TIN TỨC
  • Truyện
  • Buôn Rung xa xăm || Truyện ngắn Lại Văn Long

Buôn Rung xa xăm || Truyện ngắn Lại Văn Long

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-05-30 12:12:53
mail facebook google pos stwis
1429 lượt xem

 LẠI VĂN LONG

Văn Đại Thắng đang ở Sài Gòn thì nhận được điện thoại của trung tá Sáu - trưởng công an huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng, cho biết: “Nhóm Fulro cuối cùng do một tỉnh trưởng Fulro cầm đầu đã ra đầu thú…”. Thắng mừng rơn với đề tài hấp dẫn có thể viết nhiều kỳ thu hút độc giả này. Anh vội báo cáo với lãnh đạo báo Buổi Sáng rồi rủ Rina lên đường.


Truyện đăng báo Văn nghệ số 20 (ngày 20/5/2023)

Thắng đội mũ bảo hiểm, mặt áo da, đeo găng tay, cầm lái chiếc mô tô Honda 250 phân khối. Rina ngồi sau - cũng trang bị như Thắng, túi hành lý của họ cột sau baga, túi nhỏ đựng đồ nghề làm báo của Thắng, nước uống, thức ăn nhẹ đặt đứng trên bình xăng, dựa vào ngực Thắng. Họ khởi hành từ sáng sớm theo quốc lộ 20. Thắng rất thích những chuyến đi thế này. Anh cùng Rina đã lang thang trên chiếc mô tô suốt hàng vạn dặm đường qua hầu hết các tỉnh thành phía Nam của đất nước. Có những chuyến đi kéo dài gần cả tháng. Thắng vừa du ngoạn vừa tìm đề tài viết bài rồi fax về tòa soạn, còn ảnh theo bài thì được gửi chuyển phát nhanh đường bưu điện. Sau này khi đã có Internet, việc gửi bài ảnh càng thuận lợi. Đến lúc máy tính xách tay hay laptop xuất hiện ở Việt Nam, công việc làm báo càng nhanh gọn, hiệu quả, lối làm báo “du canh” của Thắng càng phát huy sở trường. Những chuyến đi của Thắng có thể dọc theo bờ biển ra miền Trung theo quốc lộ 1. Hoặc theo đường 13, 14 từ Bình Dương lên Bình Phước - Đăk Lăk - Gia Lai - Kon Tum. Đi dọc biển hay dọc Trường Sơn đều lý thú như nhau, đều được tận hưởng cảm giác sảng khoái, tự hào với đất nước mênh mông, thắng cảnh nối tiếp thắng cảnh và các di tích lịch sử trăm năm, ngàn năm vùng miền nào cũng có. Rina từng xuýt xoa với màu vàng rực rỡ của hoa dã quỳ trải khắp các triền đồi, thung lũng Tây Nguyên. Những rừng bắp mùa trổ cờ dưới chiều nắng hanh hay ngút ngàn những đồi chè ẩn mình dưới màn sương kỳ ảo. Từng bàng hoàng với hoàng hôn tím thẫm, bình yên đến nao lòng bên bờ những con sông hùng vĩ có tên rất lạ với ngôn ngữ Việt, như: Krongpa, Dakbla, Ayun, Serepok, KrongNo, Sê-san… Có những đêm trên dải cát duyên hải miền Trung, Rina ngồi trước bao la sóng vỗ im lìm như một bức tượng có mái tóc dài tung bay với gió biển. Thắng cố tìm từ ngữ để mô tả hay một góc hợp lý để chụp bức ảnh thần tiên đó. Song nghệ thuật do con người tạo ra chỉ bằng một phần nghìn nét kỳ ảo mà thiên nhiên đã dàn dựng. Ở Tuy Hòa, Nha Trang, Ninh Thuận… rừng dương trên bãi cát thách thức muối biển mặn vẫn xanh thẫm trong chiều tà. Thắng dìu Rina trong bóng rợp rừng dương như đang đi trong thế giới huyễn hoặc. Lá dương, cành dương xì xào theo gió hòa quyện vào tiếng sóng biển ù ạp thành một khúc nhạc mênh mang, buồn buồn. Trong không gian, âm thanh hoang vu đó, con người được thả hồn ước mơ nghệ thuật và không còn vướng bận với tham, sân, si…

*

… Xe đã vào địa phận đèo Chuối - Quốc lộ 20, Thắng vừa cầm lái vừa suy nghĩ miên man về những chuyến đi cùng Rina. Chỉ một lát nữa thôi họ sẽ vượt đèo Bảo Lộc hơn 10 cây số. Từ đầu đèo đi chừng 20 phút nữa là đến trung tâm thị xã Bảo Lộc. Đi thêm ngót chục cây số nữa sẽ rẽ trái để vào huyện Bảo Lâm. Sau ngày giải phóng hơn 10 năm, huyện Bảo Lộc được tách ra thành thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Thắng đã nhiều lần lên Bảo Lộc nhưng chưa bao giờ vào Bảo Lâm. Anh vừa đi vừa hỏi đường, đến gần trưa thì tìm thấy tòa nhà trụ sở của công an huyện. Trung tá Sáu - trưởng công an huyện quen với Thắng từ ngày ông đang làm phó công an huyện Bảo Lộc cũ. Ông rất vui khi Thắng đến đúng hẹn. Nhìn Rina trong vóc dáng người Châu Âu, ông Sáu hỏi: - Cô này là phóng viên của báo nước ngoài à?

Thắng cười:

- Cô ấy ngày trước là phóng viên Liên Xô, sang Việt Nam công tác rồi ở lại luôn, bây giờ cũng thành người Việt Nam rồi!

Nghe nói “xuất xứ từ Liên Xô”, trung tá Sáu có vẻ an tâm hơn. Nếu một phóng viên Mỹ hay phương Tây vào đây, ông sẽ gặp không ít rắc rối khi làm báo cáo cho các cấp trên cũng như trong đối xử với “nhà báo địch”. Nhìn đồng hồ trên tay đã quá 11 giờ, ông Sáu bảo:

- Đi ăn cơm cái đã, mời hai vị xuống nhà ăn tập thể…

Bữa cơm ở công an huyện chỉ có canh bí đỏ, dĩa cá phèn kho và rau luộc. Rina ăn ngon lành làm trung tá Sáu bật cười:

-Tưởng đâu Tây không ăn được món Ta!

Rina khoe tiếng Việt giòn tan:

- Rina ăn được cả mắm đấy. Bây giờ Liên Xô không còn thì mình là người Việt, phải biết ăn món Việt!

Ăn xong ông Sáu dẫn Thắng và Rina đến căn phòng đơn sơ, có hai chiếc giường đơn trải chiếu. Ông đưa cho Thắng tập hồ sơ:

- Tranh thủ giờ nghỉ trưa cậu đọc trước đi để nắm tình hình, 1 giờ 30 ta bắt đầu làm việc.

Rina có vẻ mệt vì dậy sớm và hành trình vất vả nên gối đầu lên giỏ hành lý ngủ ngon lành. Thắng nằm đọc tài liệu… Khi đọc đến bảng tường trình của nữ Fulro vợ của ông “tỉnh trưởng” vừa ra đầu hàng, Thắng bỗng giật mình…

Đọc hồ sơ, Thắng biết Ktul Phi là con của một gia tộc Ê Đê giàu có. Trước năm 1975 Phi học đến tú tài đôi rồi làm trung úy cảnh sát ở Đơn Dương - Tuyên Đức (tỉnh Lâm Đồng sau này). Sau ngày Tuyên Đức thay đổi chế độ, Ktul Phi không ra trình diện học tập cải tạo mà sống ngoài vòng pháp luật, hoạt động cho tổ chức Fulro. Từ tháng 8/1975 - 1981, Phi đi khắp các tỉnh Tây Nguyên tuyên truyền, dụ dỗ lôi kéo hàng trăm thanh niên các dân tộc thiểu số bỏ làng theo Fulro, trong đó có Y Lan vợ của Phi bây giờ. Y Lan sinh ra ở buôn Rung xa nhất của tỉnh Gia Lai về phía Đông, giáp với miền rừng núi của tỉnh Phú Yên. Cả nhà Y Lan từng theo cộng sản suốt những năm chiến tranh. Cha của Lan là ông Đinh Dong từng là xã đội trưởng lập nhiều chiến tích. Sau ngày đất nước thống nhất, ông là chủ tịch, bí thư Đảng ủy của xã. Là con em gia đình Bahnar theo cách mạng nên Y Lan được ưu ái việc học hành. Sau khi học xong cấp II ở trường xã, cô được lên thị xã Pleiku học trung cấp y tế. Chưa kịp ra trường để về trạm xá xã làm y tá phục vụ bà con như mơ ước thì Y Lan gặp Ktul Phi. Khi ấy Phi là sĩ quan tuyên vận bí mật của Fulro, đang lén lút lôi kéo thanh niên dân tộc thiểu số vào rừng lập chiến khu. Đêm đó Y Lan được cô bạn thân cùng phòng tập thể rủ đi uống nước ở quán gần ký túc xá. Khi họ đến quán đã thấy một người đàn ông mặc áo khoác đen, mũ lưỡi trai che nửa mặt đang thong thả ngồi hút thuốc ở một góc khuất trong quán. Cô bạn dẫn Y Lan đến ngồi cùng ông ta. Sau khi chào hỏi nhau, người đàn ông tỏ ra rất thân tình, hỏi thăm việc ăn ở, học tập rồi hỏi cả về gia đình Y Lan. Thấy ông ta rất dễ mến nên Y Lan cũng vui vẻ trao đổi. Y Lan hỏi ông ta tên gì? Ở đâu? Công việc thế nào? Ông ta tự giới thiệu tên Ktul Phi, dân tộc Ê Đê… rồi kể một câu chuyện dài về nỗi thống khổ của các dân tộc thiểu số sống trên đất cao nguyên. Sinh ra trong một gia đình theo cộng sản và từ nhỏ đến giờ ở trường lớp cũng như ở nhà, Y Lan chưa bao giờ được nghe ai nói điều này. Cô liên hệ lời kể của Ktul Phi với thực tế ở các buôn làng người thiểu số sao thấy đúng quá. Cô bàng hoàng, vỡ lẽ nhiều điều… Họ ngồi với nhau đến nửa đêm, Y Lan và cô bạn chỉ im lặng nghe Ktul Phi diễn thuyết, càng nghe họ càng say mê, xúc động. Ktul Phi nói thời ông Diệm làm tổng thống miền Nam, người Kinh sau khi di cư lên chiếm hết cao nguyên còn muốn đồng hóa các dân tộc bản địa nên bãi bỏ tòa án Luật tục, đổi tên các địa danh theo tiếng Kinh và bắt con em người dân tộc thiểu số phải học tiếng Kinh. Vì thế phong trào BaJaRaKa đã ra đời để đấu tranh cho quyền lợi các dân tộc bị áp bức… Ktul Phi mô tả lực lượng Fulro như những anh hùng nối tiếp BaJaRaKa để đấu tranh đòi độc lập cho cao nguyên, hạnh phúc cho các dân tộc: Ê Đê, Bahnar, Chil, K’Ho, Jrai, M’Nong… Ktul Phi là người Ê Đê, nhưng nói chuyện với Y Lan toàn dùng tiếng Bahnar, thỉnh thoảng lại chêm tiếng Pháp làm Y Lan càng thêm kính nể con người từng trải, học cao hiểu rộng và nuôi chí lớn này. Ra về khi đã gần nửa đêm, Ktul Phi nắm tay Y Lan nói lời thầm thì êm như gió thoảng: “Tôi không có vợ con, rời bỏ gia đình để chiến đấu vì đồng bào mình đã nhiều năm. Tôi cũng không có tiền bạc hay tài sản gì ngoài cây súng nhỏ này để phòng thân. Nếu cô thấy tôi đáng ghét, cứ báo cho công an bắt tôi đi tù…”. Y Lan uất ức nghẹn giọng :

- Sao ông lại nghĩ em là người xấu như vậy!

Ktul Phi ghé tai Y Lan thầm thì:

- Dù gì cô cũng là con cán bộ cộng sản!

- Nhưng em lớn rồi, em biết chọn con đường của mình!

Chính thái độ và những câu nói đó của Y Lan đã làm Ktul Phi tin rằng Fulro sắp có một thành viên nữ hữu ích. Đến lần gặp thứ ba thì Y Lan khi ấy mới 17 tuổi, mang luôn túi xách quần áo, vật dụng cá nhân theo Ktul Phi vào rừng “kháng chiến”. Từ “toán trưởng tuyên vận” sau một năm bị truy nã phải trốn vào rừng xây dựng căn cứ, Ktul Phi được “trung ương Fulro” phong “trung đoàn trưởng kiêm mật khu trưởng”. Chức danh nghe lớn lao, nhưng dưới trướng Phi thực sự chỉ có chưa đầy 30 tay súng. Bị bộ đội, công an truy quét liên tục, thiếu thốn lương thực, thuốc men, vũ khí nên đội quân nhỏ nhoi ấy hao hụt rất nhanh. Đến tháng 6/1983, trung ương Fulro lệnh cho Ktul Phi về đại bản doanh để thụ phong thiếu tá, phó tỉnh trưởng tỉnh Dran. Phi cùng 11 lính và vợ là Y Lan, hai con nhỏ còn địu trên lưng, hành quân theo đường rừng suốt 5 tháng từ Gia Lai sang Kompomcham - CPC để dự lễ thụ phong. Dọc đường họ uống nước suối, ăn lá cây và săn bắn thú rừng làm thực phẩm. Cũng có lúc cắm trại lại đâu đó vài ngày để suốt lúa rẫy, bẻ bắp trên nương của đồng bào thiểu số phơi khô làm lương thực mang theo. Từ CPC trở về, họ cũng đi và sống theo cách như vậy. Khi về đến “nhiệm sở mới”  là rừng núi tỉnh Dran (địa bàn tỉnh Lâm Đồng thêm một phần tỉnh Thuận Hải theo cách chia của Fulro) thì 4 lính của Phi đã nằm lại dọc đường vì sốt rét, thương hàn. Hai người khác bỏ trốn nên Phi chỉ còn lại 5 lính, một vợ và hai con. Hai năm sau toán Fulro do Phi chỉ huy tuyển mộ thêm được 3 thanh niên người K’Ho và lại hành quân về đại bản doanh ở CPC để Phi nhận lon trung tá và chức tỉnh trưởng tỉnh Dran. Đến năm 1992, trung ương Fulro gồm 407 người cả lính tráng, sĩ quan, chức sắc, phụ nữ và trẻ em, do đại tá Y Pênh Ayun đã ra đầu hàng bộ chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình liên hiệp quốc tại CPC (UNTAC). Từ một cánh rừng ở vùng giáp ranh giữa huyện Di Linh và huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, Ktul Phi đã biết tin này qua radio, nhưng giấu kín không cho quân sĩ biết. Hàng ngày Phi vẫn động viên họ kiên định với lý tưởng vì… sắp đến ngày thắng lợi. Đến đầu năm 1998, khi 5 người trong số 8 “sĩ quan” của Phi bỏ trốn để ra đầu thú chính quyền, Phi biết đã đến lúc kết thúc hành trình gian khổ, mơ hồ. Quyết định này đến với Phi vào một chiều mưa, Phi cùng một “gat-đờ-co” (cận vệ) ôm súng M16 đi săn thì thấy trên nhiều gốc cây trong rừng già có tấm giấy bọc ni lon được đóng đinh trên đó. Đó là truyền đơn được viết bằng tiếng Việt, tiếng Bahnar, Ê Đê, K’Ho… kêu gọi đích danh “trung tá – tỉnh trưởng Ktul Phi” hãy đưa anh em, vợ con ra đầu thú. Truyền đơn cũng nói rõ: “Chúng tôi biết chỗ ở của các anh, chúng tôi có thể đưa quân truy quét. Lúc đó điều mà chúng ta không mong muốn sẽ xảy ra. Chúng tôi kêu gọi các anh ra đầu thú để tránh đổ máu. Các anh sẽ được đối xử công bằng, nhân đạo, sẽ được giúp đỡ để trở về với buôn làng và tạo điều kiện sản xuất, làm ăn”… Ktul Phi đã gỡ một tờ truyền đơn đem về “căn cứ” đọc cho mọi người nghe. Tất cả quân lính và vợ Phi đều tán đồng việc trở về. Họ thu gom đồ đạc và lội rừng suốt một ngày mới ra đến cửa rừng, nơi bắt đầu của con đường xe be vào khai thác gỗ. Phi cho đóng trại tại đó và cử một “sĩ quan” mang theo bức thư của ông gửi trưởng công an huyện Bảo Lâm. Người liên lạc đã đi suốt đêm, đến sáng thì một đoàn xe UAZ – giống xe Jeep của Mỹ hồi đó, từ từ tiến vào rừng theo đường xe chở gỗ. Phi đã rất căng thẳng, hồi hộp suốt đêm qua, giờ càng thêm lo lắng. Nhưng “sĩ quan liên lạc” của Phi đã chồm nửa người ra cửa chiếc xe đi đầu dùng một mảnh khăn nâu vẫy vẫy. Đó là tín hiệu tốt lành. Nếu không có tín hiệu này, lập tức Phi sẽ cho toán quân rút vào rừng. Xe càng đến gần, Phi càng nhìn rõ khuôn mặt hớn hở của “sĩ quan liên lạc”, Phi bỗng thấy vui mừng và hối mọi người cùng chạy về phía đoàn xe. Ông đại tá giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng và trung tá Sáu trưởng công an huyện Bảo Lâm đến thân mật bắt tay, vỗ vai Phi. Số công an còn lại mang trên các xe xuống bánh mì, nước ngọt chia cho những người mới từ rừng ra. Vợ con Phi ăn cái bánh mì kẹp thịt với khuôn mặt sung sướng ngời ngời. Còn các “sĩ quan” Fulro thì hí hửng với mấy ly nước ngọt mát rượi và những gói thuốc lá thơm. Công an còn mang cả quần áo mới cho các con Phi, áo ấm cho các anh em trong toán. Phi ứa nước mắt, mừng trong bụng vì đã chọn đúng đường. Ăn uống nghỉ ngơi xong, họ được đưa lên xe về trung tâm huyện…

Đọc hết báo cáo của công an huyện về việc tiếp nhận, giúp đỡ toán Fulro cuối cùng ra đầu thú, trong lòng Thắng cũng rộn lên niềm vui. Hòa bình bao giờ cũng vui hơn chiến tranh! Khi đọc đến bản tường trình của nữ Fulro - phu nhân trung tá tỉnh trưởng, Thắng bỗng ngờ ngợ. Đầu tiên là cái tên Y Lan sao quen quá, rồi cha cô ấy là Đinh Dong, rồi buôn Bahnar có tên là Rung… Thắng nghĩ ngợi rồi bất ngờ hét lên “đúng Y Lan ngày xưa rồi”! Rina đang thiu thiu ngủ nghe tiếng hét giật mình, choàng dậy, hỏi:

- Chuyện gì vậy Thắng?

Thắng nhảy cẫng lên:

- Tìm được Y Lan rồi… Sắp gặp lại Y Lan rồi!

Rina tròn mắt nhìn Thắng đang rưng rưng lệ:

- Là ai mà Thắng mừng dữ vậy?

Thắng đè tay lên đống hồ sơ:

- Năm 1975, khi Thắng bị lạc gia đình trên đường số 7, cha nuôi là sư đoàn phó Văn Đại Tưởng đã gặp Thắng. Vì cuộc chiến đang ác liệt nên ông ấy đã gửi Thắng cho một xã đội trưởng người dân tộc thiểu số rồi tiếp tục dẫn đầu sư đoàn truy kích quân VNCH đang rút chạy ra biển Phú Yên. Thắng đã sống trong nhà ông Đinh Dong xã đội trưởng ấy hơn một năm, Y Lan là con gái ông Dong khi ấy lớn hơn Thắng một tuổi. Nếu cha nuôi sau đó không trở lại đón Thắng về, có lẽ Y Lan đã bắt Thắng làm chồng…

Thắng vừa nói đến đây thì một trung úy công an người dân tộc đến gõ cửa phòng:

- Thủ trưởng mời nhà báo lên làm việc!

Tâm trạng đang vui, Thắng bắt tay trung úy hỏi:

- Anh tên gì?

- Dạ em là Y Thu Mlô, dân tộc Ê Đê…

Y Thu Mlô  đưa Thắng và Rina đến hội trường công an huyện. Cả toán Fulro vừa ra đầu thú ngồi bên dưới, riêng người đàn ông trạc tuổi ngoài 50 tóc xoăn, mũi cao, mặt cương nghị đang ngồi với ông Sáu trưởng công an huyện sau chiếc bàn làm việc đặt quay mặt xuống hội trường. Thắng đoán ông ta là trung tá Fulro Ktul Phi nên đến bắt tay, vui vẻ hỏi:

- Cuộc sống ở đây thoải mái hơn trong rừng không anh Ktul Phi?

Ông ta cười:

- Vui vẻ lắm, ăn cái gì cũng thấy ngon… tại mình ở trong rừng lâu quá nên ra phố thấy cái gì cũng lạ!

Ông Sáu kể:

- Đêm đầu tiên vào ở trong nhà khách công an huyện, lúc chúng tôi mở ti vi, mấy đứa con anh Phi sợ hãi khóc thét…

Ktul Phi phà khói thuốc lá, cười:

- Ở trong rừng đâu có ti vi, đâu có đèn điện…

Thắng hỏi cô con gái lớn của Phi đã 16 tuổi nhưng bé choắt như đứa bé 10, 11 tuổi. Nó đang ngồi ăn bánh bích quy cùng em gái nhỏ hơn nó chút đỉnh.

- Trong rừng cháu sợ nhất là gì?

Mẹ nó - Y Lan trong ký ức của Thắng bây giờ là một phụ nữ già xọp, đen nhẻm, tóc tai bù xù dịch lại câu hỏi trên. Đứa bé nói gì đó, Y Lan dịch lại:

- Nó nói sợ nhất là… gặp người!

Thắng hỏi lại:

- Không sợ cọp, beo, rắn sao?

Mẹ nó lại phiên dịch:

- Không sợ cọp, beo… chỉ sợ người, thấy người là phải chạy trốn. Cha nó dạy như vậy mà, bao nhiêu năm qua phải sống như vậy mà!

Đang vui nên Y Lan nói thêm:

- Người trong cái hộp biết nói (tivi) nó càng sợ!

Thắng bỗng xúc động, thương xót những đứa trẻ bị tách khỏi thế giới văn minh. Ktul Phi hiểu cảm xúc trên mặt Thắng, ông bảo:

- Ở trong rừng các con tôi vẫn được ăn bánh nhưng không phải thường xuyên

Thắng kinh ngạc:

- Ông tự làm à?

Ktul Phi lắc đầu:

- Không, tôi nhờ người ta mua ở ngoài vào.

Ông Sáu trưởng công an huyện kể thay Ktul Phi:

- Có những người vào rừng khai thác lâm sản tiếp tế cho ông ấy!

Phi gục gật cái đầu tóc xoăn:

- Phải rồi, tôi nhờ họ mua mang vào nhiều thứ như thuốc chữa bệnh, bột ngọt, muối, gạo, đèn pin, quần áo, bánh kẹo cho mấy đứa nhỏ…Có lúc họ còn mua giúp bánh trung thu, lồng đèn. Tôi trả họ bằng thú rừng bắn được, có khi trả bằng tiền mặt.

- Ông có cả tiền mặt sao?

Ông Sáu:

- Anh Phi có nhiều tiền lắm, mang về đây cả một cái ché chứa đầy giấy bạc. Nhưng đó là tiền cũ, chỉ xài được lúc chưa đổi tiền năm 1985…

Thắng hỏi Ktul Phi:

- Hồi đó ông lấy đâu ra nhiều tiền như vậy?

Phi lại cười:

- Tôi là tỉnh trưởng phải được quyền thu thuế chứ. Những người muốn vào rừng lấy gỗ phải nộp thuế cho tôi… Nhưng chỉ được mấy năm đầu, sau này khó khăn hơn nhiều. Chúng tôi phải ra các khu nhà mồ nhặt lại quần áo cũ để mặc, lấy nồi niêu và các vật dụng khác. Đồng bào dân tộc thiểu số có tục chia của cho người chết, những khu nhà mồ luôn có đồ để dùng.

Thắng lại hỏi mấy Fulro nhí:

- Trong rừng các cháu thích ăn món gì nhất?

Y Lan lại phiên dịch với câu trả lời:

- Chè đậu, chè khoai mì…

Thắng hỏi:

- Làm sao có đường để nấu chè?

Y Lan:

- Đậu với khoai mì lấy ở rẫy người ta, còn đường thì chặt mía về nấu lấy nước. Bỏ đậu với mì vô nước đó nấu lên thành chè…

Thắng nhìn bàn tay nhăn nheo, đen sạm móng dài cáu bẩn của Y Lan có đeo hai chiếc nhẫn vàng, hỏi:

- Nhẫn đó bố cho để bắt chồng à?

Y Lan cười khoe hàm răng rụng hết mấy răng cửa:

- Không phải đâu! Chồng mình bắn được con cọp to, mổ bụng cọp có hai chiếc nhẫn này. Cọp ăn người ta ăn luôn hai chiếc nhẫn vào bụng…

Thắng nhìn Y Lan chăm chăm rồi bất ngờ hỏi:

- Hồi nhỏ Y Lan có một bạn người Kinh tên là Bình phải không? (Lê Trọng Bình là tên của Thắng lúc chưa bị lạc gia đình. Sau này được cha nuôi đặt tên theo họ của ông là Văn Đại Thắng)

Y Lan nhổm lên, hỏi lại:

- Cán bộ biết Bình à ? Bây giờ Bình ở đâu ?

Thắng hỏi tiếp:

- Bình là người tốt hay xấu?

- Lúc ở nhà mình, Bình còn nhỏ… hiền lắm!

- Nếu bây giờ gặp lại Bình, Y Lan nói gì?

Y Lan ngước mắt kín đáo nhìn chồng rồi cười bẽn lẽn:

- Chỉ sợ nó chê mình vừa già vừa xấu, không nhận mình là bạn cũ!

Thắng cười mà trong lòng thương xót cho Y Lan. Rina đứng bên cạnh Thắng, hỏi:

- Ở trong rừng thì chị sinh đẻ thế nào?

Y Lan vẫn ôm đứa con trai nhỏ hai tuổi trong lòng:

- Mình đẻ được sáu đứa con, nhưng giờ chỉ còn ba đứa. Có lúc được chồng giúp đỡ, có lúc phải đẻ một mình… đẻ trong chòi, mình tự lấy dao cắt dây rún, mình học y tá rồi mà!

- Có dùng thuốc gì không? Rina lại hỏi

- Chỉ có lá rừng thôi…

Ông Sáu ra khỏi bàn làm việc đến gần Rina với Thắng đang nói chuyện cùng Y Lan. Ông kể:

- Đêm đầu tiên mới về đây họ ăn thức ăn lạ so với trong rừng nên ai cũng bị tiêu chảy, bác sĩ bên y tế phải sang cho họ thuốc!

Ba “gạt-đờ-co” của “tỉnh trưởng” Ktul Phi đều là người Ê Đê, đều được phong “trung úy” là Ynab, Ynehemi và Y abram. Tất cả đều đen nhẻm, tóc tai bù xù và mặc những bộ quần áo công an huyện mới phát còn nguyên các nếp gấp. Cả ba đều im lặng ngồi hút thuốc lá. Thân phận lính tráng và không nói tiếng Kinh sỏi như vợ chồng “sếp” nên họ ngại giao tiếp. Sau lưng chỗ họ ngồi là đống vũ khí gồm 2 khẩu tiểu liên M 16, một khẩu súng trường Carbine và mấy cây nỏ. Thắng hỏi:

- Đã có súng rồi sao còn sử dụng nỏ?

Ktul Phi bước đến giải thích:

- Có súng nhưng chỉ còn ít đạn phải để dành. Đi săn thú chỉ dùng nỏ. Hơn nữa nỏ bắn không nổ như súng nên giữ được bí mật căn cứ.

Lúc nằm đọc tài liệu ở nhà khách công an huyện, khi nhận ra Y Lan, Thắng trỗi dậy cảm xúc với quá khứ. Thắng nhớ buôn Rung đìu hiu, nằm chênh vênh bên sườn đồi nhìn xuống con sông Ba uốn lượn qua rừng khộp trụi lá mùa khô. Nhớ ông Đinh Dong thường mặc bộ quần áo bộ đội cũ, đeo khẩu súng ngắn ngồi trầm ngâm bên bếp lửa, nhớ căn nhà sàn nuôi nhiều heo, dê bên dưới. Vợ ông Dong chết trong chiến tranh, để lại cho ông cô con gái còi cọc. Y Lan hồi đó lớn hơn Thắng một tuổi nhưng thấp nhỏ hơn. Lan để tóc dài, mặc váy thổ cẩm và chẳng mấy khi có cái áo lành lặn. Nhà sàn có cái buồng nhỏ che bằng phên nứa cho Lan, còn Thắng với ông Dong cứ nằm xuống sàn, bên đống lửa mà ngủ. Ngọn lửa trong bếp rỉ rả cháy suốt ngày, đôi lúc gặp củi ướt lại khói um. Cả căn nhà sàn như nhuộm trong khói, ngửi đâu cũng thấy mùi khói. Hồi Thắng mới về, không thể nào ăn được các món ăn trộn giữa mùi khói, vị tanh hay thum thủm với các loại lá rừng. Thắng sợ nhất là mùi cá thính, nhưng đó là món ngon của cha con Y Lan. Thắng chỉ ăn cơm với muối hạt. Gần nhà có cây xoài rừng cổ thụ trái chua đến nức nở. Y Lan hay lượm mấy trái xoài rụng đem về kho với cá thính hoặc nấu canh với nấm mối hái được sau mỗi cơn mưa. Thắng ăn được món canh đó, nhớ mãi vị chua cùng mùi nấm mối ngai ngái mùi đất Tây Nguyên. Thỉnh thoảng ông  Dong lại giết một con dê hay con heo để liên hoan và mời bà con đến uống rượu cần. Thắng nhớ Y Lan đã dạy Thắng tiếng Bahnar bắt đầu từ những món ăn lạ lùng đó. Món cháo Tơ pung bằm nhỏ xương heo nấu với gạo giã thành bột ; món Adrin là thịt bằm trộn với bột bắp và ít lá rừng ; món Kơhe là xương sống của dê, heo bằm ra trộn với muối, huyết sống ; món Klaktang là ruột non của con vật còn đầy chất nhầy nặn ra trộn với thịt, da, ruột gan thái nhỏ… Từ từ rồi Thắng cũng ăn được những món đó. Từ từ rồi đứa con trai thành phố trắng trẻo cũng đen nhẻm lại theo nắng gió và khói bếp nhà sàn. Thắng nhớ ông Đinh Dong đã dạy cho Thắng mặc khố, cho một vuông vải thổ cẩm để làm khố. Ngày đầu Thắng mặc khố, Y Lan nhìn cười tủm tỉm. Ông Dong có rẫy trồng lúa, bắp, khoai mì. Ngày ngày ông làm cán bộ lãnh đạo trên ủy ban, Thắng với Lan lại lên làm rẫy. Buổi sáng Y Lan 12, 13 tuổi dậy sớm nấu cơm xong lại xúc một ít cơm nóng cho vào túi đan bằng lát. Hôm nào nấu cháo Tơpung thì Y Lan lại đổ vào quả bầu khô. Ăn sáng xong họ mang theo đồ ăn trưa, bầu nước uống bỏ hết vào gùi mang đi. Y Lan đeo gùi “hậu cần” đó, còn Thắng vác hai cây xà bách với một cây xà gạt. Cả hai đi chân đất theo đường núi, lên rẫy. Có lần trên đường đi, Y Lan chỉ cho Thắng một tổ chim trên cây. Thắng bỏ xà bách, xà gạt dưới gốc cây rồi leo lên. Trong tổ có 3 con chào mào chưa kịp mọc lông ríu rít há mỏ đòi ăn. Thắng tháo cái tổ nhỏ, tròn như cái chén ăn cơm được bện bằng rơm với cỏ khô đó ra khỏi các nhánh cây. Khi tụt xuống đến đất, Y Lan đỡ tổ chim trên tay Thắng reo lên thích thú. Mấy ngày sau đó Y Lan bắt sâu bọ và nhai cơm đút cho chim ăn. Khi chim lớn, Y Lan đi đâu ba con chim cũng bay theo. Căn nhà tối tăm ám khói có thêm tiếng chim ríu rít… Mấy tháng sau ngày Thắng về nhà ông Dong, ở xã mở trường học, Thắng và Y Lan được ông Dong cho đi học. Thắng đã học gần hết lớp 5 từ trước ngày giải phóng, bây giờ học lớp 6. Còn Y Lan chỉ học lớp bốn. Từ nhà đến trường ước 3 cây số đường đồi núi. Hôm nào Lan cũng dành cho Thắng củ mì, củ lang, trái bắp vùi trong tro nóng để tan trường đói bụng ăn dọc đường. Buổi tối bên bếp lửa nhà sàn, Thắng lại chỉ cho Y Lan học. Nhờ được đi học nên Lan biết tiếng Kinh, nói chuyện với Thắng được. Thắng nhớ có lần ông Đinh Dong chở Lan đi chợ huyện bằng xe đạp. Khi về Lan đưa cho Thắng một cái áo sơ mi trắng và nói:

- Mày mặc áo này đi học!

Đã 23 năm trôi qua, nhớ lại mọi thứ cứ như một giấc mơ. Nếu cha nuôi của Thắng là ông Văn Đại Tưởng không quay lại tìm Thắng, có lẽ bây giờ Thắng đã là một chàng trai Bahnar thực thụ. Có lẽ khi lớn lên Y Lan đã bắt Thắng làm chồng và bây giờ họ đã có với nhau vài đứa con…Giờ đây trước mặt Y Lan, Thắng muốn nhắc lại chuyện cũ, muốn  Lan biết mình là “Bình” của ngày xưa. Song cứ mỗi lần Thắng muốn mở miệng lại phải nhìn Ktul Phi – chồng của Y Lan, lại ái ngại, phải lảng sang chuyện khác. Sau khi làm việc xong, Thắng với ông Sáu đứng với nhóm Fulro để Rina bấm máy. Thắng nghĩ như thế sẽ đỡ tổn thương cho những người mới từ trong rừng ra hơn là chỉ chụp ảnh riêng họ. Ông Sáu vỗ tay rồi vui vẻ bảo:

- Bây giờ thì mời tất cả xuống nhà ăn!

Một chiếc bàn vuông được nhập từ bốn bàn ăn bình thường lại, trải khăn trắng. Trên bàn khá nhiều thức ăn như: cá chiên, gà nướng, thịt heo kho, bông cải xào và canh măng nấu với giò heo. Hai két bia và két nước ngọt để bên cạnh. Ông Sáu cùng Thắng, Rina ngồi ăn chung với cả nhóm Fulro. Mấy công an trẻ, trong đó có trung úy Y Thu Mlô mà Thắng gặp lúc đầu giờ chiều, làm người phục vụ cho bữa tiệc này. Y Thu Mlô chăm sóc cho ông Sáu, Thắng với Rina rất chu đáo, có phần cầu kỳ thái quá. Tay trái anh ta cầm chai bia rót vào ly của khách, tay phải đặt trên ngực và đầu cúi cung kính. Thế nhưng khi rót bia cho các Fulro, kể cả cho “tỉnh trưởng”, thái độ của anh ta hoàn toàn khác, có vẻ trịch thượng, bề trên. Khi cầm ly bia cụng với ông Sáu, Thắng, Rina anh ta cầm cả hai tay, cúi đầu lễ phép như muốn nói “Thật vinh dự khi được cụng ly với bề trên”. Anh ta lảng tránh, không cụng ly với các Fulro cho đến khi ông Sáu nhắc nhở:

- Y Thu mời các bạn trong rừng ra một ly nào!

Lúc đó anh ta mới dùng một tay “dộng” ly của mình vào ly các Fulro và mặt thì tỏ vẻ khó chịu cứ như phải làm một việc bất đắc dĩ. Thắng thấy ánh mắt của Ktul Phi nhìn Y Thu Mlô có gì đó buồn buồn. Bữa tiệc nhìn chung rất vui vẻ, các Fulro từ nhỏ đến lớn đều ăn, uống rất tích cực. Chỉ có Y Lan với Ktul Phi ăn ít, tì tì uống bia. Ông Sáu bảo Y Thu Mlô đi mua thêm một két bia nữa. Uống thêm một lát, Rina cầm ly bia sang mời Y Lan. Y Lan đứng lên, bộ váy áo mới tinh còn hồ kêu sột soạt, ghé tai Rina hỏi câu bất ngờ:

- Chị là vợ của Bình à?

Rina chỉ mỉm cười, uống hết ly bia trở về chỗ của mình nói nhỏ với Thắng :

- Cô ấy nói muốn gặp Bình!

Thắng giật mình, tự trấn tĩnh rồi cầm ly bia đi qua phía Y Lan. Ánh mắt Lan nhìn Thắng lúc đó lạ lắm, như giận hờn, trách móc. Tự nhiên Thắng luống cuống, va vào cái ghế suýt ngã, ly bia bị hất ướt áo sơ mi đang mặc. Lúc này ông Sáu đã quây bốn ông Fulro đứng thành vòng tròn để nghe ông làm dân vận. Y Thu Mlô cùng nhóm phục vụ đang lúi húi dọn dẹp nhà ăn. Hai đứa con gái của Ktul Phi đang chuyện trò đắc ý với ly xá xị vừa ngọt vừa thơm, chỉ có mình Y Lan địu con trước ngực và đi ra phía cửa hội trường. Thắng vội bước theo. Y Lan như chờ Thắng. Dưới ánh điện sáng trưng, mắt cô ánh lên niềm vui. Thắng vẫn cầm ly bia trên tay, cố trấn tĩnh để hỏi:

- Làm sao Y Lan nhận ra Bình?

Y Lan nhìn Thắng, mỉm cười:

- Ông bà nói trong đầu mình như vậy!

Thắng vẫn ngơ ngác, chưa hiểu. Y Lan nói tiếp:

- Bình từng ăn cơm nhà mình, uống nước nhà mình, ngủ bên bếp lửa nhà mình nên cũng là con cháu của ông bà Bahnar. Ông bà bảo mình nhận nó đi!

- Y Lan đã về thăm nhà lần nào chưa?

Y Lan đung đưa đứa con trước ngực, mắt ngân ngấn nước, lắc đầu:

- Lúc theo chồng rồi, sợ bị bắt đâu dám về, chắc là cha cũng theo ông bà rồi. Bình có về thăm làng, thăm cha mình không?

Thắng thấy xấu hổ, cúi đầu thở dài:

- Bình vô ơn, chưa làm được điều đó. Y Lan có tính về làng không?

Y Lan lại lắc đầu, giọng trầm xuống:

- Mình theo chồng rồi, đi đâu cũng phải theo chồng… Nếu hồi đó Bình trở lại sau vài mùa rẫy, mình đã không theo Ktul Phi vào rừng!

Thắng bỗng nhớ cái ngày theo cha nuôi về lại Sài Gòn. Ông Tưởng (khi đó đã là đại tá sư đoàn trưởng) đưa tiền nhờ ông Đinh Dong thịt một con dê, một con heo với mấy vò rượu cần, làm tiệc mời cả làng. Ông Tưởng nói cám ơn gia đình Đinh Dong và bà con đã nuôi Thắng hơn một năm. Ăn uống xong Thắng chỉ có hai tay không với cái áo bộ đội rộng thùng thình mặc trên người, theo cha nuôi ra chiếc UAZ đang đậu dưới đường. Y Lan đứng ở cầu thang nhà sàn khóc thút thít. Thắng xin cha nuôi quay lại nắm tay Y Lan:

- Khi nào lớn lên Bình sẽ về thăm Y Lan!

Y Lan quệt nước mắt cười méo xệch rồi tháo vòng cườm đang đeo ở tay đưa Bình, dặn:

- Đi một mùa rẫy về được rồi, lâu quá không nhớ đường về đâu!

Thế mà mấy chục mùa rẫy rồi, Thắng vẫn chưa về lại buôn Rung. Thắng cắn môi, xấu hổ pha với ngượng ngùng:

- Ngày Bình đi rồi Y Lan có buồn không?

- Buồn nhiều lắm chứ, buổi tối không có ai dạy cho mình học, ban ngày không có ai cùng đi học, đi rẫy, đi rừng chặt củi, ba con chim cũng chết…

Thắng rút trong túi ra một ít tiền đưa Y Lan:

- Lan cất đi để xài…

Y Lan lắc đầu, mặt buồn rượi:

- Không cần tiền đâu, Bình vẫn là người tốt là Y Lan vui rồi!

Khi tiệc tàn, Thắng không ở lại nhà khách công an huyện mà chở Rina đi thêm gần 20 cây số ra thị xã Bảo Lộc thuê khách sạn nghỉ. Đêm đó Thắng đã kể cho Rina nghe chuyện về Y Lan. Sau này Y Lan về quê chồng ở một xã giáp ranh giữa Lâm Đồng và Ninh Thuận. Cứ vài ba năm Thắng lại ghé thăm họ một lần. Năm 2006, khi con gái đầu của Y Lan lấy chồng là một chàng trai người Chăm ở Ninh Thuận, Thắng cũng đến dự lễ cưới. Lúc này gia đình Y Lan đã có 3 ha cà phê ven suối rất tươi tốt, một căn nhà xây khang trang bên cạnh ao cá, đàn bò hơn chục con và hai chiếc xe máy, một máy cày. Trong phòng khách còn thơm mùi sơn mới, có đèn chùm với bộ salon bọc da đồ sộ, Ktul Phi mặc comple, thắt cravat bên cô dâu chú rể mặc lễ phục Chăm. Nhà trai lên rước dâu bằng 1 xe 50 chỗ ngồi, 1 xe 16 chỗ và xe 4 chỗ cho cô dâu, chú rể. Bà con dự lễ cưới rất đông vui, có cả người Kinh, người Mạ, người Tày, người H’Mong… Đám thanh niên tưng bừng hát karaoke và rủ nhau khiêu vũ. Y Lan mặc bộ thổ cẩm Bahnar mới tinh, cũng đánh phấn thoa son môi, kẻ mắt đi tới đi lui với nét mặt ngời ngời hạnh phúc. Y Lan càng vui hơn khi Thắng và Rina cũng có mặt. Y Lan không biết rằng Thắng rất vui mừng hơn khi thấy cô hạnh phúc!

Ktul Phi sau ngày về làng đã tham gia Mặt trận tổ quốc của xã và là một cán bộ tích cực. Ông thường xuất hiện trên báo đài địa phương với tư cách nông dân sản xuất giỏi. Khi cuộc bạo loạn Tây Nguyên lần 2 năm 2004 xảy ra, ông đã trả lời phỏng vấn của Thắng. Qua bài báo đó, ông kêu gọi bà con các dân tộc thiểu số đừng nghe kẻ xấu tuyên truyền, dụ dỗ. Ông khẳng định Fulro là con đường chỉ mang đến đổ máu, đau thương, chia rẽ, hận thù… Cuộc đời một “tỉnh trưởng” với hơn 30 năm theo Fulro và hơn 20 năm “kháng chiến trong rừng” của ông đã thuyết phục được nhiều cán binh Fulro thế hệ thứ hai, để họ ra đầu thú và có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc như ông trên quê hương Tây Nguyên đang ngày càng giàu đẹp, văn minh !

(Hoàn chỉnh tác phẩm ở trại sáng tác Phú Yên cuối tháng 4-2023)
L.V.L

Truyện đăng website báo Văn nghệ (trang điện tử)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm