TIN TỨC

Quang Chuyền: Sáng một tấm lòng lành

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-08-30 16:48:21
mail facebook google pos stwis
499 lượt xem

Bùi Phan Thảo

Với nhà thơ Quang Chuyền, đã có rất nhiều báo, đài dựng chân dung, phỏng vấn, viết về ông và thơ của ông. Những trình bày của tôi hôm nay, chỉ là góp thêm một góc nhìn về một đời người, một đời thơ khá đồ sộ, một sự nghiệp thơ vững vàng, đáng ngưỡng mộ.

Điểm nổi bật dễ thấy nhất của “Quang Chuyền – thơ và đời” là đậm tình. Đó là những tình cảm sâu sắc, đậm đà, cái tình chung bao la mà cũng là tình riêng nặng nghĩa. Tình trải trong không gian bao la của những vùng miền, đi qua thời gian của đời người thấu tỏ hết buồn vui, sướng khổ. Tình trong thơ đã được câu chữ làm cho mềm mại đi, như một lời tự sự, thủ thỉ chuyện trò nhưng cũng đầy nồng ấm như ngọn lửa trong bóng đêm, cho người về ngồi bên, hơ bàn tay lạnh giá sau quãng đường dài lữ hành…

Nhiều bạn bè, đồng nghiệp đến chúc mừng nhà thơ Quang Chuyền trong buổi ra mắt tác phẩm "Quang Chuyền - Thơ Và Đời"

Có người sẽ hỏi, cái tình ấy có gì mà lạ? Đúng là không lạ, rất quen nữa là khác. Nhưng cái tình là cái kết nối, đưa người đọc đến với tác phẩm. Tình làm cho thơ của Quang Chuyền đầy đặn lên và ý nghĩa hơn.

Tôi không hàm ý so sánh nhưng vẫn muốn nói rằng, Quang Chuyền viết thơ theo lối cổ điển và đơn sơ, không màu mè, làm dáng hay khoe khoang rối rắm. Có nhiều bài thơ viết theo lối hiện đại có hay và tình không? Có chứ. Nhưng cái tình nếu có trong những bài thơ này dữ dội quá, trần trụi quá, riết róng quá, có khi đầy những lập ngôn ngạo mạn nên không dễ để cảm thụ, sẻ chia, ít đi vào tâm trí người đọc. Nên tôi vẫn chọn thơ Quang Chuyền, cổ điển (classic), vẫn mang một nghĩa khác là mẫu mực, thơ chuyên chở tình đi như con thuyền trên sông và lắng nghe âm vọng đôi bờ.

Thơ Quang Chuyền từ đó lan tỏa, thấm sâu, soi vào bản ngã nội tâm. Hành trình thơ Quang Chuyền cho thấy ông luôn xốc vác, sẵn sàng nhập cuộc, đồng hành. Hành trình thơ và đời đúc kết lại, dù đầy những biến động, chênh chao, thì vẫn một tấc lòng chân thật.

Hãy xem chân dung tự họa của ông:

“Ta là một gã nhà quê/ bước đời không định, lạc về phố đông/ nắm tay vào có vào không/ những mong tóc ướp hương đồng đừng phai/ những mong bè bạn hơn tài/ cho ta tìm học thêm vài điều hay” (Tự họa)

Và ông tự nhận “tôi là gió thổi giữa đồng đất quê”. Gió hồn nhiên, phóng khoáng, người bộc bạch chân thành.

Ta sẽ gặp lại ông trong những câu thơ ông viết về đời sống, để thấy rõ hơn chân dung một nhà thơ nồng ấm nghĩa tình. Với ông, không chỉ là những con người ông gặp trên đường đời mà những miền quê ông qua ông sống, đều đọng lại ân tình yêu thương. Đó là miền quê Vĩnh Phúc nơi ông sinh ra, thành Tuyên ông sống thời niên thiếu, là vùng Việt Bắc thuở thanh niên trước khi đi bộ đội vào Nam: “Kỷ niệm đời ta là dòng sông long lanh/ lời hát những cánh rừng Việt Bắc”… Ông nhớ Hà Nội: “Tôi từ đi đứng chiêm bao/ đứng đi Hà Nội lối nào cũng em/ tôi từ ít nhớ nhiều quên/ sân ga lẻ bóng mình lên một tàu” (Thoáng qua Hà Nội). Ông yêu Sài Gòn: “Người đến Sài Gòn không lo áo rét/ người xa Sài Gòn có gió đi theo/ Sài Gòn đấy với tôi bến đỗ/ từ nơi này tôi đi đến trăm sông” (Có một Sài Gòn).

Nhà thơ Bùi Phan Thảo tham gia tọa đàm trong buổi ra mắt tác phẩm "Quang Chuyền - Thơ Và Đời"

Ông cảm về chợ nổi miền Tây Nam Bộ: “Người quê buôn bán kiểu quê/ nói năng thường ít so kè thiệt hơn/ chung nhau chớp bề mưa nguồn/ đổi trao cái khổ cái buồn cho nhau” (Chợ miền sông nước). Và phải yêu, phải là người quê mới có thể viết được những câu thơ da diết, cháy lòng: “Sầu đau cất kín trong nhà/ ước mơ, khao khát phơi ra đồng làng” (Người quê).

Thơ Quang Chuyền còn nặng những nỗi đau đời. Đời riêng của ông, thủy chung nhân hậu. Người con gái ước thề với ông bị tai nạn lao động nặng, lúc đó gần như tàn phế, ông vẫn một lòng cùng bà lập gia thất và trời như thấu lòng ông, hiền thê của ông khỏe mạnh dần lên, cùng ông dựng mái ấm gia đình, đi qua bao nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, nhất là những khi ông bị bủa vây bởi những tệ bạc thói đời, rồi ông bà vượt qua, để hôm nay chúng ta có một Quang Chuyền với thơ và đời nặng trĩu trên tay, ấm cả lòng người.

Đời riêng là vậy, nên ông sống nhân từ, khoan hòa, thơ ông cũng hướng về cuộc sống với lòng bao dung cũng là lẽ đương nhiên. Những biến thiên thời cuộc và cả cảnh vật, cũng thường tình, song ông dễ rung động thiết tha. Ông xót xa khi bến phà xưa đã dựng một cây cầu: “Nước cứ chảy, sóng hôn bờ bãi/ thương trăng khuya qua bến lạnh một mình” (Bến lạnh). Khi những giếng khoan thay thế giếng đào, cỏ rêu chen lấp lối chân xưa, ông viết: “Giếng làng từ ấy mồ côi/ đêm đêm chỉ có trăng soi lạnh buồn” (Tiếng gàu giếng thơi).

Chỉ một bông mía, ông nghĩ về sự tận hiến, đưa người đọc đến những chân trời liên tưởng:

“Lơ phơ mía trổ trắng bông/ lòng cây trống rỗng, rỗng không còn gì/ bao nhiêu mát ngọt cho đi/ thân sơ ruột bấc, bấc vì hoa thôi” (Bông mía)

Phải có sự tận hiến, cho đi mới có những ngọt ngào nhận về. Ở phía trống rỗng không còn gì đó, lòng người đọc cũng nương theo mà trắng cùng những bông mía phờ phạc trên đồng.

Dẫn ra những câu thơ trên, tôi cũng muốn nói rằng, viết theo lối cổ điển dung dị đó thôi, song thực ra vẫn rất mới. Mới ở cách nhìn, cách diễn đạt. Trong bài thơ “Phú Quốc một mùa trăng”, “hôm nay tìm em lại lạc vào ngày trước/ gặp núi hoang sơ như gặp thuở ban đầu”, như trò chơi ú tìm trẻ dại, em đã đem vầng trăng đi đâu. Bài thơ sáng lên bởi cái tứ bất ngờ, thơ viết ở đảo và “Tôi thành đảo/ giữa trùng khơi vời vợi/ ngắm biển, nhìn trời, chỉ thấy sắc trong veo”. Mấy ai ra Phú Quốc mà bỗng chòng chành, thấy mình thành đảo như ông, nếu không là thi sĩ?

Tứ thơ về một nửa nhiều người khai thác, nhưng với “Nửa trời trăng khuyết”, Quang Chuyền đưa ánh sáng câu thơ đi vào những một nửa để lòng người cứ cồn cào bởi quá nhiều dang dở, buồn thương:

“Từ ngày vắng bặt tin anh/ hình như một nửa trời xanh bạc màu/ chiến trường khuất nửa xa sâu/ mây đêm vương nửa khuyết vào vầng trăng/ nhà ta nửa lệch nửa bằng/ nắng chênh nửa sáng sương giăng nửa chiều/ cây nhang cháy nửa liêu xiêu/ tóc em bạc nửa vì nhiều buồn đau”…

“Nhà chia nửa sáng nửa chiều/ mới qua được nửa kiếp nghèo rạ rơm/ giá mà còn đủ mặt con/ mẹ đâu nên nỗi nữa buồn nửa lo”

Là một người lính, một nhà báo, một nhà thơ, và hơn hết là một người yêu quê, quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, nơi trưởng thành và cả quê hương Việt Nam trong lòng người dân Việt để luôn đau đáu tự hào, luôn phập phồng từng nhịp thở theo dòng thời sự, theo những nỗi niềm thế sự trầm luân.

Những đổi thay trong đời sống, sinh hoạt, lòng người, những bữa cơm nhà ít dần, máy lạnh đi vào từng ngõ xóm, đẩy nóng nực, nắng mưa ra ngoài đồng quê thì nhà thơ cũng thốt lên: “Từ ngày lối phố rộng ra/ nghĩa tình hẹp lại, ngõ xa nhà gần”

Bây giờ chỉ còn kỷ niệm quân ngũ, bạn bè người hy sinh, người mất liên lạc, người đau yếu bệnh tật, người nghèo khó triền miên, rồi câu thơ chùng xuống:

“Bây giờ nhìn ngược nhìn xuôi/ sao ngỡ mắt nhìn khập khiễng/ ai người kiếm ăn từng miếng/ ai dư của nả chất chồng/ bây giờ chỉ còn mong ước/ kiếp người bớt chút manh mong” (Thấp thoáng suy tư)

Những suy tư chắt lọc trong những bài thơ 4 câu, kiệm lời sâu ý, nhiều tầng cảm xúc:

“Tôi thường lục nhớ trong quên/ lắng nghe Thạch Hãn ngày đêm gọi về/ người nằm trong đất thành quê/ người nằm trong sóng biết về nơi đâu?” (Người nằm trong sóng)

Trồng cây, trồng người đều khó, nên “Ta vun vén một đời dâu bể/ để cuối cùng/ thấy lá toát mồ hôi” (Lá toát mồ hôi)

Có những điều ngỡ đơn sơ mà cùng nhà thơ ngẫm ngợi, lại thấy phải giật mình sau hồi chuông vọng mà không nghe không hay:

“Giật mình nghe tiếng sét/ giật mình nghe tiếng gà/ giật mình không nghe tiếng/ chuông gọi về phía ta” (Giật mình)

Cũng trong ý tưởng không thể thành lời là ý thơ chưng cất qua một diễn ngôn nhẹ nhàng, thấp thoáng một nụ cười, dù là nỗi đau:

“Cái đau không nói thành lời/ cái đau nép ở đứng ngồi lặng thinh/ cái đau khuất chỗ vô tình/ người đau không tự biết mình đang đau” (Cái đau)

Cũng như bao người yêu thơ khác, tôi khâm phục Quang Chuyền bởi ông viết lục bát rất hay rất đẹp. Với người làm thơ, viết một bài lục bát làng nhàng không khó song đời người làm thơ thành công, có khi chỉ một vài bài lục bát mà thôi. Còn với Quang Chuyền, đời thơ của ông lục bát chiếm dung lượng lớn, lại là những bài chất lượng đồng đều, hầu hết đều hay, nhiều bài rất hay, tạo nên thương hiệu thơ Quang Chuyền và ông đóng dấu triện đỏ chói bằng nhiều bài thơ lục bát.

Bao năm qua, sông Lô xanh ngắt đã đi vào thi ca nhạc họa. Sông Lô vào thơ Quang Chuyền nhiều thi ảnh đẹp, nhất là trong chiều mưa nhớ người:

“Giọt mưa sao lại phập phồng/ vỗ trên mặt sóng, lặn trong mắt người/ từ sau ngày ấy tôi đi/ mang theo cả tiếng thầm thì trong mưa” (Bóng người bên sông)

Những bến sông trong thơ ông được khắc ghi bằng lục bát như chẳng muốn con thuyền rời đi, mái chèo dùng dằng. Nhưng đời trai phải dấn bước, kỷ niệm xa xăm và hình bóng mơ hồ:

“Tôi đi từ bấy chưa về/ thành ra lỗi một lời thề với sông/ người xưa thì đã theo chồng/ còn đâu đò chở những dòng ca dao/ cầu vồng bắc nối chiêm bao/ bến quê từ ấy khuất vào dòng sông” (Bến quê)

Có những câu chữ thoạt nghe bình dị, vào thơ Quang Chuyền lại đẹp hơn lên, bởi tình thơ, tiếng lòng người thơ đằm thắm mà xao động:

“Lại nghe trăm ngả đường yêu/ đi đâu cũng gặp tím chiều em qua” (Sóng vỗ bên trời)

Trong nhịp chuông chùa, nhà thơ lắng nghe, luận giải về lẽ sống với những yên lành, xót xa, thiệt hơn, mất còn, trước sau trong kiếm tìm của lẽ phù sinh, và vọng âm từ lòng người trong những đêm đen:

“Chuông gần nối sóng chuông xa/ đường về cát bụi, cũng là đường chung/ ai nghe tiếng vọng chuông lòng/ thường đêm đổ nhịp lẫn trong chuông chùa” (Trong nhịp chuông chùa)

Thì vậy, giữ cho nhau tiếng lòng, nghe cho nhau tiếng vọng. Thấm cho nhau một câu thơ, một bài thơ, đã là tri âm. Thơ Quang Chuyền, vì thế, đi vào người đọc và ở lại, một cách lành hiền như con người ông. Để có buồn bao nhiêu đi nữa, cũng vượt qua, để sống, để nghĩ về đời với sự biết ơn và cầm bút, như để trả những món nợ ân tình.

B.P.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Minh Châu và sự đổi mới tư duy trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh cách mạng
Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông không chỉ gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ở những năm kháng chiến mà còn gắn với những tháng năm đầy ưu tư của thời hậu chiến với bước chuyển dạ diệu kỳ, chuẩn bị cho tiến trình đổi mới đất nước về mọi phương diện, trong đó có văn học.
Xem thêm
Hữu Thỉnh và chiến sĩ xe tăng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian nan khốc liệt của dân tộc Việt Nam trong gần một phần tư thế kỷ như một bản trường ca âm vang giai điệu trầm lắng bi hùng, đã phản ánh phẩm chất cao đẹp sáng ngời của mọi tầng lớp nhân dân ở cả ba miền. Những người tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cầm súng trực diện đấu tranh với quân thù có những chiến sĩ làm văn nghệ thuộc đủ binh chủng như: Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Anh Xuân (1940-1968), … và Hữu Thỉnh. Trong đó, xuất thân từ một chiến sĩ xe tăng, Hữu Thỉnh được coi là một gương mặt thơ xuất sắc nổi trội trong nền văn học có lửa của giai đoạn 1954-1975.
Xem thêm
Lê Quang Sinh và nghệ thuật phê bình thơ
Bài viết của PGS.TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Anh nằm đây – trẻ mãi tuổi hai mươi
Bài viết về thơ Trần Ngọc Phượng
Xem thêm
Lê Tiến Vượng và hai tập lục bát liền hơi
Bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương về hai tập lục bát của Lê Tiến Vượng xuất bản cuối năm 2016 (Lục bát khóc cười) và cuối năm 2018 (Lục bát phố).
Xem thêm
“Gặp” lại nhà văn Lưu Thành Tựu với “Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5”
Nhà văn Lưu Thành Tựu hiện là phó ban điều hành phân hội văn học, hội văn học nghệ thuật Bình Dương. Truyện ngắn Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5 của anh là tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi truyện ngắn Đông Nam bộ năm 2022, đã đăng trên vanvn.vn và Tạp chí Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh như một sự ra mắt sau khi tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Chất Folklore trong Lục bát khóc cười và Lục bát phố
Cầm hai tập thơ thuần thể loại lục bát quen thuộc, nghĩ đọc cũng hơi ngại bởi cứ đều đều một điệu, dễ chán. Nhưng đọc một vài bài mở đầu trong tập “Lục bát khóc cười” và “Lục bát phố” của Lê Tiến Vượng thì cảm giác ấy dần mất đi và thay vào đó là cảm giác hào hứng và thú vị.
Xem thêm
Trăn trở sự tồn tại người - Gía trị nhân bản trong thơ Văn Cao
Đọc thơ Văn Cao, ở nhiều thi phẩm như: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những người trên cửa biển, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá, Trôi, Thời gian, Cánh cửa, Thu cô liêu, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65, Linh cầm tiến… bạn đọc cũng có thể thấy sự đa dạng cung bậc cảm xúc, có xôn xao, có sâu lắng bâng khuâng… nhưng dường như chủ đạo vẫn là những thì thầm tự vấn, suy tư trăn trở, đau buồn và thậm chí nhiều khi hoang mang, kinh hãi, lo âu. Phải chăng, tất cả những thể nghiệm cảm xúc nội tâm ấy bắt nguồn sâu xa từ những “chấn thương” tinh thần của tác giả bởi tác động của hoàn cảnh sống? Và dưới tầng sâu lớp ngôn từ của mỗi thi phẩm ẩn giấu bao mỹ cảm mà chúng ta cần suy ngẫm“giải mã”?
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo mà đời vẫn say, mà hồn vẫn gió
Hôm nay 12/6, Nhà lưu niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019) được khánh thành tại đội 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Xem thêm
Số phận các nhân vật nữ trong tập truyện ngắn “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là nhà văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.
Xem thêm
Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá
Nhà thơ, nhà văn Lê Khánh Mai đến nay (năm 2024) đã ấn hành 12 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 chuyên luận văn học, 1 tập tiểu luận phê bình văn học, 1 tập tản văn và tuỳ bút. Sức sáng tạo ở một tác giả nữ như vậy là liên tục và rất mạnh mẽ. Thơ là thể loại chính của ngòi bút Lê Khánh Mai nhưng văn xuôi và lý luận, phê bình cũng đạt nhiều thành tựu. Tất cả làm nên tên tuổi của một nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của tỉnh Khánh Hoà và của văn học Việt Nam hiện đại.
Xem thêm
Trần Đàm đi tìm một bản ngã
Đã ngoài tám mươi mà mỗi lần theo ông, cánh hậu sinh chúng tôi cách ông cả giáp vẫn thấy hụt hơi. Đúng là không nói ngoa cả khi leo dốc, đường trường lẫn khi viết lách, chơi bời.
Xem thêm
Đọc Người xa lạ của Albert Camus bằng chiếc gương soi của chủ nghĩa hiện sinh
Giàu Dương Nếu triết học cổ điển đề cao bản chất và dấn thân vào việc tìm kiếm những định nghĩa về bản chất, thì trào lưu hiện sinh tập trung vào sự tồn tại của bản thể, lấy đó làm điểm khởi nguyên cho mọi sự phóng chiếu vào thực tại khách quan. Người xa lạ (L’Étranger) của Albert Camus ra đời như một dấu ấn sâu sắc của triết thuyết hiện sinh ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Là một triết gia, nhà văn tài hoa, Camus đã mở ra những cánh cửa để người đọc bước vào thế giới của “kẻ xa lạ” Meursault – một người đàn ông tự mình chọn lấy thế đứng bên lề của xã hội. Hành trình của Meursault không đi tìm một kết luận duy nhất của sự tồn tại mà chỉ trình bày sự tồn tại như nó vốn là.
Xem thêm
Một thế giới rất ‘đời’ trong sáng tác của Tản Đà
Nhà thơ, nhà báo Tản Đà (SN 1889), quê làng Khê Ngoại, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.
Xem thêm
Cây có cội, nước có nguồn
Nguồn: Báo Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Khát vọng Dế Mèn
Sự ra đời của Giải thưởng Dế Mèn cùng với phát ngôn của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đã chạm đến khát vọng lâu nay vẫn nằm đâu đấy trong những người yêu và hiểu rõ hiện trạng văn học thiếu nhi nước nhà…
Xem thêm