- Truyện
- Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Nhà văn Vương Huy
Lão Bần vốn là một thợ vẽ bản thiết kế cho các công trình xây dựng của quân đội, thời trẻ lão làm ở Sài Gòn. Lúc đó, lão sưu tầm sách khá nhiều, toàn sách triết. Có lần lão tặng bà chị làm chung bài thơ của lão, thơ thất ngôn bát cú, mà mỗi chữ đầu câu ghép lại là ý lão hỏi mượn một cuốn sách. Dường như gia đình lão cũng có truyền thống văn học đôi chút. Lão có một người chị ruột cũng làm thơ. Chị chết chôn ở miếng vườn sau lưng nhà lão. Em út của lão là anh Khương, làm chung tôi thời tôi còn đi dạy cấp ba. Anh Khương làm bảo vệ trường, kiêm giữ xe cho học sinh. Khương lúc trẻ học Đại học Nông Lâm nhưng bỏ học giữa chừng. Sau về trường làm, Khương học hệ từ xa lấy bằng đại học ngành tin học. Những lúc trà dư tửu hậu, Khương cũng hay đọc thơ. Hồi đó bà Tiện còn làm hiệu phó, bà Tiện gài Khương vào dạy môn Sử, nhưng chỉ được một tháng thì bị nhóm giáo viên môn Địa thưa với lý do: Bằng từ xa không được đứng lớp. Khương nghỉ dạy, tiếp tục làm bảo vệ.
Lúc tôi nghỉ dạy, không biết làm gì, tôi thường xuống nhà lão Bần chơi, uống trà đàm đạo. Lão có một cách tư duy triết học khác thường. Lão chỉ mới học hết lớp mười, lại là học trò bà Tiện. Sau lão lấy bà Tiện làm vợ, sinh một con gái đặt tên là Lắm. Đầu tóc lão Bần bạc trắng dù tuổi đời của lão chưa đến sáu mươi. Người lão gầy teo tóp, lời nói chắc nịch và hay gằn giọng. Lão như được sinh ra để rao giảng thứ đạo lý của chính lão. Một lần nhân lúc vui chuyện, tôi hỏi lão :
– Thầy nghĩ thế nào về Nietzsche?
– Cuốn Zarathoustra là một cuốn phúc âm của thời hiện đại. Tôi đọc cuốn đó lui tới như đọc một cuốn kinh thánh. Cuốn đó đầy rẫy những ẩn ngữ. Trong các tác phẩm của Nietzsche, cuốn đó là thơ mà cũng là triết. – Lão nói.
Tôi cũng học về triết nhiều, khi ở Đại học Sư Phạm khoa Giáo dục chính trị, còn lão Bần là một kẻ tự học, nhưng cái học của lão rất thực tế, nhiều lúc đi đến chỗ thực dụng. Lão chỉ học những gì liên quan đến công việc của lão. Ngoài việc nghiên cứu triết học ra, lão còn kiêm thêm nghề xem phong thủy, xem ngày giờ. Nhiều người tìm đến lão nhờ công việc nầy. Lão cũng có đồng ra đồng vô đủ tiền trà thuốc, sách vở. Lão nghiên cứu triết để tìm cơ sở lý luận cho nghề xem phong thủy của lão. Trong tất cả các công việc, dường như lão có lý luận hẳn hoi nhờ việc đọc triết học.
Nhà của lão khách khứa thường lui tới. Đó là căn nhà một tầng do chính tay lão thiết kế. Lão tiếp tất cả mọi người trên một cái bàn đầy bụi cáu của lão. Tôi thì nói chuyện triết học, người thì xem phong thủy, mấy anh thầy giáo, nhà sư, người tu tại gia, những người lao động, anh hàng xóm,… Tức là đủ thành phần. Ngôi nhà của lão nằm trong một khu vườn sum suê cây măng cụt. Nhà cha mẹ lão nằm ở miếng đất kế bên, là một căn nhà gỗ đã cũ kỹ. Cha lão mất lâu rồi, lão còn một mẹ già đã lớn tuổi.
***
Thậm là một thầy giáo dạy chung tôi, Thậm dạy Toán. Trong trường, Hiệu trưởng giao Thậm dẫn chương trình nhân những ngày lễ lạc. Thậm cũng hay xuống nhà lão Bần nhờ lão làm một số việc. Có lần tôi gặp Thậm ở bàn trà, Thậm chở một thùng bia xuống tặng lão Bần, lúc đó tôi nhớ gần Tết âm lịch. Lão Bần nhận lấy cười hể hả phô hàm răng khói ám. Ngoài việc xuống chơi với lão Bần, Thậm có lẽ xuống vì một việc khác: bà Tiện vợ lão còn đương chức Hiệu phó nơi Thậm giảng dạy. Thậm một hai “ thầy thầy em em” với lão Bần. Lão Bần lấy làm hả dạ lắm với thái độ kính nể bậc trưởng thượng của Thậm, không như tôi trao đổi thẳng thắn, sòng phẳng, thậm chí chỉ trích. Một lần gặp nhau ở nhà lão Bần, khi đó tôi nghỉ dạy rồi, Thậm nói với tôi:
– Em còn nhớ anh phát biểu hôm họp Hội đồng là linh động nắm ý chính. Em vận dụng nó vào việc dẫn chương trình của mình.
Số là hôm họp Hội đồng, hiệu phó Nhàn đưa cái đáp án đề thi học kỳ 1 của tôi ra phân tích. Nhàn cho rằng tôi không chép đúng nguyên văn từng lời trong sách giáo khoa. Tôi đứng lên phát biểu: tôi chỉ nắm ý chính trong khi ra đáp án rồi linh động khi chấm bài. Theo Nhàn hiệu phó chuyên môn, phải chép đúng từng chữ kể cả dấu phẩy trong sách giáo khoa làm đáp án. Hai chủ trương khác nhau, thế là đụng độ. Buổi họp ấy tôi nói: “Tôi đi dạy chỉ để ăn lương. Tục ngữ ta có câu: “Yêu nên tốt, ghét nên xấu “. Mong thầy cô suy nghĩ lại”. Lúc đó tôi là cái gai trong mắt giáo viên trường. Mọi người xa lánh tôi, đến nỗi ngồi nói chuyện với tôi ở căn – tin cũng bị đánh giá. Ví dụ như Hận vốn dạy Địa là vợ của Chủng dạy thể dục. Chủng là tổ trưởng của tôi và Mận. Mận lấy chồng là em bà con với Chủng. Hận nói: “Sao Mận lại lại dám uống cà phê với thầy đó trong căn – tin trường chứ“. Hồi Mận về trường dạy môn Công Dân, do tôi hướng dẫn tập sự. Tôi lúc đó đau yếu bệnh hoạn triền miên, phải uống thuốc trầm cảm thường xuyên ở bệnh viện. Sau hết sáu tháng tập sự, tôi đánh giá Mận dạy tốt, dù tôi để cho Mận tự nhiên trong việc dạy học. Một năm sau đó Mận lên làm tổ phó, nhằm đợt thanh tra, Nhàn hiệu phó giao Mận thanh tra chuyên môn tôi. Tôi cay đắng lắm nhưng không nói gì, chỉ nói với mấy anh bạn thân dạy chung là làm vậy coi không được. Nhưng tôi đành chấp nhận.
Thậm vẫn coi trọng tôi nhưng với gia đình lão Bần thì Thậm coi là ơn trên mưa móc. Lão Bần rất khoái tỉ cái vị trí lão hiện có, nó phát sinh từ vợ lão, lão chỉ là người ăn theo. Thậm bên ngoài dạ thưa nhưng bên trong có lẽ Thậm cũng không thích. Vì nhiệm vụ phải làm thôi. Đời sống trường lớp bây giờ là vậy, cái tính cửa quyền nó đã ăn lan vào giáo dục.
***
Nhà Vạnh ở đầu đường, ngay chỗ quẹo vô nhà lão Bần. Vạnh chơi thân với lão Bần. Vạnh sống bằng nghề làm vườn. Vạnh hay tới nhà lão Bần chơi. Có lúc Vạnh mượn vài cuốn sách tôn giáo. Vạnh nói ra chỉ vuốt đuôi lão Bần, không có ý kiến gì riêng. Với Vạnh, lão Bần là thần tượng của tri thức. Lão Bần nghiễm nhiên với vị trí ấy. Tôi không thích Vạnh vì tánh tình hơi đàn bà của Vạnh và sự sùng bái của Vạnh đối với lão Bần. Xuống chơi, tôi gặp toàn những người lành mạnh về thể xác nhưng què quặt về tinh thần. Có lần nói chuyện với Vạnh, Vạnh khuyên tôi đọc thơ Tố Hữu. Dường như trong trường Vạnh học được chút đỉnh thơ văn nên nói vậy. Thơ Tố Hữu, tôi vẫn đọc, nhưng tôi cho rằng thơ Tố Hữu nằm trong phong trào Thơ Mới về mặt thi pháp, dù Tố Hữu là thơ cách mạng. Cái Thơ Mới từ đầu thế kỷ hai mươi còn kéo dài ảnh hưởng trên thi đàn Việt Nam đến tận hôm nay. Mọi người làm mà không biết đó là Thơ Mới. Chỉ có phong trào Nhân văn Giai phẩm ở Miền Bắc và nhóm Sáng Tạo trong Nam, những năm 54, là có cách tân triệt để về thơ, thoát khỏi ảnh hưởng của Thơ Mới. Các nhà thơ như : Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần,… và trong Nam là Thanh Tâm Tuyền đã đẩy thơ Việt lên một cấp độ mới. Thơ Việt vẫn còn du dương trong vần điệu trong khi thơ Phương Tây đã sang hình thức thơ không vần. Cái đặc biệt là thơ Việt thiếu chất Triết. Có lẽ do dân tộc ta không có một nền triết học riêng, chỉ toàn du nhập triết học của các nước khác. Phật giáo của Ấn Độ, Nho giáo, Lão giáo của Trung Quốc, Hiện sinh, Chủ nghĩa Mác của Phương Tây. Có thể nói Việt Nam là một dân tộc không có triết học. Cho nên không có tác phẩm văn chương lớn và nhà văn có tầm vóc. Nói như Ăng – ghen : Một dân tộc muốn đứng trên tầm cao của thời đại phải có tư duy triết học.
Trở lại vấn đề, có lẽ Vạnh chỉ biết đến Tố Hữu, như thế cũng là dữ dội rồi, tạm xem có học. Vạnh không biết rằng tôi đọc thơ rất nhiều. Thơ Việt, gần như trọn vẹn. Thơ Phương Tây, đọc qua bản dịch. Vạnh vẫn sùng bái lão Bần như một bậc tiên chỉ trong làng văn. Có lẽ vì đời sống của Vạnh chỉ quẩn quanh nơi ruộng đồng vườn tược, không đọc nhiều, không giao tiếp nhiều. Nhà trường dạy được chút đỉnh nào hay chút đỉnh đó. Đó cũng là hiện trạng chung của người đọc Việt Nam hôm nay. Họ không được dạy về các trào lưu trường phái văn học nên gần như mù tịt không hiểu thơ nước ngoài diễn biến và phát triển ra sao. Giới trẻ hiện nay thì đỡ hơn, do có tiếp xúc với nền văn hóa nước ngoài, nhưng họ lại chạy theo lối sống vật chất thực dụng. Các ngành Văn Sử Triết rất ít người chọn học. Vì học xong sẽ thất nghiệp, không biết làm gì, trong khi các ngành khác dễ kiếm việc làm và có thu nhập cao hơn.
***
Lão Bần có đứa em trai kế lão tên là Đấy. Đấy rất lễ độ, gặp tôi là khoanh tay thưa thầy dù tuổi đời tôi kém Đấy. Khi Đấy ngồi với lão, lão luôn la mắng. Đấy có thời gian đi tu, hình như gia đình lão có truyền thống Nho giáo. Những người ở vùng thôn quê còn tôn trọng thầy giáo hơn những người bon chen nơi thành thị. Như đã nói, Đấy đi tu, được vài năm thì bỏ về. Đấy thích nói về những pháp môn tu hành giải thoát. Lão Bần la mắng suốt vì đầu óc lão vốn thực tế, rất ghét chuyện tu hành. Nhà lão Bần có một cái bàn thờ do chính tay lão thiết kế. Tầng dưới thờ ảnh ông cụ cha lão, tầng trên thờ hình Quan Thế Âm. Nhưng mô hình bàn thờ có mái che như nhà thờ Công giáo. Dường như lão Bần muốn tổng hợp tôn giáo để hình thành một tôn giáo riêng của lão. Chỗ lão nằm là một bộ đi – văng gỗ nằm trong một khung vòm hình tròn làm cửa bước vào, ở nhà trước. Trong khung hình tròn đó là chiếc tủ kính đựng sách, toàn sách triết.
Thỉnh thoảng cũng có vài người đến chơi như sư Thào chẳng hạn. Sư Thào tu ở chùa gần đó, tuổi trạc tôi, thường phát âm sai theo tiếng thổ ngữ địa phương. Ví dụ : âm R thành G, âm Th thành Kh. Sư Thào đến kể chuyện sinh hoạt chùa chiền tôn giáo. Sư có theo học một khóa trung cấp Phật học nên cũng nắm vững về giáo lý. Những lúc nói chuyện như thế, lão Bần lại tấn công Phật giáo, lão nói : “ Tôi coi hình tượng Thích Ca không có thực mà là một ẩn dụ hư cấu “. Sư Thào không nói gì chỉ kể những chuyện lao động trong chùa chiền. Những nhà sư ở vùng quê chỉ có đạo tâm chứ trình độ thì lại thấp, người ta theo Phật giáo bằng niềm tin của người ta, chứ không biện bác giáo lý chi nhiều như những bậc túc học Phật giáo. Nhưng theo tôi, tu như vậy mới gọi là tu, nó thực tâm, nó không ồn ào như những ngôi chùa lớn ở phố thị, chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền. Những ngôi chùa ở nông thôn, các nhà sư phải lao động, kiếm sống rồi tu hành. Như vậy họ giữ được đạo của họ. Các hệ thống hành trì trong Phật giáo phân cấp nhiều thứ bậc. Điều nầy ảnh hưởng không nhỏ đến đạo tâm, tức là còn khích phát sự ham muốn, lòng dục của con người vào vai vế thứ bậc trong xã hội. Theo chỗ tôi biết, khi mới ra đời, Phật giáo là một hệ thống lý thuyết chống lại chế độ đẳng cấp hà khắc của Bà – la – môn giáo. Bà – la – môn giáo phân biệt bốn đẳng cấp trong xã hội là: tăng lữ, vương công, thứ dân và nô lệ. Phật Thích Ca thoạt kỳ thủy có nói: Không có giai cấp trong một dòng máu đều đỏ và giọt nước mắt đều mặn. Phật Thích Ca kết nạp tất cả những ai đến với Ngài bằng tấm lòng chân thật, kể cả gái điếm và người gánh phân, vốn là đẳng cấp thấp nhất trong xã hội lúc bấy giờ.
Xuống đàm đạo với lão Bần còn có anh Dụ – người tu tại gia. Anh Dụ thích làm công quả, ít biện biệt giáo lý. Ví dụ như anh ấn tống kinh sách, làm từ thiện, sửa cầu đường,… Những lúc như thế, lão Bần lại giở giọng lý luận như người am tường Phật giáo. Anh Dụ cũng không thèm cãi lại. Anh Dụ cho tôi một cái máy nghe kinh và vài cái thẻ nhớ ghi lại những bài giảng của những nhà sư uy tín hiện thời. Anh Dụ rất thích Thích Chân Quang.
***
Lão Bần có một đệ tử là thằng Bé. Bé lao động tay chân, gương mặt lam lũ. Lão Bần thích sai vặt Bé, như châm ấm trà, nhổ một cái cây,… Lão Bần lấy Bé ra làm vật thí nghiệm cho sự nghiên cứu bùa chú của lão. Bé thường lên vùng Thất Sơn ( An Giang ) để thăm ngoạn phong cảnh trên ấy và nó cũng rất nể trọng các sư thầy. Bé làm thuê cho người chị, nhà Bé có nuôi dê để tăng thêm thu nhập. Lão Bần lợi dụng Bé triệt để. Có lẽ Bé thích Lắm – con gái lão Bần. Lắm học khoa Hán Nôm thuộc Đại học xã hội nhân văn, lâu lâu mới về thăm nhà một lần. Bà Tiện vợ lão vốn là người Hoa, gia đình rất giàu có. Lão Bần rất cưng chiều đứa con gái một nầy. Lắm cũng xinh đẹp. Sau, Lắm lấy một anh chàng người Bắc, là kỹ sư cầu đường. Họ sinh một đứa con đem về cho lão Bần nuôi. Đám cưới của Lắm làm linh đình, mời mọc lung tung. Sau đám, tôi xuống, thấy mấy cần xé đựng vỏ lon bia. Lão Bần chỉ có một đứa con nên làm đám rình rang để mở mày nở mặt với thiên hạ. Lắm lấy chồng, ít thấy Bé lai vãng. Con gái người ta là hoa thơm cỏ quý, thân phận Bé sao vươn tới nổi.
Nhà lão Bần có vườn măng cụt, lão trồng lấy bóng mát. Sau đó, lão phá vườn măng cụt, thay vào đó là sầu riêng khi thiên hạ đã chán chê với thu nhập của loại cây ăn trái nầy rồi. Lão suy nghĩ, thiết kế đường ống chằng chịt để dẫn nước tưới cây đến từng gốc sầu riêng trong vườn nhà. Đảm trách công việc đào đất, vun mô, xẻ rãnh đi đường ống thì đã có anh Thịnh. Thịnh làm thuê ăn tiền ngày cho lão. Không thấy lão làm gì cả mà tiền bạc của lão luôn dư dả. Với anh Thịnh, lão Bần đóng vai trò chỉ đạo kỹ thuật. Tức là gì lão cũng biết. Tôi xuống chơi thấy Thịnh xắn từng vá đất dưới sự trông coi của lão Bần. Lão ốm quắt queo không làm gì nổi, chỉ thuê mướn lao động. Gia đình lão có thế lực trong xóm.
***
Như đã nói, lão Bần chỉ học hết lớp mười, lão đọc triết tùy tiện, thích ai lão ca tụng người đó hết lời, còn không thích lão cũng mạt sát hết lời. Lão chê bai Phạm Công Thiện, Nguyễn Duy Cần. Lão ca tụng Bùi Giáng, Nguyễn Hiến Lê. Điều đặc biệt là lão rất mê Heidegger. Mà triết gia người Đức nầy nổi tiếng khó hiểu. Lão chỉ mê cái âm vọng của câu văn Heidegger thông qua bản dịch. Hỏi lão hiểu gì không, lão không trả lời, chỉ cười cười. Sách của lão thì lão quý hơn vàng, sách người khác thì lão dè bỉu chê bai tơi tả. Lão quý sách, đó là điều tốt, nhưng lão coi sách như tài sản. Có những bộ sách lão mua để dành trong tủ kính chứ lão cũng không đọc. Mua sách mà lão dùng chữ “ sắm “ như sắm một món đồ đắt giá.
Có thời gian tôi xuống lão chơi thường xuyên vì nghĩ lão là người tự học chân chính, nhưng càng về sau tôi càng thức nhận tính hơn thua của lão trong đời sống và học thuật. Cái loại người nầy ở Việt Nam rất nhiều, tức là không học hành bài bản, chỉ đọc dăm cuốn sách mà phát ngôn như thánh phán. Tôi có học mảng triết, kể cả đi vào tác phẩm Mác, Ăng – ghen, Lênin trong trường Sư Phạm mà tôi chưa dám nói gì vì trên tôi còn có những giáo sư tiến sỹ Triết học. Họ đều là những tay tài giỏi cả. Tôi chỉ dám làm thơ viết truyện như một cách phát ngôn, vì thơ truyện có vẻ ai làm cũng được do nó sử dụng chất liệu là ngôn ngữ. Mà ai chẳng sở hữu một ngôn ngữ riêng mình. Thôi, câu chuyện đến đây đã nhiều, tôi xin chấm dứt vì không muốn làm bạn đọc mệt mỏi với sự dở hơi của một lão triết gia miệt vườn.
Vương Huy