TIN TỨC

Trần Nhật Thu, biết mấy nghĩa ơn ngày gian khó

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-11-10 11:19:02
mail facebook google pos stwis
382 lượt xem

NGÔ ĐỨC HÀNH

Nhân chuyến công tác tại TP. Hồ Chí Minh, tôi được nhà thơ Trần Mai Hường tặng vài tập sách mà chị là “bà đỡ”, trong đó có Từng biếc xanh đứng hát với mây trời, NXB Hội Nhà văn, quý III/2024 của nhà thơ Trần Nhật Thu. Chị dặn: “Anh về đọc cuốn này đi”. Trần Nhật Thu, người đã rời “cõi tạm” cách đây 16 năm.

Nhà thơ Trần Nhật Thu, sinh năm 1945 tại Đồng Hới, tên thật là Trần Viết Hỷ, tham gia phong trào văn nghệ từ thập niên 1960, khi mới 15 tuổi. Ông từng công tác tại tuần báo Văn nghệ Giải phóng và Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh từ 1975; những năm cuối đời ông công tác tại báo Sức khỏe và Đời sống. Trần Nhật Thu từng xác tín: “Nơi tôi sinh/thị xã nhỏ bên bờ Nhật Lệ/gió rất mặn thổi từ cửa bể/hoa hồng rơi đầy lối đi” (Thị xã).

Tập thơ Từng biếc xanh đứng hát với mây trời được hoàn thành từ di cảo của nhà thơ, trong điều kiện vô cùng nan giải về sưu tầm, thẩm định do các nhà văn Trịnh Bích Ngân (Bích Ngân), Trần Sỹ Tuấn, Trần Mai Hường, Lê Thiếu Nhơn chủ trì. Các anh, các chị đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sinh hoạt tại Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.


Nhà thơ Trần Nhật Thu (1945-2008)

Theo nhà văn Bích Ngân, việc in thơ, tổ chức tọa đàm giới thiệu tác phẩm của những nhà thơ quá cố là hoạt động Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh vẫn thường làm. Riêng với nhà thơ Trần Nhật Thu, do người vợ tào khang cũng đã mất, chưa liên hệ được với con cái nên khởi đầu chị và nhà thơ Trần Sỹ Tuấn đều lúng túng. Chị không yên tâm với những bài thơ của Trần Nhật Thu do nhà thơ Trần Mai Hường sưu tầm trên mạng (dẫu giao diện Thi viện-thivien.net giới thiệu 48 bài thơ của Trần Nhật Thu). Sự thận trọng của nhà văn Bích Ngân là cần thiết, nên chị viết status lên trang cá nhân, tìm kiếm sự trợ giúp.

Thật may, sau vài tiếng lan tỏa, nhóm biên soạn nhận được thông tin từ các nhà thơ Đàm Chu Văn, Trần Hữu Dũng và anh Phan Lai Triều-con trai nhà thơ Chế Lan Viên cho biết họ đang “sở hữu” một số tập thơ do chính nhà thơ Trần Nhật Thu lúc sinh thời ký tặng.

Thở phào nhẹ nhõm, nhóm biên soạn vượt qua khó khăn đầu tiên. Không “có bột”, khó gột “nên hồ”, dẫu tình văn nghệ lớn đến mức nào?!

**

Từng biếc xanh đứng hát với mây trời của Trần Nhật Thu gồm 145 trang; ngoài 49 bài thơ của Trần Nhật Thu, có tựa của nhà văn Bích Ngân và bài viết của “đồng hương Bình Trị Thiên”-nhà thơ Chế Lan Viên, thay cho lời bạt. Bài này nhà thơ gốc Quảng Trị viết vào Tết Ất Sửu năm 1985, trước khi ông mất 4 năm. Thế mới biết, Trần Nhật Thu đã tham gia “đời sống” văn nghệ, quan hệ với nhiều “cây đa, cây đề” trong làng văn từ sớm.

Chủ đề trong Từng biếc xanh đứng hát với mây trời của Trần Nhật Thu khá đa dạng. Cảm thức thi ca trong tập cho thấy bàn chân của Trần Nhật Thu đã rong ruổi ở nhiều cùng đất nước, Bắc Ninh, Quảng Trị, Nha Trang, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu...Tất nhiên, ông dành cho Quảng Bình, nhất là Đồng Hới, nơi nhà thơ sinh ra tình cảm trân quý với cố thổ, nâng niu ký ức.

Em trở về thị xã chẳng còn nguyên

 Hoa hồng sen cồn cào trong nỗi nhớ

Anh dẫn em qua từng lối nhỏ

Gạch ngói ngổn ngang bề bộn công trình

                             (Ca khúc trở lại thị xã hoa hồng sen)

Đây là khổ đầu trong bài thơ dài, gồm 18 khổ, gồm 72 câu của nhà thơ Trần Nhật Thu về TX. Đồng Hới (nay là thành phố). Bài thơ này, ông viết vào ngày đầu tháng 6/1975, khi miền Nam mới được giải phóng, đất nước thống nhất mới được một tháng. Hẳn nhiên, Đồng Hới những năm tuyến lửa là “tọa độ lửa”, gần như bị san phẳng trong chiến tranh. Quảng Bình nói chung và Đồng Hới bắt đầu bắt tay khôi phục, kiến thiết hậu quả.

“... /Viên gạch hồng chuyền tay nhau như mơ/Bao ngôi nhà sẽ lấp dần khoảng trống/Đất nước bộn bề năm chúng mình đang sống/Phía trời Nam thương nhớ đợi chờ”. Bài thơ ngân lên khúc hát yêu đời, tin vào ngày mai; ở đó niềm tin và những cảm xúc lãng mạn: “Sông Nhật Lệ bốn mùa xanh trong/Đón em về giữa ngày vui mới/Tàu cập bến vang tiếng còi bổi hổi/Bến đò chiều ai đó nắm tay nhau” (Ca khúc trở lại thị xã hoa hồng sen). Trần Nhật Thu, thảng thốt cùng quê hương: “Đồng Hới ơi, cháy bỏng giữa tim mình”.

Ngoài bài thơ này, “bức tranh cảm xúc” về Đồng Hới và Quảng Bình còn được Trần Nhật Thu “ký họa” trong các bài thơ Trở về, Bến đò mẹ Suốt, Đồng Hới lại về, Gửi lại Ta Lê...

Đọc thơ Trần Nhật Thu nhận ra tình cảm mênh mang, hoài niệm, thương nhớ, tri ân quê hương và người mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng, bọc đùm tác giả. Trong bóng quê có bóng mẹ và ngược lại. Hay nói cách khác hình ảnh làng quê, người mẹ tảo tần cùng hiển thị, lồng vào nhau. Đó là vùng ký ức nao lòng: “Tuổi thơ/cánh buồm chở đầy khát vọng/Lồng ngực nhỏ lần đầu xô sóng...”; “Mẹ tôi/mang mặt trời về khi tan chợ/những vỏ ốc, vỏ sò kỳ ảo thế/mẹ nuôi mặt trời/cháy suốt đời con” (Thị xã).

Chắc chẳng nơi nào đẹp bằng quê hương; “Thành phố nhiều gió quá/Màu xanh lên ngợp trời/Hỡi dòng sông Nhật Lệ/Buồm ai vừa ra khơi” (Đồng Hới lại về). Không ai “bứng” ông ra được khỏi cố thổ. Ở đó còn có những rung động đầu đời của mỗi người khi lớn lên không gì thay thế được: “Nơi đây anh đã có/Một tuổi thơ êm đềm/Anh xây thành phố cát/Nơi ấy mặt trời lên” (Đồng Hới lại về).


Bìa tác phẩm “Từng biếc xanh đứng hát với mây trời”.

**

Trần Nhật Thu là nhà báo, nhà thơ đa tài. Tác phẩm của ông để lại ngoài thơ còn có truyện ngắn, chân dung văn học và khảo luận. Từ năm 1971 ông đã có thơ in chung với Cảnh Trà và Quang Huy; sau đó là các tập: Mùa bão và hoa muống biển (NXB Văn học, 1977), Gặp gỡ mùa gió chướng (NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1986), Hoa hồng gió mặn (NXB Thuận Hóa, 1986).

Về văn, đáng kể nhất của Trần Nhật Thu là tập truyện ngắn Con mắt của cánh buồm, NXB TP. Hồ Chí Minh in lần đầu năm 1986 và được tái bản nhiều lần; năm 1997 NXB Kim Đồng tái bản vào Tủ sách vàng... Về khảo luận, đáng kể nhất là tác phẩm Tục lệ cưới gả, tang ma người Việt xưa, NXB Thuận Hóa năm 1991; sau đó được tái bản nhiều lần.

“Hơn 15 năm, thời gian đủ dài để có thể xóa nhòa và lãng quên nhiều thứ. Nhưng với thơ ca, đó là khoảng lùi cần thiết để người viết, người đọc có thể nhận rõ hơn những gì mà chữ nghĩa đem lại. Dù gia tài thi ca của Trần Nhật Thu không đồ sộ, thậm chí là khiêm nhường... nhưng chất lắng, chất đọng của vàng ròng từ câu chữ, từ tấm lòng nhà thơ vẫn lung linh thứ ánh sáng của riêng nó, bất chấp mưa nắng cuộc đời và lớp bụi thời gian”, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh viết trong tựa tập thơ.

Nhận xét của chị, không chỉ là sự đánh giá mà còn có ý nghĩa phổ quát. Thơ là văn bản của nhà thơ. Nói như nhà thơ Nguyễn Bình Phương, “khi nhà văn nằm xuống, đồi núi của anh ta mới trồi lên”.

Nhà thơ, tiến sĩ Trần Sỹ Tuấn nguyên là Tổng Biên tập báo Sức khỏe và Đời sống, cho đến bây giờ vẫn nhắc đến Trần Nhật Thu, một đồng nghiệp, một thuộc cấp với biết bao thương nhớ: “Mây trắng như vành khăn trắng/Thắt vào bao nỗi nhớ thương/Đất trời mùa này mưa bão/Lo anh sương gió dặm trường”.

Phải là người tử tế, dẫu đã về miền mây trắng mới được anh em, đồng nghiệp nhớ thương như vậy. Sinh thời nhà thơ Chế Lan Viên nhận xét: “Ở Trần Nhật Thu có sự dịu êm và hiền hòa”. Điều này xác tín, không chỉ giọng điệu, phong cách thơ Trần Nhật Thu, mà còn cả quán chiếu từ đời sống nhà văn.

Nguồn: Quảng Bình điện tử

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trần Gia Bảo: Văn học thiếu nhi nuôi một đời vui
Bài viết của Tống Phước Bảo trên Văn nghệ Công an.
Xem thêm
Thắp nỗi vắng xa bập bùng từng con chữ
Bài của Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ Công an.
Xem thêm
“80 gương mặt Văn nghệ sĩ Quân đội” Chất lính trong những tâm hồn mơ mộng
80 con người, 80 gương mặt là 80 cá tính khác nhau. Thế nhưng ở họ có hai điểm giao rất độc đáo, đó là màu áo xanh của người lính và tâm hồn nhạy cảm, yêu nghệ thuật và cái đẹp.
Xem thêm
Nhà văn Nam Cao trong thoáng cười lặng lẽ
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. HCM số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Có một người Ninh Bình di cư
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng về nhà văn Hoàng Phương Nhâm
Xem thêm
Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm - Những kỷ niệm khó quên
Tôi được gặp nhà văn Đỗ Viết Nghiệm từ khá sớm. Đó là Trại viết Đồ Sơn năm 1996. Khi đó tôi đang là binh nhất học ở Trường Lái xe 255 - Tổng cục Kỹ thuật được nhà văn Khuất Quang Thụy đi xe máy lên Sơn Tây làm việc với Ban Giám hiệu để tôi được đi dự Trại viết...
Xem thêm
Những kỷ niệm với nhà thơ Xuân Sách
Trong những thăng trầm mỗi nhà văn nếm trải mỗi người mỗi vẻ ấy, tôi luôn có suy nghĩ rằng, nhà thơ Xuân Sách đã nếm trải nỗi buồn, có những lúc như là sự cơ hàn và cả sự thất vọng ở một tình thế khác người. Và ông đã tự vượt qua. Và ông cầm bút viết ra những bài thơ, những trang văn, theo tôi không ít trang sâu sắc và bình dị. Để rồi, khi sau này dành thời gian viết những bài thơ chân dung các nhà văn, chất lượng và tâm huyết ở thời kỳ mới, đã dường như gây ra những nỗi buồn cho người viết chăng? Tôi vẫn nghĩ chưa có sự công bằng cho các bài thơ chân dung của ông, và về phía cá nhân, tư cách người viết văn, tôi mong muốn các tác phẩm ấy được hiểu một cách bình đẳng. Chúng ta nên tự nâng mình trong sự hiểu và cho phép hiểu mọi tác phẩm văn học nghệ thuật, miễn là phục vụ sự tiến bộ của xã hội loài người, trong đó có những văn nghệ sĩ, để chúng ta, khi viết về nhau một cách bình thường, cũng là chuyện bình thường. Những khuyết điểm, kể cả sự non yếu, ấu trĩ về chính trị của người viết, đương nhiên nó sẽ tự đào thải, thời gian và sự tinh tường của độc giả đích thực sẽ biết giải quyết êm thấm một cách công bằng những điều ấy.​
Xem thêm
Nhà thơ Quang Chuyền: Một dòng sông lặng trầm, xoáy xiết
Nhà thơ Quang Chuyền sinh năm 1944 tại Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Từng công tác tại Hội Văn nghệ Việt Bắc. Phó Tổng Biên tập Báo Thông tin. Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 596 (Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc). Hiện sống và viết tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đã in các tập thơ: Đường qua kỷ niệm, Chùm quả đầu mùa, Khoảng cuối mùa thu, Hạt giống chim gieo, Lặng thầm, Mắt đêm, Khát, Trở lại cánh rừng, Sông gọi, Chiều đi qua cửa, Lục bát không mùa…
Xem thêm
Thơ Phan Thị Nguyệt Hồng: Nơi cảm xúc giao thoa
Chương trình Thi ca điểm hẹn của VOH và bài viết của Nguyên Hùng về tập thơ Lời khúc tạ mùa xuân của Phan Thị Nguyệt Hồng.
Xem thêm
Từ một trang văn Trang Thế Hy
Bài viết của nhà văn Nguyễn Thanh
Xem thêm
Tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Thi & nhà báo Madelein Riffaud
Phim tư liệu về Madelein Riffaud & Bài viết nhân 100 năm ngày sinh Nguyễn Đình Thi
Xem thêm
Nhà văn Anh Đức và bản góp ý văn chương tình nghĩa
Bài của đạo diễn Lê Văn Duy đăng trên báo Phụ nữ ngày 26.8.2014
Xem thêm
Anh Đức, nhà văn yêu dấu của cách mạng và kháng chiến
Bài viết của GS Mai Quốc Liên trên báo Sài gòn giải phóng điện tử ngày 23/08/2014
Xem thêm