TIN TỨC

Trần Kim Anh với tập thơ Khi đàn ong bay đi

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1114 lượt xem

BÙI KIM ANH

Khi đàn ong bay đi (NXB Hội Nhà văn- 2011) là tập thơ thứ 3 của Trần Kim Anh, sau Giao mùaNhện đỏ. Với 45 bài thơ phong phú về đề tài, thể loại, Khi đàn ong bay đi đem đến cho người yêu thơ tâm hồn dịu dàng mà sâu lắng, đằm thắm mà suy tư của một cô giáo dạy văn và là một nhà thơ.

Đọc phần giới thiệu tác giả, ta thấy ghi quê chị Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Hỏi ra thì Thanh Hóa là quê nội hay thường gọi là nguyên quán, Hà Tĩnh là quê ngoại nhưng là nơi chị sinh ra, lớn lên và làm cô giáo. Hình như cũng chẳng có ai ghi về quê hương như chị - đủ cả hai bên nội ngoại. Chị lại là hội viên 2 hội nhà văn ở 2 thành phố lớn – Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Lướt qua 1 lần trong Khi đàn ong bay đi, đã bắt gặp đầy đủ những miền đất chị sinh ra và sinh sống.

Xa quê nội từ thuở lọt lòng, chị Gửi sông Mã

Nắng Sài Gòn

                 chải heo may

Nghe nỗi quê

                  vọng lại

Câu thơ

                  mái chèo con gái

Thả sóng về

                 Sông Mã

                               ưu tư.

Trong thơ chị có một Sài Gòn đêm mỏng hơn chiều, có một Sài Gòn mùa khô Nắng lưng ong/ phứt tung khuy áo/ tự tin khoe Nam bộ.

Trong thơ chị có một Hà Nội: Với hồ Bảy Mẫu chỉ còn là dòng chảy/ mênh mông trơ những góc buồn, với Mắt lá Hồ Tây xanh sóng gọi mùa, với trời xanh nghiêng xuống cốm ru làng Vòng. Và nào là chùa Trấn Quốc, chợ Đồng Xuân, chợ Mơ…nào là Loa Thành với An Dương Vương…

Trần Kim Anh yêu và viết về Hà Nội trong cách nhìn riêng mình:

Hà Nội đa tình chàng trai quyến rũ

Dắt nắng vào lưng đi suốt chân trời

Chớm heo may run ngày trở rét

Hà Nội nghiêng lòng nghe tiếng lá rơi

(Hà Nội của tôi)

Nhiều nữa những vùng đất mà Trần Kim Anh đã tới, đã thân thương trong những tứ thơ của mình. Một Cúc Phương mở núi, Cúc Phương ngái ngủ. Một thoáng Nha Trang Bóng bàng vuông rủ xuống niềm xưa cũ/ biển đảo ngày đêm thao thức Khánh Hòa. Rồi vùng cao Si Ma Cai. Rồi chợ quê La Giang. Rồi bến Ninh Kiều… Trần Kim Anh đi nhiều, cảm nhận về những nơi mình đã đến khi thắc thỏm, khi chênh chao, khi ưu tư và nhiều khi trong cảm xúc cô đơn. Hãy nghe tiếng lòng của nữ sĩ trong bài thơ Gửi Đà Lạt

Mimoza vàng mơ Đà Lạt

Em một mình thương nhớ em thôi

Mưa dan díu thung lũng vàng một nửa

Chập chùng đèo hút gió một mình em

Cảnh một mình được bộc lộ nhiều nhất trong các bài thơ tình của chị. Cũng có lẽ bởi chị đang chỉ một mình. Cũng có lẽ bởi Anh là dậy thì em con gái.

Thơ về anh và em chỉ là một phần nơi cuối tập Khi đàn ong bay đi. Hình như tình anh đã là ký ức mà em Tháng ngày theo anh rong ruổi/ Khi anh đã thành xa xôi. Hình như anh và em chỉ còn là Một ngày tin nhắn lần đường tìm nhau. Có một người phụ nữ, có một cô giáo trong một người làm thơ thật hiền dịu biết chờ đợi goan ngoãn để rồi còn lại một mình

Ngày mai ấm

Ngày mai nắng

Anh đến

Vâng! Em đợi

…Nhợt nhạt những câu thơ phơi nắng

                                                   chờ anh (Hẹn)

Không trách móc khi lời hẹn, thời gian hẹn của anh cứ lùi dần, lý do lỡ tiếp nối và cả lời hứa như lời thề thốt Nhất định làm sao quên. Bài thơ Hẹn kết của tập thơ ngầm mách: Một mình, đọng lại hình ảnh Mưa dầm run trong mắt em. Không trách đâu mà sao thương vậy, mà sao giận vậy.

Tập thơ Khi đàn ong bay đi, có 3 bài thơ viết dành cho 3 người thương yêu của Trần Kim Anh. Người cha trong thoảng gió hồn quê nồng nàn (Dâng cha). Người chị gái yêu đã sớm từ giã cõi đời Một thoáng chị/ thiên thần bay qua cõi người/giọt nước không kịp xanh/ nhỏ bên ngày lạnh (Lặng lẽ chị).

Và mẹ - kính tặng mẹ yêu tuổi 92

Con thức con ngồi canh giấc mẹ

Bao đêm xưa mẹ thức ru con

Cỏ bay bạc xóa chân trời cũ

Thoi thóp lòng con nắng dưới cồn (Mẹ ơi)

Cũng là tình mẹ con như bao người, như bao bài thơ viết về đề tài mẹ mà bài Mẹ ơi của Trần Kim Anh làm ta cảm động bởi cách diễn tả của chị - con nặng lòng nghe chuối cạn ngày, bởi hiểu hoàn cảnh riêng chị - Mẹ biết con chỉ còn có mẹ/Gánh đời nặng nhẹ sẻ cùng con. Và, rồi sẽ đến một ngày, dẫu sợ hãi vẫn đến vắng lạnh hơi người thì cái một mình, cái cô đơn trong đời và trong thơ của Trần Kim Anh biết đến tận đâu

Rồi ta sống

                 tới ngày cánh trụi

Mới hay

                   lầm lũi kiếp người (Một thoáng Chí Phèo)

Cái Đường số phận như chị đặt tên cho một bài thơ của mình trăn trở trong câu viết của chị - trăn trở nhưng vẫn nhẹ nhàng mà không chua chát, như tính tình của chị. Dẫu nhân gian bơ phờ nhợt nhạt đắng cay, Trần Kim Anh vẫn lý giải - Lỗ thủng ô zôn không giữ nổi/ Đường số phận/ Tựa vì sao đổi ngôi

Con người Trần Kim Anh là vậy, thơ chị là vậy – Chẳng đủ khôn để dấu dại khờ/ Sau dịu dàng / rất cỏ.

Đọc Khi đàn ong bay đi ta gặp ở đây một Trần Kim Anh với giọng thơ truyền thống mượt mà với những điệp từ điệp ngữ - Nào đâu chút mẹ chút cha/Chút anh chút chị chút bà con thôi/ Cho tôi một chút phương trời/ …cho tôi một chút quê nhà… Và một Trần Kim Anh với những hình ảnh gợi tả, lối diễn đạt không kém phần hiện đại, táo bạo – Em đông cứng thành khối tình ái/ Em tan chảy thành dòng tình ái / …Rồi lại Rụng một kiếp người còn tươi.

Rồi xuân đến mà Gió nhú ngỡ ngàng ngực nõn/ Lá run rẩy/ Môi mùa run

rẩy

Trần Kim Anh có một bài thơ Khi đàn ong đến nhà - ở tập Nhện đỏ. Và đây là Khi đàn ong bay đi - bài thơ mở đầu tập thơ, là nhan đề tập thơ.

Rồi một ngày

Ngọt ngào vỗ cánh

                      những đời người

… Những giọt mật đã vội về cõi mọng

Mong manh ơi

                        Xin tạ tội với người

Cuộc đời là vậy đấy. Những gì ngọt ngào, những gì tốt đẹp đến rồi lại vỗ cánh bay đi. Mong manh quá! Mong manh ư? Trần Kim Anh muốn níu giữ mà thật khó. Không là cõi mộng. Với chị đó là cõi mọng – chín mọng, ngọt mọng – đầy sức sống, đầy quyến rũ nhưng đến rồi lại bay đi như đàn ong mật đến nhà rồi lại bay đi.

BKA.
 

Một vài hình ảnh về nhà thơ Trần Kim Anh và bạn bè

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm