- Lý luận - Phê bình
- Thơ Nguyễn Trung Nguyên với không gian nghệ thuật đậm chất miền Tây
Thơ Nguyễn Trung Nguyên với không gian nghệ thuật đậm chất miền Tây
Bảo Bình
Nghệ thuật với chức năng miêu tả, phản chiếu và hướng tới đời sống con người, xã hội trong thực tiễn và khát vọng. Thì văn học, một trong những loại hình nghệ thuật, cũng nằm trong qui luật tất yếu đó. Nó vận động song hành cùng các thể loại, bên cạnh hội hoạ, điêu khắc… thì văn học lại mang nét riêng, đặc biệt là đối với sự miêu tả về thời gian, không gian. Người nghệ sĩ khi cầm bút, họ bám vào đường dây liên kết giữa Đời - Thực và Nghệ thuật để làm nên tác phẩm của mình. Mọi sự tái hiện, tạo dựng hình ảnh hay bộc lộ tư tưởng, tình cảm đều không giới hạn. Và không gian nghệ thuật là một kết nối liền mạch trong chỉnh thể đó.
Nhà văn Nguyễn Trung Nguyên
“Năm hàng dọc – những mộ bia đứng thẳng
Một hàng ngang – kia lau trắng cuối trời
Ba mươi năm! Nay điểm danh lần nữa
Những đứa – những thằng biền biệt xa quê!”
(Điểm danh đồng đội)
Khi đứng trước những đồng đội, giờ là những hàng bia mộ, tác giả đã “điểm danh” để rồi nhớ về “Cung đường ngày xưa bom rơi trụi lá/ Bồi đắp máu xương nay đã xanh màu”, nhớ cung đường trụi lá bởi bom rơi chính là nhớ về những tháng ngày sinh tử bảo vệ quê hương. Không gian ẩn chứa thời gian, nhắc nhớ những mất mát, hy sinh để đổi lại màu xanh đất nước.
Hồi đó, nơi nầy! Lộ Vòng cung chớ gì!
Vùng oanh kích tự do bom thù đổ xuống
Nhà thờ Ông Hào lời cầu kinh tắc nghẹn
Thánh ca buồn trên những xác người
(Uống rượu ở phong điền)
Không gian thực là bữa tiệc rượu, nhưng không gian nghệ thuật hiện ra là “hồi đó”, nơi “vùng oanh kích” với “bom thù” và “xác người”. Phong Điền ngày nay đã trù phú lắm, dưới sông xuồng ghe tắp nập, sau vườn cây trái trĩu cành, trạm trường, đường xá đã rộng mở… Không gian nghệ thuật hiện ra rộng lớn cả một vùng, kết nối quá khứ và hiện tại. Sống hôm nay, thụ hưởng những điều tươi đẹp của hôm nay, tác giả vẫn không quên nhắc mình về một thời kỳ bom lửa thương đau của dân tộc.
Hay ngậm ngùi hơn, là hình ảnh bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà mẹ của năm đứa con và một người chồng đã trộn máu xương mình vào đất vào nước của núi sông. Và cái không gian mâm cơm với sáu cái chén được bới đầy, nhưng chỉ riêng mình mẹ ngồi đó, đã cho ta sự thắt nghẹn nơi lòng “Mỗi bữa cơm bây giờ/ mẹ lại bới ra sáu chén/ đủ cả trai gái, vợ chồng nhưng chỉ mình mẹ ngồi ăn/ Người mẹ Việt Nam vĩ đại của chúng con” (Bữa cơm của mẹ) tác giả chọn tả thực, không vòng vo. Và từ ngữ được dùng để miêu tả, như “bới”, “chén”, “mình mẹ” kiểu “mình ên”… cũng rất đổi thiệt thà, rất miền Tây. Tương tự, trong “Đợi con” của tác giả Hiền Phương, ta bắt gặp hình ảnh của Mẹ Thứ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng với chín đứa con ra đi không ngày về “Mẹ ngồi sắp bát đợi con/Chín đôi đũa bát vẫn còn nguyên đây/ Mà sao vắng lạnh thế này/ Bát hương quyện những vơi đầy tâm can”, không trái tim nào là không nhói đau với hình ảnh ấy, không gian ấy. Cái không khí bao trùm của sự mất mát, và nỗi niềm lẻ loi, đơn độc đến ngậm ngùi của bà mẹ chín lần sinh nở, nhưng giờ đây chẳng còn lấy một đứa con bên mình. Còn chăng, là tiếng vọng của ngày xưa và hồn thiêng non nước. Không gian của sự mặc niệm và lòng biết ơn, nó xoáy vào tâm tư người đọc. Buồn và đau, như “Những nén nhang cắm trên đầu gió/ Sợi khói dồn thời gian trắng mái đầu (Những nén nhang cắm trên đầu gió), những vần thơ quặn lòng người và cũng ngập đầy niềm kiêu hãnh về người chiến sĩ, về người mẹ Việt Nam anh hùng.
Sinh ly tử biệt là hiện thực tàn khốc nhất, cũng là đau đớn nhất đối với con người. Nó như vết thương bất trị, chẳng thể lành, có thể trở chứng đau nhức và rỉ máu bất cứ lúc nào. Và có vẻ, tác giả bị ám ảnh nhiều về điều này trong cuộc trần ai vốn rất đổi vô thường.
Nhớ đêm nào chén rượu câu thơ
Dăm thằng bạn nghèo kề manh chiếu bạc
Mầy chết đi men nồng bổng nhạt
Ánh trăng vàng cũng tắt ven sông
(Chiều viếng mộ bạn)
Thi nhân với rượu và trăng đã từ ngàn đời nay là nguồn thi hứng bất tận. Thơ có loại sang, quý phái như nàng tiểu thư đài các và cả loại bình dân, mộc mạc như cô thôn nữ dịu hiền. Tức là ở mỗi phong cách và tư duy khác nhau, từ cổ điển đến hiện đại thì thơ đến với độc giả cũng đương nhiên là khác nhau. Cảm nhận của riêng tôi về thơ Nguyễn Trung Nguyên là loại thứ hai, thơ anh dung dị, gần gũi như lời ca dao của mẹ của bà. Chất phác, hào sảng như tính cách người đồng bằng, “mày-tao”, “thằng”… thoải mái cả trong thơ. Ở “Chiều viếng mộ bạn” ta bắt gặp “Ven sông” với “ánh trăng vàng” đẹp biết là bao, vậy mà nỡ tắt? Rượu bên manh chiếu bạc của tình tri kỷ là phải nồng, vậy mà bỗng nhạt? Vì sao? Vì bạn đã nằm sâu dưới mộ rồi. Tâm lý đó đã ảnh hưởng đến giác quan nhân vật, và phép kéo theo là không gian nghệ thuật cũng hiện lên trong sự âm u, tăm tối. Nhà thơ như muốn nói, khi không còn bạn thì cũng như đêm không có trăng vậy, rượu thì nhạt, sông thì úa màu. Cách tả cảnh phù hợp, bật lên được nỗi lòng nhân vật trữ tình trong niềm da diết nhớ thương về người đã khuất.
“Đuổi chuột ở nông trường sông hậu” là một bài thơ theo tôi là “đắt” về độ thâm thuý cần có ở thơ. “Trưa buông nắng lửa trên đầu/ Đồng xanh hiu quạnh, một tao với mầy/ Đừng buồn dẫu chết tan thây/ Đời thường vì lợi mà gây oán thù!”, đồng bưng nắng cháy hiện ra nơi nông trường sông hậu, và kẻ rượt đuổi chuột trở thành nhà lập ngôn. “Đời thường vì lợi mà gây oán thù” là một câu thơ hay, đủ độ sâu của ngôn từ khi ta đặt nó vào ngữ cảnh của đời. Từ đó, nâng tầm triết lý về hiện thực đời sống xã hội, và đẩy con người lên thành đối tượng được ẩn ý. Con người luôn là động vật rượt đuổi, rượt đuổi để sinh tồn, rượt đuổi để chứng tỏ sức mạnh, rượt đuổi để mưu cầu danh lợi…
Khi nói về tình bạn, về khí chất người đồng bằng, tác giả đơn giản mượn “rượu đế”, mượn cái kiểu uống nhà quê, phải “khà” sau cái “ót” mới thấy đã, phải “khà” mới là cái hào sảng của miền Tây,“Bạn chôn nhau cắt rún miệt đồng bằng/ Quen mùi đế, chê vị bia nhạt thếch/ Cứ nghe tiếng khà sau một ly rượu cạn/ Sẽ thấy ngay khí chất anh hùng (Bạn tôi). Nhà thơ Vũ Hồng cũng đã từng viết “Người phương Nam say thì say trọn/Người phương Nam buồn thì buồn sâu”(Người phương Nam).
Ly rượu với hàm nghĩa hài hoà tương sinh trong văn hoá người Việt là một nét đẹp tinh thần. Rượu lễ và rượu tình là khác nhau, và ở đây ta nói về ly rượu tình. Nâng ly cùng nhau và uống cạn, là thể hiện sự tôn kính, thương quý lẫn nhau giữa những người cùng mâm, Ly rượu nhỏ đó chỉ cốt ấm lòng người, kết chặt thêm cái tình của họ giữa cuộc sống phức tạp, bộn bề này (không uống để say chết, để mất kiểm soát, một hạn chế lớn về phong cách uống rượu bia thời hiện đại). Và ở đây, “khí chất anh hùng” sẽ hiển thị sau khi cạn ly, phải chăng, đó chính là cái phóng khoáng của người miền Tây? Hết bụng hết dạ với nhau là phải vậy. Rồi “Khi đất nước cần bạn lập tức lên đường/ Cầm súng cũng gọn gàng như cầm leng, cầm phảng/ Ném lựu đạn trúng đích như sạ lúa biết chổ dày, chổ mỏng/ Một chân để lại chiến trường chỉ chút cười buồn…/ Một vụ lúa thất thu (Bạn tôi), người đồng bằng có giỏi nào bằng giỏi cầm leng cầm phảng, giỏi mùa màng, và giỏi cả hy sinh. Dù không nói tới, nhưng qua “leng”, qua “phảng” thì không gian hiện ra là đồng ruộng, ao vườn… cái không gian tràn ngập tình yêu và nỗi nhớ của biết bao người con xa xứ mỗi khi nhớ về. Và rồi, khi tổ quốc cần, họ buông xuống những dụng cụ làm nông, trở thành người chiến sĩ kiên cường, gọn gàng tay súng và “chỉ chút cười buồn” khi “một chân để lại chiến trường”, người đồng bằng là thế, hiền lương mà dũng cảm, thật thà mà khảng khái, tiết nghĩa cả hy sinh tính mệnh khi cần.
Nói về tình yêu nam nữ, một đề tài của thi ca, Nguyễn Trung Nguyên cũng có cách nói của riêng mình, dù đó là cái chung của muôn người, của ngàn đời nay “Ta một đời chẳng dám khen chê/ Chẳng dám học đòi là “kẻ sĩ”/ Nhưng chắc chắn vì em ta sẽ/ Đổi triều ca lấy một nụ cười (Ngẫu hứng), khi yêu đúng là con người ta trở nên mãnh liệt đến dại khờ, nhà thơ cũng chẳng khác chi. Và không gian nghệ thuật ở đây là cả một kinh đô uy nghi, kinh đô ấy được dùng để chỉ đổi lấy nụ cười của mỹ nhân, lịch sử Chu Vương vì mê đắm sắc đẹp nàng Bao Tự mà lệnh thưởng ngàn lạng vàng cho ai khiến nàng có thể mỉm cười, bởi Bao Tự luôn đăm chiêu, âu sầu. Còn ở đây là nhà thơ, mượn ý người xưa để lột tả cái lãng mạn rất khôn cùng của trai đồng bằng, khi yêu là cho hết, cho tất cả những gì có thể, không chút e dè, toan tính, suy tư.
Cái nợ văn chương thi phú, ai đã cắm vào thì chỉ có nghèo với nghèo. Có người bạn đời nào của ông nhà văn, bà nhà thơ mà được sống sung sướng đâu? Nguyễn Vỹ trong bài “Gởi Trương Tửu” có đoạn “…Thời thế bây giờ vẫn thấy khó/ Nhà văn An Nam khổ như chó!/ Mỗi lần cầm bút viết văn chương/ Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương” nghe, mà thấy cái phủ phàng của nghề cầm bút. Nên ở đây, tác giả như dứt tình, lại như thương vô tận “Em nên đi lấy chồng đi/ Đời tôi đã hỏng còn gì đâu em/ Mang thơ bán chẳng ai thèm/ Mang đời buộc với áo cơm nhọc nhằn (Van em hãy đi lấy chồng). Bảo cô ấy đi lấy chồng, chính là vì không muốn cô ấy vì mình mà sống đời nghèo khó, nhọc nhằn. Rồi em đi lấy chồng, rồi anh có vui không? “Năm nay lại đến mùa nước lũ/ Mình anh khua nước bến sông xưa/ Em theo chim sáo bay đi mất/ Bần rụng trên sông đã mấy mùa (Mùa lũ năm xưa), đấy! Cái tình của nhà thơ đấy. Nhớ về “Người cũ” của Đặng Xuân Xuyến ,có đoạn “Rượu cũ bạc mùi còn cố khuấy/ Chén sứt miệng rồi chẳng chịu thay/ Bao năm biền biệt, khư khư giữ/ Vật đổi sao dời, mãi thế ư?!”. Điểm gặp nhau của thi nhân là vậy; Yêu, và xa; rồi xa, và nhớ; nỗi nhớ nhung chẳng vơi theo con nước, cũng chẳng chịu trôi đi, cứ khư khư mà giữ lấy. Dẫu đã mấy mùa, mà không gian xưa vẫn lắng đọng trong tâm thức, bần vẫn rụng bên sông và anh vẫn khua nước nhớ nàng. Thật ra, đó không hẳn là những gì của hiện tại, nhưng hiện tại anh đang nghĩ về nàng, đó là điều chắc chắn. Ở đây, không gian nghệ thuật đã làm sống lại mối tình ngày trước, hoặc ngược lại, mối tình trong lòng khiến cảnh vật xưa không ngừng tái hiện. Đồng bằng với những bến sông - nơi hò hẹn - nơi có gốc bần, có vạt nắng rọi ấm tuổi đôi mươi của bao chàng trai cô gái, để rồi tình vẫn mãi vương.
Ta ngã buồn theo hơi hướm em
Ta rơi theo giọt nắng bên thềm
Tháng tư nhiệt đới mưa hoài hủy
Mưa mãi và ta mãi nhớ em.
(Mưa tháng tư)
Văn học chiếm lĩnh hiện thực đời sống, và nó được phóng ra, diễn ra bằng một phương thức đặc thù. Ở đó, tâm tưởng, cảm xúc của nhà văn, nhà thơ được lý tưởng hoá, thẩm mĩ hoá bởi những hình ảnh gắn liền đời sống văn hoá của họ. Và vì thế, cái hay dỡ, nông sâu ở mỗi ngòi bút là khác nhau. Với thơ ca, loại nghệ thuật vi diệu, tinh tế nhất trong các loại hình nghệ thuật, thì điều đó càng không dễ dàng chinh phục. Đến với thơ Nguyễn Trung Nguyên, bạn sẽ bắt gặp một tình cảm thiết tha, nồng nàn dành cho đất và người đồng bằng, cùng một không gian nghệ thuật đặc trưng vùng sông nước, đậm chất miền Tây.
Cần Thơ, ngày 9/3/2024
B.B