- Góc nhìn văn học
- Quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ
Quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ
Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh vừa phối hợp cùng gia đình nhà thơ Hải Như tổ chức buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của ông. Tới dự buổi tọa đàm với chủ đề “Hải Như - một thế kỷ suy tư” trang trọng này có rất nhiều khách quý: PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành ủy viên, trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên; bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam; bà Nguyễn Mai Lan, Chủ tịch HĐ trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TPHCM; bà Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. HCM; ông Đỗ Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị trường UEF - Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM; đạo diễn Phạm Xuân Nghị, Hãng phim TFS TPHCM; bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Giám đốc Chi nhánh nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại Thành phố Hồ Chí Minh; nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều, Thường trực Đoàn Chủ tịch, Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM; đại tá nhà văn Trần Thế Tuyển, Chủ tịch hội hỗ trợ gia đình Liệt sĩ tại TPHCM; TS Phạm Thị Như Thúy, đại diện Phòng văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM; đại diện Hội đồng hương tỉnh Nam Định; đại diện Hội đồng hương TP. Hải Phòng...
Tại buổi tọa đàm, đã có nhiều tham luận và phát biểu sâu sắc về sự nghiệp văn chương và cuộc đời cố nhà thơ Hải Như. Văn chương TP. Hồ Chí Minh xin giới thiệu sau đây bài viết vừa đăng báo Văn nghệ của nhà văn Bích Ngân và bài thơ của nhà thơ Nguyên Hùng cùng một số hình ảnh tiêu biểu được lưu lại từ sự kiện ý nghĩa này.
Ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hải Như.
Nhà thơ Hải Như có họ tên đầy đủ theo khai sinh là Vũ Như Hải. Ông chào đời ngày 27 tháng 11 năm 1923 tại Nam Định, trong một gia đình thuộc dòng dõi Nho học và trút hơi thở cuối vào sáng ngày 30 tháng 6 năm 2017 tại thành phố Hồ Chí Minh, quê hương thứ hai của ông.
Những ngày cuối năm 2023, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Hải Như, công chúng nhận ra rõ hơn một hành trình cầm bút cẩn trọng, trách nhiệm và tâm huyết khiến đồng nghiệp thế hệ sau càng thêm trân quý và nể phục. Nhà thơ Hải Như thực sự đã để lại một chân dung sáng tạo được bồi đắp cả hai yếu tố, tác phẩm và nhân cách.
Nhà thơ Hải Như (1923-2017). Ảnh: Trịnh Hải
Khi nhắc đến một nhân vật có những đóng góp nhất định cho đời sống xã hội như nhà thơ Hải Như, không thể không điểm lại con đường ông đã đi cùng dân tộc. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, lúc còn là học sinh trường thành chung sư phạm Đỗ Hữu Vỵ tại Hà Nội, ông đã làm thư ký cho Hội truyền bá Quốc ngữ. Sau khi tham gia cướp chính quyền tại Nam Định, ông phụ trách công tác thanh niên Việt Minh huyện Mỹ Lộc. Ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông được giao phụ trách đội kịch lưu động huyện Nam Trực. Năm 1946, ông chính thức gia nhập quân đội và đảm đương vai trò thư ký tòa soạn báo Sông Lô của phòng chính trị liên khu 10 Việt Bắc. Năm 1949, ông được cử đi học lớp đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng, rồi về báo Vệ Quốc Quân (tiền thân của báo Quân Đội Nhân Dân bây giờ). Năm 1954, tiếp quản Thủ đô, ông chuyển sang làm báo Cứu Quốc. Đất nước thống nhất, ông chuyển vào cư ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh và làm Phó Tổng Biên tập báo Giác Ngộ cho đến ngày nghỉ hưu.
Đối với đại chúng, tên tuổi nhà thơ Hải Như được biết đến rộng rãi với ca từ của bài hát Thành phố hoa phượng đỏ phổ biến hơn nửa thế kỷ qua. Lời thơ của Hải Như tạo ra dấu ấn riêng biệt cho thành phố Cảng: “Chào phố biển lam lũ nhưng sống có chiều sâu/ Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”.
Không chỉ có tấm lòng sâu nặng với Hải Phòng, bước chân của nhà thơ Hải Như đã in trên nhiều vùng đất và để lại những câu thơ ân tình. Với Cố đô Huế, ông tha thiết: “Tôi gọi Sông Hương là con sông nhớ/ Chợ Đông Ba, tôi gọi chợ Chờ/ Tôi đến Huế mới ngày đầu ngắn ngủi/ Bị lạc đường trong chiếc nón bài thơ”. Với cao nguyên Đà Lạt, ông nôn nao: “Thành phố của những chiếc dù xinh/ Người yêu che cho người yêu đi trong mưa tình tự/ Thành phố hoa đầy vườn/ Tưởng nắm được mây bay/ Ta chẳng gọi xứ sở của thông, ta gọi: Quê hương mây vào cửa sổ”.
Thơ Hải Như giàu chất suy tư. Ông luôn ngắm nhìn xung quanh ở cả chiều sâu số phận lẫn chiều rộng văn hóa. Với quê hương chôn nhau cắt rốn Nam Định, nhà thơ Hải Như viết: “Nguyễn Khuyến sống rất vui với năm gian lều cỏ/ Nhà Tú Xương cửa không khép - đang chờ/ Chúng ta đến nhớ mang hoa theo đến/ Tiếng ếch kêu tưởng đâu tiếng gọi đò/ Mỗi ngõ trúc đều nặng hồn năm tháng/ Mảnh đất này giàu có những nhà thơ”. Còn với quê hương thứ hai là đô thị lớn nhất phương Nam mà nhà thơ Hải Như gắn bó những năm cuối đời, ông viết: “Thành phố này tôi đến tôi yêu/ Bởi dễ hiểu được gặp mình trong đó/ Thành phố bông bụt nhiều và cả bông sứ nữa/ Thành phố của những tấm lòng sau trước đỏ như son/ Chưa có nơi nào khuôn mặt quê hương/ Hiện rõ nét như nơi này đậm đà ý nhị/ Một tiếng Dạ cũng trở thành vũ khí/ Một tà áo bay nuôi ý nghĩ yêu đời”.
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, thì mảng thơ nổi bật nhất trong sự nghiệp của nhà thơ Hải Như là đề tài Hồ Chí Minh. Nhà thơ Hải Như quan niệm: “Tôi không làm báo về Hồ Chí Minh, không xưng tụng lãnh tụ mà thông qua nhân vật trong bài thơ của tôi người đọc rút ra được bài học hoặc liên hệ với mình, đó là chức năng của văn học. Làm thơ về đề tài Hồ Chí Minh, tôi mong muốn được gửi gắm, ký thác những điều suy nghĩ theo năm tháng, cuộc đời. Tôi viết về con người Hồ Chí Minh theo cảm nhận của riêng tôi và gửi gắm vào đó những nỗi niềm của mình chứ không chỉ minh họa cụ Hồ là lãnh tụ và công đức”.
Từ bài thơ đầu tiên Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi viết ngày 8/9/1969 đến những bài thơ cuối cùng trong cuộc đời mình, nhà thơ Hải Như đã chắt chiu những cảm hứng trong lành nhất, trìu mến nhất, sâu sắc nhất để sáng tác về đề tài Hồ Chí Minh. Khi điểm lại những tập thơ quan trọng mà nhà thơ Hải Như từng công bố, chẳng hạn tập thơ Trái đất mai này còn lại tình yêu in năm1985, tập thơ Bài thơ trên bến Nhà Rồng in năm 1990, hoặc tập Thơ viết về Người in năm 2004, ắt hẳn độc giả bắt gặp những trang viết lấp lánh về hình tượng Hồ Chí Minh.
Đề tài Hồ Chí Minh trong thơ Hải Như không dừng lại ở những mỹ từ ngưỡng vọng, mà thúc giục bạn đọc nghĩ về Bác Hồ bằng những tâm tư lắng đọng hơn. Mường tượng bối cảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống thuyền bôn ba tìm kiếm con đường cách mạng, ông viết: “Nước bị mất trước sau giành được lại/ Nhưng triệu triệu trang đời có lặp lại kiếp xưa không/ Sao cho mọi cuộc đời đều nhận ra chân hạnh phúc/ Áo cơm cần, nhưng mỗi con người đòi một mối cảm thông”.
Đặc biệt, hình tượng Hồ Chí Minh trong đời thường, được nhà thơ Hải Như nâng lên thành những bài học nhân sinh có ý nghĩa nhắc nhở mọi người: “Bác Hồ đi dép lốp cao su/ Đâu chỉ vì giản dị/ Mà vì lẽ cao hơn/ Ta lười nghĩ chẳng tìm thêm/ Khi trái đất này còn những trẻ em/ Chưa có đủ giày đi/ Người không sao sống khác” hoặc “Bác Hồ đứng/ Người sau không bị khuất/ Ta đứng (thường quên)/ Che lấp/ Bạn mình”.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là câu chuyện thường xuyên xuất hiện trong thơ Hải Như, ở nhiều cung bậc khác nhau. Thông qua hình tượng Hồ Chí Minh, những câu thơ Hải Như réo gọi từng người Việt Nam gạn đục khơi trong để hướng về phía trước, để hướng về chính nghĩa: “Ta hãy tự trả lời ta - Bạn hỡi/ Khi ta vui/ Và cả lúc ta buồn/ Tâm hồn ta có trong sáng đẹp hơn/ Trước phút đi xa Bác Hồ căn dặn/ Không đáng sợ kẻ thù trước mặt/ Sợ nhất/ Kẻ thù ẩn náu trong ta”.
Nhà thơ Hải Như cả đời lặng lẽ và miệt mài cầm bút. Ông có sức thuyết phục độc giả ở nhiều thể loại khác nhau. Ngoài tùy bút Xin ai chớ phụ hoa ngâu và tập kịch Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng, nhà thơ Hải Như còn có những trang tiểu luận mang tính gợi mở về biên độ thẩm mỹ của văn chương. Trong đó, ông nhấn mạnh vai trò của nhà thơ đích thực: “Theo tôi người làm thơ phải ý thức được quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ… Trước trang giấy nhà thơ không được quên đối tượng cần được thức tỉnh của mình bao gồm cả nhà cầm quyền”.
Hai góc độ quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ được nhà thơ Hải Như soi rọi không ngừng cho từng sáng tác của ông. Sự bái vọng các bậc tiền nhân đã cho nhà thơ Hải Như sự tin cậy “Quân thù giam lỏng Nguyễn Trãi tại Đông Quan/ Có hay đâu thơ Ức Trai có cánh/ Chở chí muốn thay đời bay tới mãi Lam Sơn” hoặc “Bà Huyện Thanh Quan tặng mỗi chúng ta một đèo Ngang có thể ta chưa tới/ Nhưng đã rung động đáy lòng ta. Hỏi đúng thế không em/ Giao thừa ở chân trời xa không có hoa đào vắng cả hoa mai/ Ta tắt điện đi và đốt nến/ Thắp một nén hương vòng: Tổ quốc bỗng hiện lên”.
Và từ bản thân, nhà thơ Hải Như kiên định sứ mệnh của mình: “Thơ của anh viết ra không để cho người lười suy nghĩ đọc/ Anh không thuộc dòng thù tạc - sân chơi/ Nhiệm vụ thơ ca với anh phải có ích cho đời/ Em xem đó, con người vẫn còn bị con người xúc phạm”. Mỗi bài thơ đối với nhà thơ Hải Như luôn cao hơn một thái độ, vì mỗi bài thơ là một danh phận: “Đi trên đất nước hôm nay tôi không mang theo giấy thông hành/ Tôi chỉ với những bài thơ/ Giấy thông hành của nhà thơ phải do chính nhà thơ tự cấp/ Vượt mọi thử thách thời gian/ Đi vào vĩnh viễn trái tim người”.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hải Như, những tác phẩm của ông được in lại, được đọc lại càng khiến đồng nghiệp và công chúng yêu mến ông hơn. Sự nghiêm túc nghề nghiệp đến mức quyết liệt “không viết để có, mà viết để còn” của nhà thơ Hải Như đã tôn vinh quyền uy thi sĩ trở thành vẻ đẹp cuộc đời: “Anh đi suốt dọc dài đất nước/ Vẫn mang theo hoa sữa bên mình/ Đêm anh ngủ hương hoa sữa thức/ Em hiện vào trong giấc mơ xanh”.
Nhớ nhà thơ Hải Như, còn là dịp để chúng ta cùng nhau xác định một sự thật, một xác tín: tác phẩm Hải Như vẫn còn tiếp tục sức sống ở tương lai.
Nguồn Văn nghệ số 50/2023
VÀI HÌNH ẢNH TẠI BUỒI KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH HẢI NHƯ
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, đón tiếp ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành ủy viên, trợ lý Bí thư Thành ủy TP. HCM, phát biểu cảm tưởng
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Đại tá nhà văn Trần Thế Tuyển
Ảnh: Nguyên Hùng