TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt

Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-09-05 15:03:42
mail facebook google pos stwis
261 lượt xem

Hỏa Diệu Thúy

 

Bà Trưng quê ở Châu Phong,

Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.

Chị em nặng một lời nguyền,

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…

(Đại Nam quốc sử diễn ca)

Hầu như không đứa trẻ Việt Nam nào từ cấp tiểu học không nhớ đoạn diễn ca về Hai Bà Trưng, hai nữ anh hùng của lịch sử Việt Nam. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 43 sau công nguyên), cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống lại ách đô hộ một nghìn năm Bắc thuộc, giành lại nền độc lập tự chủ: Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta, được lãnh đạo bởi những người phụ nữ còn rất trẻ, mới qua tuổi đôi tám. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những biên chép về cuộc khởi nghĩa hào hùng ấy cũng như triều đại Trưng Vương không được đầy đủ, thậm chí chỉ được ghi lại mấy dòng ngắn ngủi trong sử cũ. Điều này là nỗi quan hoài của những người quan tâm đến lịch sử dân tộc, cũng là của các cây bút đam mê tiểu thuyết lịch sử.   

Bộ tiểu thuyết Trưng Nữ Vương (hai tập) của tác giả Phùng Văn Khai ra mắt như sản phẩm văn hóa giàu ý nghĩa tới độc giả, thỏa mãn mong muốn tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử tuy ngắn ngủi nhưng thật hào hùng, được dẫn dắt bởi những nữ anh hùng. Cầm trên tay bộ tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương không khỏi thán phục nội lực và niềm say mê cổ sử của nhà văn quân đội. Dường như cây bút họ Phùng này đã tìm trúng mạch sáng tạo cho riêng mình, nên chỉ trong vòng hơn mười năm, 7 bộ tiểu thuyết lịch sử liên tiếp ra mắt, lại tập trung ở phần “Ngoại kỷ”, tức phần cổ xưa nhất, ít tư liệu nhất trong cả chính sử lẫn huyền sử.

Bộ tiểu thuyết Trưng Nữ Vương gồm hai tập: tập một tương ứng với giai đoạn thanh nữ Trưng Trắc, trưởng nữ của quan huyện lệnh Trưng Định (Lạc tướng đất Mê Linh) xinh đẹp, giỏi võ nghệ nên duyên cùng Thi Sách, trưởng nam của huyện lệnh Dương Thái Bình (Lạc tướng đất Chu Diên), một trang tuấn kiệt. Hóa ra, cả hai đều dòng dõi Lạc hầu, là hậu duệ con cháu vua Hùng. Đất Mê Linh và đất Chu Diên, dưới sự dẫn dắt của hai Lạc hầu tài giỏi, khí phách, đã trở thành hai vùng đất hùng mạnh khiến các Thái thú được cắt cử trị nhậm từ phương Bắc xuống rất nể vì. Song, khi thái thú Tô Định, kẻ được trị nhậm thay thế là kẻ vốn tham lam, tàn ác, để thị uy, hắn trấn áp những huyện lệnh địa phương có uy tín, hùng mạnh. Huyện lệnh Mê Linh, huyện lệnh Chu Diên, huyện lệnh Bắc Đái đã vào tầm ngắm của hắn. Tô Định cùng với bộ hạ bày mưu giết những huyện lệnh uy tín này. Bạo ngược hơn nữa, hắn tiếp tục dùng thủ đoạn hèn hạ giết Thi Sách, trưởng nam huyện lệnh Chu Diên khi chàng thanh niên đang chịu tang cha. Tô Định không thể ngờ, tội ác vô nhân của hắn không những không làm cho dân Giao Chỉ khiếp sợ, mà ngược lại, đã thổi bùng ngọn lửa căm phẫn, bất bình của người dân nơi xứ sở thích bình yên, hòa mục này. Trưng Trắc, tuổi  mới qua đôi tám, trên đầu vừa mang tang cha vừa mang tang chồng đã phất cờ tụ nghĩa với lời hịch khí phách: Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng/ Ba kẻo oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này (Thiên Nam ngữ lục). Tập một của bộ tiểu thuyết dừng ở sự kiện: những thủ hạ sừng sỏ nhất của Tô Định được sai đi trấn áp mầm mống của cuộc khởi nghĩa như: Tào Quyên, Sầm Lân, Sầm Bá, Ngụy Húc… đều nhận thảm bại, kẻ bị chém đầu, kẻ bị chết trong đám loạn quân, kẻ đầu hàng nhục nhã. Sau khi hạ thành Cổ Loa, đoàn quân hừng hực khí thế kéo tới kinh thành Luy Lâu. Số phận của thái thú Tô Định và tư mã kinh thành Mã Tắc như cá nằm trên thớt.

Thành công của tập một hé lộ sức cuốn hút của lối viết sôi nổi, giàu cảm xúc. Người đọc thích thú được trải nghiệm với không gian Giao Chỉ xưa, vùng đất của những thảm rừng nhiệt đới rậm rạp nhiều muông thú, lắm ao hồ, sông ngòi, lại giáp biển, tạo nên những tập tục văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Người dân vừa giỏi săn bắn, chinh phục, thuần hóa muông thú, vừa giỏi sông nước, chinh phục thủy quái.

Ở tập này, độc giả còn được “diện kiến” những chân dung sống động: thanh nữ Trưng Trắc thông minh, xinh đẹp lại giỏi võ nghệ; chàng trai Thi Sách tuấn tú từ ngoại hình đến tính cách, tài năng. Họ là con của những Lạc hầu, Lạc tướng hùng mạnh. Được nuôi dưỡng, rèn luyện trong môi trường chọn lọc để trở thành những người kế thừa xứng đáng cai quản bộ tộc của mình. Điều này sẽ trả lời một cách thuyết phục cho câu hỏi: Vì sao một cô gái đang tuổi thiếu nữ lại trở thành lãnh tụ khởi nghĩa, biết tập hợp sức mạnh quy tụ lòng dân, dẫn dắt anh tài bốn phương, biết tổ chức trận đánh, biết dùng mưu nhử giặc, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều.

Tập hai mở đầu bằng trận đại thắng kinh thành Luy Lâu. Sau thất bại của Tào Quyên và các tướng sừng sỏ và khí thế vũ bão của quân Hai Bà, thái thú Tô Định và tướng Mã Tắc rút vào kinh thành Luy Lâu chờ cứu viện. Tuy nhiên, Trưng Trắc không đánh thành ngay mà dùng kế vây thành để bớt đầu rơi máu chảy. Kế hãm thành này khiến quân Hán lo lắng, kiệt quệ. Tên thái thú ngông cuồng Tô Định chịu không nổi phải cắt hết râu tóc, cải trang thành thương khách nửa đêm lẻn xuống thuyền chạy trốn. Đại tướng Mã Tắc hay tin hộc lên ngã lăn ra bất tỉnh, quân Hán buông vũ khí đầu hàng. Sau 1000 năm Bắc thuộc, cõi Lĩnh Nam trở thành nhà nước độc lập, tự chủ với cương vực rộng lớn từ Lĩnh Nội đến Lĩnh Ngoại. Lĩnh Nội có Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Lĩnh Ngoại là Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, tới tận hồ Động Đình. Triều đình Lĩnh Nam lấy Mê Linh, đất cũ của các vua Hùng dựng nghiệp làm kinh đô.

Ở tập 2, chân dung nhị vương Trưng Nhị xuất hiện cũng rất tài ba thao lược. Trưng Nhị như cánh tay phải, luôn sát cánh giúp chị tổ chức, thị sát, phủ dụ bách tính thị tộc, vỗ về các vùng thượng du hạ bạn, đặc biệt là các vùng Lĩnh Ngoại. Trưng Nhị đã chủ động cùng nữ tướng Lê Chân bài binh bố trận đánh úp thủy trại Hợp Phố. Hàng trăm chiến thuyền của tướng Đoàn Chí đang được chuẩn bị tiến đánh phương Nam bị các nữ tướng trẻ tuổi: Trưng Nhị, Lê Chân, Phật Nguyệt đốt phá tan tác.  

Từ gợi ý của chính sử, Phùng Văn Khai đã dựng lại những trận thủy chiến thư hùng như trận Hợp Phố, trận Hồ Lãng Bạc, trận cửa biển Đằng Giang …cho thấy cư dân phương Nam từ xa xưa đã giỏi sông nước, quen đánh thủy, lý giải các đời sau quân phương Bắc tiếp tục 3 lần đại bại trong các trận thủy chiến ở cửa sông Bạch Đằng.

Ở tập 2, tác giả tiếp tục tái hiện hình ảnh nữ quân vương tài năng, mưu lược và nhân hậu, đặt cuộc sống của muôn dân trăm họ lên trên thù nhà, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm nguyên tắc ứng xử với ngoại bang. Tiếc thay, thời gian dành cho công cuộc chấn hưng bờ cõi của Hai Bà quá ngắn ngủi. Không nuốt nổi mối nhục đại bại trước những thanh nữ phương Nam anh hùng, Hán Quang Vũ triệu cha con tướng Mã Viện đang trấn giữ mặt Bắc chống quân Hung Nô, phong làm Phục Ba tướng quân với quyết tâm thống thuộc lại phương Nam, lấy lại uy thế cho triều đình Hán Quang Vũ Đế. Tuy nhiên, kể cả khi lão tướng Mã Viện uy danh lừng lẫy kinh nghiệm chiến trường thân chinh trấn áp, quân Hán vẫn bị các nữ tưởng trẻ trung của Hai Bà đánh cho phải ôm đầu máu. Theo sử cũ, quân của Mã Viện sau khi bình định xong Giao Chỉ, trở về  chỉ còn một nửa so với lúc xuất phát. Song, trước một đội quân hùng hậu, quen chinh chiến trận mạc với những mãnh tướng dày dạn, lực lượng nghĩa binh của Hai Bà phần lớn là dân binh theo cờ tụ nghĩa, vũ khí sơ sài đã không trụ nổi. Nghĩa quân từng bước bị truy quét và tận diệt. Tuy nhiên, có một tồn nghi lịch sử chỉ được lưu truyền trong dân gian: Mã Viện phải dùng đến kế thứ 37 "Tam thập thất kế cởi truồng vi thượng sách" mới thắng nổi nghĩa binh của Hai Bà. Mã Viện (sau khi mất) bị các quan tấu lên lời đồn này, Hán Quang Vũ Đế tức giận tước thái ấp và tước hầu (!). Cũng theo dân gian, "Tam thập thất kế cởi truồng vi thượng sách" còn liên quan đến Lục Dận với khởi nghĩa của Bà Triệu, tuy nhiên, đây cũng chỉ là "lời đồn", tức ngoại sử. Dẫu vậy, lời đồn trong dân gian thường không ngẫu nhiên mà có, nhiều tình tiết kỳ ảo trong thần thoại, truyền thuyết tưởng chỉ có trong tưởng tượng, hoang đường ngày nay đã được chứng minh là có thật với sự phát triển của khoa học và ngành khảo cổ học. Chẳng hạn, Con ngựa thành Troy trong chuyện cuộc chiến thành Troy của thần thoại Hy Lạp; Nỏ Thần An Dương Vương trong truyền thuyết An Dương Vương; Gà chín cựa ngựa chín hồng mao trong thần thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh v.v… Thời gian luôn có tác dụng thanh lọc, nhưng những gì cứ sống mãi trong ký ức nhân dân chắc chắn có lý do tồn tại. Với thể loại tiểu thuyết, tác giả hoàn toàn có thể dựng tình tiết hư cấu này từ lời đồn của ngoại sử. Đó là tình tiết đắt giá, tiếc lắm thay!

Vẫn với lối kể hào sảng và dí dỏm, bộ tiểu thuyết hai tập Trưng Nữ Vương đáp ứng khoái cảm trí tuệ và thẩm mỹ bằng phông kiến văn phong phú, cách cài cắm chi tiết phục bút, kết hợp hài hòa ngôn ngữ hiện đại và cổ xưa, tác giả đã cho người đọc hình dung sống động về lịch sử một thời đại bi tráng, tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng kiêu hành của dân tộc.

Lịch sử dựng nước, giữ nước 4000 năm của dân tộc ta thật vô cùng hùng vĩ, hiếm có. Song, phần cổ sử, ngoài những dòng tổng kết, nhận xét sơ lược, chúng ta khuyết thiếu hẳn mảng văn chương có thể làm sống lại những trang sử hiển hách ấy.

Hành trình theo đuổi thể tài tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai gợi cảm giác về một người đang nỗ lực hoàn thành sứ mệnh được giao phó bằng toàn bộ ý chí và niềm đam mê. Tác giả đã từng bước hoàn thành bằng sự nghiêm túc, cẩn trọng, hết lòng. Thán phục và yêu mến lắm thay!   

H.D.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương
Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm
Đọc tập thơ Dọc đường máu của Vương Cường
Nguyên Hùng giới thiệu tập thơ mới của Tiến sĩ nhà thơ Vương Cường
Xem thêm
Vũ điệu tái sinh trong từng cơn đau
Bái viết về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” tập thơ của Trịnh Bích Ngân (NXB Hội Nhà văn, quý II, 2024)
Xem thêm
“Ai cũng có ngày xưa” của nhà thơ Trần Duy Hiển
Gió vẫn thổi suốt chiều dài trận mạc/ Người nhẹ nhàng nằm lại lúc vượt sông
Xem thêm
“Theo chồng về quê” của Mai Khoa – một bài thơ hay
Bởi yêu chồng từ lúc mới bén duyên/ Như tình biển yêu thuyền thương nhớ
Xem thêm
Trò Chuyện Với Thiên Thần – Những Tai Họa Thế Giới & Giấc mơ Việt Nam
Triết gia Hy Lạp Platon đã nói: “Thước đo của một con người là xem cách anh ta làm gì với quyền lực”. Thế nhưng, có rất nhiều người có quyền, vì lòng tham và ích kỷ cá nhân nên đã hủy hoại nhân cách và đất nước của họ (TCVTT/ Trương Văn Dân)
Xem thêm
Thi ca đương đại nhìn từ hệ hình nghệ thuật và chất suy tưởng của thơ
Sáng ngày 12.02.2025 tại Ninh Bình, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”. Dưới đây là tham luận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Xem thêm
Tôi đọc bài thơ Đừng sợ một mình của thi sĩ Trần Mạnh Hảo
Trần Mạnh Hảo và thơ ông đã sớm là “tín ngưỡng” đẹp nhất trong lòng của những người yêu thơ, quý chữ nghĩa chân chính. Từ thời còn trên giảng đường đại học, tôi đã từng nghe thầy tôi đọc những câu thơ trong trường ca Đất nước hình tia chớp. Từ đó, tôi bắt đầu săn sóc sự học, sự đọc về thơ ông.
Xem thêm
Hoàng đế Quang Trung, danh tướng bách chiến bách thắng
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hiếm có một anh hùng nào như Hoàng đế Quang Trung, xuất thân áo vải, cả đời chinh chiến, danh vang bốn biển, đánh giặc lập nước, tôn vinh văn hiến, khuyến học khuyến tài, những bậc quốc sĩ danh thần cảm phục uy danh mà theo về giúp rập. Đặc biệt, trong hai lần đại phá quân Xiêm La và quân Thanh, ông đã bằng vào tài năng quân sự thiên bẩm của mình, đánh cho lũ giặc phía Nam, phía Bắc phải kinh hồn táng đởm. Ông từng hào sảng tuyên ngôn trong Chiếu xuất quân khích lệ tướng sĩ khi hành binh ra Bắc Hà đánh tan 29 vạn quân Thanh
Xem thêm
Mùa Xuân trong thơ Dương Xuân Linh
Bài viết của nhà thơ Phùng Hiệu
Xem thêm
Xuân về, đọc thơ Trương Nam Hương
Tuấn Trần viết về tập thơ “Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương
Xem thêm
Tình yêu bển đảo trong thơ Lê Tiến Lợi
Nhà thơ Lê Tiến Mợi là một trong những người gắn bó lâu năm với nghiệp văn chương. Anh đã có số lượng tác phẩm khá lớn, trong đó một số sáng tác của anh đã chiếm được cảm tình của người đọc. Sau đây xin trân trọng gửi tới Ban Biên tập Văn chương thành phố Hồ Chí Minh bài viết về tình yêu biển đảo trong thơ anh. Xin chân thành cảm ơn Ban Biên tập khi được cộng tác với Văn chương thành phố Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Mảnh trăng tinh tấn hàng cau trổ buồng
Cảm nhận về tập thơ SỰ MẤT NGỦ CỦA LỬA của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Kẻ cày mây thu và gieo trồng muôn dặm sao
Bài viết của Tuần Trần về tập thơ “Những đám mây mùa thu” của Trần Quang Khánh
Xem thêm