- Góc nhìn văn học
- Tại sao văn chương? - Chặng đường 40 năm Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh
Tại sao văn chương? - Chặng đường 40 năm Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Nhà văn TP.HCM, website Văn chương TP.HCM xin giới thiệu chùm bài viết được đăng trên Tạp chí Văn nghệ TP.HCM số 05 (ngày 23-12-2021). Mời quý vị và các bạn đón đọc.
TRẦN HỮU DŨNG
Năm 1976, Hội Trí thức yêu nước thành phố hình thành nhóm Giới thiệu sáng tác mới do Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Miên Đức Thắng, Hoàng Hiệp, Nguyễn Ngọc Thiện, Trương Thìn... và nhà thơ Lê Thị Kim đi trình diễn khắp nơi. Bài thơ Ra khỏi quán cà phê của Lê Thị Kim gây ấn tượng mạnh trong không khí náo nức những năm tháng nầy: “Ra khỏi quán cà phê gặp mùa xuân bỡ ngỡ / Như lần đầu biết tới mùa xuân / Như là ly cà phê thứ nhất / Ta nắm tay nhau bằng bàn tay thành thật / Chai sạn rồi mới hiểu bàn tay/ Mới hiểu vị ngon ly cà phê sau ngày vất vả / Ta dắt tay nhau vào cuộc đời mới lạ / Khi chúng mình ra khỏi quán cà phê”.
Năm 1981, Câu lạc bộ sáng tác trẻ Thành đoàn do ông Võ Văn Kiệt - Bí thư thành phố đỡ đầu, hoạt động đình đám, nhiều cây bút vào thời kỳ khởi sắc, chỉ vài năm sau trở thành tên tuổi trong làng văn nghệ: Nguyễn Nhật Ánh, Lê Thị Kim, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, Lý Lan… Đây cũng là năm thành lập Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, gồm ba nguồn chính; các nhà văn từ khu, Hà Nội về như Bảo Định Giang, Chim Trắng, Lê Văn Thảo, Viễn Phương…; các nhà văn hoạt động tại chỗ như Vũ Hạnh, Nguyễn Nguyên, Thế Nguyên, Sơn Nam… và lực lượng trẻ như Lý Lan, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Thị Kim, Thanh Nguyên, Hồ Thi Ca… (Họ thường tự hào ghi vào tiểu sử là Hội viên sáng lập). Nhà văn Lê Văn Nghĩa cho biết có viết bài tham luận nhân ngày thành lập Hội Nhà văn thành phố, đăng ở tuần báo Văn Nghệ thành phố vào tháng 5/1981, tôi nhiều lần lục lọi ở kho báo mà vẫn “biệt tăm”, không sao tìm được.
Những trang khép mở và giai thoại
Dấu ấn sinh hoạt văn nghệ thành phố trong suốt 46 năm qua còn lưu lại thật đậm đà, nhiều cảm xúc, linh động nhất trong hai bộ sách: Những trang khép mở - Trần Áng Sơn và Giai thoại của thi sĩ - Bùi Chí Vinh.
Những trang khép mở - Trần Áng Sơn gồm 3 tập, trên 1.300 trang (NXB Trẻ, năm 2002) “ghi lại một cách trung thực, có cảm xúc, những kỷ niệm về những người bạn thân, mới quen, hoặc chỉ gặp thoáng qua, nhưng kịp để lại những ấn tượng khó quên” (trang 5, tập 1). Tác giả tự bỏ tiền túi để in ấn, phát hành, bộ sách quý mà chẳng hề được dư luận quan tâm, chú ý, thật đau lòng! Trần Áng Sơn viết về Lý Văn Sâm, Kim Tuấn, Phạm Văn Hạng, Sơn Nam, Mai Trinh Đỗ Thị, Đoàn Vị Thượng, Phạm Thiên Thư, Lê Thị Kim, Trương Đạm Thủy…
Giai thoại của thi sĩ - Bùi Chí Vinh, phổ biến trên các trang web, dạng PDF, gồm 5 tập [1. Phát minh của thi sĩ; 2. Giai thoại của thi sĩ (Phần 1); 3. Giai thoại của thi sĩ (Phần 2); 4. Giai thoại của thi sĩ (Phần 3); 5. Giai thoại của thi sĩ (Phần 4)]. Đây là tập hồi ký của Bùi Chí Vinh viết về chặng đường hoạt động văn nghệ của mình với đầy đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố, thật sinh động mang đậm nét chủ quan riêng. Tập sách hé lộ chân dung nhiều người như Trần Bạch Đằng, Nguyễn Quốc Chánh, Chim Trắng, Sơn Nam, Trần Dzạ Lữ, Phù Hư, họa sĩ Ớt, Phạm Hữu Quang, Lưu Ngũ, Lê Duy Hạnh…
Thử trích lại một số đoạn từ Những trang khép mở - Trần Áng Sơn:
[Sau năm 1975, Hội Văn nghệ giải phóng tổ chức một khóa học bồi dưỡng chính trị cho giới hoạt động văn hóa nghệ thuật Sài Gòn, gồm tất cả các bộ môn. Qua khóa học này, tôi được gặp rất nhiều gương mặt nổi cộm trong giới cầm bút, trong số đó có tác giả bài thơ Anh cho em mùa Xuân: Kim Tuấn. Trong mắt tôi Kim Tuấn là một người dễ mến, hiền hòa, thơ cũng như người tròn trịa không góc cạnh, nhưng lại hơi hiếm giữa những người đầy cá tính hoặc cố tạo ra cá tính để vượt trội].
[… Cuộc thử nghiệm tổ hợp Văn nghệ không thành công, hàng ngày cái cảnh hàng trăm những “gương mặt văn nghệ” kéo đến Câu lạc bộ Hội ngồi tán gẫu chuyên đông tây kim cổ có lẽ đã làm cho các vị chức sắc của hội cảm thấy bỏ thì thương mà vương thì… vướng… Thời gian quả là liều thuốc thánh, đa số những “cây bút tự bỏ quên” bị dòng tồn sinh cuốn hút, kẻ gắng gượng dựng ngọn bút sĩ khí, người bị nợ áo cơm đành buông tay, vì thế mới có hiện tượng nhà văn, nhà báo đi làm xà bông bột, sản xuất kem đánh răng phỏng mồm phỏng môi. Hoặc như Phạm Thiên Thư pha chế rượu thuốc cường dương rủ bạn bè uống để khuya chống gậy đi tìm Động hoa vàng còn hay mất. Con đường đau khổ đến khoảng năm 1980 thì ánh sáng lấp lóe cuối đường, Câu lạc bộ Hội thưa dần những gương mặt đã có một thời gian dài là những ủy viên thường trực tự nguyện. Tôi trở thành nhân viên bảo tồn bảo tàng, đi lột bóc thời gian để tìm dư ảnh. Còn Kim Tuấn về Phòng Giáo dục quận 4 trở thành thầy ký, chúng tôi có cơ hội gặp nhau thường xuyên hơn. Tuy cả hai cùng làm cái nghề chẳng dính dáng gì đến văn nghệ văn gừng nhưng mỗi khi gặp nhau, bên ly cà phê “bang rắp” đắng lét, chúng tôi vẫn thường mơ đến ngày tác phẩm của mình lại xuất hiện. Chín năm sau, cơ hội đã đến với tôi, cuốn tiểu thuyết đầu tiên xuất bản sau giải phóng: “Kẻ buôn hoa hậu”. Kim Tuấn cũng tặng cho đời tập thơ mới: “Thời của trái tim hồng”. Thời gian tuy có nghiệt ngã nhưng ngẫm ra lại vô cùng nhân hậu, chúng tôi lại rong ruổi con đường mình đã lựa chọn. Dẫu có đắng, cay, ngọt, bùi, nhưng con đường ấy vẫn mở ra ôm lấy chúng tôi. Dẫu rằng người trở về đã qua mấy độ phong trần. Cũng đành!].
Và những kỷ niệm văn nghệ của Bùi Chí Vinh trong hồi ký Giai thoại của thi sĩ:
[… Tôi quyết định phiêu lưu xuống miền Tây theo đề nghị của báo Văn Nghệ TP để viết loạt phóng sự giang hồ về các cây bút lừng danh miền sông nước. Nhân sự chuyến đi gồm có Kim Tuấn, Trần Hữu Dũng, Vũ Ngọc Giao và tôi. Bốn người làm thành một phái đoàn mà thiên hạ gọi là Tây Du Ký. Còn phải hỏi, nhà thơ Kim Tuấn vốn tính tình điềm đạm nho nhã lại lớn tuổi nhất, là tác giả các bài thơ phổ nhạc nổi tiếng trước giải phóng như ANH CHO EM MÙA XUÂN, NHỮNG BƯỚC CHÂN ÂM THẦM… xứng đáng làm thầy chùa Tam Tạng thỉnh kinh. Nhạc sĩ guitar cổ điển Vũ Ngọc Giao vốn dĩ háo sắc, mê các em và mê nhậu hơn mê âm nhạc nên tục gọi Trư Bát Giới là phải đạo trời. Nhà thơ Trần Hữu Dũng thì lúc nào cũng ậm ừ, tịnh khẩu một cách bí ẩn thành thử được mệnh danh là Sa Tăng. Còn tôi tính khí ngang tàng, thấy việc ngứa mắt là phát biểu, giao tiếp rộng rãi cả hai phe chánh tà nên anh em phong làm Tề Thiên Đại Thánh. Phái đoàn chúng tôi lên đường chu du đủ lục tỉnh, làm nên loạt phóng sự nhiều kỳ HẢO HỚN MIỀN TÂY vang dội. Vũ khí duy nhất của tôi trong chuyến Tây Du Ký vẫn là những bài thơ tình đặc sản Nam bộ mà đồng nghiệp và công chúng yêu cầu đọc lên trong những đêm thơ].
[Như đã đề cập về mối quan hệ của tôi với các chính khách như Trần Bạch Đằng, Huỳnh Bá Thành… Kỷ niệm tiếp theo xem như một nén nhang thắp viếng linh hồn hai người đã khuất. Năm 1988, tôi lập gia đình tổ chức đám cưới ở Hội Liên hiệp Thanh niên do Huỳnh Tấn Mẫm chủ tịch Hội làm “chủ xị”. Quan khách có cấp bậc cao nhất tham dự lúc đó là Trần Bạch Đằng đương nhiên ở cương vị “chủ hôn”. Bàn của ông Trần Bạch Đằng tức ông Tư Ánh có mặt nhiều vị lãnh đạo cấp Thành phố. Lúc lên phát biểu, chú Trần Bạch Đằng có nhắc nhở vợ tôi rằng “Lấy thằng Vinh là con phải trang bị một khẩu súng để bóp cò lúc cần thiết”. Câu nói vừa hài hước vừa mang tính ẩn dụ đã thắt chặt tình chú cháu hơn bao giờ hết, thậm chí pha chút tình phụ tử bởi tôi là một đứa trẻ mồ côi cha từ năm 17 tuổi (cha tôi chết năm 1971 vì những vết thương do bị tra tấn trong nhà tù khi hoạt động cách mạng). Những lần đến nhà ông, lúc đi với Nguyễn Quốc Chánh lúc đi với vợ con, hai chú cháu đều tranh luận nhiều chuyện nảy lửa. Nguyễn Quốc Chánh khoái đấu khẩu với “chú Tư Ánh” về chính trị, còn tôi chỉ thích lạm bàn quanh vấn đề văn nghệ chuyên môn và nhân cách kẻ sĩ. Vài lần thấy chú Tư đăm chiêu trước sự phát biểu cực đoan của Chánh, tôi có quay qua hội ý với thím Tư (là cô Chơn, cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp, vợ ông Trần Bạch Đằng) thì thím Tư Ánh cười hiền hậu “Không sao đâu con à. Thím rất thích được nghe tuổi trẻ phản biện về chính trị”. Khi tôi ví von Trần Bạch Đằng là một Nguyễn Trãi thời nay nhưng thiếu minh chúa Lê Lợi thì ông có vẻ chột dạ. Ông hỏi tôi “Mày nghĩ về Nguyễn Trãi ra sao?].
[Còn Bùi Giáng tiên sinh đương nhiên thuộc về đẳng cấp khác. Ông và tôi không phải huynh đệ hoặc thân thiết tri kỷ nhưng khi gặp nhau chưa bao giờ ông dèm pha biếm nhẽ thế hệ sau mình. Giai thoại giữa tôi và ông độc đáo hơn nhiều. Cách đây hơn 20 năm tôi và Hồ Lê Thuần (con trai cố Bí thư Thành đoàn trước 1975 là Hồ Hảo Hớn) vi hành xuống miệt Gò Vấp chợ Long Hoa lúc nửa đêm. Nhằm vào lúc Bùi Giáng rời chùa Long Huê gần đó ra chợ quậy tưng bừng khói lửa với một cây chổi rách tượng trưng cho ấn kiếm. Gọi là ấn kiếm vì Bùi Giáng luôn vỗ ngực xưng vương bất cứ lúc nào cao hứng. Đêm đó chúng tôi ngồi uống rượu vỉa hè chứng kiến “vua cỏ” Bùi Giáng làm bà con chạy tán loạn và nhìn ông múa chổi tiến về phía chúng tôi. Ông vừa đi vừa khạc thơ rồi dòm trừng trừng vào mặt tôi. Trong cơn say xỉn ngất trời, Hồ Lê Thuần xúi tôi đọc thơ đáp lễ. Thế là người ngồi người đứng xuất khẩu thành thi qua lại liên tục. Không biết Bùi tiên sinh “phê” thơ tôi ra sao, chỉ biết người tự động quỳ xuống bàn chúng tôi dâng cây chổi rách lên và tuyên bố “Đêm nay Trẫm thay mặt cựu hoàng Bảo Đại giao ấn kiếm cho thế hệ Hồ Chí Minh”. Câu nói đầy tính “chính trị” và đối phó của Bùi Giáng bắt buộc tôi phải nhận cây chổi và làm một bài thơ tặng ông tại chỗ, có chép lại nhét túi ông đàng hoàng, xin mạn phép ghi ra đây để khép lại lời đồn về sự “tâm phục khẩu phục” của tôi trước Bùi Giáng].
Chân dung văn học và tại sao văn chương?
Không thể không nhắc đến trụ sở 81 Trần Quốc Thảo - Hội Liên hiệp VNNT thành phố, nơi có quán Nghệ sĩ, tụ tập các dân trong làng nghệ thuật như Hồ Bông, Phan Nhân, Trịnh Công Sơn, Ung Ngọc Trí, Thảo Phương… Biết bao câu chuyện, giai thoại cũng lan truyền từ nơi đây, sôi nổi nhất là các câu thơ tạc dựng chân dung lẫn nhau. “Huy Tưởng tưởng mình có uy/ Ai ngờ uy ấy do mình tưởng ra” của Bùi Chí Vinh hay của Long Điên, một kẻ lãng du rày đây mai đó “Giáng đã đi rồi, Sơn cũng đi / Ngàn xưa đâu có Giáng, Sơn gì / Ngàn sau đếch có Sơn và Giáng/ Dắt díu nhau về, dắt díu đi!”. Đó là hai nhân vật lừng danh nhà thơ Bùi Giáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chưa hết Mặc Tuyền lại vẽ ngược lại chân dung Bùi Chí Vinh “Bùi (buồi) đầu trọc làm sao có Chí / Nhục còn chưa có, nói chi Vinh”.
Ở đây là sự giễu nhại, hài hước, hóc hiểm lẫn nhau, khác cách vẽ chân dung bằng thơ của nhà thơ Xuân Sách với các văn nghệ sĩ miền Bắc, lại mang mầu sắc “hậu hiện đại” đậm đà hơn. Lắm lúc tôi nhẩm lại các câu thơ trên, nhận ra đây là cách nói hớ hênh, vô thức (Freudian slips) theo phân tâm học, luận ra nhiều điều “ẩn mật” lấp ló phía sau câu chữ mà càng thương cho “thế giới văn nghệ” nhỏ bé nầy!
Đôi phen ngồi nghe các nhà văn lão thành trăn trở về nghề, nói về những kinh nghiệm tâm huyết, đây là cách tôi học nhanh rất quí, không có sách vở chỉ nghề viết lách nào bằng được. Họ băn khoăn, đau đáu về các đứt đoạn của mỗi nhiệm kỳ 5 năm của Ban chấp hành Hội, các cuộc hội thảo, dự trại viết sao cho tác phẩm có chất lượng, hiệu quả, sự trây ì, trơ tráo của những kẻ hám danh trong giới… Tôi từng nói đùa: “Mỗi nhà văn là một vũ trụ riêng, cô đơn, xa lạ, đầy hỗn mang, khó hiểu. Thật ra riêng từng người sáng tạo phải tự thân vận động là chính!”.
Tôi nhớ nhất lần đầu tiên bay ra Hà Nội dự Hội nghị Viết văn trẻ năm 1994, nhà văn Sơn Nam - khách mời danh dự, rớt nước mắt khi nhìn cảnh thủ đô sau bao năm cách biệt. Hay lúc nhà thơ Diệp Minh Tuyền bảo, nhân trao giải cho 20 nhà văn, nhà thơ trẻ năm 1995: “Lần nầy Hội Nhà văn thành phố quyết định trao hết giải thưởng cho cánh trẻ như cách công nhận sự đóng góp văn học của các bạn”. Nhà văn Trần Nhã Thụy nhắc đến lớp viết văn nầy như Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Thị Kim, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Thanh Nguyên… và gọi đây là “thế hệ vàng”. Hàng hàng lớp lớp các nhà văn đi về cõi bên kia như Trang Thế Hy, Sơn Nam, Nguyễn Lương Vỵ, Huỳnh Phan Anh, Chim Trắng, Lê Văn Thảo… để lại những tác phẩm hay, đóng góp vào nền văn chương cả nước. Lớp sóng sau luôn gối đầu lên sóng trước, thành phố có những “thế hệ vàng” nối tiếp như Bích Ngân, P.N. Thường Đoan, Phan Hoàng, Trầm Hương, Nguyễn Ngọc Thuần, Lê Thiếu Nhơn, Trần Nhã Thụy, Bùi Anh Tấn, Trương Nam Hương, Phan Trung Thành, Lê Tú Lệ, Cao Chiến, Lê Minh Quốc, Lại Văn Long, Phan Hồn Nhiên…
Những câu hỏi lớn, vấn đề gai góc trong văn học - nghệ thuật thành phố vẫn phơi bày ra đó, làm sao thoát khỏi vùng trũng văn học châu Á, cuộc hòa hợp và hòa giải văn nghệ giữa các miền sau 46 năm hòa bình, bộ mặt văn hóa, văn nghệ thành phố hiện nay ra sao, đâu là hướng phát triển, thế mạnh của lớp viết trẻ…
Nhà văn Mario Vargas Llosa trong bài viết “Tại sao Văn chương? |Why Literature?”: [Borges luôn luôn cảm thấy bực mình khi bị hỏi: “Văn chương dùng để làm gì?”. Dường như ông cảm thấy đó là một câu hỏi ngu xuẩn; với câu hỏi đó, ông chỉ muốn trả lời: “Chẳng có ai lại hỏi tiếng hót của chim hoàng yến hay cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp để làm gì”. Nếu những cái đẹp như thế hiện hữu, và nếu, nhờ chúng, cuộc sống bớt xấu và bớt buồn đi, dù chỉ trong một thoáng, thì việc tìm kiếm những lý do thực tế để biện giải cho nó không phải là quá đỗi nhảm nhí sao? Nhưng cái câu hỏi ấy dù sao cũng là một câu hỏi hay. Bởi vì tiểu thuyết và thơ không giống với tiếng chim hót hay cảnh mặt trời lặn xuống chân mây; bởi vì chúng không được tạo ra một cách tình cờ hay tự nhiên. Chúng là những sáng tạo của con người, và bởi vậy, người ta có quyền hỏi tại sao chúng được sáng tạo, chúng được sáng tạo như thế nào, mục đích của chúng là gì và tại sao chúng lại tồn tại lâu đến như vậy].
Đọc ý kiến trên của Mario Vargas Llosa an ủi tôi rất nhiều, tạo nguồn sinh lực mới trong công việc theo đuổi viết lách hiện nay. Chặng đường 40 năm qua là chặng đường dài, từ 70 hội viên ban đầu đến nay gần 500, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh phát triển và vươn lên thế nào tùy thuộc tầm nhìn, ý chí của từng thành viên cầm bút và Ban chấp hành Hội. Chính xác hơn là từng hội viên phải đối mặt với màn hình, bàn phím hay trang giấy trắng, tự hành xác, khổ nhọc tinh thần để đi hết con đường sáng tạo mà mình mơ ước.