- Truyện
- Tô tem của tí choai | Lâm Hà
Tô tem của tí choai | Lâm Hà
LÂM HÀ
Thời buổi này, hẳn chẳng còn mấy trẻ em nghe đến tên ông Ba Bị - một “Ông Kẹ” xa xưa chuyên được các phụ huynh đem ra để dọa các nhóc tỳ mỗi lần chúng khóc quấy về đêm. Ấy vậy mà chư vị nhi đồng ở nhà mẹ vợ tôi cứ nghe đến ba chữ Ông Ba Bị là rúm người lại. Số là vì nhà mẹ vợ tôi là nơi tập kết bọn nhóc con của mấy thằng em vợ tôi mỗi ngày thứ bảy, chủ nhật và là nơi tạm định cư của hai bé gái con của… vợ tôi đến thời điểm này. Mẹ vợ tôi cứ là phải cuống lên với lũ cháu nội cháu ngoại, mệt nhất là bà phải làm quan tòa để xử lý những tranh chấp phát sinh như đứa nào được phép cầm remot T. V để quyết định xem chương trình ở kênh nào, quyền sở hữu tạm thời một món đồ chơi mới thuộc về ai… và nhất là thu dọn chiến trường vui chơi của lũ nhỏ. Để nhắc cho bọn nhóc ngoan ngoãn, mẹ vợ tôi luôn nhắc chừng lũ cháu “Đừng có khóc quấy. Ông Ba Bị nghe tiếng con nít khóc thì ổng sẽ mò đến bắt đi”. Vì không muốn tạo ấn tượng rùng rợn với trẻ em nên bà không kể là ông Ba Bị ăn thịt con nít, mà “biến tấu” rằng Ông Ba Bị sẽ bỏ những em bé không ngoan vào cái bị vẫn vác trên vai đem đi. Sau đó, ông ta cho những em bé đó vào túi của con kangooru (Chuột túi). Những con kangooru sẽ nhảy đi và đem những em bé nọ đi qua tận châu Úc, vĩnh viễn không bao giờ gặp lại được bố mẹ. Câu chuyện về Ông Ba Bị quả là lợi hại. Mấy đứa cháu của mẹ vợ tôi cứ há hốc mồm ra nghe và đầy âu lo cho số phận của chúng nếu như có lúc nào đó không ngoan, còn những người lớn chúng tôi thì phải cố làm mặt nghiêm trang cho thích hợp với không khí của câu chuyện giáo dục nọ dù sau đó cười và nói thầm với nhau “Me đang làm cho bọn nhỏ ngỡ rằng nước Úc là nơi nhập khẩu trẻ em hư”. Dù sao thì câu chuyện của mẹ vợ tôi cũng chẳng làm chết ai và rồi bọn nhỏ sẽ ngộ ra tất cả khi chúng lớn lên, chúng tôi lạc quan như vậy.
Rồi mẹ vợ tôi lại phải xa bầy cháu ồn ào, nghịch ngợm như quỷ sứ. Bà xuất cảnh theo diện H. R. Một chọn lựa bắt buộc để tạo điều kiện cho chị Kiều (chị vợ của tôi đã góa chồng) và hai đứa con gái nhỏ của chị ấy có điều kiện sống tốt hơn trong tương lai. Đêm tiễn bà ở phi trường, lũ cháu nội cháu ngoại vẫn tươi cười trong khi cha mẹ chúng thì cứ rơm rớm nước mắt. Lũ cháu chưa đủ lớn để hiểu sự xa cách địa lý đáng sợ thế nào với những người thân. Nhưng khi bà của chúng đã đi xa, người lớn mau chóng gạt lệ để tìm quên trong cuộc mưu sinh giữa đời thường thì…chúng lại bắt đầu thấy nhớ. Rồi chúng cũng quên, trừ bé Tí Choai - đứa con gái thứ hai mới hơn ba tuổi của vợ chồng tôi. Suốt mấy tuần lễ rồi từ ngày bà ngoại của bé ra đi, bé cứ ngồi mãi trong phòng của bà mỗi tối và cứ thủ thỉ hoài cùng mẹ đòi ngủ với bà, để được nghe bà kể về Ông Ba Bị. Bởi vì bà ngoại đã đi xa, nhưng trật tự quản lý bọn nhóc thì đòi hỏi Ông Ba Bị cứ phải tồn tại. Và tôi lại phải giữ cái trách nhiệm lớn lao đó. Với một thể hình không cao và cân nặng hơi quá khổ, cùng bộ ria mép kỳ cục, tôi tự xưng mình là ông Khổng Lồ - gọi tắt là ông Lồ và là bạn thân của ông Ba Bị, tôi lập lại trật tự bằng các tuyên bố:
- Ông Lồ sẽ bắt giữ tất cả những em bé không ngoan và cột lại ngoài hành lang
- Đến đêm, ông Ba Bị sẽ bay ngang qua tất cả các nhà, thấy em bé nào bị cột, ổng sẽ bỏ vào cái bị thứ ba đang vác trên vai và nhét vào túi con Kangooru, cho nhảy qua Úc và vĩnh viễn không gặp lại được bố mẹ.
Tóm lại, câu chuyện của ông Lồ có tính hành động hơn câu chuyện của bà nội-bà ngoại của lũ nhỏ. Bọn chúng sợ một phép, bởi ông Lồ không dịu dàng và ân cần như bà của chúng. Còn với Bo và Choai- hai đứa con gái của vợ chồng tôi thì tuy không quá khiếp sợ vì chúng vốn khá ngoan, nhưng chúng cũng e dè, khó hiểu mỗi khi ông bố thân yêu của chúng bị ông Lồ- bạn của ông Ba Bị nhập vào. Mà trật tự cứ vừa tái lập thì hơn nửa giờ sau đã bị phá vỡ và thế là ông Lồ cứ phải xuất hiện, báo hại tôi gầm gừ khản cả cổ. Thế là một tối nọ, bé Choai thủ thỉ với tôi:
- Bố ơi, làm ông Lồ có khổ không?
Tôi phì cười: - Không, nhưng buồn lắm, vì ông Lồ cứ phải nhắc nhở mấy trẻ em hư. Con và chị Bo ngoan, nhưng con My với thằng Bi không ngoan, thường hay nói bậy, giành giật đập phá đồ chơi, xô đẩy bé Mén…- Tôi ráng nhịn cười để tạo vẻ mặt “ hình sự hóa quan hệ dân sự trẻ em”- Ông Lồ là dượng của Bi và My, nên ông Lồ buồn lắm. Ba Bị trách Lồ không cột tụi nó ngoài hành lang để ổng bắt đi. Ba Bị đòi bắt bé Choai với bé Bo bù vô cho đủ số trẻ em để ổng chuyển qua Úc.
Tí Choai tròn mắt, nũng nịu:- Con hổng muốn qua Úc đâu. Con muốn ở với bố mẹ, để bố mẹ nuôi.
Cao hứng đùa, tôi xoa đầu con gái rượu:- Đừng lo. Bố sẽ nói với ông Ba Bị rằng Bo và Choai là con của vợ chồng Lồ để giúp Ba Bị bắt những trẻ em hư. Ổng không bắt các con đi đâu.
Vậy là Tí Choai sung sướng, hớn hở ra mặt. Nhưng rồi nó lại hỏi cắc cớ: - Mà bố ơi. Rủi bố về nhà nội, ông Ba Bị lại đến bắt con thì sao?
Chết thật. Tôi quên mỗi tuần mình chỉ ở với con 5 ngày. Tí Choai lo xa cũng phải. Đành phải dối tiếp, tôi bảo:
- Không sao. Bố sẽ thay Ông Ba Bị phong cho con một tước hiệu. Nếu ổng đến mà bố đi vắng, con cứ xưng tên và tước hiệu ra, Ba Bị biết con là em bé ngoan ngay.
- Vậy hả bố? Tước hiệu là gì? - Tí Choai ngơ ngác
- Tước hiệu là chức vụ, cấp bậc giống như có một bạn học sinh làm Lớp trưởng trong lớp học của chị Bo á. Nghe nè, ông Lồ theo ủy quyền của ông Ba Bị, phong cho Tí Choai tước Ba Bị Xích Hầu. Là quân Xích Hầu của Ba Bị, Xích Hầu có nghĩa là trinh sát, đi trước xem chỗ nào có em bé hư rồi báo lại cho Ba Bị đến bắt.
Khỏi phải nói gì thêm, hẵn các bạn biết Choai vui như thế nào, sau đó nó nài nỉ tôi phong thêm tước cho chị Bo của nó. Tôi phong luôn cho Tí Bo tước Ba Bị Tổng Quản. Từ đó, cả hai đứa con gái tôi ngoan ngoãn thấy rõ. Mấy đứa cháu còn lại vẫn nghịch quấy như xưa nhưng cũng có hơi ngán vì có hai em bé trong phe Ba Bị đang ở chung phòng…
Trời chuyển tiết, Tí Choai bị viêm tai mũi họng suốt ba tuần lễ. Bé thường phải chịu những cơn trào ngược dẫn đến nôn mữa do đờm nhớt ứ ở cổ họng. Tội nghiệp Choai cứ gầy tóp đi. Để dỗ dành con gái chịu ăn, chịu bú bình trở lại, tôi thường nựng con mỗi sáng rằng “Ông Ba Bị tối qua có bay ngang nhà, trên lưng vác ba cái bao chứa trẻ em. Ổng hỏi Ba Bị Xích Hầu của ổng khỏe chưa để còn dẫn ổng đi bắt trẻ em hư. Ổng trách vợ chồng Lồ không lo giữ ấm cho Ba Bị Xích Hầu của ổng. Bố đã xin lỗi, mẹ đã năn nỉ ổng thả các em bé ra để chúng gần với bé ngoan như Tí Choai thì chúng sẽ hết hư. Ông Ba Bị nói sẽ thả tụi nó, nhưng Tí Choai phải cố ăn cháo, uống thuốc, bú sữa để khỏe lại sớm đặng còn làm Ba Bị Xích Hầu”. Cứ mỗi lần nghe như vậy, Choai lại tươi tỉnh hẵn. Rồi Choai lại đi học và Ông Ba Bị lại là vật đảm bảo để nó răn đe các bạn “ Mình là Ba Bị Xích Hầu. Nếu bạn không ngoan, Ông Ba Bị sẽ bắt bạn bỏ vào cái bị thứ ba, nhét vào túi con Kangooru rồi nhảy luôn qua Úc vĩnh viễn không gặp lại bố mẹ”. Khổ nỗi, Ba Bị càng là nhân vật dễ thương với Bo và Choai thì cái uy lực để lập lại trật tự trong nhà với đám nhóc càng bị giảm sút. Tí Choai lại thủ thỉ với tôi, méc chuyện em họ của nó là con My và thằng Bi nói bậy và nghịch phá, nhưng thấy ông Lồ là lại bỏ chạy ra khỏi phòng. Tôi phải suy nghĩ khá lâu rồi đi đến một quyết định . Trước mặt hai tất cả các chư vị nhóc tỳ, tôi viết thư ký tên ông Lồ gửi Ba Bị xin cấp tô tem cho Choai rồi bỏ vào phong bì, dán kín…
Tôi rời nhà vợ đi công tác suốt ba ngày cuối tuần …
…Chiều thứ hai, vừa đẩy xe vào nhà vợ, tôi đã thấy tất cả nhi đồng trong nhà đang ngồi ngoan ngoãn bên bàn ăn chiều…Tí Choai nhảy phốc từ trên ghế xuống và ôm cứng lấy chân tôi, khoe:
- Ông Lồ ơi. Ba Bị gửi quà cho con.
- Ổng gửi cái gì vậy?
- Tụi con chưa dám mở, đợi bố về - Tí Bo góp lời.
Sau khi các nhóc ăn tối xong, tôi mở gói bưu phẩm phát nhanh gửi bảo đảm trước mặt bọn nhỏ. Có một lá thư đánh máy vi tính bên trong. Tôi đọc cho bọn nhỏ nghe:
“Ông Ba Bị gửi tất cả các trẻ em trong nhà số 96 Võ Văn Ngân, phường Bình Thọ quận Thủ Đức. Ta không bao giờ muốn bắt trẻ em phải xa cha mẹ, nhưng vì có những em bé nghịch phá, hỗn láo nên ta buộc phải đem chúng đi xa để giáo dục lại. Nay ta gửi tô tem Ba Bị cho Ba Bị Xích Hầu Võ Minh Anh tức Tí Choai. Tô tem sẽ cho ta biết bé nào ngoan để ta thưởng, bé nào không ngoan để ta phạt. Phải cố ngoan đấy. Ký tên Ông Ba Bị Chín Quai Mười Hai Con Mắt Hay Bắt Trẻ Con Hư”.
Bọn nhóc xôn xao, tôi thò tay vào bóc gói giấy báo bọc quanh “tô tem”. Trong đó là một con búp bê bằng đất sét trắng đặc nặng gần hai kí lô, được sơn phết đủ màu: đen, đỏ, xanh , trắng xấu thấy phát khiếp. Tí Choai ôm vồ lấy, reo lên:- Á à a…Tô tem của con
- Nặng lắm. con để trong phòng thôi- Vợ tôi lên tiếng nhắc khéo. Các vị người lớn trong nhà thì vừa cười, vừa lắc đầu …
Tô tem của Ba Bị Xích Hầu đặt trong góc phòng vui chơi của bọn nhóc. Trật tự vẫn bị phá nhưng lại ổn định rất nhanh mỗi khi Choai hay Bo chỉ vào Tô tem Ba Bị đang ở trong phòng. Tô tem xấu đến mức chả bé nào muốn chạm đến, nhưng vợ tôi lại cho biết mỗi lần tôi đi vắng, Tí Choai lại len lén nhấc Tô Tem lên mà nựng nịu như bà chị nựng đứa em gái rồi thủ thỉ “Tô tem ơi. Nhớ nói với ông Lồ về với chị nhé”… Nhưng đó là chuyện của những ngày về sau, còn ngay tối hôm nhận bưu phẩm ấy, máy điện thoại của tôi nhận được tin nhắn “Anh nhớ phi tang ngay cái phiếu gửi bưu phẩm kẻo Tí Bo đọc được tên người gửi. Đồ quỷ sứ. Hai ngày rồi mà em vẫn chưa tẩy hết sơn dính ở mấy ngón tay”. Tin gửi từ số máy của chú em kết nghĩa của tôi, người mà tuần rồi phải chạy về tận Bình Thuận để xin đất sét của một lò gạch.
(&) Tô tem: Vật thiêng mang tính biểu tượng.