TIN TỨC

Tình yêu mang phận cỏ và những khắc khoải tận cùng xanh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-11-13 06:26:45
mail facebook google pos stwis
1178 lượt xem

(Đọc Đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ - Đinh Thị Thu Vân, NXB Hội Nhà văn, 2015)

HUỆ TRIỆU

Tôi nhớ cảm giác thảng thốt khi mới đọc mấy bài đầu tập thơ Đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ của Đinh Thị Thu Vân và có một mong muốn lạ lùng rằng, ở những bài sau, sẽ gặp cái gì khác đi. Nhưng không, 5 bài, rồi 10 bài, rồi hết tập thơ, vẫn là cái mạch ấy - cái mạch bắt nguồn từ nỗi thương thân, từ những khắc khoải da diết tận cùng xanh kiếp cỏ!
 

Các nhà thơ Huệ Triệu và Đinh Thị Thu Vân

Viết cho mình là điều thông thường ở tất cả những người đã trót mang nghiệp viết, bởi nói cho cùng viết về điều gì hay về ai cũng chỉ là những hình thức khác nhau của sự đối thoại với chính mình. Tập thơ Đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ cũng là sự đối thoại ấy, nhưng là đối thoại trực diện, thành thực nhất, quyết liệt nhất mà tôi từng thấy với nỗi buồn, nỗi cô đơn cho tới khi nó chảy tan thành nước mắt.

Cảm hứng thương thân trước hết bắt nguồn từ những ngậm ngùi, xót tiếc:

Em xót đời em rơi rụng nhớ nhung thừa

không dành dụm, không vẹn toàn hương lửa

đã hoang phí đã dại khờ đã lỡ

đã hanh hao tàn tạ suốt bao mùa!

(muộn)

Hay:

nửa niềm hy vọng đang vơi

tôi ngơ ngác tiếc đời tôi phai tàn

(nửa niềm hy vọng đang vơi)

Những câu thơ đọc lên buốt nhói bởi lẽ những “nhớ nhung thừa”, “hoang phí”, “dại khờ” kia là sự tự ý thức cùa một người đàn bà dường như đang bất lực trước dòng chảy của thời gian, chỉ còn biết “ngơ ngác tiếc”! Nhưng không chỉ có thế, đó còn là là sự ý thức cao độ về chân giá trị - những “dốc lòng trao tặng”, “nhớ nhung đầy”, “cạn trắng sông xanh và biển biếc”,… dành tặng tình yêu nhưng lại chỉ nhận về mình thua thiệt. Tập thơ dẫu buồn như nước mắt nhưng cho ta nhận diện một gương mặt tình yêu thật đẹp mà tôi đảm bảo rằng bao nhiêu người sẽ phải ước ao bởi nó quá đỗi chân thành, cháy bỏng. Nhiều người đàn bà cũng yêu mãnh liệt nhưng đến mức cạn cùng, tan chảy, không ngại “lụy” để được yêu như thế này thì chỉ có một Đinh Thị Thu Vân:

Lụy yêu lụy nhớ lụy chờ

Lụy nao hơi thở, lụy đưa đẩy lời

Anh ơi em ngả nghiêng rồi

Bao nhiêu hạt máu đang rời trái tim!

(lụy)

Nhưng buồn quá phải không, bất công quá phải không vì giá mà mình cũng vô tâm, và không thành thật “trao đến phai tàn” để không phải nhận về, nhận ra những hờ hững mà ai đó vô tâm “trút xuống vai người”! Buồn thế, nhưng rồi biết làm gì hơn, hay chỉ biết cùng thơ ấm ức:

em ấm đầy nước mắt

mà lòng anh lạnh cằn

(những câu thơ khuỵu xuống)

Rất nhiều những giây phút “câu thơ khuỵu xuống” vì hụt hẫng, vì “trước vô tâm người đã tặng cho người”, vì sự thật “anh dừng lại đành sao giây phút tạm”,… Vậy mà, cả tập thơ, không có một dòng nào oán giận đến cay nghiệt, dù có hờn có trách. Có vẻ như người đàn bà chỉ muốn nhận về trọn vẹn nỗi khổ, coi đó như là định mệnh của đời mình:

em sẽ sống, cam lòng xin đánh đổi

chất ngất tủi hờn… để nhận chút hương rơi!

(là ngày mai đừng vội hôm nay)

Thương và cảm phục quá trái tim mong manh mà dũng cảm của người đàn bà hết mình với chữ “yêu’. Dường như đã có một tình yêu lớn để chị tựa vào. Nhưng cuộc đời trớ trêu lại chỉ cho người ta tìm thấy hạnh phúc trong nghịch cảnh. Coi mình như “con thiêu thân cam phận sống quên đời”, người đàn bà lao vào những đợt sóng ào ạt yêu thương nhớ nhung thắc thỏm. dù biết trước sẽ nhận về mình tận cùng bẽ bàng, chua xót. Mấy ai hiểu được, người đàn bà đã một khi đã yêu, còn bao dung cả với chính mình, cho nên có là gì đâu trước những điều này:

có thể vì anh đã quen nhận từ em những hy sinh lầm lũi

những chăm chút tận tình từ một phía thủy chung

(say buồn)

Trước linh cảm chia xa, cũng không trách móc mà chỉ thương. Đây là lời an ủi của một trái tim vị tha và thấu hiểu:

anh đừng xót, anh đừng đau

em đi, chẳng trách gì nhau, chẳng đành

chỉ là thương những dụm dành

đã không còn kịp trao anh kiếp này!

(hồn em theo nén nhang rời sẽ đau)

Lấy tình yêu làm cứu cánh, để rồi lạc vào chính nỗi đau do mình tạo nên, người đàn bà nhiều lúc muốn tự dối lòng, tự ngăn mình đến với xôn xao bất chợt. Bởi lẽ cùng với xôn xao luôn là sự xuất hiện của những dự cảm buồn:

đâu phải tình yêu- sương khói đấy, và mây

và bọt sóng đang đùa trêu- lần cuối đấy

không phải tình yêu đâu, V ơi, đừng đắm đuối

đừng hao gầy, thôi đừng ước một đời say...

(không phải tình yêu)

Đôi khi còn không cam lòng, “gồng” lên như thách thức, như sẵn sàng buông bỏ:

một ngày

mỏi mòn trong ảo vọng

tôi sẽ đem bán đi trái tim mình

không cần chọn người mua

không cần sòng phẳng!

(trái tim rao bán)

Trái tim rao bán có thể coi như một tín hiệu để nhận ra những bức bối đang đè nén, cũng như sự mâu thuẫn với chính mình có thể coi như dấu hiệu để nhận ra một tâm hồn đa cảm, đa đoan và đau đáu khát khao. Mong mình “đừng thiếu nữ” mà vẫn xôn xao nhung nhớ như thuở ban đầu. Đã không ít lần muốn “giẫm nát trái tim mình, giẫm nát khát khao đi” nhưng từng phút từng giờ vẫn không thôi tự ru mình và cồn cào mơ ước. Tự chúc mình “đừng thiếu nữ” mà “thèm khóc tuổi xuân không về nữa”. Nói “chẳng phải yêu đâu” nhưng lại tỏ bày niềm hoan hỉ được “đốt đời em lần cuối”:

chẳng phải yêu đâu- là em đang cạn máu

đang khát đến tận cùng, đang cháy đến tàn hơi

đâu phải là yêu- em đốt đời em lần cuối

phó thác tàn tro quanh quẩn dưới chân người!

(em không thể cam lòng trôi nổi)

Không phải chỉ là tình yêu, hình như còn nhiều hơn thế, cao hơn thế nữa.

Đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ nói cho cùng, là tập thơ của những khát vọng được níu giữ, được đáp đền. Người đọc có thể không mấy đồng tình trước những tự ti mặc cảm, nhận mình bé mọn: “em chỉ là xác lá ven đường/ anh không nỡ giẫm chân lên” (lá khô), “em làm cát, em làm bùn, em xin làm cát vụn” (nhật kí) hoặc “nếu có kiếp sau, em xin làm bậc cửa/ làm thềm rêu lặng lẽ đợi chân người” (gió bụi chông chênh) nhưng không thể không “giật mình”, thương quý một khát vọng chính đáng- khát vọng gắn với tình yêu che chở cưu mang và sẵn lòng dâng hiến:

đủ tất cả, chỉ là không mảnh đất

để vun trồng và chăm chút mượt mà xanh!

(lá khô)

Mong manh mà mãnh liệt, tuyệt vọng rồi hy vọng, buông bỏ để quay về…Tất cả tạo thành những phức điệu tâm trạng mà bao trùm lên vẫn là mong ước khắc khoải tưởng như vô hồi vô tận. Không bàng bạc mà bật thốt thành tiếng những kêu thương:

tri kỉ ơi, lòng em như lửa đốt

chôn làm sao cho kín nhớ nhung đầy

tri kỉ ơi, lẽ nào anh chẳng thấy

em đã mềm hơn nước, mảnh hơn mây…

(tri kỉ ơi, anh có về như gió)

Se thắt nhất là những van nài khẩn thiết gửi tới chính số phận mình:

Hãy dừng lại đời tôi ngay khoảnh khắc đắm say người

Đừng trôi nữa… sông xa mời mịt quá

Đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ

Mang phận buồm… không gió để ra khơi!

(đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ)

Tập thơ, ngoài nỗi buồn trĩu nặng như có hình có khối của một người đàn bà từng trải qua nhiều biến cố, còn là những mong manh của một trái tim phụ nữ nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Chút chờ đợi trong chiều thành niềm tủi hờn ẩn ức bởi “quanh quẩn những lời yêu không dối được cứ loang nhòa” (Chiều). Bài Cuối con đường đơn chiếc là một trong những bài thơ ắp đầy những dịu dàng thắc thỏm chỉ sợ lạc nhau cuối con đường:

đừng dối em

anh có một trái tim

biết khóc

nột trái tim

khao khát vỗ về

....

anh dối em, em nhầm lẫn thì sao

ai chia sẻ khoảng đời riêng gió bão…

51 bài thơ là những tự bạch chân thành của một người đàn bà tự nhận mình là kẻ “mang nỗi buồn tay trắng” nhưng tôi thì không tin chỉ có vậy. Đối diện với lòng mình, để nhận ra mình, quan trọng nhất là được nói ra, được tỏ bày. Lấy tình yêu “để giữ ấm trái tim mình”, mong cứu rỗi chính mình, song tình yêu cùng niềm khao khát dù chỉ là phận cỏ vẫn đang biếc xanh để nâng đỡ chị và nhiều người khác. Miền yêu thương với “những lời yêu tơ lụa” vẫn cứ ánh lên óng ả bởi nâng niu trân trọng, và niềm tin vĩnh cửu “như xát muối...mà tình yêu vẫn sống”. Đó là niềm tin, đó cũng là niềm an ủi cho những ai đã hiểu “yêu thương đan quyện nỗi đau thầm”, nhận ra và thấu trải vị ngọt ngào sau nước mắt.

“Không đành bèo bọt trôi đi”, thơ Đinh Thị Thu Vân đã neo lại giữa cuộc đời bằng nỗi buồn đẹp và thuần khiết, và nhất định không thể chỉ là tuyệt vọng:

này những tình yêu, khi còn có thể

hãy nâng niu từng khoảnh khắc tay cầm

này những chiếc hôn sâu, khi còn có thể

hãy dịu dàng trao gửi trước trăm năm

(kề cận nhé khi còn có thể)

Đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ chắc chắn nhận được nhiều đồng cảm, sẻ chia. Tất nhiên, người đọc còn yêu mến thơ Đinh Thị Thu Vân bởi chị là tác giả của những câu chữ vừa dung dị vừa tài hoa. Nhưng xin bàn về phương diện này trong một bài viết khác.

Thành phố HCM, tháng 3/ 2016
H.T.
(Bài đăng Văn Nghệ số ra ngày 16/4/2016).

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm
Nội trú trong ta một nỗi buồn
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về “Năm ngón chưa đặt tên” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn 2024
Xem thêm
Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?
Bài viết của Lê Xuân Lâm, cộng tác viên tích cực của Văn chương TPHCM.
Xem thêm