TIN TỨC
  • Truyện
  • Còn thương giàn mướp trổ hoa vàng | Lê Thanh Hải

Còn thương giàn mướp trổ hoa vàng | Lê Thanh Hải

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-03-24 17:27:54
mail facebook google pos stwis
6011 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

LÊ THANH HẢI

Con gái lớn và chồng tôi đều xung phong tình nguyện đi vào vùng tâm dịch hơn một tháng nay, chỉ còn tôi và con gái nhỏ ở nhà.

Sáng chủ nhật ngủ dậy vừa vệ sinh cá nhân tôi vừa bật tivi nghe tin tức. Ăn sáng xong, tranh thủ pha tách cà phê, rồi thong thả lấy cái bình xịt cây cảnh tưới cho mấy giò phong lan rừng bác trưởng thôn tặng tôi từ mùa đông giáp Tết năm ngoái trong chuyến đi cùng đoàn thiện nguyện lên vùng cao tặng quà cho trẻ em nghèo. Tôi ngó qua ban công, dưới sảnh chung cư vắng lặng không nghe tiếng bọn trẻ con nô đùa nhộn nhịp do bị bố mẹ nhốt trong phòng hoặc đã được gửi về quê nghỉ hè tránh dịch Covid-19. Tiếng con gái tôi gọi mẹ xé toang bầu không khí tĩnh lặng:

- Mom my! Help me! Con cần trợ giúp mẹ ơi!

- Lại gì nữa đây công chúa nhỏ răng sún của tôi?

- Mẹ gợi ý giúp con ít câu tả bài văn giàn mướp nhà em với? Mai cô giáo bắt đầu dạy online mà con chưa làm được bài tập cũ.

Cô giáo này chắc mới được chuyển từ quê lên phố hay sao mà toàn ra mấy cái đề ở vùng nông thôn. Tôi lầm bầm thầm nghĩ. Mong cho dịch bệnh nhanh qua để bọn trẻ đi học chứ cứ nhốt ở nhà mãi thế này cái đầu bố mẹ muốn nổ tung mất. Có lẽ sang năm học mới dự họp phụ huynh phải đề xuất cô giáo kiến nghị với nhà trường tăng cường tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa để bọn trẻ được trải nghiệm thực tế ở vùng ngoại thành. À mà con gái vừa bảo tả gì nhỉ? Tả giàn mướp? Như có một luồng điện len vào cơ thể dừng lại tim tôi đau nhói, ngược dòng thời gian gợi nhớ trong tôi về ký ức tuổi thơ với những kỷ niệm đẹp và buồn.

Tôi nhớ về mùa hè cũ bên giàn mướp trổ hoa vàng của ông bà nội. Cứ mỗi lần hè sang, tôi lại giống như con chim sẻ non sổ lồng được bố mẹ gửi về quê nghỉ hè cùng ông bà nội. Nhớ con đường nhỏ gần lối rẽ về nhà ông bà ngoằn ngoèo, mấp mô những bụi sim, bụi mua dại chen nhau mọc lúp xúp nở hoa tím ngắt... Bao mùa hè tuổi thơ tôi với thằng Tèo và bầy con nít trong xóm lau nhau chơi trò trốn tìm nấp bắn, nụ cười lắc rắc ngây ngô nhe hàm răng sún đen thui tím lịm vì ăn đủ thứ quả dại…

Nhà ông bà thấp nhỏ, lọt thỏm giữa khu vườn rộng lớn bên những cây cau thẳng tắp cao vút trước hiên nhà. Mỗi lần về quê người tôi nhớ nhất và mong gặp nhất là thằng Tèo, nó lớn hơn tôi một tuổi. Nhà thằng Tèo kề bờ ao nhà ông bà tôi, chỉ có giàn mướp hoa vàng là ranh giới giữa phần đất của hai nhà không có bờ tường xây ngăn cách như bây giờ. Hè đến không chỉ mình tôi háo hức về quê, tôi biết thằng Tèo cũng thấp thỏm mong chờ tôi từng ngày, khi giàn đồng ca mùa hạ của lũ ve sầu cất lên cả tôi và thằng Tèo đều chung tâm trạng xôn xao, háo hức. Buổi sáng thức dậy trước lúc dắt trâu ra đồng dù sớm hay trễ nó cũng phải ghé qua nhà ông bà tôi để nghe ngóng tin tức xem tôi trên thành phố sắp về chưa. Nó hị hụi suốt tuần, cả trưa không ngủ để vót tre, lượm bao xi măng, giấy báo cũ cắt cắt, dán dán làm con diều to bự chảng hóng tôi về cùng đem ra bãi thả. Tôi yêu những ngày hè tự do thoải mái, sảng khoái rong ruổi trên lưng trâu, tung tăng trên đồng cỏ xanh bát ngát, chạy theo cánh diều sáo vi vu trong gió... Mỗi khi chẳng may diều bị đứt dây, đuổi theo đi tìm diều mệt nhoài muốn tắc thở mà vẫn vui không thể tả nổi cùng thằng Tèo, cái Na, cái Nụ…

Nhớ mỗi sớm mai thức dậy, rửa mặt và uống nước trong bể hứng nước mưa ngọt lịm, đứng bên bờ ao ngắm giàn mướp nở hoa vàng. Tôi rón rén nín thở dõi theo những chú chuồn chuồn kim, chuồn chuồn ớt sặc sỡ... sợ làm chúng giật mình bay đi mất. Những bông hoa mướp vàng hươm rực rỡ trong nắng đua nhau xòe cánh mỏng dụ bọn ong bướm bay đến, lũ ong tranh nhau hút mật và thụ phấn cho hoa đậu quả sai chi chít. Bà nội tôi nổi tiếng là người mát tay nhất vùng, nuôi con gì cũng mắn đẻ, trồng cây gì cũng tốt tươi sum suê hoa trái. Mới hôm nọ mấy quả mướp vừa nhú nhỏ như đầu đũa, ít ngày sau đã thành trái rồi to bằng bắp tay. Mướp xào tép đồng tươi lá lốt, mướp nấu canh hến, mướp nấu canh lạc, mướp nấu canh cua với mồng tơi rau đay… bà nội nấu cả nhà ăn cơm canh mướp với cà pháo suốt 3 tháng hè ròng rã mà không ai kêu chán. Sau này khi tôi lớn lên lập gia đình mỗi lần đi siêu thị mua mướp về nấu kiểu gì cũng không thấy cảm giác thơm ngon ngọt như nồi canh mướp ngày xưa bà nấu ở quê tôi được ăn….

- Hùm! - Thằng Tèo đập vào vai bất thình lình làm tôi giật thột, bọn chuồn chuồn cũng hốt hoảng bay mất. Bực mình, tôi lườm nó thật dài tỏ vẻ giận dỗi. Thằng Tèo cười hì hì, dúi vào vạt áo tôi củ khoai lang to tướng, nóng hổi thơm phức để làm hiền, rồi nói với tôi:

- Có giàn mướp với mấy con ong, con chuồn chuồn ngắm gì ngắm hoài. Tui biết rồi, lại viết văn làm thơ đó hả? Nghe thơ tui đây nè! - Thằng Tèo hắng giọng oang oang:

“Ngố ở trên phố về

Ô kìa có giàn mướp

Trồng bên cạnh bờ ao

Ngố hái mướp về xào

Rơi lăn tùm xuống ao… ”

 

- Ha ha ha! Hay không? Thơ tui cũng hay không kém thơ của Ngọc viết đó nha, mà tui có cần ngồi lì cả buổi bên bờ ao trầm tư suy nghĩ như đi ẻ bị táo bón đâu ! - Thằng Tèo ưỡn ngực tự hào với mẩu thơ con cóc nó vừa ứng khẩu sáng tác xong.

- Xí í í…! Không ai viết thơ kiểu đó cả, lại nói bậy nữa rồi gớm quá đi!

- Bữa sau sinh nhật Ngọc tui tặng hoa mướp nha! Ha... ha!... Thằng Tèo cười khoái trá trêu tôi. Bực mình quá tôi xô nó một cái, nó ngã bủm xuống ao ướt như chuột lột. Tôi nhìn nó lóp ngóp bò lên bờ ao, sung sướng toác miệng cười như nắc nẻ vì đã trả thù được nó dám trêu ghẹo tôi.

- Mấy đứa quỷ nhỏ nghịch gì sau đó? - Tiếng bà nội trong nhà hỏi vọng ra.

- Dạ con hái mướp giúp nội để trưa nấu canh mà! - Tôi nhanh nhảu trả lời bà nội.

- Thằng Tèo về dắt trâu ra đồng cho trâu ăn không trâu đói nghe không? Trâu sắp đẻ rồi đó, lo mà chăm cho cẩn thận đi để ít bữa có con nghé bán lấy tiền, chớ vô năm học không có tiền đóng học phí cho cô là cha mày cho nghỉ học ở nhà đi cày luôn đó.

- Dạ nội! - Thằng Tèo đáp lại lời bà nội tôi rồi vòng ra sau giàn mướp vọt qua hàng rào về nhà rất gọn lẹ. Tôi trở vào tìm cái mũ lá cọ chạy vội ra cửa đã thấy Tèo và trâu đợi sẵn đó rồi. Nó nhẹ nhàng cẩn thận đỡ tôi ngồi lên lưng trâu, nó ngước nhìn tôi mỉm cười vui sướng. Bên tai cài bông hoa mướp vàng rực rỡ nổi bật trên mái tóc đen óng ả, tôi giống như nàng tiên giáng trần cưỡi trâu xuống thăm hạ giới. Đám con nít loai choai nhìn theo tôi và thằng Tèo với ánh mắt đầy vẻ ghen tỵ. Thằng Tèo vênh váo dắt trâu ra đồng bước đi từng bước thong thả hãnh diện. Cả bọn lau nhau nhí nhố chạy theo chúng tôi vừa hát vừa cười như nắc nẻ:

“Cô dâu chú rể

Đội rế lên đầu

Đi qua đầu cầu

Đánh rơi nải chuối…”

... Mùa hè vui vẻ trôi qua thật nhanh làm chúng tôi cảm thấy hụt hẫng, mùa hè này vừa hết tôi đã mong sớm đến mùa hè năm sau. Tôi lưu luyến tạm biệt ông bà nội, tạm biệt thằng Tèo để trở về thành phố chuẩn bị vào năm học mới. Mẹ đã chuẩn bị đầy đủ đồng phục, nơ kẹp tóc, dép, cặp sách, bút vở mới… và cả chiếc cờ đỏ sao vàng nhỏ xinh để tôi sẵn sàng đến trường đón ngày khai giảng gặp lại cô giáo và các bạn. Cuối tuần tôi gọi điện thoại cho ông bà nội, nhà ông bà nội có điện thoại bàn do bố mẹ tôi lắp để liên lạc với ông bà, ai trong xóm có con cháu làm ăn xa nhà gọi về thường hay qua nhà ông bà tôi nghe nhờ. Sau khi lễ phép chào hỏi sức khỏe ông bà, người đầu tiên tôi hỏi thăm là thằng Tèo và con trâu. Bà nội cho tôi biết thằng Tèo vẫn khỏe và đi chăn trâu hàng ngày, con trâu đã đẻ con nghé đẹp lắm. Bố của thằng Tèo đã bán con nghé rồi nhưng thằng Tèo vẫn không có quần áo mới, cặp sách mới, dép mới… Thằng Tèo không phải đi khai giảng nên không cần mua những thứ đó nữa vì nó đã nghỉ học rồi. Sao kỳ lạ quá vậy, trâu đã đẻ nghé bán lấy tiền rồi mà Tèo lại nghỉ học? Tôi thắc mắc, bà tôi trả lời do bố thằng Tèo đi phụ hồ bị tai nạn lao động sập giàn giáo gãy cả hai chân phải đi bệnh viện điều trị dài ngày, thằng Tèo nghỉ học ở nhà để phụ mẹ lo việc đồng áng. Tôi nghe bà nội kể mà buồn rười rượi vì thương thằng Tèo. Tôi nhờ bà gọi thằng Tèo sang nhà bà nghe máy để tôi gặp nói chuyện với nó nhưng bà bảo Tèo không chịu gặp tôi. Những lần sau, lần nào tôi gọi về gặp ông bà nhưng không lần nào thằng Tèo gặp tôi dù bà tôi có sang gọi nó cũng kiên quyết không gặp. Sau này tôi nghe người làng kể lại, từ hôm đó nó trở nên lầm lì ít nói hẳn đi không còn hoạt bát bông đùa như trước. Sáng sáng nó vẫn lụi cụi dắt trâu ra đồng lủi thủi bước đi từ mờ sáng tránh giờ gặp mấy đứa bạn học chung lớp cùng nhau đến trường. Buổi chiều dắt trâu về, đám con nít lít nhít đuổi theo trêu ghẹo nó:

- Tèo ơi! Cô dâu đâu rồi? Cô dâu về thành phố lấy hoàng tử rồi không lấy anh Tèo đâu chúng mày ơi!

Những lời trêu đùa vô duyên của bọn trẻ trâu như ngàn mũi kim châm vào trái tim non nớt nhiều tổn thương của cậu bé mới lớn.

Những mùa hè sau tôi không về quê vì bận ôn thi vào cấp 3 rồi lại tiếp tục ôn thi đại học, chỉ có bố mẹ tôi về thăm ông bà và mỗi khi có việc giỗ chạp ở quê thì bố lại chở mẹ về. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT lớp 12 tôi mới được trở về thăm quê với bố mẹ. Vừa gặp ông bà tôi đã mong tìm gặp Tèo để hỏi cho ra nhẽ vì sao Tèo đoạn tuyệt cắt đứt liên lạc không thèm trả lời tôi? Ông bà tôi nhìn nhau, bố mẹ tôi nhìn tôi rồi lại nhìn nhau ai cũng mắt đỏ hoe nghẹn ngào ôm chặt tôi báo tin như sét đánh, trời sập: “Tèo mất rồi con ạ!”. Tai tôi như ù đi. Tôi cố gắng định thần để nghe cho rõ, đầu óc tôi ong ong bùng bùng quay cuồng, chân tay bùn rủn mềm lũn. Rồi tôi gào lên trong tuyệt vọng:

- Tèo ơi! Tèo làm sao mà mất được? Vì sao mà Tèo mất? Mất lúc nào? Sao mọi người lại dấu con không nói cho con biết? Mọi người thật độc ác! Tèo ơi!

Tôi òa lên khóc, giãy đành đạch vật vã đau đớn như con lợn bị người ta chọc tiết. Bố mẹ ông bà mọi người ôm chặt lấy tôi an ủi dỗ dành không cho tôi giãy giụa cào cấu tự làm tổn thương thể xác tôi.

Tèo mất vào đúng mùa hè cũng là lúc tôi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và thực hiện nguyện vọng ước mơ bước vào cánh cửa trường đại học rộng lớn. Ông bà, bố mẹ đều dấu tôi về cái chết của Tèo vì không muốn tôi phân tâm trước kỳ thi quan trọng của cuộc đời. Ít ngày sau, khi tôi bình tâm trở lại chấp nhận sự thực Tèo không còn nữa, mọi người mới kể lại cho tôi nghe tường tận sự việc. Buổi hôm ấy, bọn trẻ rủ nhau ra sông tắm gặp đúng chỗ nước sâu và xoáy, Tèo đang chăn trâu nghe tiếng mấy đứa đứng trên bờ hô hoán kêu cứu nó vội vã chạy lại nhảy xuống bơi ra dòng nước xiết cứu bọn trẻ. Tèo cứu được 3 đứa thì kiệt sức không bơi được vào bờ... Gần hai ngày sau người làng mới tìm được xác Tèo và hai đứa trẻ nữa. Cả làng quê nức nở ai oán đưa Tèo và hai đứa trẻ ra đồng trong buổi chiều hè sôi nắng oan nghiệt, 3 nấm mồ nằm sát cạnh nhau và những bụi mua, bụi sim tím ngắt gợi niềm đau sâu thẳm tâm can…

Giá mà ngày ấy chúng tôi có smartphone như các con tôi và bọn trẻ bây giờ thì có lẽ Tèo đã không phải chịu ấm ức tổn thương một mình nhiều đến vậy. Tèo ơi! Tôi xin lỗi đã không ở bên cạnh bạn lúc đó!…

- Mẹ! Mẹ nghĩ gì vậy? - Con gái tôi ôm lấy tôi làm tôi giật mình trở về thực tại.

- Sao mặt mẹ nhợt nhạt và đổ mồ hôi nhiều vậy? Mẹ mệt sao?

- Ừ, mẹ hơi chóng mặt một tý nhưng không sao mẹ ổn mà.

Con gái rót cho tôi cốc nước ấm và ân cần nói với mẹ:

- Mẹ mệt thì nghỉ đi, tối con gọi điện hỏi chị Trang về bài văn cũng được.

Trang, con gái đầu của tôi nối nghiệp bố theo ngành y, đang là sinh viên khoa Dược năm thứ ba tình nguyện cùng đoàn thanh niên trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh tham gia hỗ trợ ở bệnh viện dã chiến chống dịch Covid-19.

- Mẹ ơi! - Cô con gái nhỏ ôm con lợn sứ đến bên tôi thủ thỉ - Mẹ cho con mổ lợn ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid mẹ nhé, để giúp các bạn nhỏ khó khăn ở vùng dịch mua đồ dùng sách vở… Chuẩn bị sắp đến ngày khai giảng rồi mẹ ạ.

- Ừ, mẹ đồng ý con yêu! Chú lợn của con chắc chắn sẽ rất vui khi được thực hiện nhiệm vụ tốt và nhiều ý nghĩa như vậy. Các bạn nhỏ nhận đươc quà của con cũng vui lắm. Bố, mẹ, chị Trang tự hào về con, cả nhà ta cùng góp sức vào chiến dịch phòng chống Covid-19.

Tôi xoa đầu con gái mỉm cười, cảm động trước suy nghĩ trưởng thành của con gái nhỏ. Nó cũng bằng tuổi tôi và Tèo ngày ấy. Tôi thì thầm với lòng mình: Tèo ơi! Cầu mong bạn được vui vẻ hạnh phúc ở thế giới khác đầy ắp niềm vui và tiếng cười. Bạn linh thiêng phù hộ cho mọi người, mọi nhà bình an vượt qua đại dịch nhé bạn thân yêu của tôi!

Giữa cơn mưa bất chợt làm dịu mát bầu không khí nóng bức của mùa hạ, tôi nhớ về ánh nắng sớm mai rực rỡ bên giàn mướp trổ hoa vàng đẹp lung như tình bạn tuổi thơ còn mãi trong ký ức của tôi...

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm