TIN TỨC
  • Thơ
  • Trăng ở làng | Thơ Phan Tùng Sơn

Trăng ở làng | Thơ Phan Tùng Sơn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-03-09 16:09:43
mail facebook google pos stwis
2956 lượt xem

Nhà báo Phan Tùng Sơn (các bút danh: Thanh Kim Tùng, Lữ Ngàn…) sinh năm 1971; nguyên quán: Sơn Trà, Hương Sơn, Hà Tĩnh; nhập ngũ tháng 3-1991; tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị. Hiện là Đại tá, Phó trưởng ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP Hồ Chí Minh. Làm thơ, viết văn từ thuở học sinh. Có nhiều thơ, truyện ngắn đăng trong các tuyển tập văn học, nhiều bài thơ được phổ nhạc, chuyển thể tân cổ cải lương. Ngoài việc viết báo, Phan Tùng Sơn còn tham gia thỉnh giảng chuyên ngành báo chí - truyền thông cho một số trường đại học, cao đẳng... Văn chương TP. Hồ Chí Minh xin giới thiệu dưới đây một bài thơ văn xuôi của anh.

TRĂNG Ở LÀNG
(Thơ văn xuôi)

Quá nửa đời tha phương lập nghiệp, tôi trở về làng khi tóc đã sương sa. Trăng lẻ loi trên xanh thẳm cao xa. Vắng bóng tre, trăng gầy như lá lúa... Còn mỗi bụi tre ngà trước ngõ, mới mùa qua mẹ khom dáng lưng còng, tiếng chổi tre rào rạt mênh mông, giờ cũng chặt cho bê tông liền lối...

Trăng và tre ở làng là người bạn của nhà nông sớm tối. Từ thuở lọt lòng đến tuổi hoa niên, tôi lớn lên cùng dáng tre hiền, dưới vầng trăng vằng vặc mùa cổ tích. Bà thường kể cho lũ cháu nghe chuyện ông làm du kích, vót chông tre chế bẫy diệt thù. Tre dạy người thôn quê đức tính cần cù, kẽo kẹt tiếng tre chở giấc mơ tôi đi qua những mùa hè nắng đổ...

Tre đội vầng trăng đi vào văn chương nhạc họa. Thuở mặt lún phún măng tơ, tôi cùng lũ trai tân dưới tán tre đêm trăng loang tỏa, rửa vội bàn chân lấm bùn mùa gặt, té tắt xé đêm đi theo tiếng ơi ới của đám gái làng vào tuổi cập kê. Trong cơn khát mùa yêu như tiếng chim hót gọi bạn tình trên đồng lúa, bờ đê, tre kẽo kẹt nhắc tôi biết kiên cần chờ đợi. Thân tre dạy người ngẩng cao đầu vươn tới. Bụi tre giúp sĩ tử hỏng thi rúc rả khoảng quê mùa. Lá tre nâng bàn tay quạng quờ mái tóc thôn nữ vào khúc hát ru... Và cả những sợi lạt tre, đã thắt nút cơn nổi loạn phiêu du của một thời xa ngái...

Chốn cũ ngày xưa tôi tìm về vụng dại. Thương thật nhiều! Nhớ thật sâu! Bạn bè thuở mài đũng quần trên lưng trâu, giờ gặp nhau cũng theo trào lưu ngồi xế hộp, ngược thị trấn gặp mặt trong nhà hàng, tìm khách sạn tránh nóng bê tông, hoan hỉ nhắc chuyện xưa cồn cào trăng tháng sáu...

Ai đang giữ giùm tôi khoảng trời yêu dấu, bên rổ khoai mùa hạ củ căng tròn. Em chưa mời mà tôi đã khen ngon, hương lúa quyện bên hương khoai phồn thực. Em mười bảy áo phập phồng ký ức. Tôi mơ về đôi lứa buổi trăng non...

Trăng khuyết rồi trăng lại tròn. Trăng trên trời cao muôn đời vẫn thế. Vẫn chú cuội dưới gốc đa ngàn năm dâu bể. Sao tôi về làng trăng bỗng hóa xa xôi... Cha chưa quen ở phòng máy lạnh. Mẹ không còn sức leo đồi. Chiếc chõng tre mùa cũ ai bỏ đi rồi, đến cả sợi lạt buộc bánh chưng, bánh giò... giờ cũng thắt bằng dây công nghiệp. Làng vắng bóng tre, từ nhà xuống bếp, rổ nhựa bếp ga, soong chảo sạch nhọ nồi. Ngày giỗ ông bà, con cháu ngại mổ gà, đơm xôi, ngồi bấm điện thoại thông minh đặt hàng trên thị trấn. Tiện ích thế mà suốt ngày người ta kêu bận, bàn tay thôn nữ lấm bùn giờ nối dài móng đỏ hát nhạc xưa...

Hồn tre trong tôi đã đi theo hương tóc người xưa, xa hao hút cuối trời trông ngóng... Tôi ngồi trước bậc thềm bê tông rát bỏng, thổn thức lòng ghép chữ thành thơ...

Đường quê chợt dài hơn theo tiếng còi xe, hoang hoải tím màu sim mua bé dại. Tiếng ve thắt dòng sông nhỏ lại. Bãi cát vàng bến chợ vắng chang chang. Làng thêm nhiều nhà thờ, thớt thưa nhà ở. Chiều trên đê vắng bóng người cuốc bộ. Đô thị hóa tiến dần về tận ngõ. Cao áp rực trời, đom đóm mất mùa hoang...

Tôi theo mẹ ra đứng đầu làng. Tóc hoa râm vẫn khờ như thuở bé. Xưa trăng treo ngọn tre theo ngụ ngôn bà kể. Giờ vắng tre rồi, trăng ở làng hoang hoải khóc trên cao. Hiểu nỗi trăng, tôi viết tiếp mùa sau, nghe trăng nhắc mắt người ngày xưa ấy. Bờ đê trăng suông đêm nay tôi ngồi lại. Mái tóc xưa giờ lược nào đang chải? Tôi giúp mẹ cuốc lại mảnh vườn trồng luống sả, hương nhu...

PHAN TÙNG SƠN

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong chiều nghĩa trang | Chùm thơ kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ
Chùm thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Sĩ Tuấn, Đoàn Văn Mật, P.N. Thường Đoan, Kao Sơn...
Xem thêm
Bác về với đất quê hương | Chùm thơ từ Hà Nội & Hải Phòng
Chùm thơ của Nguyệt Vũ, Bùi Thanh Hà, Bùi Thu Hằng, Nguyên Hà
Xem thêm
Chùm thơ nhiều tác giả viết về TBT Nguyễn Phú Trọng
Triệu con tim lệ ứa nhòa Mưa rơi như thể giao hòa nỗi đau.
Xem thêm
Người sống mãi trong lòng dân | Chùm thơ
Chùm thơ của 2 nhà thơ từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Có ngọn đuốc tắt để đêm bừng sáng | Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ Phạm Vân Anh, Trần Quang Khánh, Hoa Mai, Nguyễn Hưng Hải
Xem thêm
Bến xưa với bác Nguyễn Phú Trọng
Thơ: Nguyên Hùng/ Nhạc: Lê An Tuyên
Xem thêm
Nguyễn Hoài Phương Nam – thơ dự thi
Thơ dự thi Nhân nghĩ đất phương Nam
Xem thêm
Trăm năm bà đợi ông về | Chùm thơ Cao Quảng Văn
Một người phương Nam/ Nhớ người ở phương trời!/ Hai mươi năm, bao nhiêu ngày
Xem thêm
Đoàn Thị Ký - Chùm thơ dự thi
Thơ dự thi “ Nhân nghĩa đất phương Nam”
Xem thêm
Có một loài hoa không hề nở | Chùm thơ Thai Sắc
Chùm 5 bài thơ do tác giả gửi Văn chương TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Phạm Thanh Phương – Chùm thơ dự thi
Diều tít tắp cởi trên ánh mắt Vẫn muốn bay thấu tận trời xanhDây dù dài thả nhiều đã cạnNghe cuối chiều chao nghiêng lanh tanh
Xem thêm
Kim Loan - Chùm thơ dự thi
Thành phố vào mưaChầm chậm rơi những giọt nhớBên mái hiên nhà thờĐàn bồ câu lao xao…
Xem thêm
Bảo Tấn - chùm thơ dự thi
Thơ dự thi Nhân nghĩa đất phương Nam
Xem thêm
Chùm thơ Lê Đức Đồng
Bên ao chùa lặng lẽBồ đề xanh suốt mùa.Dâng mùi hương thơm thảoNgọt ngào miền ấu thơ…
Xem thêm
Chùm thơ Phương Uyên
Nhưng sen vẫn là senNguyên bảnTrắng và trắng một mối tình chung thủyDù thiêu đốtSen chẳng phai màu.
Xem thêm
Ngô Thuý Hà – chùm thơ dự thi
Thơ dự thi Nhân nghĩa phương Nam lần 2
Xem thêm
Võ Kim Phượng – Chùm thơ dự thi
Thơ dự thi Nhân nghĩa đất phương Nam lần 2
Xem thêm
Nguyễn Bá Vượng – chùm thơ dự thi
Thơ dự thi Nhân nghĩa đất phương Nam lần 2
Xem thêm