TIN TỨC
  • Truyện
  • Thêm chuyện hậu Covid | Truyện ngắn dự thi của Hội An

Thêm chuyện hậu Covid | Truyện ngắn dự thi của Hội An

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
431 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Nhà tôi lại có giỗ. Lần này là giỗ ông nội tôi. Mỗi năm nhà tôi có 4 cái giỗ bên ngoại và 3 cái bên nội. Người chủ trì lo toan đều là tôi. Chẳng phải vì tôi giỏi giang nội trợ, cũng không vì đảm đang chu toàn. Đơn giản chỉ vì con cháu em út cả 2 bên nội ngoại tại thành phố này đều đang đi làm, trong khi tôi hưu trí cả hơn chục năm nay nhưng vẫn còn đủ khỏe.

Mẹ tôi đã quá già nên chỉ còn vai trò để nhắc nhớ ngày giỗ và phụ vài việc vặt. Vậy là tất tật các khâu chuẩn bị: từ đi chợ mua bó hoa, trái cây cau trầu chè xanh đến thực phẩm và nấu nướng thành cỗ bàn rồi bày soạn đều một tay tôi hết. Lần giỗ nào thành phần tham dự cũng ít nhiều khoảng vài ba chục người. Cho đến khâu cuối cùng dọn rửa sẽ có vài đứa con cháu xúm vào nhưng giải quyết lượng trái cây cúng và đồ ăn dư cho mấy đứa  mang về cũng lại phải có tôi lo nữa. Nghĩa là xong mỗi cái giỗ tôi thở phào để nằm mệt nghỉ ngơi vài ngày như vừa qua một trận bệnh vậy. Nhưng lần giỗ này được tin báo sẽ có anh Kỷ, ông anh họ xa và là trưởng tộc của chúng tôi tới dự. Anh từ quê mới vào Sài Gòn thăm con mấy ngày nay và nói sẽ bắt xe xuống dự giỗ. Có anh, cỗ bàn và lễ cúng của chúng tôi sẽ phải bài bản hơn trước.

*

Anh Kỷ là con lớn bác Cả tôi. Anh bằng tuổi tôi nên còn là bạn bè thời đánh khăng đánh đáo, chơi trốn tìm, rồng rắn lên mây, chơi ô ăn quan nữa. Chúng tôi thường tụ tập ở sân nhà thờ và khu vườn ông cố. Ở đó là vô số cây ăn trái xanh tốt sum suê. Mùa xuân thì hương hoa cau, hoa nhãn hoa mận thơm thoang thoảng cùng bầy ong mật vo ve rất chi là “tiên cảnh”. Mùa hè bóng râm của những cây nhãn cây mít và cả khu vườn đủ sức hấp dẫn tụ tập trẻ cả xóm. Thêm gió nam thổi qua tán lá mát rượi và tiếng ve râm ran trên tầng cao càng làm khu vườn thêm sinh động và đầy sức níu kéo. Chúng tôi chơi và chạy nhảy khắp nơi, chỉ trừ trong nhà thờ vì người lớn ngăn cấm sợ nghịch ngợm làm hư hỏng đồ thờ tự.

Dù ngày đó không có mấy trò điện tử hiện đại như bây giờ, nhưng làng quê thanh bình cùng mấy trò chơi dân gian cũng đủ cho chúng tôi chơi cả ngày không biết chán. Và trong kí ức mỗi người đều đọng lại một thời thơ ấu hạnh phúc.

Từ biệt tuổi thơ trong trẻo, tôi vào đại học. Và khi tốt nghiệp tôi vào công tác rồi lấy chồng cùng quê nhưng định cư tại thành phố biển này cho tới giờ. Còn anh Kỷ tuy thông minh lanh lợi và là đầu trò trong nhiều trò chơi tuổi thơ nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên đã rẽ ngang đi công nhân cầu đường ở quê chỉ sau khi học xong lớp 7. Đó là thiệt thòi của anh nhưng hình như lại là may mắn của dòng họ. Bởi tất cả anh chị em cùng lòng cố tôi sau đó đều học hành rồi tứ tán khắp nơi. Chỉ còn vợ chồng anh trụ lại và gánh vác tất cả trách nhiệm đổ lên đầu. Nào là việc hương khói giỗ chạp lớn nhỏ, có bao nhiêu người đã khuất thì có bấy nhiêu cái giỗ. Chưa kể những dịp giỗ lớn như giỗ Tổ, rồi rằm tháng giêng, rằm tháng 7 hay Tết Nguyên đán. Dù chúng tôi đã không còn ở quê nhưng những giỗ lớn như vậy cũng phải có đến dăm bảy mâm. Vợ chồng anh phải lo tất tật. Những người dự chỉ góp cho anh chút tiền, nhiều lắm là góp tay rửa chén bát khi xong cuộc. Con cháu đi làm xa hết cũng là khi mỗi nhà chỉ còn các ông bà già nay đau mai ốm. Việc đưa người đi viện hay kể cả chăm sóc cơm cháo cũng anh chị luôn. Nhưng đó chưa phải là việc lớn. Chuyện lo lắng cho cái nghĩa trang dòng họ và nơi thờ tự mới là đáng kể nhất, hao tốn nhất công sức của anh.

*

Đúng như dự đoán. Buổi giỗ có anh Kỷ bài bản hơn nên làm lộ ra những sai sót nhỏ của việc chuẩn bị. Vì khi còn sống ông tôi không ăn trầu nên tôi đã không mua trầu cau mà chỉ có gói thuốc lào và mấy li nước chè xanh thôi. Và đã có 2 bóng đèn quả nhót đỏ nên trên bàn thờ hết nến tôi cũng quên mua luôn. Gần đến lúc làm lễ nhưng anh xem xét cẩn thận và bắt tôi phóng xe đi mua bổ sung cho kịp. Con cháu và các em tôi đi làm về có đứa sớm đứa muộn nên trước nay mỗi lần giỗ, đúng giờ, có đứa nào thắp nhang đứa đó, đứa nào đi sau cũng không ngại vì thủ tục chỉ là thắp nhang. Nhưng hôm nay có anh, lúc làm lễ, anh bảo mọi người đứng nghiêm để anh khấn nôm. Và bài khấn của anh bài bản, đầy đủ, chi tiết rõ ràng và hay ho như anh đang đọc văn bản bằng giấy vậy. Sau khi anh về rồi, mẹ tôi nói mỗi năm anh phải chủ lễ nhiều giỗ nên quen và thành nghề rồi.

Nhưng khi xong giỗ ngồi uống nước thì tôi mới biết là anh không chỉ xuống đây thăm thú chúng tôi và dự cuộc giỗ. Mà chủ yếu là chuyện cái nhà thờ họ.

Hồi chiến tranh chống Mỹ, làng tôi nằm kề bên sông, cách trận địa pháo cao xạ chỉ vài cây số nên bom bỏ trúng làng mấy lần, có nhiều người chết và bị thương. Bởi vậy chính quyền quyết định di dời cả làng tôi lên vùng đồi cách đó 7 cây số. Theo đó nhà ông bà tôi và cả bà con trong chi họ cùng ngôi nhà thờ họ Nguyễn  đều cùng về nơi ở mới. Vì đã quá cũ, lại phải di chuyển nên nhà thờ cũng hư hỏng phải sửa lại nhiều lần. Chính anh là người chịu trách nhiệm sửa sang, làm thêm sân, thêm hậu cung để đủ chỗ đặt mâm ngày cúng. Và bây giờ, khi tuổi thọ cả trăm năm, nó hư hỏng nhiều đến mức nhiều người góp ý với anh là không nên sửa nữa mà xếp bỏ, làm lại.

Không phải bây giờ mà cách nay cả hơn chục năm, phong trào làm mới và xây lại nhà thờ cùng nghĩa trang ở quê tôi khá rầm rộ. Họ bên ngoại mẹ tôi cả nhà thờ Tổ họ Võ và nhà thờ chi họ đều được xây mới to vật vã cách nay cả dăm bảy năm. Nghĩa trang dòng họ cũng được quy tập và tu bổ hoành tráng. Còn nhà thờ họ Phạm, họ Lê trong xã thì đẹp đẽ khang trang tưởng như bước ra từ phim ảnh cổ trang của nước Tàu vậy. Chắc lẽ với vai trò tộc trưởng, hẳn anh Kỷ cũng tủi thân nên chuyến này quyết tâm lên cấp cho nơi thờ tự. Mặc dù các họ kia đều có con cháu đại gia có thể tài trợ chính cho việc xây dựng, Còn chi họ Nguyễn của tôi, con cháu đều giáo viên, công nhân và viên chức quèn nên sẽ khó khăn hơn. Nhưng anh nói người ta giàu thì làm to, đắp rồng chầu hổ phục trước cửa, long  xà quấn cột uy nghi bên trong, còn mình nghèo sẽ làm khiêm tốn. Làm nhỏ nhưng vẫn phải làm chứ không thể để nơi thờ tự dột nát tổ tiên trách giận được. Mình tận dụng được cái sân và hậu cung còn mới chưa phải làm lại. Nên cũng đỡ. Anh đã tính toán chi tiết hết khoảng ba trăm rưỡi triệu, chia đều mỗi đinh là 6 triệu, còn nữ nhi ngoại tộc tùy hảo tâm. Vậy là anh đã tính toán đâu vào đó. Nên chuyến vào Nam này anh sẽ đi hết những nơi có con cháu trong chi họ. Về lại Sài Gòn anh sẽ tới quận 7, quận 9, về Long An, ra Phú Yên… Vì việc họ mạc, anh lại một lần nữa vất vả, và cả tốn kém.                                                        

*

Sáng nay anh Kỷ lên xe về lại Sài Gòn. Anh dặn lại nhà thờ khởi công phải mấy tháng mới làm xong. Tiền anh đã có chỗ dự trù vay mượn trước nên nghĩa vụ mỗi đinh cứ từ từ lo. Bao giờ hoàn tất công trình có trả là được. Đón anh dự giỗ, mọi người đều hồ hởi, nhưng khi anh về rồi, cả mấy chị em tôi đều lắng lại, buồn bã.

Hào, em trai kế tôi gay gắt:

- Đang chạy ăn từng bữa không xong. Còn hiện chuyện phá bỏ xây lại nhà thờ.

Mẹ tôi nhỏ nhẹ ra chiều thông cảm:

- Cũng là sự chẳng đặng đừng. Làm thì anh ấy vất vả chứ sung sướng gì.

Hùng, em út tôi thì rầu rĩ:

- Anh 2 đứa con gái nên chỉ một đinh, chứ em 2 đinh là 12 triệu rồi. Sao anh ấy lại làm vào thời điểm hậu Covid này chứ?

Thúy em dâu tôi đồng tình:

- Trước đây mấy năm thì không làm đi. Hồi đó cũng chẳng dư nhưng còn đỡ…

Mẹ tôi đang gấp đống quần áo vừa lấy ngoài dây phơi vào. Bà dừng tay nhìn 2 đứa con trai, không giấu giọng nói nửa bênh vực anh Kỷ nửa thông cảm tội nghiệp cho con mình:

- Trước đây anh ấy còn khỏe, lại nhà thờ cũng chưa hư hỏng nhiều. Nay không đừng được. Với lại anh cũng sợ khi mình yếu rồi ai sẽ là người gánh vác việc này.

Đúng vậy. Nếu anh không đứng ra làm thì sẽ chẳng có ai. Ngay thằng Lục con trai anh và là kế nghiệp vai trò trưởng tộc thì cũng đang sinh sống ở Đức và chưa biết chừng lại lập gia đình, đóng đô bên đó, chẳng biết có định về nước không nữa. Năm nay anh Kỷ cũng 65 tuổi rồi. Mà anh chị em tụi tôi, có đứa nào ở quê đâu mà làm.

Hùng thở dài nhìn ra ngoài đường hẻm đang rộn rịp xe máy đi lại:

 - Biết thế hồi về thăm quê năm 2018 em giục làm từ hồi đó cho rồi.

 Các em tôi nói phải. Nếu làm cách đây mấy năm, chúng tôi cũng chẳng giàu nhưng với số tiền 6 triệu mỗi đinh cũng không quá lớn. Còn bây giờ…

*

Trước Covid, Hào có một tiệm cháo lươn tương đối có tiếng. Vì thu nhập khá và tương đối ổn định nên khi đứa con gái lớn tốt nghiệp Đại học Ngoại thương có nhu cầu đi làm cái thạc sĩ nước ngoài vì săn được học bổng, Hào đã duyệt liền. Con gái sang Đức được hơn năm thì dịch nổ ra, việc học cũng theo đó chậm lại. Việc làm thêm tự lo tiền ăn ở đều phải dẹp hết. Việc ăn ở tránh trú dịch nước họ lo cho công dân họ khá tốt, nhưng với khách lưu trú thì không hẳn. Vì trường học online nên sinh viên nước ngoài phải tự tìm nơi sinh hoạt ăn ở trong thời gian kẹt dịch cả năm thật khó khăn bộn bề. Học xong có bằng rồi cũng không thể về nước được. May mà còn có một gia đình bà chị họ xa ở bên đó cho trú nhờ. Kết quả cái giá cho tấm bằng thạc sĩ kinh tế ngành định lượng vào loại khó cũng kéo dài, tốn của con 5 năm và bố mẹ hơn 2 tỷ dù có học bổng. Lúc này dịch lan rộng, bệnh viện quá tải và tin tức về số người chết trên truyền thông thật rúng động. Vợ chồng Hào giục con về. Nhưng hàng không ngưng trệ. Việc đăng kí vé vô cùng khó khăn. Thủ tục đăng kí bị hoãn cã dăm lần dù tiền cò nhờ mua vé đã nhiều hơn tiền vé. Và tiền vé giải cứu thì nhiều hơn gấp dăm lần trước đây. Máy bay hạ cánh ở Nha Trang phải cách li khách sạn thêm 2 tuần, thêm tiền thuê tắc xi một mình một xe về nhà vì xe khách chưa hoạt động. Vô cùng tốn kém! Vậy mà về rồi cả nhà vẫn mừng quá chừng mừng. Mẹ nó đã khóc cạn nước mắt vì lo lắng. Thời điểm này, Đức là một trong những nước có số người chết vì dịch vào loại cao nhất châu Âu.

Tiệm cháo lươn của vợ chồng Hào dù đóng cửa vẫn phải chịu tiền mặt bằng một nửa cho 2 năm dịch cũng tốn quá trời. Sau dịch, dân nghèo đi, lại quen với việc ăn sáng tại nhà nên quán ăn chỉ lác đác khách. Không sang được quán cho ai thời điểm khó khăn, lại không trả nổi tiền mặt bằng nếu cố tình níu kéo nên Hào đành dẹp bỏ. Vợ Hào đi làm công cho người ta, Hào thì thất nghiệp chẳng thể làm gì ra tiền khi tuổi đã gần già. Con bé về nghỉ đến hết dịch mới xin được việc nhưng lương tỉnh lẻ cũng chỉ đủ chi phí cho mình nó. Bởi vậy bây giờ cái nghĩa vụ 6 triệu nhà thờ với nhà này đã trở nên quá lớn.

        *

Hùng cũng chẳng hơn gì. Đang là thợ cơ khí giỏi trong ngạch nhà nước, vì ham mày mò nghiên cứu, lại thấy cái máy công cụ CNC các xưởng cắt tôn, cắt gỗ phải mua của Hàn Quốc với giá 400 triệu, Hùng mày mò, có những chi tiết máy phải mua và nhiều chi tiết tự mình cũng chế ra được. Cái máy đầu tiên lắp thành công với giá chưa đến một nửa giá thị trường. Thế là mạnh dạn thuê đất dựng xưởng xin giấy phép thành lập công ty và rao bán máy trên mạng giá chỉ 250 triệu, lại bảo hành cả 2 năm. Năm đầu Hùng cũng bán được 10 cái máy cho các địa phương trong Nam ngoài Bắc. Tưởng cứ đà này thì vợ con Hùng sống khỏe. Không ngờ đùng một phát dịch Covid. Hai năm nằm im đã đành, sau dịch cũng chẳng thấy nơi nào đánh tiếng mua như trước mặc dù còn chục cái máy chờ xuất nằm ế chật cả xưởng. Hùng không đến nỗi thất nghiệp như Hào vì vẫn vài nơi nhờ gia công những hạng mục cơ khí không có sẵn trên thị trường. Nhưng phải bươn chải trong tình trạng không có thu nhập ổn định và vốn ứ đọng hết trong máy ế cũng khiến cuộc sống vợ chồng Hùng và con cái sau dịch phải tằn tiện chắt chiu lắm mới đủ.

Nếu như tôi dư dả thì tôi có thể giúp các cậu trong chuyện này. Trước đây những lần anh Kỷ huy động tiền xây và sửa chữa nghĩa trang, tiền làm sân và hậu cung nhà thờ, tôi đều có đóng góp “tùy tâm” như mấy chị em gái trong họ. Nhưng cách đây mấy năm, thằng con tôi ra trường và khởi nghiệp thất bại đã tiêu hết cả vốn liếng bố mẹ, thậm chí khiến cả nhà rơi vào cảnh nợ nần. Tiếp theo là tình trạng chật vật chỉ hai người có lương nuôi hai người thất nghiệp trong cả 2 năm dịch. Chồng tôi nói đùa là nhà mình còn hên chỉ thiếu tiền chứ còn nguyên người. Nghĩa là còn hơn những nhà mất con mất cả mẹ cha do dịch.

Ai cũng biết nghĩa vụ xây nhà thờ không phải là thứ pháp luật bắt buộc. Nhưng nói như mẹ tôi cũng phải. Anh Kỷ đã tính toán đâu ra đó nên nếu chỉ vài người không nộp là công trình không thể hoàn thành. Và anh sẽ giải thích với những nhà khác trong họ nguyên nhân tại sao. Lúc này tên tuổi của nhà không nộp trở thành đề tài bàn tán, thành nỗi phiền muộn cho cả họ và là nỗi nhục cho nhà mình. Nên nó sẽ trở thành thứ luật bất thành văn. Giống như có bệnh thì phải đi viện và hao tiền vậy, dù đó là tiền mình có hay vay mượn.

Nhưng chẳng phải đợi lâu đến mức công trình dở dang, hoàn thành hay không thể. Ngay mấy hôm sau trên Group Zalo của con cháu họ Nguyễn đã có một bảng biểu kẻ sẵn từng hộ gia đình trong họ, số đinh, số tiền phải đóng nghĩa vụ. Ngoài ra còn có thêm dòng kẻ số tiền công đức, nghĩa là tiền ủng hộ thêm ngoài nghĩa vụ. Tôi nhìn vào cái bảng quá rõ ràng đó thấy trên một nửa số gia đình đóng công đức thêm mỗi nhà ít nhiều từ một vài đến cả chục triệu. Và các chị em gái họ ngoại cũng rất nhiều người đóng công đức. Tuy nhiên con số tổng cộng, theo hiểu biết tương đối về ngành xây dựng của tôi thì cũng chưa thể đủ cho một công trình nhà thờ loại nhỏ được. Mãi cả tháng sau thì chỉ còn thiếu trong danh sách đó mấy anh chị em tôi thôi. Tình hình này là không thể dùng dằng được nữa rồi…                                            

*

Đang bí rì lúng túng như gà mắc tóc thì chợt có cơ hội. Con bé nhà Hào sau thời gian mấy tháng làm tỉnh lẻ thấy cũng đủ kinh nghiệm để săn chỗ làm tốt hơn trên mạng. Một tuần sau nó thông báo với Hào là con lên Sài Gòn đi phỏng vấn vào một công ty sản xuất dây thừng. Bố nó ngạc nhiên. Dây thừng mà cũng phải có công ty sản xuất à? Hồi xưa ông nội con tự bện bằng sợi đay tại nhà đó. Ngoài chợ rẻ hều chứ được mấy đồng mà công ty với công xưởng? Con bé cười giòn tan. Nó bảo thời ông nội dây thừng chỉ để buộc mũi trâu. Còn giờ dây thừng phục vụ cho rất nhiều ngành. Để neo và lai dắt tàu vào bến cảng. Để làm dây buộc hàng cho cần cẩu bốc xếp. Để buộc ràng hàng hóa trên xe, trong kho hàng. Và còn dùng trong nhiều phương tiện khác với nhiều kích cỡ và chủng loại. Công ty này có 2 xưởng lớn và sản phẩm bán ra khắp thế giới. Nguyên liệu đầu vào là hạt nhựa các loại cũng phải nhập từ nước ngoài. Vậy nên cái vốn ba ngoại ngữ thành thạo của con không bị ế bố à. Thì ra thế! Hiểu biết của bố giờ lạc hậu rồi. Và chỉ một tuần sau, nó đã được nhận vào phòng thương mại của công ty với mức lương 2 ngàn đô. Việc đầu tiên là nó phô-tô bảng lương ra ngân hàng vay và gửi ngay cho bố đủ tiền gửi về quê thực hiện nghĩa vụ. Và nó cũng không quên gửi cho chú 6 triệu nữa gọi là cho chú vay dài hạn. Hùng cười xòa: “Nó vay để cho mình vay. Con bé thế mà giỏi”. Mẹ tôi cười mà mắt ngấn nước: “Ông trời cũng công bằng, con hơn cha là nhà có phúc”. Còn tôi thì thở phào bởi nếu không có con bé thì tôi cũng định đem sổ hồng căn nhà vay ngân hàng mà giúp các cậu. Bởi số tiền không quá lớn này tôi biết sớm muộn chúng tôi cũng sẽ trả được.

Tôi định không kể lại chuyện vặt này nhưng thôi, coi như chuyện có buồn có vui hậu Covid. Và như cô em dâu tôi nói khi nhận tiền con gửi về: “Nó học hết hai tỷ nhưng chưa chi đã giúp được cha chú ngần này rồi. Già cậy con là thế này đây. Chà! Cũng may! Chuyện tưởng khó lòng rồi cũng qua như vậy đó.

H.A

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm
Trăm năm hương Tết vẫn còn - Truyện ngắn Nhật Hồng
“Tết đến, già trẻ trai gái đều nô nức đón mừng, dù điều kiện kinh tế gia đình mỗi người có khác nhau, nhưng hương tết vẫn nồng nàn tha thiết, sum vầy cùng với bánh ngọt và hoa thơm”.
Xem thêm
Ngôi sao lấp lánh
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Gió bãi trăng ghềnh – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Má mày bị đánh đĩ rồi Nhơn ơi! Chưa kịp hiểu gì Nhơn đã bị Ngỡi lôi tuột ra chiếc xe đạp cũ mòn. Chiều in bóng trên bờ ruộng hai đứa nhỏ hấp tấp chở nhau đi như trối chết.
Xem thêm
Nữ bưu tá – Truyện ngắn của Hữu Đạt
Mỗi lần đến đơn vị bộ đội phòng không đưa thư hoặc báo, Phương để ý thấy một người – một người duy nhất – chỉ đến rồi lại ra về, với vẻ mặt trầm buồn. Đơn giản là chưa bao giờ Phương thấy anh ta nhận một lá thư, hoặc gói bưu phẩm của ai đó gửi cho cả.
Xem thêm