TIN TỨC
  • Truyện
  • Mười ngày đi “cách ly” | Truyện ngắn dự thi của Trần Trang

Mười ngày đi “cách ly” | Truyện ngắn dự thi của Trần Trang

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
218 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Cái cổ của nó bắt đầu mỏi rũ rượi chỉ chờ kéo cái đầu ngủ gật. Cái đầu gật rụp ra đằng trước làm nó giật mình tỉnh dậy. Theo thói quen, nó khẽ đưa mắt nhìn xung quanh thấy tất cả đang ngồi yên im lặng. Nó tiếp tục ngồi ngay ngắn và nhắm mắt lại.  

Suốt từ hôm qua đến giờ phần xương cụt nó mỏi nhừ lan xuống hai đùi rồi kéo đến bắp chân. Nó vẫn ngồi đấy bất lực không biết làm thế nào. Mắt nhắm nhưng lòng thì bộn bề. Kẻng chuông 3 hồi vừa dứt. Nó lao thẳng ra cửa nhanh nhẹn phi về phía phòng của mình. Leo lên giường nằm sõng soài miệng lẩm bẩm “Mình đến nơi quái quỷ này làm gì vậy?”. Nằm được chừng một phút lại có tiếng kẻng bắt đầu thời khóa tiếp. Nó muốn bỏ chạy.

Tiếng mọi người loẹt quẹt dép ra phía thiền đường. Nó miễn cưỡng đi theo ngồi vào phía vị trí của mình khoanh chân lại, mắt lim dim. Nó cố gắng làm theo sự hướng dẫn của thiền sư: quan sát hơi thở đi vào, đi ra quanh khu vực mũi. Càng cố nó càng không cảm thấy gì mà chỉ thấy sự phập phồng lên xuống ở vùng ngực và bụng. Bực mình, nó không cố nữa và ngồi một cách bình thường. Tự nhiên hơi thở đến và nó thấy được cảm giác của luồng hơi thở khu vực mũi là sự man mát rất nhẹ nhàng.

Ngồi được tầm 10 phút thì nó nghĩ đến thằng Biên hồi học cùng cấp 3 nói xấu nó sao mà ghét vậy. Còn khoản tiền 2 triệu ông bạn vay tháng trước hứa trả mà chưa thấy gì. Nó lại nhớ đến những buổi chiều mùa hè năm học cấp 1 hay rủ đứa bạn cùng xóm đi bắt chuồn chuồn, câu cá thài mại, câu cáy ven ao. Rồi không biết chồng mình buổi sáng với tối cho con ăn gì? Lúc mình đi lên trung tâm thì đêm hôm trước con bị sốt. Không biết giờ khỏi ốm chưa?

Hàng trăm hàng nghìn suy nghĩ quá khứ, tương lai cứ xoẹt qua liên tục trong đầu nó. Hết cảnh này đến cảnh khác. Miên man một lúc nó nhớ đến việc thiền của mình thế là nó lại quay ra quan sát hơi thở. Được một lúc hình ảnh khác lại xoẹt qua trong đầu nó. Rồi nó lại định tâm lại quan sát hơi thở. Suốt thời khóa cứ hết nghĩ ngợi lung tung lại quay ra thiền rồi lại nghĩ ngợi lung tung đan xen đến phát bực.  

7 giờ 30 phút tối là thời khóa nghe pháp thoại. Là khoảng thời gian nó thích nhất trong một ngày. Nó vẫn phải ngồi đấy, vẫn vị trí đấy nhưng nó được ngồi thoải mái duỗi chân, giãy giụa. Mười lăm phút đầu tinh thần sảng khoái, hưng phấn. Nó gật gù thấy ôi chao thầy nói đúng quá. Cứ như là đi guốc trong bụng mình vậy. Được 30 phút trôi qua. Cơn mỏi người, cơn buồn ngủ ập đến. Nó thấy khó chịu bởi âm thanh, nó muốn đi ngủ. Nó đứng dậy chạy về phòng của mình giả vờ đi vệ sinh. Nó về phòng được 10 phút thấy tỉnh táo hơn nên lại tiếp tục lên thiền đường. Nó thấy bạn quản lý thiền sinh nữ đã đứng chờ sẵn ở cửa không nói gì nhưng ánh mắt có vẻ lo lắng. Nó bỗng thấy xấu hổ.

Trưa ngày thứ ba đang gấp chăn màn để lên thời khóa chiều thì chị cùng phòng đến nói “Hôm qua em ngủ ngáy làm chị mất ngủ. Em nên nói với trung tâm để có giải pháp”.

 Nó gật đầu bảo “Để em bảo bạn quản lý  thiền sinh nữ ”.

Chẳng ai nói gì nữa, ai nấy đều chuẩn bị lên thiền đường. Đấy là câu nói bất đắc dĩ đầu tiên sau 3 ngày không nói gì ở trung tâm.

Lòng nó thấy không thoải mái khi biết việc đó. Ngồi thiền bình thường đã không thoải mái nay lại kèm thêm bức xúc. Nó giãy giụa liên tục, đổi chân nhiều. Lòng tự ái của nó trỗi dậy khi bị nói thế. Sao người ta có thể nói thẳng như thế với nó? Nói vậy có khác nào đuổi nó ra khỏi phòng. Tâm vọng động hết suy nghĩ này đến suy nghĩ khác. Nó quên mất việc nó lên trung tâm là để thiền, để thanh lọc tâm, diệt trừ mọi phiền não, để phát triển tuệ giác. Nó quên đi sự quyết tâm mà khó khăn lắm nó mới sắp xếp thời gian 10 ngày xa gia đình, không bạn bè, không điện thoại, không nói chuyện để thiền ở trung tâm. Khi nó đang có cảm giác sân si, chán nản thì tự dưng ý tưởng lóe lên: “Hay nhân cơ hội này mình xin nghỉ luôn để đỡ phải thiền nữa nhỉ? Về nhà mở file ghi âm lên thiền cũng được”.

Hơn 5 giờ chiều khi mà giờ ăn tối nhẹ kết thúc. Nó chạy xuống phòng quản lý nữ thiền sinh trình bày việc ngủ ngáy làm bạn cùng phòng mất ngủ, ảnh hưởng đến người khác và muốn xin về nhà. Bạn quản lý thiền sinh vui vẻ dặn dò để báo với thiền sư và trả lời sau. Lòng nó thấy vui vui vì sắp được về.

Đêm ngày hôm đó thiền sư vẫn chưa trả lời nó. Nó về lại phòng cũ nằm. Nằm giường mà mắt nó cứ thao láo ra chứ không đánh một giấc ngon như mấy hôm trước. Tiếng dế kêu, cóc nghiến răng, gió kêu rít thổi mấy cây mít gần phòng. Nó nghe được cả tiếng cành cây cọ vào nhau. Một đêm thật là dài. Ba giường kia thỉnh thoảng có tiếng trở mình. Thôi cố nốt đêm nay mai được về với chồng con. Sao mà thấy vui sướng thế? Nó cười hi hi nằm suy nghĩ lung tung tiếp.

4 giờ sáng, kẻng trung tâm nổi lên. Mọi người lục đục dậy làm vệ sinh cá nhân. Trước khi lên thiền đường nó đứng giữa cửa thông báo với mọi người “Em đã xin thiền sư rồi. Nếu không sắp xếp được chỗ ngủ em xin về”. Nói xong đi thẳng lên thiền đường ngồi thiền thời khóa sáng sớm 2 tiếng liền. Tinh thần thoải mái, nó ngồi thiền không chút bực mình, cơ thể nó thả lỏng hết cỡ. Những hình ảnh linh tinh bớt hẳn so với mấy ngày trước. Nó đã quan sát được cảm giác vi tế hơn xung quanh lỗ mũi. Là cảm giác có lúc hơi tê tê, hơi ngứa ngứa, sự ấm nóng của luồng hơi thở đi vào đi ra.

Giờ nghỉ trưa, chị cùng phòng đến gần giường vẻ mặt hơi e ngại “Hôm qua chị không thấy em ngáy. Nên đừng bỏ về nữa nhé”. Nó chẳng nói gì vẫn nằm yên trên giường. Đêm qua không ngủ mà nay thấy vẫn khỏe. Thời thiền hai tiếng sáng kéo tinh thần nó tốt lên rõ rệt. Chưa biết tâm thanh lọc được bao nhiêu nhưng chí ít nó thấy cũng bớt ghét thiền đi nhiều.

Bạn quản lý thiền sinh nữ có viết một tờ giấy nhỏ gửi nó vào giờ ăn trưa. Trong giấy có hẹn nó giờ để chuyển sang phòng khác. Kế hoạch của nó tiêu tan. Nó thoáng buồn vì tiếp tục ở đây thêm 6 ngày nữa.

Nó được dọn sang phòng chỉ có 2 người ở thay vì 4 người như trước. Phòng rộng rãi mỗi người một nhà vệ sinh. Đêm đến, vừa đặt lưng được một lúc thì tiếng ngáy giường bên cạnh vang lên khá to. Nó thấy khó chịu và hơi bực mình. Nó nghĩ đến phòng cũ của nó và thấy có lỗi với mọi người. Nó trở mình mãi không ngủ được. Nó xoay người nằm nghiêng, gối hơi cao một chút và lấy chăn chặn vào lưng. Đêm trước nó ngáy là do nó vô ý nằm ngửa. Cái mũi bị xoang lâu năm cứ tắc một bên mũi khiến nó đi đâu cũng ngại lúc ngủ. Nhớ đến lời của bài pháp thoại. Nó nằm yên trấn tĩnh lại quan sát hơi thở đi vào đi ra. Thả lỏng cơ thể tập trung quay về chính mình, không vọng động lao ra bên ngoài nữa. Quan sát vùng nhỏ xung quanh lỗ mũi. Cứ thế quan sát đến khi kẻng trung tâm vang lên lúc 4 giờ sáng nó mới biết là đêm nó ngủ lúc nào không rõ.

Sang ngày thứ năm nó bắt đầu được thực thiền Vipassana. Quan sát cảm giác từ đỉnh đầu rồi chạy xuống gáy, xuống hai tay, ngực, lưng, hai đùi, bàn chân, lan ra khắp cơ thể. Quan sát từng cảm giác vi tế, chậm rãi. Nó làm theo hướng dẫn của thiền sư. Ngồi nghiêm túc quan sát nhưng nó chỉ thấy cái mỏi ở cổ và tê cứng ở chân. Những cảm giác thô thiển ấy làm nó mất tập trung không sao quan sát được các vùng khác nữa.

Cả một ngày chỉ ăn và thiền từ 4 giờ sáng đến 9 giờ đêm liên tục gần một tuần khiến nó vừa nhàm chán vừa mệt. Tiếng kẻng tập trung làm nó bực mình, tiếng thiền sư hướng dẫn trong băng ghi âm làm nó tức tối. Hôm nay mới là ngày thứ sáu. Nó có cảm giác như bị lừa. Nó muốn bỏ trốn nhưng không biết trốn bằng cách nào. Cửa trung tâm luôn luôn đóng. Không ai ra được trung tâm nếu không được sự cho phép của thiền sư. Nó muốn bùng cháy.

Buổi tối pháp thoại ngày hôm thứ sáu. Nó bất lực ngồi đấy nghĩ ngợi lung tung. Nó ngồi im mắt lim dim bề ngoài tưởng rằng đang tập trung mà thực ra đầu óc nó trôi dạt phương nào. Nó lơ mơ nghe thấy thầy giảng đại ý là “Các bạn đang trong hành trình phẫu thuật thân tâm. Đang trên bàn phẫu thuật mọi thứ đang được mổ xẻ phanh phui chưa kịp khâu lại. Lúc này mà các bạn bỏ về thì máu mủ sẽ chảy ra, vết thương mãi mãi không được lành lại. Bạn sẽ thấy đau đớn hơn là khi chưa bước lên bàn phẫu thuật”. Nó giật mình hoảng hốt. Vốn nó đã sợ bệnh viện, sợ mổ xẻ. Nó hết muốn về luôn.

Ngày thứ bảy, nó tiếp tục cuộc “hành xác” và nó làm mọi việc theo phản xạ thường ngày. Chẳng buồn chống đối gì nữa. Đến giờ thiền thì nó nhanh chóng đến thiền đường. Giờ giải lao nó nghỉ ngơi thả lỏng tại phòng. Khi đã quen với guồng quay nó cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn. Bữa ăn hàng ngày được cung cấp những món ăn thuần chay rau, củ, quả dễ tiêu không ăn quá nhiều mà chẳng hề thấy đói. Bỗng dưng nó thấy yêu trung tâm, yêu thiền sư, yêu thiền đường vào những ngày cuối này.

Khi không có cảm giác chống đối, khó chịu nữa. Giờ giải lao nó quay về bên trong mình quan sát tâm, quan sát những suy nghĩ đang lướt qua trong đầu. Nó không ngờ nội tâm của nó lại chất chứa lắm suy nghĩ đến như vậy. Nếu là hồi trước khi chưa đến trung tâm thì nó sẽ lao theo suy nghĩ đó, nhập cuộc vào suy nghĩ miên man đó khiến cho tâm luôn mệt mỏi và đầy rẫy sự bất an. Toàn là những suy nghĩ không hồi kết đến từ tương lai và quá khứ. Mà thực tế hiện tại mới là cuộc sống của chúng ta.

Vì đã được học trong mấy ngày qua rồi nên nó chỉ quan sát những suy nghĩ đó mà không phản ứng. Suy nghĩ đến, nó đóng vai người đứng ngoài cuộc quan sát rồi suy nghĩ lại biến mất. Cứ nổi lên rồi biết mất. Nó bỗng nhận ra. À đúng rồi, đó là sự sinh diệt liên tục. Thực tế mọi thứ đều thay đổi. Sinh và diệt trong từng giây phút. Tiến trình này xảy ra rất nhanh và liên tục nên mọi người hay nhầm tưởng mọi vật đều là bất biến, không thay đổi. Vô thường đến trong từng giây, từng phút, từng sát na của cuộc đời.

Càng những ngày cuối của khóa thiền thì cái tâm vọng động, thích đi lang thang của nó giảm bớt dần đi. Nó hiểu rõ rằng những hình ảnh của quá khứ hay tương lai cứ nổi lên trong lúc thiền không phải để nó ghét bỏ, bực bội hay ham muốn mà để nó quan sát sự việc đó rồi tự khắc sự việc đó biến mất. Có sinh ắt có diệt. Biểu hiện ra cho ta thấy cũng giống như để mình dọn rác dần dần trong tâm. Tâm có nhiều chỗ trống thì những cảm xúc tích cực, lạc quan yêu đời mới có chỗ len lỏi vào.

Ngồi thiền dù đôi chân ngồi lâu rất tê buốt nhưng nó vẫn chỉ quan sát đôi chân thôi vì nó hiểu được rằng cảm giác đau này cũng sớm qua đi. Nó bắt đầu dần dần quan sát được một số cảm giác vi tế ở những vùng nhỏ trên cơ thể. Quan sát bằng cái tâm quân bình không dính mắc vào bất kì cảm giác nào. Thật đúng như lời thiền sư nói: “Ngừng phản ứng tại nơi chúng nảy sinh thì ta được thoát khổ”.

Sáng ngày thứ mười một. Mọi người thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra về. Nó chạy lên thiền đường ngắm lại một lần nữa. Chẳng biết khi nào mới quay trở lại. Nó thầm biết ơn trung tâm, biết ơn những thiền sinh cũ đã góp kinh phí tổ chức được khóa thiền này. Biết ơn thiền sư tận tình chỉ dạy, biết ơn chính bản thân nó đã không vì khó khăn, chán nản bỏ về giữa chừng. Nó ra về với niềm tin rằng khi thực hành phương pháp thường xuyên chắc chắn nó có thể mỉm cười với bất kì cảm giác, cảm xúc nào trên cơ thể cũng như bất kì chuyện tốt xấu nào xảy ra trong cuộc đời nó. Nó đã tìm được sự an yên thực sự từ sâu đáy lòng nó chứ không phải thú vui vọng động ở bên ngoài.

T.Tr

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bài điếu văn của lão Tân - Truyện ngắn Kim Uyên
Lão Tân thấy nhà đám náo động thì đứng dậy thất thểu ra về. Vừa đi lão vừa suy nghĩ căng thẳng lắm, lão chưa biết viết thế nào để hoàn thành bài điếu văn về ông chủ tịch cho em trai đọc vào lúc di quan sáng mai.
Xem thêm
Chạm mặt voi rừng - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Những cơn gió trong rừng già bao giờ cũng khác với cơn gió bình thường. Trước khi đưa bàn tay mát rượi mơn man lên làn da, mái tóc chúng ta, gió thể hiện vũ khúc của mình bằng tiếng reo ầm ĩ như có hằng trăm, hằng ngàn con nai cùng chạy, làm các cành cây nghiêng ngã, xô đập vào nhau rầm rầm.
Xem thêm
Hai người mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Truyện hay về người mẹ Việt Nam
Xem thêm
Bắt cá trên cao nguyên - Truyện ngắn của Hồng Chiến
H’Lê làm lớp trưởng lớp 9A1, người dân tộc Êđê có nước da bánh mật, mặt trái xoan, tóc xoăn tự nhiên tạo nên một vẻ đẹp huyền bí. H’Lê học cùng lớp nhưng hơn Thanh một tuổi, người rắn chắc, khỏe mạnh ra dáng một thiếu nữ. Còn Thanh sinh ra, lớn lên ở ngoại ô thành phố, quanh năm nghe tiếng gầm của sóng biển.
Xem thêm
Bản năng kép - Truyện ngắn Phùng Phương Quý
Ta nắm tay đấm vào đầu để nhớ lại. Đuổi ngay cái dự án khu công nghiệp ra khỏi bộ nhớ. Mười phần trăm là cái gì. Mười lăm phần trăm cũng chả là cái gì. Lại hai mươi à? Cút xéo ngay cái phần trăm hoa hồng của chúng mày. Tao đếch cần! Tao thích bia hơi, thích tăng gô...
Xem thêm
Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn
Ba đang ngồi đọc lại những trang viết về cuộc trò chuyện của cha con mình từ bấy đến nay. Và ngẫm ngợi lại những gì đã xảy ra trong chuyến Đông Du định mệnh.
Xem thêm
Bóng chim tăm cá – Truyện ngắn Phùng Phương Qúy
Con đò cố lách qua đám lục bình rin rít, cố nhoi lên từng thước. Khói dầu máy phun mù mịt phía sau, khét lẹt. Hai Loan ngồi bên bao mì mót, lấm láp mủ, đất. Mái tóc rối bù, cần cổ vươn về cuối sông, sắp dài thành cổ cò. Vậy mà chiếc xuồng cũ của chồng không thấy xuất hiện.
Xem thêm
Người viết sử | Truyện ngắn của Nguyễn Trường
Nguồn: Văn nghệ số 35+36 (ngày 2/9/2023)
Xem thêm
Mộ tổ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Sông Hương tổ chức năm 1994.
Xem thêm
Chè chốt Truyện ngắn của Lê Na  
Lần đầu tôi gặp em, một ngày chớm đông. Em mặc chiếc áo len cộc tay màu hoa mười giờ. Màu hoa ấm áp làm sao. Tôi như được trời cho duyên cớ ấy. Thỉnh thoảng hai cái xe đạp ngược chiều lại chạm nhau. Có lẽ chẳng bao giờ em để ý đến tôi, còn tôi thì ngóng đợi đến mỏi mòn. Dẫu chỉ lướt qua nhau, tôi vẫn bị hút hồn bởi đôi mắt ấy. Đôi mắt ngơ ngác, lung linh như được vẽ bằng sương mai. Màu áo len hắt ánh hồng lên má. Đâu có son phấn gì, một cô gái đậm chất quê. Bầu má mịn màng, non tơ. Tôi đã vô cớ nhớ em, một người dưng, giữa ngàn vạn người tôi gặp.
Xem thêm
Tình yêu cao thượng | Truyện ngắn của Nguyễn Thanh
Nguyễn Thanh, nguyên Tổng thơ ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP. Cần Thơ
Xem thêm
Chờ đợi hóa thân | Truyện ngắn Đặng Chương Ngạn
Tác phẩm đăng Nhà văn & cuộc sống số 14
Xem thêm
Tu hú gọi bầy | Truyện ngắn Lệ Hồng
Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 86 (ngày 10/8/23)
Xem thêm
Tâm “điếu văn” – Truyện ngắn Phùng Chí Cường
Sinh – Lão – Bệnh – Tử là quy luật của một đời người. Sinh thì có hạn nhưng tử thì bất kỳ không ai có thể định trước được. Có những người vừa mới cách đây không lâu vẫn còn cười phơ phớ, thế mà đùng cái lăn ra chết bất đắc kỳ tử.
Xem thêm
Thẻ nhà văn | Bích Ngân
Truyện đăng Tuổi Trẻ Cười
Xem thêm
Chó robot | Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện đăng Văn nghệ quân đội
Xem thêm
Gấu Ngựa - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Những chú Voọc có chiếc đuôi dài hơn thân mình, trắng muốt đưa hai tay bám lấy cành cây như người đánh đu, cất tiếng hú vang động cả bầu trời. Loài Voọc ở đây lạ lắm: mặt có lông màu trắng; đầu, lưng và tứ chi lông đen thui; vùng bụng lại có lông màu bạch kim. Chúng sống thành từng đàn năm bảy chục con, mỗi sáng sớm kéo nhau đi ăn, hoặc chiều về lại hò hét, gọi nhau inh ỏi. Chúng thích ăn lá cây khác với họ nhà khỉ chỉ thích ăn quả. Có lẽ bầy Voọc chưa bao giờ gặp người nên thấy H’Chi đi một mình chúng nhìn chằm chằm rồi đua nhau đuổi theo, quăng mình từ cành này sang cành khác như người làm xiếc.
Xem thêm
Thị trấn biết cười – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Rừng nối đất. Cây nối gió. Mưa nối lạnh. Và cô đơn nối những con người chẳng biết cười gần với nhau.
Xem thêm
Cây mẫu đơn hoa đỏ – Truyện ngắn của Hồ Loan
Cơn ho sặc sụa của ông khiến bà bừng tỉnh. Cơn ho như thể lấy cả buồng phổi của ông ra ngoài. Đưa tay dụi vội hai mắt, bà lập cập tiến ngay lại, một tay vỗ lưng, một tay vuốt ngực cho ông:
Xem thêm