TIN TỨC

Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-11-21 16:15:42
mail facebook google pos stwis
100 lượt xem

 

HOÀI HƯƠNG

“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của  người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…

 Nếu dùng hai từ để nói về Đại tá - Nhà thơ- Nhà báo Trần Thế Tuyển, tôi dùng hai từ “Ấm áp”. Và khi đọc“Trăng lạnh”, tập thơ thứ 14 hay 15 (tôi không nhớ hết) tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp ấy. Vâng! Không phải hiện tại nhà thơ Trần Thế Tuyển “ấm áp”, mà có lẽ từ hơn 40 năm trước, lần gặp đầu tiên, khi tôi là một tân binh của Cục Chính trị Quân khu 7, tôi được đọc những bài thơ của anh trên báo Quân khu 7, đã thích những câu thơ đầy chất lính mà cũng đầy tình cảm về quê hương và đồng đội. cho đến tận hiện tại, tôi vẫn đọc thơ anh từ báo Quân đội nhân dân, tạp chí Văn nghệ Quân đội, và ở các tờ báo khác như Nhân dân, Sài Gòn Giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong… như một cách dõi theo hành trình thơ của anh. Thơ anh như những trang nhật ký của người lính hôm qua - hôm nay và tương lai, những trang thơ chân tình, bình dị, hồn hậu, ngôn từ chân phương, không màu mè kỹ thuật, mà ý thơ sâu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc, để cảm nhận một “người thơ” chân tình, khiêm nhường, tràn đầy nhân nghĩa, luôn đau đáu tình thương yêu thấm đẫm với đồng đội, với quê hương, với đất nước…

Hơn 60 bài thơ được chia thành ba chương: Trăng lạnh, Có một vầng trăng và Kỷ vật, là hơn 60 cung bậc cảm xúc bằng thơ từ trái tim nhà thơ Trần Thế Tuyển, là những ánh trăng không hề “lạnh”, mà lấp lánh trong đó là sự ấm áp của trái tim sâu nặng tình người “Người ta trong cõi người ta/ Hơn nhau nhịp đập, mặn mà nông sâu- Trái tim.

Ngay từ ban đầu, tôi đã hơi có chút thắc mắc tại sao lại là “Trăng lạnh”, làm tên tập thơ, là phần mở đầu tập thơ, và có gì “lạnh” không? Nhưng khi đọc bài thơ “Trăng lạnh” thì tôi đã hiểu, từ “lạnh” ở đây của nhà thơ Trần Thế Tuyển, là cái “lạnh” của nỗi nhớ quê đến thao thiết tâm can, đến the thắt từng nhịp đập trái tim, thân nhìn vầng trăng xứ biển Nha Trang, mà thần lạc về tới trăng quê nhà Nam, và lúc đó, thì trăng không còn “lạnh”, mà như đang có quê hương theo ánh trăng đến bên mình, ánh trăng bỗng thành một tình yêu ấm áp: Trăng nhớ ai mà ánh mắt thẫn thờ/ Nhớ cánh đồng ngô non bát ngát/ Nhớ câu ca em nghêu ngao thường hát/ Em có về Nam Định với anh không?/ Trăng nhớ ai vừa lạ vừa quen/ Biển vẫn hát tình ca muôn thuở…”.

Làm sao có thể “lạnh” khi đọc các bài thơ: Thời ta còn trẻ, Có một thời ta trẻ, Xin cho tôi ngọn lửa, Khai bút Giáp Thìn… vẫn hừng hực thanh xuân như cách Trần Thế Tuyển thời “Ngực đá”- 1997. Làm sao có thể “lạnh” khi trái tim vẫn luôn đập những nhịp trăn trở, day dứt thế sự cuộc đời, không bàng quan, không thờ ơ, mà đầy lương tâm trách nhiệm với những hiện thực cuộc sống: Có những lúc, Những đứa trẻ, Thiên thư, Ngẫm bình minh, Thương phận, Đời người, Ta còn một chút, Bức tranh cuộc đời, Tạm biệt, Sự đời…

Nhà thơ Trần Thế Tuyển (trái) tặng thơ cho bạn đọc

Và không thể “lạnh” khi những câu thơ đầy chất thơ miêu tả quê hương, là miền quê lúc giao mùa, vào mùa, chín trong mùa đẹp như những bức tranh…, là hoài niệm trường lớp ngày xưa, là ký ức quá khứ chồng chồng lớp lớp được hồi sinh, được khơi dậy  trong “Có một vầng trăng”. “Có một giấc mơ rất lạ/ Mắt em biếc xanh mộc lá/ Gió vờn lả lướt hương xưa/ Có một mùa trăng đò đưa…/ Có một vầng trăng lấp ló/ Người xưa để lại trăng non/ Mãi mãi ngàn năm, còn đó/ Hư vô, ẩn hiện vết son…”- Có một vầng trăng.

Là ký ức về quê hương tuổi thơ, là những ngày đi học, là những mơ mộng tuổi thanh xuân, là những giai điệu mênh mang miền sông nước trải lòng thao thiết…

Ta trở về mái nhà xưa/ Nơi dấu chân in thời thơ ấu/ Nửa thế kỷ giữa cõi đời yêu dấu/ Cứ nghĩ mình trong mơ…”- Trở về mái nhà xưa. “Nhớ trường, nhớ lớp bao nhiêu/ Nhớ thầy cô với bao điều dạy răn./ Nhớ cây bàng đứng giữa sân/ Bao nhiêu tuổi lá vẫn xanh, vẫn vàng?”- Vẫn mãi học trò. “Tiếng sấm đêm Hà Nội/ Đánh thức tuổi thơ tôi/ Năm mươi năm vời vợi/ Sấm vẫn đầy vẫn vơi…”- Tiếng sấm đêm Hà Nội. “Đêm phương Nam trái phải/ Nghe Dạ cổ hoài lang…/ Thương cánh đồng bát ngát/ Lộng gió chiều dân ca/ Cánh buồm thì xa lắc/ Chỉ còn ta với ta”- Kiên Giang nghe Dạ cổ hoài lang…

Mẹ trong thơ của nhà thơ Trần Thế Tuyển là một chủ đề lớn, và gần như trong tác phẩm thơ nào của anh cũng đều có những bài thơ về mẹ, từ nỗi nhớ thương cho đến sự biết ơn sinh thành, đến cao hơn khi tình yêu thương mẹ là tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.Trong tập thơ này, mẹ là hạnh phúc, mẹ là nơi để trở về. Không có Mẹ/ Làm sao con biết bầu trời/ Trong xanh thế mà mây đen vần vũ/ Không có Mẹ/ Sao chúng con có thể thành Người/ Sống hết mình cho tương lai, quá khứ”- Ngày của mẹ. “Hạnh phúc nhất trên đời còn mẹ/ Dẫu mái đầu mây trắng buông trôi/ Con bỗng thấy cánh cò chở nắng/ Và nụ cười em bé trong nôi”- Hạnh phúc nhất trên đời còn mẹ.

Đặc biệt trong phần này, có nhiều bài thơ tua lại những thước phim kỷ niệm một thời chiến tranh, là một quãng đời nhà thơ Trần Thế Tuyển - một người lính Quân đội nhân dân, đã trải nghiệm sinh tử, và đau đáu những câu thơ nhớ nghĩ về đồng đội - những người đã hy sinh, như một nhắc nhở “không ai, không việc gì bị quên lãng”, để sống nghĩa tình, trả nợ những ân tình…

Đạp ngược gió tìm về quá khứ/ Ta run run hỏi chuyện cây bàng/ Chiến tranh đi qua ít lành, nhiều dữ/ Bạn ta nằm đâu, nơi tiếng súng ầm vang”- Đạp ngược gió tìm về quá khứ. “Đêm Kiên Giang/ Ngọn gió thúc thôi/ Bao tráng sĩ bước lên từ biển/ Câu thơ xưa đã thành kinh điển:“Hồn bay lên hoá Linh khí Quốc gia”- Đêm Kiên Giang(2).

“Kỷ vật”, không phải là “vật thể” mà là tình yêu thương thiêng liêng hóa thành những câu thơ, bài thơ đọc mà rưng rưng, là những hồi ức chiến tranh, là tình đồng đội sinh tử, và người hôm nay sống cả phần đời bao người đã hy sinh… “Ký ức xưa và bây giờ/ Kỷ vật “phi vật thể”/ Theo tôi đi suốt cuộc đời dâu bể/ Không quên!.”

Câu thơ đã thành câu đối đang được lan tỏa ở nhiều đền đài liệt sĩ trong cả nước: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc /Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia”- Các anh không trở về ở lại giữa rừng sâu/ Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Các anh không về quên mình vì đất nước/ Hồn bay lên hoá Linh khí Quốc gia”- Mây trắng xa xăm. “Mọi người đang được hưởng/ Cuộc sống này ấm êm/ Bao nhiêu người ngã xuống/ Nơi chiến trường đạn bom.”- Em hóa thành nước non. “Đồng đội ơi, yên lòng nhé/ Dẫu năm dài tháng rộng qua đi/ Chúng tôi vẫn khắc ghi ngày ấy/ Nơi cuối rừng bom rơi lửa cháy… Đồng đội ơi!/Hãy yên nghỉ ngàn thu/ Chúng tôi sống thêm phần đời của bạn…”- Đồng đội ơi.

“Kỷ vật” là “Tiếng mẹ tiếng sóng”- Tổ quốc lâm nguy chúng con chia tay mẹ/ Tráng sĩ lên đường theo gót cha ông/ Gửi lại lời ru, luống cày, ruộng mạ/ Dâng đời trai cho Tổ quốc, non sông. Tạm biệt mẹ, lời ru dịu ngọt…/ Chúng con đi theo tiếng sóng ầm vang/ Biển Tổ quốc phải ngàn năm nguyên vẹn/ Dù máu chúng con thắm đỏ giang san”…

“Kỷ vật” là “Tháng Tư Tây Nguyên”:… Âm vang, vời vợi/ Bao chiến sĩ quên mình/ Chưa có tên/ Bia ghi danh các anh/ Tháng Tư Tây Nguyên ấm áp”. Là “Bóng mát Cơ nia”: “Về, thưa với mẹ chuyện “động trời”/ Mẹ bình tĩnh nhai trầu, khẽ bảo:/ Không sao đâu, thân thể em con đã lẫn vào cây cỏ/ Đã thành đất đai của Tổ quốc thiêng liêng…”.

Khép lại tập thơ, một chút lắng, để nén cảm xúc rưng rưng. “Trăng lạnh” của nhà thơ Trần Thế Tuyển, rất ấm áp. Những câu thơ, bài thơ, cho dù là nỗi nhớ, cho dù là nỗi buồn, cho dù là những thao thức thế sự nhân sinh…, vẫn thầm lan tỏa tình yêu, từ quê  hương nơi chôn nhau cắt rốn đến đồng đội sinh tử trong chiến tranh, từ người mẹ tảo tần mưa nắng đến Việt Nam Tổ quốc tiêng liêng.   

Nhà thơ Trần Thế Tuyển nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng Anh hùng, từng trực diện chiến đấu từ Tây Nguyên, đến miền Đông- miền Tây Nam bộ và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, rồi sau lại tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Từ một lính chiến, đến một nhà báo chuyên viết bút ký, phóng sự, đến một nhà thơ, nên thơ của anh có sự chân thật sinh động, không hoa mỹ hay tạo những trúc trắc phức tạp trong câu từ, trong cấu trúc. Có lẽ thế mà thơ của anh dễ thấm, dễ cảm, dễ lan tỏa.

Tôi muốn kết bài viết này bằng chính bài thơ “Ấm áp ngàn năm”: “Năm mươi năm đồng đội đã về chưa/ Cầu Sài Gòn, nơi bạn bè nằm xuống/ Thành phố bên sông không còn tiếng súng/ Chỉ rì rầm, nhịp sống trước bình minh…”, trong tập thơ “Trăng lạnh” của nhà thơ Trần Thế Tuyển.

TP Hồ Chí Minh ngày 2/9/2024

H.H

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm