- Lý luận - Phê bình
- Tổ quốc mình đất biển mãi hòa nhau khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng hoà bình
Tổ quốc mình đất biển mãi hòa nhau khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng hoà bình
SAO KHUÊ
"Tổ quốc mình đất biển mãi hòa nhau" của NGƯT Ngô Minh Oanh đã vượt khỏi khuôn khổ và giá trị của một tác phẩm văn học thông thường để mang ý nghĩa của thông điệp về tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình và toàn vẹn chủ quyền dân tộc.
Sinh ra tại Quảng Bình - vùng đất “địa linh, nhân kiệt” và “văn vật”, là một trong những cái nôi thu hút và môi trường đào luyện nhiều nhân vật lịch sử, hiền tài của đất nước, nhà thơ Ngô Minh Oanh luôn ý thức về tình yêu và trách nhiệm công dân của một người cầm bút trước những vấn đề mang tính sống còn của dân tộc.
Theo nhà văn Kao Sơn, tập thơ Tổ quốc mình đất biển mãi hòa nhau (NXB Hội Nhà văn - 2024) đã vượt khỏi khuôn khổ và giá trị của một tác phẩm văn học thông thường để mang ý nghĩa của thông điệp về tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình và toàn vẹn chủ quyền dân tộc.
Trước đó, tác giả Ngô Minh Oanh - từng ra mắt sách thơ Đêm nằm nghe ký ức (2022), Đất hóa miền thương (2023). Cũng trong năm 2024, ông còn có tập thơ Dấu cát trong nhau.
Nhà giáo Ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Sử học Ngô Minh Oanh sinh ra và lớn lên tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Bên cạnh vai trò là một Nhà giáo Ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Sử học của trường Đại học Sư phạm TPHCM, Ngô Minh Oanh còn là hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Trong mắt bạn văn, ông là một tâm hồn tha thiết yêu quê hương. Thưởng thức những tác phẩm đã in mới thấy Ngô Minh Oanh không mấy khi đề cập tới tình cảm riêng tư mà phần lớn là giãi bày trăn trở về hiện thực cuộc sống.
“Người ta gọi nhà trẻ của con bằng tên một loài hoa đẹp/ Mẹ thêu hoa lên ngực tựa mặt trời/ Con tung tăng giữa ánh hồng buổi sớm/ Ba nhìn con chấp chới cánh chim non..." - (Viết ở nhà trẻ của con).
“Biên cương chiều hoa rưng rức/ Trắng, tím, vàng lấp lánh lay/ Dường như hoa đã cầm tay/ Trái tim người lính ắp đầy tình yêu!” - (Ghi ở nghĩa trang biên giới).
Những câu thơ dung dị, nhẹ nhàng tựa dòng nước mát lành chảy vào tâm hồn người đọc lại chứa đựng thứ năng lượng mạnh mẽ, nhắc nhở rằng tình yêu quê hương, đất nước không cần chờ đợi bất kỳ cơ hội đặc biệt nào để thể hiện mà nó như hơi thở trong cuộc sống mỗi ngày.
“Con gái lâm trường quen dầu dãi sớm trưa/ Mặc áo xanh cho đồi nắng cháy/Những giọt mồ hôi và giọt mưa tuôn chảy/ Hẹn cao nguyên xanh mới những cánh rừng...” - (Cơn mưa và những cô gái trồng rừng).
Thơ Ngô Minh Oanh khiến người đọc lý giải được câu hỏi “Tại sao chúng ta phải yêu quê hương?”. Điều này không chỉ vì lịch sử lâu đời, tài nguyên phong phú mà còn vì nhiều năm qua, nhân dân Việt Nam anh hùng đã xây dựng được Tổ quốc tươi đẹp, bình yên dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Yêu quê hương không phải là ca ngợi một cách vô ích mà là biến tình yêu của chúng ta thành những hành động thiết thực.
“Đá vững vàng trước những cuồng phong/ Trước giá lạnh của mùa Đông Tây Bắc/ Thành cánh cung đá giữ biên cương...” - (Cao nguyên đá Đồng Văn).
Mỗi áng thơ trong tác phẩm đều đề cao tính cộng đồng, khơi dậy ý thức công dân trước vận mệnh của đất nước.
Tập thơ Tổ quốc mình đất biển mãi hòa nhau đưa độc giả lên rừng, xuống biển. Mỗi bước chân trên hành trình của tác giả có sự cảm nhận sâu sắc về đất và người. Cảnh quan cùng tấm lòng người dân trên dọc ngang đất nước đã đem lại cho ông nguồn cảm hứng bất tận, để rồi từ đó, những tứ thơ bật lên. Câu thơ nào cũng xúc động, thân thương và đầy ắp niềm tự hào.
“Biển muôn đời dài rộng của ta/ Sóng quẫy lên muôn điệp trùng đất nước/ Một triệu cây số vuông giặc không thể cướp/ Tổ quốc mình đất, biển mãi hòa nhau” - (Đừng gọi Tổ quốc mình hình chữ S).
Lòng yêu nước là tình cảm sâu sắc nhất và lâu dài nhất trên thế giới, là cội nguồn của đạo đức con người. Lòng yêu nước cũng là cốt lõi của tinh thần dân tộc Việt Nam, duy trì sự đoàn kết và truyền cảm hứng cho các thế hệ người dân Việt làm việc không mệt mỏi vì sự thịnh vượng của quê hương.
Nguồn: VietNamNet