- Truyện
- Tô bún bò để lại | Tôn Thất Lang
Tô bún bò để lại | Tôn Thất Lang
TÔN THẤT LANG
Trong căn phòng ẩm thấp, tối thui, đơn lạnh. Hai anh em thằng Long, con Liên nằm cong mình, co quắp như hai con tôm. Hai anh em hơn nhau chỉ một tuổi, Long 9 còn Liên 8 tuổi.
Chúng nó rúc đầu vào chiếc màn cũ kỹ như muốn tìm hơi ấm trong đó. Chiếc giường trở nên rộng thênh thang cùng chiếc chiếu rách nhiều chỗ nói lên cảnh nghèo túng và nỗi sợ hãi giữa cảnh đơn độc. Liên đưa tay lắc nhẹ thằng Long:
- Anh ơi! Em nhớ mẹ quá, em không đi bán vé số nữa vì em không cần tiền. Có tiền mà làm gì? Em chỉ thích nghe mẹ hát, thích mẹ ôm em vào lòng, nhìn mẹ cười như ngày em còn bên mẹ.
- Nói nhỏ để ngoại nằm nghỉ, em ngủ đi ngày mai cố gắng đi bán vé số cho có tiền. Ngày kia anh dẫn em vào thăm mẹ.
- Thật nhe anh, nhớ giữ lời nghe…
- Thôi ngủ đi, mai còn đi bán nữa. Mà đi bán thì em phải lễ phép, nói năng nhỏ nhẹ, chứ đừng hằn học hay ngoe nguẩy nghe không?
- Dạ.
*
Hôm nay đúng ngày trại nuôi dưỡng những người AIDS cho phép thân nhân vào thăm người thân. Hai anh em Long đứa cầm ổ bánh mì, đứa thì cầm ca cà phê đá, đứng rón rén xin ghi tên thăm bà Linh mẹ của hai đứa.
Bà Linh ở trong khu nuôi dưỡng hết đứng lại ngồi rồi đi lui đi tới, hồi hộp chờ đợi ban quản giáo gọi tên mình. Đối với bà, tình thương con sâu nặng luôn chôn chặt trong lòng. Bà thở dài nhớ lại…
Linh lấy chồng khi tuổi 24, Linh có nét đẹp sắc sảo, nước da trắng hồng, dáng người thon thả. Thuở đó, Linh là cô gái bán bún bò ngon có tiếng, lúc sinh đứa con gái thứ hai thì chồng cô sa vào con đường ma túy lúc nào không hay. Lường trước những tai họa luôn rình rập. Linh tìm đủ mọi cách khuyên can. Nhưng bao nhiêu công sức đều đổ sông đổ bể. Khi chồng đã nghiện nặng phải bị đi tù vì mua bán ma túy, để lại hai con và bà mẹ chồng già. Không có tiền lo cho 4 miệng ăn, Linh phải đi bán dâm trong kiếp người tủi nhục và rồi Linh cũng dính vào con đường ma túy. Tất cả lỗi lầm đều do chồng Linh tạo ra. Một ngày u buồn ảm đạm đến với gia đình, Linh đưa tay tra vào còng vì tiếp tế thuốc cho chồng. Từ đó, gia đình ly tán, hai đứa con được bà ngoại nghèo đùm bọc.
Nhớ lại ngày còn gánh bán bún bò, hương vị nồi bún bò xông lên mũi Linh không làm sao quên được, tô bún không phô trương trình diễn vậy mà luôn tiềm tàng ẩn náu một sự chinh phục, nồi nước bún là linh hồn của tô bún, gia vị không thể thiếu được là sả và ruốc, sả tạo mùi thơm nồng quyết định cho hương và làm dịu ruốt, làm át mùi thịt bò, giúp cho tiêu hành nước mắm dịu mùi thơm, về việc nêm ruốt là lúc nước bún chưa nóng để khỏi hăng mùi. Linh nhớ rõ, mỗi tô bún là mỗi khoanh giò, thêm gân, thêm chả hay bò tái. Sợi bún sao mà mềm, lại dai và dòn. Nhớ nhất là tô bún múc ra, phải rắc thêm chút tiêu bột, nhánh hành lá vài lát ớt đỏ cùng vài cọng rau thơm. Mãn nguyện nhất là lúc cắn khoanh giò, thịt da mềm mụp, độ ngọt từ khoanh giò tiết ra, húp ít nước xáo, vị ngọt tinh khiết của xương hầm, kèm thêm mùi thơm của sả, của ruốc… Nghĩ đến đây, Linh không cầm được dịch vị, nuốt nước miếng ực… ực…
Tiếng thông báo có thân nhân đến thăm làm Linh giật mình, bước ra khu thăm viếng, nhìn hai con mà không cầm được nước mắt. Sau một hồi thăm hỏi cuộc sống của bà ngoại và hai con, Linh cảm thấy mình không xứng đáng làm mẹ. Thương nhớ hai con nhưng cũng không dám ôm ấp vào lòng cho thỏa ước mong, trong tâm khảm luôn sợ không biết mình có truyền bệnh cho con không?
Long và Liên đưa mắt nhìn mẹ, thấy mẹ xanh xao gầy còm hơn trước nhiều.
- Sao mẹ gầy quá! Mẹ ăn mì đi mẹ, ăn xong rồi uống cà phê. Bà ngoại và hai con vẫn khỏe. Anh em con ngày nào cũng đi bán vé số chạy thêm bữa ăn cùng ngoại. Mẹ đừng lo. Long nói.
- Thấy hai con khỏe mạnh mẹ mừng lắm. Ráng mà đùm bọc nhau. Long đừng la rầy em nghe.
- Dạ!
Linh thấy hai con mà lòng chua xót, không dám nghĩ đến viễn ảnh tương lai của mình, nhớ lại mấy ngày hôm trước các phạm nhân đồng nghiệp thấy mình ngày càng xanh xao, không ăn ngủ được liền đề nghị: Chị thử lè lưỡi ra xem nào. Theo họ, cái lưỡi trắng xác như mặt trong của cái vỏ chuối dại là biểu hiện của căn bệnh AIDS giai đoạn cuối. Linh nghe mà rụng rời tay chân.
- Mẹ ở trong này có thèm gì không mẹ, mẹ thích ăn cái gì thì nói cho tụi con lo.
- Hai con đừng lo cho mẹ, vào thăm mẹ, được thấy hai con là mẹ mừng lắm rồi.
Linh suy nghĩ, mình mang bệnh nầy chắc cũng gần đất xa trời, chi bằng nói hai con mua cho mình tô bún bò giò heo ăn cho đã thèm mà lâu nay mình tưởng nhớ.
*
Quán bún bò giò heo hôm nay thật đông khách, hai anh em đến từ sáng sớm, đứng bên những vị khách sang trọng mời mua vé số, thỉnh thoảng đôi mắt nhìn chầm chập vào tô bún.
Liên nghĩ thầm trong bụng: Giá mà có tiền mua cho mẹ tô bún đầy đủ chắc mẹ thích lắm.
Long nóng ruột, đã hơn nửa giờ rồi mà chẳng bán được tấm vé số nào, tiền đâu mà mua tô bún cho mẹ, thấy em mãi đứng nhìn khách ăn bún, liền khẽ nói: Em cố gắng đi bán đi, may ra mới có tiền mua cho mẹ tô bún.
- Dạ!
Bỗng một người đàn bà sang trọng đang ăn ở bàn đối diện, vẫy tay gọi Liên đến:
- Con muốn ăn bún lắm hả? Cô thấy con mãi nhìn tô bún.
- Dạ con thèm lắm, nhưng con muốn có tô bún bò để đem vào cho mẹ.
Động tính tò mò, vị khách gọi hai anh em lại hỏi cho rõ sự tình. Sau khi nghe tường tận câu chuyện. Người đàn bà sang trọng liền kêu hai tô bún, một bỏ vào túi dành cho mẹ Long và một cho hai anh em.
Long không ăn mà nhường tô bún cho Linh, Linh ăn ngon lành lẫn vội vã như chưa từng được ăn.
Long giục: - Ăn lẹ đi để đem tô bún còn nóng vào cho mẹ.
Hai anh em cầm tô bún của mẹ cung kính tạ ơn vị khách đã ban tặng rồi hối hả đi vào trại giam.
Trên đường đi vào trại, anh em Long rất mừng rỡ vì đã làm tròn điều ước mong của mẹ. Long tay cầm bịch bún, tay cầm bịch rau, còn Liên cầm bịch cà phê, khép nép vào phòng tiếp nhận ghi tên mẹ ra thăm.
Hai anh em ngồi chờ, thân nhân lần lượt được gọi tên có người thân đến thăm. Người người hàn huyên trò chuyện vui vẻ, tỏ lòng thương nhớ gia đình, người thân.
Hai anh em Long ngồi chờ hơn một giờ chẳng thấy ai gọi tên mẹ, nhìn mọi người lần lượt ra về, khu thăm viếng không còn xôn xao ồn ào như trước. Long và em như ngồi trên lửa, nhìn tô bún trong bịch đã nguội lạnh, bịch cà phê đá cũng đã tan thành nước.
Liên níu tay Long hỏi: Anh ơi! Sao người ta không gọi tên mẹ? Hay người ta không cho mình thăm. Anh đi lại hỏi người ta đi.
Bỗng có tiếng từ loa phóng thanh: Ai là thân nhân của Nguyễn Mỹ Linh xin báo tin buồn. Cô Mỹ Linh đã từ trần hai ngày rồi do bệnh AIDS. Thi hài chúng tôi sẽ đưa về gia đình an táng sau.
Long và Liên nghe tin báo rụng rời tay chân, khóc lóc một hồi rồi để lại bịch bún bò và rau trên bàn, hai anh em lặng lẽ bước những bước thất thần trong vô định dìu nhau ra khỏi trại.
Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM