TIN TỨC
  • Truyện
  • Những ngày rất lặng | Truyện ngắn dự thi của Đắk

Những ngày rất lặng | Truyện ngắn dự thi của Đắk

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
738 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Lại một tháng nữa trôi qua!

Hôm nay nóng hơn hôm qua, và thời tiết có vẻ còn tăng nhiệt độ nữa. Thèm chút mưa, mà ngoài trời chỉ có nắng gắt. Thèm chút gió, mà bên ngoài cỏ cây đứng bóng. Cũng thèm một tiếng người, một tiếng rao, một tiếng chửi bới nhau vào lúc này, nhưng phản hồi lại chỉ là bầu không khí im lặng đến nao lòng. Không một bóng người lai vãng ngoài con hẻm. Sự vắng vẻ càng làm cho buổi trưa nắng trở nên quá đỗi hanh khô.

Ngó qua bên đối diện, hàng xóm nào cũng cửa đóng then cài. Sợi dây trắng chữ đỏ cảnh báo cách ly giăng ngang một dãy dài, chất liệu mỏng manh nhưng sự hiện diện lại làm bầu không khí trở nên ngột ngạt. Hai ba bữa nay, đều có người nhiễm bệnh được đưa đi chữa tập trung. Tiếng còi cấp cứu hụ từ đầu hẻm vọng vào, mang theo một đoạn ngắn xôn xao, rồi rời đi, bỏ lại vẻ tịch mịch bất thường từ ngày dịch bùng phát. Con hẻm lao động này vốn dĩ từng có những buổi trưa ồn ào chuyện đời, mà giờ, nếu không có tiếng chó sủa, mèo kêu, chim hót, thì sẽ cứ ngỡ là môi trường chân không vô tức vô thanh.

*

Những ngày chỉ còn lại một mình, vắng bóng má, căn nhà này, khoảng sân trở nên thênh thang, như chị đã thu nhỏ lại thành một kẻ tý hon lọt giữa nơi ở của người khổng lồ.

Cảm giác xa lạ, chị lang thang trong nhà mình như một kẻ hành hương kỳ quặc. Từ dưới lên trên. Từ trên xuống dưới. Chị rong ruổi từ phòng khách, vào hai buồng ngủ, xuống nhà bếp, săm soi vào các ngóc ngách, đào bới các góc khuất, tâm thế như chị đã từng lang thang hết chỗ này chỗ kia của Sài Gòn để tìm thằng Út. Ai quen biết nó chị cũng đến, quận nào cũng qua, hẻm nào cũng chui vào, khu tệ nạn nào cũng ghé tới. Bệnh viện. Nhà xác. Những chỗ người ta đưa tin vừa phát hiện thấy xác chết vô danh dưới sông hay ở bờ ở bụi. Đều vô vọng. Sau một cuộc gọi thất thanh “Má ơi cứu con”, rồi sau đó biệt tăm. Chỉ có tụi cho vay nặng lãi là một hai ngày lại gọi đến, hăm dọa, nạt nộ làm dữ tợn, gây sự đòi tiền. Lau sạch mắm tôm thì bị hắt phân lỏng, nước dơ, rồi sơn đỏ. Hai má con mua xăng về hì hục chà rửa, mà vẫn không xóa được hết, còn lại những dấu vết vằn vệt mờ mờ. Giống như vết máu, đã giặt khô nhưng vẫn còn in dấu, như thời gian qua lâu mà vẫn còn hằn đau trong tim.

Là máu của chị, chảy ra từng cửa mình, mang theo sự sống của những đứa con còn chưa kịp tượng hình. Một đứa, hai đứa, rồi ba đứa. Thiên chức không thể thực hiện được. Mẹ chồng khó chịu, có khi trước lúc kết hôn nó đi phá thai nhiều lần rồi. Chồng hằm hè, lúc lấy tôi cô đã không còn trinh? Chữ trinh như xoáy sâu vào não, đóng đinh vào lòng, dội ngược vào thân thể. Nghi kị làm tình yêu tan vỡ. Trọng trách nối dõi làm hẹn thề bị tổn thương. Máu vẫn rỉ ra từ thẳm sâu, âm ỉ. Cơn sốt ầm ì. Tỉnh dậy mở mắt ra thấy má, thấy con Ba đang ngồi khóc bên giường. Thôi để nhà người ta kiếm con kiếm cháu, mày về với má, với mấy em!

*

Nghe tiếng kim loại cũ kỹ khua khoắng ngoài kia.

Lại đến rồi!

Bắt đầu từ tiếng nắp đậy lỗ trống được nhấc lên, và tiếng tra chìa vào ổ khóa từ bên ngoài. Mường tượng được cái chốt lâu ngày chưa tra mỡ bò[1] hục hặc được kéo ra, để lại một chuỗi âm thanh rin rít nặng nề. Rồi kheng khét, mở ra và đóng vào, sự chuyển động của cánh cổng gỉ sắt. Tiếng động nghe rền rĩ, như vốn dĩ sau đó sẽ có bóng dáng ai bước vào nhà, nối tiếp cái nhịp sống đời thường.

Nhưng không có ai trở về cả!

Dẫu biết là như vậy, nhưng lần nào chị cũng không kiềm lòng được mà ngó thử ra cái cổng im lìm bất động.

 Từ một buổi tối muộn tháng trước, chị nghe thấy âm thanh phong long này vang lên, từ tốn và rõ ràng. Ngay lần đầu tiên đó, chị đã không mảy may hoài nghi từ đâu vọng lại, mà là tiếng động của cổng sắt nhà mình. Có thể là ảo giác, có thể là sự nhầm lẫn nào đó của thính giác, nhưng vào những ngày rảnh rỗi quá đỗi bồn chồn như thế này, có một niềm hi vọng cũng làm lòng người được xoa dịu, dù cuối cùng chỉ để nhận được sự thất vọng tràn trề. Tưởng đã quen, nhưng lần nào sự hụt hẫng cũng làm bức bối căng tràn trong lồng ngực. Muốn làm gì để xua đi tịch mịch, mà hát không thành lời, đọc kinh không thành tiếng, chỉ thấy cơ thể choáng ngợp trong một nỗi ê chề. Không phải nhiễm bệnh, vì hôm trước mới xét nghiệm tập trung toàn hẻm, ra kết quả âm tính, mà là cơn mệt mỏi từ năm nào kéo mãi đến lúc này. Khám ở nhà thương quận được chẩn đoán chung chung là suy nhược cơ thể. Lên chùa, bắt mạch hốt thuốc Nam cũng được cho mấy thang thuốc an thần mát gan, chứ không ra bệnh gì.

Nhìn thần sắc của chị, má thở dài. Tụi bây làm con má, nên phải chịu cái nghiệp khổ, nghiệp đọa đày. Đứa dang dở, đứa đa tình, đứa giang hồ đỏ đen. Khuyên nó quên hết đi, mà lòng người đâu dễ gì buông bỏ. Khuyên nó chính chuyên đi, mà đọa ái tình nhấn thân xác, tâm trí lún sâu vào yêu đương. Khuyên nó lo tu tâm chí thú làm ăn, mà kiếp cờ bạc như con ma rù quến. Cả một đời đa đoan, má không buồn, không đau bằng thấy các con mình ai cũng trái ngang. Lúc con Ba bị đánh ghen ở ngã tư Xóm Thiếc, rồi thằng Út bị chém ba nhát sâu phải đi cấp cứu, do đánh lộn ở quán nhậu, má buông bỏ xe xôi đang đắt khách ở chợ Cũ, mà đi chùa, quy y làm một người Phật tử, ăn chay trường, tụng kinh.

Ngủ bên cạnh, hễ tỉnh dậy là nghe tiếng ngón tay lần hạt lách cách trong bóng tối, và nghe âm gió má đọc chú rì rầm.

“Không ngủ được hả má?”.

“Có ai già mà ngủ nhiều đâu, bây!”.

Thở dài. Trở mình. Đúng vậy nhỉ! Chị cũng không còn là một người trẻ. Vậy mới nhớ, ngoảnh lại mới thấy mình đã ngót nghét qua cập kề 60 cái xuân thì.

Gần ba mươi mấy năm sau cuộc li hôn, chị gần như không để ý gì nữa đến tuổi tác của mình. Chị đong đếm thời gian bằng những ngày cơ cực mưu sinh, bằng cách má già đi, bằng con Ba rũ bỏ những non nớt thiếu nữ, và cách thằng Út bắt đầu thành một gã trai bốc đồng. Chị không nhớ thời gian cũng đang vần vũ trên thân xác mình, trên sức khỏe mình, trên xuân sắc của mình. Phần hi vọng đã rục chết trong con người chị, bị vùi trong lớp lang quá khứ rưng rứt mỗi lúc vọng về. Người đàn bà không thể có con, còn mong gì vào tình yêu, vào cái hạnh phúc bình dị của đời người.

Thời gian cũng biến dĩ vãng thành những cảnh phim lúc 8 giờ tối hay chiếu trên tivi. Nhớ lại như xem bi kịch của những nhân vật được hư cấu. Bàng quan mà hiểu thấu. Lòng cũng lặng rồi, gió cũng yên, nắng cũng hài hòa, thì thấy hoàng hôn rơi rớt trên thềm. Rọi bóng chị hiện ra. Đơn lẻ. Bóng chị chồng bóng má. Dáng chị ráp vừa in vào dáng ngồi của má. Mới ngộ được khắc khoải của đợi chờ.

“Ở nhà, để em nó về còn có người, nghen bây!”.

Má nắm lấy cánh tay chị, nhìn con gái bằng tròng mắt đục sâu. Giọng má dặn qua lớp khẩu trang, lẫn trong hơi thở khó khăn, nghe mỏng manh như sắp tan. Trên chiếc băng ca được mấy nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đẩy lộc cộc trên con đường đầy đá dăm, co ro má nằm chưa đầy một nửa. Chị quàng ba lô đồ bên vai, hớt hải đi theo bên cạnh.

“Để con vô chăm sóc, chứ sao má ở được một mình”.

“Về đi!”, má lắc đầu, “về cho nhà có người”.

“Má…”, chị tha thiết nhìn khuôn mặt đỏ lửng vì sốt cao của bà, tay chân bối rối.

“Má đi mấy bữa rồi má về!”. Bà nói, rồi được đưa lên xe cứu thương, khuất dạng theo tiếng hụ dài inh ỏi.

*

Con Ba gọi về từ xứ nào không thể định vị: “Có tin gì của má không chị Hai?”. Không nghe gì hết! Chắc không sao, chắc không có chuyện gì, chắc sẽ bình an. Còn mày, tình hình vầy mà sống chui sống nhủi không hợp phát nơi xứ người rồi làm sao đây Ba? Tín hiệu tít tít chuỗi dài, rồi im bặt. Mà, biết nó vẫn còn sống, đỡ hơn thằng Út, gọi hoài mà chưa một lần kết nối được. Dịch dã làm nỗi bất an khuếch đại trăm lần. Lời muốn nói nghẽn trong cổ họng, thành âm bặt, tan tành vào hơi thở. Riết rồi cả tiếng hô hấp của mình mà cũng thấy sợ. Phập phồng. Phập phồng. Ráo hoãnh. Rảo quanh. Cây trước sân nhà nhuộm đêm, không thấy được màu xanh. Có tiếng đập cánh, mà không thấy bóng loài nào chao ra khỏi bóng tối. Ngẩn lên thấy một vầng trăng leo lắt trên không trung. Trăng khuyết rồi trăng tròn, trăng tròn rồi trăng khuyết, đã mấy chu kì. Còn bao lâu nữa, để ngôi nhà này đầy lại những dáng người đang vắng dạng?

Nào có ai trả lời cho chị một câu trấn an khẳng định. Ba cây nhang cắm giữa bàn cúng, lập lòa ba con mắt đỏ ti hi ngóng nhìn. Không thể mua được gì khi đầu hẻm đang chắn rào, nên chỉ có thể cúng rằm tháng 7 đạm bạc bằng mấy chén cháo trắng, mấy dĩa xôi, dĩa muối gạo, tô nước, và bình hoa cắm mấy cây thần tài má trồng cuối sân. Thắp lên hai ly đèn cầy, bùng lên hai đốm lửa lập lòe trong gió tối. Ánh lửa mỏng manh, dẫn đường đưa những con người quen mặt trở về hẻm nhỏ từ trăm lối. Cô Ba, chú Bảy, má Hai, dì Sáu, bác Chín, thằng Năm, con Một, bé Tư… Họ bước đi trong câm lặng và trong ánh sáng nghiêng ngả của định khắc thời gian nào không rõ. Một đoàn dài, một lúc lâu, cho đến cuối cùng, chị mới thấy dáng má hiện ra sau những song cổng. Bà mặc bộ đồ lam đi chùa như lúc rời nhà, để đầu trần, búi tóc sau lỏng lẻo muốn xổ xòa. Má mở cửa, rồi đi cà nhắc vì bệnh viêm khớp chân, vào ngồi xuống dưới hiên nhà. Lặng thinh nhìn ra.

Quen lắm, chị lớn lên với hình bóng má trầm ngâm như vầy. Hồi còn nhỏ, chạng vạng sáng tỉnh dậy, mò ra ngoài, lại thấy má đang bần thần bên bếp than hấp xôi âm ỉ lửa. Dáng má đơn côi, bờ lưng khòm khòm, cơ thể hơi co lại như muốn trốn vào một cõi trầm mặc của riêng bà. Khoảnh khắc ấy, dường như người phụ nữ gai góc ban ngày đã không còn nữa. Chỉ còn lại đây, rũ bỏ hết vỏ bọc sừng vảy với người đời, là một thiếu phụ yếu đuối đang sống với nỗi niềm của chính mình. Là nỗi đau, là luyến tiếc, là tủi thân, hay là sự hi vọng mong manh được níu lấy để bước tiếp? Không thể có câu trả lời, vì chị sợ chạm được vào trong tâm khảm của má. Sợ chứng kiến thứ gì đó sẽ tan tành sau hình hài từng trải thâm trầm.

Từng yêu rồi từng đau, chị mới hiểu cái nhìn xa xăm của một người đàn bà. Trời đất ơi! Trong đôi mắt thăm thẳm đó chứa cả năm tháng đợi chờ. Bóng trăng nghiêng đổ chênh chao nơi con hẻm dài. Bao đổi thay của thế sự và dòng đời làm dáng phố không còn như trước kia. Nhưng ngã rẽ vẫn còn đó, xưa là rặng tre, sau là một bức tường dài, mà ba chị sau một đêm trở về, rồi vội vã ra đi, lại chìm khuất như tan mây bọt nước.  

Thà là một gã phụ bạc, nhưng ít ra còn biết người còn sống. Thà là một nấm mồ xanh cỏ, nhưng ít ra còn biết thân xác ba ở nơi nào. Đằng này câm lặng như một nhân ảnh đã tan vào cõi mộng. Cõi mộng thì mông lung, mà ám ảnh, mà ray rứt, mà nghẹn lòng.

Và cơn mơ đây, cũng khiến chị thấy nghẹn ngào. Khi nhìn từ phía sau, bóng lưng má hao gầy như một dấu phẩy sau câu từ không thể thành âm điệu. Má trông tụi nó về phải không má, từ ngoài khi những tham vọng, những cám dỗ, những trả giá, những cay đắng mùi đời? Má không trả lời, chỉ có mong ngóng oằn xác phàm trĩu nặng.

Ngậm ngùi quá! Chị vòng tay ôm lấy má từ phía sau, tựa bao lần từng đã. Từ bao giờ, cực khổ lo cho 3 đứa con, làm thân xác son trẻ đã rút lại thành một bà già nhỏ thó chưa đầy 1/3 hình hài xưa cũ. Đã có lúc, một vòng tay chị chưa bắt hết được má. Cho đến lúc một vòng tay chị vừa vặn tấm thân bà. Rồi giai đoạn, phải siết chặt mới khít vào dáng hình trước mặt. Và giờ sững sờ nhận ra lọt thõm trong lòng chị chỉ còn lại một nắm người. Sợ đánh mất, vòng tay thật sát.

Bàng hoàng.

Vỡ.

Vỡ.

*

Ngửi thấy mùi kheng khét của thứ gì đang bị nung cháy. Và mùi tro tàn hăng hắc trong đêm tàn rằm tháng 7. Cả mùi nhang trầm leo lắt trong gió lạnh ẩm nước ùa vào. Run rẩy. Run rẩy. Run rẩy. Cố tỉnh táo khỏi cơn xúc động mạnh, để mò mẫm bàn tay chênh chao tìm kiếm xung quanh mình. Là điện thoại. Số lạ nhấp nháy trên màn hình. Bần thần nhìn một lúc lâu, mới chạm vào nghe, vọng lại tiếng khóc làm giật mình.

“Chị Hai ơi! Em vừa mơ thấy má…”.

Tiếng nấc đàn ông ứ nghẹn. Tiếng nấc trong lòng chị căng tràn rồi bục nát.

Rào rạt. Rào rạt. Rào rạt. Mưa rồi. Cơn mưa đầu tiên sau chuỗi ngày nóng bức như hư như thực. Mưa ướt hẻm, ướt sân, ướt nhà, ướt đồ, ướt cỏ cây, ướt cả mắt, cả lòng, cả linh hồn đang thống thiết. Nghe tiếng cổng sắt bên ngoài rền vang da diết. Dõi mắt ra màn trời, rã rời rơi xuống hè, con bướm lớn nào ướt cánh trong khuya thâu.   

Đ


[1] Mỡ bò: Một loại chất bôi trơn cho cửa sắt, kim loại.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm