TIN TỨC

Trình Quang Phú - tầm nhìn trong kí sự

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-08-04 12:35:23
mail facebook google pos stwis
791 lượt xem

LÊ PHONG

 

Nghiên cứu về đặc trưng của thể loại kí, Hoàng Ngọc Hiến chỉ ra rằng, đó là một “thể loại nằm ở giữa văn báo chí và văn học”; là “sự hợp nhất truyện và nghiên cứu” (dẫn theo M. Gorky); là “sự nhức nhối của trí tuệ”(1). Như vậy, về mặt lí luận thể loại, kí/ kí sự nổi bật lên ở tính chất tư liệu - người thật - việc thật (phi hư cấu), tính khoa học - trí tuệ và tính văn học (các bình diện được phép hư cấu). Từ góc độ này, xem xét những kí sự của Trình Quang Phú in trong tập Kí sự xứ người(2) chúng ta nhận ra những câu trả lời thỏa đáng, như là minh chứng cho mô hình thể loại. Tuy nhiên, mô hình hay diện mạo chỉ là kết quả của góc nhìn, điểm nhìn và hơn thế nữa là tầm nhìn. Bài viết này tập trung vào tầm nhìn của Trình Quang Phú trong Kí sự xứ người qua đó làm nổi bật đặc trưng thể loại cũng như cách tư duy và tầm vóc tư tưởng của tác giả.

 

GS - TS Trình Quang Phú

 

1. Cơ sở của tầm nhìn hay Trình Quang Phú là ai?

Việc trưng dẫn tiểu sử, nhân thân Trình Quang Phú có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề tầm nhìn trong kí sự của ông. Bởi lẽ, sự kiện - tư liệu gắn với kinh nghiệm của người viết đòi hỏi sự xác thực từ vốn sống mà anh ta có, như là một minh chứng cho những gì được thể hiện trong tác phẩm. Nhà văn Trình Quang Phú sinh năm 1940 tại Phú Yên, tham gia chống Pháp và làm liên lạc từ năm 12 tuổi. Năm 1954, khi đang là thiếu sinh quân, ông tập kết ra Bắc. Cũng từ đó, cuộc đời học tập, công tác của Trình Quang Phú gắn với rất nhiều nhân vật, sự kiện của lịch sử - chính trị - văn chương nghệ thuật Việt Nam. Có lẽ, còn nhiều điều chưa được ông đề cập trong các tác phẩm kí của mình, tuy nhiên, với các tập Còn với non sông một chữ tình (tái bản 2 lần), Nhà văn và chữ tình gởi lại, Kí sự xứ người (tái bản 3 lần), người đọc sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi sự dài rộng của không gian, thời gian, sự kiện, nhân vật liên quan đến cuộc đời Trình Quang Phú. Đó là những kỉ niệm với Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước - Quyền Chủ tịch nước - Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, cùng nhiều cán bộ cao cấp khác. Trên trường quốc tế, ông gặp gỡ, làm việc, giao lưu với lãnh đạo cao cấp, các nhân vật quan trọng của nhiều nước từ châu Á, châu Âu, châu Mĩ đến châu Phi. Trong giới văn nghệ Việt Nam, ông có nhiều kỉ niệm với Bảo Định Giang, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ, Văn Cao, Quang Dũng, Trần Hữu Thung, Sơn Tùng, Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Minh Huệ, Võ An Ninh… Điều gì đã đưa cậu bé Trình Quang Phú (Trình Tư Cảnh) đến với những nhân vật ấy? Là học trò miền Nam tập kết ra Bắc, sớm được Bác Hồ và các vị lãnh đạo Nhà nước quan tâm, chăm sóc.. có lẽ là cơ duyên đầu tiên. Sau khi được Bác Hồ tặng huy hiệu “Thật thà dũng cảm”, được học hành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa miền Bắc, Trình Quang Phú từng bước trưởng thành và tham gia vào nhiều tổ chức - sự kiện quan trọng của đất nước. Thời chiến tranh, ông từng tham gia Ban Miền Nam, làm công tác đối ngoại của Mặt trận giải phóng miền Nam, tham dự Hội nghị Paris, sau đó là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng nhiều vị trí quan trọng khác. Đó là điều kiện để Trình Quang Phú đi nhiều, biết nhiều, thâu nạp được nhiều tư liệu - tri thức về lịch sử, địa lí, văn hóa, con người ở khắp nơi trên thế giới. Hiện ông là giáo sư, tiến sĩ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông. Có thể thấy, vị trí, trọng trách, những mối quan hệ ấy sẽ chi phối rất lớn đến điểm nhìn và tầm nhìn của ông trong các tác phẩm kí sự. Bên cạnh đó, song hành con người chính trị, nhân vật của thời cuộc, Trình Quang Phú còn là một nhà văn, một nghệ sĩ với khát vọng về các giá trị nhân văn, thẩm mĩ. Bởi thế, không phải những truyện ngắn hay tiểu luận, mà kí mới là bản mệnh của Trình Quang Phú, nơi hội tụ các sắc thái sự kiện - tư liệu - báo chí và văn học.

 

2. Tầm nhìn thể loại - cách tư duy về kí sự

Vấn đề tầm nhìn thể loại trong quan sát của tôi được hiểu như là cách Trình Quang Phú tư duy, xây dựng tác phẩm. Theo đó, có thể nhận ra trong Kí sự xứ người, với 21 bài, dài gần 400 trang, thực sự là những kí sự trường thiên. Với dung lượng trung bình 20 trang cho một bài kí (bài Kỉ niệm nước Pháp: 61 trang, Nước Nga - mùa thu: 36 trang), câu hỏi được đặt ra là, tại sao tác giả viết dài như vậy. Đó chính xác là hình dáng của một lối tư duy thể loại, căn cứ trên đòi hỏi cần thiết của hình thức đối với việc chuyển tải tư liệu, câu chuyện, ấn tượng và cảm quan của người viết.

Từ góc độ nhận thức, mọi vấn đề của hiện thực đều bình đẳng và có thể được đưa vào kí. Tuy nhiên, viết cái gì, lựa chọn góc nhìn nào, ý nghĩa và thông điệp từ kí cho thấy tầm vóc tư tưởng của nhà văn. Anh ta tái dựng, tạo nên một câu chuyện (có tính xác thực) trong tác phẩm, nhưng phải xuất phát từ một hiện thực có vấn đề, trong quan sát sắc sảo, tinh tế, độc đáo nhằm đem đến cho độc giả những thông tin hữu ích. Khía cạnh “văn báo chí” đã đảm đương phần lớn công việc này trong kí. Tuy vậy, khía cạnh văn học sẽ đẩy vấn đề đi xa hơn khi nó xoáy sâu vào tính chủ quan (mà bản chất là góc nhìn, tầm nhìn, cảm xúc, trí tuệ) của tác giả. Đọc Kí sự xứ người của Trình Quang Phú, độc giả ngay lập tức nhận ra một nguồn tư liệu dồi dào gắn với không gian địa lí rộng lớn, lịch sử lâu dài, văn hóa đa dạng của các xứ sở trên khắp thế giới: Singapore, Quảng Châu (Trung Quốc), Bali (Indonesia), Langkawi (Malaysia), Phuket (Thái Lan), Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Algeria, Pháp, Nga, Đức, Áo, Bulgaria, Đan Mạch, Italia, Mĩ, Úc, Luxembourg, Monaco, Vatican, Andorra…) Không phải là những ghi chép đơn giản, mỗi bài kí của Trình Quang Phú là một mô tả, khảo sát sâu, kĩ lưỡng, trên nhiều phương diện (địa lí, lịch sử, văn hóa, kinh tế - sẽ trình bày cụ thể ở các phần sau) cùng cảm xúc và suy nghĩ của người viết khi liên hệ từ xứ người đến xứ mình. Thông tin tư liệu luôn được làm mềm hóa bằng những cảm nhận mang đầy màu sắc văn chương nghệ thuật - cái nhìn của một nghệ sĩ. Kí sự xứ người như thế là một cách thực hành, cũng là một định nghĩa tự thân của Trình Quang Phú về thể loại kí sự.

 

Nhà văn Trình Quang Phú nhận Giải thưởng văn học quốc tế Sông Mekong năm 2022

 

3. Tầm nhìn địa lí

Kí sự xứ người đặt trọng tâm vào hai vấn đề: kí - thể loại, xứ người - không gian trải nghiệm, không gian sự kiện, nhân vật. Những bài kí của Trình Quang Phú khai thác tối đa các không gian mà bản thân tác giả đã trải qua, có nhiều ấn tượng, đánh động được suy nghĩ, cảm xúc của mình. Điều kiện của công việc đã cho phép tác giả đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới. Từ Á sang Âu, từ châu Mĩ đến châu Phi, từ những xứ sở rộng lớn nhất đến những đất nước nhỏ bé nhất, từ núi non đến đồng bằng, biển đảo, sông hồ… đã in đậm dấu ấn trong những kí sự trường thiên. Qua con mắt Trình Quang Phú, quốc đảo Singapore với diện tích 700km2 (54 đảo), dân số khoảng 5 triệu người, từ một đất nước nghèo nàn, dân trí thấp, sau nửa thế kỉ (năm 1965 Singapore mới tuyên bố độc lập, tách khỏi liên bang Malaysia) đã trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới, hướng đến “dân chủ, bình đẳng, phát triển, công lí và hòa bình” (Ấn tượng Singapore). Nhật Bản - xứ sở hoa anh đào - là “một huyền thoại” của thời hiện đại. Từ Phuket nghĩ đến sự phát triển của Thái Lan. Từ Seoul, Busan, Jeju nghĩ đến tư duy quảng bá du lịch của Hàn Quốc. Đài Loan - một đất nước hai phần ba là núi và các đảo - cuối những năm 1960, thu nhập bình quân đầu người chỉ ngang một nước Trung Phi (170 USD/người) nay đã đứng thứ 18 thế giới (33000 USD/người) và dự trữ ngoại hối đứng thứ 5 thế giới… Không chỉ mô tả cảnh quan, trong những bài kí rất chi tiết của Trình Quang Phú, độc giả có cơ hội trải nghiệm lại hành trình của người viết, bằng máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, ôtô, thậm chí là đi bộ… Những con đường mở ra dưới chân, xuyên qua nhiều châu lục để đến một nước Pháp đầy kỉ niệm, đến Nước Nga - mùa thu, đến Bulgaria - Xứ sở hoa hồng, đến Berlin sâu lắng (Đức), đến Venice - Verona xứ sở tình yêu (Ý) hay một Algeria trầm tĩnh giữa lòng hoang mạc Sahara (sa mạc này chiếm ¾ diện tích Algeria)… Nối kết cả tập kí, người đọc sẽ choáng ngợp bởi không gian địa lí được thu vào trong tầm nhìn của tác giả. Mỗi bài mỗi xứ sở, được thể hiện rất kĩ lưỡng. Lối quan sát địa dư này cho thấy người viết có nhãn quan khoa học, hệ thống. Không phải chỉ là lối ghi chép của người du lịch thưởng ngoạn, đến mỗi vùng đất, Trình Quang Phú luôn xác lập không gian một cách khoa học từ diện tích tự nhiên, cư dân, sông ngòi, biển đảo, núi non, động thực vật, khí hậu, tài nguyên… gắn với sự phát triển, định hình của quốc gia - vùng đất trên không gian ấy: “Những con sông của nước Pháp: sông Loire, sông Rhone, sông Garonne, sông Seine… đều bắt nguồn từ những dãy núi phía Đông và chạy dọc chạy ngang nước Pháp, đã bồi đắp phù sa màu mỡ cho những cánh đồng bát ngát và tạo nên những thành phố ven sông, với những lâu đài cổ kính nguy nga. Tôi không thể không nhắc đến thung lũng sông Loire, con sông dài 1018km chảy hoàn toàn trên nước Pháp đã tạo nên nhiều cánh đồng của 4 tỉnh Loiret, Loire-et-cher, Indre-et-Loire và Maine-et-Loire. Đây là thung lũng vàng kiều diễm của nước Pháp” (Kỉ niệm nước Pháp, tr. 179-180); “Thủ đô Bulgaria ở độ cao 500 - 600m, dựa lưng vào khối núi Vitosha. Đây vốn là nơi cư dân thời kì đồ đá mới lưu trú, hiện còn dấu vết người nguyên thủy Setdi định cư từ 1700 năm trước Công nguyên, ngày ấy còn gọi là xứ Setdia. Đến thế kỉ 14 thành phố mới mang tên Sofia (St Sofia), theo tiếng La Mã, Sofia có nghĩa là thông thái” (Xứ sở hoa hồng, tr. 285)… Tư duy khoa học đáp ứng đòi hỏi về mặt tư liệu, trên bình diện địa lí, đã được Trình Quang Phú duy trì nhất quán trong các kí sự của mình, đem đến cho người đọc cảm quan đáng tin cậy. Một khía cạnh cũng cần nhấn mạnh thêm ở đây, trong tầm nhìn địa lí về xứ người, Trình Quang Phú luôn có động thái ngoảnh lại, hướng về các điều kiện địa lí của xứ mình, từ đó có mối liên hệ về các khả năng phát triển: “Đứng trên bờ Nam nước Pháp nhìn ra biển Địa Trung Hải, tôi càng thấy giá trị tuyệt vời của biển trong xanh, cát trắng mịn màng, gió và cả nắng của bờ biển Phú Yên, bờ biển miền Trung quê tôi mà thiên nhiên đã ban tặng” (Kỉ niệm nước Pháp, tr. 179); “Ở Việt Nam mình rừng ngập mặn nhiều, như Cần Giờ sát nách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh với khu rừng Sác lịch sử nổi tiếng, nếu xây dựng thành một thành phố du lịch thì có thua gì Venice” (Venice - Verona xứ sở tình yêu, tr. 356)...

 

4. Tầm nhìn lịch sử

Cùng với tầm nhìn địa lí, tầm nhìn lịch sử là nét nổi bật trong kí sự của Trình Quang Phú. Không chỉ là lịch sử tự nhiên của vùng đất, lịch sử văn hóa - xã hội mà chi tiết hơn nữa là lịch sử sự kiện, nhân vật, sản vật, kiến trúc. Tư duy không gian trong tầm nhìn địa lí được khắc sâu hơn nhờ tư duy lịch sử (tư duy thời gian), xác lập tư cách nhà khoa học của Trình Quang Phú trong kí sự. Ở đó, xứ người không chỉ là những gì đang diễn ra trước mắt mà còn là dấu ấn của chiều dài lịch sử bồi tụ nên hiện tại. Chiều sâu của kí sự xuất phát từ chính tầm nhìn lịch sử này.

Kí sự xứ người là một ghi chép công phu về lịch sử. Không khó để truy xuất những dấu ấn lịch sử trong mỗi bài kí, mỗi xứ sở mà nhà văn đặt chân đến: “Theo truyền thuyết, hoàng tử Nila Utama của vương triều Johor thế kỉ XI đi săn vùng Temasek và gặp sư tử nên đặt tên vùng là Singa (theo tiếng Malaysia, Singa có nghĩa là sư tử) và gọi là Singa Pura (Pura có nghĩa là thành phố theo âm Malaysia). Mãi đến năm 1819, ông Thomas Stamford Raffles - một thành viên ban lãnh đạo công ti East India (của vương quốc Anh) đã thương thảo với vương quốc Johor và kí được thỏa thuận cho công ti ông được khai thác vùng Singapura để làm thương cảng và đặt tên là Singapore” (Ấn tượng Singapore, tr. 9). Hầu như, song hành cùng tư duy địa lí là tư duy lịch sử, Trình Quang Phú không chịu đóng khung tầm nhìn của mình trong hiện tại. Đến mỗi xứ sở, ông đều nhắc lại lịch sử hình thành, những biến cố lớn tạo nên vùng đất. Như thế, kí sự không chỉ là sự ghi chép điều mắt thấy tai nghe, người thực việc thực trước mắt, mà còn là sự “nhức nhối của trí tuệ” khi tác giả lùi về quá vãng, lần lại đường đi nước bước của địa danh, nhân vật, sự kiện, sản vật. Tiêu biểu cho lối tư duy, tầm nhìn này là Kỉ niệm nước Pháp, Nước Nga - mùa thu. Nước Pháp, nước Nga cùng các thành phố nổi tiếng, các kì quan như Khải hoàn môn, Tháp Eiffel, Lâu đài Pantheon, Nhà thờ Đức bà Paris (Pháp), Điện Kremlin, Cung điện Mùa đông, Cung điện Mùa hè (Nga)… được tác giả trình bày chi tiết, tỉ mỉ, cả về lịch sử, kiến trúc và giá trị văn hóa, du lịch, kinh tế, chính trị… Không những thế, điều đặc biệt làm nên chiều sâu của những kí sự này chính là tác giả luôn nhìn thấy trong hiện tại dấu ấn của quá khứ, và nhất là dấu ấn ấy mang đậm bóng dáng của một người Việt Nam vĩ đại: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Có thể nói, Trình Quang Phú đã lần tìm trở lại từng căn nhà, góc phố, con đường, quảng trường, bến cảng, thư viện, tòa báo, nhân chứng… nơi Nguyễn Ái Quốc từng sống, làm việc, đấu tranh cho tự do, độc lập của các dân tộc thuộc địa: “Nhiều hoạt động đầu tiên cho Tổ quốc của Bác từ căn nhà số 6 Vila des Gobelins này của quận 13. Chính từ căn gác nhỏ ở ngõ Vila des Gobelins, Bác đã viết nên yêu sách 8 điểm đòi tự do độc lập cho Đông Dương”; lâu đài Versailles, nơi in đậm dấu ấn của Bác; nhà 16 đường Sainte Severrin, nơi Bác sáng lập tờ báo Người cùng khổ; thư viện Sainte Geneviève, nơi Người thường xuyên lui tới đọc sách, nghiên cứu tư liệu; gia đình ông Aubrac tại khu Soissy-Sous-Monmorency nằm phía Bắc Paris, nơi Bác ở 6 tuần để tham dự Hội nghị Fontainebleau (1946)…

 

5. Tầm nhìn văn hóa

Cùng với lịch sử, văn hóa là dưỡng chất mang lại chiều sâu và giá trị cốt lõi cho kí sự của Trình Quang Phú. Không tách rời địa lí và lịch sử, văn hóa trong quan sát của tác giả gắn kết các địa danh, sự kiện, nhân vật, bối cảnh từ quá khứ tới hiện tại. Đến mỗi vùng đất, Trình Quang Phú luôn cố gắng nhận ra những tầng vỉa văn hóa đã xác lập nên diện mạo của đối tượng. Kí sự của ông thực sự là những khảo sát sâu về văn hóa. Người đọc được cung cấp những thông tin hữu ích, giúp cho việc biết và hiểu về các xứ sở, con người, câu chuyện được nhắc tới: “Đêm đầu tiên, các bạn Áo tổ chức cho chúng tôi xem vở nhạc kịch của Mozart - nhạc sĩ thần đồng và thiên tài của thế giới. Ngồi trong rạp hát mang tên Mozart, giữa thủ đô nước Áo, xem vở diễn Cây sáo thần của Mozart, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác. Một nhà văn đã nhận xét tác phẩm của Mozart luôn bao trùm cảm xúc tươi tắn, hồn nhiên, thanh thoát, phóng khoáng và hài hòa. Mozart sống trong thế kỉ XVIII, nhưng âm nhạc của ông lại không mang nét hàn lâm viện, nghĩa là không bị gò bó khuôn khổ, mà luôn bứt phá, pha trộn rất sinh động” (Thăm thiên tài nhạc sĩ Mozart, tr. 309). Lịch sử và văn hóa trở thành khí quyển chủ đạo trong kí sự của Trình Quang Phú. Các địa danh, sự kiện, nhân vật, sự vật... mỗi khi được nhắc đến luôn hiện ra cùng bối cảnh văn hóa, lịch sử của nó. Thế nên, người đọc không có cảm giác đó chỉ là những ghi chép trực hiện, trực nhận, mà là những đào sâu nghiên cứu một cách có hệ thống. Phông văn hóa trong Kí sự xứ người khá rộng, từ văn hóa bản địa đến sự du nhập; từ quá khứ đến hiện tại; từ văn hóa ẩm thực, thời trang đến kiến trúc; từ lễ hội đến các huyền thoại, huyền sử và các giá trị khác đi cùng văn hóa. Cần phải nhấn mạnh ở đây, trong mỗi kí sự, Trình Quang Phú luôn khẳng định ý nghĩa hạt nhân cốt lõi của văn hóa trong việc kiến tạo vị thế, tầm vóc, diện mạo, giá trị của các vùng đất, nhất là trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay: “Đứng nhìn tháp bảo tàng in trên nền của dãy núi mờ xa phía sau có tòa nhà xanh của Phủ Tổng thống Hàn Quốc đang lồng lộng trên trời xanh mây trắng, tôi càng hiểu sâu sắc rằng những điều có được của mỗi quốc gia hôm nay là tầm cao có được từ nền văn hóa, từ lịch sử truyền thống của mỗi dân tộc” (Từ Seoul đến Busan, tr. 111).

 

6. Tầm nhìn kinh tế

Kí sự xứ người của Trình Quang Phú thể hiện nhãn quan, tầm nhìn của một nhà kinh tế. Bước chân mở ra con đường, con đường dẫn đến những thành tựu kì vĩ của mỗi xứ sở đã gây được ấn tượng cho nhà văn. Đó là bài học cho bản thân tác giả, và rộng lớn hơn là bài học cho sự phát triển của Việt Nam. Singapore đã làm thế nào mà chỉ trong hơn nửa thế kỉ đã trở thành một cường quốc về kinh tế? Hàn Quốc đã làm thế nào để đứng vào hàng những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới? Thái Lan, Nhật Bản, Pháp, Nga, Đức, Hoa Kì, Úc, Đan Mạch, Bulgaria… đã từng bước trở thành những trọng điểm trên bản đồ kinh tế thế giới như thế nào? Có thể thấy, mối bận tâm của tác giả là khá lớn, trong tham vọng đưa đất nước theo kịp với sự phát triển của năm châu: “Tôi miên man trên con đường Ánh Trăng với dòng suy nghĩ sự đột phá nào để đưa bờ biển Việt Nam, những thành phố biển Việt Nam có ngành công nghiệp dịch vụ và du lịch đóng góp được như Busan?” (Từ Seoul đến Busan, tr. 128). Rõ ràng trong những bài kí này, người ta thấy tầm vóc tư tưởng, tầm nhìn của Trình Quang Phú đối với các vấn đề, sự kiện, nhân vật, vùng đất mà ông ghé tới. Cuộc đời và những hoạt động chính trị, ngoại giao, kinh tế từ quá khứ đến hiện tại đã cho Trình Quang Phú tầm nhìn vĩ mô ấy.

Kí sự xứ người là một cuốn sách thực sự “nặng kí”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong quá trình đọc của mình, tôi nhận ra, ngoài những vấn đề đã nói tới ở trên, các kí sự còn toát lên “tầm nhìn ngoại giao”, “tầm nhìn sinh thái môi trường”, “tầm nhìn về tương lai”. Rõ ràng, với cương vị của mình, những cơ hội và trách nhiệm phải thực hiện, Trình Quang Phú luôn gắng để thâu nạp và đào sâu khảo cứu, suy nghĩ trên mỗi hành trình, ở mỗi xứ sở. Bằng lối viết tỉ mỉ, công phu; văn phong hòa trộn giữa khảo cứu và ghi chép, giữa báo chí và văn chương, khi thì cẩn trọng chi li, khi thì thoáng đãng mộng mơ; với thái độ tự hào, ngưỡng mộ, khâm phục; với tư liệu dồi dào xác thực và ấn tượng cá nhân bay bổng trong tâm hồn nghệ sĩ… tất cả đã mang đến những kí sự bề thế, xứng đáng là một “cẩm nang” cho những ai đang hăm hở trên đường khám phá thế giới. Với giá trị ấy, Giải thưởng văn học quốc tế Sông Mekong (2022) dành cho Trình Quang Phú là một ghi nhận hết sức xứng đáng

L.P/VNQĐ

--------

1. Nhiều tác giả, Nghệ thuật viết truyện ngắn và kí, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 220.

2. Trình Quang Phú, Kí sự xứ người, Nxb Hội Nhà văn, tái bản lần thứ 3, Hà Nội, 2023.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm
Nội trú trong ta một nỗi buồn
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về “Năm ngón chưa đặt tên” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn 2024
Xem thêm
Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?
Bài viết của Lê Xuân Lâm, cộng tác viên tích cực của Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm