở lại Sài Gòn, giữa lúc dòng người di tản tìm mọi cách ra đi, với sự phiêu lưu, dám chấp nhận và trả giá để được sống và quan sát một sự kiện lịch sử "long trời lở đất", cơ hội ngàn năm có một khi Sài Gòn đổi chủ thì ta không ngạc nhiên trước cái nhìn thấu đáo, bao dung của anh sau gần nửa thế kỷ trước cuộc chuyển mình của lịch sử, sự dích dắc của số phận. Chọn tiểu thuyết chuyển tải câu chuyện, Lưu Vĩ Lân bộc bạch: "hư cấu để gần với sự thật hơn". Gây ấn tượng mạnh mẽ của "Nghiệp chướng" là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Không chính diện cũng không phản diện, Luân là một nhân vật xuyên suốt để quan sát. Người đọc tự hỏi Luân trong "Nghiệp chướng" hay Lưu Vĩ Lân ngoài đời với nội tâm phong phú, những cơn sóng lừng giấu bên trong. Một trí thức đến từ phía đối lập, lý trí mà đa cảm, khép kín mà thấu đáo, chừng mực biện chứng mà sâu thẳm cội nguồn... Cũng không ngạc nhiên khi tiểu thuyết "Nghiệp chướng" của Lưu Vĩ Lân được Liên hiệp các Hội VHNT trao giải A, giải văn học 2022 vì "Một tư duy xuất sắc về thế sự những năm 1975-1980; một ngôn ngữ tiểu thuyết xuất sắc", theo góc nhìn của một thành viên Ban giám khảo.

Năm 2021, lần đầu tiên Hội nhà văn TPHCM trao giải thưởng văn học thiếu nhi - một mảng văn học quan trọng nhiều năm dường như bị bỏ quên và Nhà văn Bùi Tiểu Quyên với truyện dài "Cà nóng chu du Trường Sa" được sự đồng thuận cao của Hội đồng xét giải. "Cà nóng" được yêu mến không chỉ vì sách được trình bày đẹp, tranh minh hoạ ấn tượng mà vì lòng trong sáng, nhiệt tình, thân thiện của chiếc máy ảnh mang linh hồn con người - một người trẻ với tình yêu cuộc sống và Tổ quốc nồng nàn, luôn mong muốn được kết nối, yêu thương và tận hiến. Tác phẩm kể về hải trình Trường Sa của nhóm bạn là những chiếc máy ảnh: Cà Nóng, Ni, So, Meica và bác Tê Lê. Bắt đầu từ buổi chào cờ trên bến cảng Lữ đoàn 125, nhóm bạn Cà Nóng đã có chín ngày đêm lênh đênh trên biển cả, đi thăm các đảo chìm, đảo nổi và nhà giàn tại quần đảo Trường Sa và thềm lúc địa phía Nam. Ống kính của Cà Nóng không bỏ sót cảnh đẹp nào giữa biển khơi, cũng như ghi lại hết những hình ảnh có ý nghĩa nơi đầu sóng: những đàn chim hải âu trên biển, dải cát nổi huyền diệu giữa biển khơi, đàn cá heo dẫn lối, những bình minh những hoàng hôn và đêm trăng lộng lẫy…Trên các điểm đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Nam, Đá Thị, Trường Sa Lớn, nhóm bạn nhỏ được tận mắt nhìn thấy cây phong ba, bàng vuông, biết thế nào là nhà giàn và được nghe những câu chuyện đẹp, ý nghĩa và cảm động về biển đảo; được gặp gỡ những nhân vật đặc biệt và rất nhiều kỷ niệm khó quên ở từng điểm đảo.

Tác giả chia sẻ trong lời cuối sách: “Tôi muốn kể với những người bạn nhỏ của tôi về Trường Sa, về biển đảo của Tổ Quốc mình, thông qua hành trình của một chiếc máy ảnh. Kể theo cách của một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đồng bằng từng có những giấc mơ về biển. Kể theo cách của một người trưởng thành đã biết hiểu và yêu đất nước mình hơn những giấc mơ xưa. Mong rằng, tác phẩm sẽ giúp bạn nhỏ thêm ít nhiều hiểu biết về quần đảo Trường Sa, những kiến thức về biển, về tự nhiên, muôn loài. Từ đó định vị được những giấc mộng trong thế giới kì diệu của tuổi mình. Và yêu biển. Nơi biển xa ấy, chính là Trường Sa và Hoàng Sa. Giữa trùng khơi có cây, có cửa, có nhà… Biển ấy là của mình”. Vâng, Biển ấy là của mình, một tình yêu, một xác quyết, để "Cà nóng" được nâng niu, đón nhận giải thưởng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn TP.HCM và Việt Nam.

"Ở đậu trong nhau" của Trần Đức Tín (Khét) là một phát hiện của Ban nhà văn trẻ. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Trưởng ban Nhà văn trẻ không ngừng nỗ lực và quyết liệt khôi phục giải thưởng nhà văn trẻ sau một thời gian dài bị gián đoạn. Cũng vì tâm quyết này mà anh bỏ nhiều công sức kiếm tìm, đọc tác phẩm những người trẻ bằng sự cầu thị, khám phá, nâng niu. Mặt khác, anh cũng rất chừng mực, khách quan khi nhận xét tập thơ Khét: "Ở đậu trong nhau" gồm 69 bài thơ., có cảm hứng chủ đạo là tâm trạng của người trẻ nhập cư đô thị, đối diện không ít thử thách tha hương và luôn ám ảnh nỗi nhớ quê nhà miền sông nước Cửu Long. Thơ Khét có nhiều ý tưởng mới mẻ và chịu khó tìm tòi về ngôn ngữ. Trong tập thơ "Ở đậu trong nhau" cũng có nhiều bài viết về tình người thời Covid...". Vâng, rất nâng niu đón nhận nhưng cũng rất cầu thị khách quan, đọc "Ở đậu trong nhau", tôi cảm nhận thơ Khét lớn hơn tuổi của mình. Không cố tình lặp lại ý tưởng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông nói ngày 30 tháng 4 năm 1975 hàng triệu người vui cũng có hàng triệu người buồn, trong "Tháng Tư là gì"; với cái nhìn sâu vào "khoảng lủng" để nhận diện nỗi đau; những câu thơ của Khét làm lòng ta nhói buốt:

"...mẹ sống trong khoảng lủng lòng mình

những khoảng lủng không bao giờ có nhành hoa nở muộn

giữa đại lộ Sài Gòn mẹ gạch chéo từng ô đất

nhìn lằn chỉ tay biết thằng hai vừa bơi qua sông cạn

ô đất bật tiếng nỉ non

nụ cười chiến thắng của ta có cái khóc mếu của mẹ

pháo hoa của ta tuôn như máu mẹ

tràng vỗ tay của ta và tiếng súng bắn vào lòng mẹ...
 

mẹ ơi

hũ cốt giữa đồng

hũ cốt giữa sông

hũ cốt nào cho lòng mẹ

hũ cốt nào cho tháng tư đau".

"Hai phía đời sông" của Nguyễn Vĩnh Bảo lần này mang đến cho người đọc sự ngạc nhiên thú vị về độ chín, từng trải mà mềm mại, uyển chuyển, giàu cảm xúc, thật dụng công trau chuốt ngôn từ. Không chỉ thế, những tứ khá độc đáo giúp thơ anh không trôi đi sau những câu chữ mềm như lụa. Thể thơ lục bát anh sở trường, nhuần nhuyễn giờ sâu thẳm hơn trong cái nhìn nhân thế:

"Cuối trời có một người điên

Cuối trời có một người miên man sầu

Cuối trời có cuộc bể dâu

Một người ngồi nhớ đẩu đâu một người"

Bản thân tựa đề tập thơ của anh đã là một tứ thơ: "Hai phía một đời sông". Anh yêu sông, luôn ám ảnh về sông. Sông gắn với anh những hoài niệm, trăn trở, day dứt cội nguồn, với khao khát cánh buồn ra khơi và cũng rất biết sự giới hạn của mình. Sông chảy đi, tứ thơ thì ở lại với giằng xé nội tâm khi tự vấn:

"Những dòng sông chảy mãi đến bao la

Tới rộng lớn mới biết mình bé nhỏ

Có khi nao ngắm bờ quên bờ nhớ

Lở và bồi năm tháng đã nuôi ta..."

Nhà văn Hoàng Phương Nhâm năm 2021 gởi đến độc giả tập truyện ngắn đầy ấn tượng "Sự đành hanh của số phận". 12 truyện ngắn của chị đều viết về chiến tranh nhưng điều khác biệt là chị viết về "mặt âm" của cuộc chiến. Hầu hết những nhân vật trong tập truyện của chị là ma. Những hồn ma của chị gợi độc giả nhớ đến "Liêu trai chí dị". Những hồn ma huyền ảo, thoắt ẩn thoắt hiện, luôn sống cùng người dương, lại trốn tìm trong sương khói lãng đãng, mong manh giữa hư thực. Nhưng điều làm người đọc mềm lòng, rơi nước mắt vì những con ma rất đẹp, rất hiền. Những con ma là hiện thân của mất mát, của cái đẹp bị chôn vùi, bị lãng quên... Ngòi bút của chị thật nhân văn khi chạm đến hai hồn ma từ hai phe cùng nằm lại trong hõm núi. Mấy mươi năm, "dưới vòm trời hình răng cưa", họ đã trở thành bè bạn, chia sẻ nhau những ký ức về những người thân yêu nơi dương thế. Khi người lính cách mạng được gia đình tìm được hài cốt đã từ chối trở về quê hương, quyết ở lại với bạn mình. Hồn ma lý giải: "Chỉ có ai đó đã từng mắc lại lưng chừng vách đá nơi khe sâu hoang lạnh như thế này hay lạc lõng, mủn oải giữa rừng già gần nửa thế kỷ thì mới hiểu hết sự vô giá tình bằng hữu".

"...Nghe nhắc đến mẹ, ờ lưng chừng khe, Vinh và bạn anh đều khóc. Chỉ nghe loáng thoáng tiếng người phụ nữ vâng, dạ, sau đó chị lại gọi:

- Anh Vinh ơi! Mẹ đang đợi các anh về! Cụ bảo phàm là người thì ai cũng đều do cha mẹ sinh ra cả.

Nghe nhắc đến đó, hồn vía bạn Vinh bất ngờ tan ra thành một làn khói mỏng làm Vinh phải đuổi theo mãi mới kịp"

Cũng có ý kiến cho rằng "Sự đành hanh của số phận" đơn điệu một giọng kể, chẳng có đường dây nào cả, các nhân vật chẳng ăn nhập gì với nhau. Nhưng gấp sách lại, tôi như bị những hồn ma của chị dẫn dụ, nhìn thấy một thế gới âm thật đẹp đẽ, thiện lương, nồng ấm tình người, để đồng cảm với phát hiện của Văn Công Hùng trong lời tựa cho tập truyện: "Khốc liệt, tất nhiên rồi. Chiến tranh mà. Mất mát, hy sinh, đau đớn, tiếc nuối, phí phạm, sai lầm... nhưng giờ, lùi lại, những hồn ma lại trở thành những điểm tựa để người sống tồn tại, sống và điều chỉnh hành vi". 

Tiểu thuyết "Chiều bình yên" của nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc được trao tặng thưởng văn học trong sự nuối tiếc của nhiều người. Tiếc nuối vì anh có được một câu chuyện quá độc đáo, quá nhân văn mà cũng vô cùng dị biệt: Hai người lính hai bên chiến tuyến đổi chỗ cho nhau, sau một trận bom không chỉ cày nát địa hình mà cày nát cả số phận của người được sống, không chỉ những năm chiến tranh mà còn dai dẳng đến hoà bình. Người chiến sĩ Nguyễn Văn Chi nhận nhiệm vụ áp giải tên tù binh Lê Hữu Ý trở thành tên tội phạm. Thật đau đớn khi anh càng nói thật, càng thanh minh thì càng bị bị hoài nghi, càng bị dùi vập, bạo hành. Còn tên tù binh với kiến thức quân sự được đào tạo bài bản từ quân đội VNCH, kết hợp với sự khôn ngoan, thức thời tạo được niềm tin của cấp trên, liên tục được thăng tiến. Điều tiếc nuối chính là cách giải quyết những mâu thuẫn giữa hai con người đầy nội tâm giằng xé này, giữa khẳng định và phủ nhận, giữa thù hận và tha thứ dường như còn nhẹ, khá đơn giản khiến độc giả đôi chút hẫng hụt. Tuy nhiên, "Chiều bình yên" góp một tiếng nói về sự hoà hợp hoà giải dân tộc, môt góc nhìn đa chiều về thân phận con người trong chiến tranh khốc liệt, sự bao dung và khát vọng hướng thiện. Những giá trị được gởi gắm vào "Chiều bình yên" của một nhà văn - cựu chiến binh thật trân quý.

Tặng thưởng văn học dành cho thể loại lý luận phê bình năm 2021 được trao cho "Sóng đồng và cây núi" của nhà văn Lê Quang Trang. Tác phẩm được chia làm hai phần. "Sóng đồng" tập hợp 17 bài viết đầy trải nghiệm, thiết thực của anh về lý luận văn học, chạm đến những đề tài khó như "kinh tế phát triển cần tương thích với văn hoá", "Hài hoà giữa yêu cầu xã hội và trách nhiệm nghệ sĩ"...; có những bài viết mang tính tổng kết, khái quát cả một giai đoạn rất quý như "Bốn mươi năm văn học Thành phố Hồ Chí Minh 1975 - 2015), "Tư tưởng lý luận văn nghệ cách mạng miền Nam"... Phần "Cây núi" là những bài viết về các nhà văn đi ra từ máu lửa cuộc chiến tranh với cống hiến cả cuộc đời và tác phẩm cho cuộc kháng chiến dân tộc. Anh cũng tự nhận ra độ khó của đề tài "tham vọng" này để bộc bạch:

"Sóng đồng và cây núi" là ẩn dụ hay đủ gợi nghĩ về những vấn đề nóng bỏng và tác giả tiêu biểu của văn chương dải đất này rồi.

Giải thưởng văn học năm 2021 từ thành phố từng là tâm dịch Covid, chịu nhiều tang tương, mất mát đã mang lại những tín hiệu vui về sự bức phá, khẳng định và tái lập. Cảm ơn những tác giả đã nỗ lực, miệt mài sáng tạo nên những tác phẩm khẳng định nội lực văn chương mạnh mẽ, phong phú, nhiều màu sắc từ thành phố trọng điểm kinh tế, văn hoá phương Nam, nơi hội tụ nhiều tài năng, nhiều tính cách, nhiều khát vọng... Tiếp nhận những tác phẩm, Hội nhà văn Thành phố vừa lo vừa mừng. Lo vì sợ vòng tay hội quá ngắn không bao quát được hết những tiềm năng. Mừng vì trữ lượng văn chương thành phố thật giàu có, phong phú; với nội lực sáng tạo mạnh mẽ sẽ tạo nên những nhân tố mới, những bất ngờ thú vị. Vâng, văn chương luôn là điều bất ngờ nên chứng ta có quyền kỳ vọng ở mùa sau.

Trầm Hương
Trưởng ban sáng tác
Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM.

Một số tác phẩm của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa - Giải cống hiến năm 2021

Từ phải sang: Nhà văn Bùi Anh Tấn – Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ TP.HCM, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu – Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT TP.HCM, nhà văn Lưu Vĩ Lân, nhà văn Trầm Hương, nhà văn Bích Ngân trong buổi tổng kết trao giải thưởng 2021 và kết nạp hội viên mới.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm