TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Tấm lòng trĩu nặng nghĩa nhân trong “Đối diện chính mình của Phạm Trung Tín

Tấm lòng trĩu nặng nghĩa nhân trong “Đối diện chính mình của Phạm Trung Tín

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-05-30 10:22:25
mail facebook google pos stwis
533 lượt xem

TRIỆU KIM LOAN

Phạm Trung Tín là hội viên HNV TP. Hồ Chí Minh, hội viên HNV Việt Nam, sinh ra ở Hải Phòng, từng tốt nghiệp cử nhân kinh tế và cử nhân triết học, hiện sinh sống và sáng tác tại TP. HCM. Cho đến nay, Phạm Trung Tín đã cho ra mắt bạn đọc 6 tập thơ Dặm dài ký ức (2013), Miền tâm tưởng (2014), Lời của đá (2015), Khoảng thức (2017), Đường chân trời (2019) và Đối diện chính mình (2022).

Đối diện chính mình là tựa đề mà tôi rất thích. Đây là tên một bài thơ được tác giả dùng làm tên gọi cho cả tập sách gợi nhiều ý nghĩa. Đối diện chính mình là lời tâm niệm của người thơ, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đối diện chính mình để sống chính trực, ngay thẳng, nhân nghĩa và vượt lên nghịch cảnh. Tựa đề còn mang hàm ý nhìn lại bản thân, nhìn lại những thăng trầm được mất để vui, buồn, tự hào những giá trị của cuộc đời, từ đó trân quý những gì đang có. Khi bước vào con đường thi nghiệp, Đối diện chính mình còn là cách nhìn vào bản ngã để tìm tòi và làm mới bản thân trong nghệ thuật. Quan niệm mang tính triết lí này đã trở thành mạch nguồn cảm xúc chủ đạo, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm.

Xuyên suốt tập thơ Đối diện chính mình, người đọc bắt gặp một người lính can trường trong cuộc chiến tranh chống Mĩ khốc liệt, một người chồng ân nghĩa, một người con hiếu thảo, một người cha mẫu mực và một người thơ có trách nhiệm với ngòi bút văn chương. Với lối viết thiên về tự sự, hướng về tha nhân, sử dụng nhiều thể loại nhưng chủ yếu là thể thơ lục bát truyền thống, thơ Phạm Trung Tín vẫn chuyển tải tinh tế cảm xúc nồng nàn và độ sâu triết lí nhân sinh. Đây chính là lí do thơ Phạm Trung Tín dễ tìm được sự đồng điệu, cảm thông, kết nối với bạn đọc xa gần ở nhiều lĩnh vực, nhiều độ tuổi. Nói như nhà văn Nguyễn Trường: “Anh ít viết cho mình mà viết nhiều cho bạn bè, đồng đội, những hoàn cảnh mỗi phận người. Thơ anh có cả tình, cảnh, con người và thiên nhiên nên làm cho người đọc dễ chịu khi cảm nhận”.

1. Đối diện chính mình - một tấm lòng trĩu nặng nghĩa nhân

Là một người xa xứ, Phạm Trung Tín thường có những giây phút hoài niệm về quê hương, nguồn cội, người thân và bạn bè của mình. Thơ ca chính là người bạn tâm giao, là phương tiện kì diệu kí thác nỗi niềm trắc ẩn rất đáng trân trọng ấy. Nói như nhà thơ Trần Mai Hường “Người ta thường nói rằng, khi qua con dốc cuộc đời, con người có thói quen sống cho kỉ niệm. Với người bình thường như chúng ta, chuyến về miền hoa mộng khó tránh được nuối tiếc những tươi đẹp mà mình đã đi qua. Còn với thi nhân, chạm vào dĩ vãng cũng là lúc trái tim cất lời, để ngày hôm qua lưu dấu trong hiện tại, để lời riêng kết nối, đồng vọng với tình chung”.

Là một cử nhân triết học, Phạm Trung Tín thường suy tư về thời cuộc, đặc biệt trắc ẩn trước những số phận mong manh, ngắn ngủi và nghiệt ngã của đời người. Nói như Tố Hữu: “Bài thơ hay là bài thơ đọc lên không còn thấy câu thơ mà chỉ còn thấy tình người và tôi muốn thơ phải thật là gan ruột của mình”. Chất trữ tình làm nên hồn cốt trong thơ Phạm Trung Tín khúc xạ từ lối sống giản dị, giàu nhân nghĩa, luôn quan tâm, chia sẻ đến người khác của anh. Đối diện chính mình dành một lượng lớn thơ ca bày tỏ tình cảm tiếc thương, xa xót trước sự ra đi của người thân, bè bạn và tha nhân như “Tiễn biệt một người thơ”, “Vĩnh biệt tri kỉ tri âm”, “Khóc bạn cố tri”, “Kính viếng hương hồn Đại huynh Nguyễn Cẩn”, “Tiễn biệt lão đại nhân”, “Tiễn thi sĩ Đông Nguyên nơi an nghỉ vĩnh hằng”, “Người tập hợp những tài hoa”… Tuy nhiên, nhà thơ đã sử dụng những ẩn dụ và ngôn từ giàu thi ảnh khiến lời thơ thấm thía, nhẹ nhàng mà không quá bi lụy. Khi viết về một người chị mắc bệnh cơ hàn phải rời xa cõi tạm, nhà thơ nghẹn ngào: Chị ơi nắng cũng ngừng rơi/ Ba hồi trống/ tiễn người rời trần gian (…) Buồn thương/ hoa lệ nghẹn lời / Cốt lưu sơn tự/ trăng bơi giữa dòng (Khóc chị). Vẫn biết trần gian là cõi tạm/ Đời người bóng nắng hắt qua song/ Xót xa thương tiếc chùng tâm khảm/ Thôi chẳng lần sau tắm một dòng (Tiễn thi sĩ Đông Nguyên nơi an nghỉ vĩnh hằng). Trong dịp về quê hương thi nhân Nguyễn Bính, trước ngôi mộ đơn sơ, lạnh vắng, thắp nén nhang thơm tưởng niệm tiền nhân mà lòng bùi ngùi cảm khái. Tấm tình ấy được nhà thơ diễn tả bằng những câu lục bát thật đẹp:

Vít cong nhang khói nửa chừng

Ngọc lan im lá, lộc vừng nghẹn hoa

Chị đau khổ trước sân nhà

Còn em chạnh nỗi xót xa tận lời

Câu thơ góc bể chân trời

Hồi hương cô quạnh nghẹn lời thế nhân (Viếng mộ Nguyễn Bính thi nhân)

Với người vợ đầu gối tay ấp đã khuất, người thơ đã dùng cách viết giản dị nhưng chất chứa tình cảm sâu đậm pha lẫn sự nuối tiếc, xót xa của tình nghĩa phu thê: Thanh minh thăm mộ vợ hiền/Mưa đêm qua có lạnh phiền mình không?/ Lặng buồn cõi biệt mênh mông/Vùi sâu cốt lạnh phiêu bồng hồn ma (Thăm mộ hiền thê). Với đồng đội, những người lính từng là bạn đồng niên, cùng chung chí hướng, tâm nguyện lên đường cứu nước, tác giả chọn cách trò chuyện tâm giao mộc mạc: Đồng niên: thầy - bạn, lớp - trường/ “Hàn sinh” hun đúc cương cường chí trai/ Bóng hồng e ấp mắt nai.../Bút nghiên bỏ, súng nặng vai... lên đường/ Bước quân reo lính chiến trường/ Đạn bom mù mịt - máu xương tơi bời/ Tử sinh nghĩa khí phùng thời / Câu thơ hội ngộ dưới trời miền Đông (Khóc bạn cố tri).

Hình ảnh người mẹ lam lũ, tảo tần, giàu đức hi sinh được nhà thơ nhắc đến trong nhiều trạng thái cảm xúc. Đó là niềm vui vỡ òa ấm áp của niềm vui đoàn tụ: Cháu con quấn quýt bên bà/ Bữa trưa muộn, rộn tiếng gà gáy vang/ Xôn xao ngõ xóm chợ làng/ Đoàn viên tứ đại- xênh xang nói cười (Mẹ và niềm vui đoàn tụ), là cảm giác bé bỏng trong tình yêu vô bờ của mẹ: Năm mươi năm bạt phiêu/ Cánh chim bay chân trời góc bể/ Tuổi chín lăm mẹ cuối chiều bóng xế/ Tôi chưa hẳn lớn khôn/ Trong ánh mắt mẹ già (Mẹ và các con trai). Chỉ bằng bốn dòng lục bát, nhà thơ đã tái hiện trước mắt người đọc hình ảnh đôi bàn tay gầy guộc nhăn nheo- dấu ấn của tuổi tác và cuộc đời nghèo khổ, lam lũ của mẹ: Ngón gầy gân guốc nhăn nheo/ Đồng sâu ruộng cạn đói nghèo trả vay/ Trời thương con được cầm tay/ Để xoa dịu bớt đắng cay phận người (Cắt móng tay cho mẹ). Vẻ đẹp phẩm hạnh của mẹ được nhà thơ tôn vinh bằng hình ảnh hoa sen cao khiết. Loài sen là quốc hoa của dân tộc Việt Nam- một thi liệu quen thuộc trong thơ ca truyền thống được Phạm Trung Tín sử dụng vẫn mang nét riêng thơ anh. Dẫu tuổi cao sức yếu, mẹ vẫn chắt chiu nhặt nhiệm, rút ruột tằm nhả tơ, dạy các con lối sống nhân nghĩa:

Như loài sen dẫu hoa tàn

Củ còn nuôi ngó đông hàn ủ xanh

Hè sang bừng sắc lá xanh

Hoa thơm đơm nhụy trong lành nghĩa ân. (Mẹ tôi lão Phật gia)

Được biết Phạm Trung Tín còn đảm nhiệm công việc xã hội với cương vị của một bí thư chi bộ nhiều năm của một khu phố hơn 4.000 dân, được mọi người yêu quý và tín nhiệm. Thơ ca dù có lãng mạn, sải cánh bay cao trên bầu trời nghệ thuật vẫn có một sợi dây nối liền mặt đất. Hiện thực đời sống đương đại với những khúc quanh và ngã rẽ đi vào thơ Phạm Trung Tín bình dị và ắp đầy như từng hơi thở. Trước trận cuồng phong số 9 ở miền Trung, lời thơ lo lắng đến quặn thắt: Bão chồng lên bão nỗi đau/ Thiên tai dồn dập nát nhàu miền Trung/ Gió lùa mây phủ bịt bùng/ Tang thương dâu bể vô cùng đớn đau (Miền Trung giông bão). Đồng cảm với những nhọc nhằn của người phụ nữ làm muối ở Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP. HCM, nhà thơ chia sẻ: Hạt muối đa đoan, long đong chìm nổi/ Đời diêm dân nhỏ nhoi cơ hội/ Bán lưng cho trời, muối bạc trắng hơn vôi/ Bán mặt cho đất lưng ướt đẫm mồ hôi (Nói chuyện với người đàn bà làm muối). Trong đại dịch Covid 19 kinh hoàng năm 2021, bên cạnh những hoạt động thiện nguyện của bản thân và Hội Nhà văn TP. HCM, nhà thơ gửi gắm vào thơ những lo lắng, thương cảm đau đáu của mình:

Giặc thinh lặng hủy hoại đời

Ngàn sinh mệnh bóng ma trơi thình lình

Vô tang vô tưởng vô tình

Tâm hương thắp nghẹn- cốt bình nhói tim (Phận người trong tâm dịch)

2. Đối diện chính mình- một hồn thơ lãng mạn gắn với sứ mệnh văn chương

Cảm xúc lãng mạn, thăng hoa chính là yếu tố quan trọng để người thơ chắp cánh cho nghệ thuật. Thơ ca có lúc là lời độc thoại, có lúc là tiếng hát ngập tràn của trái tim. Đó cũng chính là lúc người nghệ sĩ chưng cất thơ ca bằng ngôn từ rất riêng của mình. Nhà thơ đã dành cho người vợ sau, hiền thê Nguyễn Thị Huệ những vần thơ thật đẹp về tình yêu và hàm chứa cả sự biết ơn: Nắng cong bông lúa rưng rưng/ Mặn mòi gió biển nuôi rừng mãi xanh/ Đã yêu sương giọt đầu cành/ Càng thương nắng ấm đã dành cho nhau (Tặng vợ hiền Nguyễn Thị Huệ); Thiện tâm kết nối nhịp yêu thương/ Nuôi con, chăm mẹ - nhịn nhường/ Tiếng thơ chồng - ủ sắc hương đất trời/Cánh buồm căng gió xa khơi/ Ngọn nguồn hạnh phúc mỗi lời sẻ chia (Ngọn nguồn hạnh phúc).

Trong tập Đối diện chính mình, có lúc bạn đọc bắt gặp một số bài thơ lãng mạn, ngọt ngào về cảnh sắc thiên nhiên gắn với tình yêu đôi lứa. Đó là một khung cảnh Đà Lạt đẹp như huyền thoại: Dã quỳ xanh nụ rêu phong/ Mưa giăng mắc lạnh cánh diều thảo nguyên/ Chìm sâu kí ức ưu phiền/ Mùi hương tóc quyện rối triền nhớ nhung (Hồi tưởng). Bắt gặp hình ảnh của người thiếu phụ nơi phố núi, người thơ tự giăng mắc một tấm tình: Chợt thiếu phụ bừng lên chiều phố núi/ Bồng bềnh mây hương sắc đoan trang/Nắng mê hoặc gió chừng như bối rối/ Cỏ mềm quấn quýt bước lang thang/ Người thơ đón Nguyên tiêu sơn cước / Lau trắng đường lạnh ướp sương êm (Tình phố núi). Đó là giây phúc cùng trăng độc ẩm: Tay cầm ly rượu nhẹ tênh/ Giật mình đáy cốc lênh đênh phận người/ Xa xôi trăng cũng như cười/ Cùng ta tròn- khuyết, chín- mười tỉnh say (Uống rượu cùng trăng). Đó là kỉ niệm lãng mạn của một người lính trở về Sài thành trong một buổi sáng mưa bay:

Một sáng mưa, gác hẻm nhỏ Sài Gòn

Bốn lăm năm nụ hôn dường ngây ngất

Lính biên cương quý hơn vàng kỳ phép

Long ngóng vụng về khuy áo khép ngực em. (Nụ hôn ngày ấy)

Ký ức rưng thơm về quê hương được kí thác vào thơ bằng những hình ảnh chấm phá của cỏ may, bến sông, mây, gió, trăng gầy… Thiên nhiên quen thuộc của làng quê ven sông sẽ trở nên vô hồn nêu không được nhà thơ phả vào nỗi niềm nhung nhớ của người con xa xứ:

Bước chân ai níu cỏ may

Chiều quê in bóng trăng gầy bến sông.

Mây chùng chình nỗi chờ mong

Gió lang thang giận sóng không vỗ bờ

Chao nghiêng ký ức thực mơ

Gọi tên bến cũ lòng ngơ ngác chiều (Chạm vào nỗi nhớ)

Đọc Đối diện chính mình của Phạm Trung Tín, bên cạnh sự trung hậu của tấm lòng, tôi thích cái chất mộc mạc, bình dị của ngôn từ và những hình ảnh so sánh, ẩn dụ tinh tế của anh qua thể thơ lục bát truyền thống uyển chuyển: Chỉ e phố núi tùy duyên mỏng (Tình phố núi); Lưng cong trĩu bóng mẹ hiền/ Vai chiều thêm nặng gánh phiền xa xăm (Mũi vắc xin ngày Vu Lan); Con sẽ bay lên từ đôi vai cha mẹ (Tặng con trai yêu quý); Nắng mê hoặc gió chừng như bối rối/ Cỏ mềm quấn quýt bước lang thang (Tình phố núi);  Hạt muối tinh khôi như hoa tuyết (Nói chuyện với người đàn bà làm muối); Củ còn nuôi ngó đông hàn ủ xanh (Mẹ tôi lão Phật gia); Vít cong nhang khói nửa chừng/ Ngọc lan im lá, lộc vừng nghẹn hoa (Viếng mộ Nguyễn Bính thi nhân)… Nói như Nguyễn Cư Trinh: “Để trong lòng là chí, ngụ ra ý là thơ. Người có sâu, cạn cho nên thơ mờ có tỏ, rộng hẹp khác nhau. Người làm thơ không ngoài lấy trung hậu làm gốc, ý nghĩa phải hàm súc, lời thơ phải giản dị”.

Xuân Diệu từng viết: “Ngôn từ, lời chữ, vần rất là quan trọng, bởi thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ. Tuy nhiên, đó là cái quan trọng thứ hai. Mà cái quan trọng thứ nhất làm rường cột cho tất cả là cái tứ thơ, nó chủ đạo cả bài. Làm thơ khó nhất là tìm tứ”. Trong tập thơ này, có thể Phạm Trung Tín chưa có nhiều câu thơ cách tân theo lối hiện đại nhưng chất trữ tình đậm đặc làm nên hồn cốt của thơ ca luôn tuôn chảy và ắp đầy, khá nhiều bài thơ đã xây dựng được tứ riêng, không trộn lẫn. Dù cuộc đời có những thăng trầm, mất mát nhưng người thơ Phạm Trung Tín vẫn cần mẫn cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa, nâng niu từng lát cắt cảm xúc để gieo trồng những áng thơ ca đích thực, đóng góp cho nghệ thuật.  Xin chúc mừng Đối diện chính mình của Phạm Trung Tín và chờ đợi tập thơ tiếp theo của anh.

TP. Hồ Chí Minh, 20/5/2023
TKL.

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm
Nguyễn Quang Thiều với ‘Nhật ký người xem đồng hồ’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời
Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.
Xem thêm
Dòng kinh yêu thương
Tháng 8 năm 1969, chương trình Thi văn Về Nguồn góp tiếng trên Đài phát thanh Cần Thơ vừa tròn một tuổi. Nhân dịp nầy, cơ sở xuất bản về Nguồn ấn hành đặc san kỷ niệm. Đặc san tập họp sáng tác của bằng hữu khắp nơi, với các thể loại như thơ, truyện, kịch… và phần ghi nhận sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Tây trong một năm qua. Trong đặc san này, chúng tôi in một sáng tác của nhà thơ Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) viết ngày 24/8/1969, gởi về từ Vị Thanh (Chương Thiện), có tựa đề “Đưa em xuôi thuyền trên kinh Xà No” Hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao nhiêu biến động, ngay cả tác giả bài thơ chắc cũng không còn nhớ. Xin được chép lại trọn bài thơ của anh đã đăng trong Đặc san kỷ niệm Đệ nhất chu niên Chương trình Thi văn Về Nguồn, phát hành vào tháng 8 năm 1969.
Xem thêm
Minh Anh, người đánh thức thế giới
từng chữ từng chữ/ rơi vào từng dòng từng dòng/ chúng chụp lấy những khoảnh khắc/ đẹp não nùng/ không thể rời khỏi con tim/ cách duy nhất để tự nó đừng nở rộ quá mức/ vượt khỏi ký ức của ta/ là hãy viết xuống (Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết).
Xem thêm
Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ Vọng thiên hà của Hoa Mai.
Xem thêm
Con người Chí Phèo
Cái chết của Chí phèo như bản cáo trạng về xã hội thực dân nửa phong kiến thối rữa, nhàu nát, là tiếng kêu oan khốc thấu tận trời xanh của những kiếp người “siêu khổ”.
Xem thêm
Nguyễn Ngọc Hạnh - Hồn thơ reo mãi phía làng
Bài viết của Hoàng Thụy Anh và phóng sự ảnh của Nguyên Hùng
Xem thêm
‘Bút chiến’ thời Tự Lực Văn Đoàn
Trước khi được giải Lý luận phê bình của Hội Nhà văn năm nay thì “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” đã được chú ý trong cộng đồng đọc. “Câu chuyện cũ nhưng cách tiếp cận mới, khảo tả công phu, chưa kể những dẫn chứng “đấu đá” hậu trường văn chương, đọc rất vui”, độc giả bình luận.
Xem thêm
Khối đa diện “Mộng đế vương”
Nhà văn Nguyễn Trường chọn xứ đạo ở Cồn Phụng của ông Nguyễn Thành Nam, đạo vừa vừa, gọi là Đạo Dừa
Xem thêm
Hồn quê trong một sắc thơ miệt vườn
Nhà thơ Kiên Giang (1929-2014) - đúng ra năm sinh: 1927 - tên thật Trương Khương Trinh (bút danh khác: Hà Huy Hà, Ngân Hà, Trinh Ngọc, Cửu Long Giang…, gốc người làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang).
Xem thêm
Góp... tìm tên cho “Khúc vĩ thanh 109” của Nguyễn Phúc Lộc Thành
Khúc vĩ thanh 109 Nguyễn Phúc Lộc Thành và nỗi băn khoăn của Lê Xuân Lâm
Xem thêm
An Bình Minh: Im lặng sống - Im lặng... viết
Nguồn: Thời báo Văn học & Nghệ thuật
Xem thêm