- Truyện
- Khúc vọng | Tạ Thị Thanh Hải
Khúc vọng | Tạ Thị Thanh Hải
TẠ THỊ THANH HẢI
“Anh như táo rụng sân đình…
Em như gái dở đi rình của chua… í a…”
Những câu hát chèo vẫn như văng vẳng quấn níu đâu đây. Gánh chèo đã dọn đi từ sáng sớm. Bà hàng nước lúi húi sắp hàng dưới gốc đa, lắc đầu thương cảm nhìn theo người đàn ông lê bước qua những tấm lá vương vãi trên sân đình lầm lũi đi về phía cuối xóm. Bần thần. Ngẩn ngơ.
*
Làng Nha Hạ có hơn trăm nóc nhà, chỉ cách thị trấn chưa đầy 10 cây số theo đường chim bay nhưng như cái đảo nhỏ tách biệt hẳn với Nha Thượng bởi một nhánh sông. Người dân làng Nha Hạ từ bao đời nay sống nhờ nhánh sông ấy. Cuộc sống nghèo nàn và bằng phẳng. Họa hoằn lắm có gánh hát chèo thuê thuyền bơi vào làng, định rằng ở lại 3 đêm nhưng chỉ hôm sau là cất bước vì neo người xem quá. Đám trẻ háo hức với cánh diễn viên mặt hoa da phấn có giọng hát ngọt thanh. Người già thì chép miệng thở dài. Đêm đêm, người ta nhìn về phía Nha Thượng, thấy cả một vùng chân trời hửng sáng mà thèm thuồng ao ước.
Thực ra trước đây cũng có một cây cầu nối Nha Hạ với Nha Thượng. Nhưng nó bị sập trong một trận lũ dữ dội. Cũng có vài đoàn cán bộ cầu đường về khảo sát thực địa để xây lại cây cầu. Họ dự đoán dòng chảy của khúc sông đang chuyển hướng, có thể cái đảo Nha Hạ sẽ mất đi theo dòng chảy ấy nay mai thôi. Rồi người ta bỏ quên cây cầu gãy. Mấy cái mố cầu cứ đứng trơ vơ mốc meo theo thời gian.
Một đêm trăng, ông Tài thong dong đi bỏ đó. Tiếng hát chèo từ sân đình theo gió vọng cả khúc sông. Ban chiều, nhìn dòng nước chảy, ông biết thế nào sớm mai cũng có một đàn cá mống theo luồng nước về. Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông. Ông đắc ý mừng thầm, bơi thuyền đến chỗ đặt đó tôm dưới chân mố cầu, nghe rõ tiếng rung rinh, tanh tách. Chỗ tôm này mai mang qua bến Thượng thế nào cũng bán hết veo…
Trăng hạ tuần chênh chếch. Gió lồng lộng mơn man. Người đàn ông góa vợ sống cảnh gà trống nuôi con mấy năm nay bất chợt cảm thấy bâng khuâng, một sự thư thái nhè nhẹ thoáng qua. Bấy lâu nay, niềm vui của ông là nụ cười ngây ngô trên gương mặt nhệch nhạc của hai đứa con sinh đôi. Vợ ông sinh con trong một đêm trăng. Và sau những cơn đau tưởng như gãy từng chiếc xương sườn, hơi thở của cô ấy mỏng dần như hơi sương, chẳng kịp nhìn mặt hai đứa con trai đang khóc oe óe đòi sữa mẹ. Ông đứng lặng, ôm thằng cu Sáng lúc đó mới hơn 5 tuổi, đau đớn không cất lên nổi một tiếng than trời…
Bỗng đâu ông nghe có tiếng bì bõm đập nước loạn xạ như trẻ con tập bơi. Ông không tin khúc sông này có ma nước như dân làng vẫn đồn đại. Đã bao đêm cất đó ở đây, chưa bao giờ ông gặp sự bất thường. Người làng bảo ông cứng bóng vía nên chưa gặp ma đó thôi. Tiếng đập nước lại ủm oẳm ngắt quãng rồi yếu ớt dần. Ông quay thuyền lại. Ánh trăng suông nhờ nhờ sáng. Cái mố cầu hắt xuống lòng sông một hình thù kì quái. Một vệt đen dập dềnh lập lờ cách mũi thuyền ông chừng dăm mét. Ông thoáng rùng mình. Sau một phút định thần, ông dứt khoát nhảy xuống và bơi về phía ấy...
*
Chuyện ông Tài “nhặt” được vợ khiến ngôi làng nhỏ xôn xao bàn tán. Người hiền lành thì động viên âu cũng là trời thương cảnh góa bụa côi cút của bố con ông. Kẻ bạc miệng thì sỗ sàng bảo “nứa trôi sông không giập cũng gãy”. Ông không thanh minh, chỉ cười xòa đón nhận niềm hạnh phúc giản dị cho riêng mình. Hàng xóm ngó nghiêng thấy mỗi sáng sớm khi ông Tài từ bến Thượng trở về, người đàn bà lầm lũi đỡ lấy tấm lưới ngồi mải miết gỡ, gương mặt im lìm như một pho tượng, đẹp và buồn. Và chiều muộn, chị ta ì oạp múc nước từ giếng khơi lên tắm cho Nhân và Tâm, kì cọ cẩn trọng tỉ mỉ như người ta lau chùi một món đồ cổ. Hai đứa trẻ côi cút từ lọt lòng giờ được chăm chút trông sáng sủa hơn, ánh mắt cũng bớt ngơ ngác hơn. Ông Tài có thời gian rảnh rang để qua hàng xóm vui dăm ba câu chuyện tầm phào. Thằng Sáng thì sau buổi học không phải sấp ngửa về trông em cho bố đi vạt đất ở bãi bồi nữa mà thi thoảng lang thang qua chợ ngắm những hàng quần áo in hình thù lạ mắt.
Người đàn bà ấy cứ lặng lẽ sống như một cái bóng trong căn nhà lụp xụp. Thi thoảng chiều muộn, mọi người thấy chị ta đùm túm áo xống đi về phía bến sông. Chị ta không giao du với láng giềng cũng không bao giờ to tiếng với 3 đứa con chồng, đến lời chào với những người khách hiếu kì thi thoảng đáo qua cũng chỉ là cái gật đầu. Dân làng kháo nhau rằng không khéo chị ta bị câm. Cho đến một buổi sáng sớm, hàng xóm thấy ông Tài tất tưởi chạy qua nhà bà lang Khán, rồi lát sau nghe tiếng trẻ con khóc oe oe. Bà cụ Khán vốn nặng tai, đi ra khỏi ngõ đã bô bô: “Chị ta sinh được cô con gái bụ bẫm lắm, da trắng hồng giống mẹ chứ không đen cháy như nhà Tài”. Và từ hôm đó, căn nhà nhỏ xao động lên đôi chút bởi tiếng ru con khe khẽ, là những làn điệu chèo vừa dập dìu tha thiết lại vừa quấn riết bẽ bàng…
Chẳng ai biết người đàn bà ấy gốc tích ở đâu. Nghe giọng hát ru, họ đồ rằng chị ta người mạn Kinh Bắc. Nhưng tại sao lại trôi dạt đến vùng này trong tình cảnh nửa sống nửa chết ấy thì không ai dám chắc. Người thì bảo chị ta bị phụ tình nên hóa điên, lang thang vất vưởng rồi bị ngã xuống sông may mà được ông Tài cứu. Có kẻ thì bảo hình như đã trông thấy chị ta ở một gánh chèo từng về làng. Cặp mắt đen láy, cái vóc dáng thanh mảnh ấy giống cô ả đã từng vào vai Thị Màu lắm. Hàng xóm hiếu kì cứ bàn ra tán vào, kiếm cớ sang mượn cái kim khâu lưới hoặc cho bọn trẻ vài nắm bỏng ngô, để nhìn cho thật rõ khuôn mặt của đứa con gái nhỏ, tặc lưỡi cảm thông.
Chuyện của ông Tài cũng lắng dần sau mấy mùa nước lên. Nhưng một biến cố bất ngờ xảy đến. Một buổi sáng sớm, người ta thấy ông Tài bế con bé Vân tất tưởi chạy ra sân đình. Thằng Sáng thì hì hụi chèo thuyền qua bến Thượng. Lâu lắm rồi đêm qua mới có gánh chèo qua làng, biểu diễn hai đêm rồi quày quả đi. Và người “vợ nhặt” của ông Tài, người đàn bà đẹp như pho tượng cổ với giọng hát ru ngọt thanh ấy đã bỏ lại cho ông đứa con gái nhỏ để đi theo gánh hát. Khi ông Tài cất đó về, thấy thằng Sáng ngồi phệt trước bậu cửa, tay giữ khư khư đứa em gái đang khóc lả đi, ông quăng chùm lưới và mấy cái đó tôm đỡ lấy con bé. Hai đứa sinh đôi ngơ ngác nhìn đám cá tôm nhảy tanh tách trên nền sân lấm láp.
Ông Tài lững thững từ sân đình trở về, thẫn thờ đóng lại cánh tủ quần áo cũ thếch rỗng không. Chiều qua, ông kiếm được mẻ cá ngon, tự tay nấu một nồi canh chua rồi khề khà bên cút rượu. Tối, thằng Sáng xin bố tiền theo mấy đứa choai choai trong xóm ra sân đình xem chèo. Nhân và Tâm đùa nhau chí chóe, ngủ vạ vật luôn ở cái chõng ngoài hè. Vợ ông ngồi lặng trên giường. Con bé Vân gắt ngủ nhưng mẹ nó không cất lên lời ru như mọi tối. Ánh trăng sáng rời rợi hắt qua song cửa. Bóng người đàn bà xõa tóc câm lặng khiến ông bỗng chạnh lòng. Một cảm giác yêu thương xen lẫn hàm ơn. Ông ngà ngà say, nằm vắt người trên giường, cố ghếch mãi lên gối đầu vào cặp đùi thon nuột. Lơ mơ. Bồng bềnh. Tiếng hát chèo văng vẳng như gần, như xa…
*
Bao nhiêu mùa nước lên, ông Tài vẫn khắc khoải nhớ về đêm trăng ấy và không nguôi chờ đợi. Dân làng Nha Hạ vẫn thêu dệt câu chuyện về người đàn bà trắc nết đã đang tâm bỏ con lại cho người chồng chài lưới thô mộc để đi theo gã diễn viên trong gánh hát chèo về làng đêm ấy. Ông Tài cứ lầm lũi sống giữa bao ánh mắt thương hại, ngẫm mình có bạc ác gì đâu, chỉ vì nghèo mà phải mang cái tiếng “khắc vợ” hay sao?! Nỗi vất vả hằn lên làn da rám nắng còn sự cô độc thì giấu trong ánh mắt vừa vời vợi đợi chờ lại vừa gờn gợn những tia giận hờn xa xót.
Con bé Vân càng lớn càng giống mẹ, ánh mắt lúc nào cũng cụp xuống rười rượi buồn, chiều chiều vẫn bần thần ngồi nhặt lưới trước khoảnh sân đất lồi lõm. Những đêm trăng suông, nhìn con bé ngồi bó gối tựa vào song cửa xiêu lệch, ông Tài lại nén tiếng thở dài. Một lần ông cho Vân sang thị trấn chơi, nghe những làn điệu chèo phát ra từ cái đài chạy bằng pin bé tẹo, cặp mắt đen láy của con bé ánh lên sáng rỡ rồi lại cụp xuống ngẩn ngơ, ông thương lắm. Ông vét hết số tiền trong túi để mua cho con một cái. Gã chủ hàng béo ục, mắt ti hí lấm lét nhìn Vân, hướng dẫn nó cách sử dụng mà bàn tay múp míp cứ giả lả động chạm vào người con bé. Ông mua thêm mấy đôi pin dự phòng rồi kéo vội con đi. Như con chim chết hụt sợ cành cong, ông không dám cho Vân đi chợ huyện thêm lần nào nữa. Thi thoảng buổi chiều, thấy con bé ngồi bên bậu cửa, mắt nhìn xa xăm, miệng lẩm nhẩm theo làn điệu chèo phát ra từ chiếc đài nhỏ, ông lại giật mình, mơ hồ lo lắng.
Nhân và Tâm được một người cậu họ xa mới đi Đài Loan về đón lên tỉnh theo học nghề cơ khí, bao giờ thạo việc và đủ tuổi thì xin cho đi xuất khẩu lao động. Thằng Sáng đã học xong Trung cấp cơ điện, đi làm công nhân. Thi thoảng nó về, thở dài nhìn cái mái kèo của căn nhà oằn xuống như tấm lưng của bố, lo rằng có thể sụp xuống bất cứ lúc nào. Còn ông Tài thì thảng thốt mỗi khi thấy ánh mắt của thằng Sáng nhìn Vân nửa thương cảm nửa trách móc. Sáng tập tành uống rượu. Nhiều bữa nó mượn giọng rượu mà hằn học: “Bố còn tơ tưởng người đàn bà bạc tình ấy làm gì?”. Đêm, nó ngồi lì ngoài hiên đốt thuốc lá, nghe tiếng con bé Vân húng hắng ho trong buồng, nó làu bàu dụi thuốc, nằm dài trên chiếc chõng tre ọp ẹp và sớm hôm sau, ông Tài từ bến Thượng trở về đã thấy nó đi tự lúc nào.
*
Mười bảy tuổi, Vân đẹp như một bông sứ trắng, ai trót ngắm cũng mê mẩn. Cánh đàn bà trong làng chép miệng: “Đẹp vậy rồi lại đa đoan. Lấy vợ kén tông, cái tai tiếng của mẹ nó cả đời chả gột sạch được”. Có lần Vân hào hứng mời bố đến trường xem hội diễn văn nghệ có tiết mục hát chèo của nó. Ông kiếm cớ từ chối. Đưa con qua sông, nghĩ thế nào ông lại chèo thuyền vòng qua bến Thượng rồi đi bộ ngược lên mấy cây số, đứng bên này đường ngó vào trong trường con, vừa thấp thỏm lo âu vừa âm thầm hi vọng. Buổi chiều, ông đến đón con, nó dè dặt:
- Con đi tìm mẹ được không bố?
- Con biết mẹ ở đâu mà tìm…
- Thì con cứ theo các gánh chèo mạn Bắc dò hỏi…
- Tìm người như thể tìm chim… Giữ người ở, ai giữ được người đi. Nếu còn chút tình nghĩa, ắt bà ấy sẽ trở về…
- Sang năm, bố cho con thi vào khoa Thanh nhạc của trường Cao đẳng Nghệ thuật Trung ương nhé!
- Đừng con…
Ông không dám nhìn vào mắt con. Những làn điệu chèo ma mị, quấn riết, ám ảnh. Con bé không nhớ mặt mẹ nhưng dòng máu đa đoan vẫn âm thầm chảy, tôm tươi cá mới và cái lồng lộng của khí trời làng chài không thể gột rũ được. Ông thương con bé khác nào mấy đứa con trai côi cút, muốn giữ nó ở gần để nhen nhóm tia hi vọng đợi chờ. Ông không muốn phần đời còn lại của mình cứ ngằm ngặp trong mòn mỏi bóng chim tăm cá.
*
Nhưng rồi Vân chưa kịp đi tìm mẹ thì người đàn bà đó bất ngờ trở về trước ngày cô lên tỉnh nhập học khoa Ngữ văn trường Cao đẳng Sư phạm. Buổi chiều ấy, Vân đi sang xã xin công chứng giấy tờ, một người đàn bà thập thững đi bộ vào làng. Bà ta che mặt bằng chiếc khăn voan tím, gặp ai cũng có ý tránh. Cánh cổng xọc xạch mở. Người đàn bà chạy ào vào nhà. Ông Tài đang vá lưới giật mình ngẩng lên. Hơn 10 năm nay, vẫn vóc dáng óng ả ấy, vẫn ánh mắt cụp xuống buồn rười rượi ấy. Thảng thốt. Bẽ bàng.
- Sao mẹ nó nỡ để con bé trông ngóng suốt bao năm…?
- Em van ông. Em khổ nhục lắm. Em không dám mong ông xá tội, chỉ mong được mang con đi…
- Nhưng ngày mai con bé đi nhập học rồi…
- Em van ông. Con bé… không phải là con ông. Em đắc tội với ông bao nhiêu năm nay. Cái đêm trăng ấy, khi em nói mình có mang, người đàn ông ấy đã lạnh lùng bước đi sau khi ném lại một câu phũ phàng: “Bỏ nó đi, nếu không đừng theo tôi nữa”. Em đau quá. Một giây nông nổi, em đã gieo mình xuống sông. Nếu không gặp ông cứu vớt thì mẹ con em đã hoá bùn cát đáy sông rồi. Em cứ tưởng tình yêu của mình đã chết từ đêm trăng ấy. Vậy mà khi gánh chèo trở lại, em đinh ninh rằng người ta quay lại để tìm em nên đã ngu muội đi theo như kẻ mộng du. Em lạy ông… Mười mấy năm nay em vẫn chỉ như thân cỏ bợ sống vật vờ không danh nghĩa. Người đàn ông ấy chỉ mải mê với những vai diễn, không muốn vướng bận con cái, mà em thì lại cố đầm cố chì sống chết với tình yêu của mình. Nhưng ông ấy mới phát hiện trọng bệnh, chẳng còn sống được bao lâu nữa. Em muốn bố con họ nhận nhau một lần…
Ông Tài nén tiếng thở dài. Không phải bây giờ ông mới biết cái sự thật bẽ bàng ấy. Ngay từ lúc con bé cất tiếng khóc chào đời, ông đã linh cảm tình máu mủ ruột rà lỏng lẻo mờ nhạt chứ không rõ rệt như lúc vợ ông sinh thằng Sáng rồi thằng Nhân, Tâm. Ông bấm đốt ngón tay tính ngày tháng từ cái đêm vớt được cô ấy ở bến sông. Nhưng thấy vợ cứ lầm lũi cần mẫn chăm sóc mấy đứa con chồng, ông không muốn khơi ra điều trăn trở của mình. Có lần ông khẽ khàng ướm hỏi về quê vợ, cô ấy bật khóc rưng rức, bảo mình thân phận mồ côi và xin ông đừng bao giờ nhắc lại chuyện quê quán. Cảnh rổ rá cạp lại gá nghĩa duyên mọn, ông nghĩ gia cảnh mình bi đát heo hắt thế cũng chẳng nên chấp nê điều gì. Mẹ con cô ấy như một vạt nắng dịu dàng sưởi ấm căn nhà lụp xụp của bố con ông. Bao nhiêu năm nay, trong tình yêu thương ông dành cho Vân có len lỏi cả chút hàm ơn và niềm hy vọng. Nhưng ông hiểu tình thương ấy chẳng thể sánh với tình cảm huyết thống, ông đâu có quyền giữ con bé ở lại…
Người đàn bà lấy từ túi xách ra một xấp tiền, lại lập cập tháo cả đôi bông tai và sợi dây chuyền rụt rè đặt lên mặt bàn tróc lở:
- Em van ông, em chỉ có bấy nhiêu… Ông cầm tạm lo sửa sang cái nhà này, nó sắp sụp xuống rồi. Em chẳng dám nghĩ trả được nghĩa ông. Hoàn cảnh của em ngặt nghèo lắm. Mong ông và các con…
Người đàn bà gục đầu xuống, đôi vai rung lên nức nở. Ông lặng đi. Xấp tiền này bằng bao nhiêu đó tôm mẻ cá? Bao nhiêu sớm chiều mưa nắng chèo thuyền đưa đón con bé học từ trường làng đến trường huyện, lúc nào cũng đúng giờ tăm tắp, chỉ lo đón con trễ một phút thôi là nó sẽ như đám mây nhỏ bị cuốn theo những cơn gió lạ? Bao nhiêu đêm trăng suông chờ đợi? Bao nhiêu tiếng thở dài cố nén quặn ruột thắt gan khi thấy bóng con gái ngồi bất động bên cửa sổ? Bao nhiêu phút giây rạc lòng thương nhớ mỗi khi nghe tiếng hát chèo vẳng ra từ chiếc đài nhỏ xíu? Một ngày cũng nên nghĩa. Chẳng thể đong đếm được những vời vợi nghĩa tình…
Vân từ bấy đứng lặng ngoài cửa sổ, tay run run bấu chặt cánh cửa liếp cũ rích. Đã từ lâu, nghe những lời đàm tiếu của dân làng, cô lặng lẽ giấu nỗi đau vào những khúc vọng bẽ bàng. Những ánh mắt thương hại của mấy người anh trai cũng trở thành nỗi ám ảnh trong cô. Bao nhiêu buổi chiều ra bến đón cha, ánh mắt cô miên mải dõi về nơi xa ngắt, mấy cái mố cầu tróc lở như một vết thương đã đóng vảy mà không thôi nhức nhối. Bao nhiêu đêm trăng cô ngồi bó gối mơ màng, nghe tiếng thở dài cố nén của cha mà tim thắt lại. Những mố cầu đứng trơ vơ đơn độc nhưng cái bến nước vẫn âm thầm nối liền hai bờ thương nhớ. Những tiếng hát chèo quấn riết ánh trăng suông như vẫn ôm ấp bao nỗi đợi niềm chờ. Phải chăng, cảm vì nỗi lòng vời vợi ấy của hai bố con mà dòng chảy của khúc sông không chuyển hướng, cứ bồi đắp cho cái đảo Nha Hạ mỗi ngày thêm trù phú tốt tươi?!
*
Bình minh rắc những sợi nắng mỏng tang lên bến sông. Người đàn bà dắt tay cô con gái xuống thuyền. Con thuyền lặng lẽ bơi sang bờ bên kia. Cô gái dợm bước lên bờ, tần ngần quay lại nhìn người đàn ông đang cố giữ con thuyền khỏi chòng chành, giọng trong vắt:
- Con đi học, cuối tháng con lại về nhà với bố mà…
Người đàn bà quay đi lấy khăn chấm nước mắt. Người đàn ông chầm chậm chèo thuyền trở về, mang theo ánh mắt ăm ắp yêu thương của cô con gái. Hình như chưa bao giờ ông thấy mắt miệng nó cùng cười như thế. Nắng lấp lóa mặt sông, mềm mại ấm áp như một khúc vọng trữ tình…