TIN TỨC

Trương Nam Hương: Thi sĩ cầm tinh... con mèo

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-01-05 20:59:09
mail facebook google pos stwis
1036 lượt xem

NGÔ ĐỨC HÀNH

Trương Nam Hương là nhà thơ nổi danh từ lúc còn trẻ. “Mẹ cho anh tuổi Mèo tam thể”, (thơ Trương Nam Hương), nghĩa là ông sinh năm 1963, tuổi Quý Mão - Tết Quý Mão này, nhà thơ Trương Nam Hương vừa tròn “Lục thập hoa giáp”.

Những tập thơ tiêu biểu của ông như: “Khúc hát người xa xứ” (NXB Trẻ, 1990), “Cỏ, tuổi hai mươi" (NXB Văn nghệ, 1992), “Ban mai xanh” (NXB Đồng Nai, 1994), “Ngoảnh lại tháng năm” (NXB Văn học, 1995), “Viết tặng những mùa xưa” (NXB Thanh Niên, 1999) “Ra ngoài ngàn năm” (NXB Văn Học, 2008), “Thời nắng xanh & những bài thơ khác” (NXB Hội Nhà văn, 2022). Ở thời điểm kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, ông là hội viên trẻ tuổi nhất sở hữu giải thưởng thơ danh giá.

Trương Nam Hương, nhà thơ cầm tinh Quý Mão, nhằm mệnh Kim, đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá trong văn chương. Ở tuổi 28, ông vinh dự nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Thành tựu văn chương này là hạnh phúc lớn lao không dễ có được, nhất là khi tuổi đời, tuổi văn chương của ông còn trẻ. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam dành cho một tác giả, chắc chắn người đó phải có tài. Ông từng đạt danh hiệu “Nhà thơ được yêu thích nhất” do Báo Người lao động bình chọn, vừa lúc ông 29 tuổi.

Thơ Trương Nam Hương đa tầng, đa âm, đa sắc. Mẹ mất sớm. Mười hai tuổi, Trương Nam Hương theo gia đình vào Sài Gòn. Ám ảnh mồ côi, ám ảnh tha hương cứ đi suốt theo ông, đặc biệt mạnh mẽ và da diết trong những năm tháng tuổi đôi mươi. Chẳng phải tự nhiên, trong thơ ông có một “tôn giáo mẹ” trong tâm hồn nhà thơ Trương Nam Hương.

Danh từ “mẹ” xuất hiện trong rất nhiều bài thơ của ông, từ “Gió khuya”,“Băn khoăn”, “Chùa Vĩnh Nghiêm”, “Tuổi thơ”, “Dặn lòng”, “Ngỏ với trúc xinh”. Không có gì thiêng liêng bằng tình mẫu tử. Ngoài thân phụ, nhiều bài thơ, câu thơ về bà, về cha, về mẹ, về chị, về em rưng rức xúc động. “Tôi bước ra sân mắt trăng giàn giụa/ Cây thị lắc như bóng đồng nhảy múa/ Tôi gọi bà. Bà mất đã nhiều năm...”, (Cổ tích của bà). Cảm thức “máu chảy ruột mềm”, đạo lý “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” (Ca dao), chảy trên những câu thơ, dâng lên thành những tứ thơ xúc cảm. Bản thân thi ca là hướng nội. Nhà thơ vịn vào cô đơn tìm ra bản thể.

Dáng cha, bóng mẹ, tuổi thơ, quê hương... trong thơ Trương Nam Hương lồng lộng, xoắn xuýt, vừa giản dị, vừa sang trọng cho người đọc những cảm xúc đặc biệt. “Tết này nhà lại vắng cha/ Thuốc không thơm nữa ấm trà bớt ngon/ Cha đi về phía vuông tròn/ Trần gian lấm láp mãi còn nắng mưa” (Dâng cha).

Thiên chức làm cha định vị họ phải vững chãi và mạnh mẽ như núi; có thế mới nuôi dưỡng, chăm chút, yêu thương và dõi theo từng bước trưởng thành của con. Con mình luôn mãi non xanh, vụng dại và bé bỏng trong mắt họ.

Vì thế, khi người cha mất đi, Trương Nam Hương đã trải qua giây phút thẫn thờ, khi “ngọn núi” chở che, “bầu trời bao la” của mình không còn. “Con không tin có thiên đường/ Nhưng tin có thật nỗi buồn, cha ơi!” (Dâng cha). “Trong cha có một câu hò/ Trong câu hò có con đò sông Hương/ Trong sông Hương có nỗi buồn/ Trong thăm thẳm có vô thường thi ca...” (Lời thưa). Đây là những câu thơ của một thi sĩ tài hoa.

Dĩ nhiên, khi tiếng nói của bản thể trở thành tiếng lòng chung, người đọc thấy mình có ít nhiều trong văn bản. Tình cảm cá nhân, qua những bài thơ về cha, mẹ, bà... được người đọc rọi chiếu, nhận ra mình có trong trường cảm xúc của nhà thơ. Đó mới là sự thành công của thơ. “Hạt gạo ít, hoa gạo nhiều đến thế/ Bao gió bấc mưa phùn không đếm xuể/ Chỗ bà ngồi giông bão cũng vây quanh” (Cổ tích của bà). Ai cũng có nội, ngoại, cha mẹ; đọc riêng khổ thơ này, ai không nhớ bà nội/ ngoại của mình? Bài thơ còn vẽ lên hoài niệm về bà, bức tranh về làng quê, xốn xang một thuở.

“Mỗi đêm ngủ ta mơ thức dậy/ Khẽ quờ tay chạm cát sông Hồng/ Ai mới thả cánh bèo qua đấy/ Có chở giùm Quan họ theo không?” (Hồi tưởng). “Anh cứ tưởng tháng năm hào phóng lắm/ Thơ dại ngày anh lộc vừng lấm tấm/ Ngây dại ngày em xao xít dây bìm” (Tạp cảm).

Cứ thế, Trương Nam Hương hồi tưởng, tạp cảm về “Miền em”, về “Rơm rạ một thời tôi”, về “Cổ tích của bà”; về mẹ, về cha... “Nhặt tuổi mình” nơi “Góc cỏ”, nơi “Khói bếp xưa”. Phải nói rằng, bản đồ tâm hồn Trương Nam Hương rậm rịt cỏ may, dây chạc chìu... của thời “Hoa vàng một thuở”. Trương Nam Hương là người nặng nghĩa, nặng tình. Tập thơ xác tín ông là người hoài niệm, đa mang, đa sầu, đa cảm.


Nhà thơ Trương Nam Hương một lần ra thăm Hà Nội.

“.../ Con lam lũ của một thời/ Để khi khôn lớn nên người lại xa/ Mỗi lần nhìn khói ngang qua/ Tự dưng mắt nhớ quê nhà lại cay” (Khói bếp xưa). Dường như Trương Nam Hương sở hữu một kho báu nỗi buồn, nỗi buồn khách thể, ngay cả “Tiếng thở của mùa” nhập vào ông thành nỗi buồn chủ thể. Cứ thế dâng đầy lên. “Nghe mùa trở gió hoang mang/ Nắng mưa cũng nhạt thời gian cũng nhòa/ Tình người xa lắm là xa/ Chiều nay mùa thở đầy ta nỗi buồn” (Tiếng thở của mùa).

 “Mùa xanh”, “Gọi nhau mấy thuở”, “Bâng quơ”, “Cổ tích của bà”, “Góc cỏ”, “Bâng quơ”, “Hoa bất tử”... là những bài thơ sáng tạo về thi pháp. Mỗi khổ thơ chỉ có 3 câu, tứ chặt. Trương Nam Hương còn làm mới “thành trì” truyền thống của lục bát, làm mới đồng dao thành những bài thơ, khổ 3 câu, nhịp 8 chữ uyển chuyển, man mác. “Đi qua năm tháng gập ghềnh dại khôn/ Niềm vui bong bóng hào quang chập chờn/ Chiếc gai chìm khuất nhói vào cô đơn” (Ghi vội trên đường). Trong nhiều trường hợp, đồng dao truyền thống và đồng dao cách tân có mặt trong một bài, biến hóa, tạo ra nhịp điệu thơ mới lạ. Tức là Trương Nam Hương luôn biết làm mới, những điều tưởng cũ.

Tôi cứ phân vân, để ý, những bài thơ Trương Nam Hương viết về dòng sông, như “Trước sông”, “Lỗi hẹn sông Cầu”, “Sông Tiền ngày xa em”, “Gửi hai dòng sông quê”, “Nhớ sông Mẹ”, “Với sông Hồng”. “.../ Chỉ sông Hồng thương mẹ hát đơn côi/ Phù sa đỏ như miếng trầu mẹ quệt/ Ăn hạt gạo mãi giờ con mới biết/ Có sông và đời mẹ ở bên trong” (Với sông Hồng). Đấy là mới liệt kê trong tập thơ mới nhất “Thời nắng xanh & những bài thơ khác” của ông.

Trương Nam Hương gốc Huế, cha tập kết ra Bắc, mẹ là con gái Bắc Ninh. Anh sinh ra ở Hải Phòng, tuổi thơ gắn bó với Hà Nội. Trải nghiệm ấy giúp anh có được nhiều bài thơ, nhiều câu thơ thật hay viết về những miền đất ấy, đặc biệt là Hà Nội. “Tạ ơn Hà Nội trọn đời/ Nuôi tôi thương khó. Tôi thời trong veo...” (Hà Nội một thời).

Mỗi độ Xuân về, Trương Nam Hương càng nhớ đất Bắc, nhớ tuổi thơ và những lần theo mẹ lên chùa hái lộc đầu Xuân. “Mùa Xuân theo mẹ lên Chùa/ Oản xôi hóng nhận, chuỗi bùa hóng đeo/ Mẹ quì tôi nép quì theo/ Lạy từ ngọn cỏ lạy veo… tới trời!”. Xa Hà Nội gần 50 năm, ông vẫn giữ giọng Bắc, thích ăn cơm Bắc, và vẫn uống cà phê theo phong cách Hà Nội giữa Sài Gòn. Những ngày giáp Tết là lúc lòng ông nhớ đất Bắc vô cùng: “Sớm nay Sài Gòn thật lạ/ Mưa Xuân đất Bắc vương vào/ Anh mời heo may ghé quán/ Gọi cà phê nhớ xôn xao” (Lời mời tháng giêng).

Hà Nội trong ông đã thuộc về tâm thức, ông nhớ Hà Nội bằng cả linh hồn. Mỗi dịp Xuân về, Trương Nam Hương thấy lòng ngơ ngác. Ấy là lúc ông nhớ nhảy tàu điện ra Bờ Hồ xem bán mứt Tết, xem người lớn mua đào, mua quất, cả bánh chưng xanh, câu đối đỏ. Tiếng pháo tép rộn ràng trong góc khuất trái tim.

Thường người ta nhớ khổ đau, nhớ thời đói khát. Trương Nam Hương là thi sĩ, càng thế: “Tết nghèo bánh lá thay cơm/ Đồng xu mừng tuổi còn thơm mùi bùn/ Con cầm thương khó run run/ Muốn khoe với cả mưa phùn mẹ ơi!” (Nhớ Tết). “Tôi là người “mang” Hà Nội theo suốt hành trình thơ và những thăng trầm của đời mình”, Trương Nam Hương tự thú, giật mình trước tiếng chuông Nhà thờ Cửa Bắc. Mười hai tập thơ của ông, chưa tập nào thiếu vắng Hà Nội, thiếu vắng những khắc khoải về Hà Nội. Chưa Tết năm nào nhà ông thiếu cành đào Nhật Tân (Hà Nội), bên cạnh chậu mai vàng Sa Đéc (Đồng Tháp). Chừng ấy đã đủ đầy.

Là người “cầm tinh con mèo”, mỗi năm Mão đến, Trương Nam Hương dày lên hoang hoải. Nhà thơ nào cũng có nỗi buồn “đặc hữu”, Trương Nam Hương không ngoại lệ. “Hoa như môi người hớn hở/ Cánh tươi xòe nở nghiêng chào/ Lá mướt mở lòng đon đả / Đón làn hương ngát dâng trao” (Bình hoa Tết). “Càng nhớ mẹ những ngày giáp Tết/ Khói mùa xưa đọng mắt cay xè/ Con ra phố một mình đón rét/ Kiếm một niềm an ủi xa quê...” (Nhớ mẹ chiều cuối năm). Trương Nam Hương luôn nhớ một ngày Xuân, ông về quê mẹ, lắng mình trong những câu quan họ, với nỗi niềm bâng khuâng. “Bây giờ Quan họ bồng con/ Trúc xinh trúc đứng mỏi mòn đợi mong/ Ngày em bỏ hội theo chồng/ Mùa Xuân Quán dốc rối bòng rễ si ” (Mùa xuân quan họ).

Trương Nam Hương là nhà thơ có tài. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng ví von: “Tôi cầm tinh con gà suốt ngày lam lũ bới đất kiếm sống, Trương Nam Hương cầm tinh con Mèo - chú mèo thơ đài các trong ngôi nhà đẹp” (Nguyễn Quang Thiều: Những nhà thơ tuổi Mèo trong trí nhớ của tôi, Văn nghệ Công an, Xuân 1999).

Đọc kỹ thơ Trương Nam Hương, nhận ra ông không cầu kỳ, rối rắm về thi pháp, không tìm cách làm “xiếc chữ”. Thơ thi sĩ Trương Nam Hương là minh chứng của “quy luật muôn đời”, phải đơn giản hóa mọi phức tạp, đi từ mình đến người, từ tự do đến tất yếu. Chính sự giản dị, giàu cảm xúc, rưng rức nỗi người, mới làm tròn sứ mệnh của thi ca.

Nguồn: https://vnca.cand.com.vn/

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm